Thiên tài của một đêm
Năm 1792, đã vài tháng nay, Quốc hội Pháp không
biết quyết bề nào: tuyên chiến chống lại liên minh các hoàng đế hay duy trì hoà
bình. Bản thân vua Luy 16 cũng do dự, ông ta sợ nguy cơ sẽ đến nếu những người
cách mạng thắng lợi, nhưng ông ta cũng e ngại hậu quả bất lợi nếu như cách mạng
thất bại. Các đảng phái cũng phân vân. Nhóm Gi-rông-đanh thúc đẩy tham chiến để
duy trì chính quyền. Rô-bét-xpie và những người thuộc phái Gia-cô-banh đấu
tranh cho hoà bình để có cơ hội giành chính quyền... Tình thế mỗi ngày một
căng, báo chí làm rùm beng, các câu lạc bộ tranh cãi, tin đồn lan truyền mỗi
ngày một thêm ghê sợ kích động dư luận quần chúng. Bởi vậy, cuối cùng, ngày 20-4,
khi vua Pháp đoạn tuyệt ngoại giao với nước Áo và nước Phổ, quyết định của nhà
vua khiến cho mọi người đều cảm thấy nhẹ nhõm- trong trường hợp tương tự thì
bao giờ cũng vậy.
Sự căng thẳng trước cơn bão đè nặng lên Pa-ri
trong những tuần lễ dài lê thê này thật nặng nề và đầy khắc khoải, những nỗi
xúc động bao trùm lên các thành phố, biên giới càng nhức nhối và khủng khiếp
hơn. Các đội quân đóng ngoài trời; trong mỗi khu phố, mỗi làng xã, người ta
trang bị các đội quân tình nguyện vào các đội vệ quốc. Khắp mọi nơi, các công sự
được sửa sang lại, nhất là ở An-dát-xơ là nơi mà người dân biết rằng trong bất
cứ cuộc xung đột Pháp- Đức nào, địa phương này cũng sẽ là nơi diễn ra những trận
giao chiến đầu tiên. Trên bờ sông Ranh, không giống như ở Pa-ri, quân thù, đối
phương không còn là một cái gì trừu tượng, mơ hồ và thê thảm trong những lời
nói của các nhà hùng biện, mà là một hiện thực nhìn thấy được, sờ mó được. Thực
vậy, từ đầu đã được bố phòng, cũng như từ đỉnh cao tháp nhà thờ Xtratbuốc, nhìn
bằng mắt thường đã có thể thấy những trung đoàn quân Phổ tiến lại gần. Ban đêm,
trên dòng sông lạnh lùng, lấp lánh dưới ánh trăng, gió đưa tới cả tiếng xe kéo
pháo của quân thù, tiếng lách cách của vũ khí, tiếng kèn đồng. Ai nấy đều biết
rõ rằng chỉ cần một sắc chỉ đơn giản, một tiếng đơn giản là sấm vang chớp giật
phóng ra từ họng pháo đang còn câm lặng của quân Phổ và cuộc giành giật lâu đời
giữa Đức và Pháp lại tiếp diễn, lần này, một bên nhân danh tự do và bên kia bảo
vệ trật tự cũ.
Còn có ngày nào có thể so sánh được với ngày
25-4-1792, ngày mà những người phu trạm mang đến từ Pa-ri đến Xtratbuốc cái tin
chiến tranh đã được tuyên bố. Từ khắp đại lộ, từ khắp hẻm phố, nhân dân lập tức
đổ ra các quảng trường. Toàn bộ quân đồn trú mặc trang phục chiến dịch đi diễu
hành, trung đoàn nọ nối tiếp trung đoàn kia trong một cuộc duyệt binh lần cuối.
Trên quảng trường lớn, ông thị trưởng Điêtríc đứng chờ đoàn quân, giải băng tam
tài đeo chéo trước ngực, tay cầm mũ đính phù hiệu, vẫy chào đoàn quân. Nhạc kèn
và trống nổi lên, im lặng trở lại. Ở quảng trường này, rồi khắp các quảng trường
khác, Điêtríc đọc toàn văn bản tuyên chiến bằng tiếng Pháp và tiếng Đức. Khi
ông đọc xong, quân nhạc cử bài Đi tới, khúc hát chiến tranh đầu tiên, quốc
ca tạm thời của cách mạng, một dạng nhạc nhảy, vui tươi, hóm hỉnh, lôi cuốn được
các trung đoàn đang cất bước, truyền một nhịp điệu hùng dũng. Sau đó quần chúng
giải tán và mang theo về các đường phố và các gia đình niềm phấn khích cuồng
nhiệt. Trong các câu lạc bộ, trong các tiệm rượu, người ta diễn thuyết say sưa,
người ta đưa ra những lời tuyên bố kiên quyết: Hỡi các công dân! Hãy cầm lấy vũ
khí, cờ chiến đấu đã giương lên rồi! Hiệu lệnh đã ban bố! Báo chí, áp phích,
các diễn giả chỉ lắp lại những lời kêu gọi nồng nhiệt cùng một loại: Hỡi các
công dân, hãy cầm lấy vũ khí, hãy làm cho bọn bạo chúa đội vương miện run sợ!
Tiến lên, hỡi những người con của tự do!
Quần chúng bao giờ cũng hoan hỉ reo hò vang dậy
hưởng ứng lời tuyên truyền, nhưng trong những lúc như thế, cũng có những tiếng
nói khác, nhẹ nhàng hơn, lẻ loi hơn: nỗi lo lắng, sợ hãi cùng bừng dậy trong
giây phút này. Có điều những ý nghĩ đó người ta chỉ nói khẽ ở chỗ kín đáo, sau
những tấm cửa đóng kín, hoặc giả là không hé răng nửa lời, những cặp môi nhợt
nhạt mím chặt. Bao giờ cũng vậy và ở khắp mọi nơi vào giờ phút đó, có những bà
mẹ tự hỏi rằng liệu binh lính địch có chọc tiết con cái họ hay không? Có những
người nông dân run sợ cho ruộng đất, gia súc, mùa màng, những túp lều tranh của
mình. Tuy nhiên, ông thị trưởng Strát-buốc, bá tước Friđêríc Điêtríc, chắc chắn
là một nhà quí tộc, cũng như nhiều người khác của giới quí tộc Pháp, hết lòng
trung thành với lí tưởng mới, chỉ muốn nghe những lời lạc quan: ông chủ tâm biến
vùng này thành một ngày vui chung, Giải băng đeo chéo ngang ngực, ông ta chạy từ
nhóm này sang nhóm khác để cổ vũ dân chúng. Ông ta phân phát rượu vang và lương
thực cho các binh sĩ lên đường và chiều đến, ông ta mời các tướng tá, sĩ quan
và quan chức cao cấp đến dự tiệc chia tay tại dinh cơ rộng rãi của ông ta ở quảng
trường Brô-gơ-li, trong bữa đó, niềm hân hoan đã sớm mang tính chất mừng chiến
thắng. Các vị tướng tin chắc vào chiến thắng cũng như mọi vị tướng trên đời
đóng vai chủ trì bữa tiệc. Các sĩ quan trẻ thấy trong chiến tranh ý nghĩa cuộc
đời được họ thực hiện, lúc này mặc sức nói năng thoải mái. Người ta tán tụng lẫn
nhau, người ta vung gươm lên, người ta ôm chầm lấy nhau. Người ta chạm cốc và một
loại rượu vang hảo hạng khiến cho những lời diễn thuyết càng thêm say sưa.
Trong những bài diễn thuyết ngắn ngủi ấy, những lời kêu gọi sôi động của báo
chí và những lời tuyên cáo được nhắc đi nhắc lại: Hỡi các công dân, hãy cầm vũ
khí... cờ chiến thắng đã giương cao, đã tới ngày đưa lá cờ tam tài tung bay phấp
phới trên khắp thế giới! Vì nhà vua, vì lá cờ, vì nền tự do, hãy hiến dâng những
gì tốt đẹp nhất trong ta! Đó chính là tiếng nói của dân tộc, tiếng nói của cả đất
nước đang mong mỏi sự đoàn kết thiêng liêng trong niềm tin chiến thắng và trong
khát vọng đấu tranh cho tự do.
Đột nhiên, giữa những cốc rượu mừng, giữa những
diễn từ, ông thị trưởng quay về phía viên đại uý công binh tên là Ru-giê đang
ngồi cạnh. Ông ta nhớ rằng viên sĩ quan nhũn nhặn và dễ mến, nếu không gọi là
trang nhã này, sáu tháng trước, nhân dịp bản tuyên ngôn quốc ước đã sáng tác một
ca khúc rất thú vị ca ngợi tự do, lập tức nó được ông Plây-en, nhạc công quân đội
phối âm cho dàn nhạc. Tác phẩm khiêm nhường đó được xác nhận là nghe lọt tai,
được ban đồng ca quân đội tập luyện và biểu diễn trên quảng trường. Với giọng
nói bình thản như nhờ người bạn giúp cho một việc, Điêtríc đề nghị Ru-giê đờ
Lilơ hãy nhân những sự kiện khơi gợi lòng yêu nước lúc này mà sáng tác một cái
gì, giả dụ như một ca khúc chiến đấu cho quân đội sông Ranh ngày mai lên đường
đi chống quân thù.
Ru-giê, con người bình thường nhũn nhặn, chưa
bao giờ nghĩ mình là một thi sĩ lớn, càng không nghĩ rằng mình là một nhà soạn
nhạc lớn, tuy vậy cũng tự biết mình có thể viết nhanh được những ca khúc kịp thời.
Anh nhận lời để làm vui lòng vị quan cao cấp đồng thời là người bạn tuyệt vời của
mình. Phải, anh sẽ làm thử. “Hoan hô Ru-giê”, một viên tướng reo lên ngay trước
mặt anh, nâng cốc uống mừng sức khoẻ của anh và xin anh gửi ngay ra mặt trận
cho ông ta bài ca của anh sau khi làm xong, bởi vì quân đội miền sông Ranh có
thể sẽ rất cần một ca khúc quân hành yêu nước và lôi cuốn. Trong lúc đó có người
lên tiếng. Người ta lại nâng cốc, chạm cốc và nói chuyện ồn ào. Cuộc trao đổi
ngắn ngủi đó bị chìm ngập trong làn sóng nhiệt tình chung. Bữa tiệc mỗi lúc một
huyên náo, những lời nói mỗi lúc một hăng say, và mãi đến rất khuya, khách khứa
mới rời nhà ông thị trưởng ra về.
Đã quá nửa đêm từ lâu. Ngày 25-4, một ngày vô
cùng xúc động của thành phố Strát-buốc đã kết thúc và ngày 26 bắt đầu. Bóng đêm
vẫn còn chùm trên các mái nhà, nhưng là bóng tối dối lừa, bởi vì thành phố vẫn
bừng bừng phấn khích. Trong các trại lính, binh sĩ chuẩn bị lên đường, giữa lúc
đó ở bên trong các cánh cửa, không ít thị dân khôn ngoan cũng sẵn sàng khăn
gói. Các trung đội kéo đi nườm nượp ngoài đường, chốc chốc, tiếng vó ngựa vang
dội của những người truyền tin lại làm rung chuyển cả phố phường rồi đến một
đoàn pháo binh kéo qua ầm ầm như sấm động. Sau cùng là tiếng gọi đều đều của những
người lính canh vang lên không ngừng từ trạm này qua trạm khác. Quân thù đã đến
gần. Thành phố ở trong tâm trạng quá lo lắng, quá xúc động, ngủ làm sao được
trong thời điểm nghiêm trọng như thế này.
Ru-giê vừa leo chiếc cầu thang xoắn ốc lên tới
căn phòng nhỏ xoàng xĩnh của mình. Anh cũng cảm thấy trong lòng rạo rực khác
thường. Anh không quên lời hứa thử sáng tác trong thời gian sớm nhất một hành
khúc, một bài hát ra trận cho quân đội sông Ranh. Anh bứt rứt đi đi lại lại
trong căn phòng chật hẹp. Mở đầu thế nào, ừ mở đầu thế nào đây? Những lời cổ vũ
bốc lửa của những bản tuyên bố, những diễn từ, những lời chúc mừng khi nâng cốc
còn vang lên lộn xộn bên tai anh: Hỡi các công dân, hãy cầm súng lên ... Tiến
lên, hỡi những người yêu Tự do! Hãy đập tan bạo quyền! Cờ chiến đấu đã giương
cao! Nhưng anh cũng nhớ lại những câu khác nữa đã đập vào tai anh ngoài đường
phố. Tiếng nói của những người phụ nữ run sợ cho con trai của mình, của
những người e sợ quân thù sẽ đến tàn phá nước Pháp và làm cho miền đất này ngập
máu. Chính trong trạng thái gần như vô thức, anh viết những đoạn đầu tiên, nó
chỉ lặp lại hoàn toàn, chỉ là tiếng vọng của những lời kêu gọi mà anh đã nghe
thấy:
Hỡi các con yêu của Tổ quốc
Sau đó, anh ngừng lại và suy nghĩ. Tạm được. Mở
đầu tốt. Bây giờ phải tìm nhịp cho đúng, tìm giai điệu cho hợp với lời. Anh lấy
vi-ô-lông ra kéo thử. Ồ, kì diệu làm sao! Ngay từ những nhịp đầu tiên, âm nhạc
đã hoàn toàn hợp với lời ca. Anh vội vàng viết tiếp, cao hứng vì một sức mạnh
chợt đến, lôi cuốn anh. Và, bỗng nhiên, mọi tình cảm bùng lên trong giờ phút
này- niềm căm hờn bọn bạo chúa, lòng tin vào thắng lợi, lòng yêu tự do, tất cả,
dồn dập đến với anh. Ru-giê chẳng cần phải sáng tạo, hư cấu gì nữa. Anh
chỉ việc xếp thành thơ những câu nói mà trong cái ngày duy nhất này, vẫn bay từ
miệng người này sang miệng người khác. Và như vậy anh sẽ nói, sẽ diễn đạt và
hát lên tất cả những gì mà cả dân tộc đang cảm thấy tự đáy lòng mỗi người. Anh
cũng không cần sáng tác nhạc bởi vì nhịp điệu của đường phố, của giờ phút
nghiêm trọng đến với anh qua những cánh cửa sổ mở toang, nhịp điệu kiêu hãnh và
thôi thúc đó, nổi lên trong nhịp bước đều của binh lính, trong tiếng kèn
trôm-pét vang dội, tiếng ầm ầm của những cỗ pháo kéo qua. Có lẽ không phải
chính tại anh, không phải chính anh đã nghe thấy những âm thanh đó, mà tinh thần
của thời điểm này, của đêm nay đã nhập vào anh. Và giai điệu mỗi lúc càng ngoan
ngoãn tuân theo cái nhịp mạnh mẽ đanh thép và khoái hoạt, nó là nhịp đập của
trái tim cả một dân tộc. Ru-giê viết thành hàng những câu thơ và nốt nhạc đến mỗi
lúc một nhanh, như chép theo lời người khác đọc vậy- một cơn bão táp mà tâm hồn
cạn hẹp và trưởng giả của anh chưa hề biết tới, đã ập đến với anh. Một sự hứng
khởi, một niềm hăng say vốn không phải của bản thân anh, mà là một sức mạnh thần
kì cô đọng trong phút bùng nổ ấy đã nâng anh chàng chơi nhạc nghiệp dư xoàng
xĩnh lên cao hàng trăm sải tay trên tầm vóc thực sự của anh và phóng anh ta lên
như một quả pháo thăng thiên- ánh sáng và ngọn lửa ló lên trong giây lát- tới tận
các vì sao. Trong một đêm, viên đại uý Ru-giê đờ Lilơ được phép đứng vào hàng
ngũ của những người bất tử. Ngôn từ sáng tạo thức tỉnh trong anh nhờ vay mượn,
những lời kêu gọi ngoài đường phố và trên báo chí, nó vút lên thành một tiết
thơ bất hủ, về chất thơ cũng như về âm điệu:
Yêu Tổ quốc, tình yêu thiêng liêng!
Hãy dẫn dắt nâng đỡ những cánh tay phục thù của
chúng tôi
Ôi, Tự do, Tự do yêu quí!
Một vài câu thơ nữa và bài ca bất tử được sáng
tạo liền một mạch, thấm nhuần một cảm hứng hào hùng duy nhất, phối hợp hoàn hảo
giữa lời và nhạc, đã hoàn tất trước lúc rạng đông. Ru-giê tắt đèn và nằm vật xuống
giường. Sự minh mẫn vừa qua của giác quan nhường chỗ cho sự kiệt sức. Anh ngủ
say li bì, say như chết. Và thực sự nhà thơ, người sáng tạo thiên tài đã chết
trong anh. Nhưng tác phẩm đã làm xong vẫn còn đấy, độc lập với người đang ngủ,
người đã được giao sứ mệnh làm nên kì tích đó trong một cơn say mê thần thánh.
Chưa bao giờ trong suốt lịch sử các dân tộc, một bài ca lại được sáng tác nhanh
và hoàn hảo đến thế.
Như mọi buổi sáng, chuông nhà thờ báo giờ cầu
nguyện. Chốc chốc, gió tây từ sông Ranh thổi về lại đưa đến tiếng nổ của một loạt
súng. Những cuộc giao chiến đầu tiên đã bắt đầu. Ru-giê thức dậy. Phải khó khăn
lắm anh mới ra khỏi giấc ngủ say. Anh mơ hồ cảm thấy có chuyện gì đã xảy đến với
mình, chuyện gì còn lưu lại cho anh một hồi ức lộn xộn. Vừa lúc đó, anh chợt nhận
ra trên mặt bàn những mảnh giấy chi chít chữ vừa mới viết. Ơ này, những câu
thơ! Anh viết vào lúc nào nhỉ? Lại cả những dòng nhạc nữa? Đúng là nét chữ của
anh! Anh đã sáng tác những dòng nhạc đó khi nào nhỉ? Khỉ quá, đó là ca khúc hôm
qua ông bạn Điêtric đã yêu cầu anh sáng tác, bài hành khúc cho quân đội vùng
sông Ranh. Ru-giê đọc những bài thơ của anh, rồi khẽ hát theo điệu nhạc, nhưng
cũng như tất cả những người sáng tạo đứng trước tác phẩm của mình vừa hoàn
thành, anh vô cùng lưỡng lự. Anh có người láng giềng là một người bạn cùng
trung đoàn, anh đưa anh bạn xem và hát ca khúc đó cho anh ta nghe. Bạn anh có vẻ
hài lòng và chỉ đề nghị vài sửa đổi nhỏ. Sự tán thưởng đầu tiên ấy kiến Rugiê vững
dạ hơn. Nôn nóng như mọi tác giả và tự hào vì đã thực hiện lời hứa của mình
nhanh đến thế, anh chạy ngay lại nhà ông thị trưởng, đúng vào lúc ông ta đang
đi dạo buổi sớm trong vườn, vừa đi vừa ngẫm nghĩ một bài diễn văn mới. Thế nào,
anh đấy à, Rugiê? Ca khúc của anh đã xong rồi ư? Nào, ta thử coi liền xem sao!
Họ trở vào phòng khách. Điêtric ngồi vào pi-a-nô và đệm đàn cho Rugiê hát. Bị
lôi cuốn bởi cuộc hoà nhạc buổi sớm mai khác thường này, phu nhân ngài thị trưởng
bước vào phòng. Bà hứa chép lại tác phẩm mới và với tư cách là một nữ nhạc sĩ
điêu luyện, bà viết luôn nhạc đệm cho khúc hát để trình diễn trong chương trình
chiêu đãi mà họ mời bạn bè thân thiết ngay chiều hôm đó. Điêtric tự hào về giọng
tê-no hay của mình, quyết tâm học thuộc ca khúc. Và ngày 26-4, ngay buổi chiều
trong ngày được thảo xong, khúc hát được trình bày ngay trong phòng khách nhà
ông thị trưởng, trước một cử toạ thuộc nhiều tầng lớp khác nhau.
Hình như thính giả đã nồng nhiệt vỗ tay hoan nghênh và không tiếc lời tán dương
tác giả. Nhưng đương nhiên, các vị khách của khách sạn Brôgơli không ngờ là trước
mắt họ, bài ca bất tử vừa cất cánh bay lên bằng đôi cánh vô hình. Những người
đương thời của một tác phẩm hay một nhân vật rất hiếm khi nhận ra ngay được sự
vĩ đại của tác phẩm hay nhân vật đó. Bức thư của phu nhân ngài thị trưởng viết
cho người em trai, trong đó bà hạ thấp một kỳ tích xuống hàng một chuyện tiếp
tân bình thường, chứng tỏ bà đã đánh giá thấp cái thời khắc thần kỳ đó đến mức
nào: "Cậu biết rằng anh chị đón tiếp rất nhiều khách khứa và phải luôn
nghĩ ra những trò tiêu khiển mới. Chồng chị chợt nảy ra ý nghĩ cần có một ca
khúc hợp thời. Viên sĩ quan công binh Ru-giê đờ Lilơ, một thi sĩ và nhạc sĩ
duyên dáng đã nhanh chóng soạn lời và nhạc cho một ca khúc chiến đấu. Chồng chị
có giọng tê-no hay đã hát ngay ca khúc rất hấp dẫn và không thiếu phần đặc sắc
đó. Bài hát tập trung được những gì ưu tú nhất của Gơ-luc, nhưng sinh động hơn
và hấp dẫn hơn. Về phần chị, chị đã sử dụng năng khiếu hợp tấu của chị và đã soạn
bè cho dương cầm và các nhạc cụ khác nhau. Vì thế chị làm việc khá vất vả. Ca
khúc trình diễn ở nhà chị, được mọi người rất thích thú".
"Mọi người rất thích thú". Sự đánh giá đó đối với chúng ta ngày nay
có vẻ quá ư lạ lùng. Nhưng cái ấn tượng thuận lợi đó, sự thành công có mức độ
đó có thể giải thích rất rõ: mới nghe lần đầu, bài Mac-xây-e chưa thể
bộ lộ hết sức mạnh của nó. Thực vậy, Mac-xây-e không phải là một tác
phẩm dùng cho giọng te-no nhẹ, nó không phải soạn ra để đơn ca trong phòng
khách tư sản, giữa một bản tình ca và một đoản khúc. Một bài hát mỗi lúc một
hùng dũng, dần dần tới mức như tiếng búa nện, nhịp điệu truyền cảm mạnh như luồng
điện giật: "Cầm lấy vũ khí, hỡi các công dân" là để nói với đám đông,
với quần chúng và sự hợp tấu đích thực của nó là ở trong tiếng loảng xoảng của
vũ khí, trong tiếng kèn ầm vang, trong tiếng ồn ào của các trung đoàn hành
quân. Nó không phải để trình diễn cho một cử toạ trầm tĩnh và chăm chú, mà cho
những người đang hành động, đang chiến đấu. Nó không phải được viết ra cho một
giọng nữ kim duy nhất, cho một giọng nam kim duy nhất, mà do hàng ngàn giọng
gào thét của đám đông. Đó là khúc quân hành giàu ý nghĩa tượng trưng, khúc khải
hoàn ca, bài ca bi tráng, quốc ca, bài ca yêu nước của cả một dân tộc. Chỉ
riêng nhiệt tình làm nảy sinh ra bài hát đó đã đem lại sức mạnh cho tác phẩm của
Ru-giê. Khúc ca chưa làm bừng lên ngọn lửa trong trái tim của dân tộc, âm hưởng
kỳ diệu của lời ca của điệu nhạc chưa thấu đến trái tim ấy, quân đội chưa biết
tới hành khúc quân hành chiến thắng của mình. Cách mạng cũng chưa biết tới khúc
khải hoàn ca bất tử của mình.
Cũng như mọi người khác, con người có sứ mạng hoàn thành phép lạ đó cũng không
nghĩ tới tầm cỡ lớn lao của cái mà anh đã sáng tác trong cơn thụy du, theo cảm
hứng của một thiên tài không vững chắc. Dĩ nhiên, nhà nghệ sĩ nghiệp dư đáng
yêu và dễ gây thiện cảm ấy lấy làm thích thú về những lời khen ngợi nhã nhặn và
những lời vỗ tay ròn rã vang lên quanh anh, các tân khách nhà ông thị trưởng
hoan nghênh thành công của anh... Vả lại, chính anh cũng tìm cách khai thác
thành công trong môi trường nhỏ bé của mình theo kiểu đó. Anh hát tác phẩm mới
của anh trong quán cà phê trước các chiến hữu, anh cho chép lại tác phẩm và gửi
cho các tướng lĩnh quân đội sông Ranh. Giữa lúc ấy, theo lệnh của ông thị trưởng
và yêu cầu của các quan chức trong quân đội, ban nhạc Vệ quốc quân thành phố
Xtratbuốc phải tập Bài ca chiến đấu cho quân đội sông Ranh và bốn
ngày sau trình diễn hành khúc mới tại quảng trường lớn nhân dịp xuất quân. Xúc
động bởi tình cảm yêu nước, một nhà xuất bản của thành phố nhận in không công
tác phẩm này, có ghi lời tác giả kính cẩn đề tặng cấp trên của mình là đại tướng
Luychne. Nhưng không một viên tướng nào của đoàn quân sông Ranh thực sự nghĩ đến
chuyện cho tấu nhạc hoặc hát bài hát đó vào lúc hành quân. Và cũng như tất cả mọi
tiểu phẩm trước kia của Ru-giê, thành công của Tiến lên hỡi các con yêu của
Tổ quốc, hình như chỉ ngày hôm sau là không ai biết đến nữa, nó sẽ chỉ là một sự
kiện tỉnh lẻ, vì vậy bị quên lãng nhanh chóng.
Tuy nhiên, sức mạnh tự nhiên của một tác phẩm vĩ đại rút cuộc bao giờ cũng bộc
lộ ra. Một kiệt tác rất có thể bị thời gian lãng quên, người ta có thể cấm đoán
hoặc chôn vùi nó, nhưng bao giờ cái trường cửu nhất định cũng thắng cái phù du.
Trong một hai tháng, người ta không nghe nhắc tới bài hát nổi tiếng đó nữa. Những
bản chép tay và những bản in đã lọt vào hoặc chuyển qua tay những con người hờ
hững. Nhưng chỉ cần một người thực sự nhiệt tình với một tác phẩm là đủ để kéo
nó ra khỏi lãng quên, bởi vì mọi nhiệt tâm chân thành đều là một yếu tố sáng tạo.
Ở đầu kia của nước Pháp, tại Mac-xây, ngày 22-6, câu lạc bộ những người bạn của
Quốc ước tổ chức một bữa tiệc tiễn những người tình nguyện lên đường. Mặc đồng
phục liên minh quân cách mạng, sáu trăm chàng trẻ tuổi hăng hái ngồi quanh một
chiếc bàn rộng mênh mông. Cũng như những người Xtrabuốc ngày 26-4, họ bừng bừng
như trong cơn sốt, nhưng cơn sốt này còn nóng bỏng hơn và say sưa hơn nhiều do
khí chất người phương nam của họ. Tuy nhiên, lần này người ta không còn tỏ ra
tin tưởng huênh hoang vào chiến thắng như những giờ đầu nữa. Thực ra, những
đoàn quân cách mạng đã không vượt qua được sông Ranh, không được dân chúng tiếp
đón chân tình như những viên tướng đã cam kết một cách khoác lác; trái lại,
quân thù đã tiến khá sâu vào đất nước, nền tự do bị đe doạ, chính nghĩa đang
lâm nguy...
Bỗng nhiên, giữa bữa tiệc, có một người, ngài Mi-rơ nào đó, bác sỹ y khoa trường
Đại học Mông-pe-li-ê, cầm cốc đứng dậy, mọi người im lặng nhìn ông. Họ chờ đợi
một bài diễn văn, một cuộc chạm cốc. Nhưng thay vì làm như vậy, con người tuổi
trẻ đó dang tay phải ra và hát một bài mới mà anh ta đã học được không biết bằng
cách nào: "Hỡi các con yêu của Tổ quốc!... ". Tia lửa đã bắt vào
thuốc súng. Tình cảm đã gặp nhau.
Tất cả những chàng trai trẻ đó trong vài ngày nữa sẽ phải lên đường, đang
nóng lòng chiến đấu cho tự do và sẵn sàng chết cho Tổ quốc, họ cảm thấy ý chí
sâu sắc nhất của họ, tư tưởng riêng tư nhất của họ được thể hiện qua lời
của bài hát đó. Nhịp điệu của bài ca dựng họ vùng lên không sao cưỡng nổi trong
niềm hân hoan cuồng nhiệt. Mỗi đoạn lại được hoan hô, phải hát lại đến hai, ba
lần. Mọi người thuộc ngay bài ca, họ nâng cốc đồng thanh hát lại điệp khúc, gào
đến vỡ họng: "Cầm lấy vũ khí, hỡi các bạn công dân. Hãy thành lập các
tiểu đoàn". Những người tò mò từ ngoài đường phố chạy đến để
biết vì sao họ cuồng nhiệt đến thế và lập tức hát cùng với họ. Cả ngày hôm sau
mọi người đều hát bài hát đó. Nó, được in ra hàng ngàn bản vào ngày mồng 2-7,
ngày lên đường, nó theo những người tình nguyện trong suốt cuộc hành trình của
họ. Trên đường đi, lúc mệt nhọc, khi chân họ lê bước nặng nề, chỉ cần một người
trong bọn cất tiếng hát, là nhịp điệu lôi cuốn của bài ca lại cổ vũ họ truyền
thêm sức mạnh cho họ. Có lúc hành quân qua một làng, những người nông dân ngạc
nhiên tụ tập lại, hoà giọng hát với đoàn quân. Bài ca ấy trở thành bài hát của
Liên minh cách mạng thành phố Mác-xây mà không ai biết nó vốn là bài hát soạn
cho đoàn quân sông Ranh. Không ai biết tác giả, cũng không ai biết nguồn gốc của
nó. Họ đã thừa nhận nó và coi nó là biểu tượng lòng tin của mình. Nó là của họ,
cũng như lá quân kỳ, và họ hăm hở muốn đem truyền bá ra khắp mọi nơi trên thế
giới.
Thắng lợi to lớn đầu tiên của bài Mac-xây-e (chẳng bao lâu về sau bài
hát của Ru-giê đờ Lilơ được mang cái tên như vậy) là ở Pari. Ngày 30-7, đoàn
quân đi vào các vùng ngoại ô, dẫn đầu là quốc kỳ. Trong các phố xá hàng ngàn
người chờ đón những người Mac-xây để hoan hô họ và khi sáu trăm con người tiến
lên, vừa đi vừa hát hoàn toàn hoà hợp với nhịp bước bài ca mà họ hát đi hát lại
không mệt mỏi thì đám đông dỏng tai nghe. Bài ca kỳ diệu làm nức lòng người mà
những người Mac-xây kia hát là bài gì vậy? Câu "Cầm lấy vũ khí hỡi
các công dân!", nghe như lời kêu gọi bằng kèn, kèm theo tiếng trống rền
vang làm rung động mọi con tim. Hai, ba giờ sau, điệp khúc lan ra khắp các phố
phường. Bài Đi lên! bị quên ngay, những bài quân hành cũ, những khúc
đoạn cổ hủ của nó cũng bị quên đi: cách mạng đã nhận ra tiếng nói của mình,
cách mạng đã khám phá ra bài ca của mình.
Bài ca được truyền đi nhanh như chớp, thắng lợi của nó không gì cưỡng lại nổi.
Người ta hát bài ca trong các bữa tiệc, trong các rạp hát, trong câu lạc bộ và
cả trong nhà thờ. Vài tháng sau, bài Mac-xây-e trở thành bài ca của
quân đội, của toàn dân. Xec-van, ông Bộ trưởng thứ nhất bộ chiến tranh nước Cộng
hoà nhận ngay thấy tính năng nổ, sức cổ vũ của bài ca dân tộc phi thường như vậy.
Ông đã nhanh chóng cho phân phát hằng trăm nghìn bản tới tất cả các binh đoàn
và chỉ trong hai, ba ngày bài hát vô danh đã trở nên quen thuộc hơn tất cả các
tác phẩm của Mô-li-e, Ra-xin và Vôn-te. Không có ngày hội nào không kết thúc bằng
bài Mac-xây-e. Không có trận đánh nào mà ban nhạc của các trung đoàn lại
không cử bài ca của tự do. Ở Giơ-map-pơ và Phlơ-rut, các đoàn quân tập trung để
tiến hành một cuộc xung phong quyết định đã đồng ca bài đó. Và những viên tướng
bên địch vốