Thứ Tư, 13 tháng 11, 2024

Nhà trọ - Truyện ngắn của Hoàng Thanh Hương

Nhà trọ - Truyện ngắn
của Hoàng Thanh Hương

Sau mấy tuần đắn đo, chồng cũng chiều ý tôi cho thợ về xây nhà trọ để tôi kiếm thêm vài triệu/tháng cho vụ rau mắm chợ búa và làm đẹp. Hai vợ chồng rao bán miếng đất ông bà ngoại cho vùng ngoại ô. Khoán trọn gói công trình, sau hơn 2 tháng tôi có 7 phòng trọ xinh xắn. Tôi bảo chồng: Em chỉ cho khách gia đình thuê thôi, các đối tượng khác không cho ở vì phức tạp.
Trong tổ dân phố tôi cư trú đang có 2 cái nhà trọ, một của nhà Toàn chủ vật liệu xây dựng, một của nhà chị Tính đại tá công an về hưu. Chị Tính có 10 phòng, chị chỉ cho hộ gia đình thuê nên ít xảy ra chuyện này chuyện kia chứ nhà anh Toàn thì người nào cũng cho thuê nên đủ chuyện xào xáo. Bắt đầu là chuyện cô sinh viên M đang học năm cuối trường Trung cấp Y tế trẻ đẹp “hot girl” bị vợ gã cán bộ sở A đến đánh ghen om sòm vào cuối giờ chiều nọ. Gã này nửa năm nay cặp bồ với cô M, thuê cho cô sinh viên căn phòng số 2, mua sắm đầy đủ tiện nghi, hai người sống chung hớn hở. Chị vợ chẳng biết bằng cách nào biết được, rủ nguyên hội bạn thân 5 chị em phục kích bắt tại trận anh ả đang hú hí với nhau tại căn phòng tình ái số 2. Phía cửa trước, 4 chị em dàn hàng đứng canh, điện thoại sẵn sàng chế độ quay video. Mụ vợ gã cán bộ sở A xông thẳng tận giường đấm đá, cào cấu, giựt đạp tơi bời cả ông chồng lẫn cô bồ trần như nhộng. Tiếng la hét, chửi bới, kêu khóc vang động cả dãy phố dài. Quả là một buổi chiều không yên tĩnh. Khu nhà trọ om sòm náo loạn. Cả phố kéo đến ngó nghiêng, bình phẩm, chê bai… chỉ khi công an phường đến thì người trong khu phố và đám chị em đánh ghen mới rời đi.
Sáng hôm sau, báo tỉnh giật tít “Cán bộ sở A cặp bồ hot girl bị vợ đánh ghen tận giường”, “Ngoại tình và cái kết đắng cho cán bộ mê hot girl”… từ quán cà phê, quán ăn, nhà hàng đến công sở, trường học chỗ nào cũng lao xao, thì thào. Người ta chê trách, nhiếc móc gã cán bộ sở A và cô sinh viên M. Người ta chê vợ gã A là thứ đàn bà ngu hơn bò vì tổ chức đánh ghen ầm ĩ thế kia là làm mất thể diện của chồng, làm tan nát sự nghiệp của chồng, nghe đồn gã cán bộ A đang được quy hoạch chức phó giám đốc sở A, phó giám đốc Sở B… ầm ĩ, lênh loang khắp thiên hạ thế này kiểu gì cũng bị cơ quan kỷ luật, chi bộ, công đoàn kỷ luật, con đường chính trị coi như đứt. Vợ gã, nghe kể là giáo viên dạy văn cấp 2. Mụ bị dân mạng vào facebook ném đá tơi bời vì hành vi đánh ghen, bêu xấu chồng trên facebook. Tôi tò mò vào facebook mụ. Cái mặt lưỡi cày, mũi gãy, môi mỏng cong tớn, trán dô, mắt đa phần lòng trắng, tóc lưa thưa. Đàn bà tướng ấy đa dâm, sát phu.
Tôi có biết gã A, biết sơ sơ, trong một lần hội nghị về tuyên truyền phòng chống dịch, bệnh Covid-19 do cơ quan tôi chủ trì tổ chức. Gã là đại biểu tham dự. Trưởng phòng như gã, đẹp mã, học vị thạc sĩ, ăn nói hoạt bát, lấy con gái út nhà quan to, nhìn vào gã thấy đường quan lộ thênh thang lắm, chả như lũ chúng tôi con nhà dân nghèo, học hành tự lực, làm bất cứ chuyện to/bé gì đều phải vươn lên tự chính sức lực của mình, chả biết nhờ bấu vào ai, cứ làm hùng hục như trâu, được ghi nhận thì mừng, không được thì cũng vẫn yên tâm mà làm việc để về hưu có đồng lương nuôi thân, với lại những đứa như chúng tôi được làm việc là thấy vui, thấy hạnh phúc. Đa số phụ nữ thích sự ổn định. Ổn định cũng là một tiêu chí con người hướng tới. Nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Không ít trong các cơ quan nhà nước những người loanh quanh sáng cắp cặp đi chiều cắp cặp về, ngồi bắn cá, bắn dưa hấu đợi hết giờ làm. Họ thong thả đi qua ngày tháng với tư duy làm cho lắm cuối năm cũng đều hoàn thành tốt nhiệm vụ như nhau thì cần gì nỗ lực, cần gì phấn đấu. Khen thưởng các loại phần lớn dành cho lãnh đạo vì chỉ tiêu % quy định rõ rành rành như thế cơ mà.
Tôi thấy những người có tài, có tâm với công việc họ có tư duy, tác phong, hành xử khác. Họ lụi cụi làm, chẳng đo đếm thời gian 8 tiếng hay 12 tiếng, thứ 2, thứ 4 hay ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật. Những việc họ làm được thấy rõ mồn một. Báo cáo trong từng cuộc họp nghe vang vang lỗ tai. Họ hạnh phúc vì được cống hiến, được làm việc mình thích, mình mê. Tôi tôn trọng họ. Vài kẻ đố kỵ với họ, ghen tức với họ, nói xấu họ sau lưng. Những kẻ ấy thua kém họ cả về tài năng lẫn nhân cách. Tôi còn nhớ cái dạo dịch Covid-19 bùng phát, lây lan trong cộng đồng đợt 1 ở các tỉnh, thành phố. Mấy tháng liền, ai cũng khổ vì dịch, dân tình thu nhập bấp bênh, tiền bạc khó khăn, chi tiêu đều co lại để phòng khi dịch bệnh kéo dài. Mấy đứa em, đứa bạn làm công ăn lương trong các cơ quan đơn vị nhà nước nói với tôi, dịch bệnh khó khăn mới thấy mình may mắn vì có công việc ổn định trong các cơ quan nhà nước. Đều đặn tháng tháng có đồng lương mà biết cân đối chi tiêu cho gia đình. Các chị em mưu sinh bên ngoài lúc được lúc mất vất vả lắm. Con bạn tôi làm chủ spa Cỏ, nguyên mấy tháng Covid-19, tiệm nó đóng cửa. Chủ và nhân viên bó tay. Sau 1 tuần ngồi ngó phố vắng vẻ, lướt mạng coi đủ kiểu tin tức về dịch Covid-19. Tuần thứ 2, từ cái khó ló cái khôn, thầy tớ rủ nhau làm đồ ăn vặt ngon – bổ – rẻ, ship tận cổng các nhà trong phạm vi nội thành, thay nhau giao hàng và tuân thủ 5K nghiêm túc. Ai cũng sợ lây bệnh. Trong dịch bệnh mới thấy dân ta ý thức cao và tinh thần phối hợp với chính quyền chống dịch rất tốt, tốt nhất thế giới. Qua mùa dịch, spa được mở cửa, thầy trò làm không hết việc từ 9h00 đến 22h00.
Ở công ty tôi có vài người lạ lắm, họ chẳng biết tiết kiệm, giữ gìn của cải vật chất cho công ty, từ máy móc, thiết bị, xe cộ, điện nước, giấy mực, nước uống… có lần tôi nhắc một cấp dưới phải chú ý tắt hết các bóng điện, máy móc trước khi rời phòng làm việc, vì chiều trước đó cô ta rời phòng không tắt điện, tắt quạt, nguyên đêm 4 bóng đèn sáng trưng, quạt quay vù vù cho đến khi tôi mở cửa vào sáng hôm sau. Mấy anh em bảo vệ thấy tôi cua xe vào cổng nhắc: Chị ơi, phòng chị quên tắt điện đêm qua đấy nhé! Khi tôi nhắc, cô ta tắc lưỡi đáp: Ui giời, cán bộ đầy ông/bà tham ô cả tỷ bạc, mình lãng phí có chút điện công ty thì nhằm nhò gì? Tôi cười buồn buồn. Biết bao giờ người lao động của ta mới có được cái ý thức lao động và văn hóa công sở như của người Thái, người Singapor, người Nhật. Làm việc thế, ý thức thế thì giỏi, thì giàu, thì vươn ra thế giới làm sao nổi. Chỉ khi nào ai cũng biết tiết kiệm của cải, giữ gìn đồ đạc cơ quan, công ty, xí nghiệp như của nhà mình, giữ gìn vệ sinh không gian sinh hoạt chung như không gian căn bếp, khoảng sân nhà mình thì cuộc sống này mới khá lên được. Nhiều người bây giờ vẫn còn đầy óc cái tư duy “của mình thì giữ bo bo, của người thì để cho bò nó ăn”, “ăn không được thì đạp đổ” “đâm bị thóc, chọc bị gạo”…
Thêm vài chuyện nữa về cô ta trong cách cô ta vừa nhai quà vặt chem chép vừa trề vành môi mỏng dính chê đồng nghiệp này chậm chạp, chê đồng nghiệp kia chảnh chẹ, chê ông sếp nọ giàu mà keo kiệt, đi nhậu không chịu chi, toàn bắt anh em phải trả tiền… nhưng là toàn nói sau lưng họ. Khi cô ta nói chúng tôi nghe và nhìn nhau hoài nghi, tự hỏi sau lưng chúng tôi, cô ta sẽ chê chọc chúng tôi những gì? Nhưng cũng cô ta, trước mặt sếp A,B,C một dạ thưa anh hai, hai thưa anh tư, giọng kéo dài nũng nịu, nhẽo nhoẹt. Trên bàn tiệc luôn tay gắp thức ăn ngon cho sếp, rót bia bỏ đá cho sếp, ân cần chu đáo chăm sóc sếp. Mấy đứa em trưởng, phó phòng và nhân viên trong công ty thấy cô ta dáng chân chữ bát, xăm xăm hướng về phía mình là ne né. Chúng bảo tụi em không muốn dây vào thứ ấy! Con cháu, em út nhà quan miệng có gang có thép. Loại ấy chỗ nào cũng có vài ba đứa, làm như mèo mửa nói như két mỏ đỏ. 36 cách, chọn cách tránh cho yên thân. Chúng nó ngại bị cô ta đem ra “nói cho vui mồm” với những người khác khi vắng mặt. Tôi là lãnh đạo phòng của cô ta, làm việc ít nhiều có va chạm, tính tôi thẳng ruột ngựa, không hay không phải là nói luôn, nói ngay. Người không cầu thị, cầu tiến nghe thấy khó lọt tai, sẽ để bụng mà thù ghét. Có lần cô ta nói sau lưng tôi không hiểu tôi làm gì mà tiền nhiều, xài toàn đồ xịn, nước hoa xịn, giày xịn, túi xách xịn, vợ chồng mỗi người mỗi cái xe ô tô. Lại xuống phòng chị Tám văn thư thì thào rằng tôi cậy là sếp phòng bắt nạt, đì dí cô ta. Tôi gọi cô ta vào phòng riêng hỏi rõ từng việc, cảnh cáo thẳng mặt nếu lần sau còn “môi mỏng lưỡi dài”, “mồm nhanh hơn não” chuyện công/tư của người khác trong phòng, trong công ty tôi sẽ không tha thứ cho nữa, sẽ công khai phê bình trong cuộc họp chi bộ tháng tới. Cuối năm đó, cô ta xin sếp chuyển sang phòng khác. Lý do để phát huy chuyên môn.
Tôi mạng thiên thượng hỏa, tính khí quyết đoán, nóng nảy, thấy cái lươn lẹo, giả dối là chịu không được. Nói năng lúc bóng gió, lúc đốp chát khiến người có tật, có lỗi nghe giật mình thon thót, ngứa tai gai ruột lắm. Các chị em bạn bè thân thiết hiểu tính thì quý, thì cưng. Bọn có tật, có thói gian tham, tà dâm thì ngại đụng độ vì sợ lộ và ghét ngấm ghét ngầm. Tôi thường nghĩ đồng nghiệp, đồng chí làm cùng, chơi cùng công ty năm này qua tháng nọ, cớ sao không phối hợp hết lòng hết sức mà làm việc cho tốt để ai cũng có thành tựu, công ty phát triển mạnh mẽ. Mỗi ngày làm việc cùng nhau sao thấy thiếu sót, sai/đúng gì không nói thật để cho nhau sửa luôn, chữa ngay rồi vui vẻ làm việc gắn bó cùng nhau lâu dài, có gì đâu mà lá mặt, lá trái, vây cánh, bè phái tranh giành. Mỗi ngày làm việc cùng nhau hơn 8 tiếng, sống giả, làm giả với nhau sẽ khiến tâm hồn cằn cỗi, nhân tướng nhàu nhĩ. Thấy đồng nghiệp có xe mới, nhà mới, con cái học giỏi, có thành tựu a,b,c thì hoan hỉ mừng vui cho họ, chúc phúc cho họ mới đúng, sao lại có kiểu thấy người ta có thành tựu a,b,c, hạnh phúc sum vầy, no đủ vượng phát lại sanh lòng đố kỵ, tìm mọi cách nói xấu, kết bề kết cánh đì nén, kìm hãm họ. Làm thế thật thất đức! Ông bà ta bảo rằng: Xởi lởi trời cho, bo bo trời lấy hết. Ông bà ta cũng dạy rằng: Giữ cho lòng thiện, tâm sáng cuộc đời sẽ bình an, may mắn. Sân si, hằn học, đố kỵ, hại người không những chẳng được lợi ích gì mà lại chuốc vạ, chuốc khổ vào thân, tự gieo nhân xấu hại mình quả báo. Hệ lụy quả báo bây giờ trả nhanh hiện đời, không đợi tới kiếp sau mới trả nữa. Ông bà ta bảo rằng: Tướng sinh tại tâm, cứ nhìn cái mặt ai sáng láng, thần thái tươi tắn, đẹp duyên nét nào ra nét đấy là biết bụng dạ họ thắng thớm, thơm thảo, tử tế. Ngược lại thấy mấy cái mặt gãy gập, mắt ti hí đảo liếc, thần sắc xám rạm, cau có, nhăn nhó là biết cái tâm, cái ruột nặng nề, bừa bộn rối ren những mưu tính rồi.
Từ hôm xem trận đánh ghen của vợ gã cán bộ sở A về chồng tôi hay bóng gió cái gọi là “chuyện tình công sở, công ty thời @”. Tôi bảo: hư/ngoan tùy loại đàn bà/đàn ông. Ngoại tình cũng dăm bảy loại, vô số nguyên nhân, nhưng tại anh, tại ả tại cả đôi bên. Đâu cứ phải khi chuyện bung bét ra, đôi ngả chia ly là đổ lỗi hết cho bọn chị em đàn bà. Chồng tôi bảo, ngày trước cơ quan cũ anh có một đôi làm cùng phòng phải lòng nhau. Anh chàng K chuyển từ đơn vị khác đến. Cô B làm đã lâu năm ở đấy. Họ say nắng. Lúc đầu là sáng sáng đi ăn cùng nhau, trưa trưa đi ăn cùng nhau, tối anh kia về nhà trọ, cô này về nhà mình. Tình cờ một lần, chị L nhân viên tổ vệ sinh của cơ quan dọn dẹp buổi trưa, ngang qua phòng thấy cả hai đứa phần trên áo đầy đủ, phần dưới váy/quần trống trơn đang quần nhau trên bàn làm việc. Tiếng rên, tiếng thở tóa lóa, thỏa mãn vô cùng. Chị L cười khì khì, bĩu môi ngoáy mông đi qua.
Chị L kể với chị Y trong tổ vệ sinh: Con ấy thế mà đĩ, lừa chồng ngủ với thằng K cùng phòng. Hèn gì dạo này thấy điện thoại mới, dây chuyền mới, quần áo mới. Thế ra thằng K nó bao. Rõ tởm, tội con vợ thằng K ở dưới huyện cứ tưởng chồng mình lên phố làm việc vất vả không về được, cuối tuần nào về cũng vun vén cho chồng đủ đồ ngon, đồ bổ, đem lên đây cho chúng nó ăn với nhau, đú đởn với nhau. Tội thằng chồng con kia vẫn nhậu nhẹt chén anh, chén chú với thằng K mỗi khi con này kéo nó lên nhà ăn tối, ăn lễ. Lũ ấy kiểu gì cũng bị quả báo!”. Chị Y bịt  mồm chị L: Nói khẽ khẽ, không có bằng chứng gì mày nói bô bô thế chúng nó kiện cho đấy! Chị L bảo: Ối chao, tao chụp nhanh được chục tấm đây này, để tao chuyển qua zalo cho mày coi, cái con đĩ kia lúc nào cũng thích thể hiện, nó còn vênh váo với mấy chị em dọn vệ sinh tổ mình, tao gửi zalo cho lãnh đạo cơ quan mình cho nó đứt đời luôn, cái con đĩ ấy đang chạy chức phó phòng đấy!. Con đấy lừa thầy phản chủ, ma giáo lắm, không thể tha được! Chị Y vừa coi mấy tấm hình vừa lầu bầu: Mày chụp tao chỉ thấy thân chúng nó đè lên nhau, có thấy mặt mũi gì đâu, ờ nhưng cái phòng làm việc là đúng y rồi. Cái váy hồng kia nữa! Thôi đừng bàn chuyện thiên hạ nữa, bỏ đi. Ai làm nấy chịu, trời đất quỷ thần sẽ phạt tụi nó. Mày đừng nói ra nói vô chuyện này nữa nghen”. Sếp tin nó, chẳng tin mày đâu. Thân phận tụi mình nói mấy ai tin! Chẳng biết chị L, chị Y giữ mồm miệng đến đâu nhưng tầm hai tháng sau cả cơ quan chồng tôi ai cũng biết chuyện hai đứa kia tằng tịu. Vài người trong cơ quan còn rỉ tai chồng tôi gặp tụi nó buổi trưa đi vô nhà nghỉ C, khách sạn D. Biết luôn cả chuyện con vợ thằng K uất ức khuyên thằng chồng quay đầu là bờ không được đã lấy dao lam cứa vào cổ tay mấy đường để cảnh cáo chồng. Con vợ đòi li hôn. Thằng K nhất quyết không chịu ký giấy. Sau đấy, chi bộ họp nhắc nhở, công đoàn họp nhắc nhở, ban nữ công họp nhắc nhở. Thằng K chối bay, phồng mang trợn mắt đòi bằng chứng. Con B khóc lóc, kể lể đó chỉ là tình bạn thân thiết, giúp đỡ đồng nghiệp, đồng chí khi thằng K ở huyện lên không nhà cửa, không họ hàng thân thích… con B còn thao thao kể lể thằng K chính là bạn nhậu của chồng nó, hai gia đình thân quý nhau lắm, luôn đi chơi cùng nhau, cho nhau mượn tiền khi khó khăn, thương nhau như anh em trong gia đình…
Chi bộ và công đoàn đành phải tin vào những giải trình của nó, bảo vệ danh dự nữ đảng viên, đoàn viên công đoàn, nữ công cho nó. Chồng tôi bảo, anh không tin con B vì có lần cơ quan anh tổ chức liên hoan ngày gia đình Việt Nam 28/6, sếp cho mời hết dâu/rể lên nhà hàng An Lộc đãi tiệc. Hai nhà đấy có mặt đủ. Con B chăm con thằng K, chiều chuộng hôn hít, cho tiền mua bim bim. Chồng con B ôm vai thằng K cụng ly côm cốp, ép nhau ngửa cổ uống hết 100%. Uống tầm 5 lon hai thằng ôm nhau song ca, giọng cao vút vút, máy karaoke chấm điểm toàn 99. Con B thì ôm vợ thằng K chụp ảnh selfie. Ai ai đều thấy hai gia đình thân thiết vô cùng. Chỉ có chị L, chị Y nhìn chúng, bĩu môi: Diễn hay quá xá! Chồng tôi bảo, anh không tin con B vì tối ấy, khi anh đi WC xong, đang lò dò bám tường bước xuống cầu thang, thấy hai đứa ôm nhau đi lên, vừa đi vừa sờ soạng mông nhau, hôn nhau chụt chụt. Vô tình ngước lên thấy anh, tụi nó đẩy vội nhau ra miệng con B liến thoắng: Trời ơi, say muốn chết luôn anh ơi. Lúc đi ngang qua anh, con B còn ôm vai anh ngả qua, ngả lại ý đang say, say, say. Chồng tôi bảo khi quay vào bàn tiệc, nhìn đâu cũng thấy khó chịu, từ đấy đến lúc về chả thèm nhìn mặt hai đứa mất nết ấy lần nào. Đêm ấy, nằm bên tôi anh bóng gió không biết chỗ tôi làm việc có kiểu “tình đồng nghiệp thời @” ấy không? Tôi đạp vào mông anh gầm gừ: Anh đừng có lằng nhằng mì tôm, đàn bà/đàn ông cũng tùy loại. Con thầy, vợ bạn gái/trai cơ quan đừng có dính vào… phức tạp. Ngủ đi! Em mà có tính ấy gia đình này có được như giờ không? Trời Phật có mắt đấy! Tổ tiên có mắt đấy! Lừa được người chớ không lừa được đất trời, thần linh, cửu huyền thất tổ đâu cha nội. Tôi đạp thêm vào mông anh cái nữa rồi nằm xem phim cung đấu Trung Hoa. Đàn ông là kiểu hay suy bụng ta ra bụng người.
Chồng tôi chuyển công tác sang cơ quan mới khá lâu, công việc nối công việc, người nối người qua từng xuân, hạ, thu, đông. Một lần, nhớ bài lai anh ấy bảo tôi: Bọn thằng K con B đấy, em còn nhớ không? Vợ thằng K năm ngoái làm um lên một trận, bây giờ nó không cặp bồ với con B nữa, về với vợ con chí thú làm ăn. Thằng K nghỉ làm rồi, về nhà xây trang trại nuôi heo nái, trồng cây ăn quả, nuôi gà siêu trứng. Con B chồng bỏ, bữa nay tân trang nhan sắc, đi cò đất, cò nhà, buôn nông sản, cặp kè mấy thằng trẻ trẻ. Hai đứa con gái thằng chồng nhận nuôi, sợ ở với đứa mẹ như nó hỏng hết tương lai. Chán mớ đời thật! Ham chi ba thứ tào lao để tan cửa nát nhà. Tôi nguýt chồng một cái sắc như dao bổ cau. Đàn ông nào chả hám của lạ. Mỡ dâng tới tận miệng mèo thì con mèo nào chả đợp, nhai, nuốt.
Trở lại chuyện nhà trọ, thời buổi công nghiệp 4.0 lợi đủ chuyện, trong lúc nhóm thợ xây dựng đang vào giai đoạn hoàn thiện nội thất phòng, tôi đăng tin lên facebook, zalo nói rõ cho thuê phòng trọ gia đình, ưu tiên gia đình trẻ, người thu nhập thấp dưới 3 triệu/tháng, người dân tộc thiểu số giảm giá 10%. Trong vòng 7 ngày 7 phòng trọ của tôi có 7 chủ nhân. Đấy là đôi vợ chồng mới cưới nhau, chồng bộ đội, vợ y tá bệnh viện  tỉnh; một cặp chồng công nhân nhà máy ván ép, vợ bán quần áo chợ Nhỏ; một cặp viên chức ngành văn hóa có 1 bé gái 3 tuổi; một cặp thợ hồ tuổi quá 40 quê Bình Định lên làm công trình cho anh trai chồng tôi là chủ thầu xây dựng; một cặp làm nhân viên phục vụ và phụ bếp nhà hàng Luxury Baby; một cặp giáo viên tiếng Anh dạy thuê cho mấy trung tâm anh ngữ tại thành phố; một đôi vợ chồng nhân viên spa, chồng lái xe tải. Ngày khai trương “Nhà trọ Bình Yên”, tôi làm vài bàn mời bạn bè, hàng xóm. Mấy nhà dọn đến trước/sau nhau dăm ngày. Tôi trang bị các phòng tiện nghi khang trang có giường đôi, bàn ăn, tủ chén, trước mỗi phòng trồng, treo các loại cây hoa xinh xắn. Ai cũng khen tôi và chị Tính biết cách chọn người cho thuê, an toàn, an ninh, vui vẻ cả khu phố.
Chiều nào rảnh rỗi, tôi ghé mấy hộ thuê trọ chơi, nghe họ tâm sự chuyện đời họ. Những người thuê trọ nhà tôi đa số vào đời, lập thân đều từ nghèo khó. Như cặp vợ chồng viên chức ngành văn hóa đấy, hai đứa đều xuất thân nghèo khổ, cha mẹ làm nông, tự học tự xin việc, con vợ người Jrai bắt thằng chồng quê xứ Nghệ, lương một đứa thư viện, một đứa bảo tàng chưa được 9 triệu/tháng, con nhỏ, cha mẹ già hai quê tháng nào cũng phải gửi về chợ búa, thuốc men, chúng than: Tiền vào nhà em cứ như gió vào nhà trống bác ạ. May bác cho thuê giá mềm chứ không tụi em còn khổ nữa. Tháng nào con bé Chíp nhà nó bị ốm, tôi chả nỡ thu tiền đúng ngày. Tôi bảo cứ nợ đấy tháng sau trả luôn. Thằng chồng đang theo học lớp thạc sĩ lịch sử, hơn 30 tuổi, tóc bạc quá nửa đầu, nó hào hứng khoe: Tháng này em vừa nhận được một chuyên đề khoa học, kiểu gì cũng có hơn 5 triệu, bác yên tâm, nghèo thì lâu, giàu mấy chốc. Nói xong nó cười ha ha nhưng tôi thoáng thấy khóe mắt nó chút buồn vương. Trí thức thời @ hay thời nào cũng vậy, bán não lấy tiền nuôi thân, nuôi con cái, nếp nhăn hằn trán, nếp nhăn khóe mắt xếp xếp theo thời gian. Những đồng tiền kiếm được từ những đêm thức khuya thơm thơm mùi hoa dạ đinh hương trước cửa phòng trọ, nồng nồng mùi mồ hôi của mình, mùi sữa, mùi phấn rôm của con, mùi kem dưỡng da rẻ tiền của vợ.
Chẳng biết từ bao giờ những hộ trong dãy nhà trọ Bình Yên thương nhau thân quý nhau như người nhà, hộ nào có việc gì cả dãy xúm vào cùng hỗ trợ. Vụ thằng xe tải tông vào ông già đi xe đạp gãy chân, cả dãy gom tiền cho nó đền cho người ta, ông già tốt bụng chỉ lấy chút phí bệnh viện còn gửi lại để nó trả nợ mọi người. Con vợ nó làm nhân viên spa, người gầy nhỏ, trắng xanh xao, bé như học trò lớp 9, lương 4,5 triệu/tháng, làm cả thứ 7, chủ nhật, thỉnh thoảng khách bo cho mấy chục về khoe chồng oang oang, nó mua chuối chiên, khoai lang chiên mời mấy chị em trong dãy nhà trọ. Bọn đàn bà trẻ ngồi bệt ngoài hành lang vừa nhai vừa nói chuyện chồng con, làm đẹp, váy áo. Hai đứa chúng nó cha mẹ đều khó, đông em, đứa nào cũng đang phải nuôi lũ em ở huyện ăn học cấp 2, cấp 3. Hôm hè, lũ em lên phố thăm anh chị, gần chục đứa ngồi chật cả phòng, hai vợ chồng qua nhà tôi mượn cái nồi lớn nấu món bún cá thập cẩm, làm rổ rau sống bự chà bá, thêm tô xì dầu ớt đỏ lè, cả bầy vừa ăn vừa hít hà vừa nói cười rôm ran vui phết. Con bé y tá trở thành người chữa bệnh cho cả dãy nhà trọ.
Nhà nó nghèo, mẹ mất từ hồi lớp 10, cha nó tai biến liệt nửa người, mắt mờ không làm được việc gì, nó vừa học vừa đi làm phục vụ quán phở nuôi hai cha con. Nhờ cô giáo chủ nhiệm nó kêu gọi mọi người quyên góp, tài trợ nuôi nó học hết trung học phổ thông, rồi hết trung cấp y. Cũng nhờ cô chủ nhiệm xin cho nó vào làm hợp đồng trong bệnh viện tỉnh. Nó xinh đẹp, làm việc giỏi giang, ai cũng thương mến. Cũng nhờ cô giáo chủ nhiệm mai mối, nó gặp và ưng thằng chồng làm sĩ quan ở huyện đội cách nhà 90km, thằng chồng đi suốt, lâu lâu mới về. Hai đứa líu ríu như đôi chim câu mỗi khi được bên nhau. Thằng chồng làm đồ nhậu siêu ngon. Nó về lần nào cũng làm một mâm giữa sân khu nhà trọ mời vợ chồng tôi, mời hết 6 nhà qua uống rượu, thưởng mồi. Tôi góp 1 thùng bia, 1 con vịt quay. Mỗi nhà góp một món. Thế là khu nhà trọ có bữa cỗ vui vẻ. Khổ nhất là đôi vợ chồng thợ hồ quê Bình Định. Công một ngày 300 ngàn/người. Làm ngày nào chủ trả ngày ấy. Hai vợ chồng ăn uống chắt chiu còn gom lại cứ 10 ngày một lần gửi về quê cho lũ con. Đứa lớn nhà đấy 18 tuổi, nó nghỉ học từ hồi lớp 9, nó không chịu đi học, nó đòi ở nhà phụ cha mẹ nuôi hai thằng em lớp 6, lớp 9 và ông nội 83 tuổi. Nó làm công cho một chủ vựa cá, ngày ngày chở cá từ bến vào các chợ cho mấy cô, mấy bà. Dưới làng biển việc ít, vốn không có, thuyền ghe không có, hai vợ chồng dắt nhau theo mấy người bạn lên đây làm hồ cho các chủ thầu kiếm tiền nuôi lũ con cái qua ngày. Chị vợ bảo chắt bóp thế này sống cũng ổn. Con cái được học hành. Ở quê ngồi nhìn nhau, chết đói cả bầy, ở tuổi hơn 40 nhìn chị như một bà hơn 50. Ông bà ta dạy phải “có của nó giũa nên người”.
Cũng chuyện nhà trọ, bên dãy nhà anh Toàn vừa có vụ thằng cha kia đến ở 3 tháng, nợ tiền nhà cả 3 tháng với đủ lý do rên nghèo kể khổ. Đêm nọ, gã gói đồ trốn đi. Sáng ra, anh Toàn phát hiện chửi váng dãy phố. Cũng nhà anh Toàn, có đôi vợ chồng kia bán rau củ quả chợ đêm, hai đứa đi thì yên về nhà là gây gổ đánh nhau như cơm bữa. Chúng còn ăn cắp vặt đồ đạc của mấy nhà trong dãy trọ. Đến chuyện thằng chồng lấy cắp điện thoại nhà bên cạnh thì anh Toàn gọi công an phường xuống giải quyết. Anh Toàn không cho chúng thuê tiếp. Hai đứa vừa xách đồ đi ra vừa chửi anh Toàn oang oảng. Sáng nọ, sân và tường nhà anh Toàn vương vãi mắm tôm, cà chua, trứng vịt thối. Khu phố lại một phen nháo nhào bàn tán… Sau những chuyện rắc rối, anh Toàn kỹ càng hơn khi cho đối tượng thuê trọ. Khu phố tôi nhiều năm qua đạt danh hiệu “Khu phố văn hóa”. Muốn danh hiệu bền vững thì mỗi hộ, mỗi người, mỗi hộ dân đến thuê trọ cũng đều phải có văn hóa. Tôi nghe anh tổ trưởng dân phố quán triệt oang oang trong một cuộc họp tổ dân phố giữa năm.
Mấy hộ dãy trọ nhà tôi ai cũng tử tế chăm chỉ, tôi nghĩ đến những đồng tiền họ kiếm được vất vả mỗi ngày, mỗi tháng. Tôi thấy cách họ đối đãi với nhau chân tình. Tôi thấy cuộc đời này còn nhiều những người tốt, họ dẫu nghèo nhưng đầy tự trọng và vươn lên làm lụng bằng chính sức lao động của mình, họ không màu mè, ăn to nói lớn, cái bụng nghĩ sao thì nói ra lời như vậy, lặng lẽ sống và bằng lòng với những gì mình đang có, vui vẻ với những hạnh phúc bình dị. Tôi nhớ đến những ba hoa, vênh váo của một vài kẻ có quyền, có tiền nơi những bàn tiệc sang trọng khi tôi cùng sếp công ty ngồi dự, nơi những lần tôi và sếp được gọi đến để chào hỏi và trả tiền hỗ trợ. So sánh nào cũng khập khễnh. Trong số những kẻ đang ba hoa kia, có kẻ ăn hối lộ mà có của. Có kẻ nhờ nịnh bợ, lo lót chạy chọt mà có chức quyền. Có kẻ bán cả miếng đất to, bán của cải a,b,c để mua cái ghế a,b,c xuống huyện, lên tỉnh làm ông này, bà kia. Tôi thấy họ nói thì hay quá nhưng thấy khó tin họ. Lòng tin không chỉ được xác lập bởi những lời nói. Giữa nói và làm khoảng cách rất xa nhau. Tôi cứ cười cười.
Thời gian cứ qua đi, cái được gọi là hạnh phúc cũng tùy mỗi người cảm nhận, tìm kiếm, hưởng thụ. Cuộc đời con người sinh lão bệnh tử, vòng đời ngắn/dài, vui/buồn, sướng/khổ tùy duyên, tùy tâm và tùy phước đức do chính bản thân tu tích. Sư phụ chùa Bát Nhã – nơi tôi thường đến lễ Phật dạy rằng: “Hạnh phúc không phải là vơ vào cho mình thật nhiều mà ngược lại, con nên ban tặng, san sẻ những gì mình có cho người khác. Đó mới là hạnh phúc. Bản thân hạnh phúc tất vận mệnh sẽ tươi đẹp”. Còn chồng tôi, một anh kỹ sư điện công nghiệp, suốt ngày phơi mặt, phơi lưng nơi những công trường nắng gió, ngổn ngang máy móc. Anh ấy chiều vợ một cách kỳ quái, biết vợ yêu hoa, yêu cảnh đẹp, đi đến đâu, dù đang kéo cáp, vác máy nặng trầy vai, thấy một đám cỏ đuôi chồn tim tím, thấy một đám xuyến chi trắng muốt, thấy một đóa dã quỳ vàng tươi rung rinh trong nắng gió… lập tức dừng lại, quay một đoạn video, chụp nhanh vài tấm gửi nhoay nhoáy qua zalo cho vợ. Biết vợ thích hoa vàng, anh thỉnh thoảng mua một bó hồng, cúc, thậm chí cả hoa cải cắm một lọ lô nhô đặt lên bàn làm việc của vợ. Anh ấy rất thích chụp hình cùng vợ và đăng lên zalo, facebook… anh ấy bảo anh thấy vui vui vui khi làm em vui vui vui. Nhiều người bảo tôi thật hạnh phúc. Tôi thấy mình thật hạnh phúc.
Một lần, khi tôi buồn chuyện ở công ty. Tôi ngồi khóc bên bậc thềm. Chồng tôi đi làm về thấy vậy xà tới ôm tôi vào lòng bảo: Kể cho anh nghe nào? Tôi vừa khóc vừa lu bu kể cho anh nghe chuyện gã trưởng phòng A hại tôi. Gã sinh năm 1958, còn 6 tháng nữa là được nghỉ hưu theo chế độ bảo hiểm. Lãnh đạo công ty họp quyết định sau khi gã về hưu sẽ đưa tôi qua thay vị trí gã. Gã nằng nặc xin lãnh đạo công ty sau khi nghỉ hưu cho gã làm hợp đồng thêm vài năm nữa và nhất định phải làm trưởng phòng vì lão còn khỏe, còn tài năng, gã muốn cống hiến cho công ty 5 năm nữa nhưng Ban giám đốc không chấp nhận. Từ khi biết sẽ không được hợp đồng làm tiếp sau khi nghỉ hưu, gã liên kết với một số cán bộ, nhân viên lớn tuổi trong công ty ngấm ngầm quậy phá, đơm đặt bêu xấu tôi, bêu xấu những người quan tâm ủng hộ tôi, bêu xấu các sếp. Gã cố tình gây chia rẽ đoàn kết nội bộ các phòng chuyên môn của công ty, lan xuống cả mấy công ty trực thuộc. Các sếp tôi họp lần 1, lần 2, lần 3 và quyết định cho gã về hưu đúng chế độ.
Một số kẻ có tài năng thực sự, công ty đang rất cần họ, lẽ ra sau khi hưu theo chế độ họ sẽ được các sếp mời làm hợp đồng chuyên môn tiếp nhưng vì họ dính vào vụ bè phái, gây rối này mà cũng bị các sếp cho nghỉ luôn. Sếp tôi bảo: Có tài nhưng phải có tâm mới giúp ích cho đời được. Vô đức thì tài giỏi mấy ông cũng không dùng. Sếp tôi có quan điểm dùng người: Đã dùng thì tin. Không tin không dùng. Ngày sếp lên trao quyết định về hưu cho gã trưởng phòng, sếp nói chậm rãi từng từ: “Cả đời này đã định sẵn chúng ta không mang theo được cái gì khi về với đất, vậy thì hãy sống vào lúc này, cười vào lúc này, giác ngộ vào lúc này. Đấy là điều khiến ta thanh thản”. Sếp là người tín Phật nên trong văn hóa ứng xử của ông với mọi người và phong cách lãnh đạo có nhiều điều rất nhân ái, nhân văn, cho họ nhiều cơ hội để thay đổi, hướng thiện. Cái khó khăn lớn nhất của mỗi chúng ta là tự thay đổi chính mình. Tiểu nhân và đại nhân luôn khác nhau một trời một vực.
Từ hôm xảy ra chuyện ở công ty, tôi thi thoảng ngồi buồn buồn nơi bậc thềm mỗi chiều về nhà, thở dài, đăm đắm nghĩ ngợi chuyện lòng dạ con người vì tham lợi danh quên nghĩa nhân, vì tham lợi danh sẵn sàng chà đạp người khác, bán rẻ danh dự. Anh lần nào đi làm về, thấy tôi ngồi như thế lại xà tới ôm tôi vào lòng nhắc nhủ: Em đừng nghĩ nhiều về những nỗi buồn ngoài cánh cổng nhà mình, hãy nhìn vào trái tim của chính em. Bình yên không phải là những thứ thế giới ngoài kia đem đến cho em, bình yên tồn tại trong sâu thẳm trong tim của em đấy! Mỗi lần anh nói thế, tôi dựa đầu vào vai anh, yên lặng nhìn đám hoa sử quân tử buông dày, thơm ngào ngạt trên khung cổng cao cao.
Có những người thân/sơ quanh ta khi phải tạm rời xa, chia tay hoặc họ mất đi lòng ta mãi mãi đầy tiếc thương, luyến nhớ, quý trọng. Lại có những kẻ ngay cả khi họ đang sống quanh ta, hiển hiện trước mắt mỗi ngày mà ta lại nghĩ họ đã chết mục từ lâu rồi.
13/7/2023
Hoàng Thanh Hương
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  ‘Boy Già’, ‘Girl không còn trẻ’ và những câu chuyện ‘Buồn cười’ Song Hà – người được gọi là nhà văn nhưng thường được các cư dân mạng (n...