Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Chùm truyện cực ngắn của Nguyễn Bích Lan

        Chùm truyện cực ngắn 
      của Nguyễn Bích Lan

“Ừ, cảm ơn ông bạn đã gọi điện chúc mừng... Uh, rổ rá cạp lại mà được như thế là ngon lành rồi. Ừ, con trai. Trộm vía, kháu... Đâu, mới có một đứa... Đứa kia không tính... ừ”.
Người đang nói chuyện điện thoại là bố của em bé mới sinh nhưng không phải là bố của nó. Còn nó là “đứa kia không tính” trong cuộc điện thoại vừa rồi.

Miệng lưỡi thế gian
Nhà cô Minh ở trên đồi. Cô bán hàng xén, ngày ngày đưa xe hàng xuống, đẩy xe hàng lên trông thật cực khổ. 
Minh họa: Kim Duẩn
Một hôm tôi và bố gặp cô Minh đang đẩy xe hàng lên đồi giữa trưa nắng chang chang. Cô trông như thể sắp ngất. Tôi bảo bố: “Bố ơi, bố giúp cô Minh đi”. Bố nhìn cô Minh, nhìn tôi rồi nói: “Cô Minh đẩy xe lên đồi khổ một. Bố đẩy xe giúp cô, cô sẽ khổ mười”.
Lúc đó tôi mới mười một tuổi, cứ thắc mắc trong lòng vì sao bố lại nói như vậy. Mãi về sau khi cũng giống như cô Minh, góa chồng, ở vậy, phải chịu đựng nỗi khổ vì lòng ghen và miệng lưỡi thế gian, tôi mới hiểu lời bố nói dạo đó.
Nghẹn

Minh họa: Kim Duẩn
Cả nhà ông Hiền vừa ăn cơm tối vừa xem tivi. Thấy đài truyền hình đưa tin về một vụ bắt cóc trẻ em được một người qua đường không rõ danh tính ngăn chặn kịp thời và gia đình của đứa bé đang thông qua các phương tiện truyền thông để tìm ân nhân của họ trong vụ bắt cóc, vợ của ông Hiền buột miệng nói: “Thời buổi này thật lắm kẻ đáng sợ, ngang nhiên bắt cóc trẻ con giữa ban ngày ban mặt!”. Đứa con trai ông góp lời: “Thời buổi này cũng lắm kẻ dại, cứu trẻ con như trong phim hành động mà bỏ lỡ dịp làm ngôi sao của truyền thông! Tiếc thế!”.
Không phải lời của bà vợ mà là lời của đứa con trai khiến ông Hiền bị nghẹn.
Lòng mẹ
Năm 21 tuổi tôi bị ốm một trận nhớ đời. Vào ngày thứ ba nằm bệnh, sau một cơn sốt li bì tôi mở mắt ra nhìn xung quanh thấy mẹ tôi đang đứng bên khung cửa hướng ra bancông chải tóc. Cái cách mẹ chải tóc không hẳn nhẩn nha nhưng chăm chú. Mẹ cứ chải miết, chải miết, như thể mẹ bị ám ảnh bởi việc chải tóc hoặc mẹ nghĩ mình cần phải chải tóc thật kỹ. Nhìn mẹ đứng chải tóc không hiểu sao lòng tôi dâng lên cảm giác khó chịu. Mẹ có nhất thiết phải chăm chút cho mái tóc kỹ đến mức ấy trong lúc tôi đang ốm không?
Cảm giác ấy trong tôi cứ tăng lên theo từng nhát lược mẹ chải. Đúng lúc tôi nghĩ mình không thể nào chịu nổi cảnh ấy nữa thì mẹ ngừng chải tóc. Mẹ chậm rãi gỡ những sợi tóc giắt khắp các răng lược, vo thành một búi tóc nhỏ. Cầm búi tóc và cái chén đã để sẵn trên bàn, mẹ đi đến bên giường nói với tôi bằng giọng nhỏ nhẹ: “Đưa chân ra đây để mẹ đánh cảm cho nào!”. Lúc ấy tôi mới biết mẹ tôi được hàng xóm mách rằng dùng tóc với rượu để đánh cảm sẽ trị được bệnh cảm sốt”.
Tôi tự hỏi những đứa con như tôi bao nhiêu tuổi mới hiểu hết tình yêu thương của lòng mẹ.
Lập đông

Minh họa: Kim Duẩn
Mẹ nó đẻ em trai. Tan học nó được dì đến tận trường đón, đưa thẳng tới bệnh viện thăm mẹ và em bé. Vào đến hành lang dẫn tới phòng của mẹ nó, dì gặp một nhóm bạn thân của mẹ đến thăm, liền bước vội lên chào hỏi, dẫn đường. Thấy đông người, nó ngượng liền đứng lại phía sau cái cột lớn.
Một lát sau nó nghe thấy tiếng bước chân và một giọng nói quen thuộc vọng tới từ phía bên kia cột: “Ừ, cảm ơn ông bạn đã gọi điện chúc mừng... Uh, rổ rá cạp lại mà được như thế là ngon lành rồi. Ừ, con trai. Trộm vía, kháu... Đâu, mới có một đứa... Đứa kia không tính... ừ”.
Người đang nói chuyện điện thoại là bố của em bé mới sinh nhưng không phải là bố của nó. Còn nó là “đứa kia không tính” trong cuộc điện thoại vừa rồi.
Trời hôm ấy lập đông.
Nguyễn Bích Lan 
Theo http://chieulang.com.vn/





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khúc hát Marseilles

Khúc hát Marseilles Thời đại Bạc đã mang lại cho văn học Nga nhiều tên tuổi sáng giá. Một trong những người sáng lập chủ nghĩa biểu hiện N...