Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2024

Khát vọng thiền yêu trong "Đêm hoa vàng" của Bình Nguyên Trang

Khát vọng thiền yêu trong "Đêm
hoa vàng" của Bình Nguyên Trang

“Đêm hoa vàng” là tập thơ thứ 6 của Bình Nguyên Trang. Cuốn sách gồm 115 bài thơ, là một trong số 11 tập sách gồm thơ, tản văn, truyện ngắn, bút ký đã xuất bản của chị.
Có nhiều nội dung, ý tưởng thú vị được nhà thơ gửi gắm đến bạn đọc trong tập thơ “Đêm hoa vàng”. Riêng khác, lát cắt nội dung trong tập thơ là sự vi diệu lạ lùng trong khát vọng Thiền yêu của nhà thơ bắt đầu từ những day dứt, đợi chờ, hy vọng, khổ đau vì mục tiêu nắm giữ tình yêu với mong ước không bao giờ chia ly khiến người đang yêu gặp bao day dứt, dằn vặt. Từ đó, Bình Nguyên Trang đã truy cầu đến một thể yêu thanh tịnh, trong sáng và cao đẹp của tâm hồn, đưa con người đến an hạnh. Tôi gọi thể yêu này là “Thiền yêu”.
Những câu thơ thể hiện Tình yêu với sở cầu chiếm hữu dẫn đến đau khổ.
Trong bài “Tìm” ở trang 12, chị viết về một trong số những thể trạng đó:
“Ôi tình yêu
Người ở đâu sau lửa ấm tro tàn
Ta đã đến giữa đời nhau, đã buồn hai nửa
Không thể nào khớp lại thành vui
Ngôi nhà chúng ta ở phía chân trời
Mỗi đêm hai ta đều mơ một vì sao ngoài cửa sổ
Những vầng sáng cô đơn như tinh cầu vụn vỡ
Âm thầm lạnh trong nhau.”
Những tưởng hai nửa trái tim cô đơn, từng buồn đau, khớp lại sẽ thành một trái tim hoàn hảo, sẽ có hạnh phúc, nhưng thực tế lại không như vậy. Điều đáng sợ nhất là khoảng trống trong tâm hồn khiến thứ hiển hiện ngay trước mắt bỗng hóa thành vô nghĩa, để từ khoảng không mênh mông giá lạnh của tâm hồn, mỗi vì sao xa lắc đâu đó trong vũ trụ hiện lên thắp sáng cõi thâm u, giá lạnh trong tâm hồn của hai con người lầm lạc đến với nhau nhưng lại có chung một nếp nhà: “Ngôi nhà chúng ta ở phía chân trời/ Mỗi đêm hai ta đều mơ một vì sao ngoài cửa sổ/ Những vầng sáng cô đơn như tinh cầu vụn vỡ/ Âm thầm lạnh trong nhau.”
Trang 20, trong bài “Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống”, chị viết:
“…Có những lúc muốn làm con cá nhỏ
thả mình trên ngọn sóng luân hồi
biển đừng cạn và anh đừng vắng mặt
đừng để em nhìn thấu trái tim người
Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống
Những nợ nần dưới đáy biển sâu
Ta đã yêu và ta ly biệt
Ta đã thương đau và ta đã chữa lành…”
Trong hai khổ thơ trên, Bình Nguyên Trang lấy hình ảnh biển, sóng, con cá nhỏ làm biểu đạt nghệ thuật nhân hóa nhằm nói thay cho nhân vật chính là anh. Đâu đó chúng ta hiểu rằng giữa họ có một lời thề hẹn, nàng yêu chân thành lắm đấy, nhưng bên kia chàng có đáp lại tấm chân tình hay không? Hình ảnh nàng mong cầu thật là lãng mạn tạo nên một bức tranh đẹp độc lạ trong trí tưởng tượng của nàng: “Có những lúc muốn làm con cá nhỏ/ thả mình trên ngọn sóng luân hồi”. Nhưng chính nàng lại nghi ngờ thứ gọi là tình yêu của chàng thể hiện ở câu thơ sắc, lạnh như một lưỡi dao lách vào sự thực: “biển đừng cạn và anh đừng vắng mặt/ đừng để em nhìn thấu trái tim người”. Trái tim người ấy có gì mà nàng dọa rằng “đừng để em nhìn thấu trái tim người”, muốn nàng không nhìn thấu trái tim thì anh ta cũng đừng cạn tình, bạc nghĩa tựa biển cạn sẽ hủy diệt tất cả.
Họ có một tình yêu sâu sắc và bí mật cất giữ trong đáy sâu tâm hồn như chiều sâu của biển cả, ấy vậy mà rồi họ đành biệt ly, đau khổ:
“Tìm trong muôn vạn kiếp đời em đã sống
Những nợ nần dưới đáy biển sâu
Ta đã yêu và ta ly biệt
Ta đã thương đau và ta đã chữa lành…”
Có những thứ không cầm nắm, đo đếm được bởi nó không phải là vật chất cụ thể, nó chỉ là ký ức đã được tâm hồn ghi trong dòng nhật ký theo trục thời gian của đời người từ khi trẻ đến lúc già, rõ ràng nó không hề mất đi mà nó luôn hiện hữu ở đấy. Trong đời một con người có rất nhiều vết thương thân xác khi bị ngoại lực tác động nhưng những vết thương thân xác có thể được phẫu thuật lành lặn và rồi có khi ta quên đi, nhưng những vết đau tâm hồn thì khó lòng chữa lành. Bởi khi chúng ta giở trang ký ức ra chúng ta sẽ thấy nó hiển hiện mà không hề mất đi. Cái đau của tâm hồn, là cái thứ đau dai dẳng không bao giờ quên và Bình Nguyên Trang đã viết rất rõ: “Ta đã yêu và ta ly biệt/ Ta đã thương đau và ta đã chữa lành…”.
Vẫn ở trạng thái yêu sở cầu chiếm hữu dẫn đến đau khổ trong bài thơ “Tự sự” ở trang 48, nhà thơ Bình Nguyên Trang lấy hình ảnh đêm, bóng tối, tro tàn, hoa, đường hầm để nói lên sự thực cái kết của một cuộc tình mà người đang yêu hy vọng đã trở thành thất vọng khi tình yêu không còn:
“Lột xác những cũ mèm
Lột xác với bóng đêm
Sự thật ngồi im cuối đường hầm
Sự thật mỉm cười trong bóng tối
Trái tim bởi yêu người
Trái tim buồn quá đỗi
Đêm rồi đêm run rẩy cánh hoa tàn.”
Đêm hoa vàng – Tập thơ Bình Nguyên Trang
Cái câu: “Sự thật ngồi im cuối đường hầm/ Sự thật mỉm cười trong bóng tối” cho ta thấy cái cô đơn của tình yêu bủa vây người con gái biết nhường nào. Trong đường hầm dài hun hút kia có một sự thật, đó là trong thăm thẳm bóng tối, cô độc vây quanh, có một cái “mỉm cười” đầy chua chát và cay đắng. Cái thứ cảm giác này nó hơn cả nỗi đau bởi nó bao hàm cả sự khinh bỉ, bẽ bàng chỉ tại một lý do: “Trái tim bởi yêu người/ Trái tim buồn quá đỗi”.
Trong bài thơ tác giả lấy tên đặt cho tập thơ, bài “Đêm hoa vàng” ở trang 99 có những câu thơ biểu đạt rõ nhất Tình yêu với sở cầu chiếm hữu bao giờ cũng dẫn đến khổ đau, chia ly:
“…Cho ta đau một sớm mai nhỡ người đi mất
Ta còn chi để nói với mây ngàn.
Người vì ai mà rực rỡ đến hoang tàn
Hay ta vì yêu người mà buộc vào gánh nặng
Người cảm thương ta những đêm một mình tự khóc
Hay người đang một mình tự hát
Bài thơ vô danh kiếp kiếp luân hồi.”
Những câu thơ buồn như những tiếng kinh cầu nguyện và sám hối cho một tình yêu không có ngày gặp lại, hay nói đúng hơn rằng tình yêu không có cái kết của ước nguyện. Những nỗi đau vô sở cầu trong sự còn, mất là nỗi ám ảnh lớn bao trùm toàn bộ bài thơ, chính vì điều đó mà nhà thơ đã hướng tâm thế về một trạng thái yêu cao đẹp, tinh khiết, vĩnh cửu trong mọi kiếp luân hồi.
Khát vọng Thiền yêu thoát truy cầu, đau khổ dẫn đến bình an và hạnh phúc chân thực
Có thể nói thứ tình yêu mà nhà thơ biểu đạt trong những bài thơ không đơn giản là tình yêu ở cõi nhân gian sở cầu vật chất, mong trải nghiệm những hưởng thụ qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý, mà là thứ yêu “Thiền” tinh khiết của tâm hồn. Đạt được Thiền yêu là tránh được đau khổ, nhưng để đạt được thứ tình yêu đó trước hết con người phải vượt qua chính bản thân mình, phải trung thực, dũng cảm và đặc biệt là phải có ý chí mạnh mẽ quán chủ thân xác tối ưu để có tự do cho tâm hồn chủ thể người đang yêu và khách thể người được yêu và ngược lại:
Trong bài “Con đường” ở trang 30, chị viết:
“Em tỉnh giấc con đường là ảo ảnh
Bóng người trong vô định thời gian
Anh là thật hay anh là tưởng tượng
Trong bài thơ em viết chạng vạng chiều…”
Như thế là họ đã bước vào một thế giới tự do hoàn toàn, một khi sóng lòng phát đi tín hiệu tình yêu thì hai đối tượng đó ở bất kỳ đâu trong vũ trụ này đều bắt được tín hiệu của nhau. Họ tự do yêu trong trí tưởng, họ thoát ra khỏi tham, sân, si, không màng hưởng thụ mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (trí tưởng tượng bao hàm trong đó có ý nghĩ). Họ có mọi quyền uy tối thượng của tự do yêu nhau mà không bị bất kỳ rào cản nào để họ đạt hạnh phúc vô biên, đó là khát vọng Thiền yêu mãnh liệt, vi diệu, lạ lùng của nhà thơ Bình Nguyên Trang.
Trong bài “Trong mênh mông thiên hà” ở trang 39, Bình Nguyên Trang như chủ đề ở trên càng rõ. Từ yêu Thiền, họ còn xuyên không về vô biên quá khứ, vụt hiện vị lai trong vô cùng vũ trụ, không hề bị bất kỳ một rào cản, một hệ lụy nào để thấy được cái vi diệu, lạ lùng trong thể trạng yêu Thiền của Bình Nguyên Trang:
“…Yêu như sông như biển
Yêu như trăng như sao
Yêu như môi kề cận
Yêu như ngực sóng trào
Yêu như từ kiếp nào
Nợ ân tình trao nhận
Em – thiên đường lãng quên
Sao anh còn vướng bận
Dù ngàn năm trôi qua
Rồi một ngàn năm nữa
Tình ta còn thức ngủ
Trong mênh mông thiên hà.”
Đừng nghĩ rằng yêu trong nhân gian sở cầu hưởng thụ dục giới mới hạnh phúc nhé. Ở đây Thiền yêu nhưng vẫn “Yêu như môi kề cận/ Yêu như ngực sóng trào” và vững bền trong mọi kiếp luân hồi: “Dù ngàn năm trôi qua/ Rồi một ngàn năm nữa” cho ta thấy thiền yêu vi diệu nhường nào.
Cũng có một câu hỏi đặt ra rằng tình yêu chốn nhân gian trong tập thơ “Đêm hoa vàng” của Bình Nguyên Trang đã chỉ ra việc truy cầu vật chất và vướng mắc tham, sân, si mê lầm yêu trong mưu cầu dẫn đến đau khổ cho con người, thì khát vọng Thiền yêu sẽ làm cho con người thoát khổ nhưng cả hai thể trạng trên có tồn tại vĩnh hằng không? Không có gì là tồn tại vĩnh hằng cả! Ngay cả các vì sao cũng hoại diệt trong vũ trụ bao la với các dãy thiên hà, hoặc con người có sinh đi với có diệt, huống gì tình yêu cõi nhân gian. Chính vì biết cõi người hữu hạn nên nhà thơ còn có khát vọng ngoài yêu đẹp, tinh khiết, theo cách Thiền yêu để có hạnh phúc an lạc, nhà thơ còn mong con người hiểu được cái hữu hạn của đời người mà sống cho thành thật, cho tử tế, sống cho thanh cao giữa con người với con người:
Ở bài “Chợt nghĩ” trang 86, chị viết:
“Sáng nay nghĩ gì khi xem phây búc
Gặp một rỗng không điểm giữa mắt người.
Thấm tháp gì một cuộc vui chơi
Ta diễn người xem, người xem ta diễn
Bao nhân vật chết dần trong chật chội
Trong áo khăn bi hài kịch cuộc đời”
Cạnh câu hỏi điểm xuyết đó, nhà thơ luôn trở lại với chủ đề tình yêu và cuối cùng thì nhà thơ vẫn khẳng định là tình yêu luôn có thật trên đời, còn yêu theo cách nào là tùy ở mỗi người và nên trân trọng khoảnh khắc hiện tại mình đang sống, sống và yêu cho xứng mặt với đời. Trong bài “Rồi sớm mai” ở trang 114, chị viết:
“…Mỗi chúng tuyệt đối một mình
Cách để yêu nhau vượt lên thời gian, không gian
Cách để tự do hạ xuống mỗi cuộc đời
Cách để bắt đầu ngay cả sau cái chết.
Rồi sớm mai mặt trời lên ta biết
TÌNH YÊU có thật nơi này!”
Bình Nguyên Trang đã lần đầu đưa ra một khái niệm về loại hình “Thiền yêu” xuất phát từ khát khao hạnh phúc mong cầu Tình yêu chân chính được tạo ra từ cái nhân không bao gồm tham, sân, si, dối lừa, mưu tính và tình yêu đích thực, chân thật không bị tham, sân, si lấy làm vỏ bọc nhân danh thứ gọi là Tình yêu và cách thể hiện tình yêu để sâu bên trong mưu toan, truy cầu tham, sân, si! Tôi nói như vậy vì trong “Đêm hoa vàng” có tới mười lăm lần lần chị nhắc tới từ “tham”, “sân”, “si” với nguyên nhân và kết quả của nó; Tám lần chị nhắc tới khát vọng tự do và hạnh phúc đích thực của tâm hồn người đang yêu khi thoát tham, sân, si; có năm lần chị nhắc tới “cõi luân hồi”, mười lần chị nhắc tới sự hữu hạn bé nhỏ trong kiếp con người, mười ba lần chị nhắc tới “thiên đàng”, “địa ngục”, “thiên hà”, “vũ trụ” và có 3 lần chị nhắc tới khát vọng hạnh phúc đích thực của Tình yêu (Tình yêu là thứ có sẵn trong tâm hồn, tâm hồn là thứ không rõ hình hài, không thể nắm giữ nhưng có thật, luôn trú ngụ trong thân xác vật chất sống của con người). Chính vì vậy, nhà thơ luôn khát vọng yêu và Thiền đồng một thể hướng con người tới một thể trạng tình yêu trong sáng, an lành, thanh khiết, đẹp đẽ trong đời người quý giá và hữu hạn này.
25/8/2024
Viên Lan Anh
Nguồn: Tạp chí Sông Lam
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ​ Cánh vạc bên đời Cầm giấy mời trên tay, hắn mừng là các bạn cũ cùng lớp cách đây 25 năm còn nhớ tới hắn. Nước mắt hắn như muốn ứa ra...