Thứ Bảy, 4 tháng 3, 2017

Nghe “Phôi pha” cảm thấu bi kịch lỡ dở của bước chân giang hồ

Nghe “Phôi pha” cảm thấu bi kịch 
lỡ dở của bước chân giang hồ
Đêm khuya, nhìn vầng trăng xế bóng, nghe điệu nhạc trầm buồn của phôi pha, lòng nhói lên bao tâm trạng, suy ngẫm. Không hiểu sao khi nghe ca khúc này mình luôn hình dung ra dáng hình của một người tóc đồi mồi, đã trải quá nửa đời phiêu lãng, giang hồ bốn bể, một mình trong căn nhà quạnh vắng nhìn lên vầng trăng khuya lạnh mà lòng ngập đầy tiếc nuối, se sót:
“Ôm lòng đêm
Nhìn vầng trăng mới về
Nhớ chân giang hồ”
Những lời ca từ đầu tiên giót vào hồn tôi bao cảm nghiệm u ám. Dường như nỗi buồn miên man xâm chiếm tâm hồn u tịch trong màn đêm hoang liêu. Một con người cô quạnh “Ôm lòng đêm” – ôm trọn đêm dài hay ôm lòng mình trong đêm – thì đều bi kịch. Ngước mắt lên nhìn trăng thì lại nhớ “trăng giang hồ xưa”. Nhớ mà lực bất tòng tâm, mà nhìn nó vụt qua đầy tiếc thương. Bước chân phiêu du đã không thể lãng du cùng nhật nguyệt. Bi kịch tâm hồn của một cái tôi dần hé lộ - con người tự nhớ chính mình, tự thấy mình đang đánh mất chính mình trên hành trình thiên lý cuộc đời. Và cái bi kịch của cái tôi giang hồ ấy càng thấm thía, nhói buốt hơn khi con người cảm nghiệm về thời gian, về sự hiện hữu của bản thân trong dòng chảy thời gian:
“Ôi phù du
Từng tuổi xuân đã già
Một ngày kia đến bờ
Đời người như gió qua”
Thời gian qua mau như bóng câu qua cửa sổ. Cái thời gian vô hạn tuần hoàn ấy khiến cuộc đời con người càng ngắn ngủi đến tội nghiệp. Nó phù du, hư ảo như gió thoảng qua. Dường như Trịnh chịu ảnh hưởng nhiều của quan niệm Phật giáo khi coi cuộc đời là phù du, là gió thoảng qua bởi nhà Phật quan niệm đời là ảo ảnh, là hư không. Cái tuổi xuân phơi phới, thời xuân sắc qua mau nhường chỗ cho tuổi già sầm sập đến. Và cái bến bờ giới hạn của kiếp đời như đã hiện ra, đang chờ đón con người. Ở ca khúc này, ta vẫn gặp một ám ảnh thường xuyên trong ca từ nhạc Trịnh – Nỗi ám ảnh về sự trôi chảy của thời gian. Dường như Trịnh nhìn thấy từng bước thời gian trôi, từng tuổi xuân mai một, phôi pha dần mất. Nó cứ già, cứ héo, cứ lụi dần theo thời gian. Đặt trong tương quan dài dặc với thời gian thì cuộc đời con người ngắn ngủi đến tội nghiệp.
Từ không gian, thời gian, người lữ khách lãng tử kia nhìn về hiện thực cuộc đời và thấm thía cái bi kịch nhân sinh của mình – bi kịch lỡ dở của một con người cô đơn:
“Không còn ai
Đường về ôi quá dài
Những đêm xa người
Chén rượu cay
Một đời tôi uống hoài
Trả lại từng tin vui
Cho nhân gian chờ đợi”
Về với cuộc sống, sống với đời sống của mình con người quá cô độc. Không còn ai để chia sẻ, để tri âm. Cuộc đời hữu hạn mà cái già đã hiện hữu trên đầu. Lãng tử không thể phiêu du thiên lý nhưng cũng không thể hồi hương vì “đường về ôi quá dài”. Con người đã hiện lên rõ nhất với bi kịch lỡ dở, với tình trạng “tiến thoái lưỡng nan” của mình. Đêm quạnh vắng, lòng trống tênh, buồn não, nhìn về con đường phía trước mịt mùng, nhìn về con đường sau lưng hun hút, bao dáng hình thân yêu đã xa, cái tôi phiêu du kia còn lại một mình “soi bóng mình giữa tường trắng lặng câm”. Trong tâm thế rợn người đau nhớ ấy, cái tôi kia đang xót xa cuộc đời mình, xót xa trước sự phai tàn, mất mát. Một mình bị chìm lấp, bao vây trong bóng đêm, trong nỗi tịch mịch đời. Những chén rượu cay không còn làm nồng ấm tâm hồn nữa. Men say qua chỉ làm lòng thêm chua xót, nghẹn ngào. Uống hoài thì cũng chỉ là uống những đắng cay, những u ám mà thôi. Nhìn thấy sự phôi pha của đời, cái tôi kia đang dần từ giã, đang tìm một cách siêu thoát nên “trả lại từng tin vui/ cho nhân gian chờ đợi”. Và cái tôi giang hồ ấy tự nhận về mình tất cả những tàn phai, những trống vắng, những mất mát, những tang thương để tìm một chốn bình yên, một phút tịnh tâm:
“Về ngồi trong những ngày
Nhìn từng hôm nắng ngời
Nhìn từng khi mưa bay
Có những ai xa đời quay về lại
Về lại nơi cuối trời
Làm mây trôi”
Trong cõi yên bình của hồn, của tâm trí ấy, dường như cái tôi kia bắt đầu có ý niệm neo dừng, nhìn nhận lại và cảm nghiệm về bản thân. Quá khứ mênh mang đang ăm ắp dội về từ những ngày tháng xa xưa, tươi tốt. Ngoảnh đầu ngồi nhìn lại “từng hôm nắng ngời”, “từng khi mưa bay” mà thấy lòng hư hao. Bởi những điều bình dị, những cái đẹp thường ngày nhất ấy đã mãi xa. Tất cả mọi thứ đều mong manh, đều bị phôi pha, bào mòn bời nước phủ thời gian. Thực tế, cái tôi tê lạnh, đang dần bị chôn vùi trong lòng đêm kia đang cố vùng vẫy, cố thoát thân bằng hồi ức, bằng mơ ước, bằng kéo dài kỷ niệm xa xăm. Song đã quá muộn mằn. Bởi tất cả những điều hằng thường của cuộc sống ấy đã thuộc về thế giới khác, lùi xa về một thời khắc khác mất rồi. Con người đã xa đời ấy đang mong một sự giải thoát để được hưởng cái kiếp nhân sinh nhẹ bẫng: “Có những ai xa đời quay về lại/ Về lại nơi cuối trời/ Làm mây trôi”. Những hình ảnh trong ca từ thật đẹp nhưng cũng thật mong manh và phiêu diêu. Ước muốn quay về lại nơi cuối trời làm một áng mây trôi thật đẹp. Đó là khao khát muôn đời của kẻ giang hồ xê dịch muốn sống trọn kiếp với sở nguyện, với tráng chí của mình. Dù đến bờ bên kia cõi đời người ấy cũng mong muốn làm một áng mây trôi tiếp tục hành trình phiêu lãng. Bởi cuộc đời là phù du thì cứ để nó phù du cùng vũ trụ, cùng tạo vật. Ý này ta cũng gặp trong ca khúc “Cát bụi” của Trịnh: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi/ Để một mai tôi về làm cát bụi/ Ôi cát bụi mệt nhoài/ Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi”.
Nhưng rồi, cái khao khát giải thoát ấy vĩnh viễn không thể hiện thực hóa được. Bước chân giang hồ kia dứt khoát phải chọn cho mình một lối đi. Đứng giữa ngã ba đường của sự lỡ dở, đành chọn con đường quay đầu lại là bờ, thôi thì “lá cũng rụng về cội”. Cái tôi kia tự nhủ với lòng:
“Thôi về đi
Đường trần đâu có gì
Tóc xanh mấy mùa
Có nhiều khi
Từ vườn khuya bước về
Bàn chân ai rất nhẹ
Tựa hồn những năm xưa”
Đó là sự lựa chọn dứt khoát để thoát khỏi bi kịch kia. Song sự lựa chọn ấy có đến được đích hay không vẫn là khả năng để mở. Ảo giác của con người cô đơn, phiêu bồng kia đang đưa anh về chốn cũ, vườn xưa. Dường như anh đang cố hết mình để thực hiện cái chu trình ấy dù biết nó lê thê. Những lời ca từ cuối nhẹ bẫng, vút cao của những bước chân trở về. Đó là những bàn chân rất nhẹ về vườn khuya như những năm xưa. Song làm sao trở lại được ngày xa xưa ấy. Cái nhẹ nhàng thanh thản đó chỉ là ảo ảnh, là chiêm bao. Quá khứ - hiện tại, mơ – thực, cái phôi pha mất – cái hiện hữu còn cứ đan xen, chồng chéo hiện hữu trong hồn người chinh nhân. Những bước chân năm xưa dội về làm lòng người càng bâng khuâng, xao xuyến, càng nôn nao bi đát trước tình cảnh hiện tại. Dư ba của những năm xưa ấy cứ vang động mãi thành niềm day dứt, ám ảnh về sự phôi pha, về những phai tàn, về sự mong manh của kiếp đời. Điệu phôi pha ấy không chỉ là cảm nhận mà còn như hiện hữu, như hiển hiện ngay trước mắt người nghe nhạc.
Bài hát này có tiết tấu chậm, buồn, hát nhấn nhá từng câu từng chữ. Ca sĩ nào hát cũng vậy. Từng câu, từng chữ cứ thong dong, chầm chậm được gieo xuống nền nhạc buồn như từng giọt thời gian rời tàn trên khuông nhạc. Người lữ khách như đong đếm dần những bước đi thời gian để cảm thấu sự tàn lụi, phôi pha. Cách ngắt câu, nhịp trong ca từ rất ngắn rất giàu chất tạo hình. Nó như đang vẽ nên những bước chân mỏi mệt, bước từng bước ngập ngừng cùng suy tư trên con đường bộ hành của người xê dịch. Tâm thế, trạng thái và xúc cảm của nhân vật trong ca khúc dần hiện lên theo cách trình bày ngôn từ: Nhớ tiếc; buồn bã, se sót (đoạn 1); cô liêu, tịch vắng (đoạn 2); khao khát giải thoát (đoạn 3); giác ngộ, trở về (đoạn 4). Hành trình tâm trạng, hành trình nhận thức và hành trình phiêu lãng hòa vào nhau để thực hiện hành trình duy nhất, cuối cùng – hành trình trở về. Ngôn từ, hình ảnh đều biến ảo và xuyên thấm theo những hành trình ấy.
Bài hát này được Trịnh Công Sơn viết năm 1960 - thời kỳ đầu sáng tác. Song đến bây giờ ta vẫn thấy đồng điệu thiết tha. Có biết bao nhiêu bi kịch lỡ dở như vậy trong tâm hồn bao người thời ấy và bây giờ. Trịnh đã đem đến một thứ âm nhạc rất lạ cho thời ấy để rồi nhạc Việt Nam không bao giờ như trước nữa. Và đến hôm nay, những ca từ, nốt nhạc trong bài hát “Phôi pha” vẫn làm mình thức nhận sâu xa về bao điều trong cuộc sống, về con người, về những khao khát và cái đẹp. Cõi đời này mãi mãi vẫn còn hành trình của bi kịch phôi pha.

Phôi Pha - Quang Dũng ft Hồng Nhung - Keeng

Phôi Pha - Ánh Tuyết | Nghe tải bài hát Mp3 320Kbps - Nhac Vui

Hai Ngo

Theo http://haitrinh1084.blogspot.com/



1 nhận xét:

  1. Sao lấy bài viết của người khác lại không để tên tác giả vậy? Nản!

    Trả lờiXóa

Một chuyến hoa xuân

Một chuyến hoa xuân Nhà văn trẻ Trác Diễm vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Chị sinh năm 1988 ở Quảng Bình, bắt đầ...