Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Chuyện ở ngôi nhà làng Xuân Huy - Tuyên Quang

Chuyện ở ngôi nhà làng
Xuân Huy - Tuyên Quang

Tôi khẽ rút mối buộc mở gói ra. Trời đất ạ! Một mảnh gấm đỏ! Chắc là Ông Thi biếu để cụ Su may bộ quần áo đẹp lúc về già! Mấy anh em chúng tôi ngồi lặng nhìn nhau. Hai bàn tay cụ vẫn run run trên tấm gấm đỏ, giọng cụ nghẹn nghào: “- Nó tốt với tôi quá!”. Và cứ thế cụ khóc…
Nhà văn Tùng Điển, Chánh văn phòng Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam từ Hà Nội lên, gặp tôi anh bảo:
– Có vài việc phải phối hợp cùng với Hội VHNT Tuyên Quang tiếp tục hoàn thành. Các bạn giúp mình cùng triển khai nhé!
– Vâng, có việc gì anh cứ “ra chỉ” bọn em một mực tuân theo. Thấy tôi nghiêm trọng anh khẽ mỉm cười.
– Chỉ, chiếu gì đâu. Công việc thường ngày phải làm thôi mà. Việc thứ nhất ta phải cùng nhau hoàn thiện thủ tục hồ sơ bia kỷ niệm nơi cơ quan Văn nghệ Việt Nam ở và làm việc trong kháng chiến chống Pháp tại làng Xuân Huy-Trung Môn-Yên Sơn đã cắt băng khánh thành cuối năm 2001 bây giờ phải đề nghị được xếp hạng vào hệ thống di tích bảo tồn của tỉnh.
– Vâng. Anh cứ để lại đầy đủ hồ sơ nơi địa điểm đặt bia, Hội VHNT Tuyên Quang sẽ bàn với bảo tàng tỉnh từng bước hoàn thiện thủ tục để báo cáo cấp trên. Việc này tin tưởng sẽ thuận lợi bởi vì đây không những chỉ là niềm tự hào, là trách nhiệm của anh em văn nghệ mà còn là niềm vinh dự, tự hào của nhân dân các dân tộc Tỉnh Tuyên Quang- mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi mà Trung uơng Đảng – Bác Hồ ở lãnh đạo thành công Cách mạng tháng Tám và chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp.
Làng Xuân Huy, xã Trung Môn lại là nơi đùm bọc, che chở cho cơ quan Văn Nghệ Việt Nam thời bấy giờ với những tên tuổi lớn như Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nam Cao, Nguyễn Huy Tưởng, Trần Đăng, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Phan Chánh… Bây giờ bia đã được đặt đúng địa điểm. Năm 2001, nhà văn Nguyễn Đình Thi đã cắt băng khánh thành giờ chỉ còn lại thủ tục đề nghị xếp hạng, chắc chả khó khăn gì anh ạ.
– Vẫn biết thế – Nhà văn Tùng Điển ôn tồn – Nhưng mình phải để tâm, có trách nhiệm cao đấy. Vì lúc bệnh nặng Nhà văn Nguyễn Đình Thi nhắc mình việc này luôn mà. Mình coi đây là di chúc của Nhà văn Nguyễn Đình Thi đấy.
– Vâng! Tôi im lặng, giọng anh Tùng Điển vẫn ngậm ngùi
– Còn việc thứ hai, việc riêng của nhà văn Nguyễn Đình Thi.
Vừa nói anh Tùng Điển vừa mở cập lấy ra cái gói nhỏ vuông vắn. Tôi nhìn thấy mấy dòng chữ: Nguyễn Đình Thi. Kính biếu cụ: Nguyễn Thị Su.
Năm 2001, nhà văn Nguyễn Đình Thi đến thăm gia đình cụ Nguyễn Thị Su ở làng Xuân Huy. Nơi ở của gia đình nhà văn Nguyễn Đình Thi thời Văn nghệ kháng chiến tại làng Xuân Huy – Tuyên Quang
Anh Điển để cái gói lên bàn giọng nghèn nghẹn:
– Thời gian lâm bệnh nặng Ông Thi gọi Tùng Điển đến và cứ nhắc đi nhắc lại: “Mình vẫn có ý định trở lại Tuyên Quang một lần nữa để nhìn lại chiến khu xưa và đến thăm bà cụ Su nơi cơ quan Văn nghệ ở thời kháng chiến, tặng cụ chút quà nhỏ. Cũng để bày tỏ tấm lòng của anh em Văn nghệ với cụ và gia đình. Bây giờ thì chậm rồi! Điển giúp mình việc này nhé”. Vừa nói Ông Thi vừa đưa cho mình cái gói nhỏ: Nhận công việc này càng thấy cái mênh mông, giản dị trong tấm lòng của nhà văn Nguyễn Đình Thi! Tôi cứ ngồi lặng nhìn cái gói nhỏ. Anh Tùng Điển bảo:
– Giờ ta đi thăm cụ Su luôn.
– Vâng! Mấy anh em chúng tôi cùng bộ hành trở lại làng Xuân Huy.
Giữa buổi sáng gia đình đi làm vắng chỉ có cháu gái và cụ Su ở nhà. Cụ ngồi ở góc sân chỗ nhà Văn Nguyễn Đình Thi chụp ảnh chung với cụ hôm cắt băng khánh thành bia (28.11.2001). Hai bàn tay cụ lọ mọ nhặt rễ những củ khoai lang vừa giỡ ở ruộng về. Chỗ giếng nước cháu gái đang vợi nước lên bể. Tôi mau miệng kính cẩn chào cụ. Cụ vẫn ngồi lặng nhặt khoai. Cháu gái bảo:
– Sang năm nay cụ cháu điếc nhiều, không nghe được đâu.
Tôi hỏi:
– Thế bố mẹ cháu đâu?
– Dạ!
Con bé ngẩn người, Giọng nó lạc trong hơi thở:
– Mẹ cháu ra chợ, bố cháu mất hồi tháng 9 năm ngoái. Các bác sĩ bảo bố cháu chết do cái chất độc mầu da cam nhiễm vào gan từ lâu ngày, giờ tuổi cao nó mới phát ra, không tài nào cứu được.
Con bé ngừng lời, khẽ quyệt tay áo ngang mắt! Mấy anh em tôi đứng lặng như trời trồng giữa nền sân xi măng. Kiếp người là thế vừa mới hôm nào anh còn xăng xái cùng chúng tôi khuân vác bàn ghế phục vụ cho buổi lễ cắt băng khánh thành bia. Thế mà hôm nay đã thành người thiên cổ. Tôi thở dài! Nhà văn Tùng Điển tần ngần ngồi xuống cạnh cụ Su. Tôi bảo cháu gái lấy nước cho cụ rửa tay rồi mấy anh em dắt cụ vào bàn nước chỗ tiếp khách. Nhà văn Tùng Điển xin phép cụ thắp cho anh Huấn con trai cụ nén nhang. Việc xong nhà văn Tùng Điển ghé sát tai cụ nói thật to:
– Anh em chúng con là cán bộ đang công tác tại Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Là cán bộ của nhà văn Nguyễn Đình Thi.
Cụ Su khẽ nghiêng đầu hỏi lại:
– Nguyễn Đình Thi à? Hôm nọ nó còn lên đây làm nhà bia ở ngoài cổng nhề!
– Vậng! Nhưng mà ông Thi cũng chết rồi!
– Chết rồi á? Bà cụ hỏi lại rồi giọng cụ lẩm bẩm: Hôm lên làm bia nó còn chụp ảnh cùng tôi ở góc sân kia, nó còn bảo lúc nào tôi ốm mệt, phải về già nó sẽ có mặt. Thế mà nó dám chết trước tôi à!
Cụ ngồi im, trong hai hố mắt sâu hoằm ứa ra những giọt nước. Giọng cụ đổ buồn:
– Ngày xưa nó ở đây, chỗ này còn rậm rạp lắm. Chúng nó đi làm khuya mới về, có bữa gà gáy đã dậy đi. Ăn uống ngày ấy chỉ có khoai, sắn thôi, nhưng vui vể, ấm cúng lắm. Tôi nhớ nó là người ít nói chỉ hay mỉm cười. Đêm thì hay thắp đèn ngồi viết lách một mình. Vợ nó mất ở trên Chiêm Hoá nhỉ! Ngày hoà bình tôi cũng được nó đón về Hà Nội chơi một lần, có gặp hai người chị gái và mấy đứa con của nó! Thế mà hôm nay nó chết thật rồi à! Ông trời độc quá, sao không cho tôi chết trước nhề!
Nhà văn Trịnh Thanh Phong
Những giọt nước trong hai hố mắt cụ lại ứa ra. Nhà văn Tùng Điển ôm ngang vai cụ, giọng nghẹn ngào:
– Cụ ơi! Việc sinh tử đành vậy biết làm thế nào! Lúc bệnh nặng ông Nguyễn Đình Thi đưa cho con cái gói này và bảo phải mang lên đưa tận tay cụ. Hôm nay con mới lên được.
Vừa nói nhà văn Tùng Điển vừa đặt cái gói vào lòng cụ. Hai bàn tay cụ run run lần khắp cái gói.
Tôi khẽ rút mối buộc mở gói ra. Trời đất ạ! Một mảnh gấm đỏ! Chắc là Ông Thi biếu để cụ Su may bộ quần áo đẹp lúc về già! Mấy anh em chúng tôi ngồi lặng nhìn nhau. Hai bàn tay cụ vẫn run run trên tấm gấm đỏ, giọng cụ nghẹn nghào:
– Nó tốt với tôi quá!
Và cứ thế cụ khóc. Bé gái lẳng lặng rót nước mời chúng tôi, giọng bé thổn thức:
– Hôm Ông Thi mất xem trên truyền hình cháu cũng thấy nhưng chả làm nào được! Ngày ông lên khánh thành lễ đặt bia cháu lại đi học vắng, bây giờ ông đi xa rồi, cháu chả bao giờ được gặp ông nữa. Nước mắt bé gái cũng ứa ra.
Nhà văn Tùng Điển ân cần bảo:
– Chịu khó học hành nghe cháu. Bây giờ các bác phải về. Nhớ chăm bà thật chu đáo và nói lại với mẹ nhé. Nhớ khi nào cụ yếu phải thông tin báo cho bác. Địa chỉ như thế này: Nhà văn Tùng Điển – Uỷ ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam – 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội.
Bé gái vừa khoanh tay vừa vâng vừa khóc! Mấy anh em chúng tôi ghé sát tai cụ xin phép được về. Cụ Su sờ tay lên vai nhà văn Tùng Điển bảo:
– Ở lại tí nữa mẹ cháu về, cả nhà cùng ăn với nhau bữa cơm muối!
Trong hai hố mắt của cụ, những giọt nước vẫn lấp lánh ứa ra.
Biết là chả giữ được chúng tôi, cụ buông thõng hai bàn tay xuống thành ghế, miệng lẩm bẩm:
– Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Đình Thi! Tôi chỉ là người dân cấy cày mà suốt đời nó vẫn nhớ đến tôi!.
Làng Xuân Huy,16/5/2003
Thanh Phong
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chuyện ở ngôi nhà làng Xuân Huy – Tuyên Quang Tôi khẽ rút mối buộc mở gói ra. Trời đất ạ! Một mảnh gấm đỏ! Chắc là Ông Thi biếu để c...