Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Quá giang đi chợ

Quá giang đi chợ

Nhà văn Kim Thanh còn có bút danh Hưng Phú, Duy Anh tên thật là Nguyễn Kim Thanh, sinh 30.7.1967 ở Cần Thơ, hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn thành phố Cần Thơ, tác giả một số tập truyện đã xuất bản. Văn của Kim Thanh dung dị mà lôi cuốn như cái tình cái nghĩa giản dị mà sâu lắng của người miệt vườn chợ nổi hiện lên trên trang viết của cây bút nữ đáng đọc này của đất phương Nam.
– Mai con đi chợ cho chú Năm quá giang nghe!
– Chú yên tâm con đi ngang sẽ kêu chú.
Chú Năm lộc cộc chống gậy đi về, tiếng khua của chiếc gậy tre nhỏ dần, chú Năm đi khuất ra qua hàng rào rồi về nhà. Nhưng tôi biết chú sẽ không vô nhà liền mà ghé cái băng ghế dài đóng bằng cây tạp vườn nhà dưới bến sông để hút điếu thuốc. Chú có cái thú vui hay ra bến sông hút thuốc lúc nước bắt đầu lớn. Chú Năm nhớ sông, nhớ những con nước lớn. Đã mấy năm nay rồi, từ khi thím Năm vì bạo bệnh mà mất, chú Năm bán ghe lên bờ thôi không đi mua bán trên sông. Nhưng mỗi khi thấy nước lớn chú lại nhìn sông bứt rứt.
Mấy năm trước chú Năm về lại miếng đất của gia đình cho chú ở gần bên cất cái nhà nho nhỏ ở có một mình. Con cái làm việc ở thành phố rước chú lên chung sống nhưng chú không đi. Chú Năm đưa tro cốt của thím Năm về mảnh vườn của ông bà để lại, rồi quanh quẩn vườn cây, ao cá, ra vô tâm tình cùng di ảnh của người quá cố. Nhưng khi nước lớn bắt đầu chảy vô vàm sông, ánh mắt chú lại thao thiết ngó mông xuống dòng nước, lòng đắng đót một nỗi nhớ xa vời nào đó. Tôi không để ý, thằng Tèo một bửa nó nói: chị Hai, chị Hai, em thấy chú Năm cứ nước lớn là ổng xuống bến sông ngồi hút thuốc cho tới nước đầy mới vô nhà, có bửa em kêu chú hổng thèm nghe gì hết. Từ đó tôi để ý đúng là như vậy.
Vườn trái cây nhà tôi không quá lớn, nhưng ba trồng cũng nhiều thứ, thỉnh thoảng tôi và má đem trái cây vườn nhà đi bán ở chợ khuya. Chiếc ghe tam bản ba tôi xẻ ván mù u đóng gần cả chục năm nay vẫn chịu nước tốt, lâu lâu ba kéo ghe lên bờ o bế, trét chai, vô dầu. Mấy lúc như vậy, chú Năm lò dò đi qua ngồi chơi coi ba làm rồi kể đủ thứ chuyện một thời dọc ngang sông nước nơi chợ nổi. Nhà chú Năm hồi đó có cái ghe bầu lớn, chuyên chở hàng nông sản xuôi ngược chợ Ngã Bảy, Ngã Năm, Cái Răng, Phong Điền, có con nước lên tận miệt Tiền Giang. Chú kể chuyện mua bán mùa nào lời lỗ ra sao, chuyện đi ghe mùa gió chướng phải nương theo hướng gió mà đi, chuyện gặp người chìm ghe phải cứu…
Có hôm chú biết nhà tôi hái trái cây chuẩn bị đi bán chợ khuya, chú qua hỏi cho quá giang đi chợ, mới đầu tôi nói: Chú có trái cây gì bán, con bán giùm cho, rồi chú cần mua cái gì con mua về giúp. Chú có tuổi rồi đi chi cho cực. Chú cười ngại ngùng: chú nhớ chợ nổi quá, con cho chú đi chơi thăm coi mấy người bạn hàng xưa còn ai hông? Vậy thôi hà! Ba má tôi cười xòa, thì ra là vậy. Từ nhà tôi đến chợ nổi Cái Răng chỉ qua hai vàm sông, đoạn đường không quá xa, không quá gần vừa đủ để nghe chuyện chú quen thím Năm từ mùa quít hồng ở Lai Vung năm nào khi chú đi vô vườn mua mảo nguyên vườn quít. Hái quít đem ra chợ nổi cân lại cho bạn hàng. Hết mùa quít chú bắt đầu hẹn hò rồi xin ba má cưới thím Năm. Từ đó cô gái miệt vườn theo chú lênh đênh sông nước lấy ghe làm nhà.  Cũng từ chiếc ghe bầu đó hai người con của chú thím ra đời được gởi lại nhà ông bà nội ăn học. Chú thím phải đi nhiều hơn, mua bán nhiều hơn để lo cho hai người con và ông bà nội có cuộc sống đủ đầy, khi hai người con ra trường, bạo bệnh ập đến thím vĩnh viễn chia xa. Chú đơn côi trên sông nước buồn quá nên bán ghe lên bờ. Nhưng sao mà lúc nào cũng nhớ sông, nhớ ánh trăng trải trên mặt nước, nhớ không khí xôn xao một vùng sông nước của chợ nổi, nhớ bạn hàng quen, nhớ câu ca tài tử văng vẳng trên sông.
