Hoa Phượng Đỏ Năm Xưa
“Ngày nào anh yêu em, anh đã quen trong cay đắng tuyệt vời
Ngày nào em yêu anh, em đã quen với trời hạnh phúc mới …”
Giọng ca ngọt ngào quyện trong tiếng đàn guitar nhẹ nhàng
ngân vang từ quán tạp hóa khiến Ngọc Trang bối rối. Lần nào cũng vậy, hễ nàng
thắng xe, kéo tà áo dài trắng ra khỏi yên để đẩy xe vào ngõ hẻm Hà Thanh đến
nhà nhỏ Như Loan, giọng hát “Ngày Nào Anh Yêu Em” của chàng trai ngồi trong
quán cũng vọng ra, đuổi theo sau lưng. Nàng ước gì con hẻm này không đầy cát
lún để nàng có thể đạp nhanh qua khỏi cái quán rồi tiếp tục len lỏi những ngõ
ngách vào thẳng nhà nhỏ bạn học cùng lớp. Nhưng ao ước của nàng chỉ là niềm ao
ước nên nàng chỉ biết biến nó thành lời than vãn với Như Loan: “ Loan ơi! Phải
chi con hẻm vào nhà Loan được tráng xi măng thì đỡ! Hôm nào cũng phải đẩy xe
trên cát lún Trang mệt quá!”
Nhỏ Như Loan không cho chút thông cảm,“nẹt”nàng ngay: “Dân
trong xóm Hà Thanh đi qua lại trên cái hẻm đầy cát này hàng ngày cả chục lần có
sao đâu! Nhà ngươi chỉ ghé đến xóm của ta có mấy lần mà đã than thở!”
Sợ nhỏ bạn giận hờn, Ngọc Trang tình thiệt:
“Trang đâu nề hà chuyện đến nhà Loan rủ Loan đi học nhưng tại
vì khi đến đầu hẻm nhà Loan, Trang thường bị nghe bài “Ngày Nào Anh Yêu Em” của
cái ông trong quán tạp hóa nên Trang ngại đó chứ!”
“Ồ! Cái anh trong quán tạp hóa đầu ngõ nhà Loan đấy hả? Anh ấy
ít nói không quan tâm đến ai đâu! Ảnh thường trầm ngâm và chỉ đàn hát, chứ
không để ý đến ai cả. Mà ổng hát gì kệ ổng chứ mắc mớ gì đến Trang mà Trang ngại?”
“Lần nào ổng cũng hát bài “ Ngày Nào Anh Yêu Em” khi Trang thắng
xe đạp trước quán nhà ổng nên Trang mới ngại đó chứ!”
“Ngày nào anh yêu em là câu hát đầu của bản nhạc Mùa Đông của
Anh của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh chứ đâu phải là bài ‘Ngày Nào Anh Yêu Em’!”
“Trang không cần biết bài hát tên gì! Nghe cái nhạc rên rên rỉ
rỉ là thấy không muốn nghe rồi! Trang chỉ thấy quái lạ là khi nào Trang ngừng
trước quán nhà ổng là nghe ổng hát câu này!”
“Hoang tưởng quá đi!Đó chỉ là sự trùng hợp thôi mà!”
“Trùng hợp gì mà đến mấy chục lần vậy?”
“Đâu ra mà mấy chục lần? Từ lúc xe của nhỏ Thuỷ hư, Loan đi với
Trang đến giờ đã đến mười ngày đâu!”
“Ừ thì không phải mấy chục lần nhưng lần nào hễ Trang vào hẻm
nhà Loan, ngừng xe trước quán nhà ổng thì ổng cất giọng hát bài hát đó!”
“Chắc ổng chỉ biết hát mỗi bài ấy thôi! Có gì đâu mà Trang sợ
ổng chứ!”
“Không sợ mà ngại!”
“Ngại gì?”
“Ngại lời bài hát có chữ ‘yêu’ ‘trắng trợn’và linh tính ổng
có cái gì kỳ lạ nên ổng hay nhìn Trang khi hát bài hát đó!”
“Vì sao Trang biết ổng nhìn Trang?”
“Có lần Trang bất thần nhìn ổng để tìm hiểu vì sao ông này kỳ
lạ vậy và Trang thấy ổng đang chăm chú nhìn Trang. Lúc đó, bị Trang nhìn lại bất
ngờ nên trông ổng bối rối lắm!”
Như Loan mỉm cười nói:
“Thôi để Loan “thám hiểm” cho!”
Bởi vì lời hứa của nhỏ Như Loan nên hôm nay Ngọc Trang nôn
nóng đến nhà con nhỏ sớm hơn thường lệ. Nhưng vừa đậu trước nhà Như Loan, mẹ của
Như Loan nói vọng từ trong nhà ra:
“Ngọc Trang đấy hả cháu? Con Như Loan đã đi học với con Thu
Thuỷ rồi cháu ạ. Con Thu Thuỷ vừa được bố cho chiếc xe máy mới nên hai đứa rộn
ràng sửa soạn suốt cả trưa hôm nay. Chúng nó nói đi học sớm để ghé nhà cháu cho
hay mà cháu lại đến đây. Vậy là lỡ dịp rồi!”
Nghe thế, Ngọc Trang cảm thấy có chút hụt hẫng. Mặc dù phải đạp
xe đạp không thuận đường từ chợ Đầm đến xóm Hà Thanh rồi đến nhà Như Loan giữa
trời trưa nắng gắt của thành phố biển Nha Trang nhưng nàng cảm thâý đó là một
điều thú vị khi hai đứa vừa mới quen thuộc ‘cái cảnh’ cùng nhau tíu tít và trò
chuyện trên đường đi đến trường. Bây giờ bỗng nhiên phải đến trường một mình,
Ngọc Trang mơ hồ thoáng nghĩ có phải mình sẽ đánh mất cô bạn có mái tóc dài thẳng
mượt với khuôn mặt xinh xắn luôn nở nụ cười tươi vui dễ mến?
“Mới thân nhau được hai tuần, nó trở lại đi chung với nhỏ Thu
Thuỷ rồi!”
Buồn bã với ý nghĩ không đâu vào đâu trong đầu, Ngọc Trang đẩy
xe ra đầu con hẻm, không còn ngại ngùng khi ngang cái quán tạp hóa. Ánh mắt
bình thản của nàng lướt vào trong cái quán. Người thanh niên không còn cầm đàn
ngồi hát như lúc nãy. Anh đứng trước cửa quán nhìn nàng rồi bước xuống bậc cấp
khi nàng đi ngang qua. Bước theo chân nàng, người thanh niên hỏi:
“Như Loan không có ở nhà phải không?”
Ngọc Trang lắc đầu, không trả lời, cúi đầu, đẩy xe tiếp tục
bước.
Người thanh niên nói:
“Anh định nói cho bé biết nhưng anh không biết tên bé nên
không làm sao gọi bé dừng lại!”
Ngọc Trang vẫn nín thinh, lặng lẽ bước đi.
Người thanh niên vừa bước theo, vừa nói:
“Tại sao không cho anh biết tên?”
Ngọc Trang khựng lại, quay đầu nhìn anh với đôi mắt đầy ngạc
nhiên. Người thanh niên nhìn đôi mày cau của nàng, cười nhẹ, nói tiếp:
“Anh hỏi Như Loan bé tên gì, Như Loan nói bé cấm Như Loan cho
anh biết tên!”
Ngọc Trang chợt nhớ có lần đã dặn Như Loan không bao giờ cho
bất cứ người con trai nào biết tên nàng nên nàng không biết trả lời ra sao, cúi
đầu đẩy xe bước nhanh mặc dù con đường ra cổng Hà Thanh không còn cát lún như
trong hẻm nữa. Người thanh niên vẫn bước theo nàng, tiếp tục nói:
“Anh tên Nghiêm. Còn bé tên gì?”
Nàng đỏ mặt lắc đầu, nhìn anh với vẻ đắn đo một lúc nàng tảng
lờ đưa mắt nhìn tận cổng Hà Thanh nơi một cây phượng cao lớn đang ngự trị với
những cành vươn dài đầy những chùm hoa đỏ rực. Người thanh niên chăm chú nhìn
nàng rồi lướt mắt hướng theo ánh nhìn của nàng ngắm những giọt nắng trưa sáng lấp
lánh trên những chùm phượng đỏ.
Anh nói:
“Không cho anh biết tên vậy cho anh đặt tên để tiện gọi bé
nhé! ‘Hạ Đỏ’ vậy nhé! Được không?
Nàng chợt mỉm cười, gật đầu.
Anh vui vẻ hỏi:
“Vậy Hạ Đỏ có muốn anh tặng một chùm hoa phượng kia không?”
Nàng nghiêng đầu nhìn về phía cây phượng, dịu dàng đáp: “Dạ
có!”
Nàng vùa dứt lời, anh nhanh chân bước đến gốc cây phượng, ngước
mắt nhìn những nhánh cây vươn xa với những chùm hoa đỏ rực. Rồi anh vít một
cành thấp, ngắt một chùm đến trao cho nàng. Ngọc Trang chớp mắt cảm động, lí
nhí nói cảm ơn rồi đặt chùm hoa trước chiếc giỏ xe đạp mini và vội vàng đạp xe
đi.
Lên đến đường Quốc Lộ số Một, nàng mới bình tĩnh nhớ lại những
gì vừa xảy ra. Nàng không hiểu sao nàng lại nhận chùm hoa từ bàn tay của người
thanh niên xa lạ. Nhưng rồi mắt nàng cay cay và nàng quyết định đạp xe về nhà cất
chùm phượng trước khi đi học.
Đến lớp trễ nên Ngọc Trang không thể theo ý muốn kể cho Như
Loan những gì vừa xảy ra. Sau tiết học, nàng đổi ý quyết định giữ kín chuyện
này. Tan học, nhỏ Như Loan khá hào hứng với chiếc xe máy mới của nhỏ Thu Thuỷ
nên chỉ nhắn với nàng một câu ngắn gọn trước khi bước nhanh đi:
“Trang ơi! Thu Thuỷ được ba mẹ mua cho xe máy. Nó ở gần nhà
Loan ghé nhà đón Loan đi học tiện hơn Ngọc Trang nên Ngọc Trang không phải đi
ngược đường đến nhà đón Loan nữa nhé!”
Ngọc Trang gật đầu:
“Vậy từ nay Thuỷ và Loan lại đi học chung với nhau như trước
mà lại đi với nhau bằng xe máy chứ không đi xe đạp, thích quá rồi! Chỉ có mỗi
mình Trang đi một mình đến trường như cũ…”
Giọng nàng pha chút hờn dỗi bởi nàng cảm thấy sẽ mất nhỏ bạn
mà nàng ưa thích sau bốn năm học đệ nhất cấp. Cũng từ đó Trang không còn lý do
gì đến nhà Như Loan nữa. Mỗi lần gặp nhau trong lớp, Như Loan chỉ đề cập đến
chuyện học, chuyện trả bài và những câu hỏi vấn đáp của các bài kiểm tra khiến
Trang không bao giờ có cơ hội hỏi thăm Loan về Nghiêm.
Sau ba tháng hè, Như Loan và Ngọc Trang chia tay vì hai đứa
không học chung ban trong lớp Đệ Tam. Như Loan chọn ban Sinh Hóa trong khi Ngọc
Trang chọn ban Văn Chương. Khi hai đứa len lỏi qua những hàng dương trong trường
nữ trung học Nha Trang để đến phòng học của lớp mình, Như Loan bỗng dừng lại, nắm
tay Ngọc Trang, nói:
“Ô, Như Loan quên kể cho Ngọc Trang nghe chuyện này! Ngọc
Trang có còn nhớ anh chàng ở quán tạp hóa đầu hẻm nhà của Như Loan không?”
Ngọc Trang gật đầu:
“Có chứ!”
“Biết sao không! Anh ấy tên là Nghiêm. Anh Nghiêm nói với Như
Loan là ảnh thích Ngọc Trang lắm!”
“Ủa? Thật vậy sao?”
“Thật chứ!”
“Mà ảnh nói điều này với Như Loan lúc nào?”
“Lúc tụi mình vừa nghỉ hè! Hôm đó, Như Loan ra quán mua đồ
cho mẹ, thấy ảnh chào hỏi vồn vã, Như Loan đánh bạo hỏi ảnh vì sao ảnh hay hát
bài Mùa Đông Của Anh khi Ngọc Trang đi ngang quán ảnh, ảnh nói vì ảnh thích Ngọc
Trang.”
Nàng hồi hộp nhưng cố giữ vẻ thản nhiên hỏi lại:
“Rồi sao nữa? Bây giờ ảnh còn hát bài ấy không?”
“Lúc đó Loan tính hỏi ảnh muốn Loan làm chim xanh không nhưng
hôm sau ra quán mua đồ không thấy ảnh nữa! Ảnh đi đâu mất tiêu mất tích suốt
mùa hè. Loan không thấy ảnh mà Loan không dám hỏi mẹ của ảnh sợ mẹ ảnh nghĩ
Loan có tình ý với ảnh thì khổ.”
Ngọc Trang nghĩ đến khuôn mặt đẹp thư sinh và thân hình cao
ráo điển trai của Nghiêm, gật đầu thông cảm với bạn:
“Đúng rồi! Ai mà hỏi chuyện riêng tư của mấy anh con trai để
bị người lớn hiểu lầm chứ!”
Như Loan nghiêng đầu, chăm chú nhìn Ngọc Trang:
“Nhưng mà nghe anh chàng đẹp trai thích mình có vui không?”
Ngọc Trang cười nhẹ, khỏa lấp:
“Vui hay không thì có được gì đâu! Mùa hè đã qua rồi đó Như
Loan! Sang năm tụi mình lên đệ nhị cấp phải dồn thời gian cho việc học mới mong
đậu Tú Tài được!”
Đến trước phòng học của mình, Như Loan dừng lại chép miệng
nói với Ngọc Trang:
“Không ngờ sau bốn năm học chung bây giờ tụi mình lại học hai
lớp khác nhau”
Ngọc Trang lẩm bẩm theo:
“Cứ mỗi lần mùa hè trôi qua, mọi thứ lại thay đổi!”
Vào lớp học của mình, giữa nhóm bạn mới Trang cảm thấy lạc
lõng vì không xác định chỗ ngồi nào thích hợp cho mình. Đến cuối lớp Trang ngồi
đại nơi góc bàn cạnh cửa sổ.“Chỗ ngồi tạm thời thế nào cũng bị thay đổi bởi những
yêu cầu của lớp hay thầy cô mà!” Nàng nghĩ thế trong lúc ngơ ngác nhìn xung
quanh. Lớp hơn bốn mươi đứa con gái trong đồng phục áo dài trắng trông rất
ngoan hiền! Nàng nghĩ” Trong số những cô bạn này sẽ là bạn cùng ban C văn
chương với nàng trong ba năm liền. Suốt ba lớp Đệ Tam, Đệ Nhị và Đệ Nhất thể
nào nàng cũng sẽ tìm một nhỏ bạn thân tâm đắc với mình. Những đứa bạn cùng lớp
với Ngọc Trang cũng đang ngơ ngác chẳng khác gì nàng. Một vài cô bé chống cằm
mơ màng nhìn ngoài cửa sổ chẳng quan tâm đến những tiếng nói ồn ào của lớp
trong lúc chờ cô giáo hay thầy giáo đến khiến Ngọc Trang cười thầm “Dân văn
chương có khác! Lúc nào cũng mơ mộng! Mình vào đúng nơi rồi!” Dõi theo ánh nhìn
của bạn ngồi cạnh, Ngọc Trang mơ màng nhìn ánh nắng nhạt trên chùm dương sát
khung cửa kính. Những tia nắng cuối hè vẫn còn đọng lại trong sự luyến tiếc của
những cô gái trong những chiếc áo dài trắng tinh.
Thực sự, Ngọc Trang không luyến tiếc mùa hè rực rỡ vừa trôi
qua. Nàng chỉ nghĩ miên man đến lời Như Loan vừa nói với nàng. Nàng nghĩ đến
Nghiêm. Nàng nhớ ánh nắng sáng lòa và chùm phượng đỏ của Nghiêm tặng. Nàng còn
nhớ đôi tay run run của chàng kèm với đôi mắt u buồn uẩn khúc. Tột cùng nhất,
nàng nhớ đôi tay đón nhận ân cần của mình, và sự thổn thức kèm theo hoang mang.
Nàng chợt hiểu vì sao nàng nhận tên Hạ Đỏ và chùm hoa phượng của Nghiêm một
cách dễ dàng và nhanh chóng. Trong tiềm thức của nàng, màu đỏ của hoa phượng và
mùa hè luôn luôn là màu chia tay vĩnh cửu của tuổi học sinh, của sự xa cách
không bao giờ có thể hội ngộ. Sự lập lại một cách trùng hợp đã vô tình gợi cho
Ngọc Trang nhớ lại những gì xảy ra trong những tháng ngày nàng học trong trường
tiểu học…
Lúc ấy, những đứa bạn trong xóm, phần lớn là học sinh của trường
nam tiểu học và nữ tiểu học Nha Trang trong độ tuổi tám đến mười hai thường tụ
tập trước hiên của căn nhà sát cạnh nhà nàng để chia nhau những thành phẩm mà bọn
con trai ki cóp được. Có lúc cả bọn có những trái keo, có lúc có trái trứng cá,
có lúc có trái hoa điệp, có lúc là trái me, trái tra hay những quả bàng. Thằng
Hoàng, con trai của o Vân và chú Tường ở sát cạnh nhà Ngọc Trang, luôn là thằng
đầu têu của đám. Mỗi buổi trưa, sau khi đi học về, cơm nước xong, chờ những người
lớn trong xóm chìm trong giấc ngủ trưa, thằng Hoàng thường rủ mấy đứa con trai
lùng các loại cây từ trường nam tiểu học, đến trường nữ tiểu học đến sân Vận Động
Nha Trang đến tận đình Phương Câu nơi dãy nhà cho thuê của bà Cửu Độ để khèo
hái rồi đem về chia cho cả bọn. Những ngày hè, không phải đến trường, những
trái cây ven đường thu góp từ bọn con trai được chia phần cho bọn nhỏ trong xóm
nhiều hơn. Ngồm ngoàm với những loại trái cây “không có bán ở chợ”xong, cả bọn
rủ nhau chơi lò cò, nhảy dây, ô làng hay đá gà bằng nhụy của những cánh hoa phượng.
Sau mỗi mùa hè, cây phượng xum xuê hoa đỏ trước nhà thằng Hoàng thường xơ xác
tiêu điều vì trò chơi đá gà của bọn con nít trong xóm.
.
Đến khi thằng Hoàng được vào lớp Đệ Thất của trường Võ Tánh,
nó bỏ cái tật đi khèo cây hái trái và tuyệt đối không cho ai phá cây hoa phượng
trước nhà nó nữa. Vào trung học, thằng Hoàng trở nên ít nói đến lạ lùng. Ngọc
Trang không còn dịp đến nhà nó để ngồi trên bậc tam cấp trước nhà tụ tập với những
đứa trong xóm nữa. Cho đến năm sau, khi Ngọc Trang đậu vào trường nữ trung học
Nha Trang, Hoàng thò đầu vào cổng nhà Ngọc Trang, gọi nàng sang nhà rồi tặng
cho nàng chùm hoa phượng đỏ. Ngọc Trang vui mừng nhận chùm hoa như vừa được báu
vật. Ngồi trước bậc thềm nhà Hoàng, nàng xé ngay một cánh hoa rồi tỉ mỉ tước từng
lớp mịn trong búp nụ dán vào ngón tay để tưởng tượng như bàn tay mình vừa được
sơn đỏ. Đây là cách mà trước đây chị Ti Chị( chị gái của Hoàng) bày cho Ti Em(
em gái Hoàng) Ngọc Trang và bọn con gái khi cả bọn được chia những đóa hoa phượng
đỏ.
Hoàng có vẻ thảng thốt khi nhìn Trang xé những cánh phượng
nhưng im lặng chăm chú nhìn nàng. Ngọc Trang không để ý vẻ bất mãn của thằng
Hoàng, nàng say mê ngắm thành quả của những ngón tay đỏ mà nàng vừa dán xong.
Thình lình tiếng nói của o Vân làm Ngọc Trang giật mình quay ra sau lưng. Nàng
sững sờ nhìn o Vân không chớp mắt. O Vân như một nàng tiên trong chiếc áo dài cổ
thuyền màu huyết dụ đứng giữa cửa ra vào. Dáng sang trọng và trang phục thanh lịch
của o khác hẳn vẻ khòm cong ốm o và bộ đồ nhàu nhèo của Ti Chị người đang nghểnh
đầu lắng nghe o dặn dò trước khi o ra khỏi nhà. Khi chiếc giày cao gót của o nhẹ
nhàng xuống bậc tam cấp ngang qua chỗ Ngọc Trang ngồi, o nhoẻn miệng cười như nữ
hoàng duyên dáng trao tặng những nụ cười lịch sự và thân thiện dành cho quần thần
trên con đường nàng đi qua. O nói:
“Trang tới chơi đó hỉ? Răng không đưa Trang vào nhà mà để ngồi
đây chi rứa Hoàng? Ba thời cơm xong rồi! Nói Trang vào nhà đi!Ngồi ngoài ni muỗi
cắn chết!”
Dứt lời, o Vân bước xuống bậc cấp cuối cùng và đi thẳng đến
chiếc xe Jeep đang trờ đến. Mùi nước hoa thoang thoảng dễ chịu vương vất từ tà
áo dài của o khiến Ngọc Trang ngây ngất. Nàng đoán những người trong chiếc xe
Jeep đón o cũng ngất ngây không kém chi nàng. Đối với Ngọc Trang, o Vân là một
thần tượng về mỹ thuật. Là mẹ bốn con nhưng thân hình và trang phục của o Vân
không người đàn bà nào trong xóm sánh bằng. Ngọc Trang mê những ngón tay sơn đỏ
trên bàn tay búp măng trắng mướt của o nên mỗi khi có hoa phượng là Ngọc Trang
biến chúng thành những lớp sơn đỏ cho những móng tay của nàng. Hí hửng với mười
ngón tay “được sơn đỏ” bằng nhũng lớp lụa của búp hoa phượng, Ngọc Trang định
vào nhà khoe với Ti Chị và Ti Em, nàng chợt khựng lại vì cái pho tượng nghiêm
trang và buồn bã cạnh cái tủ kính đựng quần áo ở góc nhà. Chú Tường ngồi im lặng
với khuôn mặt thất thần khiến Ngọc Trang không biết mở lời chào như thế nào cho
phải. Nhìn sang Hoàng cầu cứu, nàng thấy một khuôn mặt lạnh băng như đong đá.
Còn Ti Chị và Ti Em không có sinh khí vui tươi như thường ngày! Ngay cả thằng
Su liến thoắng hay nói nhất nhà cũng im lặng ngồi ủ rũ trong một góc nhà. Bầu
không khí nặng nề đã khiến cho Ngọc Trang linh tính có chuyện tranh cãi gì đó vừa
xảy ra. Nàng nhớ đến những lời qua tiếng lại của o Vân và chú Tường trong suốt
một năm gần đây từ căn nhà của Hoàng và nàng chợt hiểu vì sao thằng Hoàng không
cho những đứa trong xóm chơi đùa trước nhà nó như trước nữa.
Vài hôm sau, cả xóm Phương Câu bàng hoàng với tin chú Tường tự
tử. Chôn cất chú xong, gia đình Hoàng dọn khỏi căn nhà thuê. Mọi người ra đi
không một lời từ giã. Người trong xóm đồn o Vân có thai với một ông Mỹ làm cùng
sở nên o đòi li dị với chú Tường. Và đó là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chú
Tường. Ngọc Trang không biết thực hư như thể nào nhưng mỗi lần nhìn những chùm
hoa phượng trước căn nhà thuê của chú Tường và o Vân, nàng luôn luôn nghĩ đến sự
chia ly, một sự chia ly bất ngờ, không hẹn trước. Bây giờ Nghiêm cũng thế, chùm
hoa phượng mà chàng tặng cho nàng đã báo trước một cuộc chia ly ngay ngày đầu
tiên gặp gỡ. Một cuộc chia ly không bao giờ có ngày trở lại.
Sau biến cố tháng tư năm 1975, Ngọc Trang theo gia đình chồng
sang Mỹ. Bận rộn với công việc làm ăn sinh sống và nuôi con, nàng cắt đứt mọi
liên lạc với bạn bè thời thơ ấu cũng như thời học sinh. Nhờ những cuộc hội ngộ
của trường Nữ trung học Nha Trang, và sự kết nối toàn cầu của Internet, Yahoo,
Gmail và Facebook, Ngọc Trang được hội ngộ cùng các bạn trong khối lớp 12
(tương đương đệ nhất cấp trước 1975) tại Nha Trang. Mừng không kể xiết khi nàng
gặp lại Như Loan, Thu Thuỷ và hầu hết các bạn trong ban Văn Chương, Sinh Hóa và
cả ban Toán. Sau khi ăn uống, tâm tình, cả bọn rủ nhau hát karaoke. Mọi người
thay phiên hát những ca khúc vui nhộn mà bọn con gái thường hát thời trước 1975
như “Hạ Vàng Biển Xanh”,”Những Nụ Tình Xanh”, “Yêu Em Bằng Nguyên Trái Tim”,
“Thà Như Giọt Mưa”. “Mal”…Hò hét xướng ca một lúc, Thu Thuỷ chọc:
“Bây giờ Ngọc Trang hát một bài đi chứ!”
Ngọc Trang lắc đầu:
“Ở Mỹ cày suốt ngày có thì giờ đâu mà hát với hò!”
Vài đứa bạn nhao nhao:
“Bảo đảm con nhỏ này mà hát thì hát nhạc vui chứ không hát nhạc
bolero đâu!”
“Ừ nó thường chê loại nhạc rền rỉ là cải lương mà!”
Ngọc Trang đáp:
“Ấy vậy mà suốt mấy chục năm ta vẫn thuộc lời bài Mùa Đông của
Anh đó! Tìm số bài hát ‘Mùa đông của Anh’ đi ta hát cho tụi mi nghe!”
Cả bọn nhao nhao tìm số bấm và Ngọc Trang hát toàn bài không
vấp
Như Loan đến cạnh nàng nói nhỏ:
“Như Loan biết tại sao Ngọc Trang thuộc bài hát này rồi! Do
nghe anh Nghiêm hát nhiều lần phải không?”
Ngọc Trang gật đầu:
“Đúng vậy Như Loan! Nhờ anh Nghiêm mà Trang biết bài hát này!
Bây giờ Như Loan vẫn còn ở trong hẻm Hà Thanh đó chứ?”
Như Loan lắc đầu:
“Không Loan lấy chồng nên ở nhà chồng chỉ có ba mẹ Loan vẫn
còn ở đó!”
“Vậy nhà anh Nghiêm có còn ở đó không? Anh Nghiêm có về đó
không?”
“Không Ngọc Trang ơi! Hồi đó, Loan nghĩ anh Nghiêm vào Sài
Gòn học mà không phải vậy. Ảnh rớt tú tài nên đi lính sau đó tử trận Ngọc Trang
à! Sau này mẹ ảnh kể cho Loan nghe như vậy.”
Ngọc Trang lặng người. Chùm hoa phượng đỏ năm nào chợt chờn vờn
trong tâm trí của nàng. Nàng nói với Như Loan bằng giọng trầm buồn:
“Màu đỏ của hoa phượng là màu chia ly đó Như Loan.”
Như Loan ngơ ngác không hiểu vì sao Ngọc Trang đề cập chuyện
không ăn nhập với tin sốc mà nàng vừa loan báo. Ngọc Trang có vẻ chăm chú lắng
nghe giọng ngân cao của một đứa bạn đang hát:
“Màu hoa phượng thắm như máu con tim, mỗi lần hè thêm kỷ niệm,
người xưa biết đâu mà tìm… ”.
Như Loan phỏng đoán là Ngọc Trang đang chú tâm nghe hát nhiều
hơn để ý điều nàng thố lộ. Nàng đoán chuyện Nghiêm tử trận xảy ra khá lâu rồi
và người đã khuất chỉ là một bóng mờ trong quá khứ của Ngọc Trang. Nàng không
biết Ngọc Trang đang nói trong đầu rằng “Màu đỏ của hoa phượng thật sự là màu
máu của tim. Màu chia ly và vĩnh biệt!” Những cánh hoa phượng tươi tắn ngày xưa
bây giờ chỉ còn là những xác hoa đỏ tơi tả trong tâm trí của Ngọc Trang.
Cung Thị Lan
Theo https://vivietnamthuquan.eu/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét