Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Khoa học và nghệ thuật thơ ca, khác biệt và tương đồng

Khoa học và nghệ thuật thơ ca, 
khác biệt và tương đồng
Mọi tác phẩm khoa học và nghệ thuật đều là con đẻ của thời đại, đều bắt nguồn từ cảm hứng của lịch sử dân tộc, nơi mà nhà khoa học và nghệ sĩ sống và sáng tạo. Giữa khoa học và nghệ thuật có những đặc điểm khác biệt, nhưng cũng còn có không ít tố chất tương đồng, mà bài viết này sẽ được chứng minh dưới đây.              
Một kiến giải cần được xác minh:
Không biết từ bao giờ, nhưng có thể là vào đầu thế kỷ XX, ở nhiều nước, trong lĩnh vực học thuật xuất hiện một số định kiến đem đối lập khoa học và nghệ thuật, chủ yếu là khoa học tự nhiên, cuộc tranh luận diễn ra gay gắt về mặt đối lập và khác biệt trong tiến trình phát triển của hai loại hình ý thức này. Cuộc thảo luận trên báo chí Liên Xô (trước đây) vào những năm 60 dưới chủ đề: "vũ trụ và cành hoa lila" lan rộng ra ở nhiều nước. Ở đó, có nhiều lập luận và kiến giải khác nhau, nhưng có một nhận định khái quát là: Từ thời cổ đại cho đến hiện đại, khoa học ngày càng phát triển, tiến bộ, có lúc tiến bộ vượt bậc (như bốn cuộc cách mạng khoa học - công nghệ) theo tỷ lệ thuận với sự phát triển lịch sử xã hội, v.v... Còn nghệ thuật thơ ca thì ngược lại, nhất là nghệ thuật suy đồi, bế tắc ở một số nước. Ở các nước có khuynh hướng nghệ thuật này, con người không còn là nhân vật trung tâm: "con người phi nhân tính", "con người cô đơn", "con người nổi loạn", "con người đứng bên lề lịch sử", v.v... Người ta bắt đầu nói đến mặt yếu đuối của con người, mỗi con người là một ốc đảo, v.v... v.v... Có đúng là nghệ thuật nhân loại thế kỷ XX trở đi đang thua kém các thế kỷ trước? Câu trả lời thật không đơn giản.
Có thể hội họa hôm nay không bằng hội họa thời kỳ Phục hưng về một vài phương diện nào đó; tiểu thuyết thế kỷ XX chưa có những tiểu thuyết gia cổ điển Balzac, Đolstoievski, L.Tolstoi, v.v... Trong mỗi thời đại có những loại hình trội hơn, có những tác giả, tác phẩm nổi tiếng hơn các thời đại sau, âu cũng là chuyện bình thường. Có điều, nhờ sự ứng dụng các thành tựu mới của khoa học và công nghệ vào lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật làm cho lĩnh vực này mang tính chất xã hội hóa, dân chủ hóa cao, tính đa dạng và phong phú của các loại hình thể loại, sự giao lưu và hội nhập của các dòng chảy văn hóa, các trường phái nghệ thuật tiên tiến đã làm cho văn hóa - nghệ thuật thế kỷ XX, XXI mang ý nghĩa nhân văn và xã hội sâu sắc, điều mà các thế kỷ không có được. Cao hơn một bước là khoa học và nghệ thuật đã xích lại gần nhau, tác động hỗ trợ lẫn nhau nhằm mục đích tối cao: sự sống và hạnh phúc của con người. Không phải ngẫu nhiên mà A. Einstein (1879 - 1955) quả quyết: "Trong tư duy khoa học luôn luôn có chất thơ. Âm nhạc chân chính và khoa học chân chính đòi hỏi quá trình tư duy giống nhau". Henri Poincaré (1854 - 1912) nhà toán học và triết học Pháp đã viết: "Trong sáng tạo khoa học, tư tưởng chỉ là ánh chớp, nhưng ánh chớp đó là tất cả...". Còn Paustốpski thì nói đến "tia chớp sáng tác". Cả hai đều gặp nhau ở giây phút kỳ diệu của sự sáng tạo khoa học và thơ ca. Chưa hết, có nhà toán học tài năng đã cảm nhận rằng, các nhà thơ ca nói về vẻ đẹp kiều diễm của Nàng Thơ, nhưng lại dè dặt khi nghĩ về vẻ đẹp quyến rũ của toán học. Thật ra cả hai đều bắt đầu bằng cảm, tình yêu và trí tuệ. Từ hàng ngàn năm nay, người ta đã coi số học là vị nữ hoàng của toán học [1], đã quyến rũ không ít tài năng lỗi lạc; sắc đẹp của toán học vẫn thanh tân như ngày nào, vẫn hấp dẫn các thế hệ khoa học hiện tại và tương lai, trong đó không loại trừ các nhà thơ của duy lý và duy tâm, của lôgích và trực giác.
Cho đến hôm nay, giữa khoa học và nghệ thuật còn có độ chênh về nhận thức. Đó là bí ẩn chưa giải thích được vì sao nghệ thuật phải tồn tại và hữu ích. Không ai nghi ngờ sự thiết yếu của khoa học như một phương pháp, một công cụ hệ trọng để nhận thức và cải tạo thế giới. Còn nghệ thuật xem ra còn nhiều câu hỏi không dễ có đáp số, vì sao nó phải tồn tại, vì sao nó lại có ích, mặc dầu trong hàng nghìn năm loài người đã đỗ vào nghệ thuật không biết bao nhiêu nhân tài, vật lực, khả năng sáng tạo thông minh, quý báu. Ở bất cứ dân tộc nào, thời đại lịch sử nào cũng có không ít nhân tài, người có năng khiếu lao vào con đường nghệ thuật, thơ ca, mặc dầu biết nó đầy gập ghềnh và chông gai, thường có đến nhiều phần trăm không đạt tới vinh quang, giàu có, thậm chí không đạt tới thỏa mãn nội tâm. Không hiểu vì sao nếu không có nghệ thuật, nếu vắng mặt của nhu cầu nghệ thuật thì đời sống loài người sẽ thiếu nhân văn, thiếu văn minh và phi văn hóa? Những phần viết dưới đây sẽ phần nào đi tìm đáp số cho những chất vấn ở trên.
Cái khác biệt và cái tương đồng giữa khoa học và nghệ thuật
- Con đường của khoa học là sự phát hiện ra những quy luật cơ bản của cuộc sống; còn con đường của nghệ thuật là sự khám phá những hình tượng để đi tới trái tim con người, tìm ra ý nghĩa của cuộc đời. Thuyết Einstein chứng minh: Đường cong là đường ngắn nhất nối liền các loại mặt phẳng là độc quyền quy luật của khoa học toán, vật lý. Còn nghệ thuật thì bó tay nếu như kiến giải theo suy lý. Trong bốn thực thể căn bản của vũ trụ: Không gian, thời gian, vật chất, năng lượng, các ngành khoa học đã tìm ra nhiều quy luật phát triển sáng tạo của loài người. Thông qua ngôn ngữ, tạo hình, đường nét, hình khối, chất liệu tự nhiên, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, điêu khắc, v.v... đã để lại cho loài người nhiều kiệt tác đồ sộ, nhất là thời kỳ Phục hưng.
- Quy luật cơ bản của khoa học là quyền lực suy lý, là tư duy lôgích; còn nghệ thuật chiếm ưu thế trực giác, vượt thoát tư duy, siêu lôgích. Nhiều nhà khoa học chứng minh rằng, hai ngành khoa học có quan hệ thân thiết với nghệ thuật là chế tạo máy và kiến trúc. Ở đây, người ta thấy mối quan hệ giữa cái chính xác và cái đẹp. Người kỹ sư ngoài kiến thức công nghệ, còn phải có tri thức môn hình học họa hình (géométrie descritipe), những bản vẽ chuẩn xác và đẹp. Trong một cỗ máy, máy phải khỏe, chạy nhanh, chạy êm, phát động dễ dàng; còn muốn máy ngừng cũng phải có những chuẩn mực: nhanh chóng và không nguy hiểm.
- Nhận thức của nghệ thuật là nhận thức trực giác (lâu nay khi nói về phản ánh, chúng ta thường gắn liền với sáng tạo là vì vậy) do tri giác tương đối đưa lại, còn nhận thức khoa học được thuyết phục và chứng minh bằng thực nghiệm, tuyệt đối. Sự khác biệt giữa tri giác suy lý là tuyệt đối, sự khác biệt với tri giác trực giác là tương đối. Cả hai hình thái tri giác nghệ thuật và tri giác chân lý khoa học đều là sự phát hiện chân lý, sự sáng tạo trực tiếp đưa lại những sản phẩm khoa học nhanh, nhiều, tốt và các tác phẩm nghệ thuật hay, đẹp, có ích. Nghệ thuật khi tác động vào người đọc, người nghe, người xem đã làm dấy lên vô vàn liên tưởng và xúc cảm khiến cho sự cảm thụ của công chúng những yếu tố cảm xúc gắn với phẩm chất chân, thiện, mỹ. Các nhà thần kinh học khẳng định rằng, 80% các ý định của chúng ta, cuối cùng vẫn dựa trên cảm xúc. Thông điệp nghệ thuật là của thưởng thức nghệ thuật, còn thông điệp lý trí là của lĩnh vực khác như chính trị, kinh tế, đời thường, v.v... Ở đây, có một định đề nghệ thuật cần được đính chính: Nói "nghệ thuật vị nghệ thuật" là sai, chỉ khi nào có sự sáng tạo của nghệ sĩ là vô mục đích, không có bắt đầu từ cuộc đời và kết thúc là món ăn tinh thần của mọi người. Còn nghệ thuật vị nghệ thuật là đúng, khi ta đòi hỏi tiểu thuyết cho ra tiểu thuyết, thơ cho ra thơ, v.v... là sự đòi hỏi tính nghệ thuật gắn liền với tính sáng tạo, tính lý tưởng công dân của nghệ sĩ gắn liền với nhu cầu thưởng thức của xã hội.
Sự tương hợp giữa phản ánh - sáng tạo với phi lý tính trong nghệ thuật
Có nhà khoa học quả quyết: Sức mạnh có quyền phán xét toán học là ở ngoài toán học, chứ không phải ở trong bản thân nó. Một cái đẹp không thể đẹp cho chính mình mà phải là đẹp cho cuộc đời. Trong toán học có số ảo, tức là cái khả năng tính toán trên những con số không có thực. Với sức mạnh kỳ diệu của toán học, người ta mới có quyền gọi một nửa vòng tròn là đường thẳng, thẳng với tất cả mọi tính cách mà ta dành cho các thẳng thật [2]. Trong nghệ thuật, nghệ sĩ phá bỏ độc quyền của suy lý mà vẫn phản ánh được bản chất của cuộc sống, đó là phi lý tính, tuy không chứng giải được, nhưng chân lý được nhận biết bằng trực giác, bằng sức tưởng tượng, bằng tiên nghiệm, bằng sự thăng hoa của giấc mơ, bằng cảm giác có lý. Phi lý trong nghệ thuật là một hữu lý khác. Một ví dụ trong sáng tác âm nhạc: Nhạc sĩ người Italia có tên Tactini - một nghệ sĩ nổi tiếng, sống kỳ lạ, yêu và chết kỳ lạ. Trong một giấc mơ ngọt ngào, nhạc sĩ đã "vớ" được những giai điệu rất hay rồi giục người giúp việc hãy lấy đàn hòa theo giai điệu đó. Nhạc sĩ mê mẩn, ngây ngất, nhưng một tiếng động bên ngoài làm nhạc sĩ bừng tỉnh dậy. Tỉnh dậy trong cơn nửa tỉnh, nửa mê, rồi ông lấy cây đàn và tập giấy nhạc ghi lại những nốt nhạc mà trong giấc mơ mà ông đã trải nghiệm. Kết quả là bản nhạc hay nhất trong cuộc đời sáng tác của nghệ sĩ. Trong thơ, nhất là những trường phái thơ siêu thực, thơ tượng trưng, v.v... người đọc thường bắt gặp những giây phút kỳ diệu của Nàng Thơ, mà vẫn suy diễn cái lý lẻ của quy luật thơ ca. Tính siêu thực cao nên ngôn ngữ phóng khoáng, phong phú, những biểu hiện đa dạng, cái đẹp của đối xứng trong cái phi đối xứng, siêu thực không che lấp sự thật, mà là những hiện tượng tiềm ẩn bên ngoài, vận động bên trên, mạch ngầm bên dưới của hiện thực, cái lý tính trong cái phi lý tính, cái ngọt ngào trong cay đắng của một cuộc đời. Nhưng dù phi lý tính đến đâu, thì quy luật của nghệ thuật nhắc chúng ta rằng, hình thức chỉ mang tính nghệ thuật khi nó được sinh ra từ một nội dung "có cánh", từ cuộc đời đa chiều, đa sắc. Nội dung xác định hình thức nhưng nội dung không tồn tại nếu thiếu hình thức, sự cách tân. Cái phí lý tính và tầm bay của trí tưởng tượng là những nhân tố quyết định sự cách tân và giá trị lâu dài của nghệ thuật. Trong thơ cổ điển Trung Hoa, người đọc hiện đại vẫn sững sờ trước mấy dòng thơ đầy ngoạn mục nhờ phi lý tính và trí tưởng tượng bay bổng:
Người chẳng thấy
Sông Hoàng Hà tuôn nước lưng trời kia
Đổ xuôi ra biển, chẳng quay về [3]
Đổng Trọng Thư (đời Hán), khi bàn về thơ có câu để đời: "Thi vô đạt hổ" tức là thơ ca là khó giải thích thấu lý được. Vì thơ là gợi ý, nói bóng, đa nghĩa, đa tầng, mơ hồ. Nhà phê bình Tiết Tuyết nói: Chỉ có mấy bài Âm phủ, Đạo đức của Đỗ Phủ mà mỗi người giải thích một cách. Binh gia đọc thì thấy việc binh, đạo gia đọc thì thấy việc đạo, người cai trị thì thấy việc hành chính, v.v...
Thơ Việt Nam đương đại cũng có nhiều câu thơ gây ấn tượng, ám ảnh: Những con thuyền tựa đêm ngủ yên (Dương Kiều Minh); Dẫm chân lên bậc thềm mười bảy (Nguyễn Quyến); Sông Mã lồng lên như sức ngựa/ Vít sào đẩy núi lại sau lưng (Trần Trương). Hữu Thỉnh nổi tiếng với bài Thơ viết ở biển: Anh xa em/ Trăng cũng lẻ/ Mặt trời cũng lẻ/ Biển vẫn cậy mình dài rộng thế/ Vắng cánh buồm một chút đã cô đơn/ Gió không phải là roi mà vách núi phải mòn/ Em không phải là chiều mà nhuộm anh đến tím/ Sóng chẳng đi đâu nếu không đưa em đến/ Dù sóng đã làm anh/ Nghiêng ngả/ Vì em.
Trong sáng tác thơ, điều kiêng kỵ nhất là nhận thức tách rời tưởng tượng, dễ dẫn đến cái tầm thường, cái lặp lại, cái thừa nhạt nhẽo của ý tưởng và ngôn ngữ. William Buttler Yeats (1865 - 1939) - một nhà thơ được giải Nobel năm 1923, có lần nói rằng "Những gì có thể giải thích được thì không còn thơ ca" (What can explain is not poetry).
Nhiệm vụ tối cao của nhà vật lý là phát hiện những quy luật sơ đẳng nhất, khái quát nhất để từ đó suy diễn lôgích thành hình ảnh của vũ trụ. Phương pháp duy nhất để tri giác những quy luật ấy không chỉ là suy lý, mà còn cần cả trực giác. Còn nghệ thuật, thơ ca là ý thức mình có lý tức là chân lý không thể chứng giải, luận chứng mà chân lý được biết bằng trực giác, khẳng định vững chắc bằng những phương pháp nghệ thuật, chất liệu nghệ thuật.
Ngày nay, máy tính, Internet, vô tuyến truyền hình đã làm chúng ta kinh ngạc, đó không phải là cuộc đua đầu tiên của con người. Thế kỷ chúng ta đồng hành với loài người vẫn còn có Nàng Thơ, sự đọc, cái đẹp và trí thức hiện đại. Thổi phồng quá đáng vai trò của suy lý trong khoa học; hạ thấp tầm quan trọng của trực giác, gây ra sự suy yếu của năng lực phát triển trong sáng tạo và thẩm định nghệ thuật là điều không nên.
[1] Xem Phan Đình Diệu, Cảm thụ và suy tư trong nghiên cứu khoa học trong tuyển tập Văn hóa và con người, Nxb Văn hóa, 1993.
[2] Sách đã dẫn, tr. 67.
[3] Bài thơ Tương tiến tửu trong nguyên văn: Quân bất kiến/ Hoàng Hà chi thủy thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi!. Ngô Linh Ngọc dịch.
Hoàng Cầu, tháng 12/2016
Hồ Sĩ Vịnh 

Nguồn: Tạp chí Thơ

Theo http://vanvn.net/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...