Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2024

 


Những Điều Không Thể Hỏi

trích trong tuyển tập khoảng cách của biệt ly

Tôi cảm thấy hết sức xốn xang trong suốt buổi viếng nhà bà T. trong ngày thứ tư hôm ấy. Ánh nhìn khao khát trong đôi mắt ngây thơ, bộ dạng ngẩn ngơ trong thế đứng thẳng đuột và cánh tay vói về trước trong vô vọng của thằng bé đang ở trong chiếc xe bị kéo ngược bởi sợi dây buộc tại một góc phòng khách làm tôi bứt rứt, không yên tâm. Theo bài bản, nếu chứng kiến cảnh trẻ bị ngược đãi, tôi có thể khuyến cáo phụ huynh, gọi nhân viên bảo vệ trẻ em hoặc hủy buổi dạy; đằng này, không có cảnh chửi rủa hay đánh đập và thằng bé chỉ là đứa nhỏ mà bà T. nhận tại nhà. Thật tình là tôi không nỡ và cũng chưa từng báo chuyện đối xử trẻ con tàn tệ của phụ huynh tôi trong hơn bốn năm làm giáo viên viếng nhà cho chương trình Head Start. Do rõ quan niệm xưa của người Việt là “Thương con cho roi cho vọt. Ghét con cho ngọt cho bùi.” tôi đã sớm giải thích các luật lệ của Mỹ cho phụ huynh của tôi nhằm ngăn ngừa những chuyện không hay. Dù thể nào, khi nói về luật bảo vệ trẻ em, tôi thường được huấn luyện về các trường hợp hành hung thân xác, dày vò tinh thần hay xao lãng bỏ bê chứ chưa bao giờ được nghe đến trường hợp về sự giới hạn trong giao tiếp hay tách biệt không gian sinh hoạt giữa một đứa trẻ và một nhóm người đang quây quần mà trong đó có cả tôi. Không đành lòng, tôi đề nghị với bà T. trong lúc đặt các đồ dùng dạy học trước mặt hai đứa cháu của bà:

- Dì có thể cho thằng bé ấy ra học chung với Anthony và Henry không? Để nó đứng một mình ở chỗ ấy cháu thấy tội nghiệp quá!

- Không được đâu cô! Thằng Chư này chỉ mới mười sáu tháng thôi, nhỏ quá mà học được gì! Đưa ra đây, nó phá làm sao hai đứa này học được?

- Tuổi ấy cũng đã học được rồi dì à! Học đây nghĩa là được sinh hoạt chung với người lớn để có kinh nghiệm chứ không phải viết chữ cái như Anthony và Henry đâu. Bé Chư này có thể tham gia với mình ráp mấy cái hình này rồi nghe mình hát để nhại theo hay bắt chước vỗ tay. Còn không thì cháu cho nó mấy tờ giấy in hình và chì màu để nó tập tô màu. Nếu dì cho nó ra đây, cháu cho nó ngồi cạnh và sẽ trông chừng kỹ, bảo đảm nó không phá phách gì đâu.

- Thôi đi cô ơi! Cô chỉ ở đây có một tiếng rưỡi mà vừa dạy vừa dịch làm sao đủ thời gian. Tuần này tôi có nhiều giấy tờ cần cô dịch lắm. Với lại tôi còn muốn nhờ cô gọi bà cán sự Xã Hội ở chỗ phát phiếu trợ cấp thực phẩm và thẻ khám bệnh miễn phí xem bà muốn gì! Bà gọi tôi hôm qua mà nói gì tôi không hiểu.

Ánh mắt cương quyết của bà T. làm tôi không muốn trái ý. Nhưng để giải tỏa phần nào nỗi bận tâm của mình, trước khi bắt đầu buổi sinh hoạt, tôi bước nhanh đến chỗ Chư, đặt vài món đồ chơi và mẫu ráp hình trên mặt bàn của xe đẩy, rồi nói vội với nó như tỏ ý xin lỗi:

- Cháu không thể ra được, vậy thì chơi một mình với những thứ này vậy nghe!

Với khuôn mặt không lộ chút buồn vui, thằng bé lặng lẽ nhận những vật được trao cho, rồi lủi thủi chơi với chúng. Sau đó, nó đã không hề làm phiền đám người đang quây quần với nhau, cho dù có lúc chúng tôi hát to, đọc lớn và vỗ tay huyên náo. Ngay cả lúc vụng về làm rơi những mẫu hình xuống nền nhà, nó cũng chẳng hề gọi ai nhặt giúp lên. Thái độ cam phận quá đáng của nó khiến tôi không khỏi tò mò. Trước khi ra về, tôi hỏi bà T.:

- Thằng bé Chư này là con của ai vậy dì?

Bà T. nói với vẻ mặt đầy quan trọng:

- Nó là con của hai vợ chồng ở trong cùng building này với tui đó cô. Nghe đâu là ba mẹ nó thương nhau khi còn ở Việt Nam nhưng sau đó phải chia tay vì chỉ có mỗi mình ba nó được gia đình bảo lãnh sang Mỹ. Một thời gian sau, không hiểu người nào ở Pháp bảo lãnh mẹ nó sang đó du lịch, rồi ba nó mua vé đưa sang đây ở luôn. Vì không có thẻ an sinh xã hội nên mẹ nó phải kiếm việc làm bằng tiền mặt. Ngày nào mẹ nó cũng theo xe nhờ để đi làm nên mới nhờ tôi giữ con dùm.

Trước khuôn mặt đầy ưu tư của tôi, bà T. hào hứng tiết lộ thêm:

Cô biết không, mẹ nó là người Bắc “bảy lăm” đó.

Rất ngạc nhiên, tôi hỏi:

- Vậy hả dì?

- Ừ- Bà T. thấp giọng trầm đến khó có thể nghe rõ, như thể không muốn cho người nào đang ngồi gần đó đang nghe lóm- Bởi vậy mới nói là không phải chỉ có ngườI miền Nam mình trốn ra nước ngoài đâu nghe cô. Ở miền Bắc cũng có nhiều người “khẩu phục mà tâm không phục” lắm đó. Chứ yêu thương thể nào thì thể chứ không đồng quan niệm thì làm gì có chuyện rời bỏ quê hương ra đi như mình.

- Chuyện của họ đặc biệt lắm nhưng chẳng hiểu ẩn khúc bên trong thế nào - Tôi nói trong phân vân, rồi hỏi tiếp

- Mà tên của hai người đó là gì vậy dì?

- Tên của ba nó là Nguyễn, còn mẹ nó là Hà.

- Cháu chưa nghe tên của gia đình này. Thật lạ là họ ở đây hơn ba năm trời mà cháu không hề biết.

- Tụi nó ít giao tiếp với ai lắm cô à. Chẳng qua cần người trông con để đi làm nên tụi nó mới đem con đến đây thôi. Mà chương trình của cô chỉ giúp những gia đình có con từ ba tuổi đến năm tuổi chứ đâu có giúp trẻ em nhỏ như vầy, cho nên đâu có ai giới thiệu tụi nó cho cô mà cô biết.

Đúng như lời bà T.: Chương trình Head Start mà tôi làm chỉ dành cho những gia đình có con từ lứa tuổi ba đến năm; cho nên, dù tôi biết hầu hết các gia đình Việt Nam tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn, không thể viếng những gia đình có con nhỏ hơn hay lớn hơn độ tuổi này. Điều này có nghĩa là dù tôi quen biết cha mẹ của Chư, tôi không thể ghi danh nó vào chương trình mà tôi đang phục vụ. Nghĩ là thế nhưng tâm trí của tôi đã không thể xóa được những gì mà mình vừa chứng kiến. Và tôi đã đem hình ảnh của nó đến tận nhà của Lệ.

- Em có biết vợ chồng nào tên Nguyễn và Hà trong building này không? Tôi hỏi Lệ sau khi dịch xong các giấy tờ cho nàng.

- Anh Nguyễn và chị Hà hả chị? Ảnh chỉ ở ngay trên phòng của tụi em nè! Chỉ là thợ may còn ảnh là nhân viên bưu điện. Hai người ấy hiền và ít giao thiệp với ai lắm. Đi làm về là họ ở trong nhà. Lâu lâu, anh Nguyễn mới xuống đây nhậu với anh Minh của em thôi - Lệ hồn nhiên nói một lúc rồi khựng lại hỏi vặn - Mà chị hỏi ảnh chỉ làm gì vậy?

- Tại chị nghe nói họ có đứa con trai nhỏ đó mà!

- Thằng Chư đó hả? Nó chưa được ba tuổi mà. Khi nào nó ba tuổi em nói chị Hà ghi danh tên nó vào chương trình của chị cho. Đừng lo!

- Trung tâm chị sắp mở một chương trình mới gọi là Early Head Start. Chương trình này phục vụ cho con nít từ mới sinh cho đến ba tuổi. Nếu gia đình ấy muốn, sẽ có nhân viên đến giúp.

- Chư mới được mười mấy tháng mà học gì chị! Mà nó có ba tuổi đi nữa chưa chắc chị Hà chịu ghi tên nó vào chương trình của chị đâu vì chỉ cần việc làm lắm. Chỉ kiếm mãi mới được bà T. giữ con cho để đi làm, mừng quá xá chừng! Chị mà xúi chỉ nghĩ làm, ngồi nhà chờ người đến dạy cho con thì làm sao chỉ kiếm tiền được chớ?

- Đâu cần phải nghỉ việc! Thì cũng như em vậy thôi! Chỉ cần cho biết ngày nào nghỉ thì cán sự xã hội sẽ đem đồ dùng dạy học đến hướng dẫn cách thức sinh hoạt với đứa nhỏ! Có như vậy đứa bé mới có điều kiện học hỏi. Chứ để nó...

- Việc làm của chị Hà chỉ được nghỉ vào những ngày thứ bảy chủ nhật thôi. Mà trường chị đâu có làm việc cuối tuần. Theo em, nếu gia đình cần tiền thì để đứa nhỏ đến lúc gần nhập học Mẫu Giáo hãy ghi danh vào chương trình. Em chuẩn bị cho thằng Tú lúc sắp nhập học cũng đâu có muộn gì.

- Vậy thì chờ đến khi Chư ba tuổi em giới thiệu vào chương trình Head Start chứ đừng chờ đến lúc nó bốn tuổi như Tú.

Tôi đã nói thế để kết thúc cuộc đối thoại. Tôi hiểu là mình không thể nói cho nàng rõ thêm những boăn khoăn của mình và cũng không thể kể những gì mà tôi thấy trong nhà của bà T. Hơn nữa, Lệ vốn là người vô tư. Cho dù sự tình phức tạp ra sao, theo nàng, đều có thể giải quyết sớm hay muộn bởi cách này hay ngàn cách khác. Như chuyện của Tú, đứa con đầu của nàng. Mặc dù không có điều kiện ghi danh cho Tú vào chương trình Head Start như các phụ huynh khác, nhưng Lệ lo chu toàn từ đơn sinh nhập học, giấy khám sức khỏe, đến giấy khám răng đầy đủ cho thằng bé trước khi vào lớp Mẫu Giáo công lập. Nàng đắc ý là chỉ cần vài tháng trước khi nhập học, Tú đã có thể viết thạo tên, nói đúng các màu, đọc đúng các hình dạng và đếm được năm mươi con số bằng tiếng Anh chứ không cần phải vào chương trình lúc ba tuổị như những đứa trẻ khác. Lệ ít khi lo xa vì tin là cô ta đuổi kịp thời gian khi hoàn thành bất cứ chuyện gì. Và khi nói đến tính vô lo của nàng, tôi chẳng bao giờ quên ngày nàng sinh Kathy, em gái của Tú và cũng là đứa bé mà tôi đang dạy trong chương trình. Hôm ấy, sau khi dạy Tú xong, Lệ nhờ tôi cùng đi đến bệnh viện để thông dịch cho buổi khám bầu định kỳ của nàng. Đến nơi tôi mới vỡ lẽ đó là ngày đứa bé thứ hai của nàng sắp chào đời và bác sĩ cần người thông dịch kỹ càng các giấy tờ trước khi nàng sinh trong trường hợp cần phải mổ. Minh, chồng nàng, phải tất tả chạy về nhà đem mọi thứ đồ dùng cần thiết vào bệnh viện vì họ chẳng hề biết gì về chuyện sinh nở này. Sau một giờ làm thủ tục, Lệ sinh ngay một bé gái kháu khỉnh, mẹ tròn con vuông. Vì được may mắn với mọi chuyện, ngay cả chuyện quan trọng như thế nên Lệ thường vô lo trước mọi việc ngay cả chuyện kiếm tiền trên đất Mỹ. Mặc dù là thợ làm móng tay giỏi và được chủ tiệm ưu ái, lương của nàng chẳng bao giờ hơn đồng nghiệp của nàng. Bởi quan niệm: “Sức khỏe quan trọng hơn tiền bạc” và “Còn người còn của”, nàng thường báo nghỉ bất cứ khi nào con nàng ốm hay bản thân không được khỏe. Ngoài ra, cũng vì quan niệm “Đã lấy tiền của khách thì phải làm cho tử tế!” mà mỗi lần phục vụ khách trong tiệm móng tay, nàng làm kỹ lưỡng như cho chính bản thân trong những phút thư thái.

Bản tính đặc biệt của Lệ ngày càng thu hút tôi gần gũi với nàng nhiều hơn. Mỗi lần đến viếng nhà nàng, tôi thường lưu lại tối thiểu là mười lăm phút để tâm tình hay nghe những câu chuyện kể.

Tôi đã cười hì hì mãi khi nghe nàng ví những móng tay của khách là những khung tranh và nàng là họa sĩ chân chính. Nàng cho rằng sự đồng dạng và cân đối của các mẫu vẽ trên các móng tay của khách gây cho nàng thích thú nhiều hơn là tranh đua chạy theo phiên với các thợ khác cho nên nàng cứ từ từ miệt mài với các bức tranh của mình chứ không hề quan tâm đến chuyện khách ngồi chờ đông nghịt phía trước tiệm hay chủ gọi inh ỏi. Rồi tôi lại cười ha ha khi nghe chuyện cô chủ lo xa của nàng. Ngày đó, cô chủ của nàng sợ tiệm có nhiều khách nên đã nhờ chồng đến tận nhà nàng rước ra tiệm làm sớm hơn thường lệ. Đúng như sự dự phòng, tiệm vào ngày lễ hôm ấy có rất nhiều khách nhưng khi Lệ đến nơi thì lả người, mà theo nàng là bị trúng gió, nên cô chủ đành phải bỏ mặc khách đang nôn nóng trước hàng ghế đợi để cạo gió bóp dầu cho nàng rồi réo ông chồng đưa về. Những câu chuyện của Lệ thường làm tôi cười hả hê và vui thích.

Thú vị nhất là nghe nàng lý luận về nghề nghiệp mà nàng đang làm. Nàng đã hết sức lạc quan khi ví nghề bikini wax và nghề làm móng chân của mình chẳng khác gì nghề của bác sĩ đỡ đẻ và bác sĩ chân. “Chị nghĩ thử coi! Tuy mấy người bác sĩ có bằng cấp cao thật nhưng hành nghề có khác gì tụi em đâu! Cũng phải đụng vào chỗ bí hiểm, phải nâng chân, kiểm móng cho khách có khác gì tụi em! Cho nên nếu người ta nói nghề nghiệp của tụi em là nghề hạ cấp của xã hội Mỹ là sai! Mà nói nghề nào xấu hay hạ cấp cũng sai! Chỉ có người xấu chứ không có nghề xấu!”

Tôi thường tán thành với những lý lẽ lạc quan mà Lệ đưa ra như đã từng ngưỡng mộ tinh thần lạc quan của những người trong gia đình con lai được chính phủ Mỹ bảo lãnh sang đây. Với tâm niệm cho đời con mình có cuộc sống khác hẳn cuộc sống khổ sở mà mình từng có, họ luôn luôn vui tươi với những việc làm tay chân nặng nhọc hằng ngày trên quê hương thứ hai này. Là nhân viên viếng nhà, tôi có nhiệm vụ là huấn luyện cho phụ huynh mình tự tin trong vai trò làm người thầy giáo đầu tiên của con họ trước khi vào trường công lập. Tuy nhiên, khi làm việc với họ, tôi đã học rất nhiều điều từ những câu chuyện về cuộc sống khốn khổ mà họ đã trải qua. Đa số phụ huynh của tôi là con lai và được bảo lãnh sang Mỹ theo diện con lai; cho nên, mỗi khi tâm sự về hoàn cảnh của mình, họ thường đưa tôi về những thời gian cực cùng mà họ đã trải qua sau năm 1975.

Qua các câu chuyện của họ, tôi nhận ra rằng kiến thức không chỉ nằm trong sách vở mà còn từ những người không có khả năng ghi chép trong sách vở. Những mẫu chuyện làm tôi cảm thấy đau xót cho thân phận của những người có hai giòng máu Việt Mỹ và thương họ nhiều hơn. Một người nào đó đã nói rằng “Nếu tôi ở vào trường hợp bế tắc và cực khổ như anh, tôi cũng sẽ hành động như thế, tôi cũng sẽ làm được như thế, có khi còn hơn như thế!” Câu nói này tự tin quá đáng đối vi sự hiểu biết của tôi. Vì theo những mẫu chuyện nghe được, tôi không thể hình dung được là mình sẽ làm gì nếu tôi ở vào tình trạng như các phụ huynh của tôi đã trải qua. Như dì Xanh, có cô con gái lai Mỹ trắng, đã bị bắt bớ và tra tấn bởi cả cảnh sát Quốc Gia lẫn du kích Việt Cộng nằm vùng do bị tình nghi là gián điệp khi thường xuyên ra vô Bình Định-Sài Gòn để buôn bán làm ăn. Hay Long, lai Mỹ trắng, phải ngủ đầu đường xó chợ và kiếm miếng ăn bằng nghề đánh giày. Hay Thi, lai Mỹ đen, phải lang thang từ nơi này đến nơi khác vì sự hắt hủi và miệt thị của họ hàng kể cả mẹ ruột của anh ta. Hay Dũng, lai Mỹ trắng, con trai của ba T., phải bươn chải theo mẹ mót lúa, bắt cua, câu cá trên đồng dưới mương. Họ, vì trải qua cuộc sống cơ cực nên khi được chính phủ Mỹ bảo lãnh sang đất nước tự do, đều cố gắng trong sự tự học, mưu sinh kiếm sống và chăm lo con cái chứ chẳng hề than van hay rên rỉ khi gặp khó khăn. Càng tiếp xúc vớị các gia đình này, tôi càng thấy yêu mến tính cách của họ nhiều hơn. Nhưng, trong tất cả, tôi thích nhất hai gia đình của Lệ và Yến.

Nếu Lệ cho tôi sự thích thú về tính lạc quan và điềm đạm của nàng trước những khó khăn xảy ra bất ngờ thì Yến đã làm cho tôi yêu mến tính yêu đời và khoáng đạt của nàng. Yến, cũng là phụ huynh trong chương trình Head Start mà tôi đang làm việc. Giống như gia đình của Lệ, gia đình nàng đến Mỹ theo diện con lai, nhưng khác là chính bản thân nàng là con lai trong khi chồng của Lệ là con lai. Vì cùng chung một hoàn cảnh, và hòa hợp tâm tính, cả hai gia đình của họ gắn bó với nhau chẳng khác gì bà con ruột thịt. Lệ và Yến đều yêu mến tôi và rất thích tâm tình với tôi nên đã yêu cầu tôi liệt giờ viếng nhà họ trong cùng một ngày để cả ba chúng tôi có cùng thời gian sinh hoạt chung lâu hơn. Theo lời họ, tôi đã gặp cả hai tại một nơi trong cùng một ngày. Có lúc chúng tôi cùng sinh hoạt tại nhà Yến, có khi tại nhà Lệ. Thời gian gần gũi với nhau càng dài đã làm cho cả ba chúng tôi càng thân thiết như chị em ruột.

Năm 1999, chương trình Head Start của trung tâm Rosemount có mở hai buổi học cho học sinh trong chương trình viếng nhà tại điểm phụ ở khu Mount Pleassant nên Kathy, con của Lệ và Linda, con của Yến, được tiếp xúc với các trẻ khác sắc tộc tại lớp học. Một buổi sáng khi dẫn con đến lớp, Lệ đã đưa Hà đến giới thiệu với tôi để Hà xin ghi danh cho Chư vào chương trình Head Start.

Gặp lại Chư, tôi hết sức xúc động bởi vì hình ảnh cam phận của nó ngày xưa vẫn còn giữ trên khuôn mặt trầm lặng và hiền hậu của nó. Chỉ có khác là Chư không tỏ ra cam phận như xưa: Nó thường khóc khi phải rời mẹ trước giờ vào lớp, và không muốn về nhà sau một ngày ở lớp học. Hà đã kiên nhẫn nấn ná ở lại với Chư trong những ngày đầu tiên và thường giải thích với tôi về thái độ đặc biệt này của nó. Thêm vào đó, nàng cho tôi biết chuyện nàng đã nghỉ làm, chuyện may vá tại nhà, chuyện chăm sóc Chư và Susan,em gái Chư, chuyện học nấu ăn từ chương trình dạy nấu ăn ở máy thu thanh, chuyện được người phỏng vấn chấp thuận cho đi Mỹ và những chuyện cá nhân khác. Những lời tâm tình thành thật của nàng kèm theo phong cách điềm đạm và lễ phép đã làm tôi có thiện cảm rất nhiều. Sau đó, qua các buổi viếng nhà, họp phụ huynh, và hướng dẫn về sức khỏe, tôi càng yêu mến nàng hơn. Và hiểu sao Lệ và Yến đã thân thiết với nàng chẳng khác gì với nhau.

Tôi đã làm việc liên tục với gia đình Lệ, Yến và Hà trong suốt nhiều năm liền vì sau đó chương trình viếng nhà của Head Start có thêm Lisa, đứa con thứ ba của Lệ, Robert, con thứ ba của Yến và Susan, con thứ hai của Hà. Mỗi tuần một lần, ngoài chuyện sinh hoạt với những đứa nhỏ, thông dịch giấy tờ, hay nấu các món ăn, tôi thường bàn với họ về những phương pháp dạy dỗ những đứa trẻ thành công trên đất Mỹ. Duy một vấn đề mà tôi chỉ nói tỉ mỉ với Lệ và Yến mà không hề nói nhiều vớI Hà là sinh hoạt Hướng Đạo mà tôi tham gia làm trưởng. Sở dĩ như vậy là vì tôi biết Hà sinh ở miền Bắc, đã từng quen thuộc với lá cờ đỏ sao vàng và có lẽ sẽ không bao giờ để con nàng sinh hoạt dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ của những người miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Hiện tại, dù sống lưu vong ở nước ngoài, những người tị nạn của chúng tôi vẫn tổ chức chào lá cờ vàng của mình trong những ngày hội họp của cộng đồng người Việt kể cả các buổi chào cờ của các liên đoàn Hướng Đạo Việt Nam. Vì không muốn đặt Hà vào trường hợp khó xử, tôi đã không hề khích lệ chuyện Hà ghi danh cho các con nàng vào phong trào Hướng Đạo Việt Nam; cho dù tôi rất bứt rứt trước sự sinh hoạt khác biệt giữa những đứa con của Lệ và Yến với hai đứa con của nàng. Trong khi những đứa con của Lệ và Yến đều có điều kiện học giỏi thêm qua những hoạt động của Hướng Đạo, những sinh hoạt ngoài trời, và những ngày cắm trại trong hai ngày thứ bảy và chủ nhật, hai đứa con của nàng chỉ ở nhà với mẹ hay quanh quẩn với vài căn hộ gần đó trong cùng một chung cư. Có lẽ Hà thấu rõ ẩn khuất của vấn đề này nên không bao giờ hỏi han gì khi nghe tôi nói về những buổị họp Hướng Đạo. Nàng cũng không hề tỏ ra thắc mắc khi nghe Lệ và Yến xôn xao bàn tán về thờI khóa biểu và những sinh hoạt của đoàn Hướng Đạo Chi Lăng tại Hoa Thịnh Đốn, kể cả những sinh hoạt đáng kể như cắm trại, phát quà trong lễ Giáng Sinh, văn nghệ trong Tết Nguyên Đán, rước đèn trong Tết Trung Thu, hay thăm viếng người già nhân ngày Lễ Tạ Ơn. Ngoài vấn đề này, bốn chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ thân thiết và gần gũi như ruột thịt.

Sau này, khi các con của Lệ, Yến và Hà đã vào trường công lập, gia đình của họ dời ra khỏi các khu chung cư và mỗi người mua nhà một nơi, chúng tôi vẫn thường gọi điện thăm hỏi và viếng nhà lẫn nhau. Chúng tôi, có lúc đến nhà Yến tại Woodbridge, có lúc đến Lệ ở Hoa Thịnh Đốn, có lúc thăm Hà ở Centreville, và có lúc tụ tập ở nhà tôi tại Maryland. Đến nhà Yến, chúng tôi được ăn các món miền Trung như bún bò, mì hay hến xúc bánh đa. Đến nhà Lệ, chúng tôi được thưởng thức các món miền Nam như phở, bún mộc hay chả ram. Đến nhà Hà, chúng tôi được ăn những món miền Bắc như bún riêu, thịt nướng hay bánh rán. Đến nhà tôi, họ được ăn những món đồ biển như gỏi sứa, xúp măng cua hay tôm chiên lăn bột. Cứ thế, chúng tôi thường luân phiên họp nhau tại nhà một người nào đó vào thứ bảy hay chủ nhật để tâm tình và thưởng thức những món ăn đặc biệt do chủ nhân làm.

Mỗi khi tổ chức tiệc, vợ chồng tôi mời tất cả bạn bè cũ mới thân quen cùng đến trong một thời gian để không khí thêm vui nhộn và thuận tiện. Những lúc như thế, những người bạn của chồng tôi và những người bạn khác của tôi thường tinh tế nhận ra sự khác biệt nơi Hà qua giọng nói của nàng. Tuy nhiên, chẳng ai tỏ ra ngạc nhiên hay tò mò tìm hiểu. Hầu hết mọi người đều có cảm tình với Hà vì lối nói chuyện thành thực của nàng.

Trong một buổi họp mặt tại nhà, tôi đã ngạc nhiên hỏi Qui, người bạn gái vốn ít nói của tôi, đang cười nói thân tình với Hà:

- Chuyện gì mà hai người tụm đầu nói thì thầm với nhau coi có vẻ hợp ý vậy Qui?

Qui đáp:

- Em đang hỏi thăm chị Hà về mấy đứa con của chỉ. Mà nghe chỉ kể về con trai của chỉ thấy tức cười quá.

Tôi đoán:

- Chắc hai người đang nói về tính im lặng và tách biệt của Chư phải không? Hồi nhỏ nó đã thường như vậy, lớn không đổi. Chị thấy nó lặng lẽ ngồi một mình ở ngoài phòng khách chứ chẳng chơi chung với đứa nào.

Hà lắc đầu:

- Không phải đâu chị ơi! Em đang kể cho chị Qui nghe chuyện em bị cô giáo Chư gọị đến văn phòng vì bài viết của nó. Cô giáo cho đề tài viết cảm tưởngvề Giáng Sinh và ông già Nô en mà nó viết là nó chặt đầu ông già Nô en đem quẳng ra đường làm cô giáo gọi em lên hỏi xem ở nhà nó có coi nhiều phim bạo lực không.

- Dữ vậy hả? Mà em có biết tại sao nó viết như vậy không?

- Em cũng chẳng hiểu vì sao. Chứ ở nhà nó chỉ coi phim hoạt hình và chẳng bao giờ nói chuyện gì hung tợn cả.

- Có lẽ vì Chư có quá nhiều hình ảnh tưởng tượng và thành thật viết ra những gì nó nghĩ cho nên bài viết mới ra như thế. Biết bao nhiêu điều tưởng tượng của những đứa nhỏ mà mình không bao giờ nghĩ ra hay biết được nếu chúng không bày tỏ qua lời nói hay các giòng chữ. Đứa nhỏ nào cũng như vậy thôi.

Tôi đã nói qua loa như thế vì không muốn đi sâu vào chuyện riêng tư của Hà trong bàn tiệc, nhưng trong thâm tâm rất áy náy vì những điều vừa nghe. Tôi tự trách mình đã không nói nhiều với Hà về chuyện sinh hoạt Hướng Đạo, không cho nàng biết hiệu quả của phong trào giáo dục này đối với việc hạn chế giờ xem vô tuyến truyền hình của trẻ và không khích lệ nàng cho hai đứa nhỏ con nàng tham gia. Tôi nhớ sợi dây kéo ngược chiếc xe đẩy của Chư năm nào. Chẳng khác gì khoảng cách giữa chiếc xe đẩy của Chư với nhóm người đang quay quần sinh hoạt, sự cấm đoán của người lớn đã làm hạn chế cơ hội học hỏi và phát triển kiến thức của một đứa nhỏ mà cho dù mười sáu tháng, tám tuổi hay lớn hơn nữa, nó không thể hiểu được nguyên nhân. Ý nghĩ này làm tôi buồn day dứt sau bữa tiệc ngày hôm ấy.

Vài ngày sau, Hà gọI thăm tôi. Nàng nói:

- Tiệc nhà chị hôm nọ vui quá mà tiếc là chúng em không ở lại lâu được. Về nhà, anh Nguyễn khen mấy đứa con của chị mãi. Ba đứa con trai mà chẳng đợI cha mẹ bảo thấy đâu làm đấy.

- Tụi nó làm như vậy không phải vì anh chị ép lòng hay bắt buộc đâu nghe em. Tụi nó có nề nếp ngay từ khi đi Hướng Đạo nên giờ thấy việc là làm ngay, không cần phải đợi ai sai bảo hay nhắc nhở gì cả.

- Em thấy tụi nó làm là biết tụi nó tự nguyện mà. Không ngờ Hướng Đạo dạy trẻ tốt như vậy hả chị!

- Cho con đi Hướng Đạo sẽ được như vậy đó em. Mấy đứa trẻ, ngoài việc đi học, không có việc gì làm ở nhà sẽ dán mắt hàng giờ với ti vi và computer, hoặc sẽ lơ là hay ỷ lại việc lớn nhỏ cho cha mẹ. Trái lại, những đứa đi Hướng Đạo, được ra ngoài trờI sinh hoạt, được làm quen theo lối học, chơi và làm của Hướng Đạo, sẽ hiểu rõ bổn phận và trách nhiệm của chúng đối với bản thân, gia đình, và cộng đồng nhiều hơn. Như mấy đứa con chị, ngay từ nhỏ mỗi lần đoàn Hướng Đạo có cắm trại là phải họp theo đội để góp tiền, phân nhau mua thức ăn, rồi nấu ăn, rửa chén. Mấy đứa nhỏ không biết nấu nên thường mua đồ hộp theo, chứ mấy đứa lớn thì mua nấu đủ thứ món. Cơm, canh, xào,kho, nướng, hấp không thiếu loại nào. Mỗi lần tụi lớn nấu thì tụi nhỏ bâu lại xem, rồi xúm xít phụ dọn bàn để cả đoàn cùng ăn chung. Ăn xong, lớn nhỏ phân công dọn dẹp hay rửa chén. Lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ. Đứa làm việc này thì khỏi làm việc khác chứ chẳng có đứa nào trốn việc được. Nếu đứa không phải dọn dẹp hay rửa chén thì cũng phải đi kiếm củi để dành đốt cho lửa trại. Nói tóm lại là nhờ đi Hướng Đạo mà tụi con chị quan tâm vớị cả những công việc riêng và chung. Nhà chị đã quen với lối Hướng Đạo rồi. Mỗi lần có việc là tất cả cùng làm xong rồi nghỉ. Ngoài ra, các công việc nhà đều được phân công rõ ràng. Không cần ai nhắc nhở hay sai bảo, tụi nó đã biết nhiệm vụ và bổn phận của mình nên cứ thế mà làm. Sở dĩ em thấy tụi nhỏ con chị rửa dọn ngay ngắn các thứ vì tụi nó hiểu là sớm hay muộn cũng phải làm nên thấy đâu làm dó cho xong. Với lại, cho dù không là trách nhiệm tụi nó cũng phải giúp cha mẹ vì châm ngôn của người Hướng Đạo là sẵn sàng giúp ích mọi người bất cứ lúc nào. Cho nên, vợ chồng em thấy tụi nó giúp anh chị làm công việc nhà là chuyện thường.

Tôi đã nói một hơi dài như để giải bày tất cả những gì mà tôi đáng phải nói cho Hà biết trong nhiều năm trươóc đó cho dù tôi không tin những lời của tôi có thể thuyết phục được sự kiên định của nàng. Thế nhưng, tôi đã ngạc nhiên khi nghe nàng hỏi:

- Chị có thể cho em biết số điện thoại điện thoại của đoàn Hướng Đạo ở Virginia không?

- Số điện thoại? Số điện thoại của đoàn Hướng Đạo ở Virginia? A...ý em hỏi số điện thoại của các trưởng Hướng Đạo ở Virginia phải không? Tôi lập bập hỏi vì không tin được điều vừa nghe.

- Dạ phải. Em muốn biết số điện thoại của đoàn Hướng Đạo gần nhà để ghi tên cho hai đứa con em đi sinh hoạt thứ bảy chủ nhật chứ chúng ở nhà thấy tội quá.

- Ừ, đúng rồi. Để chị tìm rồi gọi lại em sau. Nhưng mà..

- Sao ạ?

- Ơ... Không có gì. Chị chỉ muốn nói là chị không có số điện thoại của các trưởng Hướng Đạo ở Virginia ở đây. Để chị tìm rồi gọi cho em biết sau.

- Vâng, khi nào cũng được, em không cần gấp lắm. Bây giờ em chào chị nhé. Cho em gửi lời thăm anh và các cháu.

- Ừ chào em. Chị sẽ gọi lại cho em sau.

Tôi bâng khuâng rất lâu sau khi nói tạm biệt. Dự định cho con theo đoàn Hướng Đạo của Hà đã làm tôi sốc. Tôi muốn hỏi nàng có biết là các con nàng sẽ chào lá cờ vàng ba sọc đỏ của chúng tôi khi chúng tham gia sinh hoạt trong đoàn Hướng Đạo và sẽ đặt tay trên lá cờ này trong buổi tuyên hứa không. Nàng đã biết việc này trước khi quyết định chưa? Đây là quyết định của nàng hay là sự gợi ý của chồng nàng? Hay là nàng đã nhận ra lá cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng cho dân chủ tự do và màu da của chính bản thân nàng sau bao nhiêu năm sinh sống trên đất nước này? Hay là nàng đã rõ sự lợi ích của phong trào Hướng Đạo Việt Nam đối với sự phát triển lành mạnh cho trẻ em? Tôi có quá nhiều câu hỏi dành cho nàng nhưng tôi hiểu là mình không thể nào hỏi những điều có tính cách riêng tư. Thật đáng tiếc là tôi không thể hói về những điều mà tôi muốn thuyết phục nàng. Tôi sẽ giữ chúng trong ý nghĩ của mình khi báo cho nàng số điện thoại của các trưởng Hướng Đạo ở vùng Virginia.

Cung Thị Lan

Theo https://vivietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...