Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Luật thơ

Luật thơ
I. Tổng quát
1. Định nghĩa: Thơ là một lối văn có âm thanh và vần điệu. Mỗi lối thơ có quy luật riêng.
2. Số chữ: Tuỳ theo mỗi lối thơ, ngũ ngôn mỗi câu 5 chữ, thất ngôn mỗi câu 7 chữ.
3. Số câu: Tuỳ theo mỗi lối thơ, tứ tuyệt mỗi bài 4 câu, bát cú mỗi bài 8 câu. Thất ngôn dài hơn 8 câu hay ngũ ngôn dài hơn 16 câu gọi là thơ tràng thiên.
4. Vần: 
41. Có hai loại vần:
411. Vần chính: là những tiếng cùng âm với nhau, đọc nghe êm tai, như anh, ánh, ành, ảnh, ãnh, ạnh.
412. Vần gượng: là những tiếng hơi sai âm, đọc nghe không êm tai, như nay, nai; chia, chưa.
Làm thơ phải dùng vần chính, không nên dùng vần gượng, và không được dùng sai vần (lạc vận).
42. Có hai cách gieo vần:
421. Vần ở cuối câu: 
Thường có 4 cách gieo vần ở cuối câu như sau:
1) Vần tiếp nhau: Trong đoạn thơ 4 câu, câu 1 vần với câu 2,  câu 3 vần với câu 4.
Thí dụ:
          Tình mười năm còn lại mấy tờ thư
          Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư
          Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh
          Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
                   Vũ Hoàng Chương
2) Vần cách nhau: Trong đoạn thơ 4 câu, câu 1 vần với câu 3, câu 2 vần với câu 4.
Thí dụ:
          Thủng-thỉnh cuộc cờ khi gió mát,
          Ung-dung ngâm vịnh lúc trăng trong.
          Nghĩ mình thú hứng vui ngày sót,
          Ngắm cảnh giang-sơn thỏa khúc lòng.
                    Phan Kế Bính
3) Vần ôm nhau: Trong đoạn thơ 4 câu, câu 1 vần với câu 4, câu 2 vần với câu 3.
Thí dụ:
          Trên cánh đồng xanh 
          Trên nhành lúa mới
          Một chiều sớm đổi
          Sắc nắng hoe vàng
                    Song Hồ
4) Vần ba chữ: Trong đoạn thơ 4 câu, chữ cuối câu 1, 2, 4 vần với nhau.
Thí dụ:
          Ông đứng làm chi đấy hỡi ông?
          Trơ trơ như đá vững như đồng.
          Đêm ngày coi sóc cho ai đó?
          Non nước vơi đầy có biết không?
                    Nguyễn Khuyến
422. Vần ở giữa câu:
Chữ cuối câu trên vần với bất cứ chữ nào câu dưới.
1) Chữ cuối câu trên vần với chữ một câu dưới (ca dao).
Thí dụ:
          Đói cho sạch,
          Rách cho thơm.
                    Ca Dao
2) Chữ cuối câu trên vần với chữ hai câu dưới (ca dao).
Thí dụ:
          Lạy Trời mưa xuống        
          Lấy nước tôi uống        
          Lấy ruộng tôi cày        
          Lấy đầy bát cơm        
          Lấy rơm đun bếp        
          Lấy nếp nấu xôi 
          Lấy vôi ăn trầu        
          Lấy bậu về ôm
               Ca Dao
3) Chữ cuối câu trên vần với chữ ba câu dưới (ca dao).
Thí dụ:
          Đãi cứt sáo lấy hạt đa,
        Đãi cứt gà lấy tấm mẳn.
                   Ca Dao
3) Chữ cuối câu sáu vần với chữ bốn câu tám (thơ sáu tám biến thể).
Thí dụ:
          Này sự con vua thuỷ-thần,
          Thái tử đi tuần đội lốt lý ngư.
                   Quan Âm
4) Chữ cuối câu bảy trên vần với chữ năm câu bảy dưới (thơ hai bảy sáu tám).
Thí dụ:
          Trải vách quế gió vàng hiu hắt
          Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
                    Ôn Như Hầu
5) Chữ cuối câu sáu vần với chữ sáu câu tám (thơ sáu tám).
Thí dụ:
          Trăm năm trong cõi người ta,    
          Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
                    Nguyễn Du
6) Chữ cuối câu bảy trên vần với chữ bảy câu bảy dưới (thơ Đường).
Thí dụ:
BÁNH TRÔI NƯỚC
          Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
          Bẩy nổi ba chìm với nước non.
          Lớn nhỏ mặc dầu tay kẻ nặn,
          Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
                    Hồ Xuân Hương 
5. Thanh: là giọng cao thấp của một chữ.
Có hai loại giọng: 
51. Giọng bằng: là những chữ không dấu hoặc có dấu huyền. 
Bằng cao là những chữ không dấu, bằng thấp là những chữ có dấu huyền.
Thí dụ: Anh, Thành.
52. Giọng trắc: là những chữ có dấu sắc, hỏi, ngã, nặng. 
Trắc cao là những chữ có dấu sắc, hỏi, ngã. Trắc thấp là những chữ có dấu nặng.
Thí dụ: Ém, ẻm, ẽm, ẹm.
6. Đối: 
61. Có hai loại đối:
611. Tiểu đối: Hai vế cân xứng trong một câu gọi là tiểu đối.
612. Bình đối: Hai câu cân xứng gọi là bình đối. 
62. Khi đối, ta phải đối ý, đối chữ, và đối điệu bằng trắc.
621. Đối ý: Đem hai ý tưởng khác nhau mà đối ở hai vế hoặc hai câu cho cân xứng.
Thí dụ:
          Đá vẫn bền gan cùng tuế-nguyệt,
          Nước còn cau mặt với tang-thương.
                    Bà Huyện Thanh Quan
622. Đối chữ: Lấy hai chữ đồng loại mà đối với nhau, như danh từ với danh từ, tĩnh từ với tĩnh từ, ... Tiếng đơn với tiếng đơn, tiếng kép với tiếng kép.
Thí dụ:
          Nhớ nước đau lòng con quốc-quốc,
          Thương nhà mỏi miệng cái gia-gia.
                    Bà Huyện Thanh Quan
623. Đối điệu bằng trắc: Tiếng bằng đối với tiếng trắc hay ngược lại.
Thí du:
          Làn thu-thuỷ, nét xuân-sơn,
          Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
                    Nguyễn Du
II. Thơ Lục Bát
1. Thơ Lục Bát là thơ Sáu Tám. 
2. Số chữ: Cứ một câu sáu chữ, lại một câu tám chữ.
3. Số câu: Bài thơ dài bao nhiêu câu cũng được, nhưng câu đầu phải là câu sáu, câu cuối phải là câu tám.
4. Cách gieo vần: 
Chữ cuối câu sáu trên vần với chữ sáu câu tám dưới.
Chữ cuối câu tám trên vần với chữ cuối câu sáu dưới.
Mỗi hai câu phải đổi vần.
5. Luật bằng trắc: Nếu b là bằng, t là trắc, luật bằng trắc có dạng như sau:
                            b b t t b b
                            b b t t b b t b
Thí dụ: 
          Tình phu phụ, nghĩa quân thần,
          Làm người trọn nghĩa xa gần mới nên.
                    Nguyễn Đình Chiểu
6. Luật giảm: Chữ thứ nhất, thứ ba, thứ năm không cần đúng luật, gọi là phép nhất tam ngũ bất luận.
Thí dụ:
          Trăm năm trong cõi người ta,
          Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
                    Nguyễn Du
7. Đối: Thơ lục bát không cần phải đối, nhưng vì số chữ trong mỗi câu là số chẵn, ta có thể dùng tiểu đối (đối vế) trong câu sáu hoặc câu tám.
Thí dụ:
          Làn thu-thuỷ, nét xuân-sơn,
          Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.
                    Nguyễn Du
Khi có tiểu đối, thì chữ thứ 2 trong câu sáu có thể là chữ trắc.
Thí dụ:
          Nền phú-quý, bậc tài-danh.
                    Nguyễn Du
8. Lục bát biến thể:
81. Cách gieo vần:
Chữ cuối câu sáu vần với chữ thứ tư câu tám.
Thí dụ:
          Này sự con vua thuỷ-thần,
          Thái tử đi tuần đội lốt lý ngư.
                   Quan Âm
82. Luật bằng trắc:
Luật bằng vần bằng của thơ lục bát có thể biến dạng như sau:
                           t t b b t b
                           t t b b t t b b
Thí dụ:
          Thị Hương xem thấy rõ ràng,
          Bước tới vội vàng, chào Lý-Thánh-Quan.
                    Lý Công truyện
9. Bài thơ sáu tám
TRUYỆN KIỀU
          Trăm năm trong cõi người ta,
          Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau.
          Trải qua một cuộc bể dâu,
          Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.
          Lạ gì bỉ sắc tư phong,
          Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen.
          Cảo thơm lần giở trước đèn,
          Phong tình cổ lục còn truyền sử xanh.
          Rằng: Năm Gia-tĩnh triều Minh,
          Bốn phương phẳng lặng hai kinh chữ vàng.
          Có nhà viên ngoại họ Vương,
          Gia tư nghỉ cũng thường thường bậc trung.
          Một trai con thứ rốt lòng,
          Vương Quan là chữ nối dòng nho gia.
          Đầu lòng hai ả tố nga,
          Thúy Kiều là chị em là Thúy Vân.
          Mai cốt cách tuyết tinh thần,
          Mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười.
          Vân xem trang trọng khác vời,
          Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang.
          Hoa cười ngọc thốt đoan trang,
          Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da.
          Kiều càng sắc sảo mặn mà,
          So bề tài sắc lại là phần hơn.
          Làn thu thủy nét xuân sơn,
          Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh.
          Một hai nghiêng nước nghiêng thành,
          Sắc đành đòi một tài đành họa hai.
          Thông minh vốn sẵn tính trời,
          Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
          Cung thương làu bậc ngũ âm,
          Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.
          Khúc nhà tay lựa nên xoang,
          Một thiên Bạc mệnh lại càng não nhân.
          Phong lưu rất mực hồng quần,
          Xuân xanh xấp xỉ tới tuần cập kê.
          Êm đềm trướng rủ màn che,
          Tường đông ong bướm đi về mặc ai.
                    Nguyễn Du
III. Song thất lục bát:
1. Thơ Song Thất Lục Bát là thơ Hai Bảy Sáu Tám. 
2. Số chữ: Cứ hai câu bảy chữ, một câu sáu chữ, và một câu tám chữ.
3. Số câu: Bài thơ dài bao nhiêu câu cũng được.
4. Cách gieo vần: 
 Chữ cuối câu bảy trên vần trắc với chữ thứ năm câu bảy dưới.
 Chữ cuối câu bảy dưới vần bằng với chữ cuối câu sáu.
 Chữ cuối câu sáu vần bằng với chữ thứ sáu câu tám.
 Bốn câu là một đoạn.
 Sau mỗi đoạn, chữ cuối câu tám của đoạn trước vần bằng với chữ thứ năm câu bảy ở đoạn sau.
5. Luật bằng trắc: 
 Câu bảy trên, chữ thứ 1 không kể, chữ thứ 2, 3 là trắc, chữ thứ 4, 5 là bằng, chữ thứ 6, 7 là trắc.
 Câu bảy dưới, chữ thứ 1 không kể, chữ thứ 2, 3 là bằng, chữ thứ 4, 5 là trắc, chữ thứ 6, 7 là bằng.
 Hai câu sáu tám theo đúng luật cuả thơ sáu tám.
51. Nếu o là không kể, b là bằng, t là trắc, luật bằng trắc có dạng như sau:
                            o t t b b t t
                            o b b t t b b    
                            b b t t b b
                            b b t t b b t b
52. Thí dụ: 
          Trải vách quế gió vàng hiu hắt
          Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
          Oán chi những khách tiêu phòng
          Mà đem phân bạc nằm trong má đào
          Duyên đã may cớ sao lại rủi
          Nghĩ nguồn cơn dở dói sao đang
          Vì đâu nên nỗi dở dang
          Nghĩ mình mình lại nên thương nỗi mình
                    Ôn Như Hầu
6. Luật giảm: 
61. Trong hai câu bảy, chữ thứ 2, 4, 6  không bắt buộc theo đúng luật.
Trong câu sáu tám, chữ thứ 1, 3, 5  không bắt buộc theo đúng luật, gọi là luật nhất tam ngũ bất luận.
62. Thí dụ:
          Trải vách quế gió vàng hiu hắt
          Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
          Oán chi những khách tiêu phòng
          Mà đem phân bạc nằm trong má đào
                   Ôn Như Hầu
7. Đối: Thơ Hai Bảy Sáu Tám không cần phải đối, nhưng vì: 
71. Số chữ trong hai câu bảy bằng nhau, ta có thể đối câu với nhau.
72. Số chữ trong câu sáu hoặc câu tám là số chẵn, ta có thể đối vế trong mỗi câu.
73. Thí dụ:
          Chiều ủ-dột, giấc mai trưa sớm,
          Vẻ bâng-khuâng, hồn bướm vẩn vơ.
          Thâm khuê vắng ngắt như tờ,
          Cửa châu gió lọt, rèm ngà sương gieo.
                    Ôn Như Hầu
8. Bài thơ Hai Bảy Sáu Tám
CUỘC ĐỜi KHỔ SỞ
          Nghĩ thân phù thế mà đau,
          Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê.
          Mùi tục lụy, lưỡi tê tân khổ,
          Đường thế đồ, gót rỗ kì khu.
          Sóng cồn cửa bể nhấp nhô,
          Chiéc thuyền bào ảnh thấp tho mặt ghềnh.
          Trẻ tạo hóa đành hanh quá ngán,
          Dắt díu nhau lên cạn mà chơi !
          Lò cừ nung nấu sự đời,
          Bức tranh vân cẩu vẽ người tang thương.
          Đền vũ tạ nhện chăng cửa mốc,
          Thú ca lâu dế khóc canh dài.
          Đất bằng bỗng rắc chông gai,
          Ai đem nhân ảnh, nhuộm mùi tà dương?
          Mồi phú quý dử làng xa mã,
          Bả vinh hoa lừa gã công khanh.
          Giấc Nam Kha khéo bất bình,
          Bừng con mắt dậy thấy mình tay không!
          Sân đào lí mây lồng man mác,
          Nền đỉnh chung nguyệt gác mơ màng.
          Cánh buồm bể hoạn mênh mang,
          Cái phong ba khéo cợt phường lợi danh!
          Quyền hoạ phúc, trời tranh mất cả,
          Món tiện nghi, chẳng trả phần ai!
          Cái quay búng sẵn trên trời,
          Mờ mờ nhân ảnh như người đi đêm.
          Hình mộc thạch, vàng kim ố cổ,
          Sắc cầm ngư, lệ vũ e phong.
          Tiêu điều nhân sự đã xong,
          Sơn hà cũng ảo, côn trùng cũng hư.
          Cầu thệ thuỷ nằm trơ cổ độ,
          Quán thu phong đứng rũ tà huy.
          Phong trần đến cả sơn khê,
          Tang thương đến cả hoa kia cỏ này.
          Tuồng ảo hóa đã bày ra đấy,
          Kiếp phù sinh trông thấy mà đau.
          Trăm năm còn có gì đâu,
          Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì!
          Mùi tục lụy dường kia cay đắng,
          Vui chi mà đeo đẳng trần duyên!
          Cái gương nhân sự chiền chiền,
          Liệu thân này với cơ thuyền phải nao.
          Ngày mượn thú tiêu dao cửa Phật,
          Mối thất tình quyết dứt cho xong,
          Đã mang chi nữa đèo bòng.
          Vui gì thế sự mà mong nhân tình,
          Lấy gió mát trăng thanh kết nghĩa,
          Mượn hoa đàm đuốc tuệ làm duyên.
          Thoát trần một gót thiên nhiên,
          Cái thân ngoại vật là tiên trong đời.
                    Ôn Như Hầu
IV. Thơ Cổ Phong
1. Thơ Cổ Phong có từ đời Đông Hán (25-220), trước đời Đường, không cần niêm, luật, đối. 
2. Số chữ: Mỗi câu phải là 5 hoặc 7 chữ.
3. Số câu: Mỗi bài không giới hạn số câu.
4. Đối: Không bắt buộc, nhưng nếu đối phải đối cho đúng.
5. Cách gieo vần: Thơ Cổ Phong gieo vần ở cuối câu, có thể là độc vận hay liên vận. Cứ mỗi 2, 4, hoặc 8 câu đổi vận một lần.
6. Để phân biệt thơ Cổ Phong với thơ Đường, ta nên chia mỗi bài thơ thành nhiều đoạn 4 câu. Nếu mỗi đoạn không có niêm, luật, đối, thì nó là thơ Cổ Phong. 
7. Những bài thơ Cổ Phong:
71. Thơ 5 chữ 4 câu:
QUY TIỀU
          Rừng lau gió xao-xác,
          Chim hôm bay lác-đác.
          Gánh củi lững thững về,
          Đường quen không sợ lạc.
                    Bùi Ưu Thiên
72. Thơ 5 chữ 6 câu:
TẾT TẶNG CÔ ĐÀO
          Mừng xuân mừng quí khách,
          Khi vui lọ đàn phách.
          Chuyện nở như gạo rang,
          Chuyện dai như chão rách.
          Đổ cả bốn chân giường,
          Xiêu cả một bức vách.
                    Trần Kế Xương
73. Thơ 5 chữ 8 câu:
KHEN TRẦN BÌNH TRỌNG
          Giỏi thay Trần Bình Trọng
          Dòng dõi Lê Đại Hành
          Đánh giặc dư tài mạnh
          Thờ vua một tiết trung
          Bắc vương sống mà nhục
          Nam quỷ thác cũng vinh
          Cứng cỏi lòng trung nghĩa
          Ngàn thu tỏ đại danh.
                    Phan Kế Bính
74. Thơ 5 chữ tràng thiên:
ÔNG ĐỒ GIÀ
          Mỗi năm hoa đào nở
          Lại thấy ông đồ già
          Bày mực tàu giấy đỏ
          Bên phố đông người qua.
          Bao nhiêu người thuê viết
          Tấm tắc ngợi khen tài
          Hoa tay thảo những nét
          Như phượng múa rồng bay.
          Nhưng mỗi năm mỗi vắng
          Người thuê viết nay đâu?
          Giấy đỏ buồn không thắm
          Mục đọng trong nghiên sầu.
          Ông đồ vẫn ngồi đấy
          Qua đường không ai hay
          Lá vàng rơi trên giấy
          Ngoài trời mưa bụi bay.
          Năm nay đào lại nở
          Không thấy ông đồ xưa
          Những người muôn năm cũ
          Hồn ở đâu bây giờ?
                    Vũ Đình Liên
75. Thơ 7 chữ 4 câu:
CÁI PHÁO
          Xác không, vốn những cậy tay người,
          Bao nả công trình, tạch cái thôi!
          Kêu lắm, lại càng tan-tác lắm,
          Thế nào cũng một tiếng mà thôi.
                    Nguyễn Hữu Chỉnh
76. Thơ 7 chữ 6 câu:
LÒNG THẢN NHIÊN
          Vinh nhục bao phen hẳn đã từng,
          Lòng ngưòi sự thế dửng dưng.
          Khen thì nên tốt, chê nên dại,
          Mất ắt chẳng âu, được chẳng mừng.
          Có ai biết được lòng tri-kỷ,
          Vòi-vọi non cao nguyệt một vừng.
                    Nguyễn Bỉnh Khiêm
77. Thơ 7 chữ 8 câu:
TIẾT KIỆM
          Giàu thì ba bữa, khó thì hai,
          Lần đổi cho qua tháng thiếu đầy.
          Nón đổi lá ngoài, quần đổi ống,
          Dép thay da mặt, túi thay quai.
          Dặn vợ có cà đừng gắp mắm,
          Bảo con bớt gạo bỏ thêm khoai.
          Thế-gian mặc kẻ cười hà-tiện,
          Ta chẳng phiền ai, chẳng luỵ ai.
                    Nguyễn Minh Triết
78. Thơ 7 chữ tràng thiên:
PHONG CẢNH KIẾP-BẠC
          Trời Nam riêng một cõi Doanh-bồng,
          Sơn-thuỷ thiên-nhiên cảnh lạ lùng.
          Bắc-đẩu Nam-tào chia tả hữu,
          Huyền-đăng trăm ngọn đá chông-vông.
          Mấy chòm cổ-thụ bóng sầm-uất,
          Một dãy cao phong thế trập-trùng.
          Bãi nổi se sè hình lưỡi kiếm,
          Nước trong leo-lẻo một dòng sông.
          Véo-von vượn hót trên đầu núi,
          Lác đác hươu ăn dưới gốc thông.
          Ráng toả chiều hôm chim ríu-rít,
          Mây tuôn ban sớm khói mịt-mùng.
          Phong-quang bốn mặt trông như vẽ,
          Một toạ lâu-đài cao sát không.
          Rèm ngọc sáng quang mây núi bắc,
          Gác hoa bóng lộn sóng triều đông.
          Đại-vương khi nhàn rê trượng trúc,
          Theo sau một vài gã tiểu-đồng.
          Khi đeo bầu rưọu qua sườn núi,
          Lúc dạo cung đàn bơi giữa dòng.
          Thủng-thỉnh cuộc cờ khi gió mát,
          Ung-dung ngâm vịnh lúc trăng trong.
          Nghĩ mình thú hứng vui ngày sót,
          Ngắm cảnh giang-sơn thỏa khúc lòng.
          Tuổi già, cảnh thú, công-danh trọn,
          Than ôi, Đại-vương thật anh-hùng.
                    Phan Kế Bính
V. Thơ Đuờng
1. Thơ Đường có từ đời Đường (618-907), phải theo niêm luật nhất định.
2. Số chữ: Mỗi câu có năm chữ hoặc bảy chữ.
3. Số câu: Mỗi bài có tám câu hoặc bốn câu theo đúng niêm luật. 
4. Thơ Tám câu:
41. Bảy chữ tám câu:
411. Số chữ: Mỗi câu bảy chữ. 
412. Số câu: Mỗi bài tám câu.
413. Cách gieo vần:
Thơ Đường thường dùng luật bằng và vần bằng. Mỗi bài thơ chỉ có một vần, được gieo ở cuối câu.
Luật bằng: Chữ thứ 2 câu 1 là vần bằng.
Vần bằng: Các chữ cuối của câu 1 và các câu chẵn là vần bằng.
414. Luật bằng trắc: Nếu b là bằng, t là trắc, v là vần, đ là đối, thì luật bằng trắc có dạng như sau.
1) Luật bằng vần bằng: 
                         b b t t t b b (v)
                         t  t b b t t b (v)
                         t  t b b b t t (đ)
                         b b t t t b b (đ)(v)
                         b b t t b b t (đ)
                         t  t b b t t b (đ)(v)
                         t  t b b b t t
                         b b t t t b b (v)
2) Luật trắc vần bằng:
                         t  t b b t t b (v)
                         b b t t t b b (v)
                         b b t t b b t (đ)
                         t  t b b t t b (đ)(v)
                         t  t b b b t t (đ)
                         b b t t t b b (đ)(v)
                         b b t t b b t
                         t  t b b t t b (v)
3) Luật trắc vần trắc:
                         t  t b b b t t (v)
                         b b t t b b t (v)
                         b b t t t b b (đ)
                         t  t b b b t t (đ)(v)
                         t  t b b t t b (đ)
                         b b t t b b t (đ)(v)
                         b b t t t b b
                         t  t b b b t t (v)
415. Luật giảm:
Làm thơ theo đúng luật bằng trắc thật là khó, nên chữ thứ 1, 3, 5 trong một câu được giảm, không cần đúng luật.
416. Đối:
Trừ hai câu đầu và hai câu cuối, câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6.
417. Niêm:
Niêm là dính với nhau. Theo luật bằng trắc, hai câu thơ niêm với nhau, khi chữ thứ hai của mỗi câu cùng bằng hoặc cùng trắc. Như vậy, câu 1 niêm với câu 8, câu 2 với 3, câu 4 với 5, câu 6 với 7.
Bài thơ gọi là thất niêm khi có hai câu thơ không niêm với nhau.
418. Bố cục: 
Bài thơ tám câu gồm 4 phần:
1) ĐỀ: Câu 1, 2 nói về đề tài.  
2) THỰC: Câu 3, 4 giải thích đề tài.
3) LUẬN: Câu 5, 6 bình luận đề tài.
4) KẾT: Câu 7, 8 kết luận đề tài.
Thí dụ:
DẠI KHÔN
Đề:    Thế-sự đua nhau nói dại khôn.
         Biết ai là dại, biết ai khôn?
Thực: Khôn nghề cờ bạc là khôn dại,
         Dại chốn văn-chương ấy dại khôn.
Luận: Mấy kẻ nên khôn đều có dại,
         Làm ngưòi có dại mới nên khôn.
Kết:   Cái khôn ai cũng khôn là thế.
         Mới biết trần-gian kẻ dại khôn.     
                   Trần Kế Xương
419. Thí dụ:
1) Luật bằng vần bằng: 
Đi THI TỰ VỊNH
          Đi không, chẳng lẽ lại về không,
          Cái nợ cầm-thư phải trả xong.
          Rắp mượn điền-viên vui tuế-nguyệt,
          Nỡ đem thân-thế hẹn tang-bồng.
          Đã mang tiếng ở trong trời đất,
          Phải có danh gì với núi sông.
          Trong cuộc trần-ai, ai dễ biết,
          Rồi ra mới rõ mặt anh hùng.
                    Nguyễn Công Trứ
2) Luật trắc vần bằng:
CÁCH Ở ĐỜI
          Ăn ở sao cho trải sự đời,
          Vừa lòng cũng khó, há rằng chơi.
          Nghe như chọc ruột, tai làm điếc,
          Giận dẫu căm gan, miệng mỉm cười.
          Bởi số, chạy đâu cho khỏi số,
          Lụy người, nên nỗi phải chiều nguời.
          Mặc ai, chớ để điều ân oán,
          Chung cục thời chi cũng tại trời.
                    Nguyễn Công Trứ           
42. Năm chữ tám câu:
421. Số chữ: Mỗi câu năm chữ. 
422. Số câu: Mỗi bài tám câu.
423. Cách gieo vần:
Thơ Đường thuờng dùng luật bằng và vần bằng. Mỗi bài thơ chỉ có một vần, được gieo ở cuối câu.
Luật bằng: Chữ thứ 2 câu 1 là vần bằng.
Vần bằng: Các chữ cuối của câu 1 và các câu chẵn là vần bằng.
424. Luật bằng trắc: Nếu b là bằng, t là trắc, v là vần, thì luật bằng trắc có dạng như sau.
1) Luật bằng vần bằng: 
                         b b t t b  (v)
                         t  t t b b  (v)
                         t  t b b t  (đ)
                         b b t t  b (đ)(v)
                         b b b t t  (đ) 
                         t  t  t b b (đ)(v)
                         t  t b b t
                         b b t t  b (v)
2) Luật bằng vần trắc:
                         b b b t t (v)
                         t  t b b t (v)
                         t  t t b b (đ)
                         b b b t t (đ)(v)
                         b b t t b (đ)
                         t t b b t  (đ)(v)
                         t t t b b
                         b b b t t (v)
3) Luật trắc vần bằng:
                         t  t t b b (v)
                         b b t t b (v)
                         b b b t t (đ)
                         t  t t b b (đ)(v)
                         t  t b b t (đ)
                         b b t t b (đ)(v)
                         b b b t t
                         t  t t b b (v)
425. Luật giảm:
Làm thơ theo đúng luật bằng trắc thật là khó, nên chữ thứ 1, 3 trong một câu được giảm, không cần đúng luật.
426. Đối:
Trừ hai câu đầu và hai câu cuối, câu 3 đối với câu 4, câu 5 đối với câu 6.
427. Niêm:
Niêm là dính với nhau. Theo luật bằng trắc, hai câu thơ niêm với nhau, khi chữ thứ hai của mỗi câu cùng bằng hoặc cùng trắc. Như vậy, câu 1 niêm với câu 8, câu 2 với 3, câu 4 với 5, câu 6 với 7.
Bài thơ gọi là thất niêm khi có hai câu thơ không niêm với nhau.
428. Thí dụ:
1) Luật bằng vần bằng: 
LỠ LÀNG
          Tình ta đã úa mầu
          Vĩnh viễn phải xa nhau
          Kẻ lấp hờn ngăn tủi
          Người ôm thảm ấp sầu
          Bồi hồi sa ngấn lệ
          Thổn thức nhỏ dòng châu
          Đã lỡ làng duyên nợ
          Lìa tan mộng ước đầu
                    Hoàng Thứ Lang
2) Luật trắc vần bằng:
NHÀ SƯ
          Đầu trọc lốc bình vôi,
          Nhảy tót lên chùa ngồi.
          Y-a kinh một bộ,
          Lóc-cóc mõ ba hồi.
          Cơm chẳng thèm cá thịt,
          Ăn những oản chuối xôi.
          Không biết câu tình-dục,
          Đành chịu tiếng bồ-côi.
                    Nguyễn Khuyến
5. Thơ bốn câu:
51. Số chữ: Mỗi câu 5 chữ hoặc 7 chữ.
52. Số câu: Mỗi bài 4 câu
53. Bố cục: Bài thơ 4 câu gồm 4 phần:
1) ĐỀ: Câu 1 nói về đề tài.  
2) THỰC: Câu 2 giải thích đề tài.
3) LUẬN: Câu 3 bình luận đề tài.
4) KẾT: Câu 4 kết luận đề tài.
54. Thí dụ:
1) BÁNH TRÔI NƯỚC
          Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
          Bẩy nổi ba chìm với nước non.
          Lớn nhỏ mặc dầu tay kẻ nặn,
          Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
                    Hồ Xuân Hương
2) TRÀNG PHÁO
          Xác không vốn những cậy tay người,
          Khôn khéo làm sao đốt cũng rời.
          Kêu lắm lại càng tan xác lắm,
          Thế nào cũng một tiếng mà thôi.
                    Nguyễn Hữu Chỉnh
55. Thơ bốn câu thường được ngắt ra từ thơ tám câu như sau:
THU ĐIẾU
          1. Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
          2. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
          3. Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
          4. Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
          5. Từng mây lơ-lửng trời xanh ngắt,
          6. Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
          7. Dựa gối ôm cần lâu chẳng được,
          8. Cá đâu đớp đông dưới chân bèo.
                    Nguyễn Khuyến
1) Lấy 4 câu đầu, thì câu 3 và câu 4 đối nhau.
THU ĐIẾU
          1. Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
          2. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
          3. Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
          4. Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
                    Nguyễn Khuyến
2) Lấy 4 câu giữa, thì 4 câu đều có đối.
THU ĐIẾU
          3. Sóng biếc theo làn hơi gợn tí,
          4. Lá vàng trước gió sẽ đưa vèo.
          5. Từng mây lơ-lửng trời xanh ngắt,
          6. Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
                    Nguyễn Khuyến
3) Lấy 4 câu cuối, thì câu 5 và câu 6 đối nhau.
THU ĐIẾU
          5. Từng mây lơ-lửng trời xanh ngắt,
          6. Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
          7. Dựa gối ôm cần lâu chẳng được,
          8. Cá đâu đớp đông dưới chân bèo.
                    Nguyễn Khuyến
4) Lấy 2 câu đầu và 2 câu áp cuối, thì câu 5 và câu 6 đối nhau.
THU ĐIẾU
          1. Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
          2. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
          5. Từng mây lơ-lửng trời xanh ngắt,
          6. Ngõ trúc quanh co khách vắng teo.
                    Nguyễn Khuyến
5) Lấy 2 câu đầu và 2 câu cuối, thì cả 4 câu không có đối.
THU ĐIẾU
          1. Ao thu lạnh lẽo nước trong veo,
          2. Một chiếc thuyền câu bé tẻo teo.
          7. Dựa gối ôm cần lâu chẳng được,
          8. Cá đâu đớp đông dưới chân bèo.
                    Nguyễn Khuyến
6. Các lối thơ riêng:
61. Thủ vĩ ngâm: là lối thơ với câu đầu giống câu cuối.
Thí dụ:
TƯƠNG TƯ
          Tương tư không biết cái làm sao,
          Muốn vẽ mà chơi, vẽ được nào.
          Khi đứng, khi ngồi, khi nói chuyện,
          Lúc say, lúc tỉnh, lúc chiêm bao.
          Trăng soi trước mắt ngờ chân bước,
          Gió thổi bên tai ngỡ miệng chào,
          Một nước một non người một ngả,
          Tương tư không biết cái làm sao,
                    Nguyễn Công Trứ
62. Liên hoàn: là lối thơ có nhiều bài thơ mà câu cuối bài trên là câu đầu bài dưới.
Thí dụ:
THAN NGHÈO
          I
          Chửa chán ru mà quấy mãi đây,
          Nợ nần dan díu bấy năm nay.
          Mang danh tài sắc cho nên nợ,
          Quen thói phong lưu hóa phải vay.
          Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt,
          Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay.
          Còn trời còn đất còn non nước,
          Có lẽ ta đâu mãi thế này.
          I I
          Có lẽ ta đâu mãi thế này,
          Non sông lẩn thẩn mấy thu chầy.
          Đã từng tắm gôi ơn mưa móc,
          Cũng phải xênh xang hội gió mây.
          Hãy quyết phen nầy xem thử đã,
          Song còn tuổi trẻ chịu chi ngay.
          Xưa nay xuất xử thường hai lối,
          Mãi thế rồi ta sẽ tính đây.
          I I I
          Mãi thế rồi ta sẽ tính đây,
          Điền viên thú nọ vẫn xưa nay.
          Giang hồ bạn lữ câu tan hợp,
          Tùng cúc anh em cuộc tỉnh say.
          Toà đá Khương công đôi khóm cúc,
          Áo xuân Nghiêm tử một vai cày.
          Thái bình vũ trụ càng thong thả,
          Chẳng lợi danh gì lại hóa hay.
          IV
          Chẳng lợi danh gì lại hóa hay,
          Chẳng ai phiền lụy chẳng ai rầy.
          Ngoài vòng cương toả chân cao thấp,
          Trong thú yên hà mặc tỉnh say.
          Liếc mắt coi chơi người lớn bé,
          Vểnh râu bàn những truyện xưa nay.
          Của trời trăng gió kho vô tận,
          Cầm hạc tiêu dao đất nước này.
                    Nguyễn Công Trứ
63. Hoạ vận: là bài thơ hoạ theo vần một bài thơ xướng. Bài hoạ thường theo ý hoặc trái ý bài xướng.
Thí dụ:
Bài thơ xướng:
HỎI THĂM QUAN TUẦN MẤT CƯỚP
          Tôi nghe kẻ cướp nó lèn ông,
          Nó lại lôi ông đến giữa đồng,
          Lấy của bắt người, quân tệ nhỉ!
          Xuơng già da cóc có đau không?
          Bây giờ trót đã trầy da trán,
          Ngày trước đi đâu mất mảy lông.
          Thôi cũng đừng nên ky-cóp nữa,
          Kẻo mang tiếng dại với phường ngông.
                    Yên Đỗ
Bài thơ hoạ:
QUAN TUẦN HOẠ
          Ông thăm tôi cũng trả ơn ông,
          Nó có lôi tôi đến giữa đồng.
          Cũng tưởng vung-thu phòng lúc thiếu,
          Nào ngờ ky-cóp lại như không.
          Chém cha thằng quỷ đen tai mắt,
          Chẳng nể ông già bạc tóc lông.
          Ông hỏi thăm tôi, tôi biết vậy,
          Thương ông tuổi tác, cháu thì ngông.
                    Quan Tuần (?)
64. Yết hậu: là lối thơ bốn câu, 3 câu trên đủ chữ, câu cuối một chữ.
Thí dụ:
ĐÁNH TỔ TÔM
          Tổ tôm tên chữ gọi hà sào,
          Đánh thì không thấp cũng không cao.
          Được thì vơ cả, thua thì chạy,
                                              Nào!
                    Nguyễn Công Trứ
VI. Thơ mới
1. Thơ mới có từ 1932. Luật thơ không gò bó. 
2. Số chữ: Câu thơ không giới hạn số chữ. 
3. Số câu: Bài thơ không giới hạn số câu. 
4. Cách gieo vần: Thơ mới gieo vần ở cuối câu, như sau:
41. Vần tiếp nhau: 
          Đời ta bao lần dại,
          Chỉ vì nhiều tự ái,
          Đòi hỏi nơi người tình,
          Một lòng yêu băng trinh.
                    Bàng Bá Lân          
42. Vần cách nhau:                  
          Thuở trước quê em ở Bắc,
          Vô Nam từ dộ lên mười,
          Mây trắng ngày xanh xa tắp,
          Thương quê em buồn khôn nguôi.
                    Hồ Dzếnh
43. Vần ôm nhau: 
          Lòng đã ngắm rồi men lý tưởng
          Theo đường xứ mệnh con ra đi
          Bao giờ thoả mãn chí nam nhi
          Con nguyện trở về hầu dưới trướng
                    Thanh Tuyền
5. Các lối thơ mới:
51. Thơ bốn tiếng
Mỗi câu thơ có bốn tiếng.
Mỗi đoạn thơ có bốn câu.
Mỗi bài thơ không giới hạn số câu.
511. Luật bằng trắc
Thơ bốn tiếng không có quy luật nhất định. Nếu tiếng thứ hai trắc thì tiếng thứ tư bằng.
          2       4
         trắc  bằng
Hoặc, nếu tiếng thứ hai bằng thì tiếng thứ tư trắc.
         2        4
       bằng   trắc
512. Cách gieo vần
Thơ bốn tiếng gieo vần ở cuối câu.
1) Vần tiếp nhau 
          Hương quyện nơi nơi
          Muôn đoá hoa cười
                    Văn Hạnh
2) Vần cách nhau
          Tôi làm con gái
          Buồn như lá cây
          Chút hồn thơ dại
          Xanh xao tháng ngày.
                   Trần Thy Nhã ca
3) Vần ôm nhau
          Một cành cây khô
          Từ phương trời nào
          Theo sóng dạt dào
          Trôi về nơi mô?
                    Minh Đức
4) Vần ba chữ
          Chăn lụa, gối bông
          Chị mang theo chồng,
          Mai phòng chị lạnh
          Đốt giùm nén hương.
                   Lưu Trọng Lư
513. Bài thơ bốn tiếng
CHỊ EM
          Em bước vào đây
          Gió hôm nay lạnh,
          Chị đốt than lên,
          Để em ngồi cạnh.
          Nay chị lấy chồng
          Ở mãi Giang Đông
          Dưới làn mây trắng
          Cách mấy con sông.
          Chăn lụa, gối bông
          Chị mang theo chồng,
          Mai phòng chị lạnh
          Đốt giùm nén hương.
          Chồng chị là ai
          Chị nào có biết!
          Đợi đến ngày mai
          Nhìn qua kẽ liếp.
          Sao em thổn thức
          Buồn nỗi gì em?
          Nay em khóc chị
          Mai ai khóc em?
          Em đưa củi vào
          Lửa hồng thêm đượm,
          Rót chén rượu đào
          Cho lòng thêm thắm.
          Uống thêm chén nữa
          Mừng buổi chia li
          Tiễn ngày vui hết
          Tiễn thời xuân đi.
                    Lưu Trọng Lư
52. Thơ năm tiếng
Mỗi câu thơ có năm tiếng.
Mỗi đoạn thơ có bốn câu.
Mỗi bài thơ không giới hạn số câu.
521. Luật bằng trắc
Thơ năm tiếng không có quy luật nhất định. Nếu tiếng thứ hai trắc thì tiếng thứ tư bằng.
          2       4
         trắc  bằng
Hoặc, nếu tiếng thứ hai bằng thì tiếng thứ tư trắc.
          2       4
        bằng   trắc
522. Cách gieo vần

Thơ năm tiếng gieo vần ở cuối câu.
1) Vần tiếp nhau
          Đời ta bao lần dại,
          Chỉ vì nhiều tự ái.
          Đòi hỏi nơi người tình
          Một lòng yêu băng trinh.
                    Nguyễn Bính
2) Vần cách nhau
          Vườn nhà ai nho nhỏ
          Hoa trắng ngát hương trinh
          Bờ xanh ôm dậu cỏ
          Lá mát đượm ân tình
                    Mặc Thu
3) Vần ôm nhau
          Ngọn bút lông hiền lành
          Trong tay trò dễ bảo
          Nhưng lại khí sắc sảo
          Trong tay thầy đưa nhanh.
                    Bàng Bá Lân
4) Vần ba chữ
          Hôm nay đi chùa Hương.
          Hoa cỏ mờ hơi sương
          Cùng thầy me em dậy .
          Em vấn đầu soi gương. 
                    Nguyễn Nhược Pháp
523. Bài thơ năm tiếng
 THOI TƠ
          Em lo gì trời gió,
          Em sợ gì trời mưa,
          Em buồn gì mùa Hạ,
          Em tiếc gì mùa Thu?
          Em cứ yêu đời đi!
          Yêu đời như thuở nhỏ.
          Rồi để anh làm thơ,
          Và để em dệt lụa.
          Lụa dệt xong may áo,
          Áo anh và áo em.
          May áo nếu thiếu lụa,
          Xe tơ, em dệt thêm.
          Thơ làm xong anh đọc,
          Bên anh, em lắng nghe,
          Và để lòng thổn thức,
          Theo vần âu yếm kia.
          Mộng đẹp theo ngày tháng,
          Đi êm đềm như thơ.
          Khác nào trên khung cửi, 
          Qua lại chiếc thoi tơ.
                    Nguyễn Bính     
53. Thơ sáu tiếng
Mỗi câu thơ có sáu tiếng.
Mỗi đoạn thơ có bốn câu.
Mỗi bài thơ không giới hạn số câu.
531. Luật bằng trắc
Thơ sáu tiếng không có quy luật nhất định. Nếu tiếng thứ hai trắc thì tiếng thứ tư bằng, tiếng thứ sáu trắc.
          2       4       6
         trắc  bằng   trắc
Hoặc, nếu tiếng thứ hai bằng thì tiếng thứ tư trắc, tiếng thứ sáu bằng.
          2       4       6
        bằng   trắc  bằng
532. Cách gieo vần
Thơ sáu tiếng gieo vần ở cuối câu.
1) Vần cách nhau 
          Nàng mang vòng ngọc giai nhân
          Ta - có vòng gai thi sĩ
          Tìm nhau đã mấy trầm luân
          Mới thoả u hoài vạn kỷ
                    Vũ Hoàng Chương          
2) Vần ôm nhau
          Đôi mắt chúng mình vẫn quen
          Vì chưa bao giờ biết lạ
          Đôi tay chúng mình vẫn nhớ
          Vì chưa bao giờ biết quên
                    Nguyên Sa 
533. Bài thơ sáu tiếng
CỖ BÀI TAM CÚC
          Ngày Tết mải chơi tam cúc
          Không hay anh tới sau lưng
          Ghé lại gần em mách nước
          Kết luôn xe pháo mã hồng
          Ồ ván bài em đỏ quá
          Đỏ như đôi má ngày xuân
          Em có ăn trầu đâu nhỉ
          Mà sao người thấy bâng khuâng?
          Nắng mới rọi vào song cửa
          Rung rinh bóng lá cành doi
          Năm ấy em mười sáu tuổi
          Trăng tròn – anh chẵn đôi mươi
          Từ đó mỗi mùa đào nở
          Pháo xe lại rộn cây bài
          Có độ anh về, có độ
          Vắng anh, em nhớ mong hoài
          Mấy chục mùa xuân thấm thoát
          Nhớ thương hờn giận chen nhau
          Một bức tranh thơ bát ngát
          Quý thay cái thuở ban đầu!
          Nay tóc đời ta điểm bạc
          Bể đâu thời thế phôi pha
          Em ạ, cỗ bài tam cúc
          Vẫn thơm nguyên vẹn tình ta. 
                    Hồ Dzếnh     
54. Thơ bảy tiếng
Mỗi câu thơ có bảy tiếng.
Mỗi đoạn thơ có bốn câu.
Mỗi bài thơ không giới hạn số câu.
541. Luật bằng trắc

Thơ bảy tiếng không có quy luật nhất định. Nếu tiếng thứ hai trắc thì tiếng thứ tư bằng, tiếng thứ sáu trắc.
          2       4       6
         trắc  bằng   trắc
Hoặc, nếu tiếng thứ hai bằng thì tiếng thứ tư trắc, tiếng thứ sáu bằng.
          2       4       6
        bằng   trắc  bằng
542. Cách gieo vần
Thơ bảy tiếng gieo vần ở cuối câu.
1) Vần tiếp nhau
          Chứ như bây giờ là trò chơi,
          Làm báo, làm bung chán mớ đời
          Anh đi che tàn một lũ ngốc,
          Triết lý con tườu, văn chương cóc
                    Nguyễn Vỹ
2) Vần cách nhau
          Từng chút vỗ về từng chút một
          Em tạt vào anh rồi rút đi
          Thưong tích chẳng lành chan muối xót
          Bào sâu thân dá nước tay ghì
                   Tô Thuỳ Yên
3) Vần ôm nhau
          Lòng đã ngắm rồi men lý tưởng
          Theo đường xứ mệnh con ra đi
          Bao giờ thoả mãn chí nam nhi
          Con nguyện trở về hầu dưới trướng
                    Thanh Tuyền 
4) Vần ba chữ
          Lẳng lặng mà nghe nó chúc con,
          Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
          Phố phường chật hẹp người đông đúc,
          Bồng bế nhau lên nó ở non.
                    Trần Kế Xương
543. Bài thơ bảy tiếng
CHẬM CHẬM ĐừNG QuÊN ...
          Chậm chậm đừng quên em, em ơi
          Chớ quên yêu mến hứa muôn đời,
          Đừng quên hoa duối, hoa sim dại,
          Hoa dạ lan hương ôm lứa đôi.
          Chậm chậm đừng quên, em ơi em
          Chớ quên tâm sự những ngày đêm,
          Đừng quên những tiếng bên tai rỉ,
          Những lúc thương nhau mắt lặng nhìn.
          Chậm chậm mà em! Quên được sao
          Ngọt bùi chia sẻ, đói no trao,
          Áo ta đùm bọc nhau khi rét,
          Khi một mình vui chẳng nỡ nào.
          Chậm chậm em mà! sao nỡ quên
          Khi em đau ốm có anh bên:
          Anh nằm bệnh viện, em thăm đến
          Nắng rỏ mồ hôi trên má em.
          Chậm chậm đừng quên cỏ với sương,
          Trăng sao ta ngắm những đêm trường.
          Em ơi chậm chậm đừng quên núi,
          Suối Bạc, Cầu Mây đã ngát thương.
          Những bến tàu xe, những cửa ga
          Hãy còn níu chặt bóng đôi ta.
          Những mùa hoa quả bao vương vấn,
          Chậm chậm đừng quên cốm đậm đà.
          Đừng quên, em hỡi, những trung thu,
          Những Tết tươi lên vạn sắc màu:
          Em nhỉ, mấy xuân đằm thắm lạ!
          - Không em, Tết có vị gì đâu.
          Muôn sợi ngàn dây đã thắt nhau,
          Em ơi, chậm chậm tháo gì mau.
          Tháo dây, rứt cả vào da thịt,
          Anh biết bao giờ mới hết đau.
          Dây buộc đôi ta lại với đời;
          Gỡ dây, gỡ cả cuộc đời thôi.
          - Chớ quên hoa duối, hoa sim dại,
          Em hỡi! đừng quên "hoa-anh-ơi"
                    Xuân Diệu
55. Thơ tám tiếng
Mỗi câu thơ có tám tiếng.
Mỗi đoạn thơ có bốn câu.
Mỗi bài thơ không giới hạn số câu.
551. Luật bằng trắc
Thơ tám tiếng không có quy luật nhất định. Nếu tiếng thứ ba trắc thì tiếng thứ năm bằng, tiếng thứ sáu bằng, tiếng thứ tám trắc.
          3       5       6       8
         trắc  bằng  bằng   trắc
Hoặc, nếu tiếng thứ ba bằng thì tiếng thứ năm trắc, tiếng thứ sáu trắc, tiếng thứ tám bằng.
          3       5       6       8
        bằng   trắc   trắc  bằng
552. Cách gieo vần
Thơ tám tiếng gieo vần ở cuối câu.
1) Vần tiếp nhau
          Tình mười năm còn lại mấy tờ thư
          Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư
          Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh
          Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
                   Vũ Hoàng Chương
2) Vần cách nhau
          Người bản xứ bỏ xa hoa phố thị
          Tìm tự do lưu lạc bốn phương trời
          Kẻ chién thắng đã lên ngồi cai trị
          Trên quê hương của tàn phá tơi bời
                    Minh Huy
3) Vần ôm nhau

          Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
          Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
          Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
          Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng.
                    Nguyên Sa
553. Bài thơ tám tiếng
LÁ THU NGÀY TRƯỚC
          Yêu một khắc để mang sầu trọn kiếp
          Tình mười năm còn lại mấy tờ thư
          Mộng bâng quơ hò hẹn cũng là hư
          Niềm son sắt ngậm ngùi duyên mỏng mảnh
          Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
          Chút hơi tàn lay lắt ngọn đèn khuya
          Giấc cô miên rùng rợn nẻo hôn mê
          Gió âm tưởng bay về quanh nệm gối
          Trong mạch máu chút gì nghe vướng rối
          Như tơ tình thắc mắc buổi chia xa
          Ngón tay run ghì nét chữ phai nhoà
          Hỡi năm tháng, hãy đưa đường giấc điệp!
          Yêu mê thế để mang saâu trọn kiếp
          Tình mười năm còn lại chút này đây
          Lá thư tình xưa nhớ lúc chia tay
          Còn e ấp thuở duyên vừa mới bén
          Ai dám viết yêu đương và hứa hẹn
          Lần đầu tiên ai dám ký "Em anh"
          Nét thon mềm run rẩy gắng đưa nhanh
          Lòng tự thú giữa khi tìm trốn nấp
          Mươi hàng chữ đơn sơ, ồ ngượng ngập
          E dè sao mươi hàng chữ đơn sơ
          Màu mực xanh xanh ngát ý mong chờ
          Tình hé nụ bừng thơm trong nếp giấy...
          Ôi thân mến, nhắc làm chi thuở ấy
          Đêm nay đây hồn xế nẻo thu tàn
          Khóc chia lìa ai níu gọi than van
          Ta chỉ biết nằm nghe tình hấp hối
          Say đã gắng để không sầu lẻ gối
          Mưa, mưa hoài, rượu chẳng ấm lòng đau
          Gấm the nào từ thuở lạnh lùng nhau
          Vàng son có thay màu đôi mắt biếc ?
          Tình đã rời đi riêng mình tưởng tiếc
          Thôi rồi, đây chiều xuống giấc mơ xưa
          Lá lá rơi nằm bệnh mấy tuần mưa
          Say chẳng ngắn những đêm dằng dặc nhớ
          Trăng nào ngọt với duyên nào thắm nở
          Áo xiêm nào rực rỡ ngựa xe ai ?
          Đây mưa bay mờ chậm bước chân dài
          Đêm bất tận đêm liền đêm kế tiếp...
          Yêu sai lỡ để mang sầu trọn kiếp
          Tình muời năm còn lại chút này thôi
          Lá thư xưa màu mực úa phai rồi
          Duyên hẳn thắm ở phương trời đâu đó
                    Vũ Hoàng Chương
VII. Thơ tự do 
1. Tổng quát: Thơ tự do là thể thơ có từ ba hoặc bốn thể thơ khác nhau hợp lại. 
2. Số chữ: Câu thơ không giới hạn số chữ. 
3. Số câu: Bài thơ không giới hạn số câu. 
4. Luật bằng trắc
Mỗi thể thơ trong thơ tự do vẫn giữ nguyên luật bằng trắc của thể thơ ấy.
5. Cách gieo vần
Thơ tự do gieo vần ở cuối câu.
51. Vần tiếp nhau
          Xuân đi
          Chàng cũng đi
          Năm nay xuân trở lại
          Người xưa không thấy tới
                   Lưu Trọng Lư
52. Vần cách nhau            
          Bên kia nhà em
          Biển với trời không rời xa nữa
          Ôm riét nhau đồng hoá một màu xanh
          Để từ đó đêm đêm và hằng bữa
          Nỗi thương quê được xoa dịu dỗ dành
                   Phương Hà
53. Vần ôm nhau
          Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
          Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
          Trời nắng ngạt ngào... tôi ở lại đây
          Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
                    Nguyên Sa
54. Vần ba chữ
          Ta quá say rồi
          Sắc ngả màu trôi
          Gian phòng không đứng vững
          Có ai ghì hư ảnh sát kề môi.
                     Vũ Hoàng Chương
6. Bài thơ tự do
SAY ĐI EM
          Khúc nhạc hồng êm ái
          Điệu kèn biếc quay cuồng
          Một trời phấn hương
          Đôi người gió sương
          Đầu xanh lận đận, cùng xót thương càng nhớ thương
          Hoa xưa tươi, trăng xưa ngọt, gối xưa kề, tình nay sao héo
          Hồn ngả lâu rồi nhưng chân còn dẻo,
          Lòng trót nghiêng mà bước vẫn du dương,
          Lòng nghiêng tràn hết yêu đương
          Bước chân còn nhịp. Nghê thường lẳng lơ.
          Ánh đèn tha thướt
          Lưng mềm, não nuột dáng tơ
          Hàng chân lả lướt
          Đê mê hồn gửi cánh tay hờ.
          Âm ba gờn gợn nhỏ,
          Ánh sáng phai phai dần
          Bốn tường gương điên đảo bóng giai nhân
          Lui đôi vai, tiến đôi chân,
          Riết đôi tay, ngả đôi thân,
          Sàn gỗ trơn chập chờn như biển gió
          Không biết nữa màu xanh hay sắc đỏ,
          Hãy thêm say, còn đó rượu chờ ta!
          Cổ chưa khô, đầu chưa nặng, mắt chưa hoa
          Tay mềm mại, bước còn chưa chuếnh choáng.
          Chưa cuối xứ Mê Ly, chưa cùng trời Phóng Đãng.
          Còn chưa say, hồn khát vẫn thèm men.
          Say đi em! Say đi em!
          Say cho lơi lả ánh đèn
          Cho cung bực ngả nghiêng, điên rồ xác thịt.
          Rượu, rượu nữa, và quên, quên hết!
          Ta quá say rồi

          Sắc ngả màu trôi
          Gian phòng không đứng vững
          Có ai ghì hư ảnh sát kề môi.
          Chân rã rời
          Quay cuồng chi được nữa
          Gối mỏi gần rơi
          Trong men cháy, giác quan vừa bén lửa
          Say không còn biết chi đời
          Nhưng em ơi,
          Đất trời nghiêng ngửa
          Mà trước mắt thành Sầu chưa sụp đổ;
          Đất trời nghiêng ngửa
          Thành Sầu không sụp đổ, em ơi!
                    Vũ Hoàng Chương
VIII. Các Bài Thơ
1. Thơ Lục Bát
11. NGUYỆN CẦU
          Ta còn để lại gì không
          Kìa non đá lở, này sông cát bồi
          Lang thang từ độ luân hồi
          U minh nẻo trước xa xôi dặm về
          Trông ra bến hoặc bờ mê
          Nghìn thu nửa chớp, bốn bề một phương
          Ta van cát bụi trên đường
          Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này
          Để ta trọn một kiếp say
          Cao xanh liều một cánh tay níu trời
          Nói chi thua được với đời
          Quản chi những tiếng ma cười đêm sâu
          Tâm hương đốt nén linh sầu
          Nhớ quê dằng dặc, ta cầu đó thôi
          Đêm nào ta trở về ngôi
          Hồn thơ sẽ hết luân hồi thế gian
          Một phen đã nín cung đàn
          Nghĩ chi còn mất hơi tàn thanh âm
                    Vũ Hoàng Chương
12. NGẬM NGÙI
          Nắng chia nửa bãi, chiều rồi...
          Vườn hoang trinh nữ xếp đôi lá rầu.
          Sợi buồn con nhện giăng mau,
          Em ơi! Hãy ngủ... anh hầu quạt đây.
          Lòng anh mơ với quạt này;
          Trăm con chim mộng về bay đầu giường.
          Ngủ đi em mộng bình thưòng!
          Ru em sẵn tiếng thùy dương mấy bờ...
          Cây dài bóng xế ngẩn ngơ...
          Hồn em đã chín mấy mùa thưong đau?
          Tay anh em hãy tựa đầu,
          Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi... 
                    Huy Cận
2. Thơ Song Thất Lục Bát
21. CHINH PHỤ NGÂM
          Thuở trời đất nổi cơn gió bụi,
          Khách má hồng nhiều nỗi truân chuyên
          Xanh kia thăm thẳm từng trên
          Vì ai gây dựng cho nên nỗi này?
          Trống Tràng Thành lung lay bóng nguyệt,
          Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây.
          Chín lần gươm báu trao tay,
          Nửa đêm truyền hịch định ngày xuất chinh.
          Nước thanh bình ba trăm năm cũ,
          Áo nhung trao quan vũ từ đây.
          Sứ trời sớm giục đường mây,
          Phép công là trọng niềm tây sá nào.
          Đường rong ruổi lưng đeo cung tiễn,
          Buổi tiễn đưa lòng bận thê noa
          Bóng cờ tiếng trống xa xa,
          Sầu lên ngọn ải oán ra cửa phòng.
          Chàng tuổi trẻ vốn dòng hào kiệt,
          Xếp bút nghiên theo việc đao cung.
          Thành liền mong tiến bệ rồng,
          Thước gươm đã quyết chẳng dong giặc trời
          Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
          Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao.
          Giã nhà đeo bức chiến bào,
          Thét roi cầu Vị ào ào gió thu.
                    Đặng Trần Côn
                    Đoàn Thị Điểm dịch
22. SAY
          Trời hàn giang đêm nay không sóng
          Lòng cô liêu đồng vọng làm chi?
          Gió đông đoài gặp tình si
          Ôi chao quấn quít nói gì nhớ thương
          Trăng cổ độ hết vương cành trúc
          Hẹn đoàn viên tình thật chiêm bao
          Đêm nay lại giống đêm nào
          Nhấp xong chung rượu buồn vào tận gan
          Say thôi lại muốn nàng nâng đỡ
          Nhưng nàng xa từ thuở vu qui
          Nhớ lại rồi, quá sầu bi
          Lệ rơi vào rượu, hàng mi lờ đờ
          Ta là khách bơ vơ phàm tục
          Nhớ cầm trăng cung bực tiêu tao
          Không ai trang điểm má đào
          Cho ta say hết đêm nào đêm nay.
                    Hàn Mặc Tử
3. Thơ Cổ Phong
31.TẾT THA HƯƠNG
          Hôm nay lạnh quá trời buông tuyết
          Ngồi ngắm không gian tính tháng ngày
          Chợt nhớ ra rằng năm đã hết
          Xứ người tết đến biết sao đây
          Tìm đâu cho được cành mai ấy
          Chồng bánh chưng xanh pháo đỏ hiên
          Đâu cảnh khói hương bay nghi ngút
          Cả nhà sum họp lễ gia tiên
          Nước non xa cách bao giờ hợp
          Những tết qua rồi tết khổ đau
          Giặc giã đua nhau gây đổ nát
          Quê hương tan tác bởi vì đâu
          Quê nhà tết đến dân đau khổ
          Đất khách xuân về dạ vấn vương
          Ở đây ai đón xuân cùng tết
          Tết đến trong lòng xuân nhớ thương
          Xa quê sống giữa người xa lạ
          Lạ cảnh lạ người lạ thói quen
          Muốn ngỏ tâm tư ai hiểu được
          Cười cười nói nói để mà quên
                    Khải Chính Phạm Kim Thư
32.DẾ DUỔI BÊN ĐÈN
          Kiến chẳng phải kiến voi chẳng voi
          Trời sinh dế duổi cũng choi choi
          Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu
          Co tay vạch đất cũng khoe tài
          Mưa sa nước chảy lên cao ở
          Lửa đỏ dầu sôi nhảy tới chơi
          Quân tử có thương xin chớ phụ
          Lăm lăm bay nhảy để mà coi
                    Tú Quì
33. NGẪU HỨNG
          I
          Hán tự chẳng biết Hán,
          Tây tự chẳng biết Tây.
          Quốc ngữ cũng mù tịt,
          Thôi thì về đi cày.
          II
          Trồng ngô và trồng đậu,
          Cấy chiêm lại cấy mùa.
          Ăn không hết thì bán,
          Bán đã có Tây mua.
          III
          Được tiền thì mua rượu,
          Rượu say rồi cỡi trâu.
          Cỡi trâu thế mà vững,
          Có ngã cũng không đau.
          IV
          Ăn lương hàm chánh thất,
          Thôi thôi thế cũng xong.
          Ví bằng nhà nước dụng,
          Phải bổ toà canh nông.
                    Trần Kế Xương
4. Thơ Đường
41. QUA ĐÈO NGANG TỨC CẢNH
          Một đèo một đèo lại một đèo,
          Khen ai khéo tạc cảnh treo leo,
          Cửa son đỏ loét tùm bum nóc,
          Hòn đá xanh rì lún phún rêu.
          Lắt lẻo cành thông cơn gió thốc,
          Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo.
          Hiền nhân quân tử ai mà chẳng,
          Mỏi gối chồn chân cũng phải trèo.
                    Hồ Xuân Hương
42. QUA ĐÈO NGANG TỨC CẢNH
          Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
          Cỏ cây chen đá lá chen hoa.
          Lom khom dưới núi tiều vài chú,
          Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
          Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
          Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
          Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
          Một mảnh tình riêng ta với ta.
                    Bà Huyện Thanh Quan
43. BẠN ĐẾN CHƠI NHÀ
          Đã bấy lâu nay bác tới nhà,
          Trẻ thời đi vắng, chợ thời xa.
          Ao sâu nưóc cả khôn chài cá,
          Vườn rộng rào thưa khó đuổi gà.
          Cải chửa ra cây, cà chửa nụ,
          Bầu vừa rụng rốn, mướp đương hoa.
          Đầu trò tiếp khách, trầu không có,
          Bác đến chơi đây ta với ta.
                    Nguyễn Khuyến
44. THƠ NHÀN
          Một mai một cuốc một cần câu,
          Thơ thẩn dù ai vui thú nào 
          Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ,
          Người khôn người đến chốn lao xao.
          Thu ăn măng trúc, đông ăn gía,
          Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao.
          Rượu đến gốc cây ta sẽ nhắp,
          Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao.
                    NGUYỄN BỈNH KHIÊM
45. NGƯỜI BỒ NHÌN
          Quyền trọng ra uy trấn cõi bờ,
          Vốn lòng vì nước há vì dưa!
          Xét soi trước mặt đôi  vừng ngọc,
          Vùng vẫy trên tay một lá cờ.
          Dẹp giống chim muông xa phải lánh,
          Dể quân cầy cuốc gọi không thưa.
          Mặc ai nhảy nhót đường danh lợi,
          Ơn nước đầm đìa hạt móc mưa.
                    Lê Thánh Tông
46. BÁNH TRÔI NƯỚC
          Thân em vừa trắng lại vừa tròn,
          Bẩy nổi ba chìm với nước non.
          Lớn nhỏ mặc dầu tay kẻ nặn,
          Nhưng em vẫn giữ tấm lòng son.
                    Hồ Xuân Hương
47. DỆT VẢI
          Thấy dân rét mướt nghĩ mà thương,
          Vậy phải lên ngôi gỡ mối dường.
          Tay ngọc lần đưa thoi nhật nguyệt,
          Gót vàng giậm đạp máy âm dương.
                    Lê Thánh Tông
48. ĐỀ MIẾU HAI BÀ TRƯNG
          Ngựa Dóng đã lên không,
          Rừng Thanh voi chửa lồng.
          Một chồi hoa nhị Lạc,
          Muôn dặm nước non Hồng.
          Trăng tỏ gương hồ Bạc,
          Mây tan dấu cột đồng.
          Nén hương lòng cố quốc,
          Xin khấn một lời chung.
                    Hoàng Thúc Hội
49. XEM VƯỜN SAU KHI TRỜI MƯA
          Lởm chởm gừng vài khóm,
          Lơ thơ tỏi mấy hàng.
          Vẻ chi là cảnh mọn,
          Mà cũng đến tang thương.
                    Ôn Như Hầu 
5. Thơ Mới
51.BÀI NHÃ CA THỨ NHẤT
          Tôi làm con gái
          Buồn như lá cây
          Chút hồn thơ dại
          Xanh sao tháng ngày.
          Tôi làm con gái
          Một lần qua đây
          Rồi không trở lại
          Ôi mùa xuân nầy.
          Tôi làm con gái
          Một lần yêu người
          Một lần mãi mãi
          Bây giờ chưa thôi.
          Tôi làm con gái
          Bao nhiêu tuổi đầy
          Bấy lần ngây dại
          Buồn không ai hay.
                    Trần Thy Nhã Ca          
52. CHƯA BAO GIỜ THƯƠNG THẾ
          Đời ta bao lần dại,
          Chỉ vì nhiều tự ái.
          Đòi hỏi nơi người tình
          Một lòng yêu băng trinh.
          Em yêu ta đã rõ,
          Còn thử thách hoài hoài.
          Năm với năm là mười,
          Vẫn chưa cho là đủ!
          Hơi một chút là giận,
          Chưa chi đã vội hờn.
          Để làm em đau buồn
          Không tiếc lời cay đắng...
          Em cắn răng chịu đựng,
          Phản ứng thật dịu dàng.
          Được thể anh lại càng,
          Làm em thêm đau khổ!
          Em được gì cơ chứ?
          Mà phải chịu đau buồn.
          Ta được gi kia chứ?
          Mà làm em đau thương.
          Đêm nay em chợt ghé
          Em mở lòng cho xem.
          Ôi thương em, thương em!
          Chưa bao giờ thương thế!
                    Bàng  Bá Lân
53. TÌNH QUÊ
          Tình quê lưu luyến khắp muôn nơi!
          Từ lũy tre xanh đến núi đồi
          Với cánh đồng vàng, con suối chẩy
          Giòng sông lờ lững nước đang trôi!
          Tình quê rộng lớn lại bao la
          Đùm bọc thương yêu khắp mọi nhà
          Tình nghĩa con người như thủy mạc
          Tình người, tình nước, đẹp hơn hoa!
          Tình quê nồng thắm mối duyên lành
          Trai gái yêu nhau lúc tuổi xanh
          Trìu mến, thương yêu trong mộc mạc
          Duyên tình đẹp mãi em và anh...
          Tình quê đẹp nhất cảnh trời mây
          Dạo bước dừng chân khắp đó đây
          Đà lạt mộng mơ, Huế yểu điệu
          Nha trang biển cát gió mờ bay.
          Tình quê dù cách núi ngăn sông
          Viễn xứ lòng người mãi nhớ nhung
          Thương mến luyến lưu luôn dạ khắc
          Trong lòng ngày nhớ lại đêm mong.
                    Thu Ngân
54. TIẾNG THU
          Em không nghe mùa thu
          Dưới trăng mờ thổn thức?
          Em không nghe rạo rực
          Hình ảnh người chinh phụ
          Trong lòng người cô phụ.
          Em không nghe rừng thu
          Lá thu kêu xào xạc
          Con nai vàng ngơ ngác
          Đạp trên lá vàng khô.
                    Lưu Trọng Lư
55. CHÙA HƯƠNG
          Hôm nay đi chùa Hương.
          Hoa cỏ mờ hơi sương
          Cùng thầy me em dậy.
          Em vấn đầu soi gương.
          Khăn nhỏ, đuôi gà cao;
          Lưng đeo dải yếm đào;
          Quần lĩnh, áo the mới ;
          Tay cầm nón quai thao.
          Mẹ cười: "Thầy nó trông!
          Chưn đi đôi dép cong
          Con tôi xinh xinh quá!
          Bao giờ cô lấy chồng?"
          -- Em tuy mới mười lăm
          Mà đã lắm người thăm
          Nhờ mối mai đưa tiếng,
          Khen tươi như trăng rằm.
          Nhưng em chưa lấy ai,
          Vì thầy bảo người mai
          Rằng em còn bé lắm,
          Ý đợi người tài traị
          Em đi cùng với mẹ
          Me em ngồi cáng trẹ
          Thầy theo sau cưỡi ngựa,
          Thắt lưng dài đỏ hoẹ
          Thầy me ra đi đò,
          Thuyền mấp mênh bên bờ.
          Em nhìn sông nước chảy,
          Đưa cánh buồm lô nhô.
          Mơ xa lại nghĩ gần.
          Đời mấy kẻ tri âm?
          Thuyền nan vừa lẹ bước,
          Em thấy một văn nhân...
          Người đâu thanh lạ thường!
          Tướng mạo trông phi thường.
          Lưng cao dài, trán rộng.
          Hỏi ai nhìn không thương?
          Chàng ngồi bên me em
          Me hỏi chuyện làm quen:
          "Thưa thầy đi chùa ạ?
          Thuyền đông giời ôi chen!"
          Chàng thưa vâng thuyền đông
          Rồi ngắm giời mênh mông,
          Xa xa mờ núi biếc,
          Phơn phớt áng mây hồng.
          Giòng sông nước đục lờ.
          Ngâm nga chàng đọc thơ!
          Thầy khen hay, hay quá!
          Em nghe ngồi ngẩn ngơ.
          Thuyền đi, bến Đục qua,
          Mỗi lúc gặp người ra,
          Thẹn thùng em không nói:
          "Nam vô Ađi-đà !"
          Réo rắt suối đưa quanh.
          Ven bờ, ngọn núi xanh,
          Nhịp cầu xa nho nhỏ.
          Cảnh đẹp gần như tranh.
          Sau núi Oản, Gà, Xôi,
          Bao nhiêu là khỉ ngồị
          Tới núi con voi phục,
          Có đủ cả đầu đuôị
          Chùa lấp sau rừng cây,
          (Thuyền ta đi một ngày)
          Lên cửa chùa em thấy
          Hơn một trăm ăn màỵ
          Em đi, chàng theo sau,
          Em không dám đi mau,
          Ngại chàng chê hấp tấp,
          Số gian nan không giàụ
          Thầy me đến điện thờ,
          Trầm hương khói toả mờ
          Hương như là sao lạc
          Lớp sóng người lô nhô.
          Chen vào thật lắm công.
          Thầy me em lễ xong
          Quay về nhà ngang bảo:
          "Mai mới vào chùa trong"
          Chàng hai má đỏ hồng
          Kêu với thằng tiểu đồng
          Mang túi thơ bầu rượu:
          "Mai ta vào chùa trong"
          Đêm hôm ấy em mừng!
          Mùi trầm hương bay lừng.
          Em nằm nghe tiếng mõ,
          Rồi chim kêu trong rừng.
          Em mơ, em yêu đời
          Mơ nhiều... Viết thế thôi
          Kẻo ai mà xem thấy,
          Nhìn em đến nực cườị
          Em chưa tỉnh giấc nồng,
          Mây núi đã pha hồng.
          Thầy me em sắp sửa
          Vàng hương vào chùa trong.
          Đường mây đá cheo veo,
          Hoa đỏ, tím, vàng leo
          Vì thương me quá mệt,
          Săn sóc chàng đi theọ
          Mẹ bảo :"Đường còn lâu
          Cứ vừa đi ta cầu
          Quan- thế- âm Bồ-tát
          Là tha hồ đi maụ"
          Em ư? Em không cầu,
          Đường vẫn thấy đi maụ
          Chàng cũng cho như thế.
          (Ra ta hợp tâm đầu)

          Khi qua chùa Giải Oan
          Trông thấy bức tường ngang,
          Chàng đưa tay lẹ bút
          Thảo bài thơ liên hoàn.
          Tấm tắc thầy khen hay
          Chữ đẹp như rồng baỵ
          (Bài thơ này em nhớ
          Nên chả chép vào đây)
          Ôi! Chùa trong đây rồi!
          Động thẳm bóng xanh ngờị
          Gấm thêu trần thạch nhũ,
          Ngọc nhuốm hương trầm rơi
          Mẹ vui mừng hả hê:
          "Tặc! con đường mà ghê!"
          Thầy kêu mau lên nhé,
          Chiều hôm nay ta về.
          Em nghe bỗng rụng rời!
          Nhìn ai luống nghẹn lời!
          Giờ vui đời có vậy,
          Thoáng ngày vui qua rồi!
          Làn gió thổi hây hâỵ
          Em nghe tà áo bay,
          Em tìm hơi chàng thở!
          Chàng ôi, chàng có hay?
          Đường đây kia lên giời
          Ta bước tựa vai cười,
          Yêu nhau, yêu nhau mãi!
          Đi, ta đi, chàng ôi!
          Ngun ngút khói hương vàng,
          Say trong giấc mơ màng,
          Em cầu xin Giời Phật
          Sao cho em lấy chàng.
                    Nguyễn Nhược Pháp
56. CHÚC TẾT
          I
          Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau,
          Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.
          Phen này ông quyết đi buôn cối,
          Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.
          II
          Lẳng lặng mà nghe nó chúc giầu,
          Trăm nghìn vạn mớ để vào đâu ?
          Phen này, chắc hẳn gà ăn bạc,
          Đồng rụng đồng rơi lọ phải cầu.
          III
          Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang,
          Đứa thì mua tước đứa mua quan.
          Phen này ông quyết đi buôn lọng,
          Vừa bán vừa la cũng đắt hàng.
          IV
          Lẳng lặng mà nghe nó chúc con,
          Sinh năm đẻ bảy được vuông tròn.
          Phố phường chật hẹp người đông đúc,
          Bồng bế nhau lên nó ở non.
                    Trần Kế Xương
57. TƯƠNG TƯ CHIỀU
          Bữa nay lạnh, mặt trời đi ngủ sớm,
          Anh nhớ em, em hỡi! Anh nhớ em.
          Không gì buồn bằng những buổi chiều êm,
          Mà ánh sáng đều hòa cùng bóng tối.
          Gió lưót thướt kéo mình qua cỏ rối,
          Vài miếng đêm u uất lẩn trong cành,
          Mây theo chim về dãy núi xa xanh,
          Từng đàn lớp nhịp nhàng và  lặng lẽ.
          Không gian xám, tưởng sắp tan thành lệ,
          Thôi hết rồi! Còn chi nữa đâu em,
          Thôi hết rồi! Gió gác với trăng thềm,
          Với sương lá rụng trên đầu gần gũi.
          Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi,
          (Được giận hờn nhau, sung sướng bao nhiêu!)
          Anh một mình nghe tất cả buổi chiều,
          Vào chậm chậm ở trong hồn hiu quạnh.
          Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh.
          Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!
          Anh nhớ em của ngày  tháng xa khơi,
          Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời,
          Nhớ đôi mắt đang nhìn anh đăm đắm.
                    Xuân Diệu
58. QUÊ HƯƠNG
          Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới
          Nước bao vây cách biển nữa ngày sông
          Khi trời trong gió nhẹ sớm mai hồng
          Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá
          Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
          Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang
          Mảnh thuyền to như mảnh hồn làng
          Rướn thân trằng bao la thâu góp gió.
          Ngày hôm sau ồn ào trên bến đỗ
          Khắp dân làng tấp nập đón ghe về
          Nhờ ơn trời , biển lặng cá đầy ghe
          Những con cá tươi non thân bạc trắng
          Dân chài lưới làng da ngăm rám nắng
          Khắp thân người nồng thở vị xa xăm
          Chiếc thuyền im bến mõi trở về nằm
          Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
          Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
          Màu nước xanh, cá bạc chiếc buồm vôi
          Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi
          Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá
                    Tế Hanh
59. ÁO LỤA HÀ ĐÔNG

          Nắng Sài gòn anh đi mà chợt mát
          Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
          Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
          Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng
          Anh vẫn nhớ em ngồi đây tóc ngắn
          Mà mua thu dài lắm ở chung quanh
          Linh hồn anh vội vã vẽ chân dung
          Bay vội vã vào trong hồn mở cửa
          Gặp một bữa, anh đã mừng một bữa
          Gặp hai hôm thành nhị hỹ của tâm hồn
          Thơ học trò anh chất lại thành non
          và đôi mắt ngất ngây thành chất rượu
          Em không nói đã nghe từng gia điệu
          Em chưa nhìn mà đã rộng trời xanh
          Anh trông lên bằng đôi mắt chung tình
          với tay trắng, em vào thơ diễm tuyệt
          Em chợt đến, chợt đi, anh vẫn biết
          Trời chợt mưa, chợt nắng, chẳng vì đâu
          Nhưng sao đi mà không bảo gì nhau
          Để anh gọi, tiếng thơ buồn vọng lại
          Để anh giận, mắt anh nhìn vụng dại
          Giận thơ anh đã nói chẳng nên lời
          Em đi rồi, sám hối chạy trên môi
          Những tháng ngày trên vai buồn bỗng nặng
          Em ở đâu, hỡi mùa thu tóc ngắn
          Giữ hộ anh màu áo lụa Hà Đông
          Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng
          Giữ hộ anh bài thơ tình lụa trắng
                    Nguyên Sa
6. Thơ Tự Do
60. LỜI VỀ
          Thuở trước quê em ở Bắc
          Vô Nam từ độ lên mười
          Mây trắng ngày xanh xa tắp
          Thương quê em buồn khôn nguôi
          Mái tóc dừa xanh Thủ đức
          Ngọt ngào thay trái sầu riêng
          Gió bãi phù sa Bến lức
          Nay thuần sữa mẹ linh thiêng
          Em dẫu chỉ là em gái
          Quê xing soi bóng xinh lành
          Theo mẹ, băng chừng quan tái
          Bao giờ quên lũy tre xanh?
          Anh nhé giùm em nhắn với
          Nhớ quê em ngại thăm quê
          Lửa phuợng, trời duyên Khánh hội
          Bạc liêu dễ ở khó về
          Vó ngựa từ ngày vỗ xuống Nam
          Truông mòn đưa lối Hải vân san
          Áo nâu phai nhạt mầu cây cỏ
          Lá rụng hoa rơi đất nước Chàm
                    Hồ Dzếnh
61. NGỦ VỚI TRĂNG    
          Ta không nhấp rượu
          Mà lòng ta say
          Vì lòng nao nức muốn
          Ghì lấy đám mây bay
          Té ra ta vốn làm thi sĩ
          Khát khao trăng gió mà không hay! 
          Ta đi bắt nắng ngừng, nắng reo, nắng cháy
          Trên sóng cành, sóng áo cô gì mà đỏ hây hây
          Ta rình nghe niềm ý bâng khuâng trong gió lảng
          Với là hơi thở nồng nàn của tuổi thơ ngây
          Gió nâng khúc hát lên cao vút
          Vần thơ uốn éo lách rừng mây
          Ta hiểu ra rồi trong một phút
          Lời tình chới với giữa sương bay 
          Lời tình chơi vơi giữa sương bay
          Tiếng vàng rơi xuống giếng
          Trăng vàng ôm bờ ao
          Gió vàng đang xao xuyến
          Áo vàng bởi chị chưa chồng đã mặc đi đêm
          Theo tôi đến suối xa miền
          Cởi thơ, cởi mộng, cởi niềm yêu thương
          Mây trôi lơ lửng trên giòng nước
          Đôi tay vốc uống quên lạnh lùng
          Ngả nghiêng đồi cao bọc trăng ngủ
          Đầy mình lốm đốm những hào quang.
                    Hàn Mặc Tử
62. NHÀ EM
          Cựu kim sơn chập chờn sương nũng nịu
          Biển lẳng lơ như màu mắt em yêu
          Đồi e ấp gió chiều hôn nắng sớm
          Đường vòng tay quấn quýt khách lãng du
          Lối em về tít trên đỉnh gió
          Xe lòng vòng ngõ xuống ngã lên
          Nhà giăng xa cái xanh cái dỏ
          Dưới chân em mây trắng bồng bềnh
          Bên kia nhà em
          Biển với trời không rời xa nữa
          Ôm riét nhau đồng hoá một màu xanh
          Để từ đó đêm đêm và hằng bữa
          Nỗi thương quê được xoa dịu dỗ dành
          Rồi thôi em nhé ...
          Bye bye Golden Gate diễm kiều
          Vô duyên, vào Broadway buổi sáng
          Phấn hương tàn nên chỉ thấy cô liêu
                   Phương Hà
63. XUÂN VỀ
          Năm vừa rồi
          Chàng cùng tôi
          Nơi vùng giáp Mộ,
          Trong gian nhà cò
          Tôi quay tơ
          Chàng ngâm thơ.
          Vườn sau oanh giục giã.
          Nhìn ra hoa đào nở,
          Dừng tay tôi kêu chàng,
          "Này này, bạn! Xuân sang."
          Chàng nhìn xuân mặt hớn hở
          Tôi nhìn chàng lòng vồn vã...
          Rồi ngày lại ngày
          Sắc màu : phai
          Lá cành : rụng
          Ba gian : trống
          Xuân đi
          Chàng cũng đi
          Năm nay xuân trở lại
          Người xưa không thấy tới
                   Lưu Trọng Lư
64. PARIS CÓ GÌ LẠ KHÔNG EM?
          Paris có gì lạ không em?
          Mai anh về em có còn ngoan
          Mùa xuân hoa lá vương đầy ngõ
          Em có tìm anh trong cánh chim 
          Paris có gì lạ không em?
          Mai anh về giữa bến sông Seine
          Anh về giữa một giòng sông trắng
          Là áo sương mù hay áo em?
          Em có đứng ở bên bờ sông?
          Làm ơn che khuất nửa vừng trăng
          Anh về có nương theo giòng nước
          Anh sẽ tìm em trong bóng trăng
          Anh sẽ thở trong hơi sương khuya
          Mỗi lần tan một chút sương sa
          Bao giờ sáng một trời sao sáng
          Là mắt em nhìn trong gió đưa ...
          Anh sẽ cầm lấy đôi bàn tay
          Tóc em anh sẽ gọi là mây
          Ngày sau hai đứa mình xa cách
          Anh vẫn được nhìn mây trắng bay
          Anh sẽ chép thơ trên thời gian
          Lời thơ toàn những chuyện hờn ghen
          Vì em hay một vừng trăng sáng
          Đã đắm trong lòng cặp mắt em?
          Anh sẽ đàn những phím tơ trùng
          Anh đàn mà chả có thanh âm
          Chỉ nghe gió thoảng niềm thương nhớ
          Để lúc xa vời đỡ nhớ nhung
          Paris có gì lạ không em?
          Mai anh về mắt vẫn lánh đen
          Vẫn hỏi lòng mình là hương cốm
          Chả biết tay ai làm lá sen?...
                    Nguyên Sa 
65. TUỔi MƯỜI BA
          Trời hôm nay mưa nhiều hay rất nắng?
          Mưa tôi chả về bong bóng vỡ đầy tay
          Trời nắng ngạt ngào... tôi ở lại đây
          Như một buổi hiên nhà nàng dịu sáng
          Trời hôm ấy mười lăm hay mười tám?
          Tuổi của nàng tôi nhớ chỉ mười ba
          Tôi phải van lơn ngoan nhé, đừng ngờ....
          Tôi phải dỗ như là...tôi đã nhớn
          Tôi phải đợi như là tôi đã hẹn
          Phải thẹn thò như sắp cưới hay vừa sêu
          Phải nói vơ vào rất vội: người yêu
          Nếu ai có hỏi thầm: ai thế?
          Tôi nói lâu rồi... nhưng ngập ngừng khe khẽ
          Để giận hờn chim bướm chả dùm tôi
          Nhưng rồi lòng an ủi "nắng chưa phai
          Tình chưa cũ vì tình chưa mới ..."
          Má vẫn đỏ, đỏ một màu con gái
          Với những lời hiền dịu tuy chua ngoa
          Lòng vẫn ngỡ ngàng: tóc ướp bằng thơ
          Sao hương sắc lên mắt mình tình tứ?...
          Và đôi mắt nhìn tôi ngập ngừng chim sẻ
          Đôi mắt nhìn trời nhè nhẹ mây nghiêng
          Tôi biết nói gì? Cả trăm phút đều thiêng
          Hay muốn nói nhưng lòng mình ngường ngượng
          Chân díu bước và mắt nhìn vương vướng
          Nàng đến gần tôi chỉ dám... quay đi,
          Cả những giờ bên lớp học, trường thi
          Tà áo khuất thì thầm: "chưa phải lúc..."
          Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
          Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường.
          Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu đương
          Tôi thay mực cho vừa màu áo tím....
          Chả có gì...sao lòng mình cũng thẹn
          Đến ngượng ngùng bỡ ngỡ: hay là ai?.....
          Trăm bức thư lót giấy kẻ giòng đôi
          Mà nét chữ còn run (dù rất nhẹ)
          Tôi đã viết hay chỉ thầm âu yếm kể
          Tôi đã nhìn hay lặng lẽ say sưa?
          Nên đêm vui sao cũng chớm buồn thưa
          Và lo sợ khi lòng mừng quá đỗi ....
          Rồi trách móc: trời không gần cho tay với
          Và cả nàng hư quá, sao mà kiêu ...
          Nên đến trăm lần: "nhất định mình chưa yêu ..."
          Hôm nay nữa ...
          Nhưng lòng mình sao lạ quá ...
                    Nguyên Sa
66. BÀI HÁT CỬU LONG

          Có gì đâu em: có một đoàn người
          Có một đoàn người góp sức góp vai
          Cùng rủ nhau về góp một thành hai
          Những bước chân góp đi làm đến!
          Họ không dại khờ: góp trăng làm nến!
          Chỉ những miệng cười góp lạ thành quen
          Góp những giọng hò làm trống ngũ liên
          Góp những bàn tay dựng thành đại hội
          Cánh tay chắp cánh tay cho dài thêm nửa với
          Gạo quanh nồi góp lại bữa cơm chung
          Họ cùng đi cùng góp tháng, góp năm...
          Để sáng ngày mai làm sông làm biển.
          Có gì đâu, có một đoàn người
          Bên bờ Cửu Long gõ nhịp
          Cả dòng sông gõ nhịp vịn bờ sông
          Họ rủ nhau về sương gió vui chung
          Dù có phút nước mắt chạy quanh
          Hay miệng cười hớn hở
          Vẫn bát gạo Hậu Giang, vẫn nụ cười huynh đê.
          Mắt nghẹn ngào sáng tỏ nắng phương Nam
          Màu nắng vàng không màu nhiệm hào quang
          Nhưng dù má bừng lửa cháy
          Trán đổ mồ hôi
          Họ cùng không đóng cửa mừng vui
          Những bàn tay ngượng ngập díu môi cười
          Không phải khóc
          Một đời người tầm gửi
          Nhớ không em?
          Nhớ không em
          Họ gặp nhau
          Chờ nhau
          Đón nhau
          Như sông Cửu Long
          Về lòng biển cả
          Hội lòng người như nước nguồn xối xa?
          Mưa trường thiên chảy ứ vào trào thơ
          Mưa đời người trôi cả nghĩa vu vơ
          Để lòng chúng mình
          Và mạch máu Đồng Nai
          Đập cùng một nhịp
          Anh biết rằng:
          Có người khóc vì mừng vui ước hẹn
          Có người cười vì tủi cực phôi pha
          Anh biết nói làm sao
          Nhưng chắc chắn ngàn thu ly rượu quan hà
          Sẽ phải chua men vì thiếu người sưởi lạnh
          Anh biết nói làm sao
          Khi họ gặp nhau (anh đã bảo em)
          Như sông Cửu Long
          Về lòng biển cả
          Vẫn tiếng sóng về nước chảy triền miên
          Vẫn Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
          Dòng sông dài dữ dội bản trường ca...
          Phải, dòng sông dài dữ dội bản trường ca
          Nên sông đã về làm tràn đầy mắt biển
          Sông đã về rửa trắng lòng anh
          Đợi từ chín kiếp giao thừa
          Đến sáng hôm nay mới được hát giữa dòng sông
          Đến sáng hôm nay mới được hát giữa mùng một Tết...
                    Nguyên Sa
67. BÂY GIỜ
          Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
          Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
          Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát
          Lúc xòa ra chẳng có một âm thừa
          Cửa địa ngục ở hai bên lồng ngực
          Phải vác theo trăm tuổi đường dài
          Nên có gửi cho ai vài giọng nói
          Cũng nghe buồn da diết chạy trên môi
          Hai mắt rỗng phải che bằng khói thuốc
          Chúng tôi nằm run sợ cả chiêm bao
          Mỗi buổi sáng mặt trời làm sấm sét
          Nên nhìn đêm mở cửa chẳng đi vào
          Năm ngón tay có bốn mùa trái đất
          Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân
          Có cất tiếng đòi to . Tiếng đòi rơi rụng
          Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn
          Chúng tôi trót ngẩng đầu nhìn trước mặt
          Trán mênh mông va chạm cửa chân trời
          Ngoảnh mặt lại đột nhiên thơ mầu nhiệm
          Tiếng hát buồn đè xuống nặng đôi vai .
                    Nguyên Sa
68. CẦN THIẾT
          Không có anh lấy ai đưa em đi học về ?
          Lấy ai viết thư cho em mang vào lớp học?
          Ai lau mắt cho em ngồi khóc?
          Ai đưa em đi chơi trong chiều mưa ?
          Những lúc em cười trong đêm khuya,
          Lấy ai nhìn những đường răng em trắng?
          Đôi mắt sáng là hành tinh lóng lánh
          Lúc sương mù ai thở để sương tan
          Ai cầm tay cho đỏ má hồng em
          Ai thở nhẹ cho mây vào trong tóc ...
          Không có anh nhỡ một mai em khóc
          Ánh thu buồn trong mắt sẽ hao đi
          Tóc sẽ dài thêm mớ tóc buồn thơ
          Không có anh thì ai ve vuốt?
          Không có anh lấy ai cười trong mắt
          Ai ngồi nghe em nói chuyện thu phong
          Ai cầm tay mà dắt mùa xuân
          Nghe đường máu run từng cành lộc biếc?
          Không có anh nhỡ ngày mai em chết
          Thượng đế hỏi anh sao tóc em buồn
          Sao tay gầy sao đôi mắt héo hon
          Anh sẽ phải cúi đầu đi vào địa ngục ...
                    Nguyên Sa
 69. SÁM HỐI
Khi nắng mở cửa một bầu trời nạm bạc, anh sẽ trở về trên con đường không có mùi cỏ ải mà chỉ có nắng vàng hanh.
Anh sẽ trở lại bên em - mà cúi đầu - mà quì gối - mà nghe rụng trong lòng ánh sáng hành tinh.
Anh sẽ quỳ gối bên em nhưng không dám nói chuyện trần gian.
Anh không dám kể lể dài dòng như một người giang hồ nói với người giang hồ về những chuyện quê hương.
Anh chỉ dám dâng em chút ít đớn đau với nỗi niềm sám hối.
Nỗi niềm của một kiếp người đã nhiều tháng ngày ngồi trong ngõ tối.
Anh đã ngồi im khôngnói: anh chỉ còn là gã kép già quanh năm khát nước vì suốt cả đời người hò hét một bản sàng sê.
Suốt cả đời người anh đã chờ đợi tin yêu: lửa đến từ những cửa ngõ cuộc đời đã đốt cháy mười đầu ngón tay bằng những khối nhựa đường nóng bỏng.
Từng hy vọng đã bay theo từng hy vọng. Không biết có phải vì nhát cuốc tháng ngày đã phạt cỏ đùa chơi ?
Nên anh đã ngồi im. Phải, anh đã ngồi im để nghe những nụ cười thông phong vỡ rạn trong lòng anh.
Anh không dám nhắc đến cuộc đời xa cũ. E sợ rằng lời lẽ chua cay sẽ biến thành bốn con ngựa già kéo linh hồn anh chạy về bốn phía chân trời trong những ngày giá lạnh.
Anh cũng không dám khóc. Nước mắt em ơi, đã đóng đinh vào lòng bàn tay anh và linh hồn rớm máu...
Anh chỉ ngồi nhìn sao khuya rung động. Nghe bờ môi tát cạn nhưng hơi thở yếu dần.
Anh chỉ dám nghĩ rằng: sao bao nhiêu năm tháng qua không từ bỏ cuộc đời đi làm hoà thượng. Ðể những ngày tu đắc đạo sẽ làm búa sẻ rừng, làm sông chở gỗ. Củi đem về chất ở sân chùa mà làm lễ hoả thiêu.
Sao lại sống để buồn nôn khi nhìn cuộc đời mặc cả tình yêu.
Để cả ngày mai khi hai tay buông xuôi còn phảng phất u buồn trên mi mắt...
Nguyên Sa
Sách tham khảo
1) Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Duơng Quảng Hàm.
2) Quốc Văn Trích Diễm, Duơng Quảng Hàm.
3) Việt Thi, Trần Trọng Kim.
Hoàng Văn Thành
Theo http://hoangvthanh.blogspot.com/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị

Sợi thơ vút lên vỡ ráng chiều mộng mị Đèo Prenn ngun ngút sắc trời// Hờ hững ngang chiều dải lụa nàng tiên rơi mùa hội trẩy/ Lả lướt theo ...