Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Thăm nơi neo đậu quê mình với thơ

Thăm nơi neo đậu quê mình với thơ

Con người ta khi tuổi càng cao thì nỗi niềm về quê hương bản quán càng dâng đầy trong tiềm thức, nhất là người đó lại là người tha phương, sống nơi đất khách. Kỷ niệm thời ấu thơ, về những ngày ở quê bất chợt cứ ùa về.
Biết bao nhiêu kỷ niệm, ký ức cứ thay nhau hiển hiện trở về và “Quê hương mỗi người chỉ một – Như là chỉ một Mẹ thôi” (Đỗ Trung Quân). Hơn nữa đây lại là những người thơ, thi sĩ rất dễ rung động, mong manh, ngập tràn yêu thương và hay trải lòng mình trước cuộc sống. Thiếu tá, nhà thơ Nguyễn Vũ Quỳnh cũng không nằm ngoài quy luật ấy.
Trên tay tôi là bản thảo tập thơ “Ru lại lời quê”, đây là tập thơ thứ sáu và là tập sách thứ tám trong đời thơ, đời văn, đời báo của Nguyễn Vũ Quỳnh. Theo thói quen, ban đầu tôi đọc lướt qua để hình dung một cách khái quát toàn bộ nội dung tập sách. Sau đó tôi đọc lại từ từ một cách chậm rãi, kỹ càng. Càng đọc tôi càng thấy nỗi niềm đau đáu với làng quê của anh cứ dạt dào theo từng câu chữ. Sinh ra ở xã Tùng Lâm, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, là bộ đội thời chống Mỹ, rồi làm báo, viết văn, làm thơ, rong ruổi khắp nơi, cuối đời Nguyễn Vũ Quỳnh trụ lại sống ở Thành phố Hồ Chí Minh. Thảo nào, ở cái tuổi U70, vị thiếu tá quân đội có tâm hồn thi sĩ ấy lại đau đáu nhớ quê đến thế! “Cái phận đi xa cả đời phiêu lãng/ Đêm nằm mơ gốc rạ lời ru/ Con cáy đỏ chờn vờn trong giấc ngủ/ Trắng ngọn khoai sau trận mưa rào” (Chật ních cả hôm nay). Và tôi cũng đang theo những bước chân kỷ niệm của anh để nghe anh “Ru lại lời quê” đây.
Sáu mươi bài thơ trong tập thì có quá nửa số bài tác giả trải lòng với quê hương. Từ cánh đồng lúa khoai đến người mẹ tảo tần, từ giếng làng, con đê, đến bến xưa đò cũ, từ trường học bè bạn đến người thương dấu yêu… Tất cả cứ lung linh dắt díu nhau hiện về trên trên cánh đồng thơ của anh.
Mở đầu tập sách là bài thơ “Chất vấn cánh đồng” đầy ám ảnh. “Bên kia cánh đồng làng. Khoai /Bên này cánh đồng làng. Lúa”. Chỉ bằng hai nét bút chấm phá đó mà không gian quê anh, cánh đồng lúa, khoai đã hiện lên rờ rỡ. Chính từ cái nơi lúa khoai đó anh đã “Lớn lên chúng mình như hương hoa cải/ Bay xa để lại quê nhà”. Hoa cải về trời, hoa cải bay đâu ơi thi sĩ của cánh đồng làng? Để “Bây giờ bóng quê chất đầy chiêm nghiệm/ Nhà xây nhiều cái lên tầng/ Cánh đồng bê tông cốt thép/ Nhà máy khói bay vấp cản mây trời/ Cánh đồng không còn, vắng hẳn bóng cây”.
Nhớ về ngày xưa, cái thời “Muối trắng trên vai áo cha/ Mồ hôi ướt đầm sau lưng áo Mẹ”, cái thời “Thương bắp chân trần con gái/ Vội vàng chao giữa cầu ao/ Ống quần vương bùn hương đất”… Thi sĩ đã phải thốt lên xa xót bằng khổ lục bát cuối bài “Đâu rồi bông trắng như mây/ Để cho con cháu về đây thưở nào/ Lạnh về ngọn gió hanh hao/ Con sông không chảy, ồn ào quê xưa/ Làng không còn tiếng võng đưa/ Trẻ con không tắm dưới mưa tồng ngồng/ Chia xa rũ rượi cánh đồng/ Chiều qua quê mất cả dòng sông xưa”. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa…bao nhiêu cái “hóa” khác đã làm bộ mặt quê hương khác xa ngày trước quá. Vẫn biết đổi mới, đi lên là tất yếu mà sao vẫn tiếc nuối cánh đồng làng xưa quá chừng. Phải thế không mà tác giả đã bực mình “Cãi nhau với cả thời gian/ Chất vấn được mất cánh đồng”. Một cuộc cãi nhau, chất vấn thật đáng yêu. Chẳng thể nào khác được đâu thi sĩ của tôi ạ.
Tập thơ “Ru lại lời quê” của Nguyễn Vũ Quỳnh
“Bao nhiêu ngần ấy với quê/ Vẫn thao thức mãi ngày về đêm nay” (Tự tình với quê). Ngày mai về quê, đêm nay thao thức hay là về quê rồi mà thao thức cả đêm với quê? Kiểu nào thì quê vẫn cứ choán hết cả người thơ. Trăn trở lắm phải không anh? “Bếp nhà một góc vại dưa/Con rô, con diếc, đồng trưa, chợ làng/ Gió Lào thiêu cháy cỏ hoang/ Vẫn vang vọng tiếng dộ khoan bến Sòng…” (Cánh đồng mẹ tôi). Ôi, nhớ “Tiếng chim gáy vắt qua hàng tre” quá! Nhớ vô cùng “Nơi đồng xa liệu xiêu dáng Mẹ/ Vẫn dành con đồng bánh chợ quê mình” (Chật ních cả hôm nay). Nhớ da diết “Nơi tuổi thơ bên cọng rơm gốc rạ/ Nơi tiếng còi tàu vang vọng sân ga/ Nơi trẻ con oẳn tù tì đánh đáo/ Nơi tiếng bom thù xé nát cả làng quê” (Cánh đồng quê ơi). Bao nhiêu là nhớ quê ơi để “Ký ức cứ tràn lên” ào ạt thế này? Để “Nỗi nhớ ùa về chật ních cả hôm nay” phải không anh? Cả đêm thao thức hoài niệm, vả đêm bâng khuâng nôn nao để rồi cuối cùng vẫn cứ nhận ra rằng: “Bao nhiêu phiên khúc đời mình/ Chưa bằng đời ngói sân đình làng tôi”. Thì đúng thế rồi còn gì? Dù vật đổi sao dời thì nhân chứng thời gian của làng vẫn là sân đình, bến nước, cây đa, văn hóa làng quê ngàn năm đó.
Nguyễn Vũ Quỳnh đã viết cho người xa quê, trong đó có anh, bài thơ “Thương miền quê xa”. Điểm đặc biệt của bài thơ này là tác giả dùng điệp từ “quê” liên tục mở đầu cho mỗi câu thơ. Cả bài có 42 câu thơ thì có tới 37 câu mở đầu như thế. Từ những nét đặc trưng chung nhất về quê, anh đi tới quê của các vùng miền khác nhau. “Quê là tất cả niềm tin /Quê nơi hoa gạo về tìm tháng Ba”.Từ Ví dặm Nghệ Tĩnh đến Quan họ Kinh Bắc, từ Chèo cổ Thái Bình, đến Dạ cổ Hoài lang Bạc Liêu, từ Thị Kính Thị Mầu đến chú hề, quan tướng… từ quê mà ra. Tất cả bản sắc vùng miền, truyền thống địa phương đã làm nên căn cốt quê hương nhắc nhở người đi xa hãy nhớ để “Còn bao nhiêu những đam mê/ Ta gom góp lại đem về với xưa (Đếm khuya).
Thì thế mới có bài thơ lục bát đáng yêu “Về nơi neo đậu bến tình với quê” với điệp từ “Về” dày đặc đến vậy chứ. 22 câu trong tổng số 24 câu của bài đều bắt đầu bằng chữ “Về”. Giục giã lắm, da diết lắm. “Về đi em giữa yêu thương/ Về nơi tiếng trống sân trường ngày xưa/ Về nơi ta vấp cơn mưa/ Về nơi có Mẹ võng đưa một thời”. Khúc mở đầu là vậy đó. Tác giả rủ rê, dắt díu cô bạn ngày xưa học chung một lớp về chốn xưa trường cũ, về với Mẹ, với cơn mưa lấm láp thuở nào. Sau đó, anh đã liệt kê ra một loạt các kỷ niệm, từ “đồi tím hoa sim” đến “vạt sắn nương khoai”, từ “giếng nước hàng cau” đến “cửa biển xa khơi”, từ nơi hò hẹn ban đầu đến “nơi ao ước cây cầu em sang”. Nhiều, nhiều lắm. Dồn dập ký ức, chất chồng kỷ niệm. Cái nọ nhắc nhớ níu gọi cái kia để rồi cặp lục bát cuối cùng anh phải tăng thêm một từ “về” nữa thành ba lần “về” để chốt lại: “Về nhé em, về đi thôi/ Về quê lên đỉnh bồi hồi gặp xưa”. Cắt câu lục thành hai nửa, mỗi nửa bắt đầu bằng chữ “về” càng thấy sự cuống quýt, giục giã của anh. Viết như vậy, bạn gái anh đọc được thì làm sao mà không về được cơ chứ?
Về quê trước cái giếng cổ bom Mỹ phá rồi không còn nữa, Nguyễn Vũ Quỳnh đã xót xa tưởng nhớ “Bên giếng xanh ngắt khóm trầu/ Cây cau đứng đợi, cuối đầu soi gương”, nơi mà “Giếng quê điểm hẹn nhận tình/ Những đôi trai gái và mình với ta”. “Nơi đây bến đợi những chiều/ Tiếng nhà quê, tiếng sáo diều, võng đưa (Giếng quê). Ôi, cảnh xưa thanh bình yên ả quá! Giọng quê xứ Thanh cùng tiếng sáo diều, tiếng võng đưa, bên cái giếng quê nhà dân giã ấy, trai gái hẹn đợi nhau sao mà yêu thương đến thế. Thế mà giờ đây, cái giếng ấy đã không còn sao mà không xót xa được? Thì thế trong đêm anh mới “Khuya về chấp chới chiêm bao/ Nụ cười bên giếng lật nhào trời quê” đấy chứ.
Cùng nỗi niềm chênh chao ấy, Nguyễn Vũ Quỳnh còn dồn nén tâm trạng mình trong ba bài thơ về “Cánh đồng”: “Chất vấn cánh đồng”, “Cánh đồng Mẹ tôi”, “Cánh đồng quê ơi!”. Cũng dễ hiểu thôi, nông thôn Việt Nam, làng quê Việt Nam đều gắn với sản xuất nông nghiệp mà sản xuất nông nghiệp thì lại gắn với cánh đồng. Thế nên, ký ức về quê cha đất tổ nhiều hơn cả đều xuất phát từ cánh đồng. Tuổi thơ lấm láp, cắt cỏ chăn trâu, mẹ cha cày cuốc đều ở đó. Ngay đầu tập thơ tác giả đã giới thiệu “cánh đồng” rồi. Một tập thơ mà tác giả trải lòng mình ra qua ba bài thơ về “cánh đồng” như thế thì cũng không có gì là lạ. Đặc biệt, trước sự đổi thay, biến mất dần của cánh đồng làng khiến anh càng khắc khoải. “Bây giờ làng không còn cánh đồng xanh/ Không bờ tre khi làng lên phố”, “Cánh đồng bê tông, trâu không còn gặm cỏ”, “Làng vắng hát chèo, trẻ bốc mùi rock rap/ Ai cũng bật cười đầu tóc đỏ, tóc xanh”. Làng quê như thế, cánh đồng làng như thế sao mà không trăn trở được phải không anh?
“Quê em nơi khe Dứa, khe Du/ Có tên Phú Lâm ven rừng cổ thụ/ Có đêm khuya ông bà cha mất ngủ/ Cơm độn lung nồi Mẹ đơm cả lời ru (Ánh Sao). Ơi cái vùng quê nghèo ngày xưa sao mà thương đến thế! Tên xóm, tên làng đã theo ta suốt dọc đường đời, khắp cùng đất nước. Và “Cơm độn lưng nồi Mẹ đơm cả lời ru”. “Đơm cả lời ru” rất ám ảnh đấy thi sĩ ạ. Bây giờ giữa những mâm cao cỗ đầy, bao đặc sản Tây, Tàu các loại liệu có ai còn nhớ đến ngày xưa? Cái ngày mà “cơm độn lưng nồi”, thương ta, Mẹ gạn phần cơm xới cho ta, Mẹ “đơm cả lời ru” trong đó? Câu thơ khiến tôi xúc động nghẹ ngào trào nước mắt và nhớ Mẹ tôi quá chừng thi sĩ ơi!
Cùng mạch cảm xúc với quê, Nguyễn Vũ Quỳnh còn trải lòng mình tới các vùng miền khác, những nơi mà anh đã đi qua. Từ Hà Nội đến Sài Gòn, từ Phú Yên đến Trường Sa, từ sông Thao đến sông Lam, từ Huế thương ra Hòn Thơm Phú Quốc… nơi nào anh cũng gửi gấm tình mình trong đó. Cả chùm thơ về biển đảo Trường Sa với tình yêu người lính, về kỷ niệm với đồng đội đời quân ngũ nữa cũng vậy. Anh sống có trách nhiệm, nặng lòng với quê hương, bè bạn. Thơ là tiếng lòng, là phương tiện để anh trải lòng mình cảm ơn cuộc đời. “Trả vay duyên nợ nhân tình/ Vầng trăng còn đó. Neo mình bến thơ” (Neo mình bến thơ).
“Ru lại lời quê” được Nguyễn Vũ Quỳnh thể hiện với các thể loại thơ. Từ lục bát truyền thống đến ngũ ngôn, thất ngôn; từ tứ tuyệt chặt chẽ đến tự do tung tẩy. Thơ anh không đánh bóng từ ngữ nhưng khắc họa nhiều thi ảnh đẹp và lời tự tình duyên dáng, chất chứa yêu thương. Tất cả đều đem lại những hiệu quả nhất định. Lời thơ mộc mạc mà đẹp, câu chữ giản dị mà yêu thương lưu luyến, không cầu kỳ đánh bóng chữ nghĩa mà ý tứ sâu sắc nên câu thơ dễ thấm vào lòng người. Độc giả sẽ dễ thuộc, dễ nhớ bởi Nguyễn Vũ Quỳnh đã thi vị hóa ngôn ngữ xa xưa may mà còn trong kỷ niệm bởi anh đã gieo cái chất quê đẹp đẽ ấy làm mát lòng người vào thi ca đương đại.
“Ru lại lời quê” là niềm đau đáu với quê của thi sĩ Nguyễn Vũ Quỳnh. Anh đã nói hộ nhiều người về cùng một nỗi niềm gan ruột đó. Vì sao anh lại lấy tên tập thơ là Ru lại lời quê bởi chỉ có lời ru mới nhớ lâu trong tâm trí con người. Lời ru là sự ân tình luôn nhắc nhở mình cả khi lớn lên, đi xa, đến già nua còn nhớ và anh Ru lại lời quê ân tình là ý nghĩa nhất. Cả đời mắc nợ quê hương, bằng tập thơ này anh đã trả được một phần nào cái nợ ân tình rồi đấy thi sĩ ạ. Xin được hân hoan niềm vui tác phẩm mới của thi nhân đầy ý nghĩa trong thời buổi ngày nay.
23/7/2023
Đỗ Xuân Thu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngày mở ra như một hành trình Những cung đường phía trước/ Đang nở nụ cười mê hoặc/ Trong tưởng tượng không có sự buồn phiền/ Ngày cháy ...