Chủ Nhân Căn Nhà Màu Tím
Cuối tháng ba năm 2022, ngay sau khi nhận tin mẹ tôi qua đời,
tôi vội mua vé về Việt Nam. Trong tâm trạng lo lắng và bồn chồn, tôi nghĩ mình
khó có thể thực hiện một chuyến đi suôn sẻ. Để phòng trường hợp bị từ chối,
không được vào Việt Nam, tôi đã chuẩn bị sẵn chiếc balô chứa đầy những vật dụng
cá nhân cần thiết để quay về Mỹ một mình, còn các chiếc va li, tôi sẽ để chồng
tôi đem vào Việt Nam. Cũng vì lý do này, tôi chỉ mua thuốc men và những món quà
thiết thực cho những người thân yêu nhất. Tuy nhiên, tôi không nỡ từ chối hai
cuốn sách của chị Nhơn, chị ruột của chị Phan Anh (đồng môn Nữ Trung Học Nha
Trang), nhờ tôi chuyển cho cô con gái nuôi của chị ở Nha Trang. Tôi chưa bao giờ
đem sách của mình hay của bất cứ tác giả nào ở Hải Ngoại về Việt Nam vì tôi
không muốn bị rắc rối bởi sự kiểm tra bất chợt nào đó của Hải Quan Việt Nam. Lần
này cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, tôi nghĩ cho dù có bị xét hỏi thì tôi cũng
không bị hề hấn gì bởi vì nội dung của hai quyển sách của chị Nhơn chỉ xoay
quanh những câu chuyện về Phật Giáo và tình tăng thân pháp lữ. Trước khi tôi
lên đường, chị Nhơn vui vẻ gọi điện cho tôi biết cô con gái nuôi của chị tên
Minh Hiếu và tiết lộ thêm là trước đây chị đã mua tác phẩm Khi Ngỡ Mình Là
Thượng Đế của tôi để tặng cô con gái nuôi. Chị Nhơn nói Minh Hiếu rất
thích cuốn sách ấy bởi vì Minh Hiếu rất thương thú vật. Chị khuyên tôi cố gắng
dành thì giờ đến thăm Minh Hiếu. Tôi dạ cho qua chuyện, chứ tôi không hề có ý
nghĩ thăm Minh Hiếu hay bất cứ ai trong chuyến đi này. Tôi chỉ chú tâm đến việc
thăm mộ mẹ tôi, cúng thất tuần và tạ ơn những người thân thuộc, láng giềng đã
giúp đỡ tang lễ cho mẹ tôi khi tôi không thể về kịp. Hơn nữa, tôi không thích
ghé những ngôi nhà đẹp đẽ và sang trọng của những người giàu có ở Việt Nam.
Sau khi đến Nha Trang vài ngày, lo việc gia đình tạm ổn, tôi
gọi Minh Hiếu. Theo lời dặn của tôi, Minh Hiếu đến nhà của Cúc, em gái tôi, nhận
quà của me Nhơn. Minh Hiếu nhận quà xong, gọi tôi cảm ơn và mời tôi đến nhà
chơi. Minh Hiếu kể cho tôi nghe chuyện cô giáo dạy Địa Lý mà em ấn tượng trong
năm học lớp Sáu tại trường Phước Tân (Trước 1975, trường Phước Tân là trường
Hưng Đạo dưới chân Nhà Thờ Núi Nha Trang).
Năm ấy, sau Tết Kỷ Tỵ 1989, cô giáo dạy Địa Lý gọi Minh Hiếu
lên bảng trả bài và Minh Hiếu đã được điểm rất cao kèm theo lời khen “thông
minh”. Minh Hiếu nói hình ảnh cô giáo Địa Lý ấy đã cho em ấn tượng khó quên!
cho nên, em luôn mong chờ các giờ học kế tiếp. Nhưng sau lần trả bài hôm ấy, cô
giáo Địa Lý “mất tiêu” Minh Hiếu nói “Dù học với cô giáo Địa Lý ấy chỉ mới vài
tháng nhưng Minh Hiếu nhớ họ Cung đặc biệt của cô, nên khi Minh Hiếu nhận quà của
me Nhơn, Minh Hiếu hỏi cô Cúc có phải cô Cung Lan đã từng dạy ở Phước Tân
không, cô Cúc nói phải, thì Minh Hiếu chắc chắn cô giáo Địa Lý mà Minh Hiếu
mong chờ sau ‘sự mất tích’ hơn ba mươi năm, chính là cô!”
Tôi khá xúc động khi nghe những lời chân thành này qua điện
thoại của em. Tôi lặng im suy nghĩ những lời vừa nghe, tôi đoán Minh Hiếu là
người đàn bà trẻ đẹp khoảng bốn mươi lăm, bốn mươi sáu tuổi đang ngồi trong
khuôn viên nhà sang trọng và bề thế. Giọng của em dịu dàng và ấm áp khiến tôi
tưởng tượng thêm hình ảnh một người vợ đoan trang của người chồng rất thành
công trong lãnh vực kinh doanh hay thương nghiệp nào đó. Tôi cố ôn lại những lời
ca ngợi của chị Nhơn về Minh Hiếu, mà trước khi lên đường tôi đã nghe một cách
qua loa chiếu lệ, nhưng không nhớ gì thêm ngoài những chữ “Minh Hiếu giỏi lắm!”
được chị Nhơn lập đi, lập lại nhiều lần. Cuối cùng, tôi quyết định gặp lại học
trò cũ của mình để xem sự thành công và giỏi giang của cô bé này ra sao.
Hai cô bạn thân ở Nha Trang chịu khó chở vợ chồng tôi đi
ngang qua chùa Long Sơn (chùa Tĩnh Hội) rồi rẽ vào xã Vĩnh Ngọc. Vĩnh Ngọc là
vùng ngoại ô Xuân Lạc trước năm 1975, xe đi vòng qua một xóm nhỏ ven sông và dừng
chân trước căn nhà có địa chỉ Minh Hiếu cho.
Nhìn vào chiếc cổng màu tím đầy lãng mạn, bạn tôi chợt ồ lên.
“Mình cũng có bạn ở đây và đã đến một vài lần. Chủ nhân là Cô kiến trúc sư rất
giỏi! Cô này nổi tiếng vì đã thiết kế nhiều công trình xây cất các Chùa ở Việt
Nam và căn nhà này cũng do cô thiết kế.”
Khá ngạc nhiên, tôi thầm nghĩ:
“Thì ra mình đoán sai! Sự thành công của Minh Hiếu là do
chính bản thân cô ấy chứ không phải từ thành đạt kinh doanh của chồng như ban đầu
tôi đoán nghĩ!”
Khi cánh cổng Tím mở ra, cả căn nhà và chủ nhân Minh Hiếu đã
làm tôi ngạc nhiều hơn những điều vừa tiết lộ của bạn tôi. Trước mắt tôi, một
ngôi nhà hết sức rực rỡ và tươi vui với những giàn hoa giấy đủ màu sắc. Trong
khi chủ nhân của nó với trang phục hết sức giản dị và nhu mì. Hình ảnh cô gái
có làn da trắng mịn, chiếc đầm sang trọng và phong cách quý phái của người giàu
có trong ý nghĩ của tôi đã bị xóa sạch và thay bằng một hình ảnh của một cô gái
hết sức trầm mặc với chiếc khăn choàng phủ hờ chiếc đầu trọc. Lòng tôi dâng lên
một nỗi thương cảm vì nghĩ rằng Minh Hiếu đang bị một chứng bệnh ung thư nào đó
như trường hợp đang chữa bệnh của em gái tôi, hay nhiều người khác đang bị chứng
ung thư theo thể trạng.Vì những điều tưởng tượng khác hoàn toàn thực tế, tôi đã
khá lúng túng không biết mở lời ra sao để bắt đầu cho cuộc hội ngộ khá đặc biệt
này. Rồi tôi đã thốt lên câu nói gần như vô nghĩa:
“Em có căn nhà đẹp quá!”
Minh Hiếu mỉm cười, dịu dàng chào hỏi chúng tôi một lúc rồi mời
chúng tôi vào phòng khách.
Vài lời chào thăm nhau, tôi xin em chiếc bịch nilong trút hết
những vật dụng trong chiếc balô của mình và trao cho em chiếc ba lô tôi đang
mang theo.
“Cô về đây, đi rất vội không kịp mua quà gì cả. Đây là cái
balô thầy mới mua cho cô trước khi về Việt Nam, cô mong em nhận và xem đó là vật
kỷ niệm ngày cô và em gặp lại nhau.”
Minh Hiếu có vẻ không muốn nhận nhưng không nỡ từ chối. Em
vào phòng cất chiếc ba lô và trao cho tôi chiếc giỏ vải mà em thường dùng trong
thời gian du học tại Thái Lan để tôi đựng đồ, đồng thời em đưa cho tôi xem cuốn
sách Khi Ngỡ Mình Là Thượng Đế mà em đã đọc từ món quà Chị Nhơn mua tặng.
Tôi theo em đến phòng ăn của gian bếp xinh xắn. Mỗi cử chỉ, hành động và lời
nói của em đều toát lên sự khoan thai, dịu dàng đầy khiêm hạ và lễ phép khiến
tôi cảm thấy rất dễ chịu. Tôi ngạc nhiên khi ngắm công trình khá công phu và tỉ
mỉ của Minh Hiếu dành cho căn nhà màu Tím của em. Phòng thờ phượng, phòng tiếp
khách, phòng ngủ, phòng ăn đều nhỏ nhắn nhưng gọn gàng, sạch sẽ và tiện nghi.
Cách bài trí ở mỗi nơi, mỗi góc cẩn thận và chu đáo.
Những họa tiết với muôn vàn sắc màu tươi mát tạo cho toàn bộ
ngôi nhà sáng rực lên tổng thể thanh nhã và an bình của một Tịnh Cư, Tịnh Thất
đậm chất Phật Giáo hay các chùa ở vùng Đông Nam Á.
Khi lên sân thượng, ngắm các trang trí ở đây, tôi có cảm giác
Minh Hiếu yêu mến đất nước Thái Lan, nơi em đã từng được trau dồi Phật Pháp và
nghệ thuật kiến trúc tại đó. Kiến trúc và bày trí ở nơi đây sẽ cho các nhiếp ảnh
gia những bức hình mà người xem ngỡ rằng chúng được chụp ở Thái Lan, Mã Lai hay
Miến Điện chứ không phải ở Việt Nam. Tuy nhiên, đứng trên sân thượng, tôi thực
sự thấy mình đang ở Nha Trang Việt Nam khi ngắm những ngọn dừa với buồng no
trĩu quả, và hít những làn gió mát và tinh khiết từ bờ sông thổi vào.
Khi cùng em dạo bước trong sân vườn lát gạch, và ngắm những
chú chó Nhật xinh xắn đang chơi đùa trên sân thì tôi lại ngỡ mình đang ở một nước
nào đó ở Châu Âu. Thú vị hơn khi nghe những lời yêu thương ngọt ngào, tôi bất
ngờ với lời chào được cất lên từ các lồng chim thật xinh xắn “Mẹ ơi! Mẹ ơi! Mẹ
có khỏe không Mẹ?” tôi ngạc nhiên khi nghe lời tha thiết của chú vẹt, chú nhồng
và tiếng hót của các loại chim reo vui trong các lồng treo dọc theo hai bên
hành lang của khu vườn như lời chào đón đầy tình thương mến. Nơi đây, thú vật,
cỏ cây hoa lá đã cùng tạo nên sự hài hòa của cuộc sống tươi đẹp. Ngồi trên chiếc
xích đu, tôi cảm thấy thoải mái và thư giãn. Tất cả những gì xung quanh đã cho
tôi cảm giác như mình đang ở trong vườn thượng uyển của một đất nước nhỏ bé. Và
“vị vua” của đất nước nhỏ bé này tự thiết kế cho mình một không gian an bình và
thanh tịnh xa rời những chốn ồn ào, đô hội. Đây thật sự là nơi thích hợp dành
cho những người muốn thư giãn và tịnh tâm. Như đọc được ý nghĩ của tôi, Minh Hiếu
kể cho tôi nghe chuyện những thân hữu của Minh Hiếu từ các nước Mỹ, Pháp, Đức
hay Úc thường về đây chơi, trong đó có me Nhơn. Chúng tôi đã chuyện trò khá
thân mật như tất cả đã thân thiết với nhau từ lâu lắm. Riêng tôi, đây là cuộc hội
ngộ đầy ấn tượng và khó quên.
Qua hôm sau, Minh Hiếu đã đưa tôi đến những nơi có khóm tre,
khóm trúc, bụi chuối, ao sen, vại lu, nhà tranh, sàn gỗ… Những nơi mang dấu ấn
của một miền ký ức. Sau đó Minh Hiếu kể cho tôi nghe lý do Minh Hiếu là con
nuôi Me Nhơn. Thì ra con gái của me Nhơn là bạn của Minh Hiếu nhưng quen biết
do một cuộc gặp gỡ tình cờ trong ngôi nhà màu Tím này chứ không phải là bạn
thân trong thời trung học như tôi lầm tưởng. Ăn trưa xong, Minh Hiếu đưa tôi đến
những nơi yên tĩnh và thư giãn để tôi có một ngày an vui trọn vẹn.
Cũng qua những lời đối thoại Minh Hiếu cho biết, em không có
bệnh ung thư nào cả nhưng tôi không hỏi vì sao em không để tóc dài,và lờ mờ
nghĩ rằng em là một người tu tại gia. Ngoài ra, qua các thông tin trên báo điện
tử, tôi biết Minh Hiếu là nhà nghiên cứu sưu tầm lưu trữ vật dụng mà ông bà tổ
tiên ngày xưa thường sử dụng như sưu tầm các cối đá xay bột hay tạo sự sống mới
cho những mảnh san hô khô trắng đơn độc trên biển thật sinh động và có giá trị
nghệ thuật đáng lưu ý, đó là con đường đưa em trở thành một trong những thành
viên hiệp hội UNESSCO Việt Nam. Việc làm thiết thực đầy lãng mạn và tính nhân
văn gắn liền với công việc Kiến Trúc của Minh Hiếu đã cho tôi thường suy nghĩ về
em nhiều hơn. Tôi nhờ Minh Hiếu tìm cho tôi tấm hình lúc em học với tôi vì tôi
muốn nhìn lại hình ảnh cô học trò bé nhỏ của tôi năm nào và ôn lại mình trong
thời gian đó.
Tôi nói với Minh Hiếu là tôi không hiểu em quý tôi ở điểm
nào. Trong khi, tôi thấy mình cần học em sự trầm tĩnh, đầy khiêm hạ,và cách sống
an nhiên tự tại như em. Minh Hiếu nói: “Cô hãy giữ những gì cô có, đó là sự đặc
biệt rất riêng của cô! Mỗi người có tính cách khác nhau, sẽ có một bức tranh
hoàn mỹ về cuộc đời theo cách mình muốn!” Câu nói đơn giản này đã khiến tôi bật
cười vì thú vị.
Trở lại Mỹ, tôi rất bận. Nhưng khi có chút thời gian rảnh,
tôi thường xem lại các mẫu đối thoại trong messenger. Chúng như những giòng chữ
tâm tình của hai người bạn tri kỷ:
“Minh Hiếu thương! Tối hôm qua cô về nằm ngủ một hồi rồi thức
dậy và nhìn những món quà em dành cho cô mà lặng người. Cô không ngờ có một cô
bé học trò thương mình đến độ lo cho mình từng li từng tí chút như vậy! Cô thật
may mắn khi được nghe em nói để biết trên đời này có những người thành công mà
rất khiêm tốn như em!”
“Dạ em cảm ơn Cô Thầy đã dành thời gian quý giá đến thăm em.
Em biết ơn sự gặp lại này, Cô đã đưa em quay về miền kí ức …và những nỗi vui buồn
của lòng người, của tha nhân trần thế… mai em về lại với góc nhỏ cuộc đời
mình…Cô về bình an nhé. Luôn nhớ về người cô giáo mang trái tim chân phương thuần
tịnh… luôn nhìn vào cuộc đời bằng mọi sự cảm thông! Rồi có lúc nào đó trên con
đường cao tốc của cuộc đời, Cô trò lại có những hạnh phúc từ gương chiếu hậu.”
Tôi cho rằng sự trầm tĩnh của Minh Hiếu xuất phát từ việc nhờ
sự tu thiền hay các kinh kệ của Phật Giáo nhưng tôi đã không ngờ Minh Hiếu
không phải người tu tại gia mà em đã trở thành Tu Sĩ.
Những dữ liệu tôi có từ câu chuyện của em đã làm tôi đi từ bất
ngờ này qua bất ngờ khác khi nhìn những tấm ảnh tôi được cùng em trên các cuộc
hành trình viễn xứ … tôi không hỏi vì sao em trở thành Tu Sĩ, mà chỉ trầm ngâm
với những tin nhắn, tôi cảm thấy sự thương yêu tràn ngập giữa đạo và đời trong
những lời thoại từ trái tim của em!
“Khi em đi xa, em hay nhớ về những mảnh ghép cũ của thời thơ
bé, những kỷ niệm tuổi học trò dễ thương, những ngôi nhà em đã vẽ, những khu vườn
với sắc màu cuộc sống, những tiếng chim rộn rã reo vui và trải nghiệm của những
chuyến đi qua một thời tuổi trẻ, tất cả những mảnh ghép thật đẹp và khó quên
làm hành trang cho em với những ý niệm về tình Người rất đẹp. Em trở về Chùa và
tiếp tục con đường Phật sự, cô trở về nhà với bao công việc thường nhật của
mình, nhưng tin rằng những năm tháng về sau của Cô thật đẹp, đẹp như chính tâm
hồn mà Cô đã mong muốn lắng nghe, cảm thấu của lòng người, của cõi đau nơi trần
thế.”
…
“Qua các trang tôi tìm hiểu về em trên báo điện tử, tôi được
biết em đã trở thành Tu Sĩ đang phụ trách Quản Lý Pháp Chế Của các Công Trình
Tôn Giáo (Phật Giáo) nên xuyên suốt các cuộc hành trình kiểm tra làm việc theo
tiến độ thi công, Giám Sát và lập báo cáo, em có con đường rất đẹp khi quãng đời
cô trò xa cách mà tôi không hề hay biết. “Công việc cho em một lối đi riêng
trên con đường Phật Sự để thiết kế, và triển khai phương án phù hợp trên các
Thiền Viện khắp dọc miền đất nước.
Dù mái tóc ngắn dần theo năm tháng.
Vẫn nụ cười đón đợi ở vườn xưa.
Cảm ơn đời đưa Cô trò qua những cơn mưa..
Rồi trở về với khu vườn đầy nắng.
Tiếng chuông Chùa cùng sương mai buổi sớm.
Em đã về nơi ấy Chốn Bình Yên.
Tôi hình dung để hiểu …Em đã trở về với thiên nhiên làm bạn.
Hạnh phúc của em bên những điều đơn giản, cảnh vật xung quanh em đã chọn sự
thanh tịnh cho chính mình…
“Tôi vui vì em đã sống trọn vẹn cuộc đời với một trái tim
tình thương đầy lòng trắc ẩn, chúc em sẽ nhận được nhiều món quà bất ngờ đáng
quý.. Sự kiên định, lòng tử tế, sẽ dẫn em đón nhận những vận mệnh tốt lành của
cuộc đời. ”
“Khi cô hỏi em ước muốn điều gì về sau? Có đôi khi em cần những
khoảng lặng, để sâu chuỗi lại những người mình đã gặp trên những chuyến đi, thấy
những nhiệt huyết ý tưởng mà họ đã từng cống hiến cho cuộc đời…rồi bỗng một
ngày, ngọn gió tai bay đi ngang qua, cuốn theo tất cả những khát vọng của họ…họ
trở thành trầm cảm, họ cất mình trong ngăn kéo để lãng quên… Em cũng không ngoại
lệ. Nhưng em cũng nhận ra, em không còn nhỏ để có những mơ ước xa xôi, mà em
cũng chẳng phải già nua để chờ ngày chôn mình vào lòng đất…Thôi thì cứ an trú
trong tâm thân bình thản, và làm tốt công việc mỗi ngày, để ghi dấu chân mình
trên mỗi cuộc hành trình với những kỷ niệm ở mỗi chuyến đi.”
Những câu chuyện của Minh Hiếu thường bàng bạc nỗi buồn và uẩn
khuất khiến tôi không ngừng suy nghĩ.
“Nhìn sâu vào đôi mắt em, khi em cười, đôi mắt vẫn buồn. Có
lúc khuôn mặt cứng cỏi, lạnh lùng mà đôi mắt buồn xa xăm!”
Chưa trả lời câu tôi muốn hỏi, Minh Hiếu nhìn tôi …và nói:
“ Em thích lắng nghe và quan sát về đôi mắt của mỗi người em
gặp, nhứt là người bên cạnh em trong thời gian nhất định nào đó! Em đọc ở cô
như một Thầy tâm lý trị liệu của em. Cô không những thấu hiểu mà cô sâu chuỗi lại
câu chuyện em kể với các nhân vật thật chính xác, em may mắn gặp cô trong thời
gian này.”
“…Em đã gửi về hư không một nỗi buồn đã từng in sâu vào vách
núi. Mỗi người em gặp có tính cách khác nhau. Có người có tính cách mạnh mẽ, bản
lĩnh, dám yêu thương, dám đối diện với tất cả cảm xúc …nhưng lại yếu mềm và
khóc khi em im lặng.”
Với những lời tâm tình này, tôi cảm thấy như mình thấu hiểu
Minh Hiếu nhiều hơn như hiểu rõ những nhân vật chính, phụ trong các cuốn tiểu
thuyết mà tôi thường ghi trong lại trước khi viết thành sách.
Tôi viết:
“Cô cảm nhận được sự mênh mang với những cơn mưa rào phớt qua
miền ký ức của em với những nhân duyên và tình người rất đẹp!”
“Em luôn biết ơn vì sự hiện diện của cô lúc này bên cạnh. Đại
bàng rất thích phiêu lưu với những cơn bão vì sức gió sẽ nâng đôi cánh nó bay
cao hơn. Nhưng khi đôi cánh không đủ dài để vươn hái những vì sao thì chọn cho
mình nơi trú ẩn an toàn đó cũng là hạnh phúc.”
Tôi đã suy nghĩ nhiều về những câu chuyện bi mẫn nhẫn từ và
những thiện duyên với hành trình trở thành Tu Sĩ của em.
Có lần, tôi lo lắng hỏi:
“Em muốn trở thành tu sĩ vì lý do nào đó hay vì nguyện vọng?”
“Dạ, vì nguyện vọng! Em mong ước trở thành tu sĩ ngay từ nhỏ
chứ không phải bởi vì lý do nào cả!”
Câu khẳng định này không làm tôi chắc chắn lắm. Tôi vẫn thấy
có một nỗi buồn nào phảng phất trong Minh Hiếu. “Câu chuyện của em là câu chuyện
rất lạ và hay. Nó là câu chuyện đầy nhân bản mà nhân vật chính là em …và những
mẫu chuyện sau đó là những câu chuyện có hậu!”
“Cảm ơn cô… thực ra em đã cất câu chuyện này ở tận cuối chân
trời. Có bao giờ cô thấy Tu Sĩ vui vì hạnh phúc …và vui vì Cô Đơn?”
Em đang vui trên hành trình của một người Bán Thế Xuất Gia (một
nữa phần đời em đã trọn vẹn tình yêu thương mà cuộc đời ưu ái…nửa đời còn lại
em hướng theo chí nguyện Nghiệp Duyên của mình…)
“Cô thương, Em cảm ơn những tin nhắn chân tình cô đã viết cho
người học trò ngày xưa xa lắc. Cô cũng là người đầu tiên em chia sẻ về thân chủ
của em. Em tin rằng cô cộng hưởng và lan tỏa nhiều cảnh đời và trắc ẩn với tâm
tư của họ cùng em. Lúc xưa em nhận được cuốn sách quý … Thư gửi Người Đàn
Bà Xa Lạ, tác phẩm đó em rất tâm đắc và nhìn cuộc đời bằng nhân sinh quan đa
chiều hơn… và giờ đây những người Đàn Bà Xa Lạ đã và đang hiện hữu bên cạnh
công việc và đời sống của em mỗi ngày cho em nhìn thực tế mọi góc nhìn bằng
trái tim từ bi hơn… hoan hỷ hơn. Những tâm tư họ biến đổi không ngừng theo nghịch
cảnh, nên chỉ cần một ngày em dành một thời gian nhất định trò chuyện và chia sẻ,
em thấy họ vui và hồn nhiên vô tư lắm. Em thích tìm cái chân phương thuần tịnh ở
mỗi người. Khi đứng trước một nghịch cảnh bi thương hoặc một số phần chấp chới…mọi
ngữ cảnh nào em cũng tập giữ cho tâm thân tĩnh lặng. Lúc đó, em trở về con người
rất thực của mình và đổi ngôi cho họ một trái tim ấm áp.”
“Em biết cô đã dành thời gian về hồi ức với những câu chuyện
về người học trò nhỏ xíu ngày xưa. Vấn đề là sau những cuộc hành trình em trở về
đúng nghĩa đứa học trò siêu quậy dễ thương mà ngày nay Cô đã thấy.”
Tôi suy nghĩ nhiều khi đọc những câu này. Trong đầu tôi loé
lên hình ảnh một vị tu sĩ đầy oai nghiêm khiêm hạ đứng trước bao nhiêu Phật Tử,
nhưng vị ấy khá tha thiết với cuộc hội ngộ hết sức bình thường của thầy trò sau
bao nhiêu năm xa cách. Rồi tôi chợt nhận ra những câu nói lập đi lập lại ấy
không phải là những lời ngợi khen vô nghĩa với nhau. Chúng tiềm ẩn sự thấu hiểu
về lý tưởng của hai người cùng đồng hành trong việc mong mỏi giúp ích và làm
vui cho những người lâm vào nghịch cảnh đáng thương bằng cách này hay cách
khác.
Tiếp đó, tôi nhận một số hình của Minh Hiếu với câu hỏi:
“Cô thấy em ở chùa có khác ở trong ngôi nhà Tím không?
Tôi viết:
“Em cải trang hay quá! Cô không thể đoán em thực sự là ai và
ai là em…?!”
Và Minh Hiếu đã “cập nhật” những sinh hoạt của em qua những tấm hình. Đáng chú ý nhất là những tấm ảnh ngôi chùa Tam Chúc ở Hà Nam, Chùa Linh Ẩn ở Đà Lạt và chùa Minh Đức ở Quảng Ngãi do em phụ trách kiến trúc. Ngôi chùa này có tượng phật bà Quan Thế Âm dự kiến sẽ là tượng phật cao nhất theo kỷ lục Guinness Việt Nam, vượt cả các tượng phật ở Núi Bà Đen và chùa Linh Ẩn Đà Lạt.
Cung Thị Lan
Theo https://vivietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét