Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Nàng thơ - Truyện ngắn của Đỗ Văn Minh

Nàng thơ - Truyện ngắn
của Đỗ Văn Minh

Sinh ra, lớn lên giữa biêng biếc mây trời Cố đô Huế, cảnh vật và con người dường như ám ảnh vào văn chương của anh, để rồi những áng văn theo đó lại tuôn chảy dạt dào như dòng suối. Bao nỗi niềm đau đáu của nơi chôn nhau cắt rốn chưa bao giờ ngủ yên trên ý tưởng thơ và đề tài, kết cấu trang văn của người con nghĩa tình và hoài niệm ấy. Những uẩn ức đó lớn dần qua năm tháng xa quê đầy khắc khoải, mong chờ. Đến một ngày kia, trên những trang giấy kẻ dòng tuồn tuột những ý nghĩ, suy tư được sắp xếp theo một tư duy nghệ thuật và phương pháp sáng tác mang đặc trưng giọng điệu, ngôn ngữ, tiết tấu riêng. Đứa con tinh thần đã chính thức chào đời sau bao tháng ngày trăn trở, ấp ủ và lớn lên.
Vanvn xin giới thiệu truyện ngắn mới Nàng Thơ của cây viết trẻ Đỗ Văn Minh ở Gia Lai.
NHÀ VĂN HOÀNG THANH HƯƠNG giới thiệu
Có một cô gái nhẩm vài câu ca từ mỗi ngày như trì chú hộ thân. Trở lại Huế thương bài thơ khắc trong chiếc nón. Em cầm trên tay ra đứng bờ sông. Nàng thơ xứ Huế chung tình đáo để đến thế kia ư. Tấm thân lê cùng trời đất bấy nay. Cổ kệ cho ngày nắng đêm mưa. Miệng mỉm cười trước biến thái của khuôn mặt cuộc đời, mà lắm kẻ vô duyên đả đớt. Chiếc nón cầm hờ trên đôi tay cung vàng điện ngọc dẫu gần thế kỉ hòng nhoà phai. Nàng tên Thơ, nhưng không phải vì thế mà họ gọi sẵn cho là Nàng Thơ. Mà cốt ở dáng xưa hồn cố quận. Mắt đẫm lệ ngàn thu. Đôi môi tuôn châu nhả ngọc. Nàng học khoa toán nhưng yêu văn đến lạ lùng. Khô khan và ươn ướt đã nhào nặn nên nàng, thứ đất nung xây thành quách cuộc đời cẩm lệ. Dòng dõi Kinh kì hiện về vẹn nguyên, hun hút khí chất thanh cao trong dáng dấp mĩ miều, lãng mạn đến tím cả nỗi niềm của người lữ thứ lẫn kẻ chương đài. Bờ bãi héo mòn bởi định luật của thời gian, thế mà những kẻ tinh đời mắt cú vọ lại nhìn ra nét hào hoa, du lãng trên khuôn môi màu hường kín đáo ấy. Vẻ dỗi hờn chốc chốc lại thoáng qua trong nét đi dáng đứng yểu điệu thục nữ, cớ sao quân tử chửa hảo cầu.
Thơ sinh ra trong một gia đình có ông nội làm quan triều Nguyễn, lớn lên giữa mây trời biêng biếc của núi Ngự sông Hương, có khi lại não nường xanh xao trong mấy mùa giá rét bão bùng. Những sào ngô mướt mát cao quá đầu người. Những chuyến đò ngang Kim Long – Nguyệt Biều. Bao nhà vườn, con đường khép mình dưới những tán cây. Kim Long có gái mĩ miều. Trẫm thương trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi. Thơ vẫn âm thầm chờ đợi một người con trai ưng ý của chốn Kinh kì xưa đến rước. Không phải là cánh nhà giàu, nhà mặt phố bố làm to. Đó có thể là anh sinh ra ở chốn vạn đò nhưng phải mang tấc lòng hoài niệm. Có ánh mắt của người xưa. Có nụ cười hiền hậu, ẩn hiện trong sương sớm tà vương. Có âm sắc bổng trầm nhưng hơi đục tựa nỗi niềm man mác của dòng Hương đã mang nặng bao thì. Có khi là chút cờn cợn của cơn lũ thân quen.
Nàng yêu màu tím, màu hường nhưng lại thích khoác trên mình bộ cánh nhuốm xanh. Màu của mạ non. Màu của tàu lá chuối còn e ấp, ban sơ. Màu của nỗi bâng khuâng, chút dỗi chút hờn của cái tiết trời làm lòng người nôn nao trong thời khắc giao mùa. Màu của mộng tình con trẻ. Màu của đôi lứa giao duyên trong khúc quan họ ngãi tình. Cái ý trông thật thâm sâu mà nhẹ tưng như cơn gió hè, thoáng qua trên mặt nước Hương Giang. Nó tự tình khuyên người ta, bỏ lại hết sau lưng những muộn phiền, quá đỗi. Tình thư một bức phong còn kín. Gió nơi đâu, gượng mở xem. Hễ mỗi lần Thơ đọc câu của Nguyễn Trãi, hình bóng dĩ vãng và những khoảnh khắc niệm khúc cuối lại ùa về. Ông nội mặc triều phục uy nghi, mắt lấm la lấm lét đứng đợi chầu vua trước Điện Thái Hoà. Khúm núm, sợ sệt khi thấy vua ngự ở trên. Thơ nhớ lại nếp gia phong vẫn hằn in trên từng đại tự, hoành phi, bức liễn gắn trên những cái cột dọc, đòn ngang của ngôi nhà rường năm gian hai chái quen thuộc. Những bức bình phong đắp nổi hình rồng phục hổ chầu giữa hai dãy cau thẳng tít tắp đến tận cổng, được cắt tỉa từ những cây chè tàu xanh um.
Thơ là hiện thân của những nếp xưa cũ trong ngôi nhà gia phong bậc nhất ấy. Mặc sự xoay vần của con tạo. Kệ những biến thiên nơi phố thị phồn hoa. Sông Hương giờ vắng những chuyến đò ngang. Núi Ngự giờ yên ắng tiếng gà. Chỉ chùa Thiên Mụ hôm sớm cầu kinh, khua mõ. Dềnh dàng ra ngoài sông. Chơi vơi nơi bản thể. Nàng ngắm con đò dọc chưa từng quen biết. Chủ đò ở đâu lai vãng qua đây. Những chuyến tròng trành nhưng giờ vắng khách quá. Thơ bỗng cảm khái, chút tự tình, khách sáo trước thời gian. Thường niên, nàng ngóng người trong mộng tưởng. Một chàng trai mảnh khảnh bạch diện thư sinh. Mớ tóc uốn lọn, cong cong như cầu kiều, như vầng trăng đương lúc lưỡi liềm. Ánh mắt chớm đọng sương sa. Bàn tay khua dòng trong đục. Đâu bởi nương nhờ vật chất mà cốt ở chung giấu tâm hồn. Nó là cao lương mĩ vị nàng thèm lắm thử qua. Còn vật phẩm ư, con cháu nhà quan thì thiếu món ngon của lạ nào. Nên nàng đâm ra nhung nhớ vẻ đẹp của trăng xưa bến cũ. Cảm giác bình yên của tiếng mưa rơi trên tàu lá chuối sau vườn, lộp độp… lộp độp. Tiếng guốc cô liêu trong mây chiều bảng lảng. Vẳng tiếng côn trùng não ruột canh khuya.
Thơ đi vào cõi lặng. Ngôi nhà thiên cổ đắp trên gò Long Thọ. Bởi cổ thích nghe tiếng gà vang vọng trong giá lạnh rừng thông. Tiếng chân nai sờ soạng trong màn đêm u uẩn. Ngụm nước chè xanh ở giếng Hàm Long khơi mạch. Dấu giày rơm của những ẩn sĩ thanh cao. Hãy cho con về nơi đó.
19/7/2023
Đỗ Văn Minh
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Chuyện ở ngôi nhà làng Xuân Huy – Tuyên Quang Tôi khẽ rút mối buộc mở gói ra. Trời đất ạ! Một mảnh gấm đỏ! Chắc là Ông Thi biếu để c...