Năm 2010 bị xem là một năm "mất mùa" của làng nhạc Việt.
Không nhiều những dự án âm nhạc đáng chú ý, cũng không có những live-show có chất
lượng và quy mô được tổ chức. Nhưng ngay từ những ngày đầu năm này, làng nhạc
đã đón nhận những tín hiệu rất khả quan từ các chương trình lớn: chuyến lưu diễn
tại Mỹ của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam (VNSO), đêm nhạc của nhạc sĩ Lê Minh
Sơn và chương trình Duyên dáng Việt Nam 23 vừa khởi động.
Hàn lâm sắp thành ... "đại chúng"
Hàn lâm sắp thành ... "đại chúng"
Đó là lời ông Ngô Hoàng Quân - Giám đốc Dàn nhạc giao hưởng Việt
Nam (VNSO). Năm 2011 được hứa hẹn sẽ là năm bùng nổ các sự kiện âm nhạc hàn lâm.
Đại diện của dàn nhạc lớn nhất và cũng là dàn nhạc quốc gia được đánh giá cao
trong khu vực chia sẻ: "Chúng tôi đang làm hết sức mình để VNSO vươn lên đẳng
cấp khu vực và quốc tế. Đây là điều chúng tôi đã làm được trong những năm qua,
và sẽ đẩy mạnh nó trong năm 2011 này. Mục tiêu này đến giờ đã thành sự thật, chứ
không còn phải là chuyện mơ hồ như nhiều người nghĩ nữa".
Để khẳng định những gì đã và đang làm, trong năm 2011 VNSO sẽ có
khoảng 60 buổi biểu diễn, lịch diễn gần như phủ kín năm. Để có được lịch diễn
kín năm, như thế, theo ông Quân, VNSO phải nỗ lực rất lớn trong mấy năm gần
đây. Tuy nhiên đến thời điểm này, khi nhạc cổ điển đã bắt đầu có được một lớp
công chúng ổn định, tuy chưa lớn, nhưng trung thành với các chương trình của
VNSO, thì năm 2011 và những năm tới đây, VNSO sẽ có lịch diễn dày hơn với các
chương trình có quy mô ngày càng lớn. Đặc biệt mục tiêu mà VNSO đặt ra là sẽ có
nhiều hơn những chuyến lưu diễn tại các nước trong khu vực cũng như trên thế giới
để quảng bá cho thương hiệu VNSO.
Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam
Theo kế hoạch, lẽ ra ngay những ngày đầu năm 2011 này, các nghệ sĩ
VNSO đã lên đường sang Mỹ lưu diễn tại thính phòng danh tiếng Carnegie Hall
(New York), hội trường Avery Fisher (Trung tâm Lincoln, New York) và hội trường
hòa nhạc Boston (vào các ngày 8,10 và11/1/2011). Đây sẽ thực sự là một sự kiện
lớn trong lịch sử biểu diễn của VNSO bởi không dễ gì bước được chân vào
Carnegie Hall, một trong những phòng hòa nhạc danh tiếng trên thế giới cũng như
tại trung tâm Lincoln nổi tiếng. Hiện tại, chuyến lưu diễn đã được dời sang
tháng 8/2011. Giải thích về sự trì hoãn này ông Ngô Hoàng Quân cho biết:
"Chuyến đi đã được chuẩn bị khá kỹ nhưng vì chưa hoàn tất các thủ tục xin
thị thực nhập cảnh cho tất cả các nghệ sĩ tham gia biểu diễn nên sẽ dời ngày biểu
diễn, dự định là đến tháng 8/2011 nhưng chúng tôi đang hy vọng chuyến đi sẽ được
đẩy lên sớm hơn vào khoảng tháng 6/2011". Sở dĩ nói chuyến đi Mỹ tới của
VNSO là không dễ dàng bởi như ông Ngô Hoàng Quân cho biết tất cả kinh phí cho
chuyến đi này đều được các đơn vị tài trợ, chứ không phải lưu diễn dạng hợp tác
văn hóa có sự tài trợ của chính phủ hai nước. Một chuyến đi lớn, với một phiên
chế không nhỏ của cả một dàn nhạc, thực sự là một thách thức lớn cho cả nhà tài
trợ và chính VNSO.
Đến, có mặt, và được biểu diễn trong những phòng hòa nhạc nổi tiếng
trên thế giới đó là cái đích và cũng là cái đỉnh mà bất cứ một dàn nhạc nào muốn
đi lên đẳng cấp thế giới đều phải trải qua. VNSO đang tập trung hết sức cho
chuyến đi này. Bởi đây được xem là một cột mốc đánh dấu cho sự phát triển của
VNSO nói riêng và nền âm nhạc cổ điển Việt Nam nói chung.
Trước thói quen xem ca nhạc miễn phí dường như đã thành căn bệnh cố
hữu của khán giả thời gian qua, hiếm lắm mới có một ca sĩ, nhạc sĩ dám đứng ra
tổ chức live-show cá nhân ở quy mô lớn, nếu không có tài trợ. Ca sĩ thì dường
như chuyện làm live-show có vẻ dễ dàng hơn, nhưng cũng chỉ là với các ca sĩ thuộc
hàng ngôi sao thị trường. Chứ với những ca sĩ hát dòng nhạc kén khách, cụm từ
live-show cá nhân vẫn mang nặng nghĩa của sự xa xỉ. Thế nhưng vẫn có những ngoại
lệ, và nhạc sĩ Lê Minh Sơn là một "ca hiếm" (ngoại trừ Phạm Duy, hàng
năm có live-show định kỳ, do công ty Phương Nam, đơn vị độc quyền toàn bộ các
sáng tác của Phạm Duy, đứng ra tổ chức). Và với Lê Minh Sơn, không chỉ một năm
một đêm nhạc mà có năm lên tới hai, ba đêm, đêm nào cũng trong tình trạng
"tay bo" (tự làm, tự bán vé), không cầu cứu nhà tài trợ. Người ta nói
anh chơi ngông, nhưng bản thân Lê Minh Sơn thì tự tin: "Tôi tin là với một
đời sống như Hà Nội, chuyện bỏ tiền ra mua vé để xem một chương trình ca nhạc
là quá dễ dàng với rất nhiều người. Cái khó là anh phải làm gì để thu hút được
khán giả, phải có gì để họ bỏ tiền ra mua vé và ra khỏi nhà vào giữa mùa đông
lạnh giá này để xem anh hát hò, nhảy múa".
Đêm nhạc Lê Minh Sơn
Ngày đầu năm mới này Lê Minh Sơn trở lại với công chúng bằng đêm nhạc
Guitar cho ta, diễn ra vào tối 1/1/2011 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, một đêm nhạc
"tay bo" nữa. Anh cho biết: "Tôi không bao giờ trông chờ vào tài
trợ, vì không thể trông vào những cái phao mà chẳng biết nó chìm hay nổi. Mình
tự làm thì vất vả thật, tất nhiên là vất vả nhất vẫn là mất công mất sức tập
luyện, nhưng khi được biểu diễn trong một khán phòng chật kín khán giả, đều là
những người cùng đồng cảm với mình, bỏ tiền ra để thưởng thức âm nhạc, chứ
không phải là những người đến vì có vé mời miễn phí, thì mọi vất vả cũng được
xua tan bởi sau mỗi đêm diễn thế là trong tôi lại được bồi đắp thêm sự sung sướng
và kiêu hãnh". "Gã nhà quê" này cũng thừa nhận là mình chưa bao
giờ bị lỗ trong các đêm nhạc tự tổ chức, và khẳng định thậm chí có lỗ thì cũng
sẽ làm bởi "sau một năm lao động miệt mài, cuối năm cần phải có một đêm nhạc
để cho công chúng nghe những sáng tác mới nhất của mình trong năm qua, xem có
được công chúng đón nhận hay không và cả những sáng tác cũ còn sống được đến giờ
hay không". Đó cũng là một hướng hay mà Lê Minh Sơn đã làm trong những năm
qua để đến với công chúng, nhưng rất ít nhạc sĩ trẻ hiện nay dám theo đuổi.
Duyên dáng Việt Nam 22
Cuộc dời đô của các chương trình ca nhạc lớn
Suốt những năm qua cụm từ "thị trường âm nhạc" dường như
chỉ bó hẹp tại hai đầu đất nước là Hà Nội và TP.HCM. Nhưng giờ đây hai thành phố
lớn này không còn "độc quyền văn hóa" nữa. Tới đây, những chương
trình ca nhạc lớn sẽ có một cuộc dời đô về tỉnh, chủ yếu là những tỉnh có khu
du lịch lớn. Phong trào dời sân khấu ca nhạc lớn (mang tính tạp kỹ, giải trí) về
tỉnh, chủ yếu là các khu du lịch lớn khởi động từ hai năm trở lại đây và cho thấy
sự khả quan của một hướng đi mới (thật ra nền công nghiệp giải trí ở nhiều nước
đã làm điều này từ rất lâu rồi). Sau Sao Mai, Sao mai - Điểm hẹn, tới đây, ngày
8,9/1/2011, chương trình Duyên dáng Việt Nam lần thứ 23 sẽ "tiếp quản Nhà
hát Sao Mai, thuộc KDL Thuận Thảo, Tuy Hòa, Phú Yên. Đây là năm thứ hai Duyên
dáng Việt Nam chọn Phú Yên và cũng là năm thứ hai liên tiếp đạo diễn điện ảnh
Nguyễn Quang Dũng làm "bếp trưởng" cho bữa tiệc âm nhạc và thời trang
này. Sự có mặt liên tiếp của Nguyễn Quang Dũng trong các chương trình
"hot" nhất của làng giải trí năm qua (từ Bước nhảy hoàn vũ đến
Vietnam Idol) hy vọng sẽ mang sức nóng trở lại cho Duyên dáng...
Việt Anh
Nguồn: thethaovanhoa.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét