Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Trịnh Công Sơn - Cuộc chơi đã tàn, bình rượu đã cạn

Trịnh Công Sơn - Cuộc chơi
đã tàn, bình rượu đã cạn

Sáng nay (28.2), mở Google thấy hình phác thảo chân dung Trịnh Công Sơn ở giao diện, tôi mới biết ngày sinh của người nhạc sĩ này. Ông sinh 28 tháng 2 năm 1939 và mất 1 tháng 4 năm 2001.
Người nhạc sĩ này mất khi chỉ mới 63 tuổi. còn nhớ ngày đó tôi ở Huế và nghe tin ông qua đời cứ tưởng đây là tin vịt vì đúng vào ngày nói láo!
Trước 75, thanh niên, tuổi trẻ, sinh viên, học sinh, giới trí thức, … có lẽ người nào cũng ưa thích nhạc Trịnh Công Sơn vì âm nhạc của ông, lời ca của ông phản ảnh tâm trạng chung của người VN. Đó là chán ghét chiến tranh, khao khát hòa bình và phản ảnh sự khắc khoải về tình yêu với cuộc chiến và phận người.
Nhắc tới nhạc Trịnh Công Sơn là tôi nhớ tới anh tôi - Nguyễn Lương Hiền, nắm ấy, khoảng hè 1966, tôi vào Đà Nẵng chơi, ở cùng anh và … lần đầu tiên tôi nghe băng nhạc magnétéphone, loại băng cối được phát trên cái máy Sony để nằm. Nào “Diễm Xưa”, nào “Mưa hồng”, nào “Gia tài của mẹ”, nào “Dựng lại nhà dựng lại người”, nào “Tình ca của người mất trí”,… Những bài hát làm tôi ngẩn ngơ. Thích quá, tôi nghe mãi. Sau này khi tôi vào Đại học (năm 1969) anh mang máy về Huế và để lại cho tôi nghe luôn.
Bây giờ nếu bạn hỏi tôi, bạn thích nhất bài hát nào của Trịnh? Chắc tôi phải trả lời, bài nào cũng thích nhưng những bài hát về tình yêu đối với cuộc chiến là hay nhất. Và bài hát tôi bị ám ảnh nhiều khi nghe cuốn băng cối đó với tiếng đàn đệm của Trịnh Công Sơn là bài “Tình ca của người mất trí”
Dù nghĩ thế nào người ta cũng phải xác quyết nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có tầm vóc lớn đối với âm nhạc Việt Nam. Ông lớn lên và trưởng thành trong bối cảnh cuộc chiến VN giữa hai miền Nam Bắc ngày càng ác liệt, đồng thời, sau khi Tổng thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ (năm 1963) thì cuộc chiến càng leo thang cùng với những xáo trộn chính trị diễn biến rất phức tạp. Sinh viên, học sinh liên tiếp đấu tranh, xuống đường bãi khóa. Từ phản đối Hiến chương Vũng Tàu đến việc đem bàn thờ Phật ra đường, rồi chống độc diễn,… tạo thành một cơn lốc, một vết nám cho tuổi trẻ.
Nhạc Trịnh Công Sơn ra đời trong bối cảnh như thế. Những bài hát của Trịnh có sức lôi cuốn, hấp dẫn tuổi trẻ trong hoàn cảnh đó.
Ca khúc của Trịnh trở thành thời thượng, các quán cà phê, các câu lạc bộ đâu đâu đều nghe vang Khánh Ly hát nhạc Trịnh và tiếng đệm đàn guitare thùng của Trịnh Công Sơn.
Một trong những bài hát phản chiến hay nhất của Trịnh, theo tôi là “Tình ca của người mất trí”
“Tình ca của người mất trí” là sự phẫn nộ của giới trẻ đối với chiến tranh VN.
Đây là một bài tình ca, và như tên gọi của bài: Tình ca của người mất trí.
Thế nào là người mất trí?
Ấy là người bị những cú sốc về tinh thần, do phải chứng kiến những tai ương liên quan đến chủ thể, gây những chấn động làm thương tổn nảo bộ khiến chủ thể phát điên.
Tuy nhiên người mất trí trong bài tình ca của Trịnh không phải là mất trí theo nghĩa cái “tôi” đóng khung trong bản ngã, hiểu như một cá nhân nhỏ bé. “Tôi” trong tình ca của người mất trí là một cái tôi đại ngã, cái tôi của Việt Nam, của những người con gái Việt Nam da vàng có người yêu ra chiến trận bị chết.
“Tôi có người yêu chết trận Plei-me.Tôi có người yêu ở chiến khu "Đ". Chết trận Đồng Xoài, chết ngoài Hà Nội, chết vội vàng dọc theo biên giới”.
Tính phản chiến của bài hát dâng cao với hình ảnh người yêu chết khắp các mặt trận, chết đủ kiểu, chết đủ cách, không phân biệt CS hay Quốc gia.
Những người yêu chết như thế nào?
Chết vội vàng, chết trôi sông, chết tình cờ, chết cháy như than, nằm chết như mơ,… Đó là những cái chết không dự báo trước, bất ngờ, tình cờ, nhanh quá,... Cái chết của người Việt Nam
- Làm sao chịu đựng nỗi? Đó là một nỗi đau lớn, một cú sốc.
Các cụm từ: chết thật tình cờ, nằm chết như mơ dẫn người cảm nhận một ý thức đau đớn tột cùng, như lao xuống vực sâu, như hụt hẫng chới với..
“Tôi có người yêu chết trận Chuprong. Tôi có người yêu bỏ xác trôi sông. Chết ngoài ruộng đồng, chết rừng mịt mùng. Chết lạnh lùng, mình cháy như than”
Khi nghe Khánh Ly hát bài “Tình ca của người mất trí”, chất giọng của KL, pha trộn giữa sự hồn nhiên vô tư của tuổi trẻ với sự đau khổ, mệt mõi chán chường khiến người nghe cảm nhận như chính mình đang ở trong tâm trạng “tôi”, đang hòa nhập với nỗi đau của đại từ danh xưng “Tôi”.
Và cái “tôi” không chịu ngủ yên với những tập quán thường ngày, những thói quen muôn thuở. Cái “Tôi” phải xem lại mình.
Đó là thái độ của tuổi trẻ thời chiến tranh, bài hát của Trịnh làm chao đảo biết bao trái tim yêu nước, yêu quê hương, đã khóc than cùng Trịnh theo bài hát “Tình ca của người mất trí”.
“Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam. Ngày gió lớn tôi đi môi gọi thầm. Gọi tên anh, tên Việt Nam. Gần nhau trong tiếng nói da vàng. Tôi muốn yêu anh, yêu Việt Nam. Ngày mới lớn tai nghe quen đạn mìn. Thừa đôi tay, dư làn môi. Từ nay, tôi quên hết tiếng người.”
Lời trình tự đã giãi bày. Tình yêu đã dâng trào. Tình yêu đó lồng lộng trong trái tim “người con gái da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín”. Tôi muốn yêu anh yêu Việt Nam kể từ ngày mới lớn tai đã nghe quen đạn mìn và tình yêu trong khổ đau, trong nỗi căm hờn vì tuổi Việt Nam được ươm trồng bằng đạn mìn, bằng đau khổ, bằng hờn căm.
Chân dung của người con gái Việt Nam da vàng đã được Trịnh vẽ hết sức đơn giản nhưng cũng hàm ngụ biết bao đau đớn: Vòng tay trở nên thừa thãi, bờ môi không còn ai để chờ đợi nụ hôn, không còn ai để nói tiếng yêu anh. Từ đó tôi đã quên hết tiếng người.
“Tình ca của người mất trí “ là tình ca của người con gái VN da vàng để tang cho người yêu bằng trái tim thương tật, bằng sự im lặng triền miên – Im lặng chịu đựng dẫn đến quên luôn tiếng người.
Tính phản chiến của “Giọt mưa trên lá” - một bài hát của nhạc sĩ Phạm Duy, đạt đến cao độ khi gợi cho ta hình ảnh “nước mắt mẹ già lã chã đầm đìa trên xác con lạnh giá” nhưng trong đau khổ, tuyệt vọng vẫn ngoi lên hy vọng, vẫn cho chúng ta nụ cười.
Với “Tình ca của người mất trí” thì phản chiến trào dâng tính cuồng nộ.
“Tôi có người yêu chết trận A Sao.Tôi có người yêu nằm chết cong queo. Chết vào lòng đèo, chết cạnh gầm cầu. Chết nghẹn ngào mình không manh áo.Tôi có người yêu chết trận Ba Gia.Tôi có người yêu vừa chết đêm qua. Chết thật tình cờ, chết chẳng hẹn hò. Không hận thù nằm chết như mơ.
Không thù hận, nằm chết như mơ. Chết là một kết thúc, hư vô hóa đời người, tất yếu hóa giải tất cả, hoàn toàn nhẹ tênh. Phật giáo gọi là rủ sạch nghiệp chướng. Nhưng cái chết đến nhanh quá. Như một giấc mơ! Hư vô đến cực kì, đen tối bao trùm, im lặng hố thẳm.
“Tình ca của người mất trí” chỉ là một trong hàng trăm bài tình ca phản chiến của Trịnh. Chúng ta sẽ tìm thấy rất nhiều trong tập “Ca khúc da vàng”, “Kinh Việt Nam”, …
Như đã nói nhạc Trịnh ra đời trong thời điểm cuộc chiến dâng cao cùng với những xáo trộn chính trị liên tục đã làm cho vóc dáng của Trịnh tỏa sáng. Tờ tuần báo New weeck đã lên trang bìa 1 chân dung của Trịnh. Và Khánh Ly, người ca sĩ trẻ trung hát nhạc Trịnh với tà áo dài màu đen, đi chân trần, tóc xõa trên hai bờ vai, đứng trên bãi cỏ cùng Trịnh hát nhạc tình ca thân phận quê hương. Lời hát của nàng như tiếng thét phẩn nộ của tuổi trẻ, pha lẫn nỗi chán chường mệt mõi cho thân phận nhược tiểu đã gây một làn sóng, một hiệu ứng thấy rõ.
Sau năm 1975, thái độ của TCS, những sáng tác của ông đã làm nhiều người tỏ ra thất vọng và phê phán về ông. Mình cũng nằm trong số ấy, nhưng rồi nghĩ lại, "Đoạn trường ai có qua cầu mới hay", bản năng sinh tồn là động cơ khiến đôi lúc người ta phải có thái độ thích nghi để tồn tại, nếu không thì.... Ngày đó mình cũng đã viết một vài suy nghĩ về trường hợp TCS. Bây giờ đưa ra đây thiết nghĩ để các bạn suy nghẫm:
Chúng ta hãy thử đứng trên bình diện khách quan để nhìn khái quát về ông
1. Trịnh Công Sơn – Người nghệ sĩ tài hoa
Biết bao bài báo, biết bao bài phát biểu ca ngợi Trịnh Công Sơn, người nghệ sĩ tài hoa. Nhạc Sĩ Văn Cao viết: “Sơn viết hồn nhiên như thể cảm xúc nhạc thơ tự nó trào ra. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, người bạn già của tôi: Trịnh Công Sơn viết dễ như lấy chữ từ trong túi ra”.
Với tôi, Trịnh Công Sơn là người nghệ sĩ si tình với những bản tình ca không hạnh phúc, như nhà văn Nguyễn Đình Toàn trong một lần giới thiệu nhạc Trịnh Công Sơn đã nhận xét.
2. Trịnh Công Sơn: Xét dưới quan điểm chính trị:
Đúng ra, nếu Trịnh chỉ sáng tác và cống hiến những bản nhạc thì người nghệ sĩ tài hoa này sẽ ở mãi trong lòng người thưởng thức. Tuy nhiên Trịnh Công Sơn đã dấn thân không những bằng ca nhạc mà còn hành động, và chính vì vậy mà Trịnh Công Sơn đã rơi vào tâm trạng cô đơn của người nghệ sĩ.
Tại sao?
+ Nhạc Trịnh cả hai phía đều không chấp nhận trên quan điểm chính trị, nhất là CS Bắc Việt đánh giá nhạc Trịnh không có lập trường kiên định.
+ Nhạc phản chiến Trịnh Công Sơn ảnh hưởng đến ý chí chiến đấu của binh sĩ VNCH, làm phát sinh tư tưởng, tình cảm ủng hộ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam và phong trào bài Mỹ trong mọi tầng lớp của XH Việt Nam thời bấy giờ. Đã có lúc tổng thống Nguyễn Văn Thiệu quyết định một số bài hát của Trịnh không được phổ biến. Nhưng chỉ là nhất thời.
+ Phong trào phản chiến tại Mỹ, quốc tế dâng cao phải chăng bắt nguồn từ tư tưởng phản chiến trong nhạc Trịnh.
Cụ thể một số ca sĩ phản chiến Mỹ qua VN hát với Trịnh.
+ Mặt khác Trịnh Công Sơn là thành phần trốn lính, nếu không có sự cưu mang của một số ông lớn, tướng, tá VNCH yêu nhạc Trịnh thì có khi Trịnh đã ra người thiên cổ như “tình ca của người mất trí”.
Thế nhưng trong ngày 30/4/1975, Trịnh Công Sơn lại xuất hiện trên Đài phát thanh Sài Gòn với bài “nối vòng tay lớn”!. Điều này làm những người yêu nhạc Trịnh, những người lính chiến VNCH thất vọng.
+ Hình tượng Trịnh Công Sơn bị xuống cấp, người nghệ sĩ cô đơn, bị từ chối từ hai phía: Sau 30/4/1975, Trịnh Công Sơn không được chính quyền mới tiếp nhận, ông phải lẫn trốn, có nguồn tin, ông trốn về Huế, nhờ những người một thời là bạn tranh đấu với ông che chở, nhưng ông thất vọng, người ta đã quay lưng với ông. Ông lại quay trở vào Nam, sau đó may mắn gặp một vị làm to, bảo lãnh, ông viết nhạc ca ngợi lao động, ca ngợi xã hội mới, lúc đó ông được yên thân.
3. Mấy chục năm sau, nhìn lại chân dung Trịnh:
Đứng trên quan điểm nghệ thuật, Trịnh Công Sơn muôn đời vẫn là người viết nhạc tài năng. Ảnh hưởng của ông đối với quần chúng, với trong và ngoài nước là điều không thể phủ nhận.
Từ góc độ chính trị, người ta đã phê phán về ông, với nhiều góc cạnh khác nhau và thường là thái độ thất vọng, như người bạn của ông, Trịnh Cung đã viết bài: Có hay không Trịnh Công Sơn có tham vọng chính trị?
Tất cả mọi chuyện đều có lý do của nó. Lịch sử sẽ có một cái nhìn đúng đắn về Trịnh.
Tuy nhiên điều chắc chắn là thái độ chính trị của ông đã ảnh hưởng đến sự cảm nhận các bài hát của ông từ người nghe.
Nên chăng, nghệ thuật luôn luôn có thái độ tách rời chính trị (détachement). Tách rời nhưng vẫn dính líu (engagement), với một thái độ hoàn toàn minh triết. Vì bản chất chữ chính trị không còn mang ý nghĩa nguyên sơ tốt đẹp nữa, nó đi liền với thủ đoạn, với tham vọng. Đó là những gì rất dị ứng với nghệ thuật nói chung và với những bản tình ca của Trịnh nói riêng.
Trịnh Công Sơn đã nằm xuống. Tôi nghĩ, Sơn bây giờ là người an nhiên tự tại nhất. Mọi người hãy nhìn Trịnh như một người thơ ca, si tình, hồn nhiên, vui chơi với cuộc đời, sau một lần ghé thăm. Như một bài hát mà Trịnh đã làm tặng chuyến ra đi của Lưu Kim Cương:
“Anh nằm xuống sau một lần đã đến đây, đã vui chơi trong cuộc đời này, đã bay cao trong vòm trời này…”
Phải! Cuộc đời chỉ là một trò chơi. Khi cuộc chơi đã tàn, bình rượu đã cạn, chúng ta lên đường, viễn du…
Nguyễn Lương Tuấn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...