Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

Tạp ghi

Tạp ghi

1. Sáng nào cũng vậy, nếu trời không mưa, không gió lớn thì tôi vẫn đạp xe đều đặn theo đường biển khoảng 3, 4 cây số và đến ngồi bên ghế đá ven đường, sát biển để thư giãn. Sau đó lại đạp về thong thả. Mùa này trời có phần dịu nóng, mây xám vẫn đục, nhiều lúc có mưa bụi mỏng, thấy thú vị. Thôi kệ đời, ta dại ta tìm nơi vắng vẻ vậy.
Thế nhưng không hiểu sao con đường này xe cộ càng ngày càng đông, chạy nườm nượp, thoăn thoắt chóng mặt. Đường hai làn, buổi sáng đạp rất sớm, còn vắng, thưa người, thưa xe cộ. Nhưng khi đạp về, gặp lúc giờ đi làm, sinh hoạt bắt đầu thì ôi thôi nhìn thấy chóng mặt - như làn sóng nhấp nhô xe cộ. Khổ nhất là khi vượt qua bên kia để đi về. Mặc dù có đường kẻ trắng quy định cho người qua đường nhưng hình như mấy người điều khiển xe họ đâu có quan tâm. Họ như cơn say máu tốc độ. Còn nhớ có năm qua Thái Lan một chuyến, điều ghi nhận mà tôi vẫn nhớ mãi, khi ấy tôi và một bạn trẻ rủ nhau đi bách bộ chốc lát và chúng tôi băng qua đường. Trông thấy chiếc xe 4 chỗ ngồi trờ tới, hai chúng tôi dừng lại, chờ cho xe đi qua rồi mình sẽ qua đường. Nhưng xe dừng lại và người lái xe thò đầu ra ngoài, đưa tay ra dấu chờ bọn tôi qua.
- U chao ơi! thật là lịch sự.
Điều này tôi chưa bao giờ tìm gặp ở bên nước mình. Có lần tôi chở bà xã đi Honda qua đường, chuẩn bị quẹo trái, tôi có đèn tín hiệu nhưng chưa yên tâm, tôi đưa tay, ra dấu để chắc ăn. Nhưng thật bất ngờ (lại bất ngờ), chiếc xe vút qua mặt tôi mà tay tôi lại bị bàn tay của kẻ qua mặt đánh một cái bép. May mà tôi lái vững, nếu không là té nhào rồi!
Và tối nào tôi cũng đi bộ, băng qua đường đi cùng với bà xã, tôi chưa bao giờ thấy làn sóng xe chậm lại khi vượt qua đường quy định cho người ta đi bộ, nghĩa là phải chờ cho hết xe hơi và khi đó mới dè chừng, đi tránh, lách để băng qua! Các bạn thấy đó như thế bảo làm sao tai nạn xe tại nước ta không khổng lồ về người thương vong. Nói chung là tôi không thấy được ở người điều khiển xe, có cái gọi là “văn hoá: của người lái xe!
Mặt khác có một điều nữa mà tôi ghi nhận là ở Thái Lan, đi trong thành phố, tôi không nghe tiếng còi xe, tuyệt nhiên hoàn toàn không có. Thì ra họ lái xe có kỷ luật, có văn hoá thì tiếng còi trở nên vô dụng! Như vậy là môi trường không bị ô nhiễm bởi tiếng động.
Trở lại chuyện đi xe đạp buổi sáng của tôi, hôm vừa rồi, như trong bài viết “Bất chợt mùa thu” thấy xe cộ đi dữ quá, thôi khi về tôi đạp xe men theo lối đi trên vĩa hè. Vĩa hè rất rộng (đường mới mở sau nầy, chạy dọc theo Khu đô thị Đa Phước của Vũ Nhôm, bị đóng băng) tôi thấy thật nhẹ nhàng vì chẳng có người đi, một mình tôi thong dong, vừa đi vừa ngắm hoa vàng cây xanh, có thể làm thơ được, thấy dễ chịu vô cùng!
