Hoa Tigôn Trắng
Trở lại Sông Mao sau ngày Tết thật là buồn và nhớ nhà nên đi bộ về căn nhà
tập thể tôi cảm thấy như con đường dài hơn. Đột nhiên khi đến ngã rẽ, thầy Bình
trờ xe đạp trước mặt tôi, chìa hai gói bọc bằng giấy báo:
“Đây là hai gói quà Tết anh để dành chờ Lan trở lại để đưa
Lan đây. Lan mở gói này ra ăn trước vì thức ăn đã lâu. Còn gói kia thì giữ đến
khi nào mở cũng được.”
Dứt lời anh đạp xe thật nhanh không kịp để tôi nói lời nào.
Tôi ngờ ngợ nhìn theo dáng anh rồi nhìn hai gói quà. Gói nhỏ hơn thì nặng còn
gói mà anh nói lúc nào cũng mở được thì to nhưng nhẹ hơn rất nhiều. Cảm động và
háo hức tôi vội bước thật nhanh đến nhà mở cửa rồi đi nhanh lên gác.Vừa cất tập
xong tôi nhét gói quà to phồng dưới gầm đầu giường rồi mở gói quà nhỏ ra ngay.
Một thanh bánh tét, vài chiếc bánh thuẩn, và số loại mứt gừng dừa xếp gọn trong
bọc nhựa. Tất cả dường như được sắp xếp rất cẩn thận trước khi bọc vào trong giấy
báo. Mỉm cười tôi đem bánh tét xuống nhà để chia cùng các chị ở tập thể nhưng
giữ những món ngọt để dành ăn từ từ.
Những ngày tiếp theo đó, tôi định gặp thầy Bình cảm ơn nhưng
anh có vẻ lẫn tránh. Tôi vì bận với những việc dạy dỗ, giáo án, và sinh hoạt
các nhân tôi đã quên bẵng luôn. Đến khi những món mứt bánh của thầy Bình đã hết
tôi chợt nhớ món quà mà anh dặn khi nào mở cũng được ra để kiếm thức ăn, ăn tiếp.
Kéo gói quà từ gầm giường ra, tôi mỉm cười đắc ý vì tin rằng mình sẽ có những
món ăn hết sức đặc biệt và thú vị. Thế nhưng khi mở gói giấy ra tôi ngạc nhiên
đến sững sờ vì gọn trong các tấm báo là một chùm hoa tigôn màu trắng rất tươi đẹp.
Tôi nhớ có lần thầy Bình hỏi tôi có biết T.T K.H không và tôi
trả lời ngay:
“Biết chớ! Lan thích nhất là bài Hai Sắc Hoa Tigôn. Đại khái
là Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn. Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn. Nhuộm
ánh trăng tà qua mái tóc.Tôi chờ người đến với yêu thương. Phải không?”
Thầy Bình gật đầu:
“Đúng rồi, anh thích đoạn: Người ấy thường hay vuốt tóc tôi,
Thở dài trong lúc thấy tôi vui. Bảo rằng hoa giống như tim vỡ. Anh sợ tình ta
cũng vỡ thôi.”
Tôi mỉm cười, giễu:
“Anh Bình thật lãng mạn! Đến giờ còn nghĩ đến thơ T.T.K.H là
quá lãng mạn rồi nhưng cái xứ khô cằn sỏi đá như vầy thì lấy đâu ra hoa Tigôn
mà kể đến chuyện Hai Sắc Hoa.”
“Thế mà có ngày nào anh sẽ tìm hoa Tigôn cho Lan xem!”
Tôi đã cười trừ cho qua chuyện bởi những cuộc đối thoại với
những đấng mày râu như thế thường là những cuộc bàn luận qua loa...
Thế nhưng, bây giờ chùm hoa tigôn trắng đang nằm trong hai
bàn tay tôi. Nó không đơn giản là bằng chứng của sự cam chắc mà là một sự trao
tặng hết sức trân trọng. Một thoáng bâng khuâng loang trong ý nghĩ của tôi khiến
tôi hồi tưởng lại những cử chỉ ân cần của thầy Bình đối với tôi trong những
ngày trước đó. Đột nhiên tôi cảm thấy sợ hãi. Sau khi ra trường Cao Đẳng Sư Phạm
Nha Trang, tôi đã tình nguyện đăng ký đi dạy xa. Khi đến thị trấn Sông Mao này
tôi nghĩ mình đã chôn hết kỷ niệm của những gì thuộc về trước năm 1975. Bây giờ
tôi sống trong cái vỏ của một người khác, một người đã mất cả mọi thứ thuộc về
tinh thần và nhất là hai chữ tình yêu. Hai năm trong thị trấn hiền hòa Sông Mao
này, tôi đã vin vào tình thương dành cho những đứa học trò chân chất để quên những
đau buồn tiềm ẩn. Có lúc niềm đau xưa tiềm tàng trong những phút nhớ nhà, nhớ
thành phố biển, tôi sợ phải nhận những gì thuộc về tình yêu. Ba ngày nay có lẽ
thầy Bình chờ phản ứng của tôi nhưng tôi đã không biết món quà mình có và đã hết
sức bình thản như đã từng. Vậy thì tôi tiếp tục giả như tôi chưa từng mở món
quà này ra hay đã vô tình tặng cho ai mất rồi.
* *
*
Năm học mới tôi dời về nhà tập thể mới. Tuy gọi là nhà tập thể
nhưng căn nhà này không thuộc Nhà Nước mà là căn nhà trống của mẹ chị Hát, giáo
viên cùng trường, cho tôi và cô giáo Hoa, người cùng quê Nha Trang với tôi, ở
miễn phí. Giữa năm học cô Hoa lấy chồng, thường về khu tập thể của chồng ở trường
khác, tôi thường ở nhà một mình.
Năm đó tôi bị nhức chiếc răng cấm nên quyết định đi đến Phan
Rí, nơi căn lầu có bảng quảng cáo thật lớn “Sáu Nhổ Răng Không Đau” để nhờ nha
sĩ Sáu nhổ dùm. Nhổ răng về tôi bị sốt, chóng mặt và nhức đầu suốt cả tuần. Đau
nặng, tôi không thể lên giường mình trên gác mà nằm trên giường cô giáo Hoa
đang bỏ trống. Mê man với cơn sốt, tôi nằm li bì không thể mở mắt ra. Và vì
không thể ngồi dậy nên tôi đã để cửa không khóa ngày cũng như đêm. Mê man ngày
này sang ngày khác tôi không ăn uống gì.
Khi những tiếng nói của học trò văng vẳng tôi hé mắt ra thì
thấy từng tốp học trò cả nam lẫn nữ đang chăm chú nhìn tôi với những cặp mặt lo
âu. Nghiêng nhìn sang chiếc ghế xếp được dung làm chiếc bàn nhỏ cạnh giường tôi
chập chờn thấy tô cháo, ly nước và vài loại trái cây nhưng tôi không thể nào
nói hay làm gì được và tôi thiếp đi.
Đang mê man tôi chợt linh tính có ai đang chăm chú nhìn mình
nên tôi mở mắt ra và nhận ra đôi mắt lo âu của thầy Bình. Vẫn thói quen tôi
nghiêng đầu về phía cạnh giường. Chiếc ghế xếp kê thành bàn nhỏ không còn bên cạnh
và thầy Bình đang ngồi sát cạnh giường tôi. Khoảng cách gần sát khiến tôi chau
mày. Tôi và thầy chưa từng có khoảng cách gần như thế nên tôi rất ngại. Tôi muốn
nói gì đó nhưng miệng tôi khô khốc và tôi lại thiếp đi.
Khi tiếng nói của ông hiệu phó trường dội vang căn phòng, tôi
tỉnh giấc, lồm cồm ngồi dậy tìm hiểu nguyên nhân. Ông cho tôi biết phòng giáo dục
đến kiểm tra giáo án trường nên ông phải tìm lấy những cuốn giáo án của tôi để
trên tại bàn viết ngay tại đầu giường mà tôi đang nằm để nộp cho ban thanh tra.
Ông khuyên tôi đi khám bệnh để xin giấy nghỉ thêm vì sức khỏe tôi khá trầm trọng.
Lời khuyên của ông không tác dụng nhưng tin thanh tra khiến tôi lo lắng, tỉnh hẳn.
Hôm sau tôi vẫn còn sốt nhẹ nhưng có thể ngồi dậy được. Để trị
chứng sốt và khô miệng, tôi uống nước rất nhiều. Tuy nhiên, tôi không trị được
chứng sốt ương bướng này. Thêm vào đó, tôi ho rất nhiều. Khi khạc đàm, thấy máu
lợn cợn bên trong tôi tưởng mình bị lao nên chán nản trở lại giường năm lì.
Thầy Bình tới thăm, tôi buồn rầu bảo anh:
“Lan ho mà trong đàm có máu rất nhiều chắc bị ho lao rồi. Người
ta nói sốt mà ho có máu là bị lao anh đừng đến đây nhiều mà lây lao thì khổ
đó!” Nói xong, cơn sốt làm tôi thiếp đi.
Khi tỉnh lại, tôi thấy vài đứa học trò đứng cạnh giường, hỏi
han gì đó. Tôi mơ màng trả lời những điều không rõ rồi thiếp đi. Khi tỉnh lại
tôi lại thấy thầy Bình nhìn tôi chăm chú. Tôi muốn nói gì nhưng không nói được.
Mắt tôi sụp xuống r ồi lại thiếp.
Chập chờn lúc nhắm mắt, lúc mở mắt, có lúc tôi thấy học trò,
có lúc tôi thấy thầy Bình với khoảng cách thật gần. Bởi đầu nặng như búa bổ và
không nói được tôi thường thiếp đi sau khi mở mắt nhìn mông lung trong giây
lát. Tuy nhiên, trong tiềm thức, có lẽ cái khoảng cách giữa tôi và thầy Bình
quá gần đã làm tôi sợ đến độ khi tỉnh dậy tôi đã trả lời câu hỏi “Lan thấy thế
nào? Đã khỏe chút nào chưa?” bằng câu hỏi “Sao anh Bình đến đây hoài vậy? Học
trò hay tới thăm Lan mà Lan nằm như thế này và anh ngồi sát cạnh đây, tụi nó dị
nghị tưởng tụi mình có gì thì làm sao?”
Thầy Bình ôn tồn nói:
“Anh nghe Lan ho có triệu chứng lao nên tìm lá ( Tên lá gì
quên rồi) nấu nước cho Lan uống. Anh chế nước trong bình rồi, có ly nước đây. Nếu
uống hết thì Lan ra đàng sau bếp lấy thêm.Vẫn còn nhiều nước trong soong. Thôi
giờ anh về.”
Hôm sau tôi hết sốt, đi đứng bình thường nên đến trạm xá khám
bệnh cốt để xin giấy chứng nhận nghỉ bệnh. Y sĩ cho biết tôi không có bị lao
nhưng bởi nhổ răng máu còn đọng trong cổ nên khi ho, máu vẫn vào đàm. Trùng hợp
là tôi có bệnh cúm cùng lúc nên bị sốt, nhức đầu và kiệt sức. Chứng nhận bệnh của
trạm xá cho tôi được phép nghỉ thêm nhưng tôi đi làm ngay vì tôi buồn bực về kết
quả kiểm tra của phòng giáo dục đối với bộ giáo án của tôi. Họ cho rằng tôi đã
nhờ người viết giáo án hộ khi chữ viết của tôi có hai loại hoàn toàn khác nhau:
Một ngay ngắn và một fantasy.
Bị đánh giá oan, tôi quá ức nên cằn nhằn với ông hiệu phó trường,
đồng thời phụ trách chuyên môn của giáo viên cấp hai: “Tại sao thầy không cho họ
biết là tôi ở một mình thì tôi nhờ ai viết? Mà ai có thể soạn thảo được giáo án
để cho tôi dạy? Thầy biết tôi là người thế nào, tôi không làm biếng cũng không
bao giờ gian dối. Đời nào tôi mượn công người khác để làm việc cho mình mà sao
thầy không nói với họ để họ đánh giá bộ giáo án của tôi như vầy?”
Ông hiệu phó trả lời một cách lạnh lùng: “Tôi chẳng bao giờ
thấy cô viết chữ viết xiên xẹo, bay bướm như thế này làm sao tôi nói với họ được.”
Tôi im lặng, nghĩ ông nói đúng quá. Chẳng bao giờ ai thấy hay
biết tôi viết loại chữ fantasy này. Vì loại chữ này tôi có thể viết nhanh hơn
loại chữ tôi thường nên tôi thường ghi nhanh những điều xảy ra trong tập nhật
ký trước khi đi ngủ mà thôi. Những ngày bị chiếc răng đau hành, tôi đã dùng loại
chữ fantasy để viết cho nhanh. Cho nên, bây giờ mở cuốn giáo án Lịch Sử Lớp 8,
tôi còn thấy rõ hai loại chữ hoàn toàn khác nhau. Rõ là tình ngay lý gian và là
chứng cớ rõ ràng để ban kiểm tra đánh giá một cách chắn chắn là tôi bị bệnh nên
nhờ người khác viết giáo án hộ. Không biết nói gì hơn, tôi đành im lặng với sự
oan ức.
Chưa hết cơn buồn, vừa ra khỏi phòng ban giám hiệu, tôi gặp
thầy Bình mời dự đám cưới của thầy. Tôi sững sốt không hiểu hư thật nhưng cố tạo
vẻ bình thản. Giờ chơi, các giáo viên họp trong phòng giáo viên bàn tán chuyện
đám cưới của thầy Bình và hẹn nhau đi dự. Tôi cũng xin tháp tùng theo. Lòng
phân vân không rõ tình cảm của đàn ông như thế nào? Tôi chợt nhớ nhánh hoa
tigôn trắng năm học vừa qua và nồi thuốc lá chữa bệnh lao mới một tuần trước đó
rồi suy nghĩ hoài không hiểu tình cảm của người đàn ông này đối với tôi ra sao?
Tình yêu? Tình bạn? hay tình thương hại? Tôi chua chát với ý nghĩ: “Đã muốn yên
nên mình tìm đến chỗ khỉ ho cò gáy này, thế mà không được yên!”
Chiều hôm đó tôi đi dự đám cưới thầy Bình với các chị giáo
viên cấp 1 ở Hòa Thuận. Cô dâu có khuôn mặt đẹp phúc hậu rất xứng với khuôn mặt
điển trai nét lai Pháp của thầy Bình. Vì lần đầu tiên được dự đám cưới ở Chợ Lầu
cùng với hầu hết các giáo viên cùng trường Hải Ninh, tôi cảm thấy rất vui. Vui
nhất là được thưởng thức những món ăn mà từ khi vào Sông Mao dạy cho đến lúc ấy
tôi mới được ăn như vậy.
Một tuần sau, tất các giáo viên trong trường Hải Ninh đều phải
đến xã học chính trị. Vì họp vào buổi tối những người đại diện trong Uỷ Ban Xã
phải dùng đèn dầu cho bàn chủ tịch. Tôi đến trễ, thu mình một góc ngoài sân, cạnh
chiếc cửa bên hông của phòng họp. Ánh đèn lù mù không rõ ai là ai. Tôi cảm thấy
dễ chịu bởi không muốn ai biết mình ngồi ở đâu; thế nhưng, những cơn ho khan
làm tôi khốn khổ cố ngăn lại. Chợt một bàn tay chìa ra trước mặt tôi với một một
gói nho nhỏ trong đó. Tiếng nói của của thầy Bình vang lên:
“Lan cất thuốc này uống sẽ hết ho ngay!”
Tôi ngạc nhiên, ngần ngừ, không nói gì và cũng không nhận.
Bàn tay đưa sát tôi hơn:
“Lan nhận đi! Vợ anh làm y tá ở trạm xá có nhiều lắm. Đừng ngại!”
Tôi nhận, cất vào túi và im lặng. Như những người đang im lặng
ngồi gần, tôi cố gắng lắng nghe những người trong uỷ ban xã đang nói về vấn đề
gì.
Chợt thầy Bình nói:
“Có lẽ Lan không biết anh bị mụt hành chân phải mổ, phải
không? Khi anh đến trạm xá được Thanh đang làm y tá tận tình chăm sóc cho anh
khiến anh nhớ ngày tìm lá chữa bệnh cho Lan. Thay vì cảm động tình anh, Lan hỏi
sao anh tới thăm Lan nhiều lần và còn sợ học trò dị nghị nên anh nghĩ rằng
Thanh mới là người thực sự thương anh và xứng đáng là vợ của anh. Vì vậy sau
khi chữa lành chân, anh xin cưới Thanh ngay.”
Gật đầu nhè nhẹ tôi nói khẽ:
“Anh quyết định thật đúng vì anh sẽ có hạnh phúc với người
thương yêu anh như chị Thanh.”
Nói xong tôi im lặng không nói gì thêm giả như lắng nghe lời
phát biểu từ trong phòng. Tôi mắc cở bởi biết những người ngồi cạnh đang lắng
nghe đối thoại của chúng tôi. Tôi đoán mọi người đang quan sát chúng tôi bởi
không chuyện gì mà không biết trong trị trấn Sông Mao nhỏ bé này.
Nhưng…có một chuyện mà mọi người không biết là gói hoa Tigôn
anh tặng cho tôi. Tôi không biết thầy Bình hái chùm hoa Tigôn này ở đâu khi bốn
năm Sông Mao tôi không bao giờ tìm thấy bụi hoa Tigôn nào.
Cung Thị Lan
Theo https://vivietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét