Thứ Sáu, 3 tháng 3, 2017

Trần Quý Cáp - Tấm gương chói lọi trời sao

Trần Quý Cáp - Tấm gương chói lọi trời sao
    Trên suốt chặng đường dài 350 năm, kể từ khi Cai cơ Hùng Lộc vâng lệnh chúa Nguyễn Phúc Tần mở mang, khai khẩn vùng đất từ đèo Cả đến sông Phan Rang, lập nên 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh (1653) cho tới ngày nay, trên quê hương Khánh Hòa đã xuất hiện bao tấm gương anh hùng yêu nước. Và, sự hy sinh cao cả của họ đã góp phần tô thắm những trang sử vẻ vang của dân tộc, trong đó có Trần Quý Cáp.
    Chí sĩ Trần Quý Cáp sinh năm 1870 tại thôn Thái La, xã Bất Nhị, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, tự là Dã Hàng, hiệu là Thái Xuyên. Là một người thông minh, học giỏi, từ nhỏ đã nổi tiếng trong vùng, giao du rộng, được nhiều sĩ phu trong cả nước biết đến. Năm 1904, Trần Quý Cáp thi đỗ tiến sĩ. Tuy nhiên, vào lúc bấy giờ nho học đã tàn, tân học đang phát triển và đất nước đang rơi vào giai đoạn đen tối. Các cuộc khởi nghĩa của phong trào Cần Vương trong nước đều bất thành, trong khi đó, thực dân Pháp đã cấu kết với bọn vua quan triều Nguyễn ngày càng đặt ra nhiều loại sưu thuế nặng nề nhằm bóc lột nhân dân ta.
    Vốn sinh ra trong một gia đình nhà nông, hiểu được nỗi cơ cực của nhân dân, chịu ảnh hưởng sâu sắc tinh thần yêu nước của phong trào Cần Vương, đặc biệt là các cuộc khởi nghĩa Cần Vương do các thủ lĩnh như Nguyễn Duy Hiệu, Trần Văn Dư, Phan Bá Phiến… lãnh đạo ngay tại quê hương mình, đồng thời sớm tiếp nhận làn gió mới của cách mạng thế giới thông qua sách báo của các nhà tư tưởng tiến bộ trong thế kỷ ánh sáng của Pháp, cũng như của một số nhà tư tưởng Trung Quốc như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi… nên chỉ một thời gian ngắn sau khi đỗ đạt, Trần Quý Cáp đã cùng Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều bạn bè tâm giao quyết định khởi xướng và xây dựng một phong trào cách mạng mới - phong trào Duy Tân.
    Mục đích chính của phong trào này là “khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh”, hô hào mở mang trường học, phát triển công thương, cải tiến sản xuất nông nghiệp, chống các lề thói phong kiến cổ hủ, cải cách văn hóa - xã hội… qua đó khơi dậy lòng yêu nước, đấu tranh giải phóng dân tộc thoát khỏi ách đô hộ của thực dân xâm lược.
    Với uy tín và tài năng của Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, phong trào Duy Tân đã thực sự trở thành phong trào cách mạng, được nhân dân khắp nơi ủng hộ và nhanh chóng lan rộng khắp miền Trung từ Thanh Hóa đến Bình Thuận.
    Năm 1905, ba vị lãnh tụ của phong trào Duy Tân đã tổ chức chuyến “Nam du” vào các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để tiếp tục xây dựng phong trào, phổ biến dân quyền, vận động xóa bỏ lối học tầm chương trích cú, phổ biến lợi ích của tân học, tân văn hóa… Đến đâu Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng cũng được các tầng lớp trí thức và nhân dân niềm nở tiếp đón. Đặc biệt, đến Bình Định, khi thấy các sĩ tử kéo nhau về trường tỉnh thi lệ hàng tháng, ba nhà yêu nước đã cải trang thành học trò đi thi. Tại đây, Phan Chu Trinh làm bài thơ “Chí Thành thông thánh”, còn Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng làm bài phú “Danh Sơn Lương Ngọc”, sau đó cả hai bài đều ký tên của một sĩ tử là Đào Mộng Giác để gửi trường thi. Bài  phú “Danh Sơn Lương Ngọc” mang nội dung làm thức tỉnh các tầng lớp trí thức trước nỗi nhục mất nước nên đã tạo một tiếng vang lớn trong dư luận lúc bấy giờ.
    Năm 1906, nhận thấy vai trò rất lớn của Trần Quý Cáp trong nhân dân cũng như trong giới sĩ phu yêu nước, để dễ bề kiểm soát ông, thực dân Pháp cùng vua quan triều Nguyễn đã bổ nhiệm ông làm chức Giáo thọ tại Thăng Bình - Quảng Nam.
    Không muốn làm quan nhưng trước sự động viên của mẹ già và của bè bạn thân thiết nên Trần Quý Cáp đã nhậm chức. Tuy nhiên, ngược lại với ý đồ của kẻ thù, khi đã giữ chức Giáo thọ tại Thăng Bình, Trần Quý Cáp càng có điều kiện giao du, truyền bá rộng rãi hơn tư tưởng của phong trào Duy Tân. Đến đâu ông cũng diễn thuyết không biết mệt và đề ra các chương trình cải cách văn hóa, mở mang phát triển kinh tế.
    Đến đầu năm 1908, chỉ mấy năm phong trào Duy Tân ra đời, ở miền Trung hàng trăm trường học đã được xây dựng, phổ biến quốc ngữ, giảng dạy các môn khoa học, lịch sử, vệ sinh… và mỗi trường đã trở thành trung tâm bài trừ các hủ tục, giáo dục lòng yêu thương đất nước… Đặc biệt, ở Quảng Nam và một số tỉnh khác, nhờ ảnh hưởng của phong trào Duy Tân, nhân dân đã bắt đầu nổi dậy biểu tình xin xâu, giảm thuế. Trước tình hình trên, để cách ly Trần Quý Cáp với các đồng chí cũng như hạn chế tầm hoạt động của ông, kẻ thù liền chuyển ông về làm Giáo thọ tại huyện Tân Định, tức huyện Ninh Hòa ngày nay.
    Tháng 5-1908, tại Quảng Nam, một cuộc biểu tình xin xâu, giảm thuế, bắt nguồn từ Đại Lộc, sau đó, lan ra các huyện và nhân dân có lúc tham gia lên tới hàng chục ngàn người, đã kéo về vây Tòa sứ Pháp tại Hội An. Quá đỗi lo sợ, thực dân Pháp và triều đình nhà Nguyễn đã thẳng tay đàn áp cuộc biểu tình. Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng và nhiều nhà lãnh đạo khác của phong trào Duy Tân bị bắt giam. Riêng Trần Quý Cáp, lấy cớ ông có thư từ ủng hộ, xúi giục cuộc biểu tình ở quê nhà nên thực dân Pháp và tay sai đã bắt ông về giam tại Diên Khánh, sau đó không cần xét xử, đưa ông ra xử chém tại gò Chết chém bên bờ sông Cạn (phía Đông thành cổ Diên Khánh) vào ngày 15-8-1908 tức ngày 17-5 âm lịch.
    Trong giờ phút cuối cùng của đời mình, Trần Quý Cáp đã tỏ rõ khí phách của một bậc anh hùng. Cổ đeo gông, tay mang xiềng xích, từ nhà lao Diên Khánh tới cầu Sông Cạn, ông đã bước từng bước ung dung. Rồi trước mặt tên Công sứ Pháp và các quan lại triều Nguyễn, Trần Quý Cáp đã giằng lấy khăn bịt mắt, xin quan giám trảm cho đặt hương án, đoạn ông bái tạ bốn phương trời, bái tạ quê hương mình và bái tạ nhân dân Diên Khánh, tiếp đó ngồi xếp bằng, thanh thản chờ đao phủ.
    Cái chết của Trần Quý Cáp gây xúc động mạnh mẽ trong nhân dân cả nước cũng như ở Khánh Hòa. Đó là một cái chết lẫm liệt mà trong câu liễn đối, Phan Bội Châu đã viết: “Ngọc nát hơn ngói lành, ba chữ ngục thành, khóc ròng núi biển. Lông hồng nặng mà non Thái nhẹ, nghìn năm luận định chói lọi trời sao”.
    Đau đớn và cảm phục trước tinh thần yêu nước, trước dáng vẻ bất khuất, hiên ngang của Trần Quý Cáp, mặc dù bị kẻ thù răn đe, dọa dẫm, nhân dân Diên Khánh vẫn bí mật mua sắm đủ lễ vật chôn cất Trần Quý Cáp và chăm coi phần mộ của ông để vài năm sau đó học trò và gia đình ông chuyển hài cốt về quê nhà.
    Để ghi nhớ công lao của Trần Quý Cáp, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ con cháu mai sau, năm 1970, Trung Liệt Điện hay còn gọi là đền thờ Trần Quý Cáp đã được xây dựng ở chính nơi nhà yêu nước nằm xuống. Và đến năm 1991, di tích này được Bộ Văn hóa - Thông tin quyết định công nhận là di tích lịch sử quốc gia. Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Trần Quý Cáp mãi mãi là tấm gương ngời sáng trong lịch sử dân tộc và mãi mãi là nét son hồng trong lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Khánh Hòa, như bài thơ mà nhân sĩ Phạm Phú Thuần đã từng viết về Trần Quý Cáp:
Một thác tiếng tròn vì Tổ quốc
Ngàn năm tiết rạng chói nho quan
Tấm bia đồ sộ đầy ghi tạc
Mãi với non sông được vững vàng.
ANH TRUNG
Theo http://www.baokhanhhoa.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...