Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Cảm nhận khó quên về người Nhật

Cảm nhận khó quên về người Nhật
Năm nay, tôi có hai lần gặp người Nhật, một tại Nhà hát Bến Thành (TP.HCM), một tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM.
Người Nhật nổi tiếng với tính kỷ luật
Cả hai lần đều là đi xem biểu diễn nhân kỷ niệm năm thứ 35 thiết lập ngoại giao giữa hai nước: Việt Nam - Nhật Bản. Cả hai lần đều để lại trong tôi, một khán giả người Việt, những cảm xúc đặc biệt.
1. Tôi không nhớ tên các nghệ sĩ Việt Nam và Nhật Bản đã biểu diễn tại Nhà hát Bến Thành trong chương trình Mandolin. Không hẳn vì họ biểu diễn không hay, mà vì ấn tượng gây ra bởi lời phát biểu của người dẫn đầu đoàn tại buổi biểu diễn, ông là Murayama Tomiichi - nguyên Thủ tướng Nhật Bản, là Chủ tịch Hội Hữu nghị Nhật - Việt.
Phát biểu trước khi đoàn nghệ thuật biểu diễn, ông Murayama Tomiichi đã nói về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: Ông đã gặp và làm việc với Thủ tướng Võ Văn Kiệt trên cương vị nguyên thủ quốc gia khi đến thăm chính thức Việt Nam.
Với ông, cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt không chỉ là đối tác mà còn là một người bạn. Hôm đến Việt Nam, nghe tin cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt từ trần, ông cầu xin cho linh hồn cựu Thủ tướng bình yên nơi vĩnh hằng. Vâng, một người, đã ở cương vị cao nhất đất nước Nhật Bản, nói những lời chân thành nhất, giản dị nhất nhưng sâu sắc nhất “bình yên nơi vĩnh hằng” với một cựu nguyên thủ quốc gia, một người bạn vừa từ trần. Thật không thể nói thêm bất cứ điều gì tốt đẹp hơn về nhân cách một vị thủ tướng.
2. Ngày 15.12.2008, đoàn HACHIMAN TAIKO (Hachimandrum) của tỉnh KESENNUMA đến thăm và biểu diễn tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thực sự bất ngờ khi ngài Hisao Murakami - trưởng đoàn lên sân khấu. Ông chậm rãi, xoay người về góc sân khấu nơi treo lá cờ đỏ sao vàng - quốc kỳ của Việt Nam, góc dưới lá cờ là tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, Hisao Murakami đã cúi gập người kính cẩn chào vị lãnh tụ Việt Nam.
Tự dưng tôi muốn khóc, tôi muốn nhảy lân sân khấu để cảm ơn cử chỉ thành kính với Bác của Hisao Murakami. Hisao Murakami giới thiệu về đoàn lần này, đó là đội trống đạt giải quán quân các trường tiểu học và THCS Nhật Bản (HACHIMANDRUM Junior Best Team).
Trong bài phát biểu của mình, Hisao Murakami nói về chiến tranh: “... Ngày hôm qua tại Bệnh viện Từ Dũ, các em trong đội trống của chúng tôi, đã tận mắt chứng kiến hậu quả nặng nề của chiến tranh để lại. Chúng tôi đã được đến thăm các em bị ảnh hưởng của chất độc màu da cam, đã tận mắt chứng kiến những gì chiến tranh để lại. Tất cả các em trong đoàn chúng tôi đều cảm nhận sâu sắc nỗi đau này. Ảnh hưởng của chiến tranh chất độc màu da cam, toàn thể người dân nước Nhật chúng tôi cảm nhận được điều đó, chúng tôi cực lực phản đối những cuộc chiến tranh như thế. Các em trong đội trống của chúng tôi là những chiến binh kêu gọi hòa bình và chúng tôi đã làm như thế trên toàn nước Nhật. Chúng tôi hy vọng rằng, những người dân Việt Nam sẽ hòa nhập trái tim cùng chúng tôi - những em bé trong đội trống đại điện cho nước Nhật để kêu gọi hòa bình trên toàn thế giới. Và trong bài biểu diễn của các em ngày hôm nay, có một bài kêu gọi hòa bình. Bài trống kêu gọi hòa bình này của các em đã làm chấn động tâm tư tình cảm của toàn thể người dân nước Nhật. Và bài trống này đã đoạt được giải vô địch toàn quốc Nhật lần thứ 7. Tôi hy vọng bài trống này sẽ làm cho chúng ta trở thành những người bạn thân. Qua bài trống này, các bạn sẽ luôn luôn nhớ về hình ảnh của chúng tôi trong suốt cuộc đời còn lại để cùng nhau kêu gọi hòa bình. Các bạn hãy cổ vũ cho các em. Tôi xin cầu chúc cho tình hữu nghị thắm thiết giữa hai dân tộc Nhật - Việt và hòa bình thế giới vĩnh cửu!”.
Ông Sakai (Giám đốc Trung tâm Người khuyết tật Việt Nam - Nhật Bản tỉnh KESENNUMA, Trưởng đoàn biểu diễn) lên lễ đài, cũng thành kính xoay người về quốc kỳ và tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, kính chào NGƯỜI. Sakai đọc thư của tỉnh KESENNUMA gửi Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cảm ơn trường đã đón tiếp và tạo điều kiện cho đội trống biểu diễn…
Tôi và những giảng viên, viên chức, sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM đã lặng yên nghe các em biểu diễn. Tôi không sành âm nhạc, tiếng trống mà tôi được nghe hồi nhỏ là trống Ngũ liên mỗi khi đến mùa lũ, tiếng trống của hội làng, trống chèo, trống tuồng… nhưng đây là lần đầu tiên được trực tiếp nghe các em học sinh trung học Nhật Bản biểu diễn. Không thể tả hết cảm xúc. Tất cả chúng tôi đều thốt lên “tuyệt vời”. Điều tôi cảm nhận từ đoàn, từ các em là tính kỷ luật. Ngay ngắn, chăm chú, thực hiện dứt khoát những động tác đánh trống. Cảm nhận về sự say mê trên khuôn mặt các em khi biểu diễn. Và điều cuối cùng: thân thiện, khi tất cả các em ùa xuống tặng quà và cùng mọi người hát bài ca hòa bình.
Vâng. Chỉ là hai lần gặp. Cảm nhận về người Nhật đã lý giải cho hiểu biết của tôi về việc làm nên một nước Nhật hùng cường ngày nay, đó là lòng nhân ái, yêu tự do - hòa bình, biết sẻ chia, sự đam mê và tính kỷ luật - những đức tính tối thiểu cần có đối với mỗi con người.
Nguyễn Kim Hồng 
Theo http://www.baomoi.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...