Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Tiếng lòng khắc khoải quê hương và phận người trong thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng

Tiếng lòng khắc khoải quê hương và
phận người trong thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng

Huỳnh Ngọc Huy Tùng là một trong những gương mặt thơ trẻ ấn tượng thuộc thế hệ 8X ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Vùng đất đã in đậm dấu ấn tuổi thơ, nơi cội nguồn nuôi dưỡng tâm hồn, chở che và cưu mang anh khôn lớn.
Mối ân tình sâu nặng ấy trở thành niềm thôi thúc để Huỳnh Ngọc Huy Tùng viết nên những vần thơ về mảnh đất và con người quê hương. Thơ anh chan chứa nỗi niềm, những trắc ẩn, thổn thức của một người trẻ, trong tâm thế luôn sẵn sàng đón nhận và chịu những va đập của đời sống hiện đại.
Huỳnh Ngọc Huy Tùng là thầy giáo dạy Toán nhưng lại có niềm đam mê với thi ca. Anh từng tâm niệm: “Đến với thơ là đến với thế giới của những nỗi niềm riêng – chung mà ở đó nhờ thơ nói hộ biết bao nhiêu điều sâu kín, hóa giải những ẩn ức của lòng mình. Đến với thơ cũng là cách di dưỡng tinh thần, tạo tâm thế tốt nhất để làm tròn những công việc khác”.
Khác với phần nhiều những cây bút thơ trẻ khác, Huỳnh Ngọc Huy Tùng chủ yếu vẫn viết theo lối thơ truyền thống có sự giao thoa với hiện đại chứ không viết theo kiểu cách tân hay phá cách một cách táo bạo, khó hiểu. Do vậy thơ anh dễ tạo được sự đón nhận và đồng cảm của đông đảo bạn đọc.
Thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng thể hiện rõ nỗi suy tư, trăn trở, dằn vặt trước cuộc sống và tình yêu. Lắng sau những âm thanh náo nhiệt của dòng đời, thời gian và không gian trong thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng có lúc dường như ngưng đọng và tĩnh lặng đến không ngờ. Đâu đó ta nghe như tiếng thở dài hoang hoải, nỗi ngậm ngùi với quá khứ đã qua; gợi lên trong thẳm sâu tâm thức bao điều nhói buốt.
Ai cũng có miền quê để về phải không em?
Chiều giáp tết anh chơi vơi ngược xuôi phố lạ
Thoang thoảng nơi xa hương mai mẹ vừa lặt lá
Cho anh về ngắm hoa vàng trước cổng yêu thương
Ai cũng có miền quê khi xa lòng mãi vấn vương
Chiếc xuồng nhỏ đưa em đến trường ngày hai lượt
Hương bưởi thơm chị gội đầu tóc đen bóng mượt
Hoa cau đêm hẹn hò rụng trắng bến sông thương!
(Ai cũng có một miền quê)
Phía không có màu thu là bài thơ tạo ấn tượng đối với người đọc, đằng sau từng câu chữ là những cảm xúc dồn nén, có điều gì đó nghèn nghẹn, rưng rưng:
Em! Đừng về. Phía ấy… không mùa thu/ Chiều hổ phách chia đôi bờ thương nhớ/ Bởi mưa ngâu nửa đời ta mắc nợ/ Đêm cuối cùng trả lại riêng em!// Tôi đi qua tháng năm giông bão gập ghềnh/ Mãi lưu lạc trong triền quê khoắc khoải/ Lời ru buồn nhuộm vàng nắng quái/ Mối duyên xưa ai đó gọi tên mình?// Ngóng trông nào chan chứa bình minh/ Câu thơ đứt, rơi…khoảng không vô định/ Ai khâu ký ức chìm đau đáy mắt?/ Kỉ niệm vụn đầy lau lách vội tan đi// Em đừng về nơi ấy mùa thiên di/ Mịt mùng vết xước gieo hờn nước mắt/ Trăng mười bảy còn đâu mà nhặt?/ Hành hương tình đời hun hút giấc mơ!   
Thế giới hoài niệm mà Huỳnh Ngọc Huy Tùng vẽ nên qua những bài thơ là thế giới của tuổi thơ, những mối tình thuở học trò, là tình cảm mẹ cha, tình yêu đôi lứa, tấm lòng thành với vùng đất quê hương: nhất là nơi anh đã sinh ra (Cà Mau) và nơi đã chở che anh (Hậu Giang) trong hành trình cuộc đời.
Về lại Cà Mau bao năm dài xa cách
Con đường quen hàng cây rợp bóng trời chiều            
Góc phố, khu nhà xưa nơi quán cóc
Vẫn ôm hoài một nỗi nhớ mồ côi
Vầng trăng non còn biền biệt xa xôi
Mưa thu rơi cho lòng ai nhức nhối?
Năm tháng qua biển đợi chờ mòn mỏi
Tóc mẹ giờ trắng tựa mây bay!
Con đã về với mẹ hôm nay
Cánh đồng quê thơm mùi rơm rạ
Mùa xa xăm làm con nhớ quá
Bến nhà ta hun hút khói lam chiều
Sương gió bồng bềnh phiêu bạc cô liêu
Con cố đi tìm dấu chân trên cát
Đứng trước biển âm thầm con hát
Lòng mẹ bao la tiếng nấc nghẹn ngào
Giông tố cuộc đời nếm đủ niềm đau
Đeo công danh quên dáng hình của mẹ
Kí ức xưa nhạt nhòa trôi lặng lẽ
Vùi yêu thương trong đống tro tàn!
(Đi qua miền nhớ)
Đó là lời tâm tình rất thật, như lời tạ lỗi của một đứa con xa quê vì cơm áo, vì đeo công danh mà quên dáng hình của mẹ. Để rồi “Vùi yêu thương trong đống tro tàn”. Và đứa con ấy “mãi đi tìm miền nhớ lang thang”.
Con mãi đi tìm miền nhớ lang thang
Đêm cúi đầu trước cố hương rồi chực khóc
Cha nằm đây còn mẹ bao vết chân chim nơi khóe mắt
Miền ấu thơ ơi!.. Hãy dung thứ để ta về.  
Trong điệp trùng nỗi thương nhớ đã bị sắc màu thời gian khỏa lấp, thức dậy trong lòng nhân vật trữ tình sự thổn thức, hốt hoảng trước sự tàn bạo của thời gian với khát vọng đến kiệt cùng. Bão táp và những va đập của cuộc sống cơm áo đã giúp anh thấu rõ hơn, sâu sắc hơn về lẽ đời, tình người.
Rồi một ngày tôi chợt nhớ xa xôi/ Cha, mẹ!/ tuổi thơ!/ bờ lau, bụi sậy …/ Nắng cháy da, gió lao hao tình thương bật dậy/ Biển gọi tôi về líu ríu yêu thương!// Tôi bỏ quên quê hương nơi cuốn nhau tôi, mẹ chôn dưới gốc tràm/ Hiu hắt nỗi buồn một đời nghèo khó/ Tôi dặn lòng đừng nhớ!/ Vật vã đi tìm chút danh lợi hư vinh// Gió chướng rủ nhau về đánh động mùa xuân/ Tôi mới kịp nhận ra chút hạnh phúc đoàn viên mình vừa đánh mất/ Tiếc nuối ngậm ngùi,/ Vừng ơi!/ Hãy mở cửa ngôi nhà xưa! (Bỏ quên).
Trong dòng chảy của hoài niệm, nỗi nhớ quê, nhớ mẹ, nhớ tất cả những gì thân thuộc cứ luôn hiển hiện tạo nên nỗi ám ảnh đến khôn cùng. Mảnh đất mẹ Cà Mau trở thành máu thịt, niềm thương yêu vô bờ. Như thước phim quay chậm, dòng ký ức tuổi thơ lại ùa về với bao nỗi nghẹn ngào, thổn thức!
Em biết không?/ Anh thường buồn,/ Vì nhớ quê hương/ Nơi tuổi thơ của anh gắn liền với biển/ Mỗi hoàng hôn thuyền ba lại ra khơi/ Khi anh buồn,/ Nỗi nhớ cứ khôn nguôi,/ Những lúc cùng ba xây lâu đài trên cát/ Ba gọi anh là hoàng tử bé,/ Ba ơi!/ Ba là ông tiên hiền từ/ Rồi ba ôm hôn anh,/ Nắm tay mẹ,/ Hẹn thuyền về đầy ắp cá tôm// Em biết không?/ Anh thường buồn./ Ám ảnh những đêm giông/ Sóng giận dữ/ Biển đen ngòm phẫn nộ,…/ Mẹ anh!/ Người đàn bà dật dờ trước biển,/ Anh chạy về phía lâu đài/ Sóng biển vô tình cuốn tan/ Anh lang thang đi tìm lâu đài trên cát/ Sóng biển âm thầm xoá dấu chân quen// Em biết không?/ Những lúc anh cô đơn trên đường đời tấp nập/ Anh thèm gọi biển/ Anh khát được một lần trở về quê ôm mẹ và nắm lấy tay em/ Nơi con còng gió hóa thơ, chú ốc mượn hồn cuộn tròn thương nhớ/ Nơi loài chim hải âu tung cánh bay hiên ngang giữa giông bão cuộc đời/ Nơi loài hoa muống biển hun hút tím thủy chung chờ đợi/ Nơi đó có mẹ có em,…/ Có người mãi đi tìm dấu chân bỏ quên trên cát/ Để mỗi hoàng hôn rơi anh ôm đàn nghêu ngao hát/ Câu chuyện cổ tích ngày xưa/ Có chàng hoàng tử bên ông bụt hiền từ,/ xây lâu đài trên cát,/ Ước mơ! (Em biết không?).
Dù hoàn cảnh phải xa quê nhưng lúc nào nhà thơ cũng da diết nhớ về quê hương mà mình đã sinh ra, đã có thời gian gắn bó. Anh xem đó là chỗ dựa tinh thần vững chắc nhất. Nơi đó sẽ là chốn để an ủi, vỗ về, nơi anh sẽ trở về nương náu (cả trong tâm tưởng) sau những bão giông trên bước đường ngược xuôi cơm áo.
Ai cũng có miền quê để về sau những cơn say/ Cùng nương náu đi qua những ngày chênh vênh giông bão/ Bởi cuộc sống trắng đen, phải trái…/ mỏng manh như bàn tay chao đảo/ Sấp ngửa mặt nào cũng là tình đời bạc trắng hơn vôi (Ai cũng có một miền quê). 
Huỳnh Ngọc Huy Tùng đã đem tất cả tấm chân tình thành thật của mình để trang trải với đời, vời người. Dòng đời tuôn chảy với nhiều tâm trạng, nỗi chạnh lòng được anh ký gửi vào những vần thơ đậm chất trữ tình. Đặc biệt khi nghĩ về quê hương là nhà thơ nhắc đến bóng dáng của người mẹ tảo tần, người cha bao dung với niềm kính yêu vô hạn. Nhưng đứa con ấy cũng không khỏi xốn xang, day dứt khi phải xa nhà, không thể làm tròn bổn phận của một đứa con hiếu nghĩa!
Con về rồi lại đi thôi/ Trên vai gánh nặng tình người chưa xong/ Biết rằng má đợi má mong/ Cúi đầu thưa má nát lòng!/ Con đi!… (Thưa má con đi).
Hay ở bài Chạnh lòng, là lời giãi bày, tự thú với bản thân trước những bản thể hữu hình của sự sống để cảm nhận sâu sắc hơn về tình đời, tình người.
Gió lay ngẫu hứng bóng trưa/ Con cò trắng bay ngang cánh đồng mùa gặt/ Ngôi nhà xưa khói lam chiều lay lắt/ Chiếc lá khô thổn thức sang mùa// Cái rét chiều đông con thấy lạnh/ Góc phố liêu xiêu nghiêng ngã đợi chờ/ Buốt lòng ai những ngày xa xứ?/ Trắng cơn mơ kỉ niệm vực về// Con vẫn biết quê mình nghèo khó/ Chạnh lòng thương quá đỗi ngày xưa/ Thân cò lặn lội suốt một đời vất vả/ Cơm áo gạo tiền đè nặng tấm lưng cong// Không thể nào quên những năm tháng long đong/ Tuổi thơ hôm nào vẫn đầy trong kí ức/ Năm tháng đi qua nỗi niềm thao thức/ Bóng mẹ già hiu hắt cuối hoàng hôn.
Nhà thơ đã đi qua những định phận trên hành trình kiếp người với bao nỗi buồn vui, thắc thỏm. Bởi ở đó nhiều khoảng trống lớn khó có thể lấp đầy.
Mỗi dịp xuân về khóe mắt cay cay/ Con mỏi chờ ba một lần trở lại/ Ngôi nhà ta,/ Trưa hè,/ Ba ngồi đưa võng./ Ngọt lịm,/ Câu hò,/ Ru giấc ngủ con say.// Trong cơn mơ:/ Khói đốt đồng thơm mùi rạ mới/ Cá lóc nướng trui thèm lắm ngày xưa!/ Tuổi thơ của con,/ Còn là cánh diều no gió/ Tung tăng theo ba mỗi lúc chiều về.// Con nhớ hoài hình bóng một miền quê/ Đồng lúa xanh,/ Hoa lục bình tim tím/ Nhớ ba hát “Tình anh bán chiếu”/ Làn khói thuốc đâu đây phảng phất trong chiều/ Mãi bây giờ …lòng vẫn rưng rưng!// Thời gian trôi đi/ Con vào đại học/ Ba mãi không về/ Đường vào đời khúc khuỷu chỉ mình con!/…Xuân lại về con đón tuổi đầy tay/ Chạm thềm Tết nghe nhớ nhà quá đỗi/ Ngã bảy ngã ba cuộc đời nhiều nông nỗi/ Vẫn có ba bên đời theo mỗi bước chân con (Vẫn có ba bên đời).
Khi ngoái nhìn lại đoạn đời đã đi qua, nhân vật trữ tình cảm thấy hụt hẫng, bơ vơ và đôi lúc tự trách chính bản thân mình. Nhưng biết làm sao được khi thời gian đi qua, mọi thứ đã thành ký ức xa ngái; nhà thơ đành phải nhặt nhạnh và xâu chuỗi từng mảnh ký ức của những ngày đã xa:
Ai cũng có miền quê để về giấu tiếng vạc kêu sương
Ngày xưa anh lẽo đẽo theo cha ra đồng tát đìa bắt cá
Hái chùm điên điển vàng bông nghe lòng vui điến lạ
Canh trái giác nấu cá rô đồng đầu lưỡi vẫn còn cay   
Những bài thơ viết cho “em”, nói về “em” bao giờ chủ thể trữ tình cũng bộc lộ sự cảm thông, bao dung và sẻ chia đầy nhân ái.
Em hoang hoải kiếp yêu tìm định số/ Lỡ tơ duyên nặng nợ phía vô cùng/ Ta đi về nơi hương tình hoang yên giấc/ Đành bỏ lại mùa nức nở khóc sau lưng (Mùa hoa bỏ lại).
Ở đó có tiếng thở dài, nuối tiếc, nhớ nhung khi nhận ra bao bộn bề và cả những giá trị đích thực của cuộc sống.
Có những lúc ta tự nhủ cùng ta/ Phải đứng dậy sau những lần vấp ngã/ Cuộc sống là cánh diều mong manh quá/ Ta phải nâng niu trân trọng từng ngày// Có những lúc ta muốn uống thật say/ Để quên hết cuộc đời đầy chua chát/ Văng vẳng bên tai dòng sông len lén hát/ Gọi thuyền về cho bến bớt cô đơn (Có những lúc).
Thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng mang đậm dấu ấn tình đất tình người miền Tây sông nước. Bài thơ Gửi Anh người lính Trường Sa với giọng thơ ấm áp, ngọt ngào; đó chính là tình cảm của người Hậu Giang nói riêng, người miền Tây nói chung dành cho người lính đảo.
Thư Hậu Giang em viết gửi cho anh
Trường Sa yêu thương trải hoài trong trí nhớ
Sóng vỗ bờ xa thì thầm nhắc nhở
Xà No chiều về em luôn đợi chờ anh!
Bao năm rồi vườn cam quýt vẫn xanh
Nhớ ghê lắm, anh chưa một lần về thăm lại
Chiếc xuồng nhỏ đưa người sang sông ngày ấy
Đến bây giờ lòng xao xuyến mãi chưa phai
Thư Hậu Giang em viết gửi cho anh
Một chút tâm tình đến người lính đảo
Cây Phong Ba chiều nay thay màu áo
Đón thu về hoa sóng nở xôn xao!
Thư anh viết cho em có tiếng sóng rì rào
Có gió đổi chiều, có hoàng hôn nhuộm màu thương nhớ
Nhớ quá đêm Xà No vầng trăng đi trốn
Ta trao nụ hôn đầu vụng dại tuổi vào yêu!
Sinh Tồn đêm nay biển động thật nhiều
Muôn vạn vì sao lung linh mắt sóng
Đồng đội anh đong đưa cánh võng
Hát câu vọng cổ buồn,…
có nhớ Hậu Giang?
Quê mình mỗi người góp đá dựng Trường Sa
Chú Sáu góp lương hưu,
Cô Ba góp từ những đồng nuôi heo đất
Bé Út nhịn quà sáng
Mẹ Việt Nam anh hùng gửi lại tiền phúng điếu trước phút lâm chung
Thư Hậu Giang này sẽ đến Trường Sa
Mang theo tấm lòng những người con vùng châu thổ
Chưa đến biển nhưng trong lòng muôn trùng sóng vỗ
Son sắt một lòng
Thương lắm Trường Sa,
Son sắt một lòng
Vì biển đảo của ta!
Phong vị của vùng đất miền sông nước còn được thể hiện rõ nét qua việc anh sử dụng ngôn ngữ, không gian địa lý và những hình ảnh đặc trưng trong thơ.
Tiếng trống đồng vang vang/ Âm thanh mùa màng quá khứ/ Tiếng vượn hú trăng khuya hiu quạnh/ Câu ca buồn trên dòng Xà No// Những dòng người đi tìm ấm no/ Theo dòng sông theo xuồng dừng lại/ Đất mở ra,/ hạt lúa cựa mình thức dậy// Những cánh đồng năng lác hẹp dần/ Dòng phèn mặn khỏa ánh trăng thấm ngọt/ Bàn tay người khẩn đất/ Xóm làng túm tụm sum vầy// Rẫy khóm rực vàng vết xước vết chai/ Mía tơ biếc, mùa đường ngọt mật
Cạn chén rượu,/ tiếng đờn rao khuya khoắt/ Kiếp ly hương chạm nước một lời ca// Dòng Xà No con đường lúa gạo đi qua/ Lễ hội gọi ai về,/ thương hạt phù sa châu thổ/ Hạt ngọc trời từ bàn tay cha gian khổ/ Trùng trùng bội thu xóa đói giảm nghèo// Trôi theo dòng khúc hát lý trăng soi/ Xà No lung linh trẩy hội/ Câu ca vui gọi mời người ơi… người ở…/ Hậu Giang ta về hò hẹn những ngày vui (Xà No mênh mông câu hát).
Thơ Huỳnh Ngọc Huy Tùng được viết ra bằng tất cả tình cảm của một trái tim chân thành với sự đam mê, khát vọng và những nỗi niềm suy tư quặn thắt. Tiếng thơ ấy thổn thức vang lên theo dòng chảy của thế sự với bao khát khao, lo âu, nghĩ suy và trăn trở. Cái tôi của chủ thể trữ tình luôn trong trạng thái xao động, chờ đợi, mơ ước và cả những hoài nghi.
22/7/2023
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những viên đạn đá găm vào tiểu thuyết Tôi coi văn chương là chuyện sang trọng và thiêng liêng. Trước khi viết, tôi thường tắm, gội sạch ...