Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Chờ… - Truyện ngắn của Nguyễn Ngọc Đào Uyên

Chờ… - Truyện ngắn của
Nguyễn Ngọc Đào Uyên

Rớt đại học, con Hường đi Bình Dương. Đậu cao đẳng sư phạm, thằng Thiệt xuống Long Xuyên. Xóm Cào vắng bóng hai đứa mới ngày nào còn là con nít. Con đường mòn nắng bụi mưa bùn nằm buồn hiu nhớ hình ảnh hai đứa học trò còng lưng chở nhau đi học sớm chiều. Bà bán bánh đầu cầu tiếc hùi hụi hai cái mối ruột “bánh lọt, mủ gòn” mỗi trưa đi học về ngang… Nhưng có lẽ buồn nhất là thằng nhỏ. Thì hai đứa nó là bạn thân nhất của thằng nhỏ từ đó tới giờ, có ai dám giành vị trí đó nữa!
Thằng nhỏ đã cùng con Hường, thằng Thiệt chạy sấp ngửa trên cánh đồng trơ gốc rạ trong những chiều lộng gió để căng một cánh diều; cùng hai đứa bắt con chuồn chuồn cắn rốn tập lội; lúc đã biết lội thì hùa nhau lội đua qua sông, chui vô vườn bà Hai hái trộm xoài, cùng ù chạy té khói khi bị chó nhà bà Hai rượt… Lớn lên một chút, thằng nhỏ cùng hai đứa tập đánh vần, lang thang ra mấy bờ đê thọc hang cua, bắt ốc hoặc hái rau muống về cho heo ăn. Lớn một chút nữa thì cùng nhau thăm lờ, gỡ lưới mùa nước nổi; cùng nhau co giò chạy thục mạng qua mấy gò mả mỗi tối đi học phụ đạo về. Đó là năm con Hường, thằng Thiệt học mười hai, chứ thằng nhỏ đâu có cái hạnh phúc được đi học đường hoàng như hai đứa nó. Thằng nhỏ chỉ đi theo chơi cho vui vậy thôi! Vậy mà chớp mắt một cái, con Hường lên thành phố, thằng Thiệt xuống tỉnh, chỉ riêng thằng nhỏ ở lại quê. Buồn gì đâu! Nhớ cái bữa con Hường coi điểm thi về, nó khóc hụ hụ, vặt nát mấy bụi lá dúi ngoài hè. Má con Hường mắng nó té tát:
– Rớt thì thôi! Rớt đại học có gì mà mày làm dữ như cha mẹ mày chết vậy? Tao đã biểu nghỉ học từ đầu mà cha con mày có nghe đâu! Dẹp hết! Từ nay khỏi đi học, ở nhà, đi làm có tiền để tiếp cái nhà này chớ!
Mắng xong, bà Sáu te tái đi qua nhà hàng xóm chỗ có sòng bài đang đợi bà cho đủ tay. Chừng thằng Thiệt qua tới, thấy con Hường khóc mắt đã sưng. Tội nghiệp cả thằng nhỏ và thằng Thiệt đều không biết phải nói gì, cứ đứng xớ rớ dòm con Hường. Thằng nhỏ muốn nói: “Nín đi Hường ơi!” mà không thể. Hồi lâu thằng Thiệt mới thẻ thọt:
– Có gì sang năm thi… đừng khóc mà…
Con Hường hỉ mũi cái rột, mếu máo:
– Ông biết má tui rồi. Bả hổng cho tui thi nữa đâu! Chuyến này kể như tui tiêu. Chấm dứt học hành. Chắc tui “đi Bình Dương bán nước tương” rồi…Hu hu…
Thằng Thiệt cứng họng. Má con Hường, Bà Sáu Mụn Ruồi xóm này ai không biết. Năm con Hường mới vô lớp mười, tóc vừa mượt, vừa ra dáng con gái, bả đã đòi gả chồng, bắt nó nghỉ học đi lấy chồng Đài Loan. Nhờ ba con Hường làm dữ, thêm thầy cô bên trường qua, mấy chú trong hội khuyến học xã xuống, con nhỏ mới được đi học tiếp. Đầu năm mười hai, bà sáu đã hăm he:
– Mày mà thi rớt thì ở nhà, lấy chồng Đài Loan nghe mậy!
Ở nhà, ba thằng Thiệt hay nói với nó:
– Tao coi, đàn bà xóm này không có ai như con mẹ Sáu. Đàn bà gì không lo mần ăn, tối ngày dạo xóm, gầy sòng! Thằng anh con Hường mới lớp sáu đã bắt nghỉ học, đi làm. May mà con Hường còn học được tới đây! Mộng gả con nước ngoài suốt! Đàn bà gì mà tham tiền!
Là ba thằng Thiệt nói trong nhà nghe vậy thôi mà không biết sao những lời ấy tới tai bà Sáu. Bà cũng trề môi cho mấy bà trong sòng bài cùng nghe:
– Tui tham tiền kệ mẹ tui! Mắc mớ gì chả! Tiền ai mà không ham. Chả làm như chả tốt lắm, sống không cần tiền hổng bằng… Ừ thì con Hường tui đẹp, tui gả Đài Loan cho nó sung sướng cuộc đời. May thằng Thiệt, con Hường hổng có gì với nhau, chớ mà có thì đừng mơ!
Từ cái hôm đó, hai ông bà ghét nhau ra mặt, mặc dù chưa công khai “khẩu chiến” với nhau trận nào. Ừ thì bà Sáu ham tiền, thành ra số con nhỏ đã được định đoạt. Thành ra thằng nhỏ và thằng Thiệt chỉ còn biết ngồi nhìn con Hường từ khóc hu hu chuyển sang khóc thút thít vì không còn nước mắt; khóc từ lúc mặt trời còn nằm xéo xéo trên đỉnh ngọn núi đằng tây đến khi mặt trăng lừ đừ hiện lên trên tàu chuối, đám muỗi đói như cũng khóc dùm con Hường vo ve bên lỗ tai…
Thằng nhỏ thích gió bấc. Nó thích nghe đám chuối mé sông xào xạc khua mỗi trận gió lùa, thích khí trời hanh hao, se lạnh báo hiệu đến Tết. Hồi nhỏ ba đứa đều mong đến những ngày này, nước rút, gió lùa buôn buốt mà lòng nôn nao Tết. Năm nay thằng nhỏ còn nôn nao gấp bội khi gió lùa xào xạc trên mái lá vì tết này thằng Thiệt, con Hường sẽ về. Từ bữa hai đứa kia đi tới giờ mới có cơ hội gặp nhau đầy đủ. Rồi con Hường về. Thằng nhỏ đang đứng dưới gốc mai thì thấy con Hường đi ngang qua, gọi mà con Hường không nghe. Nhìn con Hường là lạ. Trắng hơn, đẹp hơn hồi còn ở nhà. Thì bây giờ là dân thành phố mà. Con Hường không chịu nghe lời bà Sáu lấy chồng ngoại quốc, mà xin vào một công ty may ở Bình Dương làm công nhân.
Bà Sáu vẫn không thôi ra rả: “Thì cho nó làm công nhân tạm một thời gian. Chừng nào có mối tốt bà Muội cho tui hay!”. Bà Muội là cái bà chuyên làm nghề mai mối cho mấy cô gái quê lấy chồng ngoại. Có ba, bốn cô xóm trong, xóm ngoài cũng nhờ bà Muội mai mối lấy chồng nước nào đó mà đi biệt tăm rồi! Thằng nhỏ vái trời bà Muội đừng tìm được mối nào cho con Hường hết… Tối hôm đó, mãi nhìn bà Tư vớt bánh tét, chừng thằng nhỏ sực nhớ ra lời hẹn gặp nhau, cắm đầu chạy đến nó đã gặp con Hường, thằng Thiệt đã ở chỗ hẹn tự bao giờ. Nhưng… hai đứa đang cãi nhau. Thằng nhỏ đành đứng lại sau gốc cây, nhìn chừng. Con Hường lại đang khóc. Tật mít ướt không bỏ! Thằng Thiệt đang nói mát mẻ, mà không, mỉa mai thì đúng hơn:
– Bây giờ Hường đẹp quá, thay đổi quá rồi! Người ta là dân thành phố, sao giống hồi xưa được!
Thằng nhỏ không nghe con Hường lí nhí cái gì, chỉ nghe thằng Thiệt đâm quạu:
– Chuyện hồi trước, con nít mà nhớ làm chi! Mắc cười thiệt!
Con Hường lại sụt sịt, rì rầm chuyện gì nữa đó. Thằng Thiệt lại nạt ngang:
– Mệt quá đi! Về mà lo ôn thi, học lại. Thời buổi gạo châu củi quế này, lương giáo viên ba cọc ba đồng như tui làm sao nuôi nổi cả nhà được! Tui mà cưới vợ là phải cưới người có nghề nghiệp đàng hoàng, ổn định!
Càm ràm thêm một chút nữa, thằng Thiệt bỏ đi. Con Hường nằm vật ra cỏ, không khóc nữa mà ngước mắt nhìn trời. Thằng nhỏ sau gốc cây cũng ngước nhìn theo. Trời đêm tối thui, chỉ có mấy ngôi sao chớp tắt. Mấy tháng trước, cái đêm con Hường chuẩn bị lên thành phố làm công nhân trời cũng tối thui như vầy nè. Đêm đó, thằng nhỏ cũng phải ngước mắt nhìn trời một cách bất đắc dĩ vì thằng Thiệt không biết đến sự có mặt của thằng nhỏ đã ôm con Hường hôn đắm đuối! Bà Sáu má con Hường đâu biết được cái tình ý mà hai đứa nó giấu từ lâu!…
Gần một năm trời xa xóm, thằng nhỏ mới trở về. Xóm cũng chẳng thay đổi gì nhiều. Vẫn những gương mặt cũ, xóm làng, bờ kênh cũ. Một năm trời xa xứ, thằng nhỏ cũng nhớ quê, cũng muốn về lắm nhưng giận thằng Thiệt mà không về! Tết năm nay, thằng Thiệt cưới vợ. Dù gì cũng là bạn thân không về coi sao được! Thì về! Mà cái thằng này mới quái. Ai đời con nó gần thôi nôi, nó mới làm đám cưới! Cả cái xóm Cào này chưa có đám nào kì cục như vậy. Thành ra đám cưới được bao nhiêu người quan tâm. Đứng nhìn hình cưới thằng Thiệt treo ngoài cửa ngõ mà thằng nhỏ ấm ách trong bụng. Nó nhớ tới thằng bạn chân trần thả diều cùng con Hường; thằng con trai mới lớn chở con Hường đi học trong gió bấc buôn buốt, tay nắm tay con Hường ấn vào túi áo khoác cho ấm; và nó nhớ cái đêm cuối cùng, con Hường chuẩn bị đi làm công nhân…
Đêm đó, thằng nhỏ đã bỏ về sớm khi “lỡ” nhìn thấy thằng Thiệt ôm siết lấy con Hường rồi hai đứa nó lăng xuống bụi trâm bầu! Vậy mà có mấy tháng sau, thằng Thiệt nói với con Hường: “Chuyện con nít nhớ làm chi! Mắc cười thiệt!”. Ba nó đặt nó tên Thiệt, không đúng chút nào! Chắc vì tình cảm nó dành cho con Hường không đủ lớn? Hay vì nó thiệt ra không yêu con Hường? Thằng nhỏ không biết mà cũng không muốn biết! Thằng nhỏ chỉ biết mình muốn đánh thằng Thiệt một trận thiệt đau cho hả giận. Mà không làm được. Tết năm ngoái con Hường không về quê ăn tết, nó ở hẳn trên thành phố, chắc nó buồn! Chỉ có một mình thằng Thiệt về. Nó về đêm trước thì đêm sau đã bị ba nó xách gậy rượt ra tới gò mả vì cái tội… về bắt ba nó cưới vợ cho nó, vì con bồ đã lỡ… có bầu!
Tranh của họa sĩ Trần Thắng
Sau cái đêm đó, thằng nhỏ quyết định bỏ lên thành phố tìm con Hường vì thương con Hường, một phần vì ghét đến mức không muốn nhìn mặt thằng Thiệt. Lần mò, thằng nhỏ cũng đến được chỗ con Hường ở trọ. Thấy con Hường sống cực khổ mà thương! Cuộc sống xa nhà chật vật, thiếu thốn, lương công nhân có dư giả được gì! Hết làm việc đến tăng ca, không mấy khi thằng nhỏ thấy con Hường đi chơi, nó muốn tìm quên trong công việc hay muốn kiếm tiền gửi về cho má? Giữa cái thành phố thợ hàng ngàn công nhân này thằng nhỏ mơ hồ thấy bạn mình đang đánh mất tuổi xuân… Cho đến một ngày kia, thằng nhỏ nghe mở cờ trong bụng khi thấy con Hường có bạn trai. Nó mừng bạn mình đã đến một khúc quanh mới, ở đó có niềm vui…
Tết này con Hường cũng về với thằng nhỏ, về để dự cái đám cưới này nè! Nó không thể quên được mối tình đầu với thằng Thiệt hay vì đã quên rồi nên nó mới về đây? Thằng nhỏ đi vòng ra sau bếp, ở đó mấy bà, mấy cô đang rộn ràng pha thịt gói ba tê, kho hột vịt. Con Hường cũng cười cười nói nói mà mắt thì vô hồn, trống vắng làm sao! Thím bảy quở: “ Con Hường sao xanh xao dữ bây?” “Chắc tại con tăng ca nhiều quá thím ơi!”- Con Hường trả lời mà lòng thằng nhỏ quặn lên. Con Hường ốm, con Hường xanh vì sao, chỉ có con Hường và thằng nhỏ biết. Thằng nhỏ đã đứng ngoài cửa phòng chờ nghe thời gian trôi rất lâu, rất lâu… Thằng nhỏ nghe tiếng con Hường rên khe khẽ, thằng nhỏ dường như còn nghe cả tiếng cái “mỏ vịt” hút lạo xạo trong bụng con Hường…
Bạn trai con Hường mất tích. Một mình nó phải đem cái bầu gần hai tháng đi giải quyết, chứ biết phải làm sao vì xóm Cào này và nhiều xóm Cào khác nữa vẫn chưa thể chấp nhận những người không chồng mà chửa! Nhìn con Hường xiêu vẹo bước ra từ phòng tiểu phẩu mà thằng nhỏ rớt nước mắt. Có ai đâu giúp con Hường mua một ly trà đường lấy lại sức sau nỗi đau lòng phải dứt bỏ mầm sống mới tượng hình? Con Hường đã khóc một chập hết nước mắt. Chắc hết nước mắt thật rồi nên đã lâu lắm thằng nhỏ không nghe con Hường khóc lần nào nữa… Thằng Thiệt xúng xính áo mới ẵm con ra khoe với mấy thím, mấy cô. Thằng nhỏ liếc con Hường, thấy nó mím môi ngoảnh vội ra sân. Thằng nhỏ nghe mũi mình cay xộc…
Qua Tết, con Hường đón chuyến xe đò sớm lên thành phố. Dáng con Hường liêu xiêu khuất dần trong sương sớm. Ai đau dùm con Hường nỗi đau phải dứt bỏ núm ruột chưa kịp thành hình nơi xứ người? Một đứa bé ra đời trong sự hân hoan chào đón đã giúp ba mẹ nó có thể làm đám cưới. Một đứa bé bị tước đi quyền sống. Và có bao nhiêu đứa bé đã bị tước đi quyền sống như thế nữa?… Lần này thằng nhỏ không cùng lên thành phố với con Hường nữa. Nó đã có quyết định cho riêng mình. Bấy lâu nay nó còn nấn ná ở lại vì mong tìm được mẹ, mong tìm lời giải đáp tại sao mẹ nỡ vứt bỏ nó? Nó đã chờ đợi và tìm kiếm trong những gương mặt phụ nữ xuất hiện ở bến sông này một ảnh hình thân thuộc. Chờ hoài mà không thấy. Nó còn vấn vương vì mong rằng một ngày nào đó mẹ sẽ tìm đến bờ sông này – nơi bà đã vứt bỏ nó khi nó mới lọt lòng để hỏi tại sao mẹ nỡ chối bỏ nó? Mẹ có biết nó đã khóc và đã đợi rất lâu rồi, gần hai mươi năm rồi.
Hai mươi năm nó tồn tại như kẻ vô hình, không ai biết đến. Hai đứa bạn thân của nó chỉ là do nó tự nhận, tự gắn bó chứ con Hường, thằng Thiệt có biết gì đến sự hiện hữu của nó đâu? Nó chỉ là cái gì đó dật dờ không hình dáng… Nó từng trách mẹ tại sao không cho nó quyền sống, cho nó hưởng hạnh phúc gia đình của một kiếp người? Hay chí ít, mẹ cũng một lần tìm về nơi đã bỏ mặc nó cho số phận, cho trời đất, cho bầy kiến kéo đến gặm dần từng hơi thở thoi thóp và gặm cả tiếng khóc lịm dần của nó để thắp cho nó một nén nhang, cho linh hồn nó bớt quạnh hiu… Bây giờ nó hiểu, có lẽ ngày mẹ bỏ nó để quay đi chắc mẹ cũng phải đau xé tâm can, có lẽ cái ngày mẹ tìm đến với hương hồn của nó sẽ không đến. Bởi lẽ mẹ nó, con Hường hay những bà mẹ đã cắn răng tước đoạt quyền làm người của con mình đã phải đau nhiều, nhiều lắm! Có lẽ họ đã không thể làm gì hơn được bởi ở đời có những điều khó thể vượt qua… Nhưng nó và những đứa trẻ như nó, bị vứt bỏ bởi tội tình gì? Chúng có thể làm gì để tự cứu mình và cứu lấy nhau? Nó không biết, còn người lớn có biết hay không? Có thể hay không? Nó nghĩ đã đến lúc mình phải ra đi… Trong sương sớm buốt lạnh bóng con Hường khuất dần. Thằng nhỏ cũng theo làn sương sớm dần tan…
23/8/2024
Nguyễn Ngọc Đào Uyên
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Cánh vạc bên đời Cầm giấy mời trên tay, hắn mừng là các bạn cũ cùng lớp cách đây 25 năm còn nhớ tới hắn. Nước mắt hắn như muốn ứa ra...