Đất thiêng trong nắng lửa
Trong
ánh nắng sớm dịu nhẹ hiếm hoi giữa những ngày đầu hè oi ả, thầy Đào
Văn Hùng, cô Nguyễn Việt Hương, cô Nguyễn Thị Bích Nga và tôi cùng đoàn sinh
viên quốc tế đang chuẩn bị một chuyến đi đặc biệt.
Chuyến
đi thực tập của sinh viên nước ngoài hệ Hiệp định vào dịp hè mỗi năm không còn
xa lạ với các thầy cô Khoa Việt Nam học và Tiếng Việt. Nhưng lần này, hình như
chúng tôi (những người dẫn đoàn), ai cũng có một tâm trạng riêng. Lịch trình
chuyến thực tập đã được thông báo từ trước: Suối Cá Thần, Lam Kinh, thành nhà
Hồ, Đền Trần, chùa Phổ Minh. Nếu chỉ là một chuyến du lịch thì chắc cũng không
đến nỗi những người đi phải mang nhiều tâm trạng. Tâm trạng là vì, cô Nga sẽ
được cùng các em sinh viên nước ngoài và đồng nghiệp về thăm lại Thanh Hóa quê
mẹ, còn cô Hương lần đầu đưa các em sinh viên Mông Cổ, Mô-dăm-bich của mình đến
các địa danh giàu ý nghĩa lịch sử của Việt Nam. Với tôi, chuyến đi này mới mẻ trong
tất cả mọi điều: lần đầu đưa sinh viên quốc tế từ nhiều quốc gia với nhiều màu
da (Nhật, Triều Tiên, Nga, Hungary, Mông Cổ, Mô-dăm-bic) đi thực tập thực
tế, lần đầu đến thăm Thanh Hóa và Nam Định- nơi còn mang nhiều dấu ấn chốn
thiêng của nhiều triều đại lớn xa xưa, lần đầu cảm nhận những cung đường miền
Bắc dài hàng trăm cây số giữa cơn nắng lửa dữ dội của ngày đầu mùa hè.
Xe
lăn bánh ra khỏi thủ đô Hà Nội. Trên xe có nhiều tiếng nói trộn lẫn vào nhau:
tiếng bản xứ của sinh viên Mông Cổ, Triều Tiên, tiếng Anh, tiếng Việt của các
sinh viên các nước còn lại, tiếng hát thì thầm của cô Nga,… Tôi có một cảm giác
rất lạ lùng. Thật là một không khí “liên hiệp quốc” đặc trưng của Khoa Việt Nam
học và Tiếng Việt.
Nhiều
đôi mắt và câu hỏi hướng về quang cảnh hai bên đường khi chiếc xe đang xa dần
Hà Nội và đi vào những con đường hun hút dẫn về huyện miền núi Cẩm Thủy của
tỉnh Thanh Hóa. Chúng tôi bàn với nhau: có lẽ phải tập cho sinh viên nói tiếng
Việt trong cả chuyến đi. Cô Nga là ứng cử viên duy nhất, bất ngờ trở thành MC
đặc biệt, biến 2 tiếng đồng hồ trên xe thành một giờ học di động có một không
hai. Những câu chuyện, những bài hát, những giai điệu thảo nguyên Mông Cổ, âm
hưởng dịu dàng của bài hát Chiều Matxcova… đi theo chúng tôi từng cây số
tràn đầy cảm xúc.
Qua
Thọ Xuân, xe đi dần vào con đường hẹp dẫn vào Suối Cá Thần ở huyện Cẩm Thủy.
Bước ra khỏi xe, chúng tôi choáng váng vì nắng nóng. Vẫn chưa vào được Suối Cá
Thần. Còn gần 4km nữa. Tất cả phải chuyển sang các xe nhỏ 15 chỗ để đi qua một
cầu treo dài mới vào được sâu trong suối. Nhiều sinh viên ôm chặt nhau, nhắm
mắt, kêu lên vừa sợ vừa thú vị khi chiếc xe con chạy qua cầu treo vươn qua sông
Mã. Mùa này, sông khá cạn. Nhưng cái tên của nó thì làm tôi thao thức. Tôi quay
sang hỏi chị Hương, chị Nga, “hình như có bài hát gì về sông Mã, à, anh hùng
Nguyễn Bá Ngọc chị nhỉ?”. Ừ, đúng rồi. Ba cô giáo mặc kệ trời nóng cháy và nỗi
sợ qua cầu treo, hát nhỏ nhỏ: “Đây Thanh Hóa anh hùng và dòng sông Mã mến yêu,
vang tiếng hát hôm nào có tên của anh”… Các em sinh viên nước ngoài cười khúc
khích nghe các cô hát. Tôi vẫn còn thầm nghĩ đến một sông Mã nữa của Quang
Dũng: “Sông Mã gầm lên khúc độc hành”. Tôi được sống cái cảm giác thật của
những điều chỉ biết qua sách vở. Những cảm giác này, biết bao giờ mới có thể chia
sẻ hết được cho các em sinh viên học tiếng Việt đang bập bẹ kia. Có lẽ cùng còn
khá lâu họ mới có thể cảm nhận chút nào những cảm xúc sâu lắng của người dân
nước Việt Nam như tôi trên con đường tìm lại những chốn địa linh nhân kiệt.
Đến
nơi, chúng tôi được nhận vé đi vào một cổng nhỏ, đơn sơ. Phía trong, dọc hai
bên đường, là các hàng quán bán đặc sản vùng miền núi Cẩm Lương. Đi bộ khoảng
gần trăm mét, chúng tôi đã nhìn thấy suối cá. Ô, ô, ô, thật là kỳ lạ. Những chú
cá bơi dày đặc trong lòng suối khá cạn. Khung cảnh rất nên thơ! Hai em sinh
viên Triều Tiên ngồi vội xuống gần bờ suối để chụp ảnh. Các em khác tản lên
phía trên núi, nơi có hàng tre xanh phủ bóng qua các thềm đá trông rất mát mẻ
và thân thuộc. Chúng tôi đi dọc suối cá, ngồi thảnh thơi nhìn cá bơi lượn giữa
cái trưa hè nóng rẫy. Nhiều em sinh viên Nga và Mông Cổ thích thú bước hẳn lên
chiếc cầu mong manh bằng thân cây bắc qua suối để tạo dáng. Tôi nghe cô Nga
giải thích cho hai em Triều Tiên vì sao nơi đây có tên là Suối Cá Thần, cô
Hương thì chụp ảnh cho các em… Có lẽ, những trải nghiệm này, rất lâu về sau các
em mới có cơ hội tìm lại, hoặc là không bao giờ nữa, khi đã kết thúc khóa học
tiếng Việt ở Hà Nội.
Hơn
nửa tiếng sống giữa lòng thiên nhiên, đoàn chúng tôi lại lên đường đi Lam Kinh.
Khu
lăng mộ của các vị vua vĩ đại triều Lê tuy rộng nhưng đơn sơ khó tả. Tôi ngỡ
ngàng bước vào vùng mộ vua Lê Thái Tổ, tương truyền là vô cùng linh thiêng.
Quanh mộ vua là những bức tượng đá có niên đại hàng trăm năm: tượng con hổ hiền
lành, con ngựa thô sơ, rồi đàn voi 4 con được dân cung tiến vào khu lăng mộ.
Đặc biệt nhất là 2 cây ổi cười. Những lá ổi tự dưng lay động rất lạ lùng khi có
bàn tay người đặt vào nách cây. Sinh viên quốc tế trong đoàn rất thích thú, tò
mò mãi về mấy chiếc lá ổi cứ đung đưa dù không có gió. Quả thật, Lam Kinh cất
giấu rất nhiều bí ẩn của lịch sử và anh linh của nòi giống. Chúng tôi kết thúc
chuyến thăm Lam Kinh ở khu đặt bia Vĩnh Lăng niên đại 700 năm do Nguyễn Trãi
soạn. Con rùa sáu móng đội bia vẫn còn ám ảnh đoàn chúng tôi về một quá khứ vĩ
đại của triều Lê Sơ, và gợi nhớ xa xôi chân dung anh hùng dân tộc Nguyễn Trãi.
Sớm
thức dậy ở khách sạn huyện Vĩnh Lộc, chúng tôi tản bộ ra cánh đồng xanh mênh
mông xứ Thanh, nhìn thấy đàn tế Nam Giao nằm phía xa xa núi Đốn Sơn do triều
nhà Hồ khởi công xây dựng để tế lễ, cầu quốc thái dân an. Di tích nổi tiếng này
còn lưu lại dấu vết một “cánh đồng” đàn tế kéo đến 5 cấp, được xem là “quí giá
nhất Việt Nam”. Chúng tôi vào thắp nén hương cho Hồ Quí Ly, người anh hùng mạt
vận năm xưa. Tôi nghĩ đến câu thơ vĩ đại của Nguyễn Trãi viết dành viết cho vị
vua mà ông từng ra phụng sự ngắn ngủi: “Anh hùng di hận kỷ thiên niên” (Anh
hùng để hận đến nghìn thu). Cánh đồng Nam Giao này cách đây gần 600 năm là nơi
thiêng mà người dân chỉ có thể đứng bái vọng từ xa. Nỗi trắc ẩn của triều nhà
Hồ hẳn vẫn còn vương vất đâu đó trong những di chỉ quí giá còn sót lại qua bao
năm tháng.
Trời
đã nắng gắt hơn. Sau khi thăm đàn tế Nam Giao, chúng tôi đi tiếp gần 6 cây số
nữa đến Thành nhà Hồ. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy di tích hiện ra trong rêu
phong trầm mặc. Vừa bước ra khỏi xe, cái nóng hầm hập gần 40 độ phả vào mặt vào
người khiến cả đoàn ai cũng bơ phờ. Tôi nhìn thấy hai người phụ nữ ăn mặc giản
dị, da mặt nâu rám nắng, cầm rất nhiều mũ rộng vành chạy theo đoàn nói: “Mời
các anh chị đội mũ. Không mất tiền đâu ạ. Em đội mũ đi em”. Chúng tôi rất ấm
lòng nhưng cũng thoáng lo âu, không biết có “rắc rối” gì không với mấy chiếc mũ
mượn bất đắc dĩ này. Nhưng rồi nỗi lo cũng được giải tỏa. Hóa ra, người dân
Vĩnh Lộc là thế, văn hóa phục vụ của khu di sản này là thế: chu đáo, tận tình,
giản dị. Câu chuyện nhỏ nhưng ý nghĩa không nhỏ, những chiếc nón làm chúng tôi
vui và lưu luyến mãi.
Theo
chân cô hướng dẫn viên, chúng tôi chiêm ngưỡng tận mắt thành lũy một thời bi
hùng thế kỷ XV. Những viên đá của tường thành được ốp theo hình vòm cung rất tỉ
mỉ. Điều kì lạ là giữa các viên đá không hề có chất kết dính. Cảm giác đứng
giữa lòng di sản, giữa mênh mông nắng gió của cánh đồng Vĩnh Lộc trải dài ngút
mắt khiến tôi xúc động.
Ở
thành nhà Hồ, chúng tôi bất ngờ được dự một buổi hát văn sống động và ấm áp
nghĩa tình do Ban tổ chức khu di sản tổ chức nhằm phục vụ du khách lúc nghỉ
ngơi. Mấy cốc trà xanh, mấy miếng chè lam đặc sản, mấy miếng kẹo lạc, và một
cuộc giao hòa tưng bừng của sinh viên Mo-dăm-bic biến buổi trưa nắng nóng mệt
nhọc ở Vĩnh Lộc thành một buổi ca múa độc đáo hiếm có. Cô Nga, cô Hương cũng
không kìm được niềm hứng thú, nhảy múa cùng đoàn. Người dân vỗ tay không ngớt.
Lần đầu tiên ở thành nhà Hồ, nhóm sinh viên nước ngoài múa chầu văn với người
bản xứ – một sự kiện đẹp được ghi nhớ trong lịch sử thăm quan du khách.
Trưa
ngày 17-5, chúng tôi về đến trung tâm thành phố Nam Định. Nơi ở của đoàn nằm
đối diện với một hồ nước trong xanh, bình an khó tả. Tôi thoáng thấy bảng chỉ
đường phía xa xa: Hồ Vị Xuyên. Địa danh này làm tôi nhớ đến Tú Xương, nhà thơ
trào phúng bậc nhất thành Nam. Hỏi ra mới hay, tôi đang ở nơi từng ghi dấu câu
thơ vọng vào lịch sử của nhà thơ Trần Tế Xương hồi cuối thế kỷ XIX:
“…Vẳng
nghe tiếng ếch bên tai
Giật
mình còn tưởng tiếng ai gọi đò”
Buổi
chiều, chúng tôi cùng sinh viên đi dạo quanh thành phố nhỏ trong không khí mát
lành. Trời đất cũng chiều lòng người. Các em sinh viên nước ngoài đã có vẻ lấy
lại sự năng động sau mấy ngày mệt mỏi trên đường dài. Tối đến, chúng tôi mời
các em hát karaoke. Lần đầu tiên, tôi chứng kiến một buổi hát karaoke có người
nước ngoài hát tiếng Anh. Em Cường (tên tiếng Việt của một sinh viên
Mô-dăm-bic) hát bài Heal the World của Micheal Jackson làm chúng tôi
vô cùng kinh ngạc. Em hát mê mải và cao vút, một thứ giọng đặc sệt châu Phi.
Sau đó, một em nữ sinh viên Nga hát bài Ước gì của Mỹ Tâm. Em hát hay
đến nỗi mấy lần tôi cứ phải quay lại nhìn kỹ xem mình có nhầm không. Phát âm
chuẩn xác đã đành, cái chính là hồn vía bài hát được em thể hiện rất điêu
luyện. Cao trào lên cao khi tất cả giáo viên và sinh viên cùng vui sướng,
nhảy một vài điệu mà tôi cũng không rõ là điệu gì, chỉ biết là vô cùng hứng
khởi… Chúng tôi hát say sưa bên nhau. Cô Nga hát nhiều và hay, lôi cuốn các bạn
sinh viên còn e ngại hát theo bằng tiếng Việt. Đêm khuya, chúng tôi trở về
khách sạn mà tiếng hát và niềm vui vẫn còn đọng lại xao xuyến.
Chín
giờ sáng ngày 18-5, xe đưa chúng tôi về thăm Đền Trần và chùa Phổ Minh trước
khi tạm biệt thành phố Nam Định trở về thủ đô Hà Nội.
Tiếng
là đưa sinh viên nước ngoài đi thực tế nhưng có lẽ những người xúc động nhất
vẫn là chúng tôi. Sau chuyến đi này, đoàn sinh viên quốc tế đủ mọi quốc tịch ấy
có thể biết được chút ít kiến thức về văn hóa, lịch sử Việt Nam, có thể chụp
ảnh, ghi chép, trải nghiệm cái thú về với không gian núi non, thôn quê Việt
Nam, thưởng thức món ăn dân dã và biết thêm nhiều địa danh nước Việt, tăng thêm
vốn từ tiếng Việt, nhưng chắc rằng họ sẽ không có nhiều cảm giác đặc biệt như
chúng tôi. Đây là một chuyến đi mà đi đâu chúng tôi cũng gặp mộ bia và khí
phách của những bậc vĩ nhân quá khứ, có người thành tựu đại nghiệp, có người
thất trận thê thảm, có người vẻ vang sơn hà, có người lui vào oan khuất. Hàng
trăm nghìn câu chuyện chốn thâm cung bí sử nơi triều chính trải qua hàng bao
thế kỷ vẫn còn níu lại trong hoa cỏ đất trời xứ Thanh và vùng đất học Nam Định.
Chúng
tôi bắt đầu trở về Hà Nội giữa trưa nắng gay gắt. Xe dừng lại một chút ở quán
bên đường, ngoại thành Nam Định, để các thầy cô và sinh viên nghỉ ngơi, nhấm
nháp mấy miếng kẹo Sìu Châu, trà xanh. Khi xe chuẩn bị lăn bánh, tôi thấy anh
chủ quán chạy ra, đứng thấp thoáng ngoài cửa xe nói vọng vào trong: “Bao giờ xe
qua lần nữa, em mời bác vào xơi bữa cơm”. Anh tài xế tên Hiểu, cười tươi, gật
đầu, vẫy tay chào. Khi ấy, các sinh viên đang tìm chỗ ngồi và ngủ để mong về Hà
Nội. Có lẽ không ai chú ý câu nói của anh chủ quán và nụ cười của tài xế. Nếu
các em chưa buồn ngủ và không quá mệt vì nóng, tôi sẽ giải thích với các em
rằng: đó là lối sống tình cảm của người Việt. Anh chủ quán cảm ơn tài xế vì đã
đưa xe đến nghỉ ngơi ở quán mình, anh tài xế thì vui vẻ chào mặc dù chưa “xơi
bữa cơm” như lời hẹn. Những hành xử đơn giản ấy là nơi chứa đựng những điều lớn
lao khác, như tình làng xóm, nghĩa đồng bào …
Tạm
biệt Suối Cá bên kia sông Mã, tạm biệt Lam Kinh, thành nhà Hồ, những điệu múa
chầu văn giữa trưa hè nóng bỏng, tạm biệt con sông Vị Xuyên của Tú Xương thành
Nam, tạm biệt những hạt bụi cát và cơn mưa tầm tã ngày về Vĩnh Lộc, tạm biệt
Đền Trần và ngôi chùa Phổ Minh thiêng liêng…
Sống
cùng sinh viên quốc tế để hiểu dân tộc mình, đi cùng sinh viên quốc tế để trở
về nguồn cội đất nước, tôi nghĩ, cũng là một trải nghiệm mà chỉ Khoa Việt Nam
học và Tiếng Việt chúng tôi mới có nhiều cơ hội nhất để làm được.
Hà Nội, 2014
Lê Thị Thanh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét