Thứ Bảy, 25 tháng 3, 2017

Mưa xuân trên phố cổ như mộng du bên trời

Mưa xuân trên phố cổ 
như mộng du bên trời
Thấp thoáng trong tiết trời trở lạnh và làn mưa bụi đặc sản của xứ Bắc, một mùa xuân nữa đang về. Trên vòm trời giá lạnh phía bên kia mùa đông đã thấy xao xác những cánh én đầu tiên trở về với đất mẹ xứ Đoài, quê hương tôi.
Tranh phố cổ của danh họa Bùi Xuân Phái
Phải chăng hơi ấm từ những cánh chim mỏng manh ấy đã làm tươi lại sắc trời đông giá, để sớm nay sắc hoa đào ửng hồng lên từ phía chân trời những đốm lửa nhỏ, báo hiệu một mùa ấm áp sẽ về trên Xuân quê hương. Đấy là lúc mùa của sinh sôi đang trào lên nhựa sống trong từng mạch cây, thớ đất. Đấy cũng là thời khắc mùa của hy vọng đang thắp lên những chồi búp non xanh mơn mởn trên những ruộng vườn, đồng bãi phì nhiêu của quê hương chúng ta từ Bắc vào Nam. Và đấy còn là mùa của mơ ước đang mong được đơm hoa kết trái trong hồn người mỗi độ xuân sang. Mùa lại về như nhịp chảy hồn nhiên yên lành nơi dòng sông quê đã qua mùa bão lũ dữ dằn, sông đã phải vượt qua bao nhiêu ghềnh, thác để trở lại với phù sa bồi đắp cho những vùng đất nguồn cội yêu thương.
Và, trong làn mưa bụi lan tỏa như sương, như khói của mùa xuân kia, ta bắt gặp những dáng phố thân thuộc, những nếp nhà rêu phong cổ kính của khu phố cổ hiện lên trong lãng đãng khói sương kỷ niệm. Một Hà Nội ngàn xưa tinh tế và lãng mạn không có lẽ bây giờ chỉ còn gặp lại trong hư ảo những bức tranh phố của danh họa Bùi Xuân Phái, hoặc chỉ còn lại thấp thoáng trong những bức ảnh của các nhiếp ảnh gia nổi tiếng của thế kỷ trước. Những khung cảnh cổ xưa ấy, những góc phố cũ kỹ ấy, những dáng người xa xưa ấy, những nếp nhà thân quen ấy, những dáng cây như chỉ có trong tranh thủy mặc ấy… bỗng sớm nay hiện nay hiện về trong làn mưa bụi mơ màng của mùa xuân ngay trước mắt chúng ta.
Vâng, mùa xuân đã hoàn thành bức vẽ kiệt tác của mình! Với chút gió lạnh se sắt và làn mưa bụi như khói sương kia, mùa xuân đã xóa bớt đi, đã làm dịu đi những nét góc cạnh thô tháp, vô cảm, lạnh lẽo của những dáng phố, dáng nhà thời đô thị công nghiệp hiện đại. Và, mùa xuân đã phủ lên phố phường một làn áo mong manh, gợi cảm để cho cái đẹp hiện hữu trên từng con phố như những người thiếu nữ thấp thoáng, ẩn hiện trong màu tranh lụa đầy quyến rũ của các danh họa xưa. Hôm nay, bức tranh thủy mặc ấy chỉ còn xuất hiện vào mùa xuân với nét chấm phá của sắc hoa đào trong các phiên chợ Tết.
Có lẽ ngoài hoa đào, không có một loại hoa nào lại mang trong mình hình tượng của sự hồi sinh nồng nàn đến thế. Trên những thân cành khô héo, bạc nhược, cỗi cằn của mùa đông cũ kỹ, chợt bật sáng lên những chồi, những nụ tươi tắn của mùa xuân trẻ trung. Trong phất phơ gió lạnh, trong huyền ảo mưa bụi, sắc đào đã gợi lên trong ta nỗi nhớ về quê hương, nỗi nhớ về mẹ ta. Mẹ đã tần tảo nắng mưa, mẹ đã trải qua bao nghèo khó, nhọc nhằn năm tháng để nuôi nấng chúng ta thành người. Mẹ như thân đào khô héo, dồn chút nhựa sống cuối cùng của đời cây để nuôi dưỡng những nụ xuân, những chồi xuân cho quê hương.
Và trong tiết xuân thanh tao thi vị ấy, tôi lại nhớ tới hình ảnh ngày xưa, mẹ tôi và mấy em gái của tôi đi lễ chùa vào những ngày tháng giêng. Tiếng chuông từ bi nơi cửa Phật ngân lên trong mưa bụi tháng giêng như đang cầu phúc an lành cho chúng sinh và vạn vật. Cách đây hơn hai chục năm, tôi đã từng đắm mình trong không gian suy tưởng ấy, một tứ thơ chợt đến và bài thơ “Mưa tháng giêng” của tôi ra đời:
Tháng giêng mưa ngoài phố
Mưa như là sương thôi
Những bóng cây dáng khói
Như mộng du bên trời
Tháng giêng ngày mỏng quá
Nỗi buồn nghe cũ rồi
Mà bên kia tờ lịch
Nỗi niềm mưa xót rơi
Tháng giêng mưa trên tóc
Những người đi lễ chùa
Theo giọt mưa cầu phúc
Tiếng chuông từ bi mơ
Tháng giêng mưa dưới bến
Mỏng mai cô lái đò
Mắt mưa em lúng liếng
Trói tôi bằng vu vơ
Tháng giêng mưa như cỏ
Non xanh đến tận trời
Trước vô cùng năm tháng
Thơ mình-sương khói thôi.
Tranh Bùi Xuân Phái
Tôi viết bài thơ trên vào tháng 1-1992 và được báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn đăng ngay trên số báo ra ngày 25-1-1992. Lúc ấy, tôi vẫn còn trẻ trung và yêu đời lắm mặc dù công việc làm báo đang nghiền vụn thời gian sống của tôi thành những mảnh rời không ký ức. Nhưng may sao, tôi đã được cứu rỗi bằng chính thơ, và tình yêu nơi con người lại thắp lên trong tôi những ngọn lửa ấm áp. Hình như mỗi một bài thơ hay đều có số phận riêng của nó. Và, giờ đây, sau gần hai chục năm trôi qua, mỗi khi xuân đến trong tiết tháng giêng se lạnh ở phương Bắc, trong cái huyền ảo, bảng lảng của mưa bụi và sương khói kia, tôi lại thấy bồi hồi, xao xuyến vì nhịp điệu của bài thơ “Mưa tháng giêng” cứ ngân nga, thánh thót như tiếng chuông chùa chầm chậm thấm vào hồn tôi.
Trong một chương trình truyền hình vào đêm 30 Tết cách đây mấy năm, tôi xúc động khi nghe ca khúc phổ bài thơ “Mưa tháng giêng” của tôi lại được phát trên sóng truyền hình. Nhận xét về “Mưa tháng giêng”, nhà thơ Trần Đăng Khoa (hiện là Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) nói với tôi: “Đây là bài thơ để đời của ông, theo tôi, đây là bài thơ hay nhất của ông cho đến thời điểm này. Ông cứ tin tôi đi, sau mọi ồn ào của thời gian, “Mưa tháng giêng” sẽ là bài thơ còn lại và tôi rất thích ca khúc phổ bài thơ này, tuyệt vời đấy!”.
Bài thơ này tôi viết đầu những năm chín mươi của thế kỷ trước và được một số tờ báo đăng tải trên các trang thơ. Năm 1994, bài thơ “Mưa tháng giêng” của tôi được nhạc sĩ Việt Hùng ở TPHCM phổ nhạc. Sau đó, bài hát phổ thơ này được một số ca sĩ như: Mỹ Hạnh, Hoàng Thanh và Trần Thu Hà biểu diễn và thu băng. Khi nhạc sĩ Việt Hùng ở TPHCM phổ bài thơ "Mưa tháng giêng", anh giữ nguyên tên bài thơ làm tên bài hát, nhưng tôi không hiểu vì lý do gì,nhạc sĩ lại bỏ khổ cuối của bài thơ không đưa vào bài hát. Thật ra, bài thơ "Mưa tháng giêng" gồm 5 khổ của tôi có một bố cục thơ rất chặt chẽ, hoàn chỉnh và khổ thơ cuối với 4 câu thơ:
Tháng giêng mưa như cỏ
Non xanh đến tận trời
Trước vô cùng năm tháng
Thơ mình sương khói thôi
Chính là khổ thơ mang tính luận-kết để khép lại một bài thơ trữ tình theo cách nhìn trải nghiệm đi vào bề sâu bản thể của sự sống và hiện tượng đã được mô tả và cắt nghĩa một phần ở 4 khổ thơ trên. Bài thơ phổ nhạc bỏ mất khổ thơ cuối thật là điều đáng tiếc. Nhưng, như đã nói ở trên, mỗi bài thơ hay đều có số phận riêng của nó, nên tác giả thơ cũng không phàn nàn gì nhiều. Chỉ có điều, lời thơ trong ca khúc "Mưa tháng giêng" có một số thay đổi không đúng với nguyên bản của bài thơ, đã làm mất đi sự tinh diệu của ngôn ngữ thơ, ví như ở khổ thơ đầu, nguyên bản thơ như sau:
Tháng giêng mưa ngoài phố
Mưa như là sương thôi
Những bóng cây dáng khói
Như mộng du bên trời
Nhưng trong ca khúc "Mưa tháng giêng", hai câu thơ ba và bốn của khổ thơ bị thay bằng:
Những bóng cây giăng khói
Như mộng ru bên trời
 Tranh phố của danh họa Bùi Xuân Phái
Trong khổ thơ trên, tác giả thơ muốn miêu tả vẻ đẹp mơ màng, khói sương của tiết mưa tháng giêng ở đồng bằng Bắc Bộ như một bức tranh lụa huyền ảo được phủ một lớp mưa bụi, mưa sương. Và, trong bức tranh mưa bụi, mưa sương ấy, những thân cây bên đường chợt hiện lên như những dáng khói, và bóng cây chợt nhòe, chợt hiện như bóng người mộng du đi trong sương...Những liên tưởng ấy là đặc thù của ngôn ngữ thơ, nên tôi cho rằng, không thể thay từ "dáng khói" bằng "giăng khói", cũng như không thể thay từ "mộng du" bằng "mộng ru" được, vì những từ này nằm trong một tổng thể của liên-tưởng-thơ mà tác giả thơ đã rất chắt lọc và có ý tưởng khi chọn và đặt những chữ ấy trong câu thơ của mình.
Còn ở khổ thơ thứ hai có nguyên bản thơ như sau:
Tháng giêng ngày mỏng quá
Nỗi buồn nghe cũ rồi
Mà bên kia tờ lịch
Nỗi niềm mưa xót rơi
Thì lời thơ trong ca khúc ở câu thơ cuối được đổi thành:
Nỗi niềm mưa xuân rơi
Thêm một lần nữa, tác giả ca khúc không hiểu ý tác giả thơ. Trong khổ thơ này, nhà thơ muốn chuyển tải một nỗi niềm nhớ thương, xa vắng trong ngày xuân mỏng mảnh đang về, khi nỗi buồn con người bên kia năm tháng đã trở nên cũ kỹ trước tờ lịch thời gian mỗi ngày phải bóc đi thì những giọt mưa kia cứ thấm về xa xót trong lòng người như một nỗi niềm khôn nguôi. Nên chữ xót ở câu thơ cuối là chữ xót xa, vậy không thể thay bằng chữ xuân được.
Đặc biệt, ở khổ thứ bốn của ca khúc phổ thơ "Mưa tháng giêng", có mấy câu thơ bị thay đổi mà theo tác giả thơ, đã làm giảm hẳn sự tinh diệu, tinh tế của thi ca. Nguyên bản khổ thơ ấy như sau:
Tháng giêng mưa dưới bến
Mỏng mai cô lái đò
Mắt mưa em lúng liếng
Trói tôi bằng vu vơ
Nhưng trong lời ca khúc, nó đã bị thay đổi như sau:
Tháng giêng mưa dưới bến
Mộng mơ cô lái đò
Mắt em đưa lúng liếng
Trói tôi bằng vu vơ
Thưa các quý vị độc giả của thơ, theo tôi, chữ "Mỏng mai" nói về một người con gái đẹp, chắc chắn nó có ý tứ khác hẳn chữ "Mộng mơ" khi nói về họ. Tác giả thơ dùng chữ "Mỏng mai" chứ không phải chữ "Mộng mơ" thì nó cũng tinh tế, ý nhị như khi nói rằng " Mắt mưa em lúng liếng" chứ không phải thô vụng như cách nói "Mắt em đưa lúng liếng" dễ làm cho người đọc hiểu rằng, "mắt em lẳng đến thế" thì hẳn em sẽ "trói" anh bằng cái khác chứ không phải "trói" anh bằng sự vu vơ được. Đáng chú ý, sau khi ca khúc phổ nhạc bài thơ "Mưa tháng giêng" được phổ biến rộng rãi và phát trên sóng truyền hình, nhạc sĩ Việt Hùng cho biết, vì quên mất tên tác giả thơ nên anh có đề phần lời của bài hát là "khuyết danh". Sau đó, nhạc sĩ Việt Hùng đã công khai xin lỗi tôi và cho rằng, các ca sĩ thu băng bài hát "Mưa tháng giêng" cũng không ai trả tác quyền cho anh
Mọi chuyện đã qua đi, hôm nay, ngồi nghe lại bài hát "Mưa tháng giêng" qua giọng hát tinh tế, điêu luyện của ca sĩ Trần Thu Hà, tôi bất giác nhớ lại chặng đường gần hai chục năm kể từ khi tôi viết bài thơ này. Đã có bao nhiêu thăng trầm, buồn vui, biến đổi qua thời gian mà con người phải nếm trải. Và, tôi vẫn nghe thấy trong tâm tưởng mình, tiếng chuông chùa từ một nơi thẳm sâu nào đó vọng về, gợi lại hình ảnh của mẹ tôi và các em gái tôi ngày xưa ấy:
Tháng giêng mưa trên tóc
Những người đi lễ chùa
Theo giọt mưa cầu phúc
Tiếng chuông từ bi mơ.
Nguyễn Việt Chiến
Theo http://vanvn.net/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Truyện ngắn của Đỗ Xuân Thu: Lão “Chõe Bò” Nhà văn Đỗ Xuân Thu vừa trở thành hội viên mới Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Ông sinh năm 19...