Khi ghe đến chợ, tôi tắt máy, lấy dầm bơi ghe cặp lại cân trái cây cho ghe mua sỉ, chú đảo mắt tìm bạn bè, hỏi thăm người này người kia, khi gặp ghe quen, chú kêu tôi để chú ở lại chơi khi nào bán xong ghé rước. Hôm chú Năm gặp lại ông Bảy Cò, hai người ôm nhau khóc, tôi và má thấy cũng muốn khóc theo, người thương hồ sao người ta thương nhau và nhớ nhau đến vậy. Chú khoát tay kêu tui và má đi bán trái cây kẻo trể. Vậy rồi từ xa tôi thấy hai người kéo nhau lên mui ghe của ông Bảy Cò khề khà bày rượu, so dây đờn, ông Bảy Cò và chú Năm tưng tửng từng tưng ca tài tử với nhau. Tôi và má đã cân xong trái cây, trời đã hưng hửng sáng, má biểu tôi chạy ghe qua chợ Cái Răng cho má lên chợ mua ít đồ ăn rồi hẳng về. Tôi biết má cố tình làm vậy cho chú Năm có thời gian chơi với ông Bảy Cò thêm một lúc nữa.
Lâu lâu mới đi chợ, vậy mà về chú Năm vui hoài, gặp ba tôi chú rủ xuống bến sông uống trà, rồi chú kể kỷ niệm vui, buồn với người này người kia trên sông, riêng với ông Bảy Cò là người ơn của chú. Bởi ông Bảy Cò đã bất chấp con nước lớn đang chảy xiết, nhảy xuống sông vớt được anh Tài, con lớn của chú Năm lúc mới chập chửng biết đi. Hôm đó nhằm con nước rong, chú Năm đang chạy máy lái ghe cặp bến, một chiếc ghe bạn bị đứt dây neo trôi băng băng trong đêm. Mọi người kêu to cho chú Năm tránh, nhưng con nước rong chảy mạnh quá, một cú va chạm nhẹ, thím Năm té nhào khi đang ẳm anh Tài phía trước mủi ghe để định hướng cho chú Năm. Anh Tài vuột khỏi vòng tay của thím rơi tỏm xuống sông, thím với theo cùng ngả nhào xuống nước chấp chới. Bên kia ông Bảy Cò nhảy ào theo túm được cái giò của anh Tài xuôi người theo dòng nước bám vào dây neo một chiếc ghe khác. Ngoảnh lại thím Năm đã bám vào be một chiếc ghe tam bản bán xôi. Từ lần đó anh Tài rồi sau này là anh Tú được gởi về ở với ông bà nội gần nhà ba má tôi.
Chú Năm dạo này hay bệnh vặt, mấy chuyến chuẩn bị đi chợ tôi và má có cho chú hay nhưng chú lắc đầu không đi. Vậy mà nước lớn chú cứ ra bến sông ngồi, ba tôi nhắc đừng có hút thuốc nữa, hại người lắm, chú cười buồn, dụi thuốc ngó mông lung.
Một người đàn bà tuổi không còn trẻ tìm đến thăm chú Năm, người ấy đi chợ mua cá lóc nấu cháo, mua thuốc cho chú uống rồi dọn dẹp nhà cửa, giặt cái đống đồ dơ mốc meo phơi đầy sân. Tôi mường tượng như thím Năm sống lại trong hình dáng hao gầy của người phụ nữ ấy. Ba và má tôi im lặng nhìn sang nhà chú không bình luận gì. Thằng Tèo đi chơi về nhỏm nhẻm ngồi ngay ngạch cửa ăn bánh, thấy tôi nó hỏi chị Hai ăn hông em chia cho một cái. Nó chìa ra trước mặt tôi cái bánh nếp ấm sực, nó khoe: dì Hương mới cho đó! Tôi tròn mắt dì Hương nào? Nó nhướng mắt về phía nhà chú Năm. Hay quá ha! Thằng Tèo biết cả tên người đàn bà ấy là Hương.
***
Giáp bấc ào ạt thổi về tê tái, mấy hôm nay tôi nghe chú Năm ho lụ khụ. Chú vẫn không bỏ cái tật ra bến ngồi hút thuốc nhìn sông.
Hai anh em Tài và Tú cùng nhau về thăm chú Năm một lượt. Đêm cha con họ mừng nhau gì mà nhậu khề khà cho đến sáng. Chú Năm có qua mời ba tôi uống vài ly rồi ba tôi về nhà ngủ sớm. Còn lại ba cha con rầm rì cái gì mà cho đến sáng rồi lại lăn ra ngủ cho đến trưa. Thằng Tài dậy trước đi trước, thằng Tú dậy sau đi sau. Chú Năm dậy sau cùng nhìn cái nhà vắng vẻ trước sau, đốt cây nhang cắm lên bàn thờ thím Năm rồi ngồi nhìn di ảnh thím mà rớt nước mắt. Bà ơi! Bà theo con lên thành phố nghe, nó về năn nỉ tui bán đất, bán nhà. Vì đại địch con nó làm ăn không được, thua lỗ giờ không có tiền trả nợ. Cứu thằng Tú trước bà ơi! Bà theo thằng Tài ở thành phố. Tui lại xuống ghe đi chợ kiếm tiền thêm giúp con nghe bà.
Giáp Tết có người đến coi nhà, đặt cọc, hẹn ra Tết trả đủ và sẽ dọn đến ở. Họ cũng nhân từ để chú Năm ăn Tết, cúng kiến cho thím Năm ba ngày Tết đàng hoàng. Chú Năm gom tiền đưa cho Tú giải quyết nợ nần. Thằng Tài ôm di ảnh thím Năm về thành phố thờ trên đó. Chú Năm chừa tiền lại đủ mua chiếc ghe và chút vốn nho nhỏ trở lại cuộc sống thương hồ. Ngày chú xuống ghe, ba má tôi nấu mâm cơm mời chú để chia tay, sau vài ba ly rượu đế chú ngậm ngùi kể lại chuyện tình của dì Hương. Dì Hương là bạn ở xóm hồi nhỏ, yêu chú Năm đơn phương không dám nói. Khi chú Năm có gia đình vài năm dì Hương cũng nghe theo sự sắp đặt của cha mẹ lấy chồng về miệt Năm Căn. Dì Hương bị bệnh nan y không thể có con cho dù được chồng yêu thương chạy chữa khắp nơi. Những tưởng được chồng yêu thương cũng bù đắp được việc không có con. Nào ngờ tai nạn giao thông cướp đi người chồng hiền lành chất phác của dì. Nhà chồng hắt hủi, buồn tủi quá dì về quê xin anh trai cho cất nhờ cái mái chái nhỏ dưới bến sông sống cho qua ngày tháng. Một lần tình cờ đi chợ xã gặp lại chú Năm, hỏi thăm nhau ai cũng có hoàn cảnh riêng. Dì Hương tìm đến nhà chú Năm thăm và đốt nhang cho vợ chú mà buồn buồn, tủi tủi phận đàn bà.
Bẳng đi một thời gian nhà tôi không có tìn tức gì của gia đình chú Năm. Mùa Xuân năm sau, khi ba tôi đang cúng đưa ông Táo về trời thì trước bến sông ghe chú Năm cặp bến. Chú Năm miệng cười tươi rói, tay xách bọc quà Tết, tay dắt dì Hương ghé thăm ba má tôi. Khỏi nói ba má tôi vui cở nào, nồi cháo gà bốc khói hôm đó cộng với chai rượu Gò Đen đưa hơi. Bao nhiêu chuyện vui buồn đời thương hồ lại được chú Năm nói cười kể lại, dì Hương ngồi khẻ khàng kế bên tuy ít nói nhưng mắt lấp lánh niềm vui. Chú Năm khoe chắt mót thêm tiền giúp thằng Tú trả hết nợ cho người ta. Hai anh em nó giờ tuy còn đang ở nhà trọ đi làm khu công nghiệp trên thành phố nhưng đều sống tử tế đàng hoàng, cũng có người yêu làm chung, bao giờ tụi nó đám cưới sẽ báo tin cho ba má tôi hay.
Ba tôi dặn chú thôi thì cũng ráng dành dụm, kiếm mua cái nền nhà nho nhỏ cất cái nhà, sau này khi sức khỏe không còn  đi ghe được nửa thì lên bờ có chỗ dưỡng già. Dì Hương khoe, người anh trai của dì thương em gái đơn côi có chừa cho cái chái nhà phía sau từ đất hương hỏa của gia đình. Khi về sống với nhau trên ghe để đi mua bán trên sông chú Năm và dì Hương có về xin phép anh trai của dì, cũng có lên thành phố thắp nhang xin thím Năm rủ lòng thương mà phò hộ. Tài và Tú không nói gì cũng tán thành vì biết bây giờ chú Năm và dì Hương sống với nhau như bạn già. Mưa gió trở trời trái nắng có hai người lo cho nhau khi xuôi ngược theo sông tụi nó cũng yên tâm.
Thi thoảng tôi cùng má và mấy dì đi chợ khuya có gặp ghe của chú Năm và dì Hương. Ghe bán thứ gì chú cho thứ nấy, khi thì chục bắp, bửa thì trái bí rợ bự ơi là bự, lúc thì mấy ký khoai lang dương ngọc… má tôi từ chối kiểu gì cũng không được đành phải nhận cho chú vui. Chú nói hoài với má, anh chị như ruột thịt của tui, hông có bi nhiêu đâu, lấy đi mai mốt tui về thăm anh chị ăn cháo uống rượu trừ lại nha! Vậy đó, rồi chú lại dong ghe đi. Tôi nhìn theo chú Năm, năm nay chú già thêm nhiều, nhưng nụ cười của chú vẫn vang vang trên sông nước, câu ca tài tử hồi đêm khi chú neo ghe chờ con nước lớn vẫn mùi mẫn làm nao lòng người.
Một chiều cuối đông ghe của chú Năm lại ghé về bến sông trước nhà, dì Hương neo ghe rồi loạng choạng bước xuống bến. Má tôi dường như linh tính có chuyện chẳng lành bước xuống đở dì Hương. Dì dụi mình vào má tôi khóc tức tưởi, má tôi đở dì lên nhà pha trà nóng cho dì uống. Anh Năm đi rồi bỏ em lại bơ vơ lắm chị ơi! Dì trút hết nổi niềm với má tôi. Anh Năm vì cứu người trong dòng nước chảy xiết của con nước rong, anh hụt hơi cứu không nổi chị ơi! Má tôi không biết làm sao hơn đành an ủi vỗ về người đàn bà đơn côi lỡ hai lần đò. Ông trời, sao nở lấy đi của dì chút hạnh phúc muộn màng vậy chứ?
Tôi và má vẫn đi chợ khuya bán trái cây vườn nhà. Nghe người ở chợ nói dì Hương vẫn đi ghe một mình trên chợ nổi không mua bán gì nhiều, nhưng trên sạp ghe bao giờ cũng có mâm cơm cúng tươm tất. Dì Hương đi chợ để cúng cơm cho chú Năm với hy vọng bên kia thế giới chú không làm con ma đói. Ngày hôm chú Năm mất, dì Hương dọn cơm ra chú chưa kịp ăn, lao xuống sông cứu người rồi ra đi mãi mãi bỏ dì hiu quạnh ngẩn ngơ bên mâm cơm đời. Dì đi chợ nổi không quan trọng chuyện mua bán, chỉ mua bán lặt vặt chút ít, một mình ăn bấy nhiêu đâu cần chi đồng lời cho nhiều làm gì. Nhưng đi để dường như đở nhớ chú Năm hơn, đi để có việc làm, để gặp người này người kia biết về chú. Đi chợ nổi để còn cúng cho chú Năm chén cơm ân tình.
14/7/2023
Kim Thanh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ‘Boy Già’, ‘Girl không còn trẻ’ và những câu chuyện ‘Buồn cười’ Song Hà – người được gọi là nhà văn nhưng thường được các cư dân mạng (n...