Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Nỗi buồn và hơi ấm từ núi rừng mù sương

Nỗi buồn và hơi ấm
từ núi rừng mù sương

Tác giả Châm Võ tên khai sinh Võ Thị Châm làm nghề dạy học, cây bút trẻ đầy triển vọng của Lai Châu. Chị viết văn, làm thơ như trả nợ tình yêu với miền đất Sìn Hồ ken sít núi chất ngất đá, đột ngột suối khe, sở hữu đới khí hậu ôn đới và cả nhiệt đới, chia thành vùng cao, vùng thấp, vùng biên giới và dọc sông Nậm Na; nơi sinh dưỡng của 14 dân tộc, cư dân đa số là người Thái, người H’mongz, người Dao.
Châm Võ thủ thỉ sự thấm trải ý nghĩa đời sống của bản thân ở tọa độ có độ cao nhất Lai Châu, một thị trấn núi gợi cảm nằm trọn trong lũng vây bọc của đá núi. Những điều đó đã ánh xạ vào sáng tác mang vẻ đẹp hồn nhiên, trong trẻo, phồn sinh.
Những câu thơ thảng thốt của chị Vanvn.vn từng giới thiệu:
“Dưới tán Sơn Tra bạt ngàn sắc trắng.
 Lúng liếng đồng tiền em cười vương màu nắng sớm mai.”
“Giấc mơ em bỏ lại ở chợ đêm San Thàng”
“Trăng lên rồi em ơi! Về với anh kẻo trời sắp sáng
Nghe gậy gõ lạch cạnh: đón em về cùng trăng.”
Nhưng những truyện ngắn, tản văn chị sáng tác về Sìn Hồ – Lai Châu thì lại truyền cảm hứng cho chúng ta yêu thương miền đất khắc nghiệt không chỉ ở những lệ tục thói quen của tộc người mà cả thiên nhiên cũng thử thách cuộc sống bình thường, bằng chính tình yêu của chị.
Một thứ văn phong không quá dụng tu từ, đẹp và đau, khiến ta buồn, bất lực rồi tự đặt câu hỏi cho mình, rằng đã có những câu chuyện như thế, rằng núi sông nước Việt hùng vĩ phong nhiêu nhưng cũng cay nghiệt với con người… Và con người với con người cũng chưa hẳn biết lắng nghe nhau. Ta sẽ phải làm sao đây, để điều tốt đẹp được nhân truyền hơi ấm, để nỗi buồn núi mù sương cao vơi bớt…
NTTK giới thiệu
SƯƠNG LẠNH ĐẦU ĐẦU ĐÔNG PHỐ NÚI
Gió lạnh đã về trên cao nguyên Sìn Hồ. Những chiếc lá úa tàn của mùa thu còn vướng vít trên cành cây khẳng khiu đang run rẩy trong lớp sương trắng bạc bám quanh mình. Sau một đêm gió lạnh về vẫn chưa nỡ lìa cành để những mầm chồi chuẩn bị hồi sinh trong lớp vỏ cây sần sùi. Phải chăng, những chiếc lá vẫn luyến tiếc cuộc đời mà cố níu những khoảnh khắc cuối cùng của sự sống? Hay vì nhớ nhung nhịp sống của cao nguyên trong buổi sớm mùa đông mà chẳng muốn chia xa? Phố núi của tôi, đã đón bao mùa đông rét buốt, đã giữ bao cuộc đời ở lại với cao nguyên…
Tôi co ro trong chiếc áo rộng thùng thình dạo quanh phố núi buổi sớm mai. Trên cánh đồng, rơm rạ đang rúc vào nhau để phủ ấm cho đất. Sương ngạo nghễ hơn khi gió về nên cứ quấn riết lấy cỏ cây, núi rừng cả ngày lẫn đêm. Dọc con đường chính, những hàng quán đã bắt đầu mở cửa, bóng điện được bật lên, lung linh cả con đường. Phố núi nhộn nhịp tiếng bước chân, lỉnh kỉnh tiếng dọn hàng, lạch cạnh tiếng dao thớt và chỉ trong phút chốc là sực nức mùi thơm của những món ăn mà hình như ở đâu cũng có là phở và bánh mì. Nhưng tôi lại say cái vị thơm dịu dàng của Tào Phớ người Hoa lang thang trong sương sớm ở một góc cuối của khu chợ mà Mía – cô bạn người Mông đã mời tôi thưởng thức năm ấy để ghi dấu ngày chúng tôi là bạn. Tôi được cả gia đình Mía chào đón như một thành viên trong nhà vì thế những tháng ngày gắn bó với Sìn Hồ của tôi lại càng trở nên ý nghĩa.
Tôi từng ăn ngấu nghiến Tào Phớ với phô mai ở Hà Nội nhưng chưa bao giờ tôi quên được vị cay cay của ớt chỉ thiên rừng muối chua trộn trong Tào Phớ của người Hoa ngày chợ phiên ở Sìn Hồ. Chẳng cần bát sứ, bát ngọc, Tào Phớ nóng trên bếp than củi hồng múc vội vào bát sành cũ kỹ, sứt miệng thả thêm thìa ớt xanh muối nguyên quả cay nồng lên men rồi trộn đều ăn cùng cơm gạo lật đùm trong lá dong bọc ngoài là lá khoai rừng thì… chao ôi! là ngon. Cái thức gạo của người Mông trồng trên các ngọn núi cao như kết tinh vị đậm đà của trời đất ở điểm giao thoa nên màu cơm không trắng ngần như gạo Tám, gạo dẻo. Hạt cơm màu trắng đục nhờ nhờ bám viền những vân đỏ lừ như lá cây chín cuối mùa thu. Từng hạt tròn trùng trục, nở bung ra như nụ hoa xòe ngày nắng, không kết dính nhưng cho vào miệng lại nền nền, dẻo dẻo quyện với vị cay của ớt, vị thanh đậm của Tào Phớ ngay ở đầu lưỡi, chân răng. Vì thế gác đũa rồi vẫn thấy thoảng mùi thơm của lúa theo chân người từ trên núi xuống chợ. Lần đầu tiên, tôi ăn theo Mía. Một chút ngượng ngùng khi ngồi ăn giữa chợ. Một chút rùng mình khi thấy Mía trộn đều tất cả rồi ăn ngon lành. Ngay miếng đầu tiên tôi đã bị sặc vì ớt cay, nước mắt giàn giụa nhưng rồi tôi lại nghiện kiểu ăn dân dã ấy tự bao giờ…tôi chẳng nhớ nữa.
Hai bên đường vành đai bao quanh thị trấn, những nhà dân ở Tả Phìn, Phăng Sô Lin lần lượt dắt tay nhau dựng nhà trên thân đất ruộng từ thời cha ông tiên tổ khai hoang để lại mà thành hình hài những khu buôn bán. Họ mang theo khát vọng được nối nhịp với từng bước thay da đổi thịt của phố huyện vùng cao chứ chẳng giống gia đình của Mía. Đến giờ vẫn giữ nếp sống thuở nào màng theo từ trên núi xuống phố. Khi tiếng con gà mái lục tục gọi đàn con dậy làm vườn là tù nẻ (mẹ) cơi bếp củi nhen lửa đặt nồi rượu ngô ủ men lá rừng từ độ ngô còn bấm hơi sữa. Còn tù chí (bố) lấy từng thang ngô khô treo trên mái nhà xuống để tách hạt rồi ngâm ủ cho con dê, con bò chuẩn bị đón mùa đông. Hũ rượu nếp cẩm cạnh bếp chí chắt đã vơi nửa lóng lánh màu đen nhung tuyền cứ quyện lại như cũng thấy cái lạnh đang ùa về. Những vườn rau cải rùng mình rũ sương hớn hở chào ngày mới khi thấy ánh mặt trời le lói xuyên qua sương lúc sớm mai. Ở nếp nhà ấy, cuộc sống vẫn lặng lẽ theo cùng tháng năm…
… Hồi ở bản, tù chí vẫn thường ngửa cổ tu ừng ực cả hũ rượu mỗi khi ai đó chạm vào lòng tự tôn của người đàn ông không có người nối dõi. Tù nẻ lại là người phụ nữ thuần chất dân tộc Mông, biết đẻ để thỏa nỗi khao khát có con trai của chồng và trở nên lặng lẽ hơn sau mỗi lần sinh nở. Tuổi thơ của Mía gắn liền với hơi rượu nẻ nấu mỗi sớm mai, bập bùng theo ánh lửa của củi Tống Quán Sủ trên bếp và những cơn say lè phè của chí bên bậu cửa nhà mình. Mía kể. Chí uống rượu mỗi khi cảm thấy lòng nhưng nhức như ngọn đồi mùa lũ, giữ nước trong lòng đất suốt bao mùa để rồi khi không giữ được nữa dòng lũ ấy ào ra cuốn đi tất cả. Nẻ thương chí nên đã tự tay ủ các loại rượu bằng men lá rừng để chí không phải say lướt khướt ở ngoài đường hay nhà người khác như những người đàn ông khác trong bản. Nẻ dạy: Đàn bà phải biết giữ chân người đàn ông mình thương. Nẻ giữ chân chí bằng những nồi rượu trên bếp, bằng tấm lòng thủy chung của người đàn bà trên núi. Ngày thường, chí vẫn uống say nhưng ngày chợ phiên thì bao giờ chí cũng tỉnh táo để đưa cả nhà xuống chợ. Mỗi lần xuống chợ là chí mua nào những vải, hạt cườm, chỉ để nẻ may váy áo cho cả nhà hoặc thêu đồ để phiên sau đổi đồ dùng. Mía giống chí nên yêu từng đường kim mũi chỉ trên bộ đồ nẻ khâu. Chỉ cần là đồ nẻ may tôi có thể mặc đến rách mà vẫn thấy đẹp. Thứ nẻ thích cũng đơn giản hơn nhiều những phụ nữ khác. Quanh năm nẻ chỉ có vài bộ váy từ ngày chí bắt về làm vợ đến nay đã sờn chỉ bạc màu. Cả ngày nẻ chỉ quanh quẩn ở nhà và lên nương, đến ngày chợ phiên thì theo chí xuống chợ. Ngày này tháng khác vẫn cứ như thế nhưng nẻ luôn thấy đủ đầy…Ở đâu có chí thì ở đó cất giữ hạnh phúc của nẻ.
Việc đầu tiên khi đến chợ là cả nhà sẽ ghé chỗ bán Tào Phớ để ăn. Nẻ luôn chuẩn bị sẵn mấy nắm cơm gói lá dong, chai rượu ngô nếp non và bọc ít củ lạc ủ tro trong lu cở. Khi chí chọn được chỗ ngồi là nẻ gọi Tào Phớ cho mấy chị em ăn cùng cơm, chí ngồi nhâm nhi rượu với lạc còn nẻ mang đồ nẻ tự may thêu đi đổi muối, gạo và dầu…Mỗi lần kể về gia đình, ánh mắt Mía lại lấp lánh niềm vui: chị em tôi vẫn sung sướng gấp vạn lần so với những gia đình khác trong bản cậu ạ. Dù chí vẫn thường xuyên uống rượu. Sau này, chí xin được công việc ở thị trấn cả gia đình tôi xuống núi. Những ngày đầu, nhớ núi, nhớ rừng, nhớ bản Mông, nhớ bếp củi, nhớ tiếng con lợn con gà gọi mỗi sớm mai nên nẻ cứ lặng lẽ ra vào với khoảng đất bé tẹo còn lại khi dựng nhà xong. Chí gửi lại những cơn say trên núi để làm việc và nuôi chị em Mía ăn học nhưng có những lúc nhớ rừng ông lại đem cây cung, cây nỏ theo chân ông săn thú một thời ra lau bụi rồi lại treo lên. Chiều chiều chí hay ngồi ở lặng lẽ ở bậu cửa uống đôi ba chén rượu nhìn về bản cũ trên núi cao hay những đêm trăng sáng, tiếng khèn lá, đàn môi chí thổi thao thức cả vì sao khuya lấp lánh trên bầu trời thăm thẳm…
Cuộc sống gia đình riêng cuốn tôi và Mía vào cuộc mưu sinh. Mía theo chồng về bản cũ, tôi lại chuyển công tác sang cơ quan mới. Vướng bận con cái chúng tôi dường như quên cả những buổi chợ phiên cuối tuần nhộn nhịp. Những tin nhắn vội vã, những cuộc điện thoại hỏi thăm ngắn ngủi lại thấy thương Mía,thương chí, thương nẻ nhiều hơn. Mía mang theo nỗi nhớ của chí về núi nhưng lại khắc khoải nhớ thương cuộc sống cô đơn của nẻ lúc tuổi già ở phố huyện. Con phố thêm tuổi nhưng chẳng già đi, nó vẫn dịu dàng để giữ chân người ở lại, để gọi người trở về.
Lâu lắm rồi tôi và Mía mới có thời gian cùng nhau lang thang chợ phiên. đúng dịp phố núi vào đông lại nao lòng khi hít căng lồng ngực mùi rượu ngô nếp non từ bếp của nẻ, lại say vị dịu dàng của Tào Phớ ở chợ phiên mỗi sáng mai…và cay cay sống mũi khi thấy nẻ ngồi lặng lẽ ở trước nhà nhìn về núi cao giăng mắc trong sương ngày đông lạnh.
TRĂNG QUA MÁI ĐÁ THỦNG
Đêm buông xuống. Bóng tối phủ kín khoảng không gian bao la của rừng núi. Vẳng trong đêm thanh vắng là tiếng chuột gọi đàn, tiếng con chim gật gù trong giấc ngủ hoang và đâu đó trên các lưng đồi là tiếng ru con ầu ơi của người đàn bà trên núi. Người đàn bà trên núi ru con gọi thanh xuân về. Người đàn bà trên núi ru con đợi thanh xuân trở lại…
Đêm trên các rẻo cao, những ngôi nhà lá xập xệ suốt bốn mùa lại càng trở nên cô quạnh và hiu hắt. Ánh lửa trên bếp than đã vạc, le lói hột sáng qua phên tre, phên nứa trong sự tĩnh lặng của đêm. Vì thế, nhón bước đi nhè nhẹ trên nền đất lạnh cũng thấy âm thanh rõ mồn một bám lấy gót chân trần. Trên chiếc giường ọp ẹp, bừa bộn những áo quần, chăn màn cũ kỹ đang bốc mùi ngai ngái, hôi hôi, lờm lợm vì lâu không được giặt giũ, đứa trẻ giật mình khóc hờ như đánh thức người đàn bà đang mơ trở về với thực tại. Đàn bà trên núi có mơ cũng chỉ nghĩ đến ngày mai đủ gạo cho con no bữa sáng, đủ rau cho con ăn bữa chiều. Người đàn bà trên núi có mơ cũng chỉ là sự hối tiếc mơ hồ vì tiếng sáo, tiếng khèn thuở nào còn vang vọng trong đêm. Người đàn bà trên núi có mơ cũng phải chờ mùa xuân khi chợ tình họp lại họ mới bước qua thực tại để chìm đắm men rượu, men tình chợ phiên. Đời người đà bà trên núi, có bao lần được sống cho mình để mà mơ những giấc mơ đời thực như thế?
Một ngày của họ tự bao giờ? Từ khi trời mới tang tảng sáng, con gà rừng le te gáy gọi bình minh, người đàn bà đã nhóm bếp củi đặt nồi cám cho con lợn con gà. Cất mẻ rượu ủ lá rừng đã ngấu để chắt giọt cay nồng, mặn mòi cho chồng thưởng thức mỗi đêm. Cơi nồi cơm trộn mèn mén cho chín kỹ rồi chia đều cho cả nhà khi trời vừa sáng. Đến lúc ông mặt trời chống cằm ngạo nghễ trên đỉnh núi nhìn về phía Tây là lúc con lợn, con gà rủ nhau vào rừng kiếm ăn thì người đàn bà lại địu con lên rẫy, cõng cả giấc ngủ còn ngái của chồng trên lưng. Những mùa ngô lớn lên từ hốc đá, những mùa lúa trĩu bông từ tay người đàn bà cứ thế mà đi qua mưa nắng của cuộc đời. Rồi những đêm sương rơi, tuyết vãi trắng cả cánh rừng khuya thì trong túp lều lụp xụp, khét mù khói bếp, người đàn bà vẫn nhẫn nhịn hầu chồng sau những cơn say. Đến lúc trăng lên, con dế, con chuột rúc đầu đi ngủ, người đàn bà xộc xệch váy áo ngồi canh than sưởi lửa, thả lòng ngủ quên với giấc mơ thời trẻ dại đã xa…
Những tưởng một câu chuyện từ thời tiền cổ được kể lại nhưng nhìn thân xác héo tàn như cây non thiếu nước của Dợ tôi mới chợt giật mình về những gì mình đang được nghe. Ngày ấy, Dợ đẹp như bông hoa ban, hoa chuối của rừng già. Trai bản rập rình theo Dợ lên nương, ra chợ hay thập thò ngoài cửa suốt mùa hoa cải trổ vàng rồi đến mùa hoa ban rụng, mặc mưa nắng của trời. Tiếng sáo, tiếng khèn dập dìu lưng đồi suốt đêm khiến con trâu, con ngựa trắng đêm không ngủ. Ngày nối ngày, mùa nối mùa, tiếng yêu Dợ chưa kịp nghe, quả pao cũng chưa kịp bắt mà bố Dợ đã nhận cả cặp trâu nghé nhà anh họ: Mày không lấy chồng, cái tuổi nó qua đi, đến con nghé tao cũng không có chứ đừng nói gì con trâu.
Đêm mùa đông, gió thốc ngược từ khe sâu lên đỉnh núi rồi cuộn thành cột lao vào khoảng không vô định. Gió hú như tiếng hàng ngàn con sói bị sập bẫy thợ săn, cầu cứu trong kiệt cùng tuyệt vọng. Bếp lửa của người Mông trên núi đốt ấm cả ngày cả đêm. Đàn bà chọn củi, giữ lửa và nấu rượu cho chồng chờ mưa xuân mới đi nương tỉa hạt. Dợ lớn lên như thế! Lớn lên từ bếp lửa đượm củi rô, củi táu. Lớn lên từ hơi rượu ngô mẹ nấu cho cha. Bao mùa đông đi qua, bếp lửa đã đốt biết bao củi rừng già, Dợ thành thiếu nữ đẹp như trăng treo đỉnh núi mùa thu. Trai bản này, trai bản khác muốn có Dợ nhiều như sao ở dải Ngân Hà mùa hạ.
Dợ chưa chọn người thương, chưa chọn người yêu, chưa muốn lấy chồng là bởi nỗi ám ảnh về cuộc đời những người đàn bà trên núi cao. Họ sống chỉ biết núi biết rừng, về nhà chỉ biết chồng, biết con. Xã hội phát triển rồi, thời mẹ có biết điện thoại là gì nên mẹ không biết ngoài bờ rào đá nhà mình bao người đàn bà đã được sống cho mình? Thời nào rồi, đàn bà trên núi vẫn cứ phải hầu rượu cho chồng mỗi đêm? Thời nào rồi mà đàn bà cứ phải phục dịch cho chồng như người ở? Họ cam lòng hay vì nếp nghĩ lạc hậu đã ăn đời ở kiếp với số phận của họ? Dợ không biết. Nhưng Dợ thì khác. Dợ biết dùng điện thoại thông minh, biết nghe những cái hay ho ở trên đài, biết cần phải thay đổi để đàn bà được hạnh phúc hơn…Bên bếp lửa, đôi má hây đỏ vì rét, vì ấm của Dợ cứ hồng lên theo mỗi ý nghĩa xa xôi…Nghe tiếng mẹ húng hắng ho đầu hồi, Dợ lo bệnh hen của mẹ tái phát mà chạy ra đỡ mẹ. Rồi từ phía sau, chiếc túi vải đen trùm kín mặt bằng động tác rất nhanh nhẹn, họ cột tay Dợ sau lưng bằng sợi dây thừng vặn vỏ cây gai và vác Dợ trên vai đi ra khỏi nhà. Dợ gào khóc như tiếng gió đang hú ngoài núi nhưng vẫn nghe tiếng mẹ cố nói với theo: Nhà anh họ nhiều trâu, mày về với nó sẽ sung sướng cả đời. Yên phận mà làm con ma nhà nó, trâu nghé tao nhận rồi. Mày phải đi thôi, mày không còn là người họ Vàng nữa… Mẹ cha không nhận nữa thì biết về đâu? Dợ nín lặng suốt mấy quả núi về nhà chồng trong đêm với bao ý nghĩ xót xa…
Yên phận làm đàn bà ở tuổi trăng non ư? Cái tuổi mà sức còn khỏe, tay còn cầm được cuốc, chân còn leo được núi, cái miệng lại không cần ăn nhiều mà vẫn dẻo dai thì cặp trâu nghé có đáng để đổi? “Nẻ” ơi! Rồi đời con lại đi theo đời “nẻ”? Lại tựa lưng vào núi ru con mỗi đêm? Lại gồng gánh đời chồng để qua những mùa đông buốt giá? Hay lại hóa đá đêm khuya mà hầu rượu cho chồng? Cây ngô mọc trên hốc đá còn trổ được bông sao đời con lại phải theo chồng khi mình không muốn lấy?
Dợ bị bắt làm vợ từ mùa đông năm ấy, đến năm sau và đến tận bây giờ, Dợ cũng không thấy lòng vui trở lại. Mỗi năm một lần, chờ ngày xuân về để cùng con xuống chợ. Đó là ngày vui nhất! Ngày người đàn bà được xuống núi đi chợ xuân. Ngày người đàn bà được sống với tình yêu của mình… “mười năm chúng mình vẫn hẹn…quả pao anh dành tặng em…”. Bên bếp lửa bập bùng, đôi mắt vô hồn xa xăm của Dợ lại sáng lên mỗi lần nhắc đến người thương, nhắc đến chợ tình….
Trăng lên đỉnh núi, gió lặng ngủ quên trên những tán rừng già phía Hoàng Liên Sơn. Trong nhà, người đàn ông no rượu ngủ ngáy o o. Chỉ còn tôi ngồi với Dợ, nhìn trăng qua mái đá bị thủng. Trăng tròn rồi trăng cũng khuyết, trăng lặn rồi cũng mọc nhưng cuộc đời của những người đàn bà trên núi liệu còn bao nhiêu lần được trở lại chợ tình để tìm lại thanh xuân?
MÊNH MANG TẢ PHÌN
Mênh mang, mênh mang tiếng sáo gọi bạn nơi đầu núi, nơi cuối bản. Nơi chàng trai khoác rìu lên rừng tìm gỗ dựng nhà, nơi cô gái Dao Khâu chăm chỉ nhuộm vải may áo đợi ngày về nhà chồng. Nơi con suối Tả Phìn nghiêng mình bên núi Đá Ô quanh năm mây phủ, nghi ngút khói hương trong lễ cấp sắc, lễ đặt tên …Nơi anh hẹn em mang mùa vàng về trên đá. Nơi sắc trắng hoa Đương Quy ngập đầy trong giá rét mùa đông. Em có nhớ không mảnh đất Tả Phìn ấm áp tình người, tình cây, tình đất?
Tả Phìn gác tay ngủ ở lưng chừng núi nên đường về cũng phải qua đôi ba khúc cua uốn lượn quanh co đèo dốc, gập ghềnh suối xa. Mùa xuân vừa kịp tỉnh giấc, cánh đào cũng rộ hồng chúm chím môi hoa. Những vườn cải ngồng, cải làn đang độ lớn gặp gió về, sương vãi nên căng tròn một màu xanh mướt mát. Mây chùng chình qua mấy đỉnh núi, ngọn đồi rồi buông mình lả lơi bên những hàng cây cổ thụ đang rũ bóng che chắn cho miền cổ tích được lưu giữ tự bao đời nay ở núi Đá Ô hay động Ông Tiên lừng lững giữa bạt ngàn mây, bạt ngàn gió.
Xuân về nhưng khí trời ở Tả Phìn vẫn lạnh nên cây rừng cứ xoắn xít, ôm ghì lấy nhau như nỗi quyến luyến của nàng Kiều khi chia tay chàng Kim. Lớp bụi thời gian co vào rồi xếp chồng lên nhau như những lớp đá xanh trên liếp mái nhà mình. Từng thớ đá in hằn những nhọc nhằn của mẹ, giọt mặn cuộc đời cha chở che tuổi thơ con qua mưa nắng, bão giông của cuộc đời. Ai đi xa rồi có nhớ đôi má hây hây đỏ vì rét, vì buốt, vì ánh lửa bấp bùng trong đêm đông giá? Có nhớ tiếng cồng, tiếng chiêng mỗi sớm mai khi nhà trai đến đón dâu cho kịp giờ lành? Có nhớ nhịp bước rộn ràng của thầy mo trong lễ đặt tên hay leng keng tiếng bạc trên áo mới của chàng trai trong Lễ trưởng thành suốt bảy ngày đêm sập sình khắp bản làng?
Lễ cấp sắc hay còn gọi là Lễ Trưởng thành đối với người đàn ông dân tộc Dao rất quan trọng. Chỉ ai được làm Lễ Trưởng thành thì mới là người đàn ông thực thụ, mới được coi là con cháu của Bàn Vương, được làm thầy và được quyền thờ cúng tổ tiên. Ở Tả Phìn, người Dao Khâu thường làm Lễ Cấp sắc cho các chàng trai từ 10 tuổi trở lên vào mùa xuân. Khi tiết trời đã ấm áp, trăm hoa khoe sắc thì người đàn ông dân tộc Dao lại “khoe” sự trưởng thành của mình với trời đất, thần linh. Vì thế, Lễ Cấp sắc là điểm tựa tâm hồn của người Dao để họ vượt qua khó khăn thử thách và hướng đến những điều tốt đẹp hơn trong cuộc sống.
Thời gian đã xóa nhòa nhiều thứ nhưng những giá trị tinh thần của đồng bào dân tộc Dao vẫn được người Dao Khâu ở Sìn Hồ gìn giữ. Nhìn về quá khứ, nhiều nhà nghiên cứu đã khẳng định cái tên Dao Khâu là do nhánh người Dao di cư vào Sìn Hồ tự nhận tộc của mình để thể hiện khát vọng xây dựng cộng đồng dân tộc Dao đa màu sắc trong bức tranh văn hóa các dân tộc ở Việt Nam. Và cách gọi Dao Khâu là cách để họ tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong cuộc sống thường ngày. Họ chăm chỉ dệt vải, may khâu cho người thân nhưng bộ quần áo đẹp lộng lẫy nhất, dù màu chủ đạo trên trang phục là màu đen. Nhưng em thử nhìn ngắm thiếu nữ Dao Khâu trong ngày cưới đi! Màu đen huyền bí, màu chàm thủy chung, màu bạc sáng trắng chẳng phải quyến rũ lắm sao?
Người Dao yêu rừng, yêu núi như yêu trái tim mình vậy. Từ thuở cha ông mở đất thì rừng núi là nguồn sống, là chỗ dựa tinh thần cho con người nơi đây. Từ lúc sinh ra treo bánh rau ở ngọn cây cho đến lúc từ giã cuộc đời chọn cho mình một ngọn đồi, ngọn núi để nằm. Có phải vì thế mà mỗi người đàn ông dân tộc Dao đều hãnh diện khi được đặt tên là Sơn, là San với ước vọng đứa con ấy sẽ mạnh mẽ, vững trãi như núi như rừng? Mỗi cô gái tên Mẩy, tên Lưu đều là một niềm tin được gửi gắm về một cuộc sống sung túc, an lành? Có phải vì tình yêu ấy mà mỗi hòn đá, mỗi hang núi, mỗi loài cây lại được nhân dân nhìn ngắm như một cuộc đời, một số phận, một câu chuyện liên quan đến con người? Có phải vì thế mà núi Đá Ô, động Ông Tiên còn mãi đến bây giờ?… Có phải vì thế mà nguồn dược liệu từ rừng chỉ có người Dao mới hiểu được công dụng của nó, gìn giữ và truyền qua nhiều thế hệ?
Buổi chiều cuối xuân, tôi gặp Mẩy Thanh ở lưng chừng con dốc Tả Phìn. Một cô gái với khuôn mặt bầu bĩnh, cái lún đồng tiền xin xắn cứ lấp ló mỗi lúc em cười khiến cho người đối diện luôn có cảm giác bình yên. Tôi mời em hạ lu cở, ngồi nghỉ để uống nước. Con dốc không cao nhưng lu cở thuốc nặng được Mẩy Thanh cõng quãng đường khá xa nên mặt em ửng đỏ như màu mặt trời đang hạ sau núi. Nhà Mẩy Thanh bao đời lấy thuốc tắm – bài thuốc gia truyền trước giờ chỉ có đàn ông mới được kế nghiệp nhưng những ngày thơ ấu, Mẩy Thanh theo ông ngoại lên rừng hài thuốc rồi tự học thuộc lòng các bài thuốc từ bao giờ. Khi ông ngoại còn sống, Mẩy Thanh vẫn lặn lộn khắp các cánh rừng của cao nguyên để tìm thuốc cùng ông. Giờ ôn theo tổ tiên, Mẩy Thanh trở thành người kế nghiệp ôn trong sự ngỡ ngàng của dân bản. Việc trở thành người kế nghiệp của Mẩy Thanh ban đầu không dễ dàng bởi quan niệm: lấy thuốc cứu người nhưng có khi không cứu được mình…Bằng tình yêu núi rừng, tình yêu với nghề bốc thuốc mà Mẩy Thanh đã vượt qua những cánh rừng đại ngàn, tìm đủ 15 vị thuốc tắm, nấu đủ 3 nồi để trưởng họ thử và công nhận nhận tay nghề…Và cũng từ đó, người ta biết đến Mẩy Thanh, tìm Mẩy Thanh để được tắm thuốc, ngâm thuốc chữa bệnh đau lưng, đau mỏi vai gáy…
Đi từ thị trấn vào, quành qua vài ngõ nhỏ sập xệ những giàn su su lủng lẳng những quả là quả là đến núi Đá Ô. Ngọn núi không quá cao nhưng tròn vành vạnh như một chiếc ô cắm trên đỉnh núi. Người ta kể lại rằng, ngày xưa có một ông tiên trên trời, vén mây nhìn xuống hạ giới thấy bản làng tươi đẹp quá mới giáng trần dạo chơi, khi về trời ông để quên chiếc ô rồi hóa đá cho đến ngày nay nên ngọn núi ấy mới được gọi lá núi Đá Ô. Người Tả Phìn vì trân quý những thứ tạo hóa ban cho mình mà lập bàn thờ dâng hương tưởng nhớ qua nhiều thế hệ để rồi giờ đây Núi Đá Ô như là chốn đi về của thần linh một cõi.
Qua núi Đá Ô, trèo núi khoảng 2km là động Ông Tiên. Theo dân gian thì đây là nơi thuở ấy ông tiên dừng chân nghỉ ngơi khi dạo chơi hạ giới vì thế mà đá núi vui mừng nở hoa trên từng ngóc ngách hang sâu. Những thạch nhũ cứ thế chồi ra muôn hình vạn trạng từ cửa hang và đến tận cùng của động. Cùng với âm thanh tí tách của nước được chắt lọc qua nhiều tầng đá khiến cho người đến dạo chơi có cảm giác lành lạnh như bước vào một thế giới vừa thâm u, tĩnh mịch vừa đẹp đến mê hồn… Vượt qua thời gian, gắn liền với những biến cố lịch sử kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay chiến tranh Biên Giới động Ông Tiên giờ đây là di tích lịch sử, là niềm tự hào về những chiến tích oanh liệt của nhân dân Sìn Hồ chống giặc bảo vệ tổ quốc.
Trên mảnh đất cằn trơ mõm đá, những cô gái thoăn thoắt tay liềm, tay cuốc để Đương Quy thơm lừng rừng núi ngày đông, để hoa cải rộ vàng cuối xuân, để bếp than đỏ hồng những thông mùa hạ và thậm thịch tiếng chày giã gạo, giã ngô dưới trăng mùa thu. Thoảng trong gió xuân là vị nồng nàn của thuốc tắm người Dao, là dịu dàng hương cốm, hương nếp của Lễ Cấp sắc, là vị ngọt của giá trị văn hóa đang được gìn giữ bao đời như báu vật nơi đây… Cuộc sống hiện đại đang hình thành bên trong cách nghĩ, cách sống của lớp trẻ nhưng Tả Phìn vẫn mênh mang một cõi như nốt thăng trong bản nhạc du dương của cao nguyên Sìn Hồ.
8/1/2023
Châm Võ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...