Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Ký ức mùa đông

Ký ức mùa đông

Huế với tôi bốn mùa đầy ắp kỷ niệm.
Ai đã từng ở Huế, sống lâu ở Huế, sẽ khó lòng quên được mùa đông Huế với cái lạnh da diết và mưa dầm thúi đất.
Tôi rời xa Huế từ năm 72. Chọn Đà Nẵng làm quê hương thứ hai, nhưng Đà Nẵng không mang lại cho tôi một cảm giác khó quên của mùa màng, thời tiết.
Đà Nẵng, trời ít mưa, mỗi năm vào giao mùa, có thể có mưa gió dữ dội, kéo theo bão nhưng rồi sau đó, khí hậu mát, những ngày mưa lạnh, không nhiều, vẫn có những ngày trời nóng không chịu được. Mùa đông Đà Nẵng, khí hậu ít ẩm ướt, mưa không dai dẳng như Huế.
Người ta vẫn bảo, chỉ cách nhau bởi đèo Hải Vân mà khí hậu hai miền sao khác lạ.
Và mùa đông ở Huế với tôi bây giờ trở thành một kí ức.
Kí ức mở cửa. Nụ cười Huế chợt tắt.
Mùa đông ở Huế là sự giận dữ, buồn bã mà ngày tháng luôn luôn ướt sũng nước mắt trên khuôn mặt của nàng.
Tôi nhớ mùa đông ở Huế với chân dung như thế.
Nhưng mùa đông ở Huế được phác họa qua kí ức trẻ con mà bây giờ mỗi lần nhớ lại, tôi cảm nhận một cái gì rất dịu dàng, một nỗi đau êm ái.
Kỷ niệm êm đềm ấy, tôi cất dấu và giữ mãi trong tâm hồn, không để cho vuột mất, không để cho phai mờ cho dù đó là một nỗi đau rất ngọt ngào. Lần đầu tiên, tôi được đi đến trường: “Buổi mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh, mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn tôi đi trên một con đường dài và hẹp. Con đường này tôi đã nhiều lần đi lại nhưng lần này tôi thấy lạ, cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi vì chính trong lòng tôi đang có sự thay đổi lớn…”
Đoạn văn của Thanh Tịnh viết về ngày tựu trường, tôi học thuộc lòng đã nửa thế kỉ, vậy mà bây giờ tôi vẫn nhớ mồn một. Ôi sự mật ngọt của tuổi thơ, sự đắng cay của kỉ niệm!
Người ta vẫn thường bảo, mùa thu là mùa của nỗi buồn, ở đó bầu trời thường xám xịt, trên các cành cây, lá đã dần hết diệp lục tố, màu xanh mất dần, trở nên vàng, lìa cành rụng đầy trên những lối đí. Không gian như thế chỉ là nguồn cảm hứng cho các văn, thi sĩ sáng tác viễn mơ. Nhưng với tuổi học trò, thì đó là mùa của niềm vui, của hạnh phúc vỡ òa. Sự nôn nao gặp lại bạn bè, gặp lại thầy, cô, như Xuân Diệu đã tả mùa thu của Huế: “lá không vàng, lá không rụng, lá lại thêm xanh, ấy là mùa thu đã trở về”.
Với tôi, đứa bé 11 tuổi học lớp nhất tiểu học, buổi sáng dậy thật sớm, áo quần gọn gàng, chemise trắng, quần short, vải kaki xanh đen, chân đi sandale, ôm cặp đến trường, lòng rộn ràng vừa lo, vừa vui. Con đường từ nhà tôi đến trường xa lắc xa lơ. Đó là trường Bồ Đề Thành Nội, bao gồm vừa tiểu học, vừa trung học. Dãy trường tiểu học nằm bên hông trường Trung học. Trường tiểu học gồm 5 lớp, các phòng học đều làm bằng ván.
Tôi thấy rõ, cậu bé đi trên con đường Võ Tánh để đến trường.
Từ nhà, tôi đi một đoạn khoảng 100 mét trên đường Chi Lăng, tôi rẽ phải gặp kiệt Cây Gòn, hết kiệt chừng 200 mét, là con đường Võ Tánh quen thuộc. Buổi sáng sương mù, tôi nhìn hai bên đường, những đồng rau muống xanh rờn của làng Phú Hậu, những ngôi nhà vườn phủ màu xanh cây lá còn ngái ngủ, thỉnh thoảng tôi bắt gặp những chiếc xe GMC chở những người lính, khi tôi vượt qua cầu Đông Ba, quẹo phải vào cửa Đông Ba, thẳng đường Mai Thúc Loan là y như tôi chắc hẳn mình đã gần đến trường. Đó cũng là giờ khắc mà xe cộ, người đi lại tấp nập.
Tôi thích nhìn sinh hoạt của quán cà phê cốc trên vĩa hè đường Mai Thúc Loan buổi sáng, cốc cà phê bốc khói, bình trà nóng hổi, những người ngồi uống cà phê, tờ báo trên tay, dưới ánh sáng mờ mờ của ngọn đèn né on. Tự nhiên một cảm giác ấm áp len nhẹ vào hồn. Tôi rùng mình nhớ mẹ. Nếu mẹ tôi còn sống, có thể người sẽ dẫn tôi đi học.
Tuy nhiên, ấn tượng khó quên nhất vẫn là không khí lớp hoc. Cô giáo lớp nhất ngày ấy tôi vẫn còn nhớ tên. Cô Nguyễn Thị Hồng Ngữ, người thon, gọn, mái tóc cắt ngang vai, chiếc áo dài của cô, muôn thuở thường là hai màu, xanh lá cây hoặc màu hồng phấn. Nụ cười luôn luôn nở trên môi. Hình ảnh của cô để lại ấn tượng trong tôi vẫn là một lần cô gọi lên đọc bài, cô cho điểm với nụ cười chúm nở: “tốt lắm! em rất ngoan”. Khi về chỗ ngồi, tôi để vở trên đầu bàn, hàng chữ cô ghi trên góc vở, làm tôi giật mình: “nhãn vở của em đâu?” thì ra vừa mới bao lại tờ bao vở, tôi đã quên, chưa dán nhãn vở.
Tôi ôm nỗi buồn bị cô giáo nhắc nhở như thế, muốn lên gặp cô để xin lỗi, nhưng rồi tôi không đủ can đảm. Một hôm, tôi phát hiện cô giáo có mang, bụng cô to quá cở, “sao bụng cô to thế?”, tôi thì thầm hỏi bạn, thằng ngồi bên cạnh tôi, nó thì thào: “cô Ngữ ăn phải củ khoai bị to bụng!”. Tôi nhớ cảm giác của tôi khi nghe thằng nhóc nói, sự giận dữ, pha lẫn chút thất vọng, bởi vì lúc đó tôi cũng hiểu sơ qua về giới tính. Tự nhiên trong tôi có một nỗi buồn man mác. Tôi không hiểu mình buồn vì cô Ngữ có mang hay vì lời nói của thằng bạn. Và rồi cảm giác đó tiếp tục đè nặng trong tôi mỗi khi tôi thấy chồng cô chở cô đến trường.
Ngoài ra tôi còn được học với ni sư Diệu Lam giờ Phật pháp. Chiếc áo dài màu lam cùng với khăn quàng lam từ đầu xuống hai vai để lộ khuôn mặt hiền từ, nhân ái. Tôi thích nhìn ni sư, có lẽ bởi đôi mắt của cô sáng quá.
Tôi vẫn nhớ mãi những câu chuyện đạo mà mỗi lời kể của cô là những nốt nhạc êm nhẹ, lắng đọng. Cô tổ chức lớp theo liên đội. Liên đội có tên là Anôma, lớp có 4 đội: sen hồng, sen trắng, sen vàng, sen xanh. Mỗi lần ni sư vào lớp, tất cả học sinh đứng dậy, bạn lớp trưởng - Hồ Ngọc Tô hô lớn: A nô ma!. Lớp đồng loạt: Thanh tịnh!. Ni sư dịu dàng:các con ngồi xuống!
Chương trình Giáo dục làm tôi dần khôn lớn, trưởng thành. Tôi thích những bài Quốc văn Giáo khoa thư, chuyện kể về Nhị thập tứ hiếu, …Giờ Lịch sử học qua sách của Trần Đinh, mỗi bài học đếu có hình minh họa, khí khái thay Trần Bình Trọng, Ta thà làm quỷ nước Nam còn hơn làm vua đất Bắc. Hiên ngang và uất khí thay cậu bé Trần Quốc Toản, không được dự việc bàn quốc sự, ngồi bên ngoài nghe mà uất khí bùng lên, bóp nát quả cam lúc nào không hay. Và lòng đau đớn, ngậm ngùi, rơi lệ khi đọc những trang sử viết về sự trả thù của nhà Nguyễn đối với nhà Tây Sơn, …
Giờ toán học với những bài toán trong sách của Trần Tiếu, toán động tử đồng chiều, nghịch chiều, …mang lại cho tôi nhiều thích thú, pha lẫn nỗi lo sợ bài làm không được.
Nhớ làm sao, giờ thủ công tự do, tôi làm hòn non bộ, hồn thả theo sự tưởng tượng để làm nên những ngọn núi, khe suối, ở đó có hai ông Tiên ngồi đánh cờ dưới góc cây. Tôi nhớ ánh mắt chớp nhẹ của bạn Trần Thị Trà Mai, nhìn hòn non bộ tôi bê trên tay, ngõ lời khen đẹp: ê đẹp ghê tề! Tuấn cho M được không? Nhưng tôi đã ngu ngơ lắc đầu từ chối.
Tôi nhớ những con đường ở Thành nội, những con đường nhiều ngã, đưa đến trường, những lúc ra chơi, hay những lúc được nghỉ để chuẩn bị cho chủng đậu mùa, …tôi cùng mấy đứa bạn đi chơi trên đường. Đường đầy những lá vàng, bước chân tôi đạp lên trên xác lá, mắt tôi chợt thích thú, nhìn bóng áo đầm ca rô xanh trắng của bạn Thái Thị Thanh Xuân. Bước đi rất nhẹ, cô bé lách vào ngôi biệt thự sau sân vườn xanh lá. Lúc đó tôi đã nghĩ: nàng cao sang quá, dịu dàng quá, làm sao mình quen được với nàng?
A ha! Tuổi học trò lớp nhất tiểu học với những rung động đầu đời đẹp trong suốt như pha lê. Giờ đây, ngồi nhớ lại, tôi vẫn hình dung lại được khuôn mặt của cô bé. Mái tóc cắt ngắn kiểu demi - garcon, đôi mắt to, tròn với hàng lông mày cong đậm, mủi nhỏ thẳng và miệng hơi rộng nhưng môi mỏng, hồng, khi cô bé cười, tôi cảm nhận không gian sáng rực đến độ trên khuôn mặt của cô bé, tôi thấy được những sợi lông tơ rất nhỏ, mịn tạo thành một màu da trắng pha chút mơ mơ sang đẹp quý phái.
Mùa thu dần qua, trong thu đã chớm mầm mống mùa đông, cơn lạnh nhẹ nhàng nhường chỗ cho sự cuồng nộ của mùa đông, mùa đông dần đến, kéo theo những ngày mưa. Tháng bảy nước nhảy lên bờ. Tháng mười chưa cười đã tối.
Khổ nhất là những ngày mưa, tôi đi học, con đường xa quá, tôi phải dậy thất sớm để chuẩn bị, khi tôi bước ra đường, rúc mình trong chiếc áo mưa, co ro đi dưới cơn mưa tầm tã. Có khi buổi trưa tôi trở về, trời tạnh khô, tôi chạy vội ra cổng trường, về tới nhà, mới nhớ rằng mình đã quên áo mưa. Tôi sợ cha tôi đánh đòn, nín khe không nói, nhưng rồi cơn mưa trút xuống, tôi im lặng sao được. Thế là tôi bị mắng một trận. Cha tôi lại mua cho tôi cái áo khác.
Tôi mong một ngày nắng ấm để đi học được thong dong khô ráo, nhưng khó lắm mùa đông của Huế.
Tôi nhớ như in, buổi sáng, tung chăn vùng dây, bước xuống nhà dưới đánh răng để đi học là đã thấy nước xấp xĩ trên mép đường Chi Lăng rồi. Tôi hồi hộp, thích thú, như mừng rỡ nữa mới kì lạ. Tôi nghĩ đến chung quanh xóm sẽ được bao phủ bởi một một màng nước đục màu phù sa. Và thích nhất là trên đường những chiếc đò đưa khách từ bên kia Nam Phổ sang bên này sẽ đỗ ngay trước nhà tôi. Con nước xấp xĩ trên đường, người dân vẫn mặc, vẫn họp chợ để buôn bán kiếm tiền sinh kế. Giòng nước sông Hương lúc đó cuồn cuộn và kéo theo rất nhiều thứ, gỗ, củi, đồ đạc nhà người ta bị trôi, gà, vịt, heo...tạo nên một quang cảnh vừa hung bạo vừa lạnh lùng.
Tôi phục nhất là bác chèo đò, một mình chèo chiếc đò giữa cơn sóng nước, cuốn trôi kéo phăng không biết bao nhiêu thứ từ đâu trên thượng nguồn. Tôi tưởng tượng, nếu con đò bị sóng hất nhào thì làm sao? Thế mà bác vẫn bình thường chèo đò, đưa khách qua sông. Những ngày lụt thế này, tiền chèo đò trả gấp bội.
Nhà tôi thuộc loại cao nhất trong xóm. Tôi nhớ có cơn lụt hầu hết các nhà trong xóm đều gần tới mái, mọi người leo lên mái ngồi vừa đánh phen la vừa la lên cầu cứu, chờ máy bay trực thăng đến bốc, lúc ấy nhà tôi nước chỉ vừa lên ngang đà bộ ván ngựa. Do đó mỗi lần lụt lớn là nhà đông nghẹt người.
Trong thời điểm ấy, tôi và một số trẻ trong xóm, gom các thân cây chuối bị đốn ngã, kết lại bốn năm thân làm thành bè. Thế rồi cả bọn cùng đứng trên bè chuối, chống bè đi quanh xóm, vừa đi chơi vừa chở đồ nhu yếu cho một số gia đình lấy đó làm thích thú, mặc dù cả người tôi và bọn trẻ ướt sẫm. Thích nhất là chiếc bè chúng tôi vượt qua các hàng rào già tàu và bè lướt sóng tôi và cả nhóm vừa đi vừa nhặt các đồ của gia đình bị lụt cuốn trôi.
Và năm nào cũng vậy, mỗi lần giao mùa, báo hiệu cho lập đông, thường kéo theo cơn bão, rồi mưa liên tục, tiếp theo nước lên bờ và người dân xứ Huế lại khốn đốn chống lũ. Nhưng mỗi năm không phải lũ chỉ một lần, thường thì 2, 3 đợt. Lũ vừa rút xuống được ít hôm, mưa trút xuống vài ngày sau lại thấy lũ dâng. Cứ thế người dân mãi chống lũ, khổ nhất là công việc vét bùn non. Nước vào khi rút đi để lại những lớp bùn non màu vàng sẫm, dày tới 20-25 cm, thế là phải dọn lớp bùn non đó đi, bằng cách vừa giội nước vừa quét bùn trong thời điểm nước rút mà vẫn còn xấp xĩ để khỏi mất công lấy nước.Tuy nhiên lớp bùn non nầy để lại màu mỡ cho những người trồng trọt.
Lụt rút, Huế thường có những cơn mưa xối xã, thường gọi là mưa xã bùn non. Đó cũng là thời điểm Huế bắt đầu lập đông, ngày ngắn đêm dài, ban đêm, nằm nghe mưa là một sự thú vị. "Đêm mưa buồn lắng không gian. Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn".
Mưa Huế dai và kéo dài hàng tháng. Có khi cả tháng chưa có được một ngày nắng ấm. Tôi nhớ sân nhà mọc đầy rêu xanh. Có ở Huế và sống, lớn lên, trưởng thành mới thấy được nỗi buồn của những ngày mưa Huế. Vậy mà tôi vẫn thích. Buổi chiều trời mưa lâm râm cùng thằng bạn đội áo mưa, hai đứa đi dọc theo đường Chi Lăng và rồi dừng lại trước rạp chiếu bóng Châu Tinh. Khi gặp được phim hay, mua vé hạng chót (10đ tiền cũ), vậy là rúc mình vào rạp, tuyệt vời. Đi xem cinema cũng là một loại sinh hoạt văn hóa. Hãy tưởng tượng, chiều thứ báy, chủ nhật, thanh niên nam, nữ, sinh viên, học sinh đứng đông nghẹt trên vĩa hè đường Chi Lăng,Trần Hưng Đạo để chờ vào xem phim tại các rạp Châu Tinh, Li Do (Khải Hoàn), Tân Tân, Hưng Đạo mới thấy được đi xem phim trở thành một nếp sinh hoạt không thể thiếu được của Huế. Vậy mà ngày nay còn đâu, "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo..."
Rạp Châu Tinh bây giờ trở thành một nơi để cho thuê các dịch vụ cưới, phía trước phòng chờ trở thành một tiệm bán bún bò, còn rạp Khải Hoàn (Li Do) bị bỏ hoang, cánh cửa sắt gãy xệ không ai buồn sửa chửa...
Tôi nhớ thằng bạn, sau này khi tôi đã lên học trung học, ban đêm, tôi thường đạp xe lên nhà nó ở đường Võ Tánh. Cả hai đứa đi bộ vào tận Thành Nội, trời mưa nhẹ, cả hai đều mặc áo măng tô. Trời lạnh, khi đi xuyên qua cửa Đông Ba, tôi nhìn lên trên thành, thấy thấp thoáng vài ánh đèn đêm, hai đứa đi dọc theo các con đường nhỏ trong Thành Nội, mà bước chân của tôi có khi nghịch ngợm hất những chiếc lá khô kêu lách tách, vừa đi tôi và thằng bạn vừa nói chuyện, trao đổi đủ thứ chuyện, chuyện các cô gái, chuyện về các nhà văn thơ tiền chiến, hiện đại,...khi đi ngang qua ngôi biệt thự nhà nàng, cô bé Thái Thị Thanh X, thuở lớp nhất, tôi rảo mắt nhìn vào, lòng ngậm ngùi mong được thấy hình bóng nàng, nhưng tôi hoài công, khung cửa sổ nhà nàng đóng kín, ánh sáng le lói từ những ô cửa kính chiếu ra khu vườn, đem lại cho tôi một cảm giác cô đơn buồn bã. Người bạn nói với tôi: Thành công là một sự kiên nhẫn lâu dài. Nếu yêu nàng, mày phải can đảm, đẹp trai không bằng chai mặt. Hi, hi vui ghê!
Đúng là một thời tuổi trẻ lãng mạn, nhìn người mình yêu như thần tượng, đi ngang qua nhà nàng, không dám nhìn vào.
Thời gian … Khát vọng …
Đã bao năm qua, tôi đã đi tìm, phác thảo chân dung nàng.
Đã bao lần, tôi hình dung khuôn mặt nàng, nụ cười, nước mắt nàng, đôi mắt trong sáng ngày nào hồn nhiên thánh thiện, …
Nhưng tôi thất vọng. Huế của tôi ngày xưa, bây giờ không còn như trong ký ức nữa.
Xin được gởi yêu thương cho kỷ niệm, cho những người đã một thời tôi được sống cùng, sống với…
Nguyễn Lương Tuấn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...