Sáng hôm kia, khi đạp xe tới nơi, ngồi nghỉ trên ghế dá, tôi thấy bên kia một đám đông người xen lẫn nhiều cảnh sát công an áo vàng nhưng tôi cũng không buồn qua xem, hỏi chuyện. Chờ chốc có người qua đây mình hỏi thôi. Quả y như rứa. Một người đàn ông bước qua tôi hỏi chuyện. Ông ta cho biết là xe Honda đi nhanh quá, tông một người đi bộ qua đường, chết ngay đơ! U chao dễ sợ!
Sáng mai lại, tôi ngồi nghỉ trên ghế đá, thì ra nạn nhân là người ở trước mặt, căn nhà mặt tiền hai tầng,có quán cà phê, có cái băng rôn giăng trước rạp, tôi đọc được, thì ra nạn nhân là một ông già đã 90 tuổi và hàng dưới có ghi chú: Cựu Đại tá - Huy hiệu đảng: 69 năm! Như vậy là ôn ni vô dảng năm 21 tuổi và vào lính cấp bực sau cùng là đại tá. Nói chuyện với một người mà tôi hỏi thăm. Ông ta nói:
- Cũng thọ quá rồi nhưng ra đi bằng tai nạn như rứa thì cũng tội. Chắc là K. Mars – Lénine muốn gọi ổng về họp, trao đổi chuyện chi đó mới đột ngột rứa!
Tôi mỉm cười:
- Gọi đi họp để điều chỉnh “Luận cương” cho phù hợp với tình hình mới!
- Anh nói đúng đó. Ừ mà bây chừ người ta ít nói “chết” hay “qua đời” mà họ dùng từ “đi họp” anh tề! May không thôi chút nữa là tau đi họp rồi!
Tôi đứng dậy đạp xe đi về, con đường lề lót gạch với những cụm hoa vàng nở rộ, những hàng cây xanh trải dài theo vòng quay bánh xe của tôi.
7 giờ 15 phút sáng rồi!
2. Lúc ni, đi Huế tôi thường chọn loại xe mà người ta gọi là xe “ké”. Chỉ cần cho họ biết tên, chỗ ở, ngày giờ đi, nếu OK người ta sẽ lái xe đến tận nhà đón mình và đưa đến tận nơi. Trong các chuyến đi tôi rút tỉa một vài điều thú vị. Ấy là đi loại xe nầy, được cơ hội ngắm cảnh Huế trong nội vi thành phố mà một thời mình từng lui tới nhưng đã lâu bây giờ quên hết. Mặc khác đi loại xe này khỏi phải chen chúc nhau, ngồi bó rọ mỗi khi xe chở quá đông người do dọc đường xe đón khách, trái lại đi xe “ké”, loại xe 7 chỗ hoặc 4 chỗ ngồi. chỉ vừa đúng người hoặc có thể ít hơn. Xe có máy lạnh, thả người trên ghế nệm, buông lỏng tâm trí, dễ chịu.
Chuyến về Huế vừa rồi khi đến nơi cũng như khi đi vào lại Đà Nẵng, do đón, đưa khách tận nơi, tôi được cơ hội ngắm thoả thích cảnh đẹp thành phố, nào Phường Đúc – làng nghề đúc đồng – Đường Bùi Thị Xuân, song song, dọc theo có sông Hương thơ mộng và cổ kính. Thật thích thú khi gặp những ngôi nhà cổ 3 căn hai chái, mái ngói âm dương sà xuống thấp cùng với sân vườn bóng cây mát dịu. Rồi xe lại đưa khách qua Kim Long, tu viện, dòng các Soeur kín cổng cao tường, xe quẹo vô đường Nguyễn Hoàng, men theo lối đi nhỏ, có con sông nhỏ chạy dọc theo đường, toả bóng rặng tre trầm mặc.Trên con đường nhỏ với những ngôi nhà vườn, con kênh xanh xanh, lá vàng rơi rụng trên cỏ trên nước. Một vài người ngồi dưới bóng cây thả cần câu cá. Tôi nói: ah! tôi nhớ rồi đường này tôi đã đi mấy lần theo nhóm bạn ăn gà kiếng ở quán Buị Tre. Người lái xe nói đúng rồi đó bác!
Khi đưa tôi về chỗ ở, đường Chi Lăng, anh lái xe nói: Con thấy bác nói chuyện vui, nhắc lại chuyện lịch sử một thời, con thích nghe nên đưa bác về sau cùng, vừa để bác ngắm cảnh thoả thích vừa được nghe chuyện! Ha thằng này xạo, nó đi theo lộ trình thuận lợi cho nó, mình ở phố là điểm sau cùng, rứa mà miệng dẻo.
Mấy ngày ở Huế lu bu nhiều việc, cũng tìm đến quán bún ở góc cua từ cầu Gia Hội xuống đường Trịnh Công Sơn để ăn sáng, thấy xe sắp hàng san sát biết là quán đây rồi, bước vô, gọi bún, đúng như một em học trò giới thiệu, bún ngon thiệt, ngoài ra còn có một chén cơm để khách có thể ăn với bún nếu thích. Khi kêu trả tiền tôi cứ tưởng mình nghe lầm, răng mà rẻ rứa!
Chuyến trở vào, lại được ngắm những nơi chốn mới. Xe đi theo đường Huỳnh Thúc Kháng trực chỉ về Bao Vinh, qua cầu Bao Vinh quẹo trái theo đường Tăng Bạt Hổ rồi đi tiếp vô mang Cá. Những con đường, những ngôi nhà ẩn núp sau vườn cây. xe băng qua những cây cầu cổ gọi là cống, xa xa dòng nước lững lờ, và sen, sen đã nhô cao, lá sen che kín mặt hồ và kìa những bức thành cổ ẩn sâu trong lùm cây. Ông khách ngồi ghế đầu nói: Nhìn mấy cây cầu cổ này thấy thật u hoài. Anh lái xe nói: Cầu ni xe ngựa đi chứ mô phải xe hơi như chừ!
Rồi xe lại đi đón khách tiếp theo đường Nguyễn Trãi, Yết Kiêu, ra quốc lộ quẹo về, qua Kim Long, xong quay về qua Cầu Bạch Hổ, quẹo Phường Đúc, …
Trong chuyến trở vào, cầm cái điện thoại ngồi trong xe tôi chụp qua cửa kiếng vài tấm ảnh, thấy vui vui!
3. Mấy ngày đầu năm, buổi sáng tôi đạp xe đạp theo đường biển Thanh Bình dọc lên Thanh Khê ra tới cầu Phú Lộc. Tiết Xuân đầu mùa dễ chịu, cảnh đón tết còn phảng phát, những chậu bông cúc trước nhà, những cây mai chậu để trước nhà hàng, tiệm ăn chưng tết còn đó, tự nhiên cảm thấy lòng man mác nỗi nhớ nhà, nhớ Huế. Đường còn vắng người. Trên các vĩa hề, những quán cà phê đông khách…
Nhưng điều đập vào mắt tôi là lá bàng rụng. Phải, đường trồng toàn cây bàng và giờ đây đạp xe mỗi sáng tôi thích quan sát những chiếc lá bàng khô nằm rãi rác, rất nhiều trên vĩa hè. Tôi nghe tiếng lá rơi liệng xuống mặt đường và tiếng sột soạt của những chị công nhân vệ sinh đang quét lá vàng để hốt cho lên mấy thùng rác, chờ xe đến lấy.
Ừ! mùa này lá bàng rụng đầy trên vĩa hè và qua một đêm, sáng ra lá bàng phủ kín.
Ôi! một thời tâm hồn tôi xúc động, đọc phần mở đầu trước khi vào chuyện «Đôi bạn». Nhà văn Nhất Linh của chúng ta đã tả cảnh hai chị em ngồi co ro trong đêm lạnh, cầu mong cho gió lên để lá bàng rụng, hai chị em nhặt được nhiều. Đã 60 năm trôi qua, đọc lại, sao tôi vẫn chạnh lòng.
Nhặt lá bàng:
“…ở ngoài, có lẽ gió thổi mạnh hơn vì tôi nghe tiếng lá bàng rụng trên đường mau hơn.
- Gió lên…gió nữa lên.
Tiếng nói của một đứa bé và tiếng cười ròn tiếp theo luôn làm tôi ngạc nhiên. Tôi viết nốt một đoạn rồi chạy ra cửa sổ nhìn xuống, nhưng không nom rõ, chỉ thấy bóng chấn song và bóng người tôi in trên đường nhựa.
Tôi vội tắt đèn trong phòng đi.
Trên đường khô ráo, tôi ngạc nhiên không thấy chiếc lá rụng nào. Tôi vẫn biết có những người đi nhặt lá khô đem về bán lấy tiền; họ chờ đợi rồi hôm nào lá đã chín lại có gió to, họ đem rổ, đem thúng, lũ bảy, lũ ba chia nhau các phố tới tấp quét lượm. Ban ngày tôi đã nhiều lần được ngắm cảnh tượng đó. Nhưng tôi không ngờ đâu, đêm khuya lạnh, họ ngồi ở ngoài gió để chờ nhặt từng cánh lá một. Tôi cũng đứng lặng yên ở cửa sổ đợi cơn gió đến.
Lại có tiếng lúc nãy nói.
- Ngồi sau cây này khuất gió đỡ lạnh.
Một tiếng khác trả lời:
- Lạnh chả tại gió, làm gì có gió lúc này.
- Khi nào có gió thì lạnh ghê.
- Truyện! không có gió thì lá đã không rụng…
Yên lặng một lúc lâu, rồi có tiếng tức bực:
- Mãi không có gió.
Ở phía sau một góc bàng, một cái bóng chạy ra.
Tôi nhìn kĩ mới biết đó là một đứa bé, vào trạc mười tuổi; đầu nó chít một cái khăn đỏ phủ kín hai bên má, áo nó rách để hở cả hai vai. Một ít lá rụng ở cuối phố. Đứa bé chạy vội lại. Một con bé, ở sau gốc bàng khác cũng chạy ra, rồi hai chị em – tôi đoán là hai chị em – chạy lăng quăng đuổi những chiếc lá bàng gió thổi lăn trên đường.
Một cơn gió mạnh nổi lên. Lá rụng ào ào, một lát đã đầy đường.
- Mau lên chị ơi…Nhặt cả hai tay chị ạ.
- Tao bảo mày đem chổi đi, mày lại bỏ quên.
Thằng nỡm. Tao đã biết trước là đêm nay có gió to. Mày chẳng nghe tao bao giờ… thằng nỡm.
Tôi mỉm cười vì sao chị lại không mang chổi đi.
Tôi mỉm cười vì thấy con bé mắng một cách thông thạo lắm; lúc mắng nó lại tỏ ra vẻ người lớn đã biết mắng em, dạy em rồi. Đứa bé không để ý đến lời chị nó, vừa nhặt vừa reo:
- Gió lên…lạy giời gió nữa lên.
Chúng vẫn nhặt không ngừng tay, lá vẫn rụng không ngớt: nhiều khi vì màu áo lẫn với màu đường, tôi không nom rõ ngươi, chỉ thấy hai cái bóng đen lăng quăng. Chúng chạy vụt ra xe rội lại quay vòng trở lại, có khi đương chạy về một phía, bỗng nhiên đứng dừng: Một đám lá rơi lỏa tỏa trên người chúng khiến chúng ngừng bối rối không biết quay nhặt phía nào.
- Lạnh quá.
- Chạy mau lên cho ấm… thằng nỡm.
Thấy chị mắng em luôn mồm là thằng nỡm, tôi mỉm cười đoán có lẽ tên đứa bé là Nỡm chăng, tôi tự nhiên cũng thấy vui vui với chúng và mặc dầu trời rét, tôi cũng như chúng mong gió thổi thật mạnh. Mỗi lần cơn gió tới làm rụng lá, là mỗi lần tôi hồi hộp và sung sướng một cách thành thực.
Nhưng chỉ gió được một lúc rồi tạnh hẳn. Thỉnh thoảng chỉ còn thưa thớt một hai chiếc lá rơi. Lá trên đường chúng nhặt đã hết.
- Em được tám bó.
- Tao được năm bó. Tại mày tranh lấy hết của tao, thằng ranh con.
Tôi lại mỉm cười vui vẻ vì thằng nỡm đã đổi ra thằng ranh con.
Rồi chúng lại về ngồi lại chõ cũ, mỗi đứa một gốc bàng, cho “khuất gió” khuất những cơn gió làm cho chúng rét run mà chúng vẫn mong nổi lên..
Tôi quay trở vào, bật đèn rồi lại ngồi vào bàn giấy viết, trong lòng tự nhiên thấy đỡ chán nản. Ở ngoài, thỉnh thoảng lại có tiếng đứa bé:
- Gió lên … lạy giời gió lên…
4. Huế - buổi sáng vào Thành Nội thăm thầy cũ.
Những con đường Thành Nội vẫn đẹp trầm lặng, u tịch. Đường Đoàn Thị Điểm đến nhà thầy được gọi là đường phượng bay. Tôi không thấy phượng bay chỉ thấy màu xanh của hàng cây rợp bóng dịu êm và thỉnh thoảng những chiếc lá lìa cành, sà xuống rơi trên mặt đường. Đinh Công Tráng - đường đến nhà thầy thật dễ thương. Trước mặt có một quán cà phê – u tịch trầm lặng.
Thành nội cố hữu vẫn vậy, không cơi nới, và trong vẻ u tịch của đường sá, hàng cây, mái ngói tôi tìm thấy sự trầm lắng thanh tịnh như một thái độ chấp nhận với sự kiêu hãnh của nó. Vào nhà thầy, chờ một lúc mới gặp được thầy vì thầy bận đi đâu đó chưa về. Hai thầy trò nói chuyện, vẫn là những mãng cây nhà lá vườn - văn chương triết lý, nhắc lại một thời kỳ dạy triết học tại nhà trường. Ngậm ngùi nhớ lại thời đại học, được học với các giáo sư giảng dạy Lê Tôn Nghiêm, Nguyễn Đăng Thục, Trần Văn Toàn, Nguyễn Văn Trung, Lâm Ngọc Huỳnh, Linh mục Nguyễn Ngọc Lan, Thượng toạ Thích Mãn Giác, cụ Giản Chi Nguyễn Hữu Văn, Linh mục Nguyễn Tiến Huynh, Thầy Nguyễn Đình Hoan, cô Trần Thị Như Quê, …
Nói chuyện với thầy hồi lâu, rất vui thầy nhắc tới anh Hiền với thái độ ngưỡng mộ vì tính cách và sự dứt khoát trong mỗi lần đi chấm thi tú tài 2 bộ môn triết, khi họp để thống nhất ba rem bảng điểm.
Còn tôi lại nhớ thầy với hình ảnh ngày xưa cách đây 54 năm, thầy trẻ trung, là thanh niên 26, 27 tuổi, trong lớp học, thầy tựa góc bàn học sinh, nói chuyện về triết học - phân tích khái niệm hiện hữu, vấn đề sinh mệnh con người với câu nói dứt khoát: “sống là thỏa hiệp với cái chết”, cứ mỗi ngày qua là ta bước lần tới cái huyệt chôn mình!
54, 55 năm trôi qua, giờ đây thầy 82, trò đã 72 tuổi. Một thầy, một trò ngồi trao đổi vài mẫu chuyện, vài kỷ niệm. Hai thầy trò nói về truyền thống của Socrate, người thầy đồng thời cũng là người bạn. Trong tương quan đó, vai trò của ông thầy là giúp đỡ tha nhân, giúp đỡ học trò tìm lại chân lý đã bị lãng quên. Thầy nhắc lại một câu nói: Tôi chỉ biết một điều, ấy là tôi không biết gì cả! đó cũng là thái độ của nhà hiền triết. Một thái độ khiêm tốn và là động cơ cho sự tìm hiểu tiếp theo. Bởi vì bản chất của triết học là hành trình, tìm kiếm trong vô tận. Triết học đặt vấn đề, khoa học trả lời nhưng trong mỗi câu trả lời lại phát sinh ra câu hỏi mới, cứ thế câu hỏi mãi mãi phát sinh!
Mời thầy đi uống cà phê, thầy nói mình không có thói quen cà phê nữa, bỏ lâu rồi. Thú vui của thầy bây giờ là săn sóc vườn cây vừa giải khuây vừa kiếm thêm tiền!
Từ giả thầy ra về với một niềm vui. Thầy khỏe mạnh và tự tin.
Ng. Miên gọi điện, tôi nói, tui đang đến nhà ông Tôn Thất Q. Bằng đây, đến đó ra quán cà phê sẽ gọi Miên nghe! Miên đồng ý.
Đường Lê Huân hiện ra với kỷ niệm còn nóng hổi, mới ngày nào cha vẫn hay chở tôi vô ngoại, đi trên đương này, những bức tường của hoàng thành vẫn theo dõi hai cha con! Những thảm cỏ xanh ngày xưa bây giờ cũng thế, không thay đổi – xanh mướt, dịu dàng. Tính ra đã trên 60 năm rồi. Nhớ ngôi nhà của dì Sâm ở đường Nguyễn Trãi, gần Cửa Sập. Nhớ hai cây khế ngọt mà mỗi lần vô kỵ ôn ngoại ở đường Yết Kiêu là thế nào cũng men theo bờ hồ bên trái dọc theo Nguyễn Trãi đi bộ lên nhà dì để hái cho bằng được. Ôi kinh khủng thời gian. Những người thân yêu của tôi bây giờ còn ai?
Đường Nguyễn Thiện Thuật - nhà Tôn Thất Q. Bằng đã hiện ra. Tôi quẹo trái và thẳng đến số nhà đã cho. Hai bên đường, những ngôi nhà cổ, 3 căn, mái ngói sà xuống thấp với sân vườn rộng, những cây trồng thẳng lối, sắc màu của hoa lá nhìn đẹp, lãng mạn như tranh vẽ. Đến đúng nhà, đã thấy Bằng chờ trước cổng. Cả hai nở nụ cười chào vui.
U chao nơi chốn của Bằng thơ mộng với vẻ trầm lắng yên tỉnh. Ngôi nhà chính 3 căn, mái hiên đưa ra thấp, chung quanh bao quát vẻ bạt ngàn của cây lá. Tôi nói: Cậu ở đây một mình? Bà xã, con cái đâu? Con ở Sài Gòn hết. Mình với bà xã thôi. Tôi nói, yên tỉnh nhưng mà buồn. Ừ mà có khi nào yên tỉnh lại vui. Cả hai kéo nhau ra góc đường Nguyễn Thiện Thuật uống cà phê. Tôi gọi điện thoại cho Ng. Miên chỉ chỗ. Chốc sau M đến. 3 đứa ngồi nói chuyện ngày xưa. Bằng kể chuyện ngày tháng học Luật, không khí sôi nổi của những lần sinh viên chơi trò dân chủ, ra ứng cử ban đại diện, rồi có màn tố cáo gian lận, vui thiệt, bầu lại. Nhân chuyện nầy, Bằng nhắc lại những nhân vật làm mình chợt nhớ: Nguyễn An Chuyên, Nguyễn Duy Cân, Vọng, …một thời tranh đấu trâu đánh!
Đã gần 11 giờ mà tưởng như còn sớm bởi Thành nội cây xanh nhiều, những tàng cây cao che bóng mát như mái nhà, ngỡ như chưa trưa, trời mát dịu …
M và tôi từ giã B ra về, M tiễn tôi một đoạn đường đến Mai Thúc Loan. M nhắc tôi sửa lại một vài chỗ bị nhầm trong bài viết của tôi: Nguyễn Bỉnh Khiêm lại nhầm là Ông Ích Khiêm, Hoàng thành lại ghi là Tử Cấm Thành. Ừ để tau sửa. Đó là triệu chứng của tuổi già rồi mi hí!
Tôi đi theo đường Mai Thúc Loan ra cửa Đông Ba quẹo phải ra Ngã Giữa về cầu Gia Hội đến Phương Lan.
Những con đường của Huế...!. Kỷ niệm trong suốt đến ngậm ngùi.
Nguyễn Lương Tuấn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...