Thứ Năm, 28 tháng 11, 2024

Lần mừng thọ ấy của ông tôi

Lần mừng thọ ấy của ông tôi

Không biết có tự bao giờ, song từ khi còn nhỏ, tôi đã thấy ở làng tôi có lệ những người bắt đầu bước vào tuổi sáu mươi đều được con cháu tổ chức cho một lễ mừng thọ, thường được gọi một cách dân dã là “ra lão”. Bằng một cái lễ tươm tất được sửa để dâng lên thắp hương ở đền làng và một bữa cỗ mời các cụ cùng họ hàng thôn xóm, sau các nghi lễ ấy là đương nhiên được xếp vào hàng các cụ trong làng. Và cứ mười năm sau, những ai còn sống lại thường được tổ chức mừng thọ một cách trang trọng và hoành tráng hơn.
Theo truyền thống đó nên nhà tôi đã có vinh dự được tổ chức mừng thọ cho ông nội khá nhiều lần.
Hồi nhỏ, do bà mất sớm, bố tôi lại đi dạy học xa, mẹ thì quanh năm quần quật làm lụng, lo toan để nuôi cả nhà, nên tám anh em tôi lớn lên hầu như đều dưới bàn tay chăm chút của ông. Là người được các cụ ngày xưa ưu ái cho đi học từ nhỏ nên ông tôi biết tiếng Pháp, biết cả chữ nho và đã có thời làm ông giáo ở xã Thanh đình liền cạnh. Vì vậy mà việc học hành của anh em tôi đều được ông đôn đốc và chỉ bảo. Ông thương chúng tôi tột độ. Khi còn bé tý, đích thân ông tắm rửa cho từng đứa. Tôi còn nhớ những đêm hè oi bức, anh em tôi đứa nào cũng tranh nhau được ngủ trên chiếc phản cùng ông, bởi chiếc quạt cọ trong tay ông suốt đêm không ngừng phe phẩy, tạo ra những làn gió mát rượi khiến chúng tôi lịm đi lúc nào không biết.
Có lần anh em tôi nằm hóng mát trên chiếc chõng tre ở ngoài sân rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết, sáng ra tỉnh dậy thấy tất cả đều nằm ở trong nhà. Thì ra đêm ấy, ông đã không đánh thức chúng tôi dậy mà bế từng đứa vào nhà để cho khỏi bị nhiễm sương và muỗi đốt. Đám cháu chúng tôi hễ đứa nào ốm là ông lo lắm, ngồi trông và chăm sóc suốt ngày đêm. Ông hết mực hiền từ và nhân hậu. Chưa bao giờ chúng tôi thấy ông cãi cọ với một ai trong làng. Chưa một đứa cháu nào bị ông quát mắng hay đánh đập. Ông cũng rất dí dỏm và vui tính, thường trêu đùa các cháu theo cái cách của một người có học, ngay cả khi chúng tôi đã khôn lớn và có gia đình riêng.
Có lẽ là anh cả trong nhà nên tôi được ở gần và có nhiều kỷ niệm với ông hơn cả. Tôi nhớ như in những buổi đi trồng rau với ông ngoài bãi và được ông dạy tập bơi trong con ngòi nước không quá sâu và chảy lững lờ. Những đêm trời đầy sao cùng ông kéo vó trên chính con ngòi ấy hay ngủ lều trông đàn vịt mấy trăm con nhốt ở một góc đồng. Những chiếc cần câu cong cong ông vót, những chiếc bấc đèn dầu ông thay mỗi khi tôi bước vào mùa thi. Những lúc vào bốn giờ sáng mắt nhắm mắt mở thức dậy cùng ông giã gạo, có khi do vẫn còn lơ mơ nên chân đạp xuống cần của cái cối thường hay lỗi nhịp. Lớn lên khi đã học cấp ba, để đỡ khó khăn cho gia đình, tôi đã cùng ông hàng tháng trời với cuốc chim, xà beng, đào xới cả một mảnh đồi toàn đá mà khi xếp chúng lại để làm bờ mới thấy khủng khiếp để có thêm đất trồng sắn.
Vì yêu quý và kính trọng ông hết mực nên năm 2006 khi ông tròn một trăm tuổi, đại gia đình chúng tôi đã bàn từ rất sớm và quyết định sẽ tổ chức một lễ mừng thượng, thượng thọ cho ông thật ấm cúng và trang trọng. Chúng tôi sung sướng và hào hứng nhận mỗi người một việc. Riêng nhà tôi có vinh dự được phân mua bộ quần áo dài và chiếc khăn xếp màu vàng có hoa văn thật đẹp để ông mặc trong ngày trọng đại đó.
Do dòng họ Tạ khá đông, lại là một trong vài cụ thượng thọ nhất trong cả xã, được dân làng yêu mến và kính trọng, rồi con, cháu, chắt, chút tính ra cũng xuýt xoát gần trăm, nên số lượng người đến chúc thọ ông tôi năm ấy đông lắm. Chúng tôi bố trí để ông ngồi trên một chiếc ghế bành to đặt ở gian giữa nhà, chếch bàn thờ tổ tiên một chút. Rồi lần lượt hàng trăm, hàng trăm người đủ các thành phần, lứa tuổi đến chúc mừng ông bằng những lời tốt đẹp nhất. Với tư cách là cháu đích tôn, tôi được đứng bên chiếc ghế ông ngồi và chứng kiến tất cả những giây phút đầy xúc động ấy. Trong buổi lễ hôm đó, có một cảnh làm tôi lặng người đi và không thể nào quên được. Biết ông tôi được tuổi một trăm và tổ chức lễ mừng thọ, sáu học trò của ông từ thời chống Pháp ở xã Thanh đình, tuổi đã trên dưới tám mươi, nhưng còn tương đối khỏe đã nói cháu, chắt đưa đến nhà tôi . Các cụ xếp hàng, rồi từng người một bước tới trước chiếc ghế ông tôi ngồi, quỳ sụp xuống và khoanh tay xưng họ tên rồi kính cẩn chúc thọ thầy. Ông tôi tươi cười, xen một chút ái ngại bảo không phải quỳ xuống thế. Nhưng không một ai nghe cả. Thật kỳ diệu khi thấy ông tôi nắm chặt tay, nói vanh vách tên từng trò và thậm chí còn nhắc lại một số chuyện đáng nhớ về từng người một.
Chứng kiến cảnh hôm ấy, tôi và tất cả mọi người có mặt đều không nói nên lời. Thế mới biết cái tình nghĩa thầy trò trải qua gần trăm năm của các cụ mới sâu nặng ngần nào. Tôi thầm tự hào về ông tôi “một người thầy đích thực”. Còn có lẽ bốn đứa em tôi là giáo viên nhìn cảnh này chắc cũng tự nhủ, tự răn mình phải giữ gìn và phấn đấu như thế nào để xứng với ông tôi và xứng với cái danh xưng “nhà giáo”.
Những năm gần đây, cứ mỗi lần nghe, đọc, chứng kiến những điều kém vui về quan hệ thầy trò, nhất là ở những nơi phồn hoa đô thị, tôi lại nhớ tới cảnh đầy xúc động trong buổi mừng thọ của ông tôi năm ấy. Tôi luôn tin rằng, một khi chúng ta có những người “thầy ra thầy” thì chắc chắn cũng sẽ có những “trò ra trò”. Và chỉ khi ấy có lẽ truyền thống “tôn sư trọng đạo” của dân tộc ta mới được giữ gìn và truyền tiếp. Không dễ, nhưng chắc chắn phải là như vậy, phải không các bạn!.
Chỉ còn ba tuần nữa là tới Tết Quý Mão. Như thông lệ, gia đình tôi sẽ về quê ăn Tết. Giờ thì tôi đang ngồi nhẩm tính lại, để đến ngày Tết, khi thắp nén hương cắm lên bàn thờ, tôi có thể kính cẩn báo cáo với tổ tiên và ông của tôi rằng: “Thưa ông, ông có thể yên lòng. Truyền thống hiếu học của đại gia đình ta chắc chắn sẽ được kế tiếp. Bởi tính đến hết năm 2022, trong số các cháu, chắt của ông đã có một phó giáo sư, bảy tiến sĩ và chín thạc sĩ”.
7/1/2023
Tạ Minh Châu
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tâm Tình Với Ý Nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao n...