Thứ Ba, 28 tháng 3, 2017

Cảm nhận "Người ở người về..."

Cảm nhận "Người ở người về..."
Trong đêm phiêu du vang lên một giọng hát tha thiết! Mọi âm thanh khác như lắng lại, chỉ còn lại hơi thở nhẹ nhàng của đêm, của bóng tối, và cả một lời tự tình khắc khoải quá…
Ai đã từng biết đến Thanh Lam, biết đến giọng hát da diết đến cháy lòng của chị qua Gọi anh, Giọt nắng bên thềm hay Khát vọng… hẳn sẽ thêm một lần lặng mình khi nghe Người ơi, người ở.
Bắt đầu là một âm thanh cao vút, nhưng trong trẻo lắm. Một lời nhắn nhủ, một lời mời gọi về với một ngày xưa, với câu quan họ đầy tình nghĩa.
Bức tranh: múa nón quai thao
Họa sĩ: Đỗ Mạnh Cương
Bài hát mang theo cái bồi hồi, tình tứ của những ngày hội Lim liền chị liền anh, mang theo cái quyến luyến, nghẹn ngào của những lời ca giã bạn “Người ơi người ở đừng về…”
Nhịp bài hát chậm nhưng đầy sức gợi, như kể lại một tâm sự, một hồi ức, một chuyện tình đã xa lắm, từ khi “quan họ không lấy nhau”.
Vui lên đi em,
Hát câu ca xưa
Người ơi người ở…
Có cuộc chia tay nào không xót xa. Có cuộc chia tay nào là không tiếc nuối! Trong đêm giã biệt người đi, kẻ ở, trong cái say nồng của câu hát có những nỗi niềm đong đầy chẳng cách nào trút vợi!
Này là một lời thủ thỉ, này là tiếng nhạc với những âm vang như từng giọt cứ gieo nỗi tái tê lặng lẽ vào lòng người…
Trong đêm phiêu diêu,
Mắt em long lanh,
Tình ơi! tình ở, tình về.
Trong đêm giã biệt ấy có một đôi mắt long lanh, trong veo đang ngấn lệ khi giây phút chia xa đã đến.
Tiếng gọi người ơi cất lên trước, và nối tiếp là tiếng gọi tình ơi. Người ơi - Tình ơi. Sao người nỡ rời, sao tình nỡ rời….
Ca sĩ Thanh Lam trong album Nắng lên
Nhưng không chỉ là tiếng gọi mà dường như là tiếng nghẹn ngào: Tình ở, tình về…. Giờ khắc chia tay càng cận kề, nỗi lòng người li biệt càng thêm bi luỵ.
Vẫn biết chia tay nhưng trong lòng còn men say
Đẫm ướt trong đêm hương cỏ ngàn trời.
Chất men say của cỏ cây trong đêm miên man ấy không chỉ thấm đẫm giữa bao la trời đất, mà chất chứa trong những lời ca điệu hát, trong lòng người. Không chỉ là vì ta còn lưu luyến lời hát của nhau, mà đã thương lắm một đôi mắt dao cau, một miệng cười hoa sen ngát hương đất trời…
Lúng liếng những ánh mắt, tình tứ những câu hát, dặt dìu những bàn tay, làm sao không vấn vương, làm sao không thương nhớ… nhưng, biết làm sao được, quan họ có những luật lệ hà khắc chia cắt những mối tình mới chớm nở ấy…
Trời cao cao quá.
Đất rộng rộng quá.
Em tôi bé nhỏ.
Mà sao không ôm em được như ôm đất trời.

Giọng hát của Thanh Lam như đang cháy cồn càọ, vừa đau xót, vừa tuyệt vong. Tiếng ghi ta réo rắt như hoà chung vào nỗi niềm ấy. Trời cao đất rộng, cả một không gian bao la ngoài kia, người thương bé nhỏ chừng như một với tay là chạm tới được, là có thể dang tấm lòng này ra mà bao bọc, chở che… Thế mà, sao em cứ biến mất vào hư vô, sao đôi tay ta cứ dang ra bất lực thế…
Ngày xưa là thế!
Lời nguyền còn đó quan họ không lấy nhau
Giai điệu bài hát bỗng trầm lắng xuống, như lời ai oán thốt ra sau tiếng thở dài. Biết làm sao khi đó đã là một lời nguyền thề từ bao kiếp nay. “Quan họ không lấy nhau”.
Quan họ chỉ kết liền anh liền chị để hát. Quan họ có những kẻ đã “ba con một chồng” vẫn hát “Em còn son…” như tìm kẻ “Anh cũng còn son…”. Nhưng quan họ cũng có những mối tình mãi là lỡ dở. Một lời thề hẹn lại được thốt lên chua xót!
Xin hẹn nhau kiếp sau
Nhưng lòng vẫn muốn người ở người về
Đó là cổ tích của thời hiện đại, cổ tích của một chuyện tình quan họ ngày xưa. Không yêu nhau kiếp này, ta sẽ hẹn em kiếp sau, sẽ không có duyên phận trong những câu quan họ đế mỗi phút chia xa lại khắc khoải lời hát Người ở người về.
Và đêm nay, lại có kẻ ngồi mơ quan họ, lại có kẻ ngồi than thở cho số kiếp ngày nào! Lại mơ về một kiếp nào đó, xa xôi lắm, liệu có còn gặp nhau, liệu có nhận ra nhau, liệu có nhớ ra ánh mắt này, tiếng hát này, nỗi lưu luyến này, lời thề hẹn này…
Chỉ còn lại những thanh âm rất trong trẻo trong đêm.
Vui lên đi em,
Hát câu ca xưa
Tình ơi, tình ở, tình về
Còn lại mãi một lời gọi tha thiết: “Người ơi, người ở… Đừng về!”.
Mời nghe Người ở người về tại đây.
 Hoàng Anh
Nguồn: vietnamnet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...