Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Gọi rẫy thiêng liêng như tên buôn, tên vợ, tên chồng

Gọi rẫy thiêng liêng như
tên buôn, tên vợ, tên chồng

Nhà thơ Bùi Minh Vũ vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 1960 quê quán Quảng Ngãi, hiện sống và viết tại thành Buôn Ma Thuột. Xuất thân trong gia đình ngư dân, ông tốt nghiệp cử nhân ngữ văn, cử nhân chính trị; vào bộ đội chiến đấu ở Mặt trận 579 Campuchia, ra quân công tác ngành văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đắk Lắk rồi nghỉ hưu.
Tác phẩm đã xuất bản của Bùi Minh Vũ: Các tập thơ: Ngủ mơ trên cát (1996), Ngày về quê ngoại (2004), Tình một thuở (2006), Dòng sông mùa xuân (2009), Chim sơn ca (2010), Lão ngư Kỳ Tân (2014), Tôi hát về ngày không em (2017), Tình yêu muộn (2018), Chìa khóa mở vào thế giới (2018), Màu thổ cẩm (2019), Không ai già hơn tình yêu (2019), Nhớ và kể lại giấc mơ (2020), Biển và quê hương (2020), Nơi bắt đầu lời nguyền (2021),  Âm thanh yêu thương (2022);  các tiểu thuyết: Cõi hồng (2017), Người có lúc (2018), …A (2020), Nụ cười thiên nữ (2020), Nàng H’Ly (2022). Và một số công trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn về văn hóa Tây Nguyên.
Ông được nhận các giải thưởng văn học: Giải khuyến khích của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam năm 2019 cho tập thơ Màu thổ cẩm; Giải ba Giải thưởng văn học về Biên giới, hải đảo năm 2020 của Hội Nhà văn Việt Nam cho tập thơ Lão ngư Kỳ Tân; Giải nhì Báo Nông nghiệp Việt Nam và Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức với bài thơ Cha dạy con; Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Chư Yang Sin lần thứ nhất do UBND tỉnh  Đắk Lắk tặng năm 2010: Giải B Văn học dân gian, cụm tác phẩm truyện cổ M’nông: Hai chị em Ji Băch và Ji Bay, Nàng Ji Dết L’Nghê và một số giải thưởng khác.
Đất vàng
Rừng bảo vệ đất
Sông bảo vệ đất
Suối bảo vệ đất
Rẫy nương nuôi sống con người
Đất rừng nuôi sống con người
Ai làm rẫy phá rừng
Ai vào rừng phá rừng
Ai trồng rừng phá rừng
Ai chặt cây đầu nguồn
Ai chặt cây rừng thiêng
Ai chặt cây ven sông
Ai chặt cây ven suối
Ai chặt, ai?
Có nghe đất khóc
Có nghe cây khóc
Có thấy nước mắt tổ tiên
Như giọt mưa nhỏ xuống ròng ròng.
Trả nợ
Cây rừng đi đâu?
Dòng suối về đâu?
Con thú hoang ở đâu?
Em đã hỏi
Mặt trời trốn sau đồi
Bầy chim rừng ngậm mấy giọt trăng rơi
Ôi trang viết buồn biết bao nhiêu hả trời
Giá như rừng là mực
Ta chấm vào viết nên trang sách
Tự do cho muôn loài
Ôi nếu em đòi
Một đóa lan rừng
Một tiếng mang kêu
Một dòng suối hát
Ta mất một đời để trả nợ cho em.
Cha dạy con
Cha dạy con
Không được chặt cây trong rừng
Không được phát rẫy làm nương trong rừng
Làm nhà không được chặt cây
Chặt một cây phải trồng bảy cây
Cha dạy con
Không được chặt cây con
Chặt cây con như chặt cổng buôn làng
Như chặt bến nước
Chặt chiêng
Chặt ché,
Chặt gùi,
Chặt sắc màu thổ cẩm
Cha dạy con
Không mang lửa vào rừng
Rừng sáng lửa, nhà dài tăm tối
Rừng sáng lửa, hạn hán kéo dài
Cái nước trong bầu không có
Cái bụng không no
Cái chòi trên rẫy bay về trời
Làm sao con còn nghe hát ay ray
Làm sao con ngồi nghe kể khan trong gian khách
Cha dạy con
Rừng là nguồn sống
Là tài sản của tổ tiên, ông bà
Nơi đó, con thú trú ngụ
Nơi thần linh tìm về
Nơi con gặp cha mùa ăn năm uống tháng
Cha dạy con
Nuôi sống rừng như nuôi bản thân mình
Như vẽ ra bức tranh bằng luật tục làng buôn.
Hỏi
Lạy yang (1), cho con xin cái nước
Không có, hay là để môi khô?
Một mai, bến nước không còn nước
Ta bắt đền yang
hay đền ta?
(1) Thần linh. Theo tín ngưỡng của người Ê đê, yang có ở mọi nơi. Con người có thể giao tiếp với yang thông qua cầu khấn.
Amí
Chiều một mình ở góc rừng thiêng
Amí gùi nước lên triền dốc
Ngẩng đầu hôn chùm nắng chói ngược
Cúi đầu tay một vốc thiên nhiên.
Mỗi ngày
Mỗi ngày lên rẫy
Em đọc một trang sách
Mỗi cây lúa, cây môn, cây ớt, quả cà,
con nhím, con chồn, con khỉ… là những từ
Mồ hôi là mực
Tay là bút
Em viết thêm cho cuốn sách dày hơn
Nhìn bìa rẫy
Em ngỡ bìa sách
Đường xuống suối giống gáy sách
Những hòn sỏi dấu chấm câu
Ngồi dưới gốc cây gạo
Em nghĩ trong thư viện
Đôi khi, em mỉm cười.
Mùa xuân
Mưa, suối trượt dài
Bước chân ngắn lại
Rẫy lúa bên triền đồi
Tròn như một hạt mưa
Mưa trôi mặt trời
Không trôi giọt mồ hôi mẹ
Mưa trôi giấc mơ cất trên chòi lúa
Nảy mầm dọc suối mùa xuân.
Tiếng đàn brỗ
Đàn brỗ (1) không kêu
Đàn brỗ không rung
Đàn brỗ vỡ tung
Em không đến
Trăng đỏ như mào con gà trống
Mổ vào tiếng đàn réo gọi đêm nay?
(1) Nhạc cụ làm bằng quả bầu khô.
Bến nước
Khi bến nước bị đút túi
Tôi không tin
Khi bến nước bay về trời
Tôi vẫn đến 
Khi bến nước trườn vào sách vở
Tôi hỏi tôi, bến nước ở đâu, đi đâu
Tôi hỏi tôi, hỏi tôi, bến nước về đâu
Bến nước đâu rồi, tôi hỏi tôi…
Rẫy hồn làng
1
Trên gương mặt đất đai
Dấu vân tay
Trườn dài giọt mồ hôi tròn con mắt
Trườn qua ký ức già làng
Qua hơi thở ama
Qua ước mơ am 
Những đêm trăng
Nghe tiếng hò reo của lúa
2
Những con thú rập rình
Họ đuổi vào cánh rừng xa
Chọn nơi khuất gió trồng dưa
Nơi đất bằng trồng bắp
Gần suối tỉa nếp
Tỉa lúa đất còn tro
Tỉa đậu trời nắng
Rẫy không bao giờ buồn
Địu đứa con đến cuối rẫy
Nhổ bụi khoai như trò chơi.
3
Cái chòi lúa bay
Họ dựng lại
Nhốt gió rừng
Thần lúa vuốt râu
Mặt trời thương rẫy
Mang rượu đến
Lúa reo
Những bàn tay tuốt lúa
Những ánh mắt tuốt lúa
Trăng tuốt lúa.
4
Bên dòng suối
Rẫy như bàn tay
Xòe ra ánh sáng
Nắm lại gùi mô 
Rẫy ít nói như amí
Hát hay như nghệ
Thơm như gừng
Đỏ như ớt
Tròn như hồn làng
Rẫy ngủ trong truyện cổ tích
Trong lời nói vần
Sử thi
Và trong ché rượu tan 
Rẫy không định cư nơi thành phố
Thường ngủ trong bụng người già.
5
Họ thương rẫy bao mùa
Ăn ở rẫy
Ngủ ở rẫy
Buồn vui ở rẫy
Họ tin không có rẫy
Những giọt sương không có linh hồn
Không đầu thai
Cái xà gạc buồn không có nơi chia sẻ
Họ gặp nhau từ rẫy
Sinh ra những đứa con biết chinh phục rừng
Bắt con voi quỳ
Con khỉ nhặt lúa
Kể chuyện Dăm Săn
Chuyện Mdrõng Dăm
Từ những đêm trăng giã gạo.
6
Đi rẫy như đi hội
Trên con đường gập ghềnh
Họ bảo nhau
Phát rẫy sát gốc
Làm cỏ nên xới mặt đất
Trỉa lúa năm hạt
Trỉa bắp ba hạt
Lúa hai lá làm cỏ một lần
Lúa năm lá làm cỏ hai lần
Một bụi lúa phải giữ
Bảy bụi lúa phải canh
Rơi hạt lúa phải nhặt.
7
Họ nói với con gái:
Lúa một nắm cho gà
Lúa một gùi cho con
Lúa một rẫy cho vào chòi
Lại nói với con trai:
Trước mặt ba bụi lúa
Sau lưng bảy bụi khoai
Ở giữa cỏ mọc
Làm sao ngồi đó ăn năm
 
Cái cào cỏ như cây bút
Vẽ bức tranh không có màu vàng úa.
8
Rẫy
Không có bàn chân lạ
Không có con mắt trắng
Không có cái bụng to
Họ đi chân đất
Hát trên đất
Hẹn nhau trên đất
Thả linh hồn chạy rông
Họ nhốt con thú hoang
Gọi trăng về rõ mặt
Con nào ăn lúa, con nào ăn môn
Con nào ăn cà
Con nào ăn ớt
Đãi một chầu
Hẹn chúng mùa sau
Nhớ đem theo khiau (1)
Mang rượu về hang ổ.
9
Bên gốc cây cổ thụ
Tiếng cười như cây đinh treo bức tranh
Người đói muốn thân
Người no kết bạn
Rẫy trước mặt như con gái lấy chồng
Rẫy sau lưng như con trai lấy vợ
Bên cây cổ thụ
Ngắm bảy đóa hoa sung rơi trước mặt
Mùa ăn năm đến gần
Hiện ra bảy chục gùi lúa đực
Cúng thần bằng gà
Mong lúa cái mùa sau.
10
Họ dạy con
Không được chăn dê trên rẫy
Không được chăn bò trên rẫy
Không được bỏ rẫy hoang
Ba ngày không đến rẫy
Bảy ngày không thấy mặt trời
Bảy đêm không thấy mặt trăng
Cái đầu ngập trong rượu
Làm sao nghe vang nhạc thả diều
Làm sao giữ cây lúa
Chăm cây lúa
Kể chuyện cổ tích cho lúa nghe.
11
Chẳng có vật nhập khẩu nào che mưa
Không có thứ nhập khẩu nào chắn gió
Họ dùng bàn tay chai sạn đậy từng bụi lúa
Rào từng cây lúa
Gọi từng tên lúa
Này lúa hdrô, bla (2)
Này lúa ba nơnh, ba djang, ba oay (3)
Ba m’êt, ba ke (4)
Hồn lúa đừng đi xuống suối
Đừng chạy vào rừng
Đừng lạc nhau như con trâu hoang.
12
Họ yêu rẫy như yêu con
Gọi rẫy thiêng liêng như tên buôn, tên vợ, tên chồn 
Có rẫy, ngày bình an
Có rẫy, đêm ngon giấc
Những ngọn cây xanh và tán lá
Như môi hôn
Rẫy ở lại với họ từ thời tổ tiên, ông bà
Rẫy không bán
Không tranh phần
Không cắt xén
Rẫy cười trong bộ lễ mùa xuân.
13
Rẫy như hồn làng
Mất rẫy không còn đường về buôn
Sương trên hồ mặt trăng không bơi
Gió trên hồ bầu trời không thổi
Các con đường bị rào lại
Hồn lúa không về chòi
Hồn bắp không về túp
Những con thú hoang buồn như mất vợ
Còn cách nào để cái rẫy còn
Cái lúa còn
Cái khoai còn
Trái cà còn
Còn đường đi ra rẫy
Còn nghe tiếng hát gọi nhau tuốt lúa đêm trăng.
14
Họ thề không địu rẫy về thành phố
Không mang rẫy đi ăn cưới
Họ cất bìa trong tim
Chung quanh bờ rẫy rào lại
Con đường hẹp đủ bước chân vào
Các tua du lịch rẫy được xem xét cẩn trọng
Du khách đứng ngoài rìa nhìn
Rẫy không tự phụ vĩnh hằng
Không nghĩ mình già nua
Hoặc trẻ trung
Vừa sinh ra từ ven suối, ven đồi
Rẫy có tên, có tuổi, được làm lễ về buôn.
15
Rẫy không chai lì mà nhanh nhẹn, tháo vát
Rẫy không ngủ
Luôn luôn thức
Rẫy có đôi chân người
Đôi tay người
Trái tim người
Ghì amí ama vào lòng
Khi nới ra, lòng vòng bìa rẫy
Nghe hạnh phúc nhân đôi.
16
Rẫy cho họ bát cơm, manh áo
Nuôi con cháu lớn khôn, biết kể khan bên lửa nhà dài
Biết cầm rìu bửa củi
Biết cầm cung đuổi mtao ác
Biết cầm ná đuổi chim
Biết đánh chiêng, trao vòng
Biết thui gà, cột rượu mời thần về tế lễ
Rẫy không phát ra thanh âm buồn
Rẫy không hận thù gió mưa
Rẫy không thất lạc
Rẫy già hơn hồi ức Buôn Ma Thuột
Rẫy là cuộc tình
Nơi bắt đầu lời nguyền
Thà mất trăng sao
Rẫy còn ở lại
Amí ama nhìn không biết chán
Trên gương mặt đất đai
Tấm gương linh hồn họ, nhân đôi.
Chú thích:
(1) Cái giỏ được đan bằng mây hay tre, có quai đeo quàng thắt lưng, dùng khi đi tuốt lúa hoặc đựng cá khi đi xúc cá.
(2) Tên hai loại lúa quý, người Ê đê nấu cơm đãi khách
(3) Các loại lúa râu của người M’nông
(4) Lúa nếp, lúa thơm của người M’nông.
3/1/2023
Bùi Minh Vũ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...