Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Tà áo tím

Tà áo tím

Tôi vốn không mặn nồng chi về màu tím, mà cụ thể là tà áo màu tím. Màu tím đích thị là buồn, mang lại cho người ta cảm giác ảm đạm, tối - như…chân trời tím.
Thế nhưng hình như màu tím được gán cho Huế. Họa sĩ Đinh Cường có bức tranh thiếu nữ với tên “Tím Huế”..
Và ông NS Hoàng Nguyên lại có bài “Tà áo tím”
NS Hoàng Nguyên kể một câu chuyện tình nhẹ nhàng, như giấc chiêm bao, khi ông lang thang bên dòng Hương Giang, gặp một tà áo tím:
1. Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang. Tôi gặp một tà áo tím nhẹ thấp thoáng trong nắng vương. Màu áo tím sao luyến thương, màu áo tím sao vấn vương. Rồi lòng bâng khuâng theo màu áo ấy. Màu áo tím hôm nào tình quyến luyến ban đầu. Chập chờn tâm tư màu áo thoáng chiêm bao.
2.Mong một tà áo, một tà áo qua đường. Như mong một lời nói, một lời nói yêu thương. Mặc thời gian dìu đôi cánh biếc. Mặc dòng sông dịu hiền luyến tiếc. Mặc chiều thu buồn như hối tiếc, tôi mơ màu áo. Ước mong sao áo màu khép kín bên nhau.
3.Để rồi chiều chiều tôi đi bên dòng Hương Giang. Mong tìm lại tà áo ấy, màu áo tím nay thấy đâu. Người áo tím nay thấy đâu, dòng nước vẫn trôi cuốn mau. Rồi chợt nghe tin qua lời gió nhắn. Người áo tím qua cầu và áo tím phai mau. Để dòng Hương Giang hờ hững cũng nao nao.
Bài hát “Tà áo tím” ảnh hưởng nhiều trong giới trẻ, SV, HS, các cô gái Huế vào cuối thập niên 60. Nhiều cô gái Huế chỉ thích chọn áo dài cho mình bằng màu tím!
Ngày ấy, lớp triết tôi học, thường là sinh viên thuần túy nhưng có một số là sinh viên ghi danh không chuyên cần. Họ là các công chức, GS học thêm,…
Các sinh viên này thường đã có gia đình. Trong số đó, tôi có kỷ niệm với một người thường hay mặc áo dài màu tím than. Người này có mái tóc dài đen bóng mượt, xõa lững ngang vai, đôi mắt to, sâu đen với dáng người cao, mãnh khảnh.
Và điểm đặc biệt là người này luôn mặc áo dài màu tím than.
Tôi nhớ người đó tên là Tâm. Nh., có chồng tên là Kh, dạy âm nhạc tại trường Hàm Nghi Huế.
Tâm Nh. phong thái rất tự nhiên, trao đổi chuyện trò với các SV, các GS chẳng chút rụt rè hay e lệ, Nh. thẳng thắn và trực diện. Chính vì thế mà mọi người rất cảm mến cô.
Sở dĩ tôi nhớ mãi SV này vì mỗi buổi chiều khi học xong, cô thường hay nhờ tôi chở về:
- T chở cho Nh về với!
- T đi xe mobylette thế này, Nh ngồi sau sẽ bị xốc đó!
Nh. nhanh nhẩu:
- Không hề chi mô. Nh thích như rứa.
Tôi nghĩ thầm: nhà cô này ở tuốt trong Nhật Lệ, quá xa. Nhà mình dưới Chợ Dinh, trái đường. Thật khó quá. Nhưng thôi kệ!
Và những buổi học về trễ do các GS từ Sài Gòn ra dạy, giờ thường bị khống chế, vậy mà Nh vẫn nhờ tôi chở. Tôi không hiểu chồng Nh đâu, tại sao không đón?
Dù sao tôi vẫn có được an ủi là Nh. xinh (phụ nữ xinh đẹp có lợi thế thiệt), tính tình tự nhiên, hoạt bát. Kể cả lúc ngồi sau xe, tay Nh quàng qua bụng tôi rất bình thường, không chút rụt rè. Tôi vẫn cười thầm trong bụng: bà này chịu chơi thiệt.
Chở Nh nhiều lần, tôi trở nên tự nhiên, có lần tôi hỏi Nh:
- Tại sao Nh vẫn chỉ mặc áo dài màu tím?
Nh trả lời rất đơn giản:
- Tại vì Nh thích bài “tà áo tím”
Tôi cười:
- Rứa chắc Nh phải thuộc lòng bài hát ni?
- Đương nhiên rồi. Hỏi chi nữa T!
Ngang đây thì tôi im lặng, trong bụng nghĩ thầm nếu Nh hát cho mình nghe thì hay đây nhưng tôi ngại, không nói. Không ngờ Nh. như hiểu được ý tôi, cô hát nho nhỏ, tay vẫn quàng chặt bụng tôi: “Một chiều lang thang bên dòng Hương Giang, tôi gặp một tà áo tím …”
Tôi buột miệng:
- Nh hát hay ghê hí!
Nh rất tự tin:
- Dĩ nhiên không điên cũng biết!
Tôi cười ngoặt ngoẽo. xe đến cổng nhà lúc nào. Tôi dừng xe, Nh nhanh nhẫu khuất sau cánh cổng.
Dòng đời trôi đi như tên bay… Đã 44 năm, hôm kia, tình cờ lang thang trên mạng, tôi nhìn gặp lại Nh. trong một video do HS Quốc học thực hiện. Người được phỏng vấn là hai v/c Nh. - nhà giáo. Người phỏng vấn là ê kíp HS Quốc học. Cả thầy lẫn trò bây giờ tóc đều đã bạc nhiều. nhưng điều mà tôi bị sốc là Nh. Phải! Với một Nh. ngày xưa khi còn đi học tại Văn Khoa Huế và Nh bây giờ thì tôi không thể tưởng tượng nổi.
Nh. ngồi đó, tóc không bạc vì tôi nghĩ Nh. đã nhuộm nhưng khuôn mặt Nh: da nhăn và sần sùi, tôi nhìn đường gân kéo da Nh dọc chiếc cổ cao, và đôi mắt, không còn trong sáng như ngày nào.
Khi trả lời phỏng vấn, tôi bắt chợt hàm răng Nh bị vàng ố. Hai gò má Nh sâu hõm, cái cầm đưa ra …
Tôi không thể tưởng tượng hình tượng Nh. một thời ngày xưa bây giờ lại thế này. Phải chi tôi đừng thấy lại Nh. để ảnh tượng Nh. đẹp mãi trong tôi.
Buồn thật!
Chỉ có một điều tôi thấy không thay đổi. Đó là hôm ấy, Nh. vẫn mặc áo dài màu tím than và vẫn hát bài “Tà áo tím”.
Và một Tâm Nh. với phong thái tự nhiên, yêu đời, mạnh mẽ vẫn sẽ không thay đổi …
Thế nhưng còn tôi? Các bạn, chúng ta?...
Thời gian sẽ không chừa một ai?
Và người ấy cũng sẽ ngậm ngùi tự nhủ: Đừng bao giờ gặp lại người thì hay hơn.
Phải! Đừng bao giờ gặp lại nhau thì hay hơn!.
Nguyễn Lương Tuấn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...