Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão "Chõe Bò"

Truyện ngắn của Đỗ
Xuân Thu: Lão "Chõe Bò"

Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 1957 tại huyện Đan Phượng, thành phố Hà Nội, nay sống và nghỉ hưu tại huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ. Ông nguyên là Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp VHNT Phú Thọ, nguyên Tổng biên tập Tạp chí Văn Nghệ Đất Tổ.
Với hơn 20 năm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, đến nay Đỗ Xuân Thu đã có 32 đầu sách gồm 9 tập tiểu thuyết: Ngày ấy bên sông (2005), Chiều không tắt nắng (2008), Hoàng hôn xanh (2010), Trượt theo lời nói dối (2017), Thao thức làng đồi (2017), Vượt qua vòng xoáy – Làng Cổ Cò (2019), Đỉnh phù vân (2020), Qua ngày bão giông (2022); 8 tập truyện ngắn: Mạch sủi (2001), Sông Lô thì thầm (2002), Ngọn nến đêm Noel (2004), Vầng trăng mười sáu (2009), Chiếc điếu cày gia bảo (2011), Chõe bò (2014); Internet về làng (2015), Người gác cổng (2016); 12 tập thơ: Hương bưởi (1998), Trung du (1999), Đất nhớ (2000), Người hát rong (2002), Khúc đồng dao (2008), Bờ tre cuốc gọi (2012), Lá thu (in chung 2013), Tiếng sóng biển (2014), Lục bát bỏ bùa (2014); Tổ quốc ở Trường Sa (2015); Gọi chữ (2016), Tung cánh thơ bay (2022) và 3 tập các thể loại khác: tản văn, phê bình và lịch sử làng.
Nhà văn Đỗ Xuân Thu đã được trao 36 giải thưởng sáng tác văn học: 2 giải của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam: Giải B tập thơ Khúc đồng dao (2009); Giải C tập truyện ngắn Internet về làng (2015); 1 giải C tiểu thuyết Đỉnh phù vân của Bộ Công an và Hội Nhà văn Việt Nam (Cuộc thi “Vì An ninh Tổ quốc và Bình yên cuộc sống” 2017-2020); 2 giải của Bộ Giáo dục Đào tạo và Hội Nhà văn Việt Nam các cuộc thi truyện ngắn các năm 2004, 2009; 1 giải thi viết bút ký (2005) của Đài Tiếng nói Việt Nam; 4 giải của UBND tỉnh Phú Thọ: Giải thưởng Văn học Hùng Vương (2010), 2 giải A “5 năm” (2005-2020), (2010-2015), 1 giải B “5 năm” (2015-2020)…
Lão Choẽ đang chăn bò trên đồi thì thằng cháu họ đánh ôtô lên gọi về.
– Ông trẻ phải về ngay giúp cháu việc này. Không có ông trẻ là không xong. Quan trọng lắm.
Nó nói liến thoắng trong hơi thở. Lão Choẽ đủng đỉnh:
– Việc gì? Sao hôm nay mày lại quan tâm đến tao thế?.
– Đã bảo việc quan trọng mà lị. Ông trẻ cứ lên xe rồi khắc rõ.
– Thế còn đàn bò? – Lão Choẽ khư khư chiếc roi sau đít hất đầu về phía đàn bò.
– Kệ nó đấy. Cháu bảo bà trẻ rồi. Bà lên ngay bây giờ ấy mà. Ông trẻ khỏi lo.
Vừa nói nó vừa lôi lão đi, đẩy lão lên chiếc xe con bóng lộn rồi đóng sập cửa lại chẳng kịp cho lão nói thêm câu nào nữa. Đoạn, nó vòng ra sau xe, bước vào ngồi trước vô lăng, sập cửa lại, vù ga. Chiếc xe rùng mình lao đi để lại phía sau một đám bụi và sự ngơ ngác của lũ bò.
Từ một ông lão chăn bò, lão Chõe trở thành bảo vệ công trình xây dựng cho cai Binh như thế đó. Kể cũng lạ, chẳng biết cái thằng cháu họ ấy có ma lực gì mà tự nhiên đang là chủ hộ làm kinh tế giỏi của xã (tuy chỉ nuôi bò thôi) mà lão lại dứt áo ra đi lên thành phố làm cái chân trông nom công trình cho thằng Binh. Hôm ấy, khi yên vị trên xe rồi, thằng Binh leo lẻo nói: “Cháu vừa thắng thầu cái dự án xây dựng lớn lắm ông trẻ ạ. Ông trẻ biết không, để có được cái này thằng cháu của ông phải dày công mai phục, nuôi dự án như nuôi đề mới được đấy nhá. Mấy tỉ chứ bỡn à? Thế cho nên cháu phải chọn người thật trung thành, thật cẩn thận giúp cháu quản lý nó. Ở cái làng này, cả cái họ này phi ông trẻ ra chẳng ai làm được việc đó. Mí lại, hơi đâu quãi thóc cho gà rừng nó ăn, phải không ông trẻ?”. Hắn cười hề hề, vừa vặn vô lăng vừa thao thao bất tuyệt xem ra có vẻ mãn nguyện lắm.
“Cháu nói ông trẻ nghe nhé – Hắn tiếp tục – Làm kinh tế bây giờ phải nhanh nhạy, thức thời. Cứ chân chỉ hạt bột như ông trẻ biết bao giờ mới giàu được. Ừ, cứ cho nhà ông trẻ là hộ giàu của xã đi, là điểm sáng làm kinh tế của làng đi theo cách nói của mấy tay cán bộ xã nhưng thử hỏi cả đàn bò nhà ông trẻ bán được bao tiền? Giỏi lắm dăm chục triệu chứ mấy nả? Đấy đâu phải thu nhập của một năm, bốn năm năm trời tích cóp mới được đấy nhá? Suy ra, mỗi năm ông trẻ cũng chỉ thu được hơn chục tí thôi, phải không ạ? Nhưng mà để có được số tiền ấy, ông trẻ, bà trẻ rồi các cậu, các dì nữa không ngày nào là không phải theo đít đàn bò. Ngày nắng cũng như ngày mưa, ngày lễ cũng như ngày tết vưỡn cứ phải lo cho bò. Nào dịch nọ, bệnh kia, nào cỏ rả, chuồng trại, nó mà dính vào dịch lở mồm long móng thì mất cả nghiệp chứ bỡn à? Lo bò ốm còn hơn lo cho người ốm. Cháu nói có đúng không? Đúng chứ ạ?”. Hắn cười hề hề rồi lại tiếp: “Đằng này, cháu cứ theo công trình, chạy dự án, kiếm tiền tỉ ngon ơ. Thời buổi bây giờ không nghề gì giàu nhanh hơn cái nghề của cháu đâu ông trẻ nhá. Ông trẻ cứ giúp cháu, cháu trả lương thật hậu hĩnh. Cháu nói rồi, người nhà vẫn hơn chứ. Thóc đâu mà đãi gà rừng phải không ông trẻ?”.
Ngồi ghế sau, lão Chõe chỉ ậm ừ. Lão đang mải ngắm nghía, sờ mó cái xe ôtô. Oách quá. Êm thế cơ chứ. Đường đồi gồ ghề vậy mà chẳng thấy xóc một tẹo nào. Lại thơm nức mũi nữa. Từ bé đến giờ lão mới được ngồi lên cái xe sang trọng như thế này. Công nhận thằng Binh nó giỏi. Ba chục tuổi đầu đã là ông chủ. Ông chủ của nó thế chứ đâu như mình. Nó ông chủ tiền tỉ, hàng mấy chục công nhân, kẻ ăn người ở, tiêu tiền như rác, còn mình ông chủ thì… Cả họ, cả làng này ranh nhất nó. Hai năm bộ đội nó toàn xây trát vôi vữa. Chiến sĩ ban doanh trại chứ là cái thá gì. Thế mà ra quân, đi phụ vữa mấy năm nó tách ra đứng thợ cả. Từ thợ cả làm thuê cho mấy cai dần dần hắn lại tách tiếp ra làm B trực tiếp với xã. Từ nhận các công trình nhỏ lẻ của xã hắn tiến tới nhận một số công trình của huyện. Từ xe đạp cà tàng hắn cưỡi lên xe máy, rồi từ xe máy hắn lại leo lên ôtô. Bây giờ, hắn chơi cái công trình cấp tỉnh tiền tỉ này thì quả là quá giỏi. Học mới hết “cấp hai mới” chứ bằng nọ bằng kia gì cho cam. Thì thế mới là “Binh bốc”. Bốc vừa theo nghĩa bốc của phất lên lại vừa có nghĩa “ba hoa sít tốc” nhưng “nói ra bạc khạc ra tiền” của nó nữa. Cánh lãnh đạo thường rỉ tai nhau “tay này chịu chơi lắm” có cả cái ý ấy. Mặc cho nó cứ “nhá”, “nhá” huyên thuyên, lão Chõe ngồi sau tranh thủ hít hà tận hưởng cái cảm giác bềnh bồng lần đầu tiên được cưỡi “con” ôtô trị giá bằng cả trăm con bò nhà lão.
Thấm thoắt thế mà đã hơn ba tháng lão Chõe nằm trông coi công trường. Khởi công thế nào thì bây giờ vẫn thế ấy. Ngổn ngang gạch, cát, bề bộn xi, sắt, cốt pha. Giữa đồng không mông quạnh có mỗi cái lán trông coi vật tư của lão Chõe. Mãi sau, tìm hiểu kỹ ra thì đây là khu nghĩa địa vừa mới được san ủi. Để có được khu đất này, lãnh đạo thành phố đã phải kiên quyết lắm mới dẹp được số người cố tình không chịu di dời mồ mả. ấy vậy mà hôm khởi công, vẫn phải lập hàng rào chắn, phái cả công an, bảo vệ đến để canh chừng những kẻ quá khích gây rối. “Binh bốc” trúng thầu công trình này một phần do sự bạo chi, giỏi chia của hắn, phần khác hắn là người nơi khác đến chưa biết sợ là gì, trong khi đó cai của thành phố lại ngại không muốn dây vào chuyện mồ mả.
Chẳng như các công trình trước, công trình này “Binh bốc” tuyển mãi người trông coi nhưng cứ được vài ngày là người nào người nấy đều tìm đủ lý do để chuồn. Phần vì một thân một mình giữa bãi tha ma cũ, ngày thì chẳng sao đêm về nó thăm thẳm lạnh lẽo đến dễ sợ nên dù cứng bóng vía đến mấy cũng hoảng, phần vì thi thoảng lại có người đến đe dọa, gây rối. Thế cho nên làm bảo vệ cái công trình này sợ cả kẻ sống lẫn người chết. Công cao đến mấy cũng xin vái cả nón. Riêng lão Chõe đã trót nhận lời rồi đành phải chịu. Hơn nữa, “Binh bốc” cứ năn nỉ, ỉ eo. Nào là ông trẻ giúp cháu, chỉ có bậc cha chú như ông trẻ mới thương được cháu. Nào là đừng bỏ cháu với cái công trình hàng tỉnh đầu tiên này, cháu phải cố làm để giữ uy tín cho các công trình sau chứ. Mồm nó dẻo quẹo ra, lão Chõe không nỡ bỏ đi. Tính lão hiền lành chất phác, chịu thương chịu khó, không nhận lời thì thôi chứ đã nhận lời giúp ai rồi thì dứt khoát phải giúp cho đến nơi đến chốn. Người dưng đã vậy, huống hồ đây lại là thằng cháu (mặc dù chỉ là cháu họ) với sự nghiệp đang lên. Thế nên, lão cứ tha thủi một mình vào ra với cái lán lợp tôn dẹo dọ ở giữa đồng.
Đã gần cuối giờ làm buổi chiều, lão Chõe vẫn hì hục phơi tấm lưng trần bóng nhẫy mồ hôi mồ kê để khuân, kê, bê, vác dọn dẹp. Xếp lại số ván cốt pha, nhặt gọn đống gạch vỡ, chuyển số cây chống vào gần lán… Cứ trông thấy cái gì chướng mắt là lão lại nhặt nhạnh thu gom cho gọn gàng. Khổ nỗi, công trình chưa thi công ngổn ngang bao nhiêu thứ như thế thì thu dọn bao giờ cho xong? Ấy thế mà lão cứ hì hụi, hùng hục làm chẳng cần ai đôn đốc nhắc nhở. Tính lão thế. Chướng mắt không chịu được. Ngồi không chân tay buồn bực lắm.
Bim bim bim! Tiếng còi ôtô làm lão Chõe giật mình. Ngẩng đầu lên đã thấy thằng Binh thò đầu ra khỏi xe toe toét cười.
– Bỏ đấy ông trẻ ơi! Ông mà cứ dọn như thế thì bao giờ cho hết việc. Nghỉ tay làm lon bia thịt chó với cháu đã. Hề hề hề!
Hắn xuống xe ôm theo một bọc lỉnh kỉnh những bia lon và đùm nọ, gói kia. Lão Chõe rửa tay chân chui vào lán giúp nó bày biện các thứ. Mùi thịt chó mắm tôm bốc lên thơm phức. Hai người khoanh chân nhấm nháp. “Binh bốc” vừa nhai nhồm nhoàm vừa huyên thuyên đủ thứ chuyện.
– Ông trẻ biết không, cháu lại vừa trúng thầu hơn ba cây số đê quê mình rồi nhá. Lại tiền tỉ đấy. Chuyến này khối thằng phải bái phục cháu. Cứ khinh mãi thằng Binh boong này đi. Giờ chúng nó mới trắng mắt ra ông trẻ nhá. Tốt ra thì cháu cho làm “bê phảy” còn không á, cứ ngồi đó mà nhìn.
Lão Chõe ậm ừ. Không phải lão mải ăn, mải uống mà không bắt chuyện với Binh, cái chính là lão đang nghĩ sang chuyện khác. Chuyện này, lão định nói với Binh từ lâu rồi nhưng chưa tiện. Cứ định mở mồm ra là nó lại liến thoắng chặn ngay họng lão lại. Ấy là lão nhớ đàn bò. Nhớ da nhớ diết, nhớ cồn nhớ cào lên ấy chứ. Ban ngày, đứng bên đống vật liệu ngổn ngang, nhìn thấy mấy con bò đang gặm cỏ cạnh đó lão ngây người ra. Gọi lũ trẻ con lại chơi, cho chúng nghịch cát sỏi, còn lão lại gần lũ bò xoa tay lên từng con, ngửi cái mùi hôi của chúng, vỗ vỗ vào mông chúng cho bõ nhớ đàn bò nhà lão. Con này giống con đầu đàn nhà lão quá. Cao to, lông vàng nâu óng mượt, yếm vắt vẻo sát đất, đôi mắt nó tròn to in gọn cả hình lão trong đó. Vừa đủng đỉnh gặm cỏ, nó vừa vung vẩy cái đuôi như múa, đánh ánh mắt thân thiện nhìn lão. Khi lão xoa lưng nó, nó thở phì phì từng nhịp một rồi ngẩng lên, ghếch mõm liếm vào bàn tay của lão. Lão Chõe rùng mình đê mê. Đêm về, hễ chợp mắt là đàn bò lại hiện lên. Kia kìa, mấy con bê tự dưng dửng mỡ cong đuôi đuổi nhau kìa. Cha bố chúng mày, không chịu gặm cỏ tí nữa về lại rúc đầu vào vú mẹ mà bú nhá. Lại cả con cái tơ kia nữa, cứ nghênh nghếch cái đầu lên ngắm gì kia chứ? Hay lại muốn “lấy nước” rồi?
Có nhiều đêm đang ngủ lão bỗng giật mình đánh “pách” một phát rồi choàng tỉnh giấc vì tiếng bò rống lên kêu gọi lão trong mơ. Rồi cứ thế lão ngồi bó gối thức chong chong chờ trời sáng. Chao ôi, cái mùi bò sao lại hấp dẫn thế! Chẳng biết mẹ con bà Choẽ có chịu dọn sạch chuồng cho chúng nó nằm không? Giống bò là nó ưa sạch lắm. Chuồng trại bẩn một tí là chúng chẳng chịu nằm đâu. Thì đấy, lông con nào con nấy cứ thơm mượt, sạch bong đấy là gì. Thì thế mới gọi là bò. Rồi lão tủm tỉm cười một mình.
– Anh Binh này… – lão e hèm.
Binh bốc không hề để ý đến thái độ của lão Chõe, hắn ghé sát tai ông thì thào:
– Cháu nói ông trẻ biết nhé, cái mụ hay đến công trình này là vợ của giám đốc sở đấy. Nhờ mụ ấy mà cháu mới nhận được một loạt công trình, dự án đấy ông nhá. Cái vụ đê điều này cũng thế. Trông mụ ấy trẻ thế thôi nhưng cũng đã ngoài bốn mươi rồi ông trẻ ạ. Nhìn cũng ngon ra phết đấy chứ, ông trẻ nhỉ?”.
– Cha cái thằng này!
Lão Chõe lừ mắt. Binh bốc hề hề:
– Ấy chết, cháu quên. Xin lỗi ông trẻ nhá!.
Nhắc tới chuyện này, lão Choẽ chợt nhớ tới người đàn bà khá xinh xắn, rất đài các thi thoảng tới ghé thăm công trình. Dáng chị ta cao ráo, đôi chân dài, cặp mắt đong đưa lúc nào cũng có vẻ ươn ướt. Da dẻ chị ta trắng hồng, bộ ngực thây lẩy, tâng tâng. Đã thế, chị ta đi đứng lại khoan thai uyển chuyển, đánh mông lắc võng như rắn lượn. Tất cả cứ ngồn ngộn phây phây phô bày ra trước mắt. Chiều chiều, chị ta hay đánh bộ quần soóc trắng tinh, diện đôi giày ba ta trắng bốp, áo hai dây hở vai hở ngực trắng hếu, tay vung vẩy đi bộ một mình. Nhà chị ta ở gần đâu đây trong con phố này. Không chỉ đến các câu lạc bộ tập thể dục thể hình, chị ta còn thường xuyên đi bộ giữ eo. Mỗi khi chị ta đi qua đám đông, khối cặp mắt phải ngắm theo thầm ao ước. Đến hiền lành như lão Choẽ cũng không đừng được nữa là. Nhìn chị ta vung vẩy uốn éo, lão Chõe chép miệng: “Ngữ ấy là dâm phải biết, tốn đàn ông lắm đây”.
Chị ta một điều chị, hai điều chị với thằng Binh. Còn với lão Chõe, chị ta gọi anh, xưng em ngọt xớt. Cái dự án công viên sinh thái này nghe đâu cũng của chị ta thì phải. Chính mồm thằng Binh hé ra điều này. Nó nói nhỏ với lão: “Công viên chó gì ông trẻ. Khách sạn của ngài giám đốc sở đấy”. Chả thế mà thành phố phải lo giải phóng mặt bằng, thúc dân dồn mồ đổi mả cấp tập cứ như cướp đất không bằng. Mai kia, khu đồng không mông quạnh này là trung tâm thành phố mới, khách sạn đặt chỗ này thì chỉ có ngồi mà hót bạc. Binh len được vào công trình này là quá giỏi. Nghe đâu, hắn thắng thầu nhờ cái mã điển trai và môn võ mồm đấy. Người chỉ đường cho hắn chẳng phải ai khác chính là bà phu nhân giám đốc sở này. Cứ nhìn ánh mắt của chị ta với Binh thì biết.
– Ông trẻ biết không – Binh nhồm nhoàm miếng dồi chó nói tiếp – Mụ này khôn lắm, toàn dựa uy chồng để làm ăn. Cánh doanh nghiệp bọn cháu đều phải dựa vào mụ ấy đấy. Trong nhà mụ ấy, tít trên tầng thượng, ông trẻ nhá, chỉ dành riêng đặt ban thờ thôi. Chẳng biết tin ở đâu ra nhưng ai cũng thì thầm rằng ban thờ nhà giám đốc sở thiêng lắm. Bà vợ ông ấy có căn số cao lắm, hợp đường làm ăn lắm. Ngày lễ, ngày tết khách đến thắp hương nườm nượp. Ai muốn phát tài phát lộc cứ đến đó mà dâng lễ, nhờ bà ấy thắp hương cầu khấn cho, đảm bảo như ý luôn. Chả thế mà cánh doanh nghiệp bọn cháu hễ nghe phong thanh có dự án nọ, chương trình kia thì lập tức sắm lễ đến đó luôn đấy, ông trẻ nhá. Chẳng qua cũng là một cách hợp lý hoá phong bì thôi, ông trẻ ạ. Giám đốc sở nắm trong tay kế hoạch phân bổ dự án của tỉnh. Lệnh ông nhưng cồng bà. Bà căn cứ phong bì dày mỏng mà duyệt cho ai được làm, ai không được làm. Ông thấy có siêu không? Hề hề…
Hắn thao thao tuồn tuột ra với lão Chõe. Có lẽ chỉ có lão Choẽ mới được nghe những điều tuyệt mật này bởi lão là ông trẻ của Binh và điều quan trọng hơn là lão Choẽ không bao giờ hé răng với bất cứ ai những điều đó. Lão lành hiền, quê một cục là thế. Chính vì thế, lão mới được Binh chia sẻ, tin dùng.
– Anh Binh này – Lão lại cất giọng cắt ngang câu nói của Binh – Thế bao giờ mới thi công cái công trình này? Cứ bắt tôi một mình vò võ ở đây ư?.
Binh buông đũa cười ngặt nghẽo:
– Ối ông trẻ ơi là ông trẻ! Bao giờ thi công ư? Có mà tết Công gô nhá!
Lão Chõe tròn xoe mắt nhìn trân trân vào mặt Binh. Hắn dừng cười khom mình vươn đầu qua mâm cỗ, ghé sát tai lão Choẽ thì thào:
– Dự án ma ấy mà!
Lão Chõe lắc đầu không hiểu. Binh lại thì thào:
– Lấy đất, giữ đất là chính, ông trẻ ạ. Công viên chỉ là cái cớ thôi. Khách sạn mới là chính. Khu đất đẹp thế cơ mà! Mai kia ổn ổn rồi người ta cắt đất bán đi, của ruộng đắp lên bờ tha hồ mà xây, ông nhá.
Lão Choẽ  “à, ờ” rồi cũng gật gật cái đầu. Ra thế! Thì ra là nó thế! Thảo nào bao nhiêu mồ mả cũng di dời hết, bao nhiêu người búc xúc cũng phải chịu hết vì “ý nghĩa” của cái dự án công viên phục vụ lợi ích công cộng này.
Chợt lão Chõe sững người:
– Thế anh bắt tôi nằm ở đây đến bao giờ?.
“Binh bốc” hề hề:
– Thì ông trẻ cứ ngồi chơi lĩnh lương cơ mà!
– Tôi không thích. Ở đây khác nào đi tù.
– Ông trẻ cứ nói quá. Khối người mơ như ông trẻ mà không được đấy. Hề hề hề hề!
Binh bốc lấp liếm. Lão Chõe bực quá, đặt đôi đũa đánh quạch một cái xuống mâm, nói:
– Tôi nói nghiêm túc đấy. Anh cho tôi về. Không thì kệ xác anh.
Binh bốc vội nắm lấy tay lão Chõe:
– Con xin ông trẻ. Ông giúp con thời gian nữa, từ từ để con tìm người. Ông trẻ đã thương con thì thương cho trót. Đừng bỏ con ông trẻ nhá!
Hai tay “Binh bốc” lắc lắc bàn tay lão Chõe. Đôi mắt nó xệ xuống như sắp khóc. Lão Chõe thấy thế chùng giọng:
– Thực tình, tôi nhớ nhà quá anh ạ. Anh bố trí cho tôi nghỉ ít ngày về thăm mẹ con bà ấy đi, rồi tính sau.
“Binh bốc” vội gật đầu:
– Được rồi, được rồi. Con sẽ sắp xếp. Con biết ông trẻ thương con lắm mà.
Rồi hắn lại cười hề hề. Hắn biết tỏng bụng dạ lão Chõe, lão nhớ vợ con thì ít mà nhớ lũ bò thì nhiều. Với lão phải dùng tình cảm là chính chứ đưa chuyện tiền nong, công sá ra là hỏng việc ngay. Lão mà ưng thì tậu lấy vài con bò cho lão vừa coi công trình vừa thả bò có khi lại hay ấy chứ. “Binh bốc” nghĩ vậy và lại cười hề hề…
Chờ hơn tiếng đồng hồ vẫn không có xe lên Phủ Đoan. Đã bảy giờ tối. Màn đêm ập xuống tự bao giờ. Trên đường chỉ còn lại vài chiếc xe tải vội vã phóng vù vù qua trước mặt lão Chõe. Lão lẩm bẩm chửi tục. “Mả cha chúng bay chứ. Chẳng cho ông đi thì chớ lại còn vù ga phụt khói, tung đám bụi mù mịt lại cho ông ư. Quân mất dạy!”. Lão vừa chửi lũ ôtô vừa ấm ức với thằng Binh. Cho lão nghỉ về thăm quê mà mãi tận chiều tối nó với thằng bạn mới đánh ôtô đến thông báo. Kể cũng tội cho nó, chẳng nhờ được ai đành phải tự mình thay lão mấy hôm. Ôtô thì cho thằng bạn mượn. Đang chân đi chân chạy như nó mà phải nằm xó thế thì khó chịu lắm. Thôi thì mặc xác mày, ông cứ về quê mấy ngày cái đã. Lão Choẽ hăm hở bắt xe và tưởng tượng cảnh vợ con lão ra đón lão như thế nào. Dứt khoát, lão phải chạy ra chuồng bò ngắm lũ bò trước đã. Thế mà bây giờ vẫn chết dí ở đây. Chờ đến hơn tám giờ tối, đường phố thưa thớt xe cộ. Hết xe khách rồi. Lão Chõe thở dài. Cố chờ thêm chút nữa, sau lão đành lủi thủi quay về lán trại. Thôi, để mai dậy sớm bắt xe về vậy.
Đêm cuối tháng không trăng, không sao. Ra khỏi khu phố, lão Chõe thập thững cắt ngang qua đường tàu nhằm hướng ánh đèn hắt ra từ lán trại giữa đồng, nơi mà mấy tháng nay lão đã một thân một mình ở đó. Tiếng là mở công trường nhưng khu này vẫn lạnh lẽo lắm. Thay vào những mô mả mới chỉ có cái lán lợp tôn tạm và những đống gạch cát, cốt pha của thằng Binh.
Trời cuối thu se lạnh. Mới chập tối mà cỏ đã ướt đẫm sương. Lão Chõe ấm ức bước thấp bước cao về lán. Chợt lão Chõe sững sờ phát hiện ra một bóng người trắng toát đang từ phía khu mả mới chưa di dời tiến về phía lán. Lão thót tim dừng lại. Ai ra lán của mình vào giờ này nhỉ? Chắc không phải? Mọi ngày chập tối đã vắng tanh vắng ngắt rồi cơ mà? Hay là kẻ trộm? Biết mình về nó đột nhập chăng? Liệu thằng Binh có biết mà đối phó không nhỉ? Hay sợ vãi đái ra rồi lại chạy trước nó? Ngữ ấy chỉ được cái “già dái non hột”. Nước mẹ gì. Dứt khoát không phải ma rồi. Làm gì có ma. Lão Chõe lặng lẽ cúi người tiến về sau lán, nấp mình sau đống gạch căng mắt dõi theo cái bóng trắng chập chờn đó.
Bóng trắng qua khu mả mới lên đường tiến vào cổng chính của lán. Lão Chõe thủ sẵn cây gậy. Bóng trắng đến cửa lán. Qua ánh đèn hắt ra từ khe cửa, lão Chõe nhìn rõ bóng trắng chính là cái cô gái mà thi thoảng đã ra kiểm tra công trình. Sao lại kiểm tra vào lúc này nhỉ? Mà sao lại ăn mặc hớ hênh thế kia cơ chứ? Bóng trắng gõ cửa.
– Ai?
Thằng cháu lão lên tiếng.
– Anh Binh à? Mở cửa cho tôi cái!
Bóng trắng cất lời.
– Ai thế?
Cháu lão hỏi lại lần nữa. Rồi chẳng đợi thằng Binh mở cửa, bóng trắng đẩy cửa ào vào. Thằng Binh giật mình quần đùi áo lót từ trên giường lao xuống. Hắn vung cái côn lên. Chưa kịp vụt xuống thì bóng trắng cười ngặt nghẽo:
– Tôi đây. Diễm đây. Gớm, trông có khiếp không kìa!
Thằng Binh thu côn tròn mắt:
– Sao… Sao chị biết tôi ở đây?
– Biết chứ. Có gì mà người ta không biết.
– Có việc gì mà giờ này chị còn ra đây? Không sợ ma à?. Diễm cười ngặt nghẽo:
– Ngố ạ. Có mà ma Binh thì có.
Nói đoạn, Diễm tóm lấy tay Binh kéo tụt Binh ngồi xuống.
– Người ta đi bộ qua đây thấy đèn sáng thì rẽ vào. Thế thôi! – Diễm nói tỉnh bơ. Binh dò hỏi:
– Mọi hôm cũng vậy à?
– Đâu có. Ai dám động vào ông chú của anh. Ông Chõe nhà anh ấy, trông đàn ông lắm nhưng cứ lì lì. Sợ sợ là.
Diễm cười tít mắt.
– Thế sao biết hôm nay tôi ở đây mà ra? Có việc gì quan trọng không? – Binh ngây ngô hỏi lại.
– Sao à? Kia kìa!
Vừa nói, Diễm vừa chỉ tay lên nóc lán. Binh nhìn lên. Lão Chõe cũng dán mắt qua cái lỗ nhỏ bức vách nhìn lên theo hướng tay của Diễm. Một cái bóng con con như bóng đèn được giấu khá khéo trong bộ vì kèo, quá giang.
– Ca-mê-ra? Mắt thần à? – Binh thật thà hỏi. Diễm gật đầu rồi cười toá lên sằng sặc.
Lão Chõe giật mình. Tự nhiên mặt lão đỏ bừng. Bỏ mẹ lão rồi. Có mấy đêm trời nóng quá, tắm táp xong, lão cứ để nguyên bản thế, tồng ngồng để ngủ. Nghĩ rằng giữa đồng không mông quạnh có ma nào ra đây thì tội gì chẳng “nguyên thuỷ” thế cho nó sướng. Thế mà… Thảo nào, mấy lần chị ta gặp mình ánh mắt cứ đong đưa, miệng lại cười tủm tỉm. Thì ra thế. Thế có chết cho lão không cơ chứ.
– Còn việc gì quan trọng à? Việc này này…
Diễm vừa nói vừa lôi bàn tay Binh đặt lên ngực mình. Đôi mắt Diễm long lanh hứng tình. Lão Choẽ tròn mắt. Binh lóng ngóng:
– Tại đây?
Diễm gật.
– Thôi, để hôm nào ra khách sạn đi – Binh đề nghị. Diễm ngúng nguẩy:
– Ra cái điều. Mèo lại chê mỡ. Diễm thích ở đây cơ. Cho nó thiên nhiên. Khách sạn mãi, chán rồi.
Lão Choẽ ù tai. Giời ạ! Đúng là lũ mèo mả gà đồng. Trai đương ba mươi tuổi đang xoan gặp gái bốn chục hồi xuân thế này thì…
– Nào. Nhanh lên. Xong rồi người ta cho xem cái này hay lắm.
Diễm nài nỉ ôm Binh chặt hơn. Cái đai áo hai dây tụt xuống trễ nải. Cặp vú trắng hếu tớn lên chờ đợi.
– Dự án mới à? – Binh hỏi.
Diễm nũng nịu:
– Chứ lại còn. Người ta phần cho đấy. Đẹp giai, khoẻ như bò cà thế này ai mà chịu được.
Và thế là hai đứa đổ ập vào nhau trước cặp mắt kinh hoàng của lão Chõe.
Lão Chõe lúc đầu định lao vào gỡ chúng ra song suy đi tính lại chẳng nước nào hơn là nước chuồn. Lão quay trở lại con đường tắt lúc nãy lão đã đến. Về thôi! Phải về ngay đêm nay thôi! Không thể ở thêm một phút giây nào nữa. Nhơ nhuốc lắm. Dứt khoát hôm nào lão phải nhổ vào mặt thằng cháu họ mới được. Giàu thế để làm gì? Mày cam tâm làm điếm đực ư? Nhục lắm. Lừa ông làm cửu vạn cho lũ chúng bay à? Còn lâu nhá. Ông thà đi chăn bò còn hơn.
Nhắc đến đàn bò, người lão phấn chấn hẳn lên. Bước chân lão gấp gáp. Mặc cho vấp ngã, lão cứ nhằm hướng ánh đèn đường phố mà vừa đi vừa chạy. Lão thở hổn hển. Người lão nóng ran. Quên cả cái đói, chỉ nhớ đàn bò. Không có ôtô à? Không có xe thì ông đi bộ. Cần chó gì. Hơn ba chục cây chứ mấy vạn. Ông sẽ đi hết đêm nay. Chín giờ sáng mai thế nào chẳng về được đến nhà. Không, ông chưa về nhà vội, ông sẽ đi tắt qua đồi lên chỗ thả bò trước đã. Mẹ con bà ấy thể nào chẳng ở đó. Bò ơi! Mẹ con bà nó ơi! Tôi đang về đây. Tôi đếch làm giàu theo kiểu thằng Binh được đâu. Tôi chỉ quen làm giàu từ bò thôi. Chậm nhưng mà sạch và lại chắc nữa bà nó ạ.
Cứ thế lão Chõe gọi vợ con, gọi bò và cắm cổ hăm hở đi bộ xuyên đêm bỏ lại đằng sau phố phường đang nhập nhòe những ánh đèn xanh đỏ.
4/1/2023
Đỗ Xuân Thu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...