(Đọc tập Thi vân Yên Tử *)
Khi nảy ra ý định viết bài này, tôi đã lên mạng tìm đọc
một tư liệu phải được xem là quan yếu. Đó là bài báo đăng nhiều kỳ có tên Yên
Tử ký sự của một nhà báo rất tận tâm với nghề là Phạm Ngọc Dương. Người viết vừa
dẫn giải bằng lời vừa chọn ảnh minh hoạ khá sinh động và kỳ thú. Giữa bao câu
chuyện hư hư thực thực xưa nay về Yên Tử nghe anh kể lại, có một “sự kiện” nhiều
người biết được gọi là “hiện tượng thơ Hoàng Quang Thuận”. Chả là, vị GS-TS, Viện
trưởng Viện Công nghệ thông tin thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam này
trước nay vốn chỉ chăm chắm với khoa học. Thế mà, sau chỉ vài đêm “ngủ cùng gió
sương” trên đỉnh Yên Tử, ông bỗng trở thành “người thơ” đúng nghĩa. Ba đêm liền
không hề chợp mắt bởi bao cảm xúc dâng trào, ông đã viết liên tục tới 63 bài
thơ trọn vẹn. Số lượng rõ ràng là không nhỏ. Lại chỉ về một địa danh duy nhất.
Ông tâm sự rằng những bài thơ đến một cách tự nhiên, cứ như có ai đó đọc thầm
cho nghe, và ông chỉ còn làm một công việc quá ư đơn giản là ghi chép lại! Những
bài thơ khá là đặc biệt này sau đó được thâu gộp lại thành tập Thi vân Yên
Tử do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành 1998. Bài báo viết vậy, không biết
có đến 100% sự thật không, nhưng tôi tin. Cũng như tôi tin vào những câu chuyện
lạ lùng đã và sẽ còn nảy sinh ra từ vùng đất thiêng nổi tiếng khắp cả nước này…
Chợt nhớ tới bài thơ Chùa Một Mái của ông cũng chỉ gồm bốn câu
như phần lớn các bài thơ trong tập sách vừa nhắc tới: “Một mái chùa xưa giữa trần
ai/ Chênh vênh lưng núi nửa trong ngoài/ Hoa bưởi trước chùa đơm trắng xóa/ Bạch
Vân triền núi một cành mai”. Bài thơ được in nổi trên vách đá cạnh con đường dẫn
vào ngôi chùa có một không hai trên vùng núi linh thiêng. Thêm một bằng cớ củng
cố niềm tin của tôi. Nghỉ lại ở chùa Hoa Yên khiến “tâm hồn nhập cảnh và
muôn điệu” để “đêm say giấc mộng hết ưu phiền”. Rồi, cái gì phải đến đã đến.
Ông chợt cảm thấy: “Trời mây gió nói cõi hư không”. Và, những bài thơ lần lượt
ra đời. Cứ như một phép lạ. Bởi thế, tôi xin phép được chia sẻ với người
làm thơ trên một tinh thần mang tính “sự kiện” như vậy.
Để tập trung, tôi chỉ chọn một điểm xuyên thấm suốt cả
tập thơ là cảnh vật thiên nhiên trong cảm thức Thiền mà xem xét. Vì sao vậy?
Không phải ngẫu nhiên khi ca từ trong bài hát nổi tiếng Trên đỉnh Phù Vân của
Nhạc sỹ Phó Đức Phương lại được vang lên thế này: “Mênh mênh mang mang Phù Vân
Yên Tử/ Vi vi vu vu Trúc Lâm thiền tự…./ Lên đỉnh núi cao cách trời ba thước/
Xuống đáy thung sâu thăm thẳm sông dài/ Vào rừng trúc mai véo von con sáo sậu”.
Ta thấy hiện lên trong sâu thẳm tâm tưởng một vùng đất có một không hai Trúc
Lâm Yên Tử với những đỉnh núi cao, những dòng sông sâu xen trong rừng trúc, rừng
mai và tiếng hót véo von của chim chóc suốt ngày… Có sự đồng điệu tới mức lạ
lùng giữa cảnh và tình, giữa vật và người. Trong quá vãng cũng như trong hiện
thời. Hãy nghe lời giải thích tên một danh thắng của sư Thích Đạt Ma Trí Thông
- đó là Hồ Thiên: “Người đời vẫn tưởng Hồ Thiên có nghĩa là ‘hồ nước
trên trời’, nhưng thực ra, chữ ‘hồ’ ở đây không phải ao hồ, mà là ‘quần tụ’. Hồ
Thiên chính là nơi ‘quần tụ của chư Thiên’”. Cũng xin nhớ lại cái thế nằm
của Phật hoàng Trần Nhân Tông tại am Ngoạ Vân lúc ngài băng hà. Có
nhiều thuyết kể lại sự ra đi của ngài, nhưng phổ biến hơn cả là
nói rằng ngài băng theo thế sư tử ngọa trong rừng. Khi các đệ tử phát hiện ra
thì một cây trúc đã mọc xuyên qua đùi ngài. Có gì kỳ bí liên hệ tự thẳm sâu bên
trong giữa cây trúc tưởng vô can, vô tình kia với thế giới tâm tưởng mà suốt đời
ngài trau dồi để chỉ chờ một khoảnh khắc thăng hoa? Chẳng thế mà sử sách còn
chép lại những dòng sau: Khi còn trẻ, trong một lần cùng vua cha mình là Trần
Thánh Tông về thăm Yên Tử, Trần Nhân Tông đã cảm thấy say đắm phong cảnh hữu
tình của nơi đây và muốn xin vua cha cho ở lại tu hành, nhưng đã không được chấp
thuận. Lúc đó ngài mới 21 tuổi. Hình như có cơ duyên âm thầm mà sâu xa nào đó ẩn
trong những câu chuyện tưởng rất tình cờ! Và nếu một ai vẫn chưa thật tin
thì xin hãy cùng đọc thật chậm rãi bài thơ chúa Trịnh Cương được trân trọng khắc
trên bia đá ngợi ca cảnh đẹp của một trong những ngôi chùa ở đó: ''Miền đông đều
xinh đẹp/ Riêng một cảnh Hồ Thiên/ La liệt ngàn núi thẳm/ Vời vợi muôn vẻ huyền/
Thượng thừa khai cảnh Phật…/ Đầm vực nối đất liền/ Châu báu xây cổ tháp/ Ngọc
vàng rạng mọi miền/ Đạo lớn thâm hưng chấn/ Công quả được mãn viên”… Có thể dẫn
ra sự trùng hợp lạ kỳ giữa cảnh trí và con người ở đây qua nhiều, rất nhiều những
bằng cớ khác nữa.
Từ đó, thật khó quên một câu thơ giàu sức khái quát
trong bài Hạnh Thiên Trường hành cung của chính Trần Nhân Tông: “Nguyệt vô sự
chiếu nhân vô sự”. Có thể dễ nhận thấy, khi con người (nhân) và
thiên nhiên (nguyệt) đều ở trong trạng thái tĩnh tại an nhiên vô sự thì
tất nảy ra sự hoà điệu. Vẻ bí ẩn tưởng khó hình dung và giải thích có dịp phát
lộ. Bởi, một khi tâm của một người đã bình lặng, nghĩa là đã cởi bỏ hết những
mê kiến, vọng niệm theo quan niệm nhà Phật, thì người đó sẽ có cơ hội phát hiện
ra những vẻ đẹp hằng thường nơi cảnh giới. Bởi thế, trước sự dung hợp đến
hài hoà giữa cảnh và tình nơi Yên Tử, nhà báo Phạm Ngọc Dương đã không kìm được
sự xúc động trong liên tưởng: “Tôi trộm nghĩ, những cây vả khổng lồ, lúc lỉu quả
kia, là một thứ di sản sống đậm chất thiền trên dãy Yên Tử, mà chúng ta cần phải
bảo vệ. Nhìn cây vả ấy, tôi cứ mường tượng rõ ràng hình ảnh của một cõi tiên,
nơi chỉ có những vị chân tu đắc đạo ẩn mình”. Còn tôi thì thấy vang lên
trong tâm trí một châm ngôn Thiền: “Thế giới vốn không thuộc về anh, vì thế anh
không cần vứt bỏ, cái cần vứt bỏ chính là những tánh cố chấp”. Và, một
danh ngôn Thiền khác nữa: “Bởi chúng ta không thể thay đổi được thế giới xung
quanh, nên chúng ta đành phải sửa đổi chính mình, đối diện với tất cả bằng lòng
từ bi và tâm trí huệ”. Xin đọc thêm bài thơ Nguyệt của Trần Nhân
Tông để nhận rõ thêm điều đó: “Bán song đăng ảnh mãn sàng thư,/ Lộ trích thu
đình dạ khí hư./ Thụy khởi châm thanh vô mịch xứ,/ Mộc tê hoa thượng nguyệt lai
sơ”. (Tạm dịch: “Bóng đèn soi nửa cửa sổ, sách đầy giường - Móc rơi trên
sân thu, hơi trống không - Tỉnh giấc tiếng chày nện không còn nghe thấy -
Trên chùm hoa quế, trăng vừa mọc”). Mọi thứ đều mơ hồ và im ắng, từ trong
nhà ra ngoài thinh không bao la. Ngay đến “tiếng chày nện” hiện hữu đấy mà cũng
không hề làm lay động giấc ngủ, đến nỗi “tỉnh giấc” rồi mà “tiếng chày nện
không còn nghe thấy”, như chưa từng âm vang trước đó. Giải thích theo minh
sư Tuệ Sỹ thì: “Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động; không cho
nên bao hàm vạn cảnh”. Từ đó mới nảy ra ý thơ thần tình của thi sĩ Thiền
Bùi Giáng:
Trong
linh hồn một bông hoa
Hình như có cõi người ta đàng hoàng
Hình như có cõi người ta đàng hoàng
Còn đây là cảm nhận của chính tác giả trong tập thơ: “Sạch
bụi trần ai, ánh trăng rằm” một khi “ưu phiền trần tục thảy tiêu tan”.
Bây giờ, tôi đi sâu phân tích những biểu hiện khác nhau
của mối giao cảm lạ lùng giữa người và cảnh đậm chất Thiền trong tập thơ. Như
nhiều người đều biết, thiên nhiên trong thi ca bao giờ cũng được thẩm mỹ hoá,
nghĩa là luôn thấm đẫm chất người, cũng có nghĩa là mang chất văn hoá được hình
thành và bồi đắp dần dà bởi con người xã hội - con người lịch sử. Tôi nghĩ, tác
giả Thi vân Yên Tử đã biết phát hiện ra những gì cần phát hiện. Nương
theo Tâm mình, cố nhiên. Rất cần có con mắt tinh đời và một trái tim đa cảm.
Cũng còn phải có một sự trải nghiệm nghệ thuật thực sự. Chẳng phải ở đỉnh núi
này, vào một ngày đẹp trời, ta có thể phóng tầm mắt đi thật xa đó sao! “Non
xanh nước biếc như tranh hoạ đồ” chợt hiện ra. Một bức tranh toàn cảnh tuyệt vời
hiển hiện rõ mồn một qua những câu thơ như có hồn của Hoàng Quang Thuận: “Trên
non Yên Tử ngày trời quang/ Bức tranh thuỷ mặc dưới nắng vàng/ Nhấp nhô như
sóng triền đồi núi/ Xa xa một dài Bạch Đằng Giang”. Không ai nghĩ sự xuất
hiện địa danh sông Bạch Đằng hào hùng một thuở là vô tình cả. Theo chiều ngược
lại, nếu từ xa mà nhìn, ta có thể thấy thế núi của Yên Tử trong sự nối kết với
non sông gấm vóc của đất Đại Việt. Rất dễ nương theo lối hình dung này của tác
giả: “Vòng cung uốn lượn tựa mình rồng/ Vươn mình thế núi hướng biển Đông/
Ẩn sâu khúc lượn trong lòng đất/ Đầu rồng ngoảnh lại đất Thăng Long”. Bức
tranh tổng thể trong cái nhìn nhất quán. Thế rồng lượn từ biển vào sâu đất liền.
Dằng dặc liền một dải. Không hề đứt mạch. Trong khi, như không thể khác: “Đầu rồng
ngoảnh lại đất Thăng Long”. Còn đây là một góc nhìn khác cùng một lối suy
ngẫm khác trong bài Núi Phụ Tử.Theo truyền thuyết còn lưu truyền cho tới tận
ngày nay thì Yên Phụ là “núi cha” còn Yên Tử là “núi con”. Cha sinh
hạ ra con. Tuy nhiên trên thực tế, “núi con” lại cao hơn “núi cha”. Vậy nên tác
giả mới tinh nhạy và ý tứ khi hạ bút viết rằng “Phúc địa ngàn xưa gọi núi
thiêng”, theo nghĩa thâm thuý từng thấm vào nếp nghĩ của bao thế hệ người
Việt - “Con hơn cha là nhà có phúc”. Và đây, xin hãy nhìn cận cảnh hơn: Núi
voi. Khi vào gần Linh Sơn, núi Yên Tử trông tựa một con voi nằm trong thế
phủ phục. Tác giả như nhẹ nhàng đưa tay ra để nắm bắt được ý thơ này: “Núi voi
án ngữ nồm nam thổi/ Sương phủ thành mây trắng quanh năm”. Rồi đây nữa, một
cảnh tượng thi vị không kém: Đường tùng. Cảnh rất thực: “Tùng, đa ôm quấn
quýt bên nhau”.Nhưng cái chính là để nói tới vẻ đẹp tinh thần linh diệu của con
người - “Tình yêu muôn thuở chẳng phai màu”, cho dầu đã “trải bao
sương gió” của cuộc đời vốn không mấy khi yên ả. Nhưng ấn tượng hơn cả có lẽ là
tượng đá An Kỳ Sinh. Tương truyền, ông là một đạo sỹ người Trung Hoa tu tiên đắc
pháp, qua nước Nam truy tìm thuốc trường sinh bất tử. Khi dừng chân ở núi Yên Tử,
ông chợt nhận ra: “Khí thiêng phun toả cả thinh không”, nên đã: “Hoảng kinh chết
đứng thành tượng đá”. Toát lên từ bức tượng không biết nói kia là thứ triết
lý nhân sinh thế sự sâu xa không phải ai cũng có cơ may chứng ngộ để thêm một lần
thấm thía.
Đọc tập thơ, ta không thể quên đây là cảnh vật của vùng
rừng núi Yên Tử - nơi khởi phát của dòng Thiền mang đậm chất Đại Việt. Bởi thế,
văn hoá ấy là văn hoá Thiền, tư tưởng chi phối nó cũng chính là tư tưởng Thiền.
Bài Áo Phật có thể xem là tiêu biểu: “Phong cảnh nơi đây đẹp mê hồn/
Con người hoà hợp với nước non/ Dải áo Phật đài màu xanh thẳm/ Trung trinh cung
nữ tấm lòng son”. Ta thấy những cảnh tượng có sức bao quát như ở bài Xúc
cảm non thiêng mở đầu cho cả tập thơ. Nhưng phần nhiều và phần chính
là những hình ảnh rất cụ thể. Như: “Núi lượn trong mây, mây vờn núi”. Rồi: “Đàn
bướm tung bay trong nắng trưa”. Chớ quên đây là cõi thiền, là đất
Phật cõi thiêng đầy bí ẩn. Cho nên: “Núi cao nước biếc Hoa Yên Tử/ Hoa đại
trắng dài mỗi bước chân”. Màu trắng tinh khiết của hoa đại thật giàu sức gợi.
Những am tháp, chùa chiền cũng nhiều ý vị không kém: “Am tháp mọc lên thành đất
Phật/ Mây ngủ trong mây với chùa chiền”. Ở cả bề cao - “Thấp thoáng trời cao những
mái chùa”, lẫn bề xa - “Thấp thoáng xa xa những bóng đền”. Chỉ có thể thốt lên
nhiều lần như chính người viết: Quả là chốn bồng lai tiên cảnh! Mà là đệ nhất
tiên cảnh kia. Đây là dòng suối mát trong giữa trưa mùa hè nóng nực phía bên
ngoài: “Trưa hè oi ả tiếng suối reo/ Chim ca lảnh lót giữa lưng đèo/ Hoa rừng
hương sắc hương theo gió/ Đàn cá xuôi dòng nước trong veo”. Con suối này khi
xưa vua Trần từng tắm để trôi hết mọi thứ bụi trần ai đó mà. Hồ Yên Trung thì
trong xanh “vắt vẻo ngang lưng núi”, khiến cho “cả rừng thông xao động”. Cảm thấy
như chưa đủ, cảnh tượng hồ Yên Trung còn được tác giả gia công thêm trong một
bài thơ khác phảng phất phong vị thu san: “Mặt hồ yên ả gió heo may/ Bốn bề yên
ắng phủ sương dầy/ Lăn tăn gợn sóng làn thu thuỷ/ Tiếng gà xao xác cả tầng
mây”. Ta cũng không thể quên được những đàn vẹt rừng Yên Tử sau cơn mưa và ánh
nắng vàng bất chợt bừng sáng: “Mẹ bế bồng con phơi nắng sớm/ Tháp đá điểm xanh
áo vẹt phơi”. Như đã thấy, cảnh vật trong tập thơ thường được nhìn bằng
cái nhìn động: “Chân tháp lơ thơ vài khóm trúc/ Gió đưa nghiêng ngả tựa người
say”. Thậm chí, thiên nhiên biến đổi theo từng sát na đúng với lẽ vô thường của
nhà Phật: “Một khắc mây tan giống đầu rồng/ Trập trùng uốn lược giữa hư không”.
Ngày là thế mà đêm cũng thế. Đây là hồ Yên Tử khi bóng đêm buông phủ: “Cát vàng
thoai thoải sóng lao xao”. Nhất là cảnh: “Le te xanh biếc đùa tung cánh/ Chim
gù trên núi cảnh tiêu dao”.
Vì là cảnh Thiền, nên không lấy làm ngạc nhiên khi thấy
bật nổi hơn cả ở nơi đây chính là hình ảnh những bông sen: “Đài sen hoa nở vua
lên ngự/ Toả sáng hào quang Bạch Yên Vân”. Và tất nhiên cả tiếng chuông chùa:
“Ngân nga chuông vọng chiều xa vắng”. Tất cả như dồn tụ lại. Để không thể có cảm
nhận nào khác hơn là: “Suối hát muôn đời khúc Thiền ca”. Tuy nhiên, đây không
phải là cõi Thiền chung chung mà là xứ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - “lối cũ đường
xưa ngập cỏ cây” - gắn với vị Đệ nhất Sư tổ Trần Nhân Tông (1258-1308), cách thời
đại chúng ta trên 700 năm. Do vậy, cảnh vật dường như luôn được bao phủ bởi sắc
màu cổ xưa của thời gian. Nào là: “Cổ thụ vươn cao xoè tán rộng/ Rừng già nắng
lọt đốm hoa rơi”. Rồi đến: “Tùng già, đại cổ chốn Hoa Yên”. Và nữa: “Xum xuê
tán lá rợp vườn chùa/ Cây đa cổ thụ tự ngàn xưa”. Dường như toàn những thứ gợi
nên sự tinh khiết như hoa đại. Và cả sự thanh khiết như hoa bòng - “Bòng thơm đại
trắng một đời hoa”. Cũng không thiếu cái vẻ tưng bừng của những lễ hội diễn
ra hàng năm ở miền đất tổ: “Hồng đỏ như trăm đèn lồng cầy”. Tập trung và
hiện rõ hơn cả là cảnh Lăng Quy Đức - nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông
quy tiên giác ngộ: “Hai cây đại cổ dáng hình rồng/ Đứng nép bên tường đã trổ
bông/ Hương hoa thơm ngát vườn mộ tổ/ Ngày xưa Tam tổ đã vun trồng”.
Càng đi sâu vào tập thơ như càng đi sâu vào cõi Thiền,
ta càng bắt gặp nhiều cảnh lạ. Trưa hè oi nồng ở nơi khác, trong khi ở
đây thì: “Đang trưa không nhìn thấy mặt trời/ Mây tụ thành sương từng giọt rơi/
Văng vẳng gà rừng chiêm chiếp gọi/ Cành cao lay động chú sóc chơi”. Có thể nói
Yên Tử lạ cả trong cái vẻ thường tình nhất của cảnh trí: “Mận chín trĩu
cành lúc lỉu quả/ Trứng gà chiu chít cả trong mây”. Tuy nhiên, như ở bất cứ
đâu, có lẽ vào những đêm trăng sáng ta mới cảm nhận hết được vẻ lung linh huyền
ảo: “Trăng treo lơ lửng trên cành tùng/ Trăng rắc vàng lên cánh hoa nhung/
Sương đêm sực nức mùi hoa đại/ Mỗi bước trăng trôi giữa núi rừng”. Lạ ở cảnh,
càng lạ hơn ở vẻ linh thiêng hiếm có. Đây là sữa mẹ chảy ra từ núm vú
đá ở chùa Một Mái. Mỗi khi mỏi mệt, các thiền sư dùng bát nhỏ hứng uống thấy
khoẻ hẳn ra. Rất khó hiểu là vì sao khi đầy bát nước thì núm đá lại thôi không
nhỏ nữa. Điều này lập tức đi vào thơ Hoàng Quang Thuận: “Ngách núi đá núm vú
con/ Sữa mẹ linh thiêng nhỏ giọt tròn/ Nhỏ dần từng giọt đêm đầy bát/ Nước đầy
chỉ một bát con con”. Cũng không thể không nhắc tới những dược thảo quý, như Hồng
Sương Ngọc, bao giờ cũng khiến trong ta nảy ra ý muốn tự nhiên: “Bái vọng thiền
môn chẳng muốn đi”. Tôi lật giở những trang sử trong quá khứ xa xăm: “Tháng 7
năm 1294, Thượng hoàng Trần Nhân Tông quyết định xuất gia ở núi Vũ Lâm thuộc
vùng Ninh Bình. Tháng 8 năm 1299, Thượng hoàng Trần Nhân Tông vào núi Yên Tử tu
khổ hạnh, trước đó một tháng vào tháng 7, ngài đã cho dựng am Ngự Dược -
xin nhấn mạnh - ở trên Yên Tử”. Tôi còn ghi được những dòng tư liệu hiếm
hoi sau:
“Theo sư bác Khai Hiếu người đã ở Yên Tử gần 15 năm nay thì sâm Nam là một dược liệu rất quý, trong năm thì mùa xuân đi đào sâm Nam là hợp lý nhất vì đất lúc đó gặp mưa nên bở, chỉ cần kéo mạnh là lấy được cả chùm những con sâm to hơn ngón tay cái, thơm ngang với cả sâm Triều Tiên; bên cạnh sâm Nam còn vô số các loại cây khác, nào là thứ cỏ gây tê, cây chữa đau lưng, những thuốc như trầu tiên, gừng gió ở đây không thiếu gì”. Đấy là những vẻ linh thiêng phát xuất từ thiên nhiên. Tôi muốn nói thêm tới vẻ linh thiêng gắn chặt với cõi tu Thiền chân chất: “Hổ phục bên hang giếng nước thiêng/ Sư chùa tụng Phật, hổ ngồi thiền”. Đặc biệt là cảnh này: “Mấy ông Rắn lớn nằm trên mái/ Náu mình tượng Phật ngắm giang san”. Thật rõ rồi: Yên Tử là một xứ lạ hiếm có giữa trần gian. Xứ tiên giữa cõi phàm ấy có phần lung linh hơn khi được thăng hoa trong thi ca nghệ thuật.
“Theo sư bác Khai Hiếu người đã ở Yên Tử gần 15 năm nay thì sâm Nam là một dược liệu rất quý, trong năm thì mùa xuân đi đào sâm Nam là hợp lý nhất vì đất lúc đó gặp mưa nên bở, chỉ cần kéo mạnh là lấy được cả chùm những con sâm to hơn ngón tay cái, thơm ngang với cả sâm Triều Tiên; bên cạnh sâm Nam còn vô số các loại cây khác, nào là thứ cỏ gây tê, cây chữa đau lưng, những thuốc như trầu tiên, gừng gió ở đây không thiếu gì”. Đấy là những vẻ linh thiêng phát xuất từ thiên nhiên. Tôi muốn nói thêm tới vẻ linh thiêng gắn chặt với cõi tu Thiền chân chất: “Hổ phục bên hang giếng nước thiêng/ Sư chùa tụng Phật, hổ ngồi thiền”. Đặc biệt là cảnh này: “Mấy ông Rắn lớn nằm trên mái/ Náu mình tượng Phật ngắm giang san”. Thật rõ rồi: Yên Tử là một xứ lạ hiếm có giữa trần gian. Xứ tiên giữa cõi phàm ấy có phần lung linh hơn khi được thăng hoa trong thi ca nghệ thuật.
Xin cảm ơn anh Hoàng Quang Thuận đã biết sống trọn vẹn
với cảnh vật thần tiên nơi đây trong nhiều chiều kích của không-thời gian và
tâm tưởng, để viết nên không ít những vần thơ chân tình mà sâu lắng. Trước khi
ngừng lời, tôi muốn nói rằng, chính vì chọn ngả đường nhập vào cảnh vật đất trời
nơi Yên Tử nên, nhìn đại thể, tác giả đã tránh được một nguy cơ có thật là sa
đà vào diễn tích Phật lan man, làm giảm đi ít nhiều chất văn chương cần có. Rất
dễ rơi vào tình cảnh như thế! Có thể xem bài thơ Tổ Trúc Lâm là một
bài học phản diện về mặt này. Tôi không nói bài thơ không hữu ích, nhưng nếu xuất
phát từ những đòi hỏi thẩm mỹ khe khắt và nghiêm cẩn thì xem ra sự thiếu hút ở
đây là khá lớn: “Minh quân Hoàng đế Trần Nhân Tông/ Đức vua hiển Phật đời nhà
Trần/ Thắng giặc Nguyên - Mông tu cõi Phật/ Lưu đời đệ nhất Tổ Trúc Lâm”. Bài Vua
Phật có lẽ cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Rất may là số lượng
những bài như thế không nhiều.
Xin mừng cho tác giả.
Biết chọn con đường đi phù hợp phải chăng là một trong
những bí quyết thành công ở đời. Và có lẽ ở cả trong thơ nữa…
(*) Thi vân Yên Tử - Nxb Giáo dục Việt Nam - 2010.
(*) Thi vân Yên Tử - Nxb Giáo dục Việt Nam - 2010.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét