Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Lối thoát - Truyện ngắn của Lê Đăng Kháng

Lối thoát - Truyện ngắn
của Lê Đăng Kháng

Nhàn trải tấm nilon nằm nép ở vỉa hè, lấy nón úp lên mặt để tránh muỗi. Đôi quang gánh để ngay bên cạnh. Tài sản trong mấy ngày qua đi nhặt rác ở Hà Nội là mấy lon bia và một xấp báo cũ một ông cán bộ về hưu cho không. Đôi chân Nhàn rã rời. Cả ngày qua chỉ có nửa cái bánh mì và một chai nước cũng vẫn còn một nửa. Cô không dám nghĩ đến chuyện bỏ ra mười lăm ngàn mua một hộp cơm bình dân mà ăn. Mấy hôm nay chưa ngày nào Nhàn kiếm nổi hai mươi ngàn bạc bởi tiền nhặt rác, làm sao cô dám bỏ tiền ngồi ăn cơm bụi.
Nhàn không quen ai. Cô để ý thấy các chị ở Hải Dương hay Hà Đông ra đi mua giấy vụn như Nhàn họ đều nằm thành từng tốp vài ba người, quang gánh để vào giữa. Người nằm đầu hướng ra xung quanh.
Muỗi như trấu ném vào mặt. Quờ tay cũng nắm được một vốc tướng. Hai chân cô đành phó mặc cho muỗi hành hạ. Suốt đêm Nhàn nhớ con. Tội cho cu Tũn mới bốn tuổi đầu đã phải xa mẹ, sống với bà ngoại, mồ côi cha. Chồng Nhàn cũng hoàn thành nghĩa vụ quân sự đang chạy tiền để học nghề chữa xe máy. Nghe người ta nói vào Ninh Bình đi cào hến kiếm được khối tiền. Thế là đi, ai ngờ lại chết đuối ở trong ấy. Nghĩ về con đường trước mặt, Nhàn cảm thấy không có lối thoát. Nhưng vẫn phải quyết tâm xa quê lên Hà Nội kiếm sống. Đôi lúc hoang mang, nhưng khi nghĩ về đứa con trai mà hôm đi cô phải đợi nó ngủ say vào lúc bốn giờ sáng mới dám hớt hải quang gánh ra đi, Nhàn lại như vớ được một cái phao khiến cô có niềm tin để sống, và rằng nhất định mình sẽ kiếm được một việc gì đó để làm ra tiền. Phải có tiền mới mong sang lại được hai sào ruộng cấy. Từ đời ông cha đến giờ chỉ biết bám vào ruộng. Bây giờ phải giải tỏa để làm sân gold thì biết sống bằng gì? Tiền đền bù chỉ đủ mua được dăm miếng ruộng. Chả còn hy vọng vào cái gì nữa…
Trong làng cũng khối các cô gái tân lên Hà Nội nói bảo đi bán hàng nhưng người làng bảo đấy là các động bia ôm, cà phê vườn cũng ôm nốt. Nhiều cô gửi tiền về, cha mẹ đã xây nhà lên tầng, tay ga chạy ro ro về làng hãnh diện lắm. Nghĩ đến chuyện một phụ nữ quê mùa như mình lạc vào động cà phê ôm, bà chủ bắt mặc váy ngắn một tấc hở hết… cả ra. Bọn đàn ông, bọn choai choai háo hức đến trắng trợn thọc tay vào ngực nắn bóp, Nhàn tối mắt, chóng mặt. Cô vội ấp tay lên ngực như một phản ứng tự vệ, chiếc nón úp mặt bung ra. Cô ngồi phắt dậy vấn lại tóc.
Lần đầu tiên Nhàn đến chợ người với tư cách là hàng hóa như ở quê cô lên chợ huyện bán mươi bó rau, dăm nải chuối bầy trong một cái mẹt tênh hênh ở giữa chợ. Sáng bạch ra rồi, không thấy ai gọi đến mình. Cánh đàn ông trai tráng từng tốp vài ba người cuốc xẻng, dao búa, cưa đục đã có các ông bà chủ đến đón đi. Hay là mình không có duyên? Rồi cô tự nghĩ mình cũng không đến nỗi xấu xí. Sao thế nhỉ?
Chợ người vãn dần thì một bà sồn sồn mặt to, hai má núng nính đến trước mặt Nhàn. Này cô gì ơi. Giúp việc cho tôi đi. Bưng bê ở quán cơm bụi. Cơm trưa cơm tối. Triệu rưỡi một tháng. Thế là vào ba triệu đấy. Tôi không giả rẻ cô đâu. Nhàn chưa kịp mở mồm thì một bà ăn mặc sang trọng, vẫn ngồi trên chiếc tay ga, váy phủ gót. Buông một câu, để đấy. Tôi hỏi cô ấy trước rồi. Đoạn bà vẫy Nhàn lại gần trong khi vẫn ngồi trên xe. Cô ở tỉnh lên đây lâu chưa? Dạ. Mới độ vài ngày ạ. Bà lại nhìn lướt Nhàn từ đầu đến chân… Nước da trắng, ăn đứt con gái thành thị. Khuôn mặt chân quê nhẹ nhõm, thoáng chút duyên ngầm làm bà có phần hài lòng. Bà nói nhỏ chỉ đủ hai người nghe, đi về nhà tôi giúp việc nhà. Chủ yếu là tập động tác co duỗi tay chân cho ông nhà tôi bị tai biến nhẹ. Sẽ có bác sĩ hướng dẫn. Lương tháng ba triệu, ngày ba bữa. Làm việc phải chăm chỉ, sạch sẽ. Nếu có tính tắt mắt thì tôi đuổi việc. Tháng trước tôi đã đuổi hai đứa. Một đứa thì lười, bẩn lại hay ăn vụng thức ăn trong tủ lạnh. Một đứa có tính ăn cắp vặt. Cô có làm được không? Dạ. Con làm được ạ. Con với cháu gì. Tôi đã già đến thế cơ à? Cứ xưng là em… Dạ… Bà đã nói thế thì… em làm được ạ. Mọi việc diễn ra như trong mơ. Ôi! Tương lai là đây chăng. Lối thoát là đây chăng? Chỉ cần vài năm chắt chiu là mình sẽ tậu lại được ruộng. Rồi còn vào Ninh Bình đưa anh ấy về quê… Nhàn lại nghĩ đến cu Tũn. Giờ này bà cháu đã chuẩn bị đi mẫu giáo chưa. Hôm đi, Nhàn dặn đi dặn lại mẹ khi dắt cháu sang đường phải cẩn thận xe cộ. Ở làng mình bây giờ xe đi không có luật nào cả.
Trong làng người ta kháo nhau chuyện đi làm Ôsin ở Hà Nội. Bây giờ Nhàn mới biết. Buổi sáng, cô phải dậy từ bốn giờ dắt hai con chó đi phóng uế đúng nơi qui định. Nếu không đi đúng chỗ, bị phạt, cô phải bị trừ lương. Hai con chó như hai con hổ chỉ nhìn đã phát khiếp. Thế mà giờ đây cô đã có thể tắm và vuốt ve chúng một cách thân thiện. Nước hoa xịt cho chó là thứ nước hoa mua từ Cali về. Hàng ngày, mỗi con ăn nửa cân thịt bò với hai quả trứng. Nghe bà chủ nói mỗi con giá hơn trăm triệu. Căn nhà ba gian cộng mảnh vườn của Nhàn ở quê chưa chắc bán nổi giá ấy.
Từ chín giờ đến chín giờ rưỡi, tập liệu pháp cho ông chủ, sau khi đã thay quần áo và rửa tay bằng xà phòng thơm. Bàn tay một cô gái nhà quê, phải xoa bóp tay chân và làm động tác co duỗi nhẹ nhàng cho ông. Dìu ông lên phô tơi, giúp ông đi vệ sinh, đổ bô và thay bỉm… Bàn tay Nhàn phải đụng chạm và lướt qua cả những vùng nhậy cảm của ông mà giờ đây đã hết chức năng. Việc này lẽ ra bà chủ làm. Nhưng đã có đồng tiền làm thay bà. Vài hôm đầu, Nhàn đỏ mặt sượng chín người. Sau lại nghĩ đã đi làm Ôsin còn sĩ hão làm gì. Những lúc ngớt việc Nhàn ước ao bao giờ cô lại được về làng gặt lúa trên đồng, hít thở ngọn gió từ đầm sen thổi đến. Mùi bùn non ngai ngái, mùi rạ rơm tháng mười hăng hăng, ngầy ngậy làm nên một thứ sinh khí máu thịt của đồng quê khiến Nhàn không muốn dứt ra. Ba triệu bạc non hai tạ lúa cũng không phải là ít. Ba triệu tính hết cái giá của đầu vào từ việc nhớ con, thương mẹ với bao ê chề cay cực buộc Nhàn phải nhắm mắt dấn thân.
Như mọi hôm, tám giờ tối hôm nay chờ bà chủ ăn xong Nhàn mới dám ngồi vào mâm. Vừa xới xong bát cơm thì có chuông của ông chủ trên lầu. Nhàn buông bát chạy lên. Cô dìu ông chủ lên một cái ghế có tay vịn đã khoét sẵn lỗ ở dưới. Một cái bô sứ Trung Quốc được đặt vào. Khi những thao tác cuối cùng như đổ bô, lau rửa cho ông chủ xong thì Nhàn cũng không còn bụng dạ nào mà ăn bữa tối nữa.
Rửa bát đĩa lau bàn xong, cô lấy quần áo đi tắm. Đứng trước gương, xoa bộ ngực săn chắc của gái một con, Nhàn lại nhớ đến chồng. Bỗng cánh cửa phòng tắm bật mở. Nhàn giật mình quay lại. Ối giời ơi. Cậu Lại con bà chủ. Sao cậu lại về lúc này? Nhàn vô ý đã không bấm chốt cài cửa. Lại chẳng nói chẳng rằng, ôm nghiến lấy Nhàn. Anh yêu em. Em đáng yêu lắm. Tôi sẽ… không để em thiệt. Ôi! Không được cậu ơi. Tôi là gái đã có một đời chồng, tôi còn con dại… Thiếu gì những cô trẻ đẹp… Cậu tha cho tôi, tôi đội ơn cậu. Nhàn định ngồi thụp xuống nhưng cánh tay như sắt của Lại vẫn ghì xiết lấy cô. Lại đè ngay Nhàn ra nhà tắm. Tôi yêu em. Tôi sẽ cho thêm tiền. Ba triệu của mẹ tôi là cái quái gì. Không! Không. Cậu tha cho tôi. Có ai…
Lại! Ra ngay đây tao bảo. Thì ra bà chủ đã cảnh giác theo dõi Lại từ mấy hôm nay. Bà vừa về thì bắt gặp cảnh này. Lại vội mặc quần áo bước ra. Mẹ làm gì ồn lên thế. Con yêu Nhàn. Bà chủ đay nghiến. Người ta là kẻ ăn người ở trong nhà. Mày là cậu chủ. Phải ra chủ chứ. Nó đã có một đời chồng, của ấy là gái sát chồng. Mày ngủ với nó cũng như chồng nó. Không khéo lại chết vì háo sắc. Đồ ngu. Đi ra công ty ngay.
Nhàn mặc quần áo rồi lặng lẽ về phòng. Nhưng bà chủ gọi giật lại, em chuẩn bị quần áo, đồ dùng đi với tôi. Làm việc khác, ở đây có ngày nó hại em. Đi đâu bà, liệu em có làm được không ạ? Không phải hỏi. Việc này dễ lắm, chỉ việc trông coi người làm, thỉnh thoảng tiếp khách. Em sẽ làm được. Làm ở đấy cũng là việc của công ty nhà này. Lương cao gấp đôi ở đây. Không phải ai cũng được tôi tin như thế này đâu.
Những ngày êm đềm đã hết. Chỉ sau đấy vài phút một chiếc xe con tiến vào sân. Bà chủ đưa Nhàn đi trong đêm mà cô chưa biết đi đâu?
Chị Sen mà các cô gái trong khu cà phê sinh thái Hoàng Hoa này đều nhất nhất gọi là mẹ Mì, chỉ hơn Nhàn độ dăm tuổi. Nhan sắc còn mặn mà cho gọi Nhàn vào phòng phủ dụ, em lau nước mắt đi. Em xem đấy, tiếp khách, chiều chuộng khách một tí có mất gì đâu, mà lại được tiền. Xinh như em mà biết chiều khách thì cánh đàn ông nó bo hậu phải biết. Đứa nào xinh gái mà kheo khéo một tí, được bo năm, sáu trăm, một triệu như không. Một vụ lúa sáu tháng ở quê em làm tối mặt làm gì được ba triệu, một tối ở đây thu nhập vài triệu là xoàng. Nghe chị đi, tươi tỉnh lên. Ở đây em đừng dại dột mà nghĩ đến chuyện đi trốn. Nhàn thoáng rùng mình nghĩ đến bức tường cao ba mét cắm mảnh chai lởm chởm như răng chó. Hai cánh cổng đóng im ỉm. Khi nào có xe của khách đến thì bảo vệ lập tức mở ra. Nhàn đã nghe, có khối đứa định bỏ trốn, bị bảo vệ phát hiện bắt lại tống vào phòng, không cho ăn uống,  còn bị đánh nhừ tử.
Ngồi co ro trong phòng đợi khách, không còn đường nào khác. Tất cả với Nhàn giờ đây là con đường cụt. Thôi nhắm mắt lại cho đỡ sợ. Bỗng cửa phòng bật mở, một người đàn ông cao cao nom phong độ bước vào theo sau là gã bảo vệ mặt choắt. Tên này xoa tay vào nhau khúm núm. Hàng xịn ở quê lên, nhất đại ca đấy ạ. Người kia nhìn vào mắt tên bảo vệ. Thật không? Tin thằng em đi mà. Nhớ bo cho em. Hì hì. Đây. Người đàn ông móc ra tờ năm trăm ngàn. Hì hì. Cám ơn ông anh ạ. Tên này biến. Cánh cửa sập lại. Người đàn ông vồ lấy Nhàn, lột áo cô ra… Ngoan đi cô em. Trông mặt xinh đấy nhỉ. Chiều anh đi rồi anh sẽ thưởng cho. Mặc dù đã được chị Sen huấn luyện kỹ nhưng Nhàn vẫn lóng ngóng, tay cô run bắn khi xé vỏ bao ca bốt rồi chụp lên cái ấy của ông ta… Nhàn nằm như một cái xác không hồn. Nước mắt cô chảy tràn ra hai bên má khi người đàn ông nhét vào tay cô một nắm tiền và mấy thỏi chocolate. Làm gì bây giờ với số tiền này, đồng tiền cô vừa bán thân…?
Chị Sen xuất hiện ngay sau đó. Em chiều khách tốt đấy. Mừng cho em. Cứ thế có phải ngoan không. Gần sáng thì Nhàn đã phải tiếp đến ba, bốn lượt khách, trong đó có đủ hạng người từ thương gia đến tay anh chị, gã ma cô ở các bến xe. Hạng này nó làm hùng hục như trâu húc mả dày vò thân xác Nhàn cho bõ đồng tiền mà họ bỏ ra.
Nhàn ngủ như chết. Rồi cô nằm mơ, khuôn mặt Trung chập chờn ẩn hiện. Chiếc áo bộ đội đã sứt miệng túi, hôm đi Gia Viễn cô chưa kịp khâu cho anh. Khổ cho em quá, Trung nói. Anh sẽ luôn phù hộ cho em để em thoát cái nạn ô nhục này. Em phải về quê, còn đưa anh về để anh được gần con và em. Ôi! Anh Trung…cứu em với. Anh ơi…
Người khách có mái tóc dài phủ gáy, mặt non choẹt đưa tay định giật cúc áo Nhàn nhưng anh ta khựng lại mấy giây nhìn cô. Chị làm ở đây lâu chưa? Mới vài ngày ạ. Tôi nom mặt chị…có lẽ không phải hạng người này. Anh ta sành sỏi.
Ấy chết…Anh đừng gọi em là chị. Em không đáng…Chị mặc áo vào, anh ta bảo. Ôi sao anh lại…? Tôi bảo mặc áo vào thì cứ mặc. Nom mặt chị không giống bọn con gái mà tôi vẫn chơi. Chị gái tôi cũng có nét… Có lẽ cũng ở độ tuổi như chị. Chị ấy đi lao động ở Đài Loan, bỏ anh rể và cháu tôi ở nhà, lấy chồng bên ý. Nhưng đã bị bệnh chết ở bệnh viện, nhà chồng nó bỏ xác không nhận. Tôi là sinh viên, tôi buồn và chán, tôi đi chơi… Gặp chị tự nhiên tôi cứ nghĩ về chị mình. Thế là tôi không ham muốn gì nữa. Chị nghĩ sẽ làm nghề này mãi à? Dạ, em biết làm sao bây giờ. Ra đến cổng nó bắt lại là đánh chết. Dễ thôi, anh ta nói một cách tự tin. Chị có muốn thoát khỏi đây không? Ôi! Muốn lắm chứ ạ, nhưng em chả biết làm cách nào? Tôi sẽ cứu chị. Tôi chở chị về nhà trọ của tôi, chiều mai tôi đưa chị ra bến xe mà về quê.
Tuấn, anh sinh viên dắt xe ra cổng. Nhàn theo sau. Trống ngực cô đập loạn lên. Tuấn ghé vào tai gã bảo vệ mặt choắt, nói vài câu gì đó. Đoạn Tuấn dúi vào tay hắn tờ năm trăm. Tay bảo vệ giẫy lên. Không, không được đâu. Còn…ý hắn nói còn ít. Tuấn dúi thêm tờ nữa. Hắn phẩy tay ra hiệu cho đi. Chiếc xe lao ra cổng. Nhàn cứ ngỡ trong mơ, mình thoát khỏi địa ngục này thật sao. Anh ta là ai. Sao lại muốn cứu mình nhỉ…?
Chiều chạng vạng thì Nhàn về đến bến xe tỉnh. Nhưng cô nấn ná đợi gần đến tối mới bắt xe ôm để về nhà.
Về đến đầu làng thì đã tối nhọ mặt người. Bỗng cô nghe có tiếng trống đám ma vọng lại từ phía nghĩa địa của làng. Tùng! Cheng. Tùng! Cheng… Có nhiều đèn và đuốc cháy chập chờn từ nghĩa địa tỏa về các ngõ xóm. Nhàn cảm thấy lo âu, hồi hộp. Ai chết thế nhỉ? Cô cố đuổi kịp một tốp các bà và lên tiếng, ai chết thế các bác ơi. Một bà quay lại. Ai như… Ôi! Cô Nhàn. Giời đất ôi. Sao cô biết mà về thế? Bà bị tai biến đi rồi. Thôi cụ đi nhanh cũng mát mẻ cô ạ. Chỉ tiếc… bà kia ngập ngừng. Nhàn hoa mắt, ù tai. Giời ôi. Mẹ em chết rồi sao? Bà mất rồi, hôm kia. Chú Toàn đi gọi cho nhà Lơ bệu bảo tìm giúp cô mà không thấy.
Vài người dìu Nhàn đi về phía nghĩa địa lúc này còn Toàn, người hàng xóm và cu Tũn ở bên mộ bà cụ Hạ. Đám ma duy nhất có đứa cháu ngoại thắt khăn trắng. Nhàn rũ ra rồi khuỵu xuống như một thân cây đổ. Cu Tũn ôm chầm lấy mẹ như đứa trẻ lạc trong chợ vừa tìm được mẹ mình. Cứ thế nó khóc nức nở như sợ mẹ nó lại biến đi như vài tháng nay. Con chó vàng thấy Nhàn nó ứ lên vẫy đuôi, quẩn vào chân cô. Thế là một bên con vàng, một bên cu Tũn như một điểm tựa cho Nhàn. Trong khi khóc gào như người mất trí, Nhàn móc những tờ tiền ném ra mặt đất. Tiền này! Tiền này! Cô thoát khỏi sự ô nhục vì đồng tiền thì mẹ đã không còn. Toàn đi nhặt những đồng tiền Nhàn ném bay lả tả trong nghĩa địa. Anh khẽ an ủi. Thôi. Cô đã về đây là may rồi. Bà thì đã mất. Cô phải giữ sức khỏe nuôi cháu ăn học. Củ Tũn là tương lai của cô đấy.
Toàn ngoài ba mươi còn độc thân. Anh bỏ nghề thợ hồ từ Bình Dương về quê làm nghề sửa xe đạp. Đám ma bà cụ Hạ độc một tay Toàn lo liệu. Từ khi Nhàn đi, anh như người con lớn của bà. Lúc thì dắt hai bà cháu sang đường, khi sửa lại cho bà cái ngạch cửa. Hôm chở Nhàn đi xuống bến xe, Toàn ngập ngừng như muốn nói gì rồi lại thôi. Vì lúc đó Trung, chồng Nhàn mới chết được vài tháng. Anh không dám động vào nỗi đau của cô.
Đêm đã khuya. Gà trong làng đã gáy. Toàn đốt một tuần hương nữa đưa cho Nhàn cắm trước mộ bà cụ. Cu Tũn bám chặt vào mẹ nó nói, mẹ ơi bà chết rồi. Mẹ đừng bỏ con mà đi nữa mẹ nhé. Nhàn cúi xuống dụi đầu vào mặt thằng bé. Mùi da thịt của đứa con trai đã làm cho Nhàn tỉnh cơn mê. Mẹ không bao giờ bỏ con mà đi nữa. Con trai ạ. Không lối nào hơn được lối này. Nhàn ôm cu Tũn chặt hơn.
Gà trong làng lại đua nhau gáy. Trời sắp sáng.
17/7/2023
Lê Đăng Kháng
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngày mở ra như một hành trình Những cung đường phía trước/ Đang nở nụ cười mê hoặc/ Trong tưởng tượng không có sự buồn phiền/ Ngày cháy ...