Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Chiếu không - Truyện ngắn của Tống Phước Bảo

Chiếu không - Truyện ngắn
của Tống Phước Bảo

Đêm buông sương lạnh. Út Trong hổng trả lời câu hỏi Thiệt. Chiếu cũ thì sao? Thiệt chỉ biết con người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi. Vậy nên thương là thương, chứ câu nệ làm gì mấy chuyện xưa xa cũ càng.
1. Nắng đứng đồng. Ghe bẹo tắp vào vàm ô môi. Trưa hừng hực phả cái nóng gay gắt của mùa khô cằn. Đất nức nẻ vệt dài nối nhau như những dấu chim di in hằn lên đuôi mắt ngoại. Con sông Đợi hụt nước. Gió cũng im thinh. Ngoại ngó trời rồi thở dài thườn thượt. Gắp miếng cá sòng kho chuối xanh ngoại hỏi bâng quơ chuyện hồi sớm trên chợ người ta đồn rân trời. Rồi xáng có múc vàm hông bây? Biết chỗ nào mà neo ghe nữa chèn. Câu hỏi ngoại lọt tỏm xuống sông, bởi thằng Thiệt cũng có biết đâu mà trả lời.
Hai bà cháu một già một trẻ, neo phận đời lênh đênh sông nước theo cái ghe bẹo mà thương hồ sinh nhai khắp mấy con kinh, đoạn rạch, khúc lóng của miệt này mấy chục năm trời. Tờ mờ sáng khi gà chưa kịp gáy, thằng cháu đã lồm cồm bò dậy nổ máy đuôi tôm cho chiếc ghe ngược ra chợ Ngã Ba, nơi mấy con sông hợp lại thành dòng cái lớn, ở đó có cái chợ sầm uất nhất thị trấn, rồi bổ hàng, lựa mấy thứ ghe mình còn thiếu. Chừng đó là vừa lúc ngoại trở giấc pha ấm trà, quấn cái khăn rằn, đội thêm cái nón lá, khoác cái áo bà ba nâu, ra ngồi đầu mũi ghe chờ thằng cháu. Hôm nó nhảy về với tô bún riêu, hôm thì gói xôi đậu xanh, cũng có lúc là ổ bánh mì với vài chiếc nem. Thoảng khi nó chuyền từ ghe này sang ghe khác, chưa kịp về tới ghe mình đã í ới nay có bánh tráng Mỹ Lồng nóng hổi nè ngoại. Ngon hết sẩy nghen!
Nhưng cũng có bận, Thiệt trở về tiu ngỉu, ngoại hỏi gì cũng lắc đầu im re, chất đống hàng lên ghe, treo dăm ba mớ lên bẹo rồi nổ máy đuôi tôm xuôi ghe về mấy con kinh. Ghe bẹo vẫn bóp tò te mà lòng ghe thì đựng toàn nỗi buồn. Tỷ như trưa nay, Thiệt cũng im re bên mâm cơm với ngoại. Tháng tư thả cánh ô môi khắp vàm sông. Mấy cánh ô môi lình bình trôi. Hồi đó có lần Thiệt nói với ngoại, chừng nữa nó lớn lên nó cưới thì cũng canh ngay mùa ô môi hồng vậy nè! Đi dưới vàm sông ô môi nhuộm hồng, cái mình nắm tay người mình thương hen ngoại, chắc là đẹp dữ dằn luôn đó. Bận đó Thiệt mười sáu, ngồi nhai miếng bánh tráng mà cười hềnh hệch.
Thiệt hổng có tía, càng hổng biết má nó là ai. Hồi nhỏ lúc đi học, mấy đứa bạn hỏi tía má mầy đâu sao hổng có đi họp phụ huynh. Mỗi lần họp là bà ngoại mầy quầy quả chạy vô. Ai cũng phải có người sanh mình ra chớ. Còn bằng không thì mầy chắc từ đất nẻ chui lên. Người ta nói đó heng, mấy thằng đất nẻ chui lên hổng sớm thì muộn cũng hư à! Xứ mình đám lưu linh lưu địa trộm cướp xì ke hút chích cũng toàn là cái thứ đất nẻ mà thôi! Lời mấy đứa bạn thọc sâu vào tim ruột của Thiệt. Nó đứng dậy, quơ ngay cái bình nước ngoại hay làm trà đá đường cho mang đặng khát thì uống, cú quơ mạnh tay trúng ngay cái đầu đứa mới buông ra câu nói. Thế là nhảy vào nhau vật lộn. Quần áo lấm lem, đầu bù tóc rối. Đứa sưng mặt, đứa chảy máu mũi. Lớp nhốn nháo rân trời. Ông thầy giám thị lôi đầu hai đứa lên phòng xử. Ổng biểu ngày mai kêu phụ huynh lên gặp thầy. Mà cái ngày mai của ông thầy thì Thiệt mặc xác. Nó lẽo đẽo chạy về vàm sông đứng khóc ngon ơ. Ban nãy hùng hổ lắm mà! Không dưng về lại mé vàm chờ chiếc ghe bẹo của ngoại thì lòng nó thắt thẻo. Đâu ai dần ai giã mà nước mắt cứ vậy rơi. Thiệt bỏ học từ đó, cứ vậy mà lênh đênh theo ngoại.
2. Qua Chẹt Sậy là hai bên đường người ta phơi bánh tráng đầy, tới bờ kinh có đám Khiết bông mọc bắt giàn ngoài cái sàn lãng thì thằng Thiệt cho ghe cập bến. Nó gọi rõ to:
– Chị Út Trong ơi! Tui giao gạo sỏi nè!
Từ trong chái bếp sau, đứa con gái tóc dài đen mượt quá vai ló đầu ra cười tươi rói. Thằng Thiệt cột dây buộc ghe vào bến rồi vác gạo lên sàn lãng. Nay lái bên Trà Vinh mới giao là tui chở qua cho chị liền đó. Gạo sỏi Nàng Keo hột tròn mới làm bánh đúng điệu hen chị. Gì chứ khắp cái Mỹ Lồng này ai cũng mê bánh tráng Út Trong hết trơn. Thiệt vừa nói vừa cười hề hà. Út Trong đếm tiền đưa thằng Thiệt, lại dắm dúi vào tay thằng con trai da dạn dày nắng đồng mang màu phù sa ngâm vàng cái túi đồ to bè. Nè cái này là áo nỉ dầy cho ngoại, Thiệt nói ngoại sớm trời còn sương khoác cái áo dầy cho ấm. Bữa chị qua đưa mấy sấp bánh tráng thấy áo ngoại sờn bâu rồi. Còn mấy cái áo thun này là của Thiệt. Con trai lớn rồi, mặc cái áo cho đàng hoàng. Áo gì mà vá chỗ này, thủng chỗ nọ. Có hủ mắm tép, chị mới làm, đem về hai bà cháu ăn cơm nghen! Thiệt đỡ cái tụng đồ mà chưng hửng, xuống ghe rồi mà vẫn cứ ngoái đầu nhìn mé sàn lãng.
Có lần ngoại nói nhiều người giờ ẩu, mỗi Út Trong là còn giữ được cái hồn cốt của bánh tráng Mỹ Lồng. Thiên hạ giờ chạy theo lợi nhuận, lấy ba cái gạo nở làm bánh tráng cho lời nhiều, cho trắng bánh bắt mắt. Mỗi Út Trong là chịu khó giữ đúng nếp xưa của ông bà. Bánh tráng Mỹ Lồng đâu phải tự nhiên mà ngon nức tiếng thiên hạ. Nghề nào cũng lắm công phu. Phải là thứ gạo sỏi của miệt Trà Vinh theo vụ mùa của dân Khmer mới làm ra loại bánh ngon đúng vị. Để bánh thơm và có độ béo phải trộn thêm nước dừa vào bột bánh. Nhưng mà nếu đơn giản vậy thì ai làm cũng được. Bánh tráng nhà Út Trong có cái vị độc đáo danh truyền mà hổng đâu có được. Bánh tráng mềm dẻo nhờ phơi một nắng một sương. Lại có vị thơm ngọt rất đặc biệt. Cầm trên tay sấp bánh là nghe thoảng mùi bắt mũi, hổng lò bánh nào có được. Mà đã gọi là đặc biệt thì hổng ai biết được bí kíp ra sao.
Nghe đâu có bận, thằng con ông nhà giàu nào đó ngoài huyện lấp ló cửa nhà Út Trong đòi dạm ngõ, mà chuyện cũng hổng tới đâu. Thằng con nhà giàu bạn học của Út Trong chỉ mong lấy cái nghề bánh mà về huyện dựng xưởng. Chuyện vỡ lỡ khắp Mỹ Lồng thiên hạ đồn rân trời. Út Trong nghỉ làm bánh cả hai năm trời. Thằng nhà giàu dựng cái xưởng nhưng cũng đâu là ra được thứ bánh ngon như Út Trong. Dần dà thiên hạ cũng chẳng ai mua, dẹp luôn cái xưởng. Nên hồi đó chợ Mỹ Lồng người ta chế ra mấy câu hát chọc Út Trong, đến cả con nít mỗi lần chạy qua cửa nhà cũng lén lấy cục đất chọi vô rồi hát tí tửng.
Bận ngoại kể cho thằng Thiệt nghe là hôm Út Trong nghỉ bán đâu chừng vài hôm. Thiệt đi bổ hàng sớm trời nghe thiên hạ ghe bẹo nói Út Trong đi đâu đó lên bệnh viện huyện. Chắc Út Trong bệnh. Đàn bà con gái tuổi này mà hổng chồng con, nó sanh ra nhiều cái bệnh. Người thì bảo vậy, kẻ thì lắc đầu nguầy nguậy. Hổng phải mấy thím ơi, bộ đàn bà phải có đàn ông mới sống nổi hả chèn! Tui cũng đâu có chồng mà phơi phới nè! Đàn ông xứ này ăn ở không, giỏi nhất là rượu chè, chứ còng lưng trên đồng hay quảy gánh chợ đông thì toàn đàn bà con gái mà thôi! Xứ gì mà kì thí mồ. Đất còn khô đến nức nẻ huống hồ là đàn bà con gái. Xứ gì lạ thí mồ. Sông còn phải Đợi thì đám đàn bà con gái lúc nào mà hổng chờ chồng. Chồng nhậu hổng về. Chồng cà phê chòi hổng về. Chồng đi thành phố hổng về. Xứ gì đàn ông chán bỏ mẹ đi. Ờ… mà cũng còn, còn mỗi thằng Thiệt. Nó thiệt như cái tên của nó.
Thiệt đem câu chuyện Tám Tình bên ghe rau rổn rảng ngoài chợ sớm về kể ngoại nghe bên mâm cơm chiều hôm. Ngoại ờ nhẹ tênh. Bữa Út Trong có nói ngoại rồi. Thiệt trố mắt nhìn ngoại. Ủa sao ngồi có một chỗ ngoài mũi ghe mà cái gì cũng biết vậy ngoại? Thiệt hỏi nhưng ngoại đâu có trả lời. Ngoại biểu nay mùng tám cúng sao, bày hương án ra đầu mũi ghe ngoại cúng. Trong tiếng khấn vái rì rầm của ngoại, lẫn tiếng đám bìm bịp gọi bầy, Thiệt nghe loáng thoáng tên Út Trong.
3. Ngoại hay ngủ dưới lòng ghe bẹo, trên cái chiếu lát bông Tân Thành. Cái chiếu dệt thủ công thoảng khi cả năm mới có ghe từ Cà Mau ngược dòng Hậu Giang lên bán mỗi khi trời thổi gió Tết. Ngoại cứ mua bao năm thì bấy nhiêu chiếc chiếu mới. Nhưng mấy chục năm trời vẫn cứ trải chiếc chiếu cũ ra nằm. Cọng lát, sợi dây nhiều khi tuột tuốt luốt. Chiếu cũ mèm, chỗ rách tưa cả bông ra. Mấy bận Thiệt nói ngoại thay chiếu mới đi, chục chiếc chiếu gói gọn phía hông ghe còn mới cáu kìa. Ngoại cười hề hà, còn ngủ được bây ơi. Ngoại mua để dành, giờ mấy ai mà còn dệt chiếu tay nữa, gặp thì mua, mua hổng phải bởi mình muốn thay chiếu mới mà bởi mình thương chiếu Cà Mau. Buổi thời kim tiền hiện đại, mấy cái xưa xa cũ càng chừng chục năm nữa cũng mai một mà thôi. Tỷ như cái ghe bẹo này nè, chừng mà xáng vào múc vàm chắc cũng phải tính chuyện lên bờ thôi con.
Lên bờ? Ủa rồi lên bờ mình mần ăn gì đây trời? Câu hỏi cứ dáo dác trong lòng của Thiệt. Đêm nó ra ngoài mũi ghe nằm. Bận trăng mười sáu tròn vằng vặc. Ngoại theo đời hải hồ từ khi nào thì Thiệt cũng hổng biết, chỉ nhớ đâu đó lúc nó bắt đầu biết nhận thức thì thấy đời mình trôi nổi theo con nước lớn ròng đầy vơi của miệt này. Ngoại dạy Thiệt nói, ngoại tập thiệt bơi. Ngoại cầm tay Thiệt nắn nót con chữ đầu đời. Ngoại chặt bè chuối tập Thiệt lội sông. Ngoại nói đất có thổ công, sông có hà bá. Mình ở đâu thì kiêng cữ theo ông bà dạy. Đi đất lạ hổng có nói bậy, gặp khúc sông sâu đừng nhảy ào xuống tắm. Nhưng sợ nhất là mũi ghe đụng dề lục bình mà cứ lừng khừng chẳng chạy được. Đôi khi dưới cái đám rễ ấy là xác chết bám vào. Người từ sông này mà sống, nhưng cũng từ sông này đôi khi nhiều cái chết. Thiệt nghe mà sợ. Sợ nhưng đâu có tránh được. Lần đầu gặp cái xác trôi sông, Thiệt ói tới mật xanh, mặt tái mét, miệng ú ớ nói hổng thành lời. Vậy mà ngoại tỉnh bơ. Ngoại thắp ba cây nhang, ngoại rải ít muối gạo rồi xé miếng vải trắng thả xuống sông. Ghe lai từ từ ra khỏi mớ lục bình, tấp vào bờ, ngoại lên xóm đó báo tin cho người ta vớt.  Cái xác quay đầu về phía xóm, trương lềnh bềnh.
Nhưng rồi đời hải hồ dạy Thiệt quen dần với chuyện gặp xác trôi sông. Quen lời ngoại dặn. Đâu phải ai cũng thấy xác rồi vớt xác được. Người ta tìm mình âu cũng là cái duyên cái nghiệp hoặc kiếp trước nợ nần gì nhau. Hay chỉ nghĩ đơn giản mình giúp người ta lên bờ qui hồi cố xứ cũng là điều phước báu. Dĩ nhiên, con người ta có trăm cách lên bờ, nhưng chắc chắn Thiệt hổng bao giờ chọn cách lên bờ kinh hãi như thế.
Xáng phân luồng sông, để dẫn nước vào đồng, để chia con sông Đợi ra làm ba đoạn rẽ. Sông còn phải rẽ nhánh thì con người ta đâu có bao giờ thẳng đường được phải không ngoại? Thiệt hỏi ngoại vậy, khi tiếng cải lương phát ra từ chiếc la-dô đang hát bài gì đó về mối tình của chàng bán chiếu. Ngoại hổng nói gì hết, ngoại lần mò ra mũi ghe, ngoại quấn giấy quyến rồi thả vào đó mấy lá thuốc rê và rít. Nhụm khói tròn bay lắc lẻo lên mấy ngọn gáo. Bay lòa xòa trên nền trời thâm kịt. Trăng soi dòng tròn lẳng lơ. Chứ cái đời ghe bẹo kì thực cũng là một đoạn rẽ của ngoại mà thôi bây ơi. Hồi đó…
Tối trời mà bìm bịp cứ kêu hoài bên mé vàm. Tiếng bìm bịp kêu lẫn tiếng kể nhừa nhựa của cái giọng thổ bị thời gian kéo giãn như dây thanh băng bị nhão nhòe của ngoại nghe cứ nức dạ bầm gan. Cái hồi đó của ngoại khiến đôi mắt Thiệt diếp lại. Mênh mang. Chập chờn.
4. Thiệt nhảy tót lên bờ rồi bỏ chạy. Đường làng tối om. Đêm không sao, trăng cao nửa mảnh vắt ngang màn tối như miệng của Tám Tình lúc cười hả hê hát lại cái câu ca xưa cũ. Cái câu hát mà bao lần Thiệt hỏi ngoại hổng bao giờ nói. Thiệt cứ chạy. Câu ca sao cứ đuổi theo mải miết. Câu ca vang lên như búa bổ vào đầu: “Bảng treo cổng chợ Mỹ Lồng. Chữ đề tên bậu không chồng có con. Út Trong hổng cập bến trong. Cập nhầm bến đục long đong cả đời”. Sao người ta lại ác nhơn quá chừng. Phận đàn bà mười hai bến nước, đâu phải ai cũng cập vào bến mơ.
Tám Tình kể chuyện sau cơn say bí tỉ cùng đám bạn thương hồ. Thiệt cũng có mặt trên ghe Tám Tình. Là Tám Tình cố ý hay vô tâm lôi cái chuyện Út Trong ra kể. Hay đôi ba bận Tám Tình ngỏ ý mà Thiệt cứ lắc đầu hổng ưng. Lời nói đôi khi còn sắc hơn lưỡi dao ngọn giáo, nó xoáy vào tâm can người nghe. Nó hổng có gây ra máu tuông nhưng để lại một vết thương chí mạng vào lòng dạ người ta. Cả đám bạn đi ghe bẹo hết à lại ồ khi lần giở câu chuyện đời của Út Trong, tựa thể như miếng bánh ngon vừa được bóc dần lớp vỏ. Thiệt không muốn nghe, càng chẳng thể nghe. Cơ hồ như có lửa đốt trong lòng.
Chạy một đoạn, Thiệt ngơ ngác đứng giữa chợ hồi nào hổng hay. Ngồi bệt ngay cái cổng chợ. Hơi thở còn nồng nặc mùi rượu gạo, Thiệt nghe sống mũi mình cay. Ban nãy ai đó hỏi chuyện Út Trong thập thò ngay cái khoa nhi của bệnh viện tỉnh. Nghe nói là đi nuôi con. Thiên hạ chưng hửng. Nào giờ chỉ thấy Út Trong lúi húi một mình, đàn bà gần bốn mươi tuổi mà còn xuân chán. Nước da trắng ngần, cái cổ cao, đôi bồng đảo vun tròn, cặp mông lẳng lơ đánh đàng xa mà nghe rạo rực. Đám đàn ông ghe bẹo ghẹo miết mà có được đâu. Đứa ác miệng bảo hay Út Trong chữa hoang từ cái bận nghỉ bán hai ba năm đó. Tám Tình cười ré lên như ai rà đúng cái đài la-dô mà kể ròn rọt. Ủa chứ mấy cha nội hổng biết hả. Chuyện nó có bầu với thằng con ông nhà già ngoài huyện là có thiệt chứ đồn gì. Thứ đũa mốc trèo mâm son. Người ta là nhà giàu, chẳng qua là lăm le cướp nghề gia truyền nhà nó. Tía má nó nghe ngon ngọt sao đó thì gật đầu cho cưới. Ngặt nỗi chưa tới ngày cưới thì cái bụng nó lum lúp. Bên kia quyền thế khi học xong cái nghề thì qua cầu rút ván. Nghe đâu sau này nhìn cháu mà không thèm dâu. Tía nó uất ức mà ngã quị rồi nằm một chỗ. Mẹ nó buồn rồi sanh bệnh mà chết sớm. Đứa con nhà kia người ta cũng giành về nuôi. Nó trắng tay bận đó. Nghe đâu đứa nhỏ nay bị bà mẹ ghẻ đánh tả tơi, đánh sao nhập viện luôn kìa mấy cha. Nó chạy lên bệnh viện tỉnh mà có ai cho vào đâu. Cái tội của đàn bà là tội tham phú phụ bần. Bởi tham quá thì đành ra nông nỗi này.
Thiệt vẫn ngồi lẩn thẩn giữa màn đêm sương lạnh. Đêm đồng bưng gió từ sông the thắt da thịt. Nhưng mà ngay chính lúc này, Thiệt lạnh ngắt lòng mình. Cái lạnh như tỏa đi từng thớ tế bào, ngấm vào từng mạch máu. Thiệt đông cứng suy nghĩ. Chẳng biết mình phải làm sao. Là Út Trong tham hay là người ta rắp tâm. Bao nhiêu năm trường sao miệng đời còn cay nghiệt quá đỗi. Thiệt cứ lớ ngớ với ngổn ngang câu hỏi. Càng về khuya, đêm càng phủ xuống đồng bưng màu tối thâm u, lạnh càng se sắt rít buốt tái tê.
Trong cơn say lảo đảo, Thiệt đi qua Chẹt Sậy.
5. Ngoại hay nói, đời sông cũng như đời người. Khác chăng là con người ta chỉ sống có một lần nhưng sông thì chứa chấp biết bao thân phận trong lòng mình. Thiệt lúc đó chưa hiểu lời ngoại nói. Mấy người già ưa nói chuyện xa xôi. Với đám trẻ như Thiệt là chuyện gần kề thôi. Tỷ như nay bán được hàng, hay như trái gió trở trời ngoại hổng có ho húng hắng, hoặc như nay gặp Út Trong thì thấy chị cười là ngày trôi qua êm ru. Chừng bủa vây lòng mình nhiều trĩu trịt thì bắt đầu nhớ tới mấy lời ngoại nói. Thiệt trút lòng mình với sông, với đêm, với đồng bưng châu thổ thì ngộ ra người già xứ này để nói được mấy câu vậy cũng gieo neo dâu bể phận mình. Đâu khi không mà ngoại hay đắp mấy cái chiếu mới mình để dành cho mấy cái xác trôi sông ngoại gặp. Đời cạn cùng người ta mới tìm tới chuyện giải thoát. Khoang nói cái chuyện ngu dốt dại khờ mà hủy hoại sinh linh cha mẹ tạo ra. Đâu ai lựa chọn cho mình cửa sinh, nhưng cửa tử thì bế tắc dẫn đến con người ta chọn cách thoát kiếp này, mong cầu cuộc đời mới ở một số phần nào đó. Vậy nên, ngoại đắp cái chiếu mới là nguyện ước cho họ trọn vẹn ở hậu kiếp lai sinh.
Hay như ngoại hải hồ sông nước cũng vì một chữ thương. Bận đó Thiệt nhắm mắt, mênh mang, chập chờn nhưng kì thực vẫn lặng im nghe ngoại kể. Ngoại mồ côi, tứ xứ chạy giặc cửa nhà ly tán từ bưng biền Tháp Mười về được Bến Tre thì coi như nước mắt cạn. Nương nhờ đình làng mà sống. Năm đó địch càng nát xứ dừa. Ngoại gặp người thương giữa những ngày bom rơi đạn lạc. Người thương trao đôi bông tai mù u hẹn ngày nước nhà thái bình. Nhưng hai chữ thái bình viết ra thì dễ, chứ để có nó là cả máu và nước mắt. Ngoại đợi một người đi mà hổng biết ngày về. Biết bao người con gái xứ này cũng vậy, chiều ra mé sông mà nhìn thẫm tím hoàng hôn. Nghe con bìm bịp kêu mà khóc. Bìm bịp còn có bạn có đôi. Chứ con người ta thời loạn đơn côi có một mình à!
Ngoại chờ cho đến lúc bom đạn thôi rơi thì người thương cũng về. Nhưng về bằng cái giấy báo tử. Xác người thương đâu đó trên khúc sông này. Trận pháo kích ngay vào tiểu đội đang qua sông. Cả tiểu đội nằm gọn vào lòng sông này. Phù sa xứ này đôi khi cũng là máu thịt cha ông mà bồi cho đất quê bớt cằn cỗi. Ngoại lang thang miết trên con sông, từ đầu nguồn cuối bãi, từ hồi tóc còn đen nhánh cho đến lốm đốm bạc vẫn đâu có thấy xác người mình thương. Thoảng khi mũi ghe mắc dề lục bình, ngoại thon thót lòng. Biết đâu? Nhưng cái biết đâu đó là không thể nào. Mấy chục năm rồi, xác cũng tan, xương cũng mục rữa. Chỉ là lòng mình cứ gieo hy vọng vào con sông này mà sống.
Xuôi ngược con sông một năm đã ngoài bốn mươi, ngoại gặp má mầy đó Thiệt. Má mầy để lại mầy bên cái vàm ô môi rồi nhảy xuống. Ngoại có kịp làm gì đâu, chỉ la lên cho người ta cứu rồi vội tắp ghe vào vàm mà bồng mầy lên. Nhưng mà cứu hổng kịp má mầy Thiệt ơi! Ờ… gốc tích mầy thì ngoại cũng dò la khắp miệt này nhưng hổng ai biết. Chắc má mầy người xứ khác, chọn khúc sông này mà thoát thai khi đời cùng quẫn. Tỷ như Út Trong cũng vậy. Một chiều vàm sông ô môi rợp hồng năm đó, nếu ngoại không kịp cản thì khúc sông này lại ôm vào lòng mình một số phận. Cái thứ đàn ông cậy gia thế ức hiếp con gái nhà lành đến bụng mang dạ chữa rồi ngoảnh mặt phủi tay cái rột như vậy đâu có đáng để mình quyên sinh. Ông trời hay lắm đó Thiệt. Như ngoại gặp mầy là duyên số trời an bài để ngoại có người hủ hỉ tuổi già. Như Út Trong rồi sau này cũng sẽ có người biết yêu thương con nhỏ mà thôi. Đất này phù sa mỡ màu, từ trong cằn cỗi đám dừa vẫn xanh ngọn ngọt nước mà. Đất chẳng đời nào bạc với người. Chỉ có người bạc với người mà thôi.
Bận đó ngoại rít thuốc thành một vòng tròn thả lên trời đêm. Vòng khói cứ bay dập dềnh đầu mũi ghe. Thiệt nhắm mắt. Ngoại tưởng Thiệt ngủ. Ngoại lay Thiệt một hai tiếng. Thiệt vẫn im re. Ngoại chặc lưỡi cái chách. Thằng thấy thương gì đâu. Nhưng mà ngoại hổng biết, Thiệt đâu có ngủ, khóe mắt mấy hột nước cứ chảy vào sông. 
6. Xáng múc vào vàm ô môi, con sông Đợi rồi sẽ trổ thành ba ngã dẫn nước vào đồng sâu mùa khô hạn hay những ngày đập thượng nguồn người ta ngăn dòng chảy. Ngày gió vẫn đổ đồng những cơn hắt nóng rát. Cuối mùa ô môi, triền sông dát hồng những cánh hoa rụng. Ghe bẹo theo chiều trở về đậu đối diện mé vàm, phía dòng trôi về Chẹt Sậy. Dề lục bình lại ngắc ngứ mũi ghe. Ngoại lấy mấy cây nhang thắp rồi xé miếng vài trắng thả sông. Đâu chừng hơn tiếng cái xác nổi lên. Trời thần, thằng con ông nhà giàu ngoài chợ huyện. Ngoại chưng hửng thảng thốt. Xóm giềng kéo tới rần rần. Tám Tình cũng xuôi ghe từ bờ kinh bên kia qua. Thằng cha nghe đâu một đời phóng túng mắc bệnh thế kỉ. Của nã trong nhà lần lượt đội nón ra đi. Hổm nghe đâu bác sĩ kêu gia đình lên nói chuyện rồi trả về. Thằng quỉ cả đời phụ rẫy tới lúc loe loét tim đèn dầu thì lại mong gặp con Út Trong lần cuối. Nó giao lại thằng con trai cho Út Trong. Chim có tổ, người có tông. Ai rồi cũng nằm gọn trong lòng sông Đợi mà thôi. Tám Tình cho nổ máy đuôi tôm đi ráo hoảnh.
Ngoại lấy cái chiếu đắp lên xác thằng con trai ông nhà giàu. Ai đó kêu ông già chạy tới. Ổng ngã khuỵu xuống đấm vào đất thình thịch. Ngoại lắc đầu. Đất có tội chi đâu bây ơi! Thôi đem về mà lo hậu sự đi. Thiệt ngó thấy Út Trong đứng bơ phờ tay ghì sát thẳng nhỏ mắt đỏ rưng rức. Một người đàn bà là lạ kêu gào chồng ơi. Sông Đợi hôm đó gió xao xác quá chừng.
Những lần gặp xác trôi sông, đêm nào ngoại cũng ngủ mớ. Ngoại mớ rõ mồn một từng tiếng. Câu hát thiếu thời ngoại ru thằng Thiệt theo bập bềnh con nước trôi bảng lảng vào thâm u đồng bưng. “Hò ơi… Canh chầy tơ tưởng tưởng tơ. Chiêm bao thấy bậu… Hò ơi chớ chiêm bao thấy bậu, dậy rờ chiếu không”. Thiệt nghe câu hát mà nhìn ngoại nua già theo mong đợi. Hơn sáu chục tuổi đời, biết ngày ngoại về với sóng nước xứ này có vẹn tròn tâm nguyện hay câu hát cứ mãi lây lất trên con sông Đợi.
Sớm hửng trời Thiệt bổ hàng vội vàng. Thiệt rinh về chục thùng sữa đặc rồi cho ghe xuôi qua miệt bánh tráng trứ danh. Ngoại chưng hửng dòm Thiệt một đỗi mới dò hỏi xem ghe đi đâu. Thiệt tỉnh rụi trả lời, rồi cười thẹn gãi đầu. Đi lên bờ, mình làm bánh tráng chứ đi đâu nữa ngoại. Ủa chứ mắc gì mua cả đống sữa chi bây. Bánh tráng sở dĩ nức tiếng trứ danh là nhờ trộn bột với mớ sữa đặc đó ngoại. Mặc cho ngoại ngẩn ngơ hổng biết sao thằng cháu lại rành quá thể. Thiệt ra cuối ghe bẻ lái đuôi tôm mà ngó vàm ô môi dần xa.
Có một điều Thiệt giấu ngoại là cái đêm nó lảo đảo đi từ chợ Mỹ Lồng qua Chẹt Sậy thì thấy đèn nhà Út Trong vẫn sáng. Nó ngồi một đỗi ngoài hiên mới lừng khừng gõ cửa. Đêm buông sương lạnh. Út Trong hổng trả lời câu hỏi Thiệt. Chiếu cũ thì sao? Thiệt chỉ biết con người chỉ sống cuộc đời này một lần mà thôi. Vậy nên thương là thương, chứ câu nệ làm gì mấy chuyện xưa xa cũ càng. Chiếu đêm ấm hơi. Bếp tráng bánh bận đó cũng có đôi. Tiếng bìm bịp gọi bầy cũng ngọt lừ trên dòng sông Đợi.
21/8/2024
Tống Phước Bảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi Thiên Đường Rác Bé Hoa vai mang cái bao, tay cầm chiếc que sắt đang bươi rác từ chiếc xe vừa đổ xuống. Nó đang lượm từng miếng ni lô...