Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Ngày tết - Nhớ tiếng pháo

Ngày tết - Nhớ tiếng pháo

Chỉ còn mấy ngày là hết năm âm lịch. Tết lại đến rồi! Trời vẫn mưa dầm, ẩm ướt và lạnh nhiều. Thời tiết thế nầy làm tôi nhớ Huế. Nhớ những ngày tháng chạp ở xóm Chợ Dinh, con đường Chi Lăng, nhớ cái sân nhà ẩm ướt, nhớ bồn hoa trước phòng lồi và những mãng rêu xanh bám đầy tường. Nhớ cha tôi lo toan tất bật chuẩn bị cho gia đình mấy ngày tết.
Một điều kỳ lạ, tuổi đời chồng chất, ngày nay mỗi khi hồi ức, tôi nhớ hình ảnh cha tôi - những sở thích của ông và tôi nhận ra ông vẫn có tính trẻ con, đó là thích pháo.
Niềm vui lớn nhất, rộn ràng nhất với tôi là nghe tiếng pháo, và càng sướng khoái khi chính tiếng pháo đó mình trực tiếp đốt để góp phần tín hiệu mừng giao thừa.
Trong ký ức tuổi thơ của tôi, khi còn bé tý, những ngày tháng chạp tôi đã bắt đầu nghe tiếng pháo nổ. Tiếng pháo nổ dòn dã, rồi chen vào đó chốc chốc lại có tiếng bùm thật to rồi lại dòn dã. Lúc đó tôi định hướng xem tiếng pháo nhà nào đốt, ở chỗ nào. Thế là tôi - chân đất chạy một mạch, tìm ra chỗ đốt để lượm pháo xì. Không phải mình tôi mà có mấy đứa trẻ con khác cùng xông vô tranh giành lượm pháo rơi. Gặp phải cây pháo nổ chậm, vừa cầm vào tay, pháo nổ cái đùng, thế là bàn tay đau điếng bị tê cứng, có khi sưng vù. Nhưng ráng chịu không dám về mách nhà. Mà sao thời đó tôi mê pháo vậy, chạy tìm nơi pháo nổ, lên tuốt trên Chùa Bà, về tận Bãi Dâu, người ta đốt pháo vào dịp tế lễ cuối năm, đám cưới, …
Làm sao tôi quên được những phong pháo Từ Châu, Điện Quang. Những phong pháo màu đỏ, vàng xinh xắn, bao gồm nhiều loại, phong pháo đôi, phong pháo chiếc. Giá tiền phong pháo nhiều hay ít tùy vào thời lượng pháo đốt lâu hết hay mau hết. Mỗi phong pháo có khi lại được kết thêm bằng những cây pháo tống, nổ rất to để tăng tính trang trọng hay hoành tráng của thời khắc đáng nhớ.
Cây pháo nhỏ như những đốt ngón tay trẻ con màu hồng, có tim để đốt với tôi là những vật có sức lôi cuốn làm tôi mê say, có tiền là tôi đi mua pháo lẽ về đốt.
Hình ảnh trong cuốn sách Giáo khoa thư minh họa một cậu bé tay cầm cây hương đứng thụt ra xa, chồm mình về trước, đưa que hương tới cây pháo đốt. Gần đó một số mấy bạn nhỏ khác đứng xem, hai tay bít lổ tai vẫn ám ảnh tôi. Rất dễ thương và rất trẻ thơ.
Tôi nhớ cha tôi thời điểm năm 1974 hay 1975 gì đó, mặc dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn mê đốt pháo. Mỗi thời điểm cúng đều được ông cho đốt pháo. Cúng chiều 30 tết, cúng giao thừa, cúng sáng mồng một tết. Cúng tết nhà, cúng đưa ông bà. Tất cả đều có đốt pháo. Không chỉ riêng gia đình tôi mà hầu hết trong xóm, trong phố, … đều y theo phong tục đó.
Do đó mà tiếng pháo vẫn rộn ràng không ngớt từ ngày 25 tháng chạp âm lịch cho đến hết ngày 5 hay 6 tết.
Tuổi thơ nào chã mê đốt pháo, mê tiếng pháo. Ngay cả người lớn còn mê huống gì trẻ con.
Giờ đây nhớ lại tôi vẫn còn hình dung rất rõ, chiều ba mươi tết, khi cha bắt đầu cúng cộ lên nêu, phong pháo Từ Châu đã được hơ sẵn trên giàn bếp. Lúc bấy giờ tôi đã nghe tiếng pháo nổ dồn dập, từ xa đến gần, rồi từ gần chạy đi xa, xa mãi và tôi có tâm trạng như có một cái gì dễ thương, đáng quý đã bỏ tôi ra đi. Tiếng pháo nhỏ dần rồi bỗng nhiên ầm ầm tiếng pháo lại nổ dòn dã đâu đây như bên cạnh nhà, tâm trạng tôi lại vui hẳn lên, cứ thế ….
Và khi cha tôi vừa cúng lạy xong, ông bảo tôi mang phong pháo đưa cho ông. Phong pháo được cha treo dài thòng nơi cây mai sát bể cạn và rồi ông dùng cây hương châm vào tim của phong pháo. Xoẹt một cái, pháo nổ đùng đùng, tiếng pháo dòn dã, đều. Khói thuốc pháo xông lên mịt mờ cùng mùi pháo và tôi đang chờ pháo nổ xong để tìm pháo rơi, pháo xì, cứ thế nhặt lấy, …
Tiếng pháo chiều ba mươi tết tôi nhớ như in, như mới đây, hôm qua hay ngày kia, thế mà hơn 60 năm rồi bạn ơi! Ngày nay ngồi gợi nhớ tôi nghiệm ra, thì ra tiếng pháo nổ chiều ba mươi tết là tiếng động của thời gian – thời gian vẫn đi qua, không bao giờ quay lại, lạnh lùng, buồn bã!
Mùa xuân năm 1974,lúc bấy giờ cha tôi đau nằm, không dậy cúng giao thừa được. Ngay lúc bấy giờ có tiếng pháo từ nhà nào gần bên nổ một tiếng lớn. Ông giật mình hỏi:
- Tiếng pháo nhà ai nổ dữ dội rứa?
Tôi trả lời:
- Là nhà bác Thông hơ pháo trên bếp bị cháy và nổ!
Cha tôi cười.
Cha ơi! cha bỏ đi, đi mãi… cũng đã trên 40 năm rồi cùng với tiếng pháo ngày tết. Chừ đây, tuổi con cũng đã cao. Trời lạnh, mưa dầm con nhớ cha, nhớ những cái tết thời xưa có cha, nhớ tiếng pháo và nhớ nụ cười của cha… mãi!.
Nguyễn Lương Tuấn
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...