Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

"Ngoài vườn trăng giãi" và những tâm sự đời người

"Ngoài vườn trăng giãi"
và những tâm sự đời người

Khi tập thơ Ngoài vườn trăng giãi của cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Hoài Quang được phát hành (tháng 10 năm 2009) nhiều bạn đọc gặp tôi trao đổi và đều có cùng một nhận xét: “Xuất bản được tập thơ này các anh rất xứng đáng là người kế nghiệp. Vừa có ý nghĩa trong lẽ ăn quả nhớ người trồng cây vừa cho công chúng thấy được tâm tư của một đồng chí lânh đạo đứng đầu hàng tỉnh một thời. Tập thơ hay nhưng cũng không thể xếp ngoài dòng “thơ câu lạc bộ”…
VĂN HỌC TUYÊN QUANG:
Tôi chỉ biết gật gù nhưng dường như không phản ứng và không phù họa theo. Là người lưu giữ và trực tiếp tập hợp tập thơ tôi hiểu điều này cặn kẽ và sâu sắc hơn. Nói thơ ông hay cũng không hề quá lời bởi hơn sáu chục bài thơ trong tập đều hoàn bị, chân thành. Hoàn bị là mỗi bài thơ của ông đều có bố cục chặt chẽ, có không gian, thời gian rõ ràng, được thể hiện kết hợp giữa thi pháp dân gian và truyền thống tương đối nhuần nhuyễn. Chân thành là cảm xúc trong thơ ông không có đường nét thêu thùa diêm dúa. Chủ đề chính trong  thơ ông nói chung và tập Ngoài Vườn Trăng Giãi nói riêng đều tập trung vào ca ngợi quê hương, con người và thiên nhiên tươi đẹp của mỗi vùng đất mà trên đường công tác ông từng qua, từng sống và gắn bó. Điều đáng để nói là ông làm thơ không phải mục đích để trở thành nhà thơ và cũng không hề mượn thơ để tuyên truyền cổ vũ cho những gì gọi là thành tích, công trạng của mình. Thơ ông hiện nguyên tươi rói như chính tấm lòng ông với cuộc đời, với những điều ông yêu thương tự nó rung lên từ trái tim mà thành câu, thành chữ, thành giọng điệu riêng rất Trần Hoài Quang.
Làng tôi động đất cao cao/ Xanh xanh ruộng lúa nao nao giọng hò/ Làng tôi bờ dậu quanh co/ cây đa lũng thấp đàn cò bến quen
Mẹ tôi ngày buổi hái sen/ Cha tôi sải nắng thầm khen lúa đồng/ Chị Tôi má đỏ hồng hồng/ Em tôi nhỏ dại gửi lòng gió bay
(Bức tranh quê hương)
Bài thơ như một bức tranh được ông vẽ lên mộc mạc, đơn sơ. Đọc xong gấp lại vẫn thấy những gồ đất nổi lên giữa làng, những hàng luá xanh xanh trên từng thửa ruộng và còn nghe thấy cả giọng hò quen thuộc, người cũng hiện lên ở đó rất quen gần là dáng mẹ ngày ngày đi lấy sen và vóc cha sải nắng trên đồng cùng người chị tuổi thời con gái má đang hồng dậy với đứa em còn nhỏ dại gửi lòng gió bay… Quê hương là vậy. Trong bài thơ vừa thấy tươi sáng sắc màu hội họa vừa bâng khuâng tiếng nhạc mà đơn sơ, lấp lánh, vẹn nguyên một bức tranh làng. Bức tranh ông tự vẽ về quê nhà để mang theo suốt hành trình công tác của mình. Yêu quê hương, lại có trái tim giàu có, nhậy cảm nên đến đâu ông cũng thấy thiên nhiên, con người gần gụi.
Giật mình trời đã rạng đông/ Tiếng gà gáy sớm dòng sông hiện dần/ Sương vu vơ níu trên cành/ làn mây mỏng dính quanh núi đồi/ Người về chi sớm người ơi/ Một màu quan tái đất trời bên nhau
(Buổi sáng ở rừng sâu)
Nếu không yêu, không gắn bó thì cớ chi phải giật mình khi mặt trời dậy biết là sắp phải xa rời nơi ấy. Để rồi đất và người tam ngấm vào nhau thành một màu quan tái!…Cứ thế đỏ lên, cháy lên thành nỗi nhớ quê chung vừa thiêng liêng vừa giản dị và khi được trở lại thì:
Ngày mai về bản tha hồ khoái/ Xin ít măng chua nấu cá chày/ Muôn dặm tình quê lòng phơi phới/ Hoa chuối thơm rồi bát ngát say.
Nỗi nhớ, tình cảm hiện trong thơ đều giản dị, gần gũi, chân quê. Cái chất chân quê ấy được xây đắp từ cái làng cao cao gồ đất, xanh xanh lúa đồng cứ lãng đãng theo ông suốt một thời làm anh bộ đội Cụ Hồ để lúng liếng một ngày về giúp dân cày cấy:
Anh về cày ruộng giúp dân/ Chang chang trời nắng lâu dần cũng quen/ Đêm về đổi gác thay phiên/ Phiền anh một phút em xin miếng trầu.
Không rõ ở đây ông có tình tứ với cô gái nào mà thơ lại rung ran vừa nhuần nhụy chất ca dao vừa dang dáng Nguyễn Bính mà sáng tạo, độc đáo rất Trần hoài Quang:
Trầu này đẹp phận duyên nay/ Thì em cứ lấy cho đây bằng lòng.
Rồi bày tỏ ý nguyện thông qua việc bỏ quên chiếc áo ngoài đồng. Thơ chảy ra từ nguồn ca dao nhưng được sáng tạo đổi mới rất hợp lý.
Hôm nay làm cỏ ngoài đồng/ Bỏ quên chiếc áo màu hồng em xin./ Áo này là áo làm tin/ Đến khi thầy mẹ đến xin em về/ Rộn ràng bát ngát tình quê/ Non non, nước nước đê mê tấm lòng.
Và mạnh bạo đưa ra lời hẹn ước:
… Bao giờ lúa trổ thành bông/ Em quyết lấy chồng ở phía làng anh/ Làng anh rặng núi xa xanh/ Bờ cây bến nước theo anh thì về
đến kết cục cuối cùng là:
Anh ơi em giữ lời thề/ Sắt son một dạ tình quê mặn nồng
(Tản mạn tình quê)
Tình cảm ấy không biết có phải là người con gái cụ thể nào đáp lại hay chính là quê hương. Bài thơ hay là ở chỗ này. Với ông, quê hương là tất cả, quê hương không chỉ cho ông tình yêu thương mà còn hun đúc cho ông cả khát vọng, lý trí và ông đã sống hy sinh, phấn đấu cho một tình thương yêu ấy. Những bài thơ ông viết về quê hương đều thăm đượm tình người, tình đất và quằn quại đau đớn khi quê nhà còn bị giặc ngoại xâm dày xéo:
Một chiều mây bạc núi/ Lần bước trẻ quê nhà/ Xóm làng trơ cát bụi/ Ruộng vườn đã tiêu ma// Hỏi mẹ đã yên giấc/ Hỏi con giặc bắt rồi/ Hỏi vợ: Tan đạn lạc/ Tình muôn cảnh chia phôi.
Mất mát, đau thương do giặc giã gây nên: ‘Tình Muôn cảnh chia phôi” không làm ông bi lụy mà càng tôi cứng thêm ý chí sắt đá của một con người quyết sống và chết cho quê hương:
Chiến sĩ lòng băng giá/ Trơ trơ như tượng đá/ Giây phút bỗng đứng lên/ Tiếng kèn đâu giục giã
(Người về)
Và tiếng kèn ấy đã thúc giục người người đứng dậy thành chiến lũy cùng đánh đuổi quân thù giải phóng đất nước. Theo tiếng kèn ấy ông đã sống chọn đời mình với cách mạng, với quê hương để làm nên một thời trai trẻ đẹp đẽ đầy kỷ niệm:
Đời tôi có một thời trai trẻ/ Sống vô tư làm anh lính Cụ Hồ/ Lội suối, trèo non băng rừng vượt bể/ Lớn lên cùng đồng đội  diệt xâm lăng.
Và:
Đồng đội chúng tôi lớp lớp kéo dài/ Lời Bác nhóm trong tim thành ngọn lửa/ Đời tôi có một thời trai trẻ/ Lớn lên cùng đất nước diệt xâm lăng.
(Hồi ức tuổi xuân)
Bài thơ như nói, như kể mà sâu lắng, khắc khoải những ý tưởng, hoài niệm. Đọc những câu thơ như thế này tôi lại chạnh nhớ lời nhận xét của mấy bạn đọc trao đổi khi tập thơ mới in ra: ” Thơ hay nhưng cũng không thể xếp ngoài dòng: Thơ câu lạc bộ. Điều này không hề sai bởi thơ câu lạc bộ không hề kém cỏi, nó đang tồn tại song cùng trên văn đàn như thơ truyền thống, thơ sáng tạo. Lý do để nó tồn tại là nó được phỏ thông trong công chúng yêu thơ. Người yêu thơ, không phải là nhà thơ chuyên nghiệp người ta chỉ mượn vần diệu để bày tỏ xúc cảm từ nỗi lòng mình với cuộc đời…
Thơ câu lạc bộ thường chan chứa tấm lòng của người viết nên dù thô sơ về thi pháp, bố cục nhưng nó vẫn cứ hay và sống mãi. Trong tập Ngoài vườn trăng giãi cũng có nhiều bài thơ mang dáng vẻ ấy như: Nhớ ngày vào Đảng, Ngày thượng thọ, Người lính già... Những bài thơ này dường như ông nghĩ sao viết vậy nhưng cái ý từ lòng mình lại sâu xa nên nó vẫn có chỗ đứng trong tập. Nói vậy cũng là để chứng tỏ rõ hơn ông làm thơ không phải để trở thành nhà thơ mà để giãi bày những tâm sự của mình với quê hương, đất nước, với những gì ông đã từng trải nghiệm: “Đời dành cho vậy thì vui vậy“… Câu thơ như nói mà sâu lắng nhiều ý tưởng. Càng về tuổi già và khi Tuyên Quang trở thành miền quê thứ hai ông gắn bó thì giọng điệu trong thơ ông càng đậm đà chất câu lạc bộ nhưng lại sâu lắng nhiều tâm tư, ý tưởng mà cũng rất nhuần thi pháp truyền thống. Bao trùm lên tập thơ là: Ngoài vườn trăng giãi.
Gió chiều lay động tàu cau/ Biết nhau từ thưở quen nhau lần đầu/ Ngoài vườn trăng giãi đã lâu/ Biết em đứng đợi ở đâu mà tìm
(Ngoài vườn trăng giãi).
Đọc bài thơ như vừa nom thấy cái gì mà cũng chẳng thấy cái gì nhưng khi gấp lại thì tự nhiên lòng mình cũng bị ám ảnh và cứ ngẩn ngơ mãi theo từng con chữ. Có lẽ ở đây chất thơ câu lạc bộ, chất ca dao dân ca và chất thơ truyền thống đã nhuần lẫn vào nhau nên bài thơ vừa thô sơ, mộc mạc lại vừa hiện đại nên nó dễ ở lại cùng người đọc là thế. Có lẽ nhờ vậy mà thơ ông đã có chỗ đứng trong lòng công chúng yêu thơ nói riêng và bạn đọc  Tuyên Quang nói chung. Điều này càng được khẳng định khi tập thơ của ông được tỉnh trao tặng giải thưởng Tân Trào đợt một (2012). Đôi dòng ngưỡng mộ của kẻ hậu sinh xin được thay cho nén nhang kính cẩn thắp lên tưởng nhớ vong hồn ông!.
18/7/2023
Trịnh Thanh Phong
Nguồn: Văn Nghệ Tuyên Quang
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chuyện ở ngôi nhà làng Xuân Huy – Tuyên Quang Tôi khẽ rút mối buộc mở gói ra. Trời đất ạ! Một mảnh gấm đỏ! Chắc là Ông Thi biếu để c...