Thứ Hai, 27 tháng 3, 2017

Tình yêu âm nhạc

Tình yêu âm nhạc
Lúc đó là khoảng cuối buổi chiều, một buổi chiều mùa đông se lạnh. Tôi mang cây ghita và bước vào lớp 8C, lớp học này nằm ở cuối dãy nhà. Học sinh trong lớp ồ lên khi thấy một giáo viên mới. Sau giây lát, các em mới đứng nghiêm. Trước những ánh mắt đang nhìn mình chăm chú, tôi liền giới thiệu:
- Cô Thu Huyền dạy âm nhạc ở lớp các em đi công tác ít ngày, thầy sẽ dạy thay trong thời gian này. Tên thầy là Ngọc Quang.
Có tiếng xì xào trong lớp, tôi không giải thích thêm với các em rằng, tôi là bạn của cô Thu Huyền, là giáo viên của trường khác.
Tôi nhìn bao quát lớp học, các em ngồi theo hai hàng. Lớp không đông, chừng hơn 30 học sinh. Bỗng một cánh tay giơ lên, một học sinh nam đứng dậy:
- Thưa thầy, thầy có yêu âm nhạc không ạ?
- Đương nhiên, bởi vì dạy nhạc là nghề của thầy.
Từ phía cuối lớp, lại một cánh tay giơ lên. Một cô bé với vẻ mặt hơi xanh xao, mặc chiếc áo màu xanh da trời, đứng dậy hỏi:
- Thưa thầy, thầy học nhạc từ năm bao nhiêu tuổi ạ?
- Đến năm 20 tuổi thầy mới biết nốt Đô Rê Mi nằm ở đâu trên khuông nhạc, nhưng thầy đã tự học chơi đàn ghi-ta trước đó ít năm.
- Thưa thầy, em rất yêu âm nhạc ạ!- Cô bé tiếp lời bằng giọng nói thật thà.
- Cám ơn em. Nếu ai yêu âm nhạc, âm nhạc cũng sẽ yêu người đó. Âm nhạc sẽ mang lại cho chúng ta nhiều niềm vui và cảm xúc.
Cô bé ngồi xuống. Tôi tự nhủ, không biết vì sao, cô bé này lại ngồi một mình ở cuối lớp. Không muốn học sinh tiếp tục đặt câu hỏi, vì sa đà vào những vấn đề khác. Tôi nói:
- Giờ Âm nhạc hôm nay, các em sẽ học bài Khát vọng mùa xuân. Đây là một sáng tác của nhạc sĩ Mô-da. Nhạc sĩ thiên tài viết bài hát này khi ông mới 6-7 tuổi. Đã qua hàng trăm năm, bài hát vẫn được các em thiếu nhi trên khắp thế giới yêu thích và ca hát.
Chắc hẳn lũ học trò rất tò mò, muốn biết khả năng của thầy giáo mới. Tôi bèn nói:
- Trước khi luyện tập hát bài Khát vọng mùa xuân. Các em nghe thầy trình bày bài hát.
Tôi dạo đàn và cất tiếng hát. Có em nhìn tôi chăm chú, có em mỉm cười, em khác dùng bút gõ nhẹ theo nhịp ... Vừa hát tôi vừa nhìn xuống cuối lớp, cô bé ngồi một mình có nét gì hơi lạ thường. Ánh mắt em mơ màng, như nhìn về phía xa xôi, trên môi phảng phất nụ cười buồn.
Học sinh lớp 8C học hát khá nhiệt tình. Chúng tôi nhanh chóng xóa đi ranh giới giữa giáo viên mới và học sinh cũ. Các em khởi động giọng và tập hát từng câu say sưa. Tập xong bài hát, tôi chỉ định một vài em trình bày. Vẫn có học sinh hát sai, tôi dùng cây ghita, vừa hát mẫu vừa hướng dẫn các em sửa lại.
Ở tuổi này, bọn trẻ rất vô tư. Khi có bạn hát sai, chúng cười ồ lên nhưng tới lượt mình, những đứa cười to nhất cũng chẳng hát đúng...
Thấy cô bé ngồi bàn cuối nhìn mình đăm đăm như có điều muốn nói. Tôi đứng giữa lớp và nói:
- Thầy mời em trình bày lại câu hát vừa tập.
Cô bé đứng lên, giọng em thật đẹp, âm thanh vang lên nhè nhẹ, xa xôi. Điều lạ lùng là khi cô bé hát, mọi học sinh trong lớp dường như đang bị thôi miên, chúng không phản ứng gì. Không có tiếng cười mà cũng chẳng có tiếng thán phục. Tôi nhận xét:
- Em hát giai điệu rất chính xác. Tuy nhiên, để diễn tả những khát vọng của mùa xuân và tình yêu cuộc sống tha thiết. Cần hát say sưa và thể hiện niềm tin, sức sống mạnh mẽ hơn.
Cô bé dường như lúng túng trước những yêu cầu đó của tôi...
Còn khoảng ít phút, tôi yêu cầu từng tổ trình bày một trong hai lời của bài hát. Tôi hướng dẫn các em tiếp tục sửa thêm một vài lỗi nhỏ. Sau đó nói:
- Lớp ta vừa học bài Khát vọng mùa xuân của Mô-da. Nhiều em đã hát đúng giai điệu. Tuy nhiên các em nên dành thêm thời gian để học thuộc lời ca và trình bày bài hát trôi chảy hơn. Trước khi kết thúc, thầy đệm đàn, em nào xung phong trình bày bài hát?
Không có ai giơ tay, rồi tôi thấy bàn tay của cô bé ngồi bàn cuối đưa lên. Tôi dạo đàn và em cất tiếng hát. Âm thanh cất lên lay động không gian, ngoài hiên như có làn gió nhẹ, cuốn vài chiếc lá bay qua cửa lớp. Lớp học lại chìm trong ảo giác ... Tôi ngờ ngợ vì thấy có ranh giới mơ hồ giữa cô bé áo xanh và những học sinh trong lớp.
Tôi nói với cô bé:
- Em đã trình bày bài hát thật hay, bài hát rất xúc động- Quay sang cả lớp, tôi nói- Cám ơn các em về giờ học hôm nay. Chúng ta sẽ gặp lại nhau vào tuần tới. Mời các em nghỉ.
Lũ trẻ ào ra khỏi lớp học. Một lần nữa tôi nhìn xuống cuối lớp. Cô bé áo xanh lặng lẽ ngồi yên như chưa muốn rời chỗ của mình. Trên môi em, dường như có nụ cười bừng lên, hạnh phúc...
Tuần sau tôi lại lên lớp 8C nhưng không thấy cô bé mặc chiếc áo xanh ngồi bàn cuối nữa. Tôi không muốn hỏi học sinh trong lớp về điều này. Tôi chỉ tự nhủ, có lẽ em đã chuyển sang lớp khác hoặc học ở trường khác...
Rồi tôi gặp lại cô bé đó trong bức ảnh ở phòng giáo viên. Bức ảnh chụp một nhóm học sinh, nhưng không phải lớp 8C mà tôi đã dạy. Đúng là cô bé đó, em mặc chiếc áo màu xanh mà tôi đã từng gặp. Xem kĩ bức ảnh, tôi hỏi một nữ giáo viên đã đứng tuổi:
- Tôi đã gặp cô bé mặc chiếc áo xanh này, hình như em đã chuyển sang lớp khác.
Nhìn tôi với ánh mắt hơi khác, người giáo viên nói:
- Không phải. Đây là nhóm học sinh giỏi văn của trường. Bức ảnh chụp cách đây hai năm. Cô bé này học văn rất giỏi, hát cũng hay. Nhưng thật tiếc, em bị tai nạn và đã mất hồi năm ngoái.
Thật là một cú sốc. Tôi sửng sốt. Cô bé này đã mất? Vậy tại sao cô lại xuất hiện ở lớp 8C? Tại sao cô lại học bài Khát vọng mùa xuân ? Tại sao sự xuất hiện và tiếng hát của cô lại thôi miên mọi học sinh, trừ tôi? Không thể giải thích được ...
Thời gian trôi qua, tôi bình tâm đã trở lại. Tôi mong câu chuyện xảy ra chỉ là giấc mơ, nhưng nó vẫn hiện rõ trong tâm trí. Tôi không sợ hãi, thậm chí còn thấy may mắn vì đã được chứng kiến một câu chuyện kì lạ. Cô bé mang tới thông điệp để tôi hiểu rằng, trái đất vẫn bình yên khi con người còn yêu âm nhạc và yêu cuộc sống ...
Lê Ngọc Mai
Theo http://www.music.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...