Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2024

Tiếng kèn môi cuối bản

Tiếng kèn môi cuối bản

Bản nhỏ nằm cheo leo bên sườn núi. Những nếp nhà sàn lúp xúp ẩn hiện dưới những tán lá rừng. Trước đây họ sống du canh du cư, từ ngày có đồn biên phòng giúp đỡ, người bản có cuộc sống ổn định. Năm trước, tôi đã theo đoàn thanh niên tình nguyện lên đây giúp bà con dựng nhà. Còn bây giờ thì tôi đi một mình. Tôi muốn thử sức với cuộc sống nơi đây.
Sau thời gian làm quen, tôi nhận nhiệm vụ giúp đồn biên phòng mở lớp xóa mù. Buổi sáng, tôi và anh Hải dạy cho các em từ lớp Một đến lớp Sáu. Mỗi lớp có khoảng từ hai đến năm em. Buổi tối thì dạy chữ cho bà con trong bản. Hôm học đầu tiên của lớp buổi tối chỉ có năm người, bữa sau có bảy người, rồi lớp học càng ngày càng đông hơn.
– Công của cô giáo Huệ đấy!
Anh Hải khen rồi xếp lại những trang vỡ nhòe nhoẹt mồ hôi, góc bị cuốn quăn tít vào góc bàn. Giọng anh ấm và vang.
Sau những buổi dạy thì trời cũng đã khuya, biết tôi đi đường một mình nên anh đưa tôi về. Khi tôi đã đứng trên bậc cửa nhà mế Xem anh mới quay trở lại. Tôi nhìn theo ánh đèn pin loang loáng, chỉ đến khi nó tắt hẳn tôi mới đến nằm bên mế Xem.
– Bộ đội Hải về rồi à cô giáo?
– Vâng! Anh ấy về rồi mế à! Sao mế còn chưa ngủ?
– Mế già rồi, cái ngủ cũng khó về lắm!
– Chắc mế lại nhớ em Nâu?
– Nhớ chứ! Nhưng có cô giáo Huệ, mế đỡ nhớ hơn.
Tôi và mế cứ thì thầm mãi đến khi cơn ngủ cứ níu lấy hai mắt tôi, giọng mế Xem nhỏ dần rồi tan vào giấc mơ có mùi thơm cỏ non, mùi cây rừng và cả mùi mồ hôi quen thuộc.
Sáng nay tôi có thư.
“Cô giáo Huệ ơi! Cô giáo có thư…” Bai thở hổn hển sau đoạn đường dốc từ đồn biên phòng đến nhà mế Xem ở mãi cuối bản để tìm tôi. Tôi vội vã bước ra, chân vấp vào bậc cửa suýt ngã. Bình tĩnh nào! Tôi tự trấn an rồi nhận thư từ tay Bai. Nét chữ nghiêng quen thuộc. Đúng là thư của Hào rồi! Chẳng để ý đến sự thay đổi trên nét mặt của tôi, Bai cười rồi lại lốc thốc chạy ngược xuống. Tôi biết, Bai đang vội để còn trở lại đồn biên phòng, kịp giờ học kỹ thuật ủ thóc giống từ cán bộ biên phòng Hải.
Chờ bóng Bai khuất hẳn về phía chân núi tôi mới dám mở thư. Từ ngày lên đây, tôi không khỏi nhớ Hào. Tôi mong Hào sẽ lên đây, chia sẻ những công việc cùng tôi. Vậy mà Hào vẫn thế. Những lời lẽ níu kéo, trách móc như khi đưa tôi ra bến xe thành phố. Tại sao tôi lại bỏ anh để đến với vùng đất này ư? Tôi biết Hào và tôi đã không đi cùng một con đường. Tôi chẳng còn là bông hoa cẩm chướng để cho Hào tưới tắm và thay nước mỗi ngày. Tôi muốn mình là bông hoa dại. Bông hoa chịu được nắng, được gió.
Tôi chẳng thể nào quên được nụ hôn cùng Hào khi hai đứa đứng bên gốc si già gần con suối đầu bản. Hào yêu tôi. Vậy mà, khi ước mơ của tôi còn dang dở thì Hào không muốn tôi đi tiếp con đường của mình nữa. Những lời khuyên quá thực tế khiến tôi sợ. Hào yêu tôi hay đang yêu chính bản thân mình? Câu hỏi đó tôi suy nghĩ rất nhiều. Sau lời từ chối của tôi là sự im lặng từ Hào. Hai tháng tôi rời bỏ thành phố để đến nơi này là hai tháng tôi mong chờ một lời xin lỗi từ Hào. Vậy mà…
Nhà bên vang lên tiếng kèn môi. Lời ca buồn đến não ruột: “Sao em chẳng đợi anh bên suối/ Sao em chằng chờ anh bên suối/ Con thú rừng biết tìm đến suối/ Con cá biết tìm đến suối/ Sao anh chỉ có một mình/ Một mình anh bên suối …”
Mế Xem lọm khọm bước ra bậc cửa, nhìn về hướng tiếng kèn. Giọng mế khàn đục như tiếng búa bổ vào cây củi mục:
– Bai à! Tìm vợ đi! Cái Then không về nữa đâu à!
Tiếng kèn môi ngừng bặt. Người đàn ông tên Bai mỉm cười nhìn mế:
– Mế à! Con suối còn có nước thì cái kèn môi này còn biết hát à!
Hồ Bai nay đã qua tuổi tìm vợ nhưng ngày ngày, sau giờ lên rẫy, lên nương vẫn ra bậc cửa ngồi thổi kèn môi một mình. Mế Xem kể, ngày xưa, mỗi lần tiếng kèn môi của Bai cất lên là có tiếng đàn trơ bon của cái Then đáp trả. Nhưng từ ngày Then về dưới xuôi, Bai lại ngồi thổi kèn môi một mình. Không ai đáp trả. Bai vẫn thổi. Nắng Bai cũng thổi. Mưa Bai cũng thổi. Bai chờ Then. Chờ Then như cây ngô trên rẫy chờ mưa, như cái bếp trên sàn chờ lửa. Vắng Then, Bai như cái nhà không người, như con suối không nước…
Bai buồn. Tôi cũng buồn. Bai buồn vì người ta bỏ đi, còn tôi, tôi buồn vì chính tôi đã ra đi. Hào không thể giữ chân tôi được.
Lời bài hát của Bai tôi đã thuộc. Tôi chẳng có ý định viết thư đáp trả. Sự im lặng của tôi sẽ là câu trả lời dứt khoát với Hào.
Lớp học ngày thứ sáu vắng quá. Anh Hải không tới. Đàn ông trong bản đứng ngáp ngắn ngáp dài, mấy đứa nhỏ theo chân mẹ đang túm tụm lại một góc nhà nghịch đất. Một khuôn mặt nhăn nhó đang bế đứa nhỏ trên tay nhìn tôi:
– Cô giáo Huệ ơi! Cho mình về đi. Có học cái chữ cũng không vào được đâu!
– Hôm nay nhà mình hết gạo rồi, mình ăn củ mài nên mau đói lắm!
– Mình cũng muốn về. Con mình đang đói.
– Mình cũng thế!
Bỗng Say đứng lên, tiếng chị át cả mọi tiếng xì xào:
– Ai cũng muốn về thì cô giáo dạy chữ cho ai. Mọi người không biết cô giáo  bỏ công việc, bỏ gia đình ở thành phố để lên đây à?
Im lặng bao trùm. Một vài người ngồi xuống ghế. Tôi cố trấn tỉnh bà con:
– Bà con yên tâm. Bộ đội Kiên xuống huyện, ngày mai sẽ mang gạo và thuốc lên cho bà con. Còn hôm nay… Bà con cứ chờ thêm tý nữa để chúng ta cùng học cái chữ…
Tôi đưa danh sách ra dò. Một dãy tên đều mang họ Hồ. Những cái tên làm tôi liên tưởng đến những ngày bản được Bác Hồ về thăm và đặt tên. Hồ Thái, Hồ Lay, Hồ Son, Hồ Miêng, Hồ Lung…  tất cả đều vắng. Chẳng lẽ cả bản đều hết gạo sao?
Tôi nhìn đồng hồ và trấn an nhưng lòng lại đầy lo lắng. Anh Hải chưa bao giờ vắng mặt vậy mà giờ này vẫn chưa thấy.
Một cánh tay giơ lên:
– Cô giáo à! Cái Miêng con ốm. Cái Lung, cái San thì phải ra ở suối.
– Sao họ phải ở suối vậy chị Thai?
– Là chuyện trước đây. Đàn bà bản mình đến ngày sinh con thì phải ra bìa rừng, ra suối để ở. Nhưng nay khác rồi, bộ đội biên phòng đã dạy, đàn ông và đàn bà trong bản phải biết bình đẳng, không theo tập tục cũ nữa. Lạc hậu lắm. Nói vậy nhưng cũng có người không chịu nghe.
Hình như cũng đã có lần mế Xem nói với tôi về chuyện này. Tôi cất cuốn vở vào cặp và vặn to ngọn đèn. Đứng bên chiếc bảng gỗ, tôi xoay xoay viên phấn trong tay mà chẳng biết làm gì. Đợi mãi. Nhìn dáng vẻ ai cũng mệt mỏi, tôi đành cho mọi người ra về.  Say tiếc nuối:
– Về thật hả cô giáo?
– Ừ! Về thôi… Mai lại đến. Chị Say nhé!
Khi tôi chuẩn bị ôm cặp để bước ra cửa thì nghe tiếng anh Hải:
– Huệ! Sao em cho bà con về sớm vậy?
Tôi giật mình quay lại. Người anh ướt rượt mồ hôi. Có lẽ anh vừa đi công tác về. Trông anh vất vả đến tội nghiệp nhưng nghĩ đến buổi học bị bỏ dỡ, tôi giận dỗi:
– Em cho về ư? Là tại anh đấy!
– Sao lại tại anh?
– Anh không đến. Người thì đói, người thì con ốm, người thì phải ở suối… Một mình em… Nói bà con sao được!
– Bữa sau học tiếp cũng được. Học cái chữ ở đây khó khăn là thế. Nhưng anh tin bà con sẽ nghe em. Cái chữ sẽ mở ra ánh sáng mà.
Đoạn đường về nhà mế Xem không xa lắm nhưng dốc và hoang vắng. Hai bên lởm chởm đá, thỉnh thoảng có những con suối đã cạn khô nằm vắt qua lối đi. Anh Hải xách đèn pin. Chúng tôi bước song song, vừa đi anh vừa kể về nhiệm vụ của đồn biên phòng. Tôi hỏi tại sao hôm nay đến trễ thì anh giải thích:
– Hôm nay anh còn phải cùng anh em đi tuần tra.
– Có vụ gì nữa sao? Hay bà con mình lại bỏ nhà đi vào rừng?
– Không! Bọn anh tuần tra để tìm bọn xấu.
– Bọn xấu làm gì hả anh?
– Chúng rủ rê bà con mua thuốc phiện này, mang gạo ra đầu bản đổi rượu này. Đàn ông trong bản thiếu cơm thì được nhưng thiếu rượu thì không!
– Hóa ra em trách lầm anh rồi!
– Có gì đâu! Ở lâu Huệ sẽ biết nhiều chuyện, Huệ hiểu bà con hơn và sẽ mến bà con hơn cho mà xem.
Đột ngột anh dừng lại dọi đèn pin vào hòn đá lớn bên cạnh lối đi:
– Mà này…
Tôi cũng dừng lại và nhìn vào anh. Anh nghịch ngợm cầm đèn pin vẽ những vòng tròn. Những dấu vết nham nhở trên phiến đá loang loáng dưới ánh đèn. Anh tiếp:
– Huệ mới nhận được thư à? Có phải thư của cậu sinh viên đợt trước cùng Huệ lên đây không?
Tôi bất ngờ trước câu hỏi của anh nên chưa biết sẽ trả lời ra sao.
– Sao anh biết?
– Tôi nhận thư và nhờ Say mang lên cho Huệ mà!
– Vâng! Là thư của Hào…
– Cậu ấy vẫn khỏe chứ? Huệ và cậu ấy thật đẹp đôi!
– Đó là chuyện của thời gian trước…
Suốt quảng đường còn lại anh chẳng nói gì thêm. Có thể anh đang đeo đuổi ý tưởng về việc dạy sao cho bà con mau biết cái chữ. Cũng có thể anh đang hình dung ra nụ cười của Hào khi đến bắt tay anh trong lần gặp trước. Còn tôi, tôi đang nghĩ về những đứa trẻ ngồi lăn lóc ở góc nhà khi bố mẹ chúng đang cắm cúi bên những trang vở. Tôi rùng mình bởi cảm giác lành lạnh đang chạy dọc cánh tay. Hải cởi chiếc áo khoác ngoài đưa cho tôi:
– Huệ mặc tạm! Sương xuống rồi đó.
Tôi im lặng. Chiếc áo măng tô của anh thật ấm.
Có tiếng sột soạt trong bụi rậm. Tôi đang nghĩ đến thân hình to lớn, dữ tợn của con hổ cái trong câu chuyện mà mế Xem đã kể. Hình như biết sự sợ hãi của tôi, Hải trấn an:
– Ngày xưa đoạn đường này vắng, cây cối nhiều nên cọp núi hay về. Từ ngày bà con ở định cư, có đồn biên phòng thường xuyên tuần tra thì cọp không về nữa.
Có Hải cùng đi, nỗi sợ hãi trong tôi tan biến. Đến lúc Hải nói lời chia tay, tôi bật lên ý nghĩ mà suốt quảng đường chưa thể nói:
– Anh Hải à? Mình có thể mở lớp trông trẻ khi mẹ các em lên nương được không?
– Bọn anh đã nghĩ tới nhưng… khó quá… Để anh nói với đồn trưởng xem sao.
Tiếng kèn môi của Bai lại vang lên nơi bậc cửa. Tôi xách nước từ máng vào bếp cho mế Xem, đầy hai chum rồi tranh thủ ăn tối để còn đến lớp. Mế Xem đã chuẩn bị cơm sẵn. Tôi thích ngồi ăn trước nhà, vừa nhai vừa ngắm nhìn mông lung về phía chân núi. Những bóng cây, tán lá lúc chiều xuống mới đẹp làm sao, nó huyền ảo, rực rỡ như một bức tranh.  Đã có lúc tôi ước, giá như mình học mỹ thuật thì hay biết mấy. Lúc ấy tôi sẽ vẽ. Bức vẽ của tôi có ánh hoàng hôn, có những tán lá in trên nền trời. Trong không gian tĩnh mịch và huyền ảo đó, tôi sẽ vẽ hai bóng người, một nam, một nữ đang ngồi bên nhau để ngắm hoàng hôn. Lúc bản vẽ của tôi vừa định hình thì tiếng kèn môi ngừng bặt. Bai hỏi vọng sang:
– Cô giáo à! Có cách nào để quên được tiếng kèn môi không?
Tôi bỏ bát xuống:
– À… Để em suy nghĩ xem…
– Cô giáo biết thì chỉ cho mình đi!
Tôi cười và nhìn sang hai bắp chân rắn chắc đang đung đưa của Bai.
– Học thuộc thì dễ nhưng quên thì chắc là khó đấy!
– Mình muốn quên nhưng chiều về… lại nhớ…
– À! Em có cách rồi!
– Cách nào hả cô giáo?
– Em tìm cho anh cô gái biết đánh đàn trơ bon nhé!
Bai đứng dậy:
– Thôi! Mình không muốn đâu! Con gái bản mình theo chồng hết rồi. Có lẽ mình phải ở vậy thôi…
– Anh đừng nói vậy. Nhất định sẽ có người nghe tiếng kèn của anh mà!
Tôi nghĩ đến mái tóc dài và mượt như suối của chị Say.
Tôi từ lớp học trở về thì đã khuya, mế Xem vẫn chưa ngủ. Mế trằn trọc là phải, ngày mai Hồ Nâu, đứa cháu duy nhất của mế được nghỉ phép về thăm nhà. Tôi khẽ nằm xuống. Mế xoay người sang tôi:
– Cô giáo Huệ à! Mai Hồ Nâu nó về, bụng mế già vui lắm.
– Kìa! Sao mế lại khóc? Mế phải vui lên chứ!
– Ừ… Ừ… Mế vui mà. Mế vui mà…
– Mế kể chuyện vui đi mế!
Mế Xem quệt nước mắt rồi bắt đầu. Câu chuyện của mế tôi đã nghe nhiều lần nhưng hình như mế chẳng nhớ là mình đã kể.
Ngày ấy, có con hổ cái lông vằn, đêm đêm cứ đến bản để phá. Heo, gà của bản mất sạch chỉ sau một đêm. Nhờ trí thông minh và sức khỏe nên chàng trai khỏe nhất bản đã hạ được con hổ dữ sau nhiều ngày mai phục. Sau này ông là chồng của mế. Tên ông là Hồ Lang. Nghĩ đến tiếng kèn môi của Bai, tôi hỏi:
– Hồ Lang tỏ tình với mế bằng tiếng kèn môi phải không mế?
– Ngày xưa, nhờ bó củi của Hồ Lang để trước cửa nhà mế đấy…
Chuyện về gia đình mế thì cả bản ai cũng biết, chị Say đã kể tôi nghe. Mế làm vợ được hai mùa rẫy, khi ấy Hồ Lang vẫn khỏe hơn hổ nhưng chỉ sau một ngày kêu đau, dù thầy cúng đã làm lễ xin tha nhưng con ma rừng cũng bắt ông đi để lại cho mế anh Lây khi ấy mới biết đi lẫm chẫm. Rồi Lây lấy vợ là Hồ Mai, người cùng bản. Khi cái Hồ Nâu sinh ra thì con ma rừng lại bắt mất Hồ Mai. Mấy năm sau, con ma rừng cũng về bắt Lây đi nốt. Mế chỉ còn Hồ Nâu là đứa cháu duy nhất. Nhờ có bộ đội biên phòng về, con ma rừng không còn trở về phá bản. Hồ Nâu biết cái chữ, giờ còn đi xa để học lên nữa đấy!
Mế kể giữa những cơn ho khan. Giọng mế lúc ù ù như tiếng gió núi, lúc khẽ khọt như giọt nước chảy vào ống bầu. Thỉnh thoảng mế lại thở hắt ra như kéo nỗi đau thoát khỏi lồng ngực. Tôi ôm lấy thân hình khô khốc như chiếc lá rơi giữa rừng già của mế. Mắt tôi cay xè. Ba tôi mất. Mẹ đi bước nữa với một người không ra gì… Mế Xem kể nữa, kể nữa… Cơn ngủ kéo mi mắt tôi sụp xuống:
– Mế à! Con buồn ngủ quá!
Tôi nói khi hai mắt đã nhắm lại. Chẳng phải mơ, rõ ràng tôi thấy Hải vác bó củi to, được tỉa tót cẩn thận đặt trước cổng nhà  tôi rồi trở về. Lại thấy Hải cầm cây đàn ghi ta ngồi cạnh một nhóm thiếu nhi trong bản. Vừa đàn anh vừa hát. Tôi ngồi giữa, hát và ru người theo từng nhịp…
Tôi giật mình bởi tiếng súng nổ. Mế Xem cố ngồi dậy. Con mắt già nua không cho mế nhìn thấy tôi đã ngồi dậy từ trước. Giọng mế run run:
– Cô giáo Huệ ơi! Dậy đi… Mấy đứa đàn ông lại say rượu rồi!
– Không đâu mế à! Chắc là có chuyện…
Trời tối bưng. Tôi với tay tìm cây đèn dầu. Phía nhà Bai đèn cũng vừa sáng. Tiếng lục cục rồi tiếng Bai hoảng hốt như tiếng con mang mẹ tác trong rừng đêm:
– Mế Xem ơi! Cô giáo ơi…
Ánh đèn theo Bai từ nhà sàn đi xuống. Cùng lúc đó, tiếng kẻng báo động từ nhà trưởng bản Hồ Ban vang lên. Bai hí hoáy châm lửa vào bó đuốc. Ánh lửa bừng sáng. Bai ở trần, khuôn ngực vạm vỡ những cơ bắp. Cái cằm vuông của Bai đang bạnh ra, mặt Bai đỏ như trời chiều. Tôi bước ra ngoài:
– Đi đâu vậy anh Bai?
– Cô giáo không nghe tiểng kẻng báo động à? Có kẻ xấu đấy! Mình phải đi…
– Đừng đi… Nguy hiểm lắm!
– Mình phải đến để hỗ trợ cho bộ đội…
Bai nói và vung lên, cái dao phát rẫy sáng loáng trong tay Bai. Đôi chân tôi đang muốn chạy theo Bai. Tôi quay vào rút cái dao quoắm trên mái lá rồi trở ra.
– Cẩn thận cô giáo à!
Mế Xem nheo mắt nhìn tôi đầy lo lắng. Bai cầm bó đuốc hầm hầm chạy trước, tôi hì hục theo sau.
– Mau lên! Mau lên cô giáo…
Đó đây vang lên tiếng chó sủa rồi tiếng sủa lan dần cả bản. Tiếng chân người huỳnh huỵch. Phía trước, phía sau, bên trái, bên phải. Những bó đuốc đang di chuyển về một hướng.  Đàn ông, đàn bà, người cầm gậy, người vác dao. Cả bản dàn trận nhanh chóng. Sự việc ngoài sự tưởng tượng của tôi. Trong hoàn cảnh đặc biệt tôi mới biết được, tính cộng đồng của người dân tộc phát huy thật cao độ. Chẳng khác nào bối cảnh ở một bộ lạc trong một bộ phim Mỹ nỗi tiếng tôi đã từng xem. Một bóng đàn ông cũng ở trần cất tiếng hỏi:
– Kẻ xấu nó chạy hướng nào?
– Về phía con suối!
Thế là cả nhóm người cùng đồng loạt lao về phía con suối.  Tôi chạy chậm vì bị vấp ngã liên tục. Bai vừa chạy vừa trông chừng tôi. Thỉnh thoảng, anh dừng lại để nắm tay tôi chạy theo. Sức khỏe cường tráng lan đến từng dây cơ trên thân thể anh. Đến quãng đường vắng thì mọi người đã bỏ tôi và Bai lại phía sau. Bất ngờ, tôi phát hiện phía xa có hai chấm sáng lập lòe. Mồ hôi đang túa ra trên trán tôi:
– Bai à? Ma trơi đấy!
– Cô giáo sợ à? Có tôi mà.
Bai kéo tôi dừng lại. Hai con mắt ma trơi đến gần. Bai quát:
– Ai? Người hay ma?
– Bai à? Bộ đội biên phòng đây!
– Bộ đội! Bọn xấu đã bị bắt chưa?
– Bắt được hai tên nhưng anh Hải bị thương rồi… Mấy anh em đang đưa về…
Đất dưới chân tôi như lún xuống. Tôi lau vội những giọt mồ hôi:
– Sao? Anh… Anh Hải… Bị thương?
– Cô giáo Huệ đấy à? Nếu có thể, cô cùng ý tá về đơn vị giúp chúng tôi một số việc…
Tôi cùng anh y tá trở về đơn vị nhưng Hải đã được chuyển gấp lên bệnh viện tuyến trên bằng xe máy của đơn vị.
Bốn giờ sáng, tôi đang thu xếp để đi xuống bệnh viện huyện thì nghe tin về, Hải mất trên đường đi vì vết thương quá nặng.
Tôi muốn trở về nhà để báo tin cho mế Xem và Bai nhưng đôi chân tôi nặng trĩu. Tim tôi đang nhói lên từng hồi.
Hải bảo, anh sẽ là người đàn ông suốt đời luôn ở bên tôi, là chỗ dựa khi tôi mệt mỏi, là bát nước khi tôi khát, là cái giường, cái gối khi tôi buồn ngủ…
Hải bảo, anh sẽ bù đắp những nỗi buồn của tôi. Sẽ cùng tôi đi hết con đường mà tôi đã chọn…
Chỉ cần tôi nhận lời yêu anh.
Mới chỉ hôm trước, hôm trước thôi…
Tôi chưa kịp trả lời…
Chưa kịp, dù câu trả lời như đã định hình từ trước, từ khi tôi mới cùng anh lên lớp học ngày đầu. Tôi chưa vội vì tôi và anh vẫn còn nhiều cơ hội…
Bàn tay tôi chưa trọn vẹn trong tay anh dù ngày ngày anh vẫn dắt tôi trở về trên con đường vắng.
Tôi chưa cảm nhận được vị ngọt của đôi môi anh dù hơi thở của anh đã ở thật gần.
Hải ơi! Cuộc đời này thật ngắn ngủi. Lá trên cây rồi cũng rụng. Nước dưới suối rồi cũng khô.
Rồi đây tôi có đơn côi như Bai? Già, quên quên nhớ nhớ như mế Xem?
Chẳng có phép màu nào để cho Hải sống dậy, để cho tôi được nắm tay anh, được cùng anh môi kề môi, má kề má.
Chẳng có phép màu nào để cho Bai quên được bài hát cũ.
Chẳng có phép màu nào để mế Xem không phải lọ mọ một mình trong ngôi nhà quá rộng.
Đã lâu lắm rồi, hình như đã hai mùa con suối đầu bản ngập nước, Bai chẳng thổi kèn môi. Mế Xem bảo, Bai đã quên bài hát cũ rồi.
Lớp học vẫn ngày hai buổi, sáng và tối nhưng bà con bảo, hồi này, cô giáo Huệ ít nói quá. Cầm viên phấn, tôi nhớ Hải. Khi bà con đến lớp không đủ, cũng nhớ Hải. Khi lủi thủi trở về trên con đường vắng. Lại nhớ Hải. Hải thật tệ, nỡ bỏ lại tôi một mình. Tôi ngồi bệt xuống đất. Những giọt nước mắt cứ thi nhau rớt xuống. Rồi tôi đứng phắt dậy. Tôi phải đi thôi, dù chỉ một mình. Hải đã tồn tại trong tôi dù dưới một hình thức khác. Hải giúp tôi trở nên mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Bai gặp tôi cách nhà một quãng:
– Cô giáo à!
Tôi giật mình:
– Sao anh lại ngồi đây?
– Tôi chờ cô giáo…
– Để làm gì?
– Tôi muốn xin cô giáo cái chữ!
– Tối anh đến lớp cùng bà con nhé, em sẽ dạy…
Lạ thật. Cả bản ai cũng nói, Bai ghét cái chữ vì cái chữ đã mang Then của Bai đi. Tôi và anh Hải vận động mãi, Bai không chịu. Vậy mà bây giờ Bai lại xin đi học. Bai thay đổi rồi. Một niềm vui nho nhỏ vừa nhen lên trong tôi.
Mế Xem đang lúi húi bên bếp. Mùi thức ăn bay lên thơm ngậy. Tôi lại gần:
– Mế à? Mùi thức ăn gì mà thơm quá!
– Mùi thịt đó mà!
– Thịt gì hả mế?
– Thịt gà rừng… Hồ Bai mang về, bảo mế nấu cho cô giáo ăn đó mà…
Tôi chợt nhớ lại nét mặt vui vui của Bai lúc nãy. Mế Xem nhìn tôi:
– Mế gọi Hồ Bai cùng qua ăn cơm. Cô giáo Huệ nhé!
Ngần ngại một chút rồi tôi cười:
– Tùy Mế mà!
Tôi ngồi soạn bài thì nghe tiếng kèn  môi của Bai. Tôi chẳng biết lời bài hát nhưng tôi biết tâm trạng người thổi. Bai đang vui. Có phải Bai vui vì tối nay Bai được đi học hay Bai vui vì điều gì khác? Tôi chịu.
Bên cánh cửa trước nhà, mế Xem vừa may áo vừa hát theo:
“Ơi cô gái mà anh thương!/ Em là bông hoa bên suối/ Em là tiếng chim buổi sớm/ Em là con suối dịu hiền/ Em là ngôi sao đầu núi/ Để anh nhớ/ Để anh yêu…”
Tôi hình dung ra bàn tay rắn chắc, những bắp cơ cuồn cuộn trên cơ thể của Bai và cái nắm tay dứt khoát, mạnh mẽ khi Bai kéo tôi chạy trong đêm tối năm nào.
Mế, tôi và Bai. Ba cái cây mọc ở ba ngọn núi khác nhau. Điều gì sẽ xẩy ra nếu ba cái cây cùng chụm lại để làm nên một mái nhà? Tôi bật lên ý nghĩ đó khi nghĩ đến bữa cơm sẽ có ba người.
22/8/2024
Châu Hoài Thanh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cõi Thiên Đường Rác Bé Hoa vai mang cái bao, tay cầm chiếc que sắt đang bươi rác từ chiếc xe vừa đổ xuống. Nó đang lượm từng miếng ni lô...