Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Kỵ đúng ngày lụt

Kỵ đúng ngày lụt

Về đêm, mưa tầm tã, lẫn tiếng gió gầm thét, mưa như một bản nhạc giao hưởng của Tschaikowsky, khi trầm khi bỗng khi cuồng loạn, kéo dài suốt đêm. Buổi sáng tung chăn ngồi dậy, tôi chạy vội xuống nhà dưới, nhìn ra bến đò Chợ Dinh, đường Chi Lăng, nước một màu vàng sẫm xấp xĩ mé đường. Gió lùa mạnh, rồi mưa ào ào. Khép chặt cánh cửa, tôi quay vào, vừa đụng cha tôi:
- Trời mưa gió thế này, chắc lụt sẽ dâng lên, vô nhà. Kỵ ôn nội làm răng đây chú?
Cha tôi xoa đầu nhìn tôi cười:
- Khỏi lo chi hết, bà con vẫn tới đông đủ. Kỵ mà trúng trời lụt thế này thì vui đó nghe con!
Ui chà chà, cha tôi bao giờ cũng lạc quan tin tưởng. Ông đã tuổi 60 rồi mà vẫn còn nghịch. Hình như ông thích lụt. Riêng tôi thì vẫn thích quá rồi nhưng là ngày bình thường kia. Còn bây giờ, hôm nay là kỵ ôn nội. Lụt mà trúng kỵ thì rõ ràng gây khó khăn cho việc đi lại của mấy bác, mấy O, mấy anh, chị. Tôi lo là bà con sẽ chẳng có ai đến.
.Vậy mà cha tôi lại tự tin!
Mỗi năm nhà tôi có hai cái kỵ lớn. Đó là kỵ mẹ tôi vào dịp tháng 6 Âm lịch và kỵ ông Nội tôi vào dịp tháng 9 Âm lịch.
Kỵ mẹ tôi trúng vào ngày hè, trời nắng nóng, oi bức. mấy cái quạt chạy hết tốc lực, nhưng được cái là khô ráo, đi lại dễ dàng, bà con vui vẻ. Kỵ ông nội trúng mùa đông. Thời điểm này, giao mùa, mưa gió thất thường, bão lũ thường hay ập đến. Nhà tôi ở xóm Chợ Dinh. Đó là một ngôi nhà lớn nhìn ra 2 mặt đường: Chi Lăng, cuối đường, và Phú Hậu, đầu đường. Nối dài Chi Lăng là đường về Bãi Dâu. Đây là một chốt giao thông của ngã tư đường bến đò: Chợ Dinh, Bãi Dâu. Phú Hậu, Chi Lăng. Nhưng đây cũng là vùng thấp lũ. Hằng năm, khi mưa kéo dài, nếu kèm theo gió thì thế nào nước từ sông Hương, dưới bến đò Chợ Dinh dâng cao và thế là nước mò lên tận đường Chi Lăng, lớn dần, lớn dần. tôi nhớ có năm cha tôi dùng que để làm dấu quan sát diễn biễn của lụt.
Trời nổi gió và mưa càng lớn. Cha tôi đi lui đi tới mặt lộ vẻ lo lắng, vậy mà khi sáng ông nói cứng với tôi, mặc dù nhà tôi cao nhất xóm. Nếu quả nhà tôi nước lò mò chỉ vào tận nhà trên, ngang đế chân của bộ ngựa gõ thì chung quanh xóm, nước sẽ dâng gần quá nửa vách nhà, có nhà sẽ ngập mái. Lúc đó sẽ có tiếng phèn la đánh cầu cứu, nhà tôi sẽ trở thành nơi tránh lụt của bà con láng giềng xóm Chợ Dinh. Còn nhớ năm lụt lớn nhất, ấy là lụt năm 53, cả xóm Chợ Dinh, và sau Phú Hậu nữa, đều tập trung tại nhà. Ngôi nhà trở nên điểm sinh hoạt cộng đồng, phức tạp, đủ thứ chuyện từ ăn uống cho tới đi lại…
May thay, mãi đến gần trưa, nước chỉ mới vào trong sân. xấp xĩ tầng cấp thứ nhất trước nhà lớn.
Mặc cho lụt, nhà tôi chộn rộn kinh khủng, dưới bếp bà chị dâu đã đi chợ chuẩn bị đồ nấu nướng từ ngày hôm qua. Bây giờ bà nội, chị dâu và chị tôi cứ bày ra để nấu thôi. Thế rồi cho dù lụt, bà con vẫn đến. Các chị con mấy bà dì tôi, các o, các bác đều đến sớm để phụ một tay. Ngươi nào cũng lo đi trước, sợ nước dâng cao không đến được. Ôi! lúc đó dưới bếp mấy bà kháo chuyện ồn ào còn hơn cái chợ “Xép”!.
Đến gần trưa, O Út và Dượng Chung từ trên đò bước xuống sân, lội nước bì bõm. O nói:
- U chao là cực! tao phải thuê một chiếc đò để qua đây. Nước cuốn dữ quá, chỉ sợ lật úp đò.
O làm nũng với cha tôi:
- En coai, ngộ nhỡ có chuyện chi thì làm răng?
Cha tôi cười ha hả:
- Không chết mô mà sợ, có cha đỡ rồi!
.O nhõng nhẽo nép vào ngực cha tôi. Hai vợ chồng o Út, dượng Chung sáng hôm đó phải thuê một chiếc đò ngang vượt qua mấy xóm thấp lụt. O dượng ở bên Bao Vinh, dùng đò đi qua con sông bến đò Doi, vượt qua nghĩa địa Cồn Mộ, ở đó là mộ mẹ tôi, đi qua làng Phú Hậu, đò trôi trên đường Ôn Như Hầu và cuối cùng cập bến trước sân nhà tôi.
Còn các chú, bác như chú Thọ ở Cầu Kho, chú Truyền ở Tây Lộc, chú Hưu ở An Hòa, bác Chơn và con là anh Phú ở chợ Tây Lộc, …chặng trong nội thành thấp lụt phải lội nước sâu, ra đến cửa Thượng Tứ lại đi bộ được một đoạn đường dài vì đường cao không có lụt, từ đường Trần Hưng Đạo trực chỉ đến Cầu Gia Hội, đi về Chi Lăng, đến ngang rạp ci né Châu Tinh thì phải lội nước tiếp. Mấy chú bác nói rằng càng đi về nước càng ngập lớn và chỗ nhà tôi là thấp lụt nhất, nước đến tận hông. Tội nghiệp mấy người đều mang theo áo quần, để thay khi đã đến nhà tôi. Lại nữa bà con tôi còn mấy người ở bên Hữu Ngạn như o Dung, dượng Đĩu, ông Hựu ở góc sát mé An Cựu, ngoẹo Dần Xay, đường lên núi Ngự Bình, Bác Song ở ngoài quốc lộ chặng ngã ba lên Ngự bình, Bác Phước, thông gia ở tuốt Trường Bia, ….
Tất cả ai nấy đều lội nước như nhau
Đúng 2 giờ trưa, nước đứng yên. Bấy giờ trong nhà, sinh hoạt ồn ào hẳn lên. Các bà con có dịp họp mặt nói chuyện rôm rả. Cha tôi vui lắm. Ông cảm động đến đỏ hoe mắt. Bà nội tuổi đã 85 mà lưng thẳng chưa còm. Bà vui nhất nhà, bà ngồi trên bộ ngựa gõ. Các o của tôi, o Út, bên Bao Vinh, o Dài trên làng Hiền Lương, o Lý ngoài Mỹ Chánh đều có mặt. Hai o ở xa nên cẩn thận bao giờ cũng đến sớm từ chiều hôm qua.
O Dung bên An Cựu gặp o Dài trên làng Hiền Lương nói chuyện rất tâm đắc, hai người cười từng tràng lớn và giọng nói như chuông làm căn phòng như có âm thanh nổi. O Dung kể:
- Ngày xưa ôn đang làm ruộng ngoài đồng thì có người nhắn, ôn bị ngất. En Toại đây chạy ra, cổng về nhà thì đã cứng họng, đến đêm thì đi!
O Dài bùi ngùi nói với tôi:
- Ôn nội mi là cụ đồ nho học, đi dạy học chữ nho đó nghe. Vì cuối trào nên mới đi làm ruộng!
- Rứa há o! con đoán là ôn bị huyết áp cao đó. Thời đó chắc không ai hiểu bịnh ni.
Chú Hưu ở ngoài An Hòa đến nói với tôi:
- Cơm cúng xong rồi tề, xuống phụ với mấy đúa bơn lên để lo cúng kẻo trễ quá!
Chẳng mấy chốc, mâm kỵ đã được bày sẵn trên bàn trong của căn thờ. Trước bàn thờ có một mâm nữa để mời khách người âm của ôn nội.
Mọi người lần lượt đứng sẵn hai bên chờ cúng.Mặc dù lụt mà sao bà con đông đủ và áo quần tươm tất. Cha tôi và các bác chú đều đồng phục lễ, áo dài đen, quần lảnh trắng, đầu đội khăn đóng màu đen. Các bà thì áo dài truyền thống.
Mọi ngươi đều lần lượt phủ phục trước bàn thờ cúng lạy.
Sau khi cúng xong, bửa cơm kỵ ngày lụt ăn ngon vô cùng. Mâm kỵ người Huế la liệt các món bày ra đếm không hết, đâu đó trên dưới 20 món. Nói vậy để thấy người phụ nữ Huế chịu khó đến mức nào.
Tôi thích ngồi trên bộ ngựa gỗ trắc bên cạnh O Dài để được o gắp mấy món mà o biết tôi thích. O vẫn thường nói:
- Thằng Cu Em là út, mất mẹ quá sớm tụi bây phải thương nó!
Trong mâm kỵ nhiều món quá làm tôi phân vân chẳng biết chọn món nào. Các món đồ xào tôi ít ưa. Tôi chọn mấy món mà ngày thường tôi ước ao: Mấy lát chả, mấy lọn nem, rồi thì thịt gà bóp rau răm, chả giò. Tôi thích nhai bánh trán cuốn quanh thịt băm chiên vàng. Khi nhai nghe tiếng rạo rạo như tiếng chân mình đi trên sõi. Mới vào ngồi quanh mâm đồ ăn, tôi tự nghĩ mình sẽ ăn thật nhiều. Vây mà … ớn quá rồi. O Lý lại gắp cho tôi miếng thịt heo luộc. Tôi từ chối nhưng O nói:
- Đừng có ngu! Mi ăn cái ni kèm với tôm chua sẽ ngon mà hết ớn đó!
Nghe O nói, tôi cố gắng ăn thử, ôi! ngon, ngon tuyệt. Vị chua, ngọt ngọt cay cay, mặn mặn của mắm tôm làm cho miếng thịt heo luộc trở nên một vị ngon độc đáo, cảm giác ớn ngán bỗng tiêu đâu mất.
Bửa cơm kỵ đã tàn. Bỗng chốc chú Thương bưng ra hai dĩa bánh in. Thích quá những cái bánh được gói giấy dầu trong, màu sắc sặc sỡ: Bánh đậu xanh ướt, bánh đậu xanh khô, bánh bột nếp, bánh măng, bánh hột sen rồi bánh su sê thêm bánh ít lá gai, mặn và ngọt.
O Dài dúi cho tôi cái bánh in, bánh hột sen và một cái su sê. O nói:
- Cho mi cầm rồi chạy đi chơi. Để người lớn nói chuyện.
Tôi OK ngay, cầm bánh chạy ra đứng trước nhà nhìn ra sân. Nước đã rút, chỉ còn ngoài đường. Sân nhà bây giờ toàn bùn non màu vàng sẫm.
Đã 6 giờ chiều, mùa đông trời tối thui. Gió không còn, nhưng lạnh nhiều. Mấy o, mấy chú đều đã mặc áo ấm. Mọi người đã đứng dậy từ giã ra về. Cha tôi cười tươi:
- Đó! Mấy anh thấy chưa, tui nói có sai mô, ôn nội tụi nó thương tình nên lụt đã rút, trời tạnh rồi tề! Mấy anh, chị đi một đoạn rồi kêu xe cyclo đi nghe!
- Được rồi, en đừng lo, xong ngay!
Cha tôi nhắc anh tôi:
- Đã gói bánh cho mấy ngươi mang về chưa rứa?
- Có hết rồi chú.
Đó là một tục lệ, khi nào cũng thế, mọi người đi ăn kỵ, mua bánh đến cúng và khi ra về bao giờ cha tôi cũng cho lưu chủ một ít làm quà.
Nhà đã vắng bớt. Bây giờ chỉ còn mấy O, dượng Chung, chú Cầm ở lại.
Trời tối rồi, đèn sáng rực. Cha tôi, mấy o, chú Cầm, dượng Chung ngồi quanh bàn dài giữa nhà chuyện trò. Chú Cầm đứng dậy vào bàn thờ thắp hương cho ôn nội, mẹ tôi.
Mỗi lần kỵ nhà tôi, bao giờ cũng vậy, chú Cầm, dượng Chung lo chi li các việc cúng trên bàn thờ, thắp hương, nhắc nhở từng việc nhỏ, trở thành thói quen. Sự sắp xếp cúng trên bàn trong căn thờ là việc khó đối với tôi. Các thức ăn để thế nào, đều có vị trí của nó, bởi vì các đồ dọn cúng rất nhiều, nếu không biết sắp xếp sẽ không có chỗ để, lộn xộn, rất khó coi. Thế nên khi sắp xếp xong, nhìn vào mâm cúng, tôi thấy có một trật tự hoàn mỹ, rất nghệ thuật,.
Điều này chỉ có dượng Chung, chú Cầm làm được.
Và bao giờ cũng thế, dượng Chung và chú Cầm ở lại. Hai người thay phiên phục vụ trên bàn thờ cho ôn nội đến tận sáng mai, khi tờ mờ sáng, mọi người cúng cơm đưa tiễn ôn nội về lại cõi âm.
Khuya nay, lúc 0 giờ, chú Cầm và dượng Chung lại thức khuya cùng cha tôi để cúng hàng lỡ cho ôn nội. Tôi nghĩ tới món chè đậu xánh đánh được múc vào những cái chén long ẩn xinh đẹp.
Tôi sẽ thức cùng cha tôi và mọi người.
Sau năm 1975, những gì tôi yêu quý nhất, trân trọng nhất đã trở thành ký ức. Tôi xa Huế, xa xóm Chợ Dinh, xa những người tôi yêu thương. Bà nội tôi, cha tôi, anh H tôi lần lượt qua đời. Các o, các chú, các bác, Dượng Chung, chú Cầm đã bỏ tôi sang bên kia thế giới.
Tôi đóng khung Huế của tôi, đóng khung những ngày kỵ đầy yêu thương, những ngày tết đầy nhung gấm, đóng khung những người mà tôi trân quý vào kỷ niệm ngọc ngà.
Ôi! Đất nước tôi, một thời hoàng kim tìm đâu thấy!.
Nguyễn Lương Tuấn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...