Thứ Tư, 1 tháng 3, 2017

Thử phác họa đôi nét về Cõi thơ Bùi Giáng

Thử phác họa đôi nét về Cõi thơ Bùi Giáng
Một ngôi văn tinh kỳ, lạ lùng, quái đản vừa rụng trên bầu trời văn học. Chỉ cần nói như vậy thì có lẽ bất cứ ai cũng biết ngay là thi sĩ Bùi Giáng vừa qua đời.
Trong vòng nửa thế kỷ vừa qua, chưa có một nhà thơ nào tạo được một bóng dáng lồng lộng trên vòm trời thơ như Bùi Giáng. Ông làm thơ, viết văn, bình luận về văn học, triết học, chuyển dịch nhiều tác phẩm văn chương của thế giới sang Việt ngữ. Tất cả đều theo một thể điệu riêng biệt của ông. Văn nghiệp của Bùi Giáng vô cùng đồ sộ. Nội chuyện làm một bảng thư mục Bùi Giáng cũng đòi hỏi chúng ta mất nhiều thì giờ và công phu lắm, chứ chưa nói đến vấn đề gì khác.
Bùi Giáng có một sức đọc và viết vô cùng kinh khủng. Viết liên tu bất tận, ngưng viết thì đọc, ngưng đọc thì viết. Đọc sách Tây, sách Tàu, Đức ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ. Cái lạ lùng vô cùng quí báu mà Bùi Giáng mang lại cho chúng ta chính là sự uyên bác, tài hoa, thâm trầm, bí ẩn của ông, tất cả đều nhào biến một cách vô cùng tự nhiên rồi hiện ra trong một vẻ giản dị tài tình của một tâm hồn và ngôn ngữ Việt. Trước bế tắc tư tưởng của phương Tây cùng sự tràn lan của chủ nghĩa hư vô, ông đã trở về với ngọn nguồn phương đông nhất thể, trở lại với cái hài hoà của đạo tự nhiên, đạo vũ trụ, mộc mạc, sơ nguyên, ẩn mật nơi tư tưởng Trang, Lão, Thiền, để nối kết những phân ly nứt rạn càng lúc càng vô cùng trầm trọng. Ông gom hết mọi chuyện lại rồi đưa đẩy tuôn trào thành một chuyển động tư tưởng bát ngát, một dòng thơ yêu kiều, thâm thuý.
Tư tưởng và chất thơ cổ kim đông tây tuôn chảy qua tâm hồn Bùi Giáng, biểu hiện thành một dòng thơ độc đáo và tuyệt vời nhất mực. Tinh thể thi ca di động qua một vài đỉnh núi chon von cô độc như Nguyễn Du, Holderlin Heidegger, Nietzche, càng bát ngát hơn khi chuyển động qua hồn thơ mênh mông của Bùi Giáng. Mỗi chữ, mỗi lời, từng câu từng tiếng đều là thơ. Lời nói thiệt với tinh thể của ngôn ngữ là thơ, mà lời nói dỡn chơi duới chiếc áo dùng dằng của ngôn ngữ cũng là thơ. Đi, đứng, nằm, ngồi, cười khóc, vui đùa đều là thơ. Lúc không điên là thơ, mà lúc điên vẫn cứ là thơ. Đi cho tới cùng cái sâu thẳm nhất của ngôn ngữ, tới đỉnh cao chót vót của nó, sống với nó trong từng mỗi giây phút, trong từng mỗi sát na, xưa nay có lẽ mới chỉ mới có Bùi Giáng là một.
Từ Nguyễn Du đến Bùi Giáng, đường bay của thơ thực là kỳ diệu, mênh mông, vô lượng. Ông là chiếc bóng của Nguyễn Du, hay chính ông đã đẩy Nguyễn Du đến tận cùng thể tính của thi ca, làm lồng lộng, chất ngất một hồn thơ nước Việt.
Sống với thơ, giỡn chơi với ngôn ngữ để tạo nên thơ. Chữ nghĩa của Bùi Giáng lúc nào cũng có một điều gì đó rất dị thường. Ông chỉ cần sắp đặt những đề tựa từ mục lục một tập thơ của một tác giả khác thì đã mang lại cho chúng ta một bài thơ tuyệt đẹp. Nhưng sắp đặt và xô đẩy chữ nghĩa phải là theo cách của ông, chớ không thể của người nào khác được. Hay ông ngắt câu, ngắt đoạn từ một bài thơ lục bát của một người làm thơ khác, biến đổi hình thức thành một bài thơ tự do, tức thời bài thơ ấy sẽ trở nên vô cùng kỳ dị và đẹp đẽ lạ lùng. Rất nhiều người làm thơ đã biến đổi thể thơ lục bát 6/8 thành 3/3/2/6, 4/2/6/2, hay 2/4/8, hay 6/4/4, hay còn biến đổi nhiều hơn nữa thành 1/2/3/2/2/2/2 thì có lẽ là đều bắt nguồn từ cách giỡn chơi của Bùi Giáng.

Cuộc đời Bùi Giáng và thơ của ông, ngay từ bước khởi đầu dường như đã có nhiều điều bất thường:
Lỡ từ lạc bước chân ra
Chết từ sơ ngộ màu hoa cuối cùng
Gần đây, thân nhân Bùi Giáng xuất bản tập thơ "Chớp Biển", kỷ niệm Bùi Giáng vừa đúng 70 tuổi, giúp cho chúng ta nhiều dữ kiện để hiểu biết ông hơn. Hiểu một tác giả qua cuộc đời và hoàn cảnh sống của tác giả ấy như phương pháp phê bình của Saint Beuve vẫn còn là một trong những cách thẩm thấu với văn chương rất thông tình đạt lý. Bà Bùi Giáng qua đời cách đây hơn nửa thế kỷ, cảnh ly tan đó đã xô đẩy Bùi Giáng đến những đổ vỡ cùng cực. Bóng dáng người nữ ám ảnh ông suốt đời, để rồi từ đó ông sẽ nghiệm ra được một cách vô cùng sâu thẳm về tính nữ, về nguyên lý mẹ. Nói như Nguyễn Xuân Hoàng, ai cũng cần một bà mẹ. Bà mẹ đó cũng thể hiện ra trong một bóng dáng khác là người chị, cô em gái nhỏ hay chính là đứa con gái của mình. Tất cả cái thiêng liêng và tục luỵ của mẫu người nữ đã biến hiện chập chùng qua hình ảnh người vợ, để rồi chuyển động nhiều hơn mà trở thành bà mẹ uyên nguyên của đất trời.
Nhiều lúc ông kể lể nghiêm trang, đạo mạo, có lúc lại đùa giỡn, cười cợt với hình bóng các mẫu thân, tuy vẫn có pha đôi chút ngậm ngùi:
Mẹ về trong cõi người ta
Một hôm mẹ gọi con ra bảo rằng
Trần gian vui sướng lắm chăng?
Hay là đau khổ hỡi thằng chiêm bao.
Giữa những vần thơ điên của ông, đôi lúc chúng ta sẽ tìm thấy những câu thơ vô cùng kỳ diệu nói về bà mẹ thiêng liêng ấy, tất cả đều như rạo rực, sinh sôi, triển nở.
Một hôm nào em mở cửa đầu khe
Và bữa đó đến bây giờ cỏ rạ
Thi nhau mọc mặt trời lên lả tả
Bông lúa chín trong rừng kêu tiếng lá
Chóc chim xanh đòi đẻ trứng bây giờ.
Nhắc đến các hình ảnh mẫu thân của Bùi Giáng, tôi cũng muốn nhân đây chép thêm mấy câu thơ rất đẹp của ông về cô em gái nhỏ, mà đọc lên hẳn rằng chúng ta dễ liên tưởng ít nhiều đến người vợ cũ năm xưa đã chia lìa với ông quá sớm, khi họ vừa mới cùng nhau bước chân vào đời. Dĩ nhiên, cô em gái nhỏ ấy cũng có thể là một trong những người nữ Bùi Giáng tiếp tục gặp về sau:
Em là em anh đợi khắp nẻo đường
Em có nụ cười buồn buồn mây mọng
Em có làn mi khép lá cây rung
Em có đôi mắt như sầu xanh soi bóng
Hồ gương ơi ! sao sóng lục vô chừng !
(. . . )
Em ở lại với đời ta em nhé
Em đừng đi cho ta nắm tay em
Ta muốn nói bằng thơ bay nhẹ nhẹ
Vào trong mơ em mộng giấc êm đềm
Ta sẽ đặt mười ngón tay lên mắt
Để nhìn em qua khe hở du dương
Vòng theo máu hai vòng tay khép chặt
ồ thưa em ta thấy mộng không thường
Cái tang bà Bùi Giáng đóng đinh suốt đời ông. Rồi cùng lúc, ông gặp nhiều điều bất ưng ý giữa một thời đại mà bạo lực là phương tiện hàng đầu của con người.
Thời kháng chiến, ông đi chăn bò giữa những đồi sim ở một vùng rừng núi nào đó giữa miền Trung đất nước, để tự thấy mình là một thứ Tô Vũ của thời đại. Ông kết những vòng hoa dại đeo vào cổ bò, cổ dê, và đùa giỡn suốt ngày với đàn thú hiền từ. Cho mình là Tô Vũ, có lẽ đó cũng là một cách Bùi Giáng nói cho chúng ta biết ông là người bị lưu đày ngay chính nơi quê nhà của mình chứ không cần biệt xứ nơi đâu. Sau này, thỉnh thoảng ông cũng nhẹ nhàng vẽ lại cho chúng ta thấy đôi chút cảnh quan rùng rợn, tang thương của những ngày ấy:
Hãi hùng bi kịch đồi tranh
Trùng quan vó ngựa tế nhanh trong mù
Thây người ở nát phía sau
Nghìn thu khép mắt khổ đau khôn hàn
Rồi hòa bình được lập lại, nhưng Bùi Giáng không còn thể nào trở lại sống cuộc đời bình thường như chúng ta nữa. Những chấn động dữ dội của thời tuổi trẻ đã góp phần dồn đẩy ông tới bờ vực chon von. Định mệnh đã chọn ông là một thiên tài điên của của dân tộc, đẩy ông bước chân theo Nguyễn Du, để ông kết bạn với Gérard de Nerval, Saint Exupéry, Khuất Nguyên, Tô Đông Pha, Apollinaire, André Gide, Camus, René Char, để đôi khi nghiêm trang đàm đạo với Khổng Tử, Heraclite, Parménide để sống cuộc đời quỉ khốc thần sầu của một cuồng sĩ ngoài chợ, và tuyệt vời nhất vẫn là viết để lại cho đất nước những dòng thơ kỳ diệu độc nhất vô nhị.
Cuộc đời Bùi Giáng và thơ Bùi Giáng chỉ còn chập chùng lên nhau giữa những giấc chiêm bao, phù du, mộng mị. Ông sống ở đời lúc tỉnh lúc điên : lúc tỉnh đã là chiêm bao nhưng lúc điên thì càng là chiêm bao quá cỡ. Trước năm 75, thỉnh thoảng ông mới lên cơn điên nhưng sau năm 75 cơn điên kéo dài lâu quá. Bà Irina, một phụ nữ Nga có nhiều liên hệ thân thiết với Việt Nam, khi gặp Bùi Giáng đã lặng lẽ tuôn chảy những dòng lệ nóng hổi cho một thiên tài mà bà nhìn thấy như hình bóng một Diogène thời đại, cầm cây đuốc đi giữa ban ngày để tìm chân lý. Chân lý đã bị khuất lấp cả hai mươi thế kỷ rồi, chứ phải đâu chỉ là những ngày trước mắt. Vậy nên, nơi chiếc bàn viết lữ thứ, khi cầm bút viết lại để sống đời của một nhà văn lưu vong, Mai Thảo nhắc đến Bùi Giáng, phác thảo đôi nét về Bùi Giáng rất hay, sống động và tài tình, nhưng tôi cho là Mai Thảo rất nhầm lẫn khi qui tội điên của Bùi Giáng cho những nguyên nhân thời đại:
Và ở Sài Gòn vẫn còn Bùi Giáng
Tối tối về chùa đêm làm thơ
Ngày ca múa khóc cười giữa chợ
Kẻ sĩ điên thế kỷ mù rồi
(Mai Thảo, Viết văn trở lại)
Hãy thử đọc lại vài câu thơ sau của Bùi Giáng tự nói về mình. Ông gần như luôn sống giữa một lớp sương mù dày đặc của những giấc mộng chồng chất. Ông sống như một ông đạo, như một trích tiên, như ma quỉ hay như một đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ đến cùng cực:
Đi về với gió phù du
Mở trang mộng mị cho mù sa bay
Quê nhà chỉ còn là giấc mộng đã qua, thân thế cũng chỉ là một nỗi đời hư huyễn:
Hỏi tên, rằng biển xanh dâu
Hỏi quê, rằng mộng ban đầu đã xa
Gọi tên, rằng một hai ba
Đếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm !
Ông đã tự hỏi và rồi tự đáp về tên tuổi và quê hương thực của mình:
Hỏi tên? - Cổ lục phong trần
Hỏi quê? - Mộng tưởng tiền trình bơ vơ 
Ông luôn lập đi lập lại ý tưởng ấy khi có dịp :
Hỗn mang về giữa hiên nhà
Bây giờ cố quận tên là chiêm bao
Cái thế giới chiêm bao mộng mị ấy, có lúc ông chợp bắt được thành những câu thơ rất đẹp:
Ta đã gọi chiêm bao về mộng mị
Chắp ân tình cho nghĩa rộng tinh sương
Về tuế nguyệt bước ngao du tận mỵ
Người có nghe tang hải réo vô thường?
Sống và mơ mộng giữa thế giới đó, ông vác cần câu đi câu con cá hư vô ngoài biển đông :
Tôi làm Nam Hải Điếu đồ
Ngồi câu con cá hư vô giữa trời
Ông yêu mến, quí trọng từng đốm nhỏ li ti của trời đất và sự sống, từng cây cỏ dại, từng cánh bướm, cánh chuồn chuồn :
Xin yêu mãi và yêu nhau mãi mãi
Trần gian ôi ! Cánh bướm cánh chuồn chuồn
Con kiến bé cùng hoa hoang cỏ dại
Con vi trùng cùng sâu bọ cũng yêu luôn.
Khi tỉnh táo mà viết được Tôi nói điệu điên rồ/ ấy là vui vậy thì quả là ông đã thoát ra khỏi mọi phiền trược của cuộc đời, chẳng còn câu chấp gì cả, ông sống hoan hỉ như một đứa trẻ với một nguồn thơ tinh khôi, hồn nhiên, đầy hoan lạc.
Đọc thơ Bùi Giáng để cảm cái tình và cái ý của nó, để sống cái thâm diệu của tư tưởng đã hé mở và như luôn hứa hẹn một cõi mênh mông bát ngát dị thường sau đó. Đọc thơ ông cũng là để thưởng thức chữ dùng cực kỳ tài tình của ông. Có những chữ rất thông tục, tầm thường, nhiều khi chúng ta không muốn sử dụng vì không được nhã, nghe hơi nặng tai. Vậy mà khi những chữ ấy rớt vào tay họ Bùi, không cần tỉa gọt trau chuốt gì cả, chỉ xô đẩy tự nhiên như hít vào thở ra, thì nó sẽ trở thành thơ. Hãy đọc thử bốn câu thơ sau, chúng ta sẽ thấy ngay cái tài hoa lạ lùng của Bùi Giáng khi biến đổi một chữ tầm thường thành chữ của thơ như thế nào. Ông phả vào chữ cái tài hoa ẩn mật của hồn thơ để mang lại cho nó một sức mạnh vô cùng kỳ bí:
Người con gái lội qua khe
Bàn chân với nước lạnh đè lên nhau
Nỗi niềm tưởng lại xưa sau
Bàn chân với nước cùng nhau lại đè 
Chữ khe, rồi lại chữ đè thực là đắc địa. Dùng chữ đến như vậy thì không còn là viết văn, làm thơ nữa, mà là thợ trời của chữ. Ngay khi ông lên cơn điên, nhưng chưa điên quá độ, mà mới chỉ trôi nổi giữa những cơn điên nhẹ, ông cũng mang lại cho chúng ta những câu vần vè quàng xiên rất vui vẻ. Nhớ lại những ngày đi chăn bò chăn dê giữa núi rừng, thời trai trẻ rồi liên kết với việc làm thơ và một số hình ảnh khác, tức thời những hình ảnh và các con chữ sẽ xô đẩy nhau. Ông viết mấy dòng sau, như một bức tranh của trẻ con vẽ, không đầu không đũa, không luật tắc, thấy và thích gì thì cứ quẹt bừa, cứ bôi bác bừa những vệt màu đường nét, vậy mà sẽ mang lại cho người xem nhiều điều lý thú:
Làm thơ như thể chăn trâu
Chăn bò, chăn ngựa ngõ hầu chăn dê
Chăn hùm thiêng mệt chán chê,
Chăn beo, chăn gấu, nghiệp nghề chăn voi.
Đi vào cõi thơ Bùi Giáng, bên những cơn điên dài của ông, giữa những cơn chiêm bao mộng mị, đôi lúc thấy ông điên vậy mà nhìn kỹ lại thì ông chẳng điên chút nào. Vậy nên, có nhiều người cho là Bùi Giáng không điên, như Viên Linh cho rằng ông chỉ chọn một thái độ sống như vậy mà thôi. Trước thế giới Bùi Giáng, chúng ta như đứng nơi một ngã ba đường, hay giữa những lối mòn trong rừng thẳm mà cần phải chọn một hướng đi, mỗi người phải tự định hướng cho riêng mình.
Riêng tôi, lúc nào tôi cũng thấy Bùi Giáng là một thiên tài điên. Điên nhưng rất hiền hoà, rất thơ mộng, điên như thánh. Giữa những cơn điên kéo dài lâu quá, ông như không còn phân biệt cái thực và hư. Có một bữa, ông đòi tôi chở về một căn nhà nào đó bên miệt Phú Nhuận để ông cho vịt ăn, vì nhiều ngày quá rồi ông chưa trở về chắc là vịt đói lắm. Trên căn gác tôi đưa ông về, ông rào một chuồng vịt khoảng mấy thước vuông ông ném gạo cho vịt ăn, nói nói cười cười rất hoan hỉ, nhưng đàn vịt ấy chỉ toàn là một bầy vịt bông nhựa. Trước năm 75, tôi gặp ông rất thường vì mỗi buổi chiều rảnh rỗi tôi thường ghé Đại học Vạn Hạnh viếng thăm thầy Tuệ sĩ rồi cũng tạt qua thăm ông. Lúc nào cũng thấy ông làm việc, nằm ở một góc nhà, chung quanh đầy sách vở, đọc đọc chép chép không ngừng nghỉ. Ngoài những cơn cuồng, Bùi Giáng rất lặng lẽ, ghét chuyện thị phi, tranh chấp ô trọc. Tôi còn nhớ khoảng năm 1971, tuần báo Tìm Hiểu của cô Phan Lâm Hương (con gái út cụ Phan Huy Quát) có thực hiện một cuộc nói chuyện với Bùi Giáng rất hay và nghiêm trang, có thể giúp cho người đọc chia sẻ được nhiều điều với Bùi Giáng. Nhưng sau đó thì có vấn đề, vì bài báo ấy mà một thi sĩ khác, cũng là loại cô phong đỉnh của vòm thơ Việt Nam hiện đại, gây hấn với Bùi Giáng quá cỡ. Bùi Giáng sau đó rất sợ mấy nhà báo. Ông than phiền hoài, cho rằng mấy ông làm báo đã kéo Bùi Giáng vào việc thị phi ở đời, từ đó ông không còn muốn gặp mấy người ký giả, viết báo thường thích gây chuyện chộn rộn ở đời.
Bùi Giáng tránh né chuyện thị phi, và ông rất ghét bạo lực, bạo động, bạo quyền. Hơn 25 năm trước, tôi thấy ông nuôi một đàn chó nhỏ, đi đâu cũng dẫn theo làm chúng sủa vang các hẻm đường, có lúc ông cho hết vào bao bố và vác trên vai làm chúng cũng muốn ngất ngư, ngộp thở, chỉ còn kêu hục hục trong bao. Có lần ông để quên đàn chó ở nhà bà Bé Ký cả tuần lễ làm Bé Ký phải nuôi ăn và chăm sóc rất mệt, hở tay ra là chúng sủa vang nhà không ai chịu nổi. Đàn chó này, mỗi con đều có tên, và tôi rất kinh hoàng thấy ông gọi con chó xấu xí, nhếch nhác nhất trong đám bông tên nhân vật số một của lịch sử hiện đại. Và sau năm 75, chẳng lạ gì khi mà cứ những chỗ đông người, chợ búa xô bồ, cuồng sĩ họ Bùi thường đứng diễn thuyết một cách hùng hồn.

Tôi cũng còn nhớ, có lần nói chuyện với ông, tôi mới chỉ lỡ lời nhắc đến các nhà nho cách mạng đất Quảng, hai cụ Phan Tây Hồ, Huỳnh Thúc Kháng, thì ông tức giận rồi lên cơn điên ngay, chộp lấy cổ áo tôi, gần như muốn xô tôi xuống từ lầu ba trường Vạn Hạnh.
Qua mấy chuyện nhỏ này, tôi cảm thấy rằng, Bùi Giáng chỉ muốn sống với mọi người trong một thế giới hài hoà, an lạc. Đua tranh rồi bạo động chỉ là mầm mống của phân ly, mất quân bình và rối loạn. Ông yêu thích cuộc sống lặng lẽ tự nhiên, như một đôi lần tôi thấy ông len lén chào mấy người đệ tử của ông Đạo Dừa với một vẻ hỉ hoan bất tận bộc lộ ra trên khuôn mặt. Ông chào rất kính cẩn mấy ông đạo này, những người đã tự phát nguyện tịnh khẩu vài ba năm, có người quyết tịnh khẩu cho đến khi nào hoà bình được lập lại mới sẽ mở miệng, cất tiếng với đời.
Bên trên là vài giai thoại về Bùi Giáng bởi vì đề cập dến Bùi Giáng mà không nhắc qua các giai thoại dính dáng đến ông thì quả là thiếu sót. Mới đây, trên Việt Báo Kinh Tế số ra ngày 17 tháng 10 năm 1998, ông La Toàn Vinh, cựu sinh viên Trường Mỹ Thuật Gia Định nhắc lại vài hình ảnh Bùi Giáng mà ông bắt gặp ở Sài Gòn trước đây, đọc rất vui. Đọc đến chỗ khi Xuân Diệu diễn thuyết trong khuôn viên Trường Mỹ Thuật, ông đi tới đi lui ngoài cổng trường và chửi đổng : " Mẹ mày Xuân Diệu... Mẹ mày Xuân Diệu... ", tôi phải cười phì và nhớ ngay đến dáng đi, điệu nói, tiếng cười của ông.
Có thể không cần đọc Bùi Giáng, mà chỉ cần nghe những giai thoại về ông thì cũng đủ để sống được chất thơ và đời thơ của Bùi Giáng. Những giai thoại như thế, nếu cất công đi ghi chép lại nơi bạn hữu, thân nhân của Bùi Giáng và trên khắp đường phố Sài Gòn thì có lẽ chúng ta sẽ có cả một quyển sách dày như tự điển, góp phần phong phú đời sống văn học đất nước trước mắt và cho cả mai sau.
Chúng ta vừa đi qua một vài nơi giữa khu vườn bát ngát mênh mông của cõi thơ Bùi Giáng. Khi viết bài này, tôi rất tiếc là không có trong tay tài liệu gì về Bùi Giáng, chỉ đành nhặt nhạnh mấy câu thơ nơi các bài báo gần đây, tuy nhiên cũng hi vọng là đã vẽ phác được đôi nét về ông, làm sống lại đôi chút hình ảnh một thiên tài của dân tộc.
Bùi Giáng là thiên tài nhưng là một nhà thơ điên, vì vậy ông viết quàng xiên nhiều quá. Nhưng cũng chẳng hề gì, mấy ngàn trang sách của ông chỉ cần lọc lại thành một tập thơ nhỏ, rồi với tập thơ ấy chỉ cần tinh lọc thêm một lần nữa để chỉ còn lại chừng mươi bài, thì với mươi bài thơ ấy ông cũng đã là một nhà thơ lớn bậc nhất của thời hiện đại, một vì sao lấp lánh rạng rỡ hoài trên vòm trời thơ của dân tộc Việt.
Tái bút: Bài viết trên đây đã gửi đi để kịp chuẩn bị sắp chữ và lên khuôn thì tình cờ tôi vừa tìm lại được tờ Tạp chí Thơ số ra mắt vào mùa Xuân 1994 có in một bài viết rất hay của Thanh Tâm Tuyền về Bùi Giáng cùng với hai bài thơ của Bùi Giáng. Tôi chẳng thể nào không viết thêm mấy dòng tái bút này, dù biết có làm phiền hà toà soạn trong việc sắp xếp lại trang báo trước khi đưa đi in, để trích lại ở đây một đoạn văn của Bùi Giáng mà Thanh Tâm Tuyền đã trích dẫn cùng một bài thơ của Bùi Giáng mà Tạp chí Thơ đã chọn để in lại.
Đây là bài thơ Bao giờ của Bùi Giáng:
Bằng bút chì đen
tôi chép bài thơ
trên tường vôi trắng
Bằng bút chì trắng
tôi chép bài thơ
trên lá lục hồng
Bằng cục than hồng
tôi đốt bài thơ
từng giờ từng phút
Tôi cười tôi khóc bâng quơ
Người nghe người khóc có ngờ chi không.
Quả là một bài thơ tuyệt đẹp với những hình ảnh tự động xô đẩy đuổi bắt nhau. Những hình ảnh chuyển động trên một đường biên của hữu thức và vô thức. ảnh tượng và sắc màu rất cụ thể mà rõ ràng là vô thực và đầy mộng mị. Tất cả là để dẫn đến một dấu hỏi về cuộc đời và ý nghĩa nhân sinh, đầy khúc mắc mà nhẹ nhàng, tế nhị, và vô cùng bao dung. Có thể nói đó là một bài thơ siêu thực hiện đại mà vẫn chứa chất một cái hồn cổ kính thơ mộng.
Và đây là mấy ý kiến về thơ của Bùi Giáng mà Thanh Tâm Tuyền đã dẫn:
"Thơ là một cái gì không thể bàn tới, không thể dịch, diễn thì được. Người ta có thể diễn tả một trận mưa rào bằng lời thơ. Thì có lẽ muốn diễn tả một bài thơ, người ta chỉ có thể phát động một trận mưa rào, hoặc một cơn gió thu. Mà muốn thực hiện sự đó, thì ngoài việc làm thơ ra, con người không còn phép gì khác. Thế có nghĩa là muốn bàn tới thơ, diễn dịch thơ, người ta chỉ có thể làm một bài thơ khác.
Người xưa am hiểu sự đó, nên họ chỉ vịnh thơ, chứ không điên rồ mà bàn luận về thơ. Người đời nay trái lại, họ buộc phải luận thơ có mạch lạc luận lý, không được "bốc đồng", vịnh lăng nhăng. Cái chỗ ngu si đó là điều bất khả tư nghị vậy.
Thơ tôi làm chỉ là một cách dìu ba đào về chân trời khác. Đi vào giữa trung tâm bão dông một lúc thì lập thời xô ngôn ngữ thoát ra, phá vòng vây áp bức. Tôi gạ gẫm với châu chấu, chuồn chuồn, đem phó thác thảm hoạ trần gian cho chuồn chuồn mang trên cánh bay đi. Bay về Tử Trúc Lâm, bay về Sương Hy Lạp, ghé Calvaire viếng một vong hồn bát ngát, rồi quay về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu.... Trong chiêm bao thơ về lãng đãng thì từ đó vần bất tuyệt cũng lãng đãng chiêm bao."
Có lẽ chưa từng có ai bàn về thơ với giọng điệu dị thường như vậy. Ông đã mở ra một cõi mênh mông, thăm thẳm cho thơ, và mời gọi người ta bước vào. Và tôi hết sức đồng ý cũng như thích thú với mấy lời của Thanh Tâm Tuyền:
"Đừng có nghĩ, hãy buông mặc theo ông, như ông đã từng buông mặc trong trận đồ kẻ trước. Ông luôn luôn nhắc nhở nơi ông là những bóng vang ai khác. và ta hãy là bóng vang của ông".
Xin cảm ơn thi sĩ Thanh Tâm Tuyền, chỉ với bài viết Bùi Giáng, một hồn thơ bị vây khốn rất ngắn của ông, đã soi sáng cho tôi nhiều điều về cái sâu thẳm không cùng của nhà thơ Bùi Giáng. Vậy thì, hãy bước vào cõi thơ Bùi Giáng bằng cách trút bỏ tất cả hệ luỵ, vứt bỏ cả những phân tích, phê bình, lý luận để mà hít thở và mơ mộng cùng ông, để phiêu bồng cùng ông qua những chân trời không cùng của thơ. 
Huỳnh Hữu Ủy
Nguồn: Xưquang
Theo https://sites.google.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát

Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát Lời hát giao duyên kể về nỗi niềm cô gái thương thầm chàng trai/ Sợ cha mẹ nên trốn tình vào câu hát/ ...