Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Cơn bão đất và Trở về

Cơn bão đất và Trở về

Nhà văn Đào Thanh Tám tên thật Đào Thị Tám sinh năm 1976, quê quán Chương Mỹ, Hà Nội. Tốt nghiệp ngành sư phạm chị đi dạy học từ năm 1998 ở quê nhà, đến 2006 chị cùng gia đình chuyển lên miền núi biên giới Lai Châu tiếp tục dạy học. Mới đây chị chuyển về làm việc ở Tạp chí Văn Nghệ Lai Châu thuộc Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu.
Yêu thích văn chương từ nhỏ, nhưng đến năm 2021 Đào Thanh Tám mới bắt đầu sáng tác và xuất bản tác phẩm đầu tiên: tập truyện ngắn “Bình minh trên núi” (NXB Hội Nhà văn 2022).
Chị đã được nhận một giải thưởng văn học Lai Châu (2022) và giải thưởng của Thời báo Văn Học Nghệ Thuật (2023).
Truyện ngắn của Đào Thanh Tám thấm đẫm tinh thần văn hóa, thiên nhiên, con người miền núi với những góc khuất số phận và sắc thái khác nhau qua cách diễn ngôn giản dị, chuẩn mực và giàu liên tưởng, hướng tới cái đẹp cái thiện thầm lặng trong tâm hồn.
Vanvn.vn trân trọng giới thiệu 2 truyện ngắn Cơn bão đất và Trở về của nhà văn Đào Thanh Tám.
CƠN BÃO ĐẤT
Đợi mãi, Hiếu vẫn không rời mắt ngây người nhìn ngôi nhà, Thiện giục vợ: “Đừng nhìn nữa, đi nào em?” “Cho em vài phút nữa thôi anh!”
Hiếu nói với chồng trong màng nước mắt. Cô cố ngoái lại nhìn ngôi nhà đã từng gắn bó. Kia là bậc cửa nơi in dấu cả gia đình bé nhỏ của cô bao năm tháng. Mỗi bậc cửa ấy hai đứa con cô đã đặt bàn chân bé xíu chập chững tập bước lên từng bậc một. Ô cửa sổ màu xanh mát mắt nhìn ra khoảng vườn bé tý teo nhưng được cô chăm sóc tỷ mỉ như người ta chăm con thơ. Khóm hồng nở quanh năm, dù hoa không nhiều nhưng với bản tính chăm chỉ, khéo léo thì bằng ấy đủ cho cô luôn có lọ nước hoa nhỏ xinh dùng quanh năm được chưng cất từ chính hoa trong vườn nhà. Cây đào già đã bao mùa thay lá để bật lên những cành hoa đỏ thắm gọi từng đàn từng đàn chim sẻ ríu ran trò chuyện xôn xao ngõ nhỏ mỗi dịp xuân sang.
– Nào, ta đi thôi!
Thiện nhắc vợ thêm lần nữa, không phải anh không nuối tiếc, vấn vương nhưng lúc này anh thấy mình cần phải mạnh mẽ, cứng rắn. Họ dìu nhau lên hàng ghế sau của chiếc xe bán tải ford ranger màu trắng bạc, người lái xe đợi hai cánh cửa đóng chặt mới cho xe chuyển động về phía ngoại ô thành phố.
Bảy cây số đường trở về nơi ở mới, Thiện luôn nắm chặt tay vợ, cả cô và anh không nói một lời nào. Thiện lặng lẽ ôn lại những ký ức ngọt ngào về căn nhà cũ. Còn Hiếu, cô đang nghĩ về những ngày cô mới lớn, về căn nhà của bố mẹ.
Là con út trong một gia đình thuần nông. Bố mẹ nghèo, không có tiền cho tất cả các con ăn học nên các anh chị cô đều nghỉ học sớm, lớn lên họ xây dựng gia đình riêng. Còn Hiếu từ khi mới sinh đã bé nhỏ, yếu đuối. Cô thường nghe mẹ nói chắc tại mẹ già con cọc. Cô không biết có phải vì mẹ già mà con cọc không nhưng vóc dáng, sức khỏe của cô trái ngược hoàn toàn với các anh chị. Lúc còn đi học, cô giúp mẹ làm việc đồng mà cứ lẩy bẩy như cua gẫy càng. Biết mình không có sức khỏe làm việc nặng nhọc, Hiếu cố gắng học với một ước mơ “thoát ly” khỏi đồng ruộng. Hiếu học lớp mười hai thì gia đình xảy ra biến cố lớn. Bố mẹ cô ốm yếu dần, bao nhiêu tiền thuốc thang cũng không qua khỏi. Mẹ mất chưa đầy năm thì căn bệnh hiểm nghèo cũng cướp nốt chút sức lực cuối cùng của bố. Hiếu vô cùng đau đớn. Cô thấy bế tắc hoàn toàn cho tương lai của mình. Các anh chị lấy vợ, lấy chồng ai cũng vật vã với mấy sào ruộng cũng chỉ đủ ăn, không dư dật. Lẽ nào bỏ dở ước mơ!
Hiếu đem nỗi muộn phiền tỏ bày với hầu hết các anh chị nhưng đều được khuyên là nên ở nhà, tự kiếm sống rồi đi lấy chồng. Đường tương lai trở lên mờ mịt. Hiếu chưa biết nên nghỉ học ở nhà làm hơn sào ruộng rồi ngày ba tháng tám chăm sóc con lợn con gà như các anh chị hay học tiếp? Mà học tiếp thì cần phải có tiền. Mà tiền thì đào đâu ra để học?
Người chị thứ hai của Hiếu tên Thực. Chị Thực tính nóng nảy, bốp chát, nghĩ sao nói vậy. Chị mắc bệnh tổ đỉa ở hai chân từ ngày nhỏ. Đêm ngày chị khóc khi máu mủ dầm dề làm chị đau đớn. Bố mẹ cõng chị đi khắp nơi, tìm hết thầy này thuốc khác chữa trị. Chị mười lăm tuổi, bố cõng chị đi chữa bệnh, chân chị dài hơn cả chân bố. Đôi chân chị băng bó lủng lẳng theo từng bước chân nhọc nhằn của bố. Khoảng mười tám, đôi mươi thì chân chị khỏi, cũng không biết là khỏi vì loại thuốc gì, ở đâu bởi chị đã uống, bôi, ngâm, đắp vô vàn thứ thuốc. Đông tây nam bắc, ngâm, đắp uống bôi đủ cả.
Khỏi chân, mẹ không muốn chị phải lội ruộng nên mẹ bàn với bố mua lại cho chị cái quán nhỏ ở đầu làng, chị ngồi đó với đủ thứ hàng lặt vặt. Lời lãi bao nhiêu bố mẹ cho chị làm vốn riêng, phòng khi bệnh cũ tái phát có thể chủ động thuốc men. Chị có duyên, cửa hàng mới mở nhưng khách tấp nập vào ra, người gói mì tôm, quả trứng; người điếu thuốc, cái kẹo; người túi mì chính, bao diêm. Cứ như thế, dần dà chị nhập lãi vào vốn, mở rộng hàng hóa.
Ba mươi. Cái tuổi ấy gái quê đã được gọi là ế lắm rồi, có anh xóm dưới đến hỏi, chị ưng lòng. Bố mẹ lo cho chị về nhà chồng chu đáo nhưng cái bản tính chả chịu nhường ai, nói chả nể ai của chị khiến chị phải quay lại quán với cái bụng bầu lớn. Chị vượt cạn có bố mẹ, các chị em trong nhà ở bên. Bản tính mạnh mẽ vốn có giúp chị đủ nghị lực nuôi con một mình.
Bệnh của chị nhiều năm không tái phát. Hợp tác xã chia ruộng theo từng hộ gia đình tính theo nhân khẩu. Chị cày cấy suất ruộng của chị. Thóc gạo làm ra, con gà, mớ rau chị cũng tự nuôi tự trồng được. Cái quán ngày một lớn, thu nhập của chị ngày một tăng. Lâu dần, chị có chút ít của để dành. Chị bỏ số lẻ trong phần dành dụm được cho Hiếu mượn đóng học. Mỗi tháng một ít, góp lại tính ra vàng. Bốn năm Đại học, dù cố gắng tằn tiện đến mức tối thiểu nhất thì số vàng Hiếu mượn chị cũng đến ba cây. Hiếu hứa với chị ra trường đi làm sẽ trả lại chị đầy đủ.
Tốt nghiệp, Hiếu xin làm việc trong bảo tàng ở thành phố của tỉnh, mức lương còn thấp nhưng cô vẫn dành dụm mua được một vài chỉ. Mỗi lần về thăm quê Hiếu gặp ngay chị để trả nợ. Hiếu mong một ngày sớm nhất trả hết số nợ với chị. Những ngày hè, phố thị nóng như rang người trên chảo lửa hay những ngày mưa dầm gió bấc ù ù thổi, Hiếu không phải lai lưng ngoài đồng như các anh chị ở quê. Hiếu cảm ơn trời phật thương giúp cô “thoát ly” thực sự với ruộng đồng. Hiếu cảm ơn chị Thực đã giúp cô có tiền học hành. Hiếu ơn chị lắm. Biết lấy gì trả ơn. Ngoài đồng lương còm cõi trên phố thì ở quê Hiếu vẫn có suất ruộng, cô để chị Thực cày cấy thêm thắt thóc gạo nuôi con. Hơn mười năm như thế cô không nhắc một lời đến một sào rưỡi ruộng ấy. Trong cô luôn là ý nghĩ: chị em một nhà, cần bao bọc, giúp đỡ nhau. Đồng tiền, bát gạo có thể làm người ta ấm no còn tình cảm gia đình ruột thịt thân tình sẽ giúp người ta trở lên vững vàng mạnh mẽ hơn.
Đi làm được ba năm thì cô trả hết nợ. Ngày mới về cơ quan, Hiếu luôn thu mình vì nghĩ thân phận gái quê cùng với món nợ ăn học luôn nhắc nhở trong đầu. Cô dè dặt với tất cả mọi người trong đó có Thiện. Nhưng cô đã bị Thiện đã đánh gục bởi sự tình yêu thương trân thành anh dành cho Hiếu. Trước khi nhận lời anh, Hiếu đã tâm sự hoàn cảnh với Thiện để thăm dò ý tứ. Anh động viên cô nhiều. Anh cho rằng: tình yêu không xuất phát từ tiền bạc thì tình yêu sẽ bền chặt trong gian khó. Hai người cùng nhau xây đắp, vun vén hạnh phúc bằng trái tim yêu thương bằng khối óc và đôi bàn tay thì cái khó dần sẽ đi xa.
Họ đến với nhau như thế. Họ chia ngọt sẻ bùi, hạnh phúc vẹn tròn khi họ về chung một nhà. Họ có với nhau hai cô con gái xinh đẹp, khỏe mạnh, ngoan ngoãn, học giỏi. Họ chắt chiu rồi cũng mua được căn nhà bé xinh trong cái thành phố nhỏ nhắn nơi làm việc. Họ vẫn thường xuyên đưa con về thăm quê, thăm họ hàng nội ngoại. Vẫn tới lui nhà các anh chị thăm hỏi sức khỏe, không quên những gói quà nho nhỏ từ thành phố biếu các anh chị, gói bánh cho các cháu.
Xã hội ngày một phát triển, nhiều việc để làm cho người chăm chỉ, hoạt bát. Hai vợ chồng Thiện mải miết kiếm thêm ngoài giờ hành chính cũng tích cóp được lưng vốn kha khá. Thành phố được mở rộng ra, một vài dự án được đầu tư làm cái phố thị nho nhỏ bỗng chốc nhộn nhịp. Người thì cứ sinh ra mãi, còn đất thì không thể sinh ra. Vợ chồng cô bỏ hết cả số tiền tiết kiện ra mua thêm mảnh đất nữa dự tính để dành.
Thời buổi kể cũng lạ, giá đất tăng vùn vụt. Vừa mua vào hôm qua, hôm nay đã có người quen gọi mua lại. Lãi cả mấy trăm triệu đồng nhưng vợ chồng cô không có ý định kinh doanh nên chưa muốn bán. Anh em trong cơ quan và bạn bè cũng có vài người phất lên nhanh chóng từ việc mua đi bán lại mấy ô đất nằm trong quy hoạch. Ngoài giờ làm việc, họ lùng sục tìm mua đất. Người có tiền thì mua đi bán lại. Kẻ không có tiền thì đi thăm dò, suýt soa, rồi có thể thì giới thiệu cho người này người kia ô này ô khác. Nếu bên mua bên bán thỏa thuận thành công thì người giới thiệu cũng vui. Sau cuộc thỏa thuận, họ hồ hởi đưa nhau vào quán xá nhậu nhẹt, cụng ly chúc mừng cho những cái “bắt tay nên chuyện”.
Những chuyện như thế, Hiếu nghe được nhiều lắm. Mỗi lần về quê, anh chị em gặp nhau trò chuyện cả buổi. Các anh chị kể cho vợ chồng cô nghe chuyện cày cấy, mùa màng, con lợn con gà ở quê. Cô kể chuyện ở thành phố, trong đó có cả chuyện giá đất tăng mạnh theo chiều dựng đứng trên biểu đồ hình cột.
Nghe chuyện, chị Thực nói:
– Chú dì lên phố, xem có mảnh nào vừa vừa mua giúp chị một mảnh. Sau này cháu dì có lên đấy làm ăn thì cũng không phải chới với, hoặc được giá thì bán đi lấy lời chứ để tiền tiết kiệm trong ngân hàng không được bao nhiêu. Đồng tiền ngày một trượt giá.
Nhiều lần chị nói với Hiếu như thế. Cả khi gặp mặt và khi chuyện trò qua điện thoại. Nhiều đêm Hiếu đắn đo với chồng “Anh tìm mua cho chị một mảnh đất, cả đời chị chắt chiu được ít vốn. Như chị nói cứ để ngân hàng không được mấy đồng lãi. Nếu gặp may, chị cũng đỡ cực. Chồng chị đã không thăm nuôi gì cả mẹ lẫn con, chị một mình thăm thẳm như thế bao năm rồi cũng tội lắm anh ạ!”
Cả Hiếu và Thiện suy đi tính lại, rồi họ cũng tìm cho chị được mảnh đất của người quen với giá thành hợp túi tiền chị. Họ hồ hởi và mong chờ, hân hoan đợi ngày được giá. Hiếu mơ thấy đồng tiền của chị sinh sôi nảy nở, thấy nụ cười rạng rỡ của chị. Hiếu vui, thấy mình không đến nỗi tệ, không đến nỗi không làm được việc gì nên cơm nên cháo.
Cò sau khi đã ăn no, bắt hết tôm tép trên những cánh đồng màu mỡ phì nhiêu, chúng vỗ cánh bay xa để lại đồng không mông quạnh. Cò đất đi, để lại những dự án ma, những dự án nằm trên giấy về lâm viên, khu du lịch sinh thái, khu công nghiệp, khu đô thị mới… Những mảnh đất vô tri được cắm cọc bê tông đánh dấu cột mốc nằm im lìm, trơ trọi. Lãi ngân hàng thì không im mà phát sinh qua mỗi đêm. Người bị ngân hàng siết nợ xe hơi, người bị niêm phong nhà. Trắng tay. Tiếng kêu khóc âm thầm rít trong cổ họng. Những khuôn mặt hớt hải, lo âu, thất thần. Vừa mới hôm qua, họ tay bắt mặt mừng hồ hở, anh anh em em. Hôm nay họ van lơn nhau không được thì cắn xé, chửi rủa nhau thậm tệ. Họ từ mặt nhau. Thành phố bơ phờ, oằn oại.
“Bán được chưa. Bán đi. Sao lâu thế? Mày lừa tao! Lừa tao à! Tao căm mày!” “Em nói với chị nhiều lần rồi, vừa là dịch bệnh covid-19 kinh tế chững lại, người mua không có. Nhiều người vay ngân hàng mua đất giờ không bán được đang có nguy cơ vỡ nợ. Ngân hàng siết nợ nhà cửa, cả xe nữa nếu có… Vậy nên, chị cứ để thư thư thời gian nữa. Được giá em sẽ bán ngay và luôn cho chị.” “Bán đi! Bán khẩn trương lên! Tao mà phải đóng cửa quán bắt xe lên thì vợ chồng mày không ra gì với tao đâu! Mày phải có trách nhiệm bán cho tao. Bán nhanh lên!”
Bỏ điện thoại xuống bàn. Hiếu nức nở. Đã mấy tháng nay cô chỉ âm thầm nghe điện thoại mà không dám cho chồng biết chị Thực đang dồn cô. Chị dùng hết những lời lẽ thô tục của người đàn bà nhà quê bỗ bã quát từng hồi trong điện thoại. Cô muốn bán lắm, bán ngay và luôn. Càng sớm càng tốt. Bìa đỏ thì cô đã mang về trao tận tay cho chị từ khi hoàn tất việc sang tên. Cô chạy vạy, lo chuyển đổi giấy tờ cho hợp lệ. Mảnh đất có căn nhà tạm, mỗi tháng cho thuê cũng được chút ít. Hễ thu được tiền thuê nhà là cô lại chuyển về trả chị. Nhà thuê thì người ra người vào. Mỗi khi có người trả nhà, Hiếu lại hì hục quyét dọn sửa chữa chỗ này chỗ kia cho nhà cửa tươm tất sạch sẽ người sau đến ở cho vui vẻ. Rồi người đến thuê đa phần là những người trẻ tuổi, không con nhỏ thì cũng hoàn cảnh eo hẹp. Hiếu cứ rút tiền túi ra để chi vào những việc như: nay thì mừng cháu mới sinh, mai thì mừng tuổi năm mới cháu hay ăn chóng lớn, khi thì cháu ốm cho cháu vài đồng sữa. Vân vân và vân vân… Cứ như thế Hiếu rút ví mình ra để chi trả cho những thứ vặt vãnh liên quan đến ngôi nhà mà cô đã từng mơ sẽ đem đến niềm vui cho người chị ân nghĩa của mình. Hiếu cố gồng mình lên để chị bớt giận dữ, bớt xỉa xói vào điện thoại của cô. Cô ám ảnh bởi những tiếng chuông báo có cuộc gọi. Cô thường giật mình thon thót mỗi khi điện thoại đổ hồi.
Cô cũng muốn, giá như mảnh đất cô mới mua chưa phải bán sớm để lo thuốc thang chạy thận cho bố chồng cô năm vừa qua. Giá như cái số tiền ấy còn! Cô sẽ lấy lại mảnh đất của chị mà không một phút đắn đo. Giá như! Ôi cái giá nào trả cho những yêu thương của cô đang bị nỗi lo mất của của bà chị cô vần vò nhàu nhĩ? Cái giá nào trả cho những tổn thương bóp thắt tim cô ngày đêm. Cái giá yêu thương nào trả cho áp lực khiến tinh thần cô hoảng loạn. Con người kể cũng lạ. Vừa mới đây, Hiếu vui như mở cờ trong bụng vì nghĩ mình làm việc tốt. Vậy mà giờ đây, việc tốt đã biến hóa khôn lường thành việc tệ hại. Ranh giới giữa tốt và xấu, thật và giả mới mong manh làm sao.
Sáng chủ nhật, Thiện ngồi nhâm nhi tách cafe trên chiếc bàn nhỏ cạnh cửa sổ phòng khách ngắm vợ đang chăm mấy khóm hồng và tỉa tót giàn hoa giấy. Cái giống hoa giấy không đỏng đảnh, không cần dinh dưỡng nhiều như hoa hồng và một số loài khác để cho hoa đẹp. Giàn hoa giấy tím ngắt trong nắng sớm, nhờ sự khéo léo, hiểu cây của Hiếu mà hoa đẹp quanh năm, hết lứa này sang lứa khác. Thiện ngắm hoa, ngắm vợ lúi húi bên khóm hoa, trong anh rạo rực một tình yêu thương khó tả. Thương Hiếu cần mẫn, nhẫn nhịn. Ở cái tuổi sấp sỉ bốn chục, Hiếu vẫn đẹp, không phải cái đẹp kiêu sa đài các quý bà sang trọng. Cái đẹp của Hiếu là cái đẹp mặn mà hiền thục, nhẫn nhịn toát ra từ trong tâm. Cái đẹp của tình yêu thương vô bờ bến trong tâm hồn Hiếu toát ra vẻ đẹp thiện lành trên khuôn mặt.
Một chiếc xe đỗ xịch ngay trước cửa, hai người đàn ông bước xuống xe. Một người rổn rảng “Chủ nhật, ngồi uống cafe ngắm vợ chăm hoa thế này thì nhất ông rồi!” Sau giây lát ngỡ ngàng Thiện và Hiếu cùng thốt lên: “Ôi trời ơi, quý hóa quá, cơn gió lạc nào đưa bạn tới đây!” “Làm gì có cơn gió lạc nào, chỉ có cơn gió đất đưa tôi đến đây thôi. Nhà có mảnh đất bán đúng không ông bà bạn?” “Ừ, vào uống nước đã”. Thiện trả lời bạn trong khi Hiếu vừa pha cafe mời khách vừa hỏi “Giờ chuyển sang kinh doanh bất động sản à Năng?” “Không, tôi vẫn làm việc cũ. Có chú em tên Dũng ở quê lên lập nghiệp.” Người thanh niên chìa tay cho Thiện bắt. “Em chào anh chị!” “Cậu Dũng muốn mua mảnh đất để an cư. Hôm nay chủ nhật tớ rảnh đi tìm giúp chú em, gặp người quen giới thiệu đến đây. Ai dè là vợ chồng bạn!” Thiện thân tình, cởi mở “Bạn cũ lâu lắm mới gặp nhau, thế này nhé: hai anh em ở đây dùng bữa với vợ chồng mình, chúng ta vừa ôn lại chuyện xưa vừa nói chuyện đất.” Năng cũng hồ hởi “Thật ra, từ chối thì không phải phép, chúng ta đã quá lâu rồi không gặp, vậy nếu không phiền vợ chồng bạn thì quý quá!” Trong lúc Năng thong thả nhấp ngụm caffe trả lời bạn thì Dũng đã kịp ngắm nghía ngôi nhà. Dũng hỏi “Anh chị bán nhà này ạ?” “À, anh bán mảnh đất bên kia đường kia.” Dũng mạnh bạo “Từ lúc dừng xe ở cổng đến giờ, em ưng ngôi nhà này lắm, với lại em bận việc công ty không có nhiều thời gian rảnh. Hay anh chị sang tên cho em đi rồi anh chị làm nhà mới sang mảnh bên kia. “Nhà chị đang ở mà…”
Hiếu nhìn khuôn mặt trẻ măng của Dũng ngạc nhiên, còn Thiện thoáng chút đăm chiêu rồi anh trả lời vị khách trẻ “Nếu chú thích thì ok.”
Hiếu lặng như tờ, không nói được gì. Cô vào bếp chuẩn bị cơm khách. Sau cuộc rượu thân tình với bạn, Thiện an ủi vợ “Thôi em đừng suy nghĩ nhiều, biết là gắn bó nhưng giờ tính đi tính lại thì nếu gặp khách mình bán nhà đi, lấy lại mảnh đất của chị Thực để chị khỏi thúc ép, cũng là để em đỡ phiền lòng.” Nhưng một lát, Thiện nói tiếp: “Anh tính thế này, mình đi thuê nhà ở một thời gian, nếu trời thương phật độ có sức khỏe trí tuệ vợ chồng mình làm ăn cóp nhặt xây nhà mới! Chắc đó là cái duyên!” Hiếu nghe vậy mà nước mắt đã chảy tràn trên đôi gò má tròn trịa. Cặp mắt hiền hiền cứ nhòe nhoẹt. Không muốn để chồng nhìn thấy mình xúc động. Hiếu đi ra ngoài ngắm nghía vườn hoa. Những chậu hoa mười giờ với đủ màu hòa vào trong nắng cái sắc hoa đằm thắm, yêu kiều. Hiếu vuốt nhẹ từng cánh hoa, cô thương bông mười giờ màu sắc sặc sỡ nhưng sớm nở chiều tàn. Nhìn bông hoa héo rũ trong chiều tà, chắc cây cũng đau lòng lắm. Vừa nãy thôi hoa còn tươi đẹp rực rỡ, nhưng không chịu đầu hàng số phận cây âm thầm tận tâm dâng hiến cho đời những bông hoa khác. Mỗi sớm mai, hoa mười giờ bung nở tỏa sắc như cô gái đang tuổi xuân thì. Hiếu cứ ngồi ngẩn ngơ với mấy chậu mười giờ như thế quên cả giấc ngủ trưa. Đến khi chiếc xe của Dũng quay lại đỗ xịch trước cổng, cô lại ngỡ ngàng tưởng Dũng quên gì quay lại lấy. Cô chưa kịp hỏi thì Dũng đã vồn vã “Em mang tiền sang đặt cọc để cho chắc chị ạ!” Lần này thì cô giật bắn mình, luống cuống: “Sao nhanh vậy, luôn hả em?” “Vâng. Em không có nhiều thời gian, luôn chị ạ!”
Hiếu chợt hiểu, cái giá nào khiến cậu thanh niên kia nhanh chóng như vậy. Một mảnh đất cùng giá một mảnh đất nhưng lời hơn là có một ngôi nhà với các phòng khách, ngủ, phòng bếp ngăn nắp sạch sẽ thì không lí do gì người ta không mua nhanh. Giờ Hiêu phải chấp nhận dù có nuối tiếc. Cuộc đời trao cho ta hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đôi khi ta chẳng dự trước được tương lai. Vậy nên, hãy cứ bằng lòng thuận theo tự nhiên. Miễn sao nỗi tủi sầu không ở lại, để trong trái tim ta chỉ còn lại tình yêu thương. Phải rồi, tình yêu thương mới là cái giá vô tận để ta an nhiên. An nhiên với cuộc sống, cuộc sống sẽ lại mỉm cười với ta.
Nhà văn Đào Thanh Tám nhận Giải nhì Cuộc thi Tìm hiểu 75 năm xây dựng và phát triển Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, 22.7.2023 ở Hà Nội.
TRỞ VỀ
Huệ tỉnh giấc vào một buổi sáng mùa thu, trời bàng bạc màu sương, khí lạnh tràn vào ngôi nhà khi cô mở bung cánh cửa. Huệ nhanh chóng vệ sinh cá nhân. Trong cái bồn cầu là một con sâu róm to lớn xù xì chui ra từ cơ thể cô. Con sâu ngọ nguậy yếu đuối. Huệ rùng mình nhớ lại đêm qua không biết bằng cách nào đó Huệ đã nuốt trọn nó vào bụng. Huệ xả bồn cầu, nước cuốn phăng con sâu xuống cái ống cống hun hút không để lại dấu tích. Rùng mình. Gai ốc nổi khắp người. Từ bé, cô đã luôn bị những con rắn rết, giun, sâu bọ và cả những con đỉa hút máu ám ảnh. Giờ nhìn thấy con sâu mình đầy lông gai lởm chởm cô càng ghê tởm.
Năm tuổi, bé Huệ phải lùa đàn vịt hơn hai chục con ra con mương trước nhà cho chúng kiếm ăn. Năm nào mẹ cũng đi mua vịt con về nuôi đợi mùa gặt thì thịt. Năm nay là năm đầu tiên Huệ phải lùa vịt đi kiếm ăn. Trước khi đi, bố bảo: “Con cho vịt bơi theo mương, vừa bơi nó vừa kiếm mồi, đi hết con mương thì cho bơi quay lại, lùa về là vừa”. Bố còn dặn rất kỹ: “Canh vịt cẩn thẩn không cho nó lên bờ sang ruộng làm nát mạ non, người ta bắt đền đấy!” Huệ ngoan ngoãn nghe lời. Vịt bơi chưa được nửa đường thì gặp đoạn bờ mương bị xẻ. Huệ phải lội đôi chân bé xíu xuống bùn nước. Trèo lên bờ mương, Huệ thấy con đỉa đã bám chặt vào bắp chân bé xíu. Huệ khóc òa, quên cả vịt, bỏ chạy về nhà. Tối ấy, Huệ bị đòn vì để đàn vịt đã quần nát đám mạ nhà bà Nhàn. Bà ấy đến bắt bố mẹ Huệ phải đền đám mạ khác để kịp cấy lúa. Trước Huệ có nghe các chị nói chuyện nhiều về đỉa nhưng hôm ấy mới là lần đầu Huệ bị đỉa cắn và cũng là lần đầu tiên bị bố đánh.
Sau hôm ấy, cô bé phải ra đồng nhiều hơn và thường xuyên bị đỉa cắn hoặc phải gỡ đỉa khi trâu tắm sông, hoặc mùa đông ít cỏ trâu phải lội đầm ăn cỏ nước. Những con đỉa hút máu tròn căng chỉ nghĩ đến thôi Huệ muốn ói và phải nhịn ăn cả ngày vì lợm giọng. Thế mà cái Cậy bạn cùng chăn trâu với cô dám lột ngược con đỉa bằng cái que tre rồi cắm que tre có con đỉa bị lộn ngược trên mô đất phơi nắng chang chang giữa đồng. Hóa ra, bên trong con đỉa rỗng tuếch không tim gan gì cả. Sau này, Huệ hiểu nhiều hơn về loài đỉa do cô được học ở trường chuyên nghiệp. Dù hiểu rằng, đỉa là một một nhóm sinh vật sống dưới nước thuộc ngành giun đốt. Cơ thể nó rất công dụng, hữu ích trong việc “liệu pháp đỉa”. Nó được dùng để điều trị nhiều căn bệnh khác nhau từ thời Ai Cập cổ đại rồi đến thời Trung cổ ở châu Âu. Đã có thời kỳ, ở châu Âu, người ta bảo vệ đỉa ngang với bảo vệ tê giác trắng. Đó là lúc việc chữa bệnh bằng đỉa thành trào lưu! Với Huệ, nếu ai đó có đề xuất chữa bệnh miễn phí cho cô bằng đỉa thì chắc Huệ cũng sẽ từ chối. Bởi cô không chết vì bệnh thì cũng sẽ chết vì kinh hãi và nôn ói. Cô vẫn vô cùng ghê tởm loài sinh vật ký sinh này. Loài vật để tồn tại sự sống nó phải dùng răng cắn thương người ta, rồi dùng vòi hút máu, dùng nước bọt gây tê khiến người ta không có cảm giác mình bị thương mà phát hiệu ra để gỡ bỏ. Cơ thể nó cũng tự chế ra chất kháng đông, kháng sinh để tiêu diệt những vi khuẩn có thể gây thối rữa. Những con đỉa ám ảnh cả tuổi thơ cô bé, đi cả vào trong giấc ngủ. Trong mơ, Huệ tự đặt tên cho những con đỉa dài đến hai chục xentimet, căng tròn lủng lẳng dưới bụng trâu là đỉa trâu.
Cả ngày hôm ấy, Huệ không làm được việc gì, cô cứ lợm giọng nôn khan. Người xanh như tàu lá chuối. Huệ nghĩ sẽ phải đi mua thuốc về tẩy giun ngay trong ngày.
Trời mới vừa chạng vạng. Đàn chim sẻ cãi nhau chí chóe ngoài vườn, vọng vào nhà những âm thanh huyên náo đánh thức Huệ. Mồ hôi ướt nhễ nhại cả mặt mày, ngực, cổ… và gai ốc vẫn nổi khắp người. Cô đang cố nhớ lại giấc mơ kinh hoàng. Nhớ để quên hay nhớ để làm gì thì Huệ không biết. Chỉ biết giấc mơ khiến cô ghê tởm, kinh hãi chính mình, dẫu biết rằng không có con sâu, con đỉa thật nào chui vào bụng cô. Huệ chợt nghĩ, có phải thời gian này cô đang kinh sợ những uẩn ức trong lòng, ghê tởm chính con người mình mà nỗi sợ hãi, ám ảnh của ngày thơ bé trở lại len lỏi vào trong cả giấc mơ.
Tốt nghiệp trường trung cấp y Hà Nội, Huệ trở thành y tá của trạm y tế địa phương. Lấy chồng làng bên, cuộc sống vợ chồng sung túc, hạnh phúc. Chồng Huệ vốn là một tay buôn chuyến đường sông. Anh đi cả tháng mới về với đủ thứ hàng từ Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Hòa Bình đổ cho thương lái. Mùa nào thức ấy anh đi liên miên vì vậy họ ít khi được ở gần nhau lâu ngày. Thường thì một tuần là anh lại ngược. Bù lại, cuộc sống của Huệ không luôn dư dả. Đầu thập niên chín mươi của thế kỷ hai mươi, một cô ý tá cấp xã mặc quần ống xuông, tóc phi dê. Hằng ngày, đến nơi làm việc bằng con xe tám hai thật là niềm ước ao của biết bao cô gái phố thị chứ đâu phải chỉ của các chị nhà quê. Ngày ấy, mỗi chuyến đi về anh đưa cho cô cả sấp tiền để cô chi tiêu tùy thích.
Hùng yêu thương chiều chuộng mẹ con Huệ có tiếng ở làng, nhưng cái máu ghen tuông vô cớ của anh cũng khiến Huệ luôn phải giữ gìn từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ với mọi người. Huệ biết, cuộc sống dư giả của cô ở làng là những khát khao của vô số người, trong đó có cả Tâm, đứa bạn thân của Huệ. Nhưng cứ phải gìn giữ từng lời nói, từng cử chỉ thì Huệ thấy mình chả được là mình. Nhiều lúc Huệ cũng muốn nói cười vô tư với bất cứ ai cô gặp trong làng để tỏ rõ sự thân tình của bà con lối xóm. Đôi lúc, Huệ ước: nghèo một tý, đói một tý cũng được nhưng mình phải là mình, chứ đến cả ra chợ mua con cá, lạng thịt, mớ rau cũng phải dè dặt bởi tai mắt của chồng có ở khắp nơi. Chỉ cần về sáng là chiều Hùng có cả mấy trang thông tin về những tháng ngày anh vắng nhà cô cười với ai, ngoài giờ làm thì đi chợ mấy lần, mặc áo gì, mua những gì… Dè dặt nhiều quá thành ra mọi cử chỉ của Huệ đều thiếu vẻ tự tin, đến cả khi mặn nồng với chồng cô cũng e dè. Nói chính xác hơn là Huệ không dám thể hiện hết cái khát khao của người phụ nữ. Cô sợ, Hùng nghĩ ra những điều bậy bạ cho cô khi anh vắng nhà.
E dè mãi cũng đã thành một thói quen và hình như thế cũng lại càng làm đậm hơn cái bản tính nhút nhát, ít nói, ngại giao tiếp của Huệ mà ông trưởng trạm thường nhận xét về cô trong các buổi đánh giá cuối năm là: giao tiếp kém. Dù cho rằng, Huệ giao tiếp kém nhưng vẻ đài các của cô lại khiến lão luôn phải liếc trộm mỗi khi ngồi họp. Lão cũng e dè vì đã đôi lần chả biết nghe ai nói gì mà Hùng lao vào tận phòng làm việc tặng gã mấy cái bạt tai nảy lửa rồi không nói không rằng kéo xềnh xệch Huệ về dù đang trong giờ làm việc. Hùng bắt vợ bỏ việc. Hai gia đình nội ngoại, hàng xóm láng giềng can ngăn mãi Hùng mới cho vợ đi làm lại với lời nhắc nhở, đe nẹt: Tôi thương cô nhưng cũng đừng để tôi cáu, máu đã dồn lên não là tôi xiên đấy!
Thật, Hùng chưa cáu đã đủ để vợ nem nép, lúc nào cũng im thin thít. Hùng thô bạo nhưng anh thương Huệ là thật. Tiền đưa cho cô tiêu không tiếc. Gặp của ngon, vật lạ ở đâu đắt tiền bao nhiêu Hùng cũng mua tặng vợ. Hùng dự định để Huệ đẻ thêm cho anh đứa con nữa thì cho Huệ nghỉ việc sớm, cùng anh đi buôn để sớm tối có chồng có vợ. Dự là thế nhưng ở đời mấy ai thực hiện được cái dự tính của mình. Hôm ấy, gã cùng mấy người bạn chợ uống rượu mừng thằng con tròn 3 tuổi. Trời nóng như rang. Tàn cuộc rượu, bạn về nhà bạn. Hùng thấy bức bối trong người, một hạt gió trời cũng chả có. Cái quạt điện tai voi thốc thẳng vào người mà mồ hôi vẫn vã ra như tắm. Hùng đảo mắt quanh nhà và dừng lại ở cái giếng. Giếng khơi nước trong vắt và ngọt mát. Nếu dội vài gầu nước vào người chắc vơi đi cái nóng. Nghĩ vậy nhưng gã lại chần chừ: nhỡ cảm thì chắc xong… Rồi chả biết ma xui quỷ khiến gì, cái thói ngông nghêng ngang giời dọc đất ùn vào não. Hùng gạt phắt cái ý nghĩ ban đầu: khỏe như trâu thế này, chết sao được. Hùng ra giếng kéo gầu nước dội lên đầu, lên mặt. Nước dội đến đâu, mát đến đấy, thấm vào tận ruột. Gầu nước thứ ba, thứ năm, thứ… Hùng thấy rùng mình ớn lạnh. Cả cơ thể Hùng đổ sập xuống, đầu văng vào thành giếng…
Trong buồng, Huệ nằm ru con từ lúc chồng và khách còn uống rượu cô đã thiu thiu ngủ. Quãng gần nửa đêm cô chợt tỉnh. Quờ tay, thấy giường vẫn trống chỗ nằm của Hùng. Huệ vùng dậy ra ngoài thì đã quá muộn.
Huệ rũ ra như tàu chuối héo.
Lúc nào cũng thương nhớ Hùng và ân hận giá như cô không ngủ quên thì biết đâu vẫn cứu được chồng. Người làng dù biết mười mươi Huệ chẳng có lỗi gì nhưng họ vẫn xì xầm: Tại cô có đôi gò má cao. Có người ác miệng bô bô nói: Đàn bà gò má cao, giết chồng không cần dao. Sự mất mát lớn lao bất ngờ khiến cô ngã gục. Không đủ sức để nghe lời dị nghị bàn tán trong xóm ngoài làng.
Từ ngày chồng mất, Huệ càng sống thu mình dù chẳng còn lo Hùng “nóng mắt” nhưng cô không muốn mình trở thành đề tài để người ta tiếp tục xì xầm sau lưng. Cô muốn sống bình an cùng con, nuôi dạy con khôn lớn trưởng thành. Cô muốn bù đắp những thiệt thòi cho con. Và còn điều này quan trọng hơn hết là Huệ tự dặn lòng mình dù không ai bắt nhưng cô cũng từ nguyện dành cả phần đời còn lại nuôi con, sẽ không bao giờ nghĩ đến người đàn ông nào khác ngoài Hùng. Không chỉ có lòng yêu thương, Huệ còn biết ơn Hùng rất nhiều những năm tháng chung sống ngắn ngủi nhưng Hùng đã bao bọc và che chở mẹ con cô. Khối tài sản Hùng để lại trong ngân hàng cũng đủ cho cô và con sống cuộc sống thanh nhàn nhiều năm sau.
Sóng đời xô dạt, cũng như Hùng, Huệ định thế này, hứa với lòng mình thế này rồi cuộc đời xô đẩy gạt cô về một hướng khác. Ngày nào Huệ đi làm cũng bị con mắt một mí ti hí của lão trưởng trạm nhìn chằm chặp vào cái cơ thể đang nồng nàn căng tràn sức sống của người đàn bà “gái một con” dù cô cố né tránh thì cũng chả thể ghìm lại được cơn say của con thú ham săn mồi.
Hễ nhìn thấy cặp mắt một mí, nước da bánh mật, mái tóc hơi quăn là Huệ tìm cách lảng tránh. Huệ cũng biết lão sợ cô vợ người gầy đét như que củi, trên dưới thẳng băng còn tính khí thì “sư tử Hà Đông” cũng phải chào thua. Lão sợ vợ nổi cơn ghen làm bung bét, mất mặt thậm chí là có thể mất chức trưởng trạm như bỡn. Lão được cân nhắc ở vị trí này, lại có cái nhà vườn to nhất xã là do lão mắt nhắm mắt mở cưới cô vợ hô. Bố vợ lão là người giàu có nhất nhì trong vùng nhưng ông lại có cô con gái vừa hô, vừa gầy, còn đanh đá thì khỏi bàn. Vợ lão đi trong đêm tối người ta sẽ nhìn thấy bộ răng trắng hếu đầu tiên. Lão dành cả thanh xuân bên người phụ nữ “duyên dáng” nhất thế gian thế nên lão thèm khát cái “duyên dáng” đẫy đà của vợ người ta là lẽ đương nhiên. Nghĩ đến Huệ phòng không gối chiếc lão nhểu nước miếng.
Vợ lão là thứ vũ khí phòng thân duy nhất của Huệ lúc này. Mỗi lần lão tiến đến gần, cô gằn giọng: Anh tiến thêm bước nữa, thì anh không còn đường về nhà!
Hắn đập tay xuống mặt bàn đánh rầm một cái rồi đi ra ngoài. Miệng lẩm bẩm câu gì Huệ không nghe rõ.
Con người, khi ham muốn đẩy lên đỉnh điểm thì cũng chả khác con thú vật là bao, thậm chí còn hèn mọn, đểu cáng hơn cả con thú. Buổi liên hoan của trạm mừng ngày thầy thuốc Việt Nam, lão ép Huệ uống rượu. Lão nói: Từ ngày chúng ta cùng làm việc trong một co quan đến nay, chưa bao giờ anh mời em được một chén rượu nào. Chỉ là một chén này thôi chứ có nhiều gì đâu. Em uống cho anh vui lòng.
Mọi người trong lúc vui mừng chúc tụng cùng cổ vũ: Hôm nay là ngày vui của chúng ta, uống để chúc mừng sức khỏe, một chén không say được đâu. Uống cho mọi người cùng vui.
Chả biết từ chối ra sao, Huệ dốc cạn chén rượu.
Huệ không say. Đúng là không say. Một chén rượu sao say được. Tại sao cơ thể Huệ mỗi lúc một thêm khó chịu, bứt rứt? Cô về phòng trực nằm vật xuống giường trong cơn chếnh choáng. Huệ thấy cả cơ thể mềm oặt như con cá không có xương. Rôi tê tái, rồi như có vật gì đó đè lên khiến cô không thở được. Nhớp nhúa. Miệng khô khát. Huệ vùng vằng giẫy giụa nhưng vô nghĩa. Cái cơ thể ngót tạ cứ ấp chặt lấy Huệ rồi dập xuống tới tập. Huệ lịm dần, lịm dần và chìm vào cơn mê man nửa như tỉnh nửa như mơ. Trong cơn mơ, Huệ thấy ai đó hít hà mùi tóc, mùi da thịt cô. Giống như Hùng mà lại không phải là Hùng.
Sáng hôm sau, Huệ trở dậy từ lúc bình minh chưa lóe sáng, chim chóc ngoài vườn cũng chưa hót bài ca chào buổi sớm. Huệ nhận ra điều gì đó không phải, cô gục mặt vào bàn nức nở. Đốn mạt đến thế là cùng. Làm sao cô có thể ngẳng mặt lên nhìn họ hàng nội ngoại, láng giềng, bạn bè. Cô thấy nhục, nhục đến cực độ. Đồ bỉ ổi.  Nước mắt đầm đìa chảy trên khuôn mặt đang tê dại vì còn mang nặng nỗi đau buồn khi đột ngột mất chồng. Huệ ghê tởm cơ thể mình. Như một kẻ lên cơn thần kinh, Huệ muốn cào cấu chính mình. Huệ nghĩ nếu xé được thịt ra, lấy máu rửa trôi những nhơ nhớp kia cô cũng sẵn sàng làm để cô mãi mãi thuộc về Cường và chỉ là của Cường mà thôi.
Nhạc báo sáu giờ sáng từ chiếc loa phát thanh của xã vọng vào trạm, rõ rành tiếng phát thanh viên nữ nối tiếp phát thanh viên nam rọi vào tai như nhắc nhở Huệ cần chỉnh tranh lại khuôn mặt để đổi ca trực. Chưa kịp lau khô mặt thì người đổi ca trực tới. Chị vội vàng dựng cái xe đạp thống nhất ngoài sân rồi lao vào thì thầm với  Huệ: Trạm trưởng Tiền chết rồi. Chết đêm qua. Nghe nói bị xe tải tông!
Huệ đứng không vững, bàng hoàng chân tay run lẩy bẩy, hỏi bằng giọng vừa xót xa, vừa lạc lõng: Chết như thế nào?
– Thương tâm lắm. Thấy bảo: anh Tiền đi xe qua cây đa cổ thụ đầu làng, khúc cua từ trạm mình ngoặt lên đường cái liên huyện, chiếc đèn pha ô tô dọi thẳng vào mắt. Anh loạng choạng lao ra vệ đường, cả người và xe đổ sập xuống đống gạch của nhà Tiệp. Khổ cho nhà anh Tiệp, nhà chưa kịp xây xong thì đã có án mạng ngay trước cửa. Sau này có mà dám sống ở đấy nữa. Lúc người nhà thấy có tiếng động mạnh chạy ra thì chiếc xe tải đã lao đi mất hút. Anh trạm trưởng nhà mình nằm trên đống gạch, mau me be bét ở đầu, ở mặt. Máu phun ra như người ta chọc tiết lợn. Chết luôn tại chỗ.
Ngưng một lát, người đổi ca hạ giọng: Tôi bảo này, cô đừng có mà vác mặt đến đám nhé. Đêm qua, cả làng truyền tai nhau, ai dính vào cô rồi cũng có cái kết ấy. Bà Kim – tên người vợ trạm trưởng, đêm qua lồng lên như con hổ cái đòi ra đây xé xác cô ra đấy. Về nhanh tạm lánh đi đâu thì lánh. Qua cái đận này rồi tính tiếp.
Người giao ca chưa kịp dứt lời thì có tiếng ồn ào ngoài cửa trạm. Huệ run như cầy sấy. May sao đó là mấy anh em họ hàng bên ngoại được cử đến hộ tống cô về nhà phòng bất trắc từ gia đình phía nạn nhân.
Những áp lực từ gia đình nhà bà Kim và cả áp lực từ phía nhà chồng khiến Huệ như ngồi trên đống lửa. Đêm ấy, cô mang theo đứa con chưa đầy bốn tuổi chạy trốn khỏi làng. Chạy trốn khỏi những đồn thổi dữ dội về cái chết của ông trưởng trạm Lưu Quang Tiền và cái chết của Hùng lại được nhắc đến như một minh chứng nghiệt ngã đổ lỗi cho đôi gò má “sát phu” của Huệ.
Đoạn kết:
Năm năm sau, Huệ trở về làng cùng hai đứa trẻ. Thằng lớn khoảng hơn tám tuổi, thằng bé hơn bốn tuổi. Hai thằng bé con chả có mấy nét giống nhau. Thằng bé có cặp mắt một mí, nước da bánh mật, mái tóc hơi quăn. Cả hai đứa trẻ đều ngoan và biết nghe lời mẹ. Huệ đã học xong Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh. Trở về làng, Huệ mở một cửa hàng thuốc Tây bán, nuôi dạy hai con. Bà cụ, mẹ của trạm trưởng Tiền có đến hiệu thuốc Hùng Cường của cô vài ba lần. Nghe đâu bà muốn thương lượng với Huệ về việc nhận thằng bé thứ hai con Huệ là cháu nội. Cụ có mỗi Tiền là con trai. Cụ phều phào: Trời thương phật độ, thằng Tiền con của mẹ dù chết thảm thương nhưng đã kịp để lại còn giọt máu trong con. Cũng nhờ vong linh các cụ nhà con, nhờ phước lộc lành của con. Con đã giữ lại giọt máu ấy, nuôi dạy thành người. Mẹ dù không phải là mẹ của con nhưng mẹ giờ gần đất xa trời. Mẹ mong con mở lòng đức độ từ bi cho thằng bé chuyển sang họ Lưu. Nếu con đồng ý, con mẹ Kim nó sẽ chọn ngày đẹp sửa soạn cái lễ mọn sang đón cháu về nhà mẹ để bố cháu được mỉm cưới dưới suối vàng. Họ Lưu nhà mẹ có người nối dõi tông đường. Được như thế mẹ đội ơn con lắm lắm! Trời bắt mẹ đi lúc nào mẹ cũng an lòng.
Huệ lễ phép: Thưa bà! Cháu là do con sinh ra. Đắng cay tủi hờn con cũng đã chịu đủ cả. Chưa một lần con nghĩ đến việc thay tên đổi họ cho cháu. Con đưa cháu về đây là vì bên nhà con, bố mẹ đẻ con và mẹ chồng con đã già. Con về để chăm sóc các cụ lúc tuổi cao sức yếu. Để con của con biết đến quê hương bản quán. Con sinh được cháu ra thì con sẽ nuôi dạy được cháu. Còn việc cho cháu về bên ấy với chị Kim thì con không thể. Việc đổi họ cho cháu con chưa nghĩ đến. Bà cho con thời gian để con hỏi ý kiến bên gia đình chồng con, gia đình con nữa. Mong bà hiểu lòng con.
Bà cụ chống gậy ra về. Bà vẫn mong một ngày nào đó, trước khi bà nhắm mắt xuôi tay. Thằng bé con sẽ về bên bà, nhận bà là bà nội.
22/7/2023
Đào Thanh Tám
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngày mở ra như một hành trình Những cung đường phía trước/ Đang nở nụ cười mê hoặc/ Trong tưởng tượng không có sự buồn phiền/ Ngày cháy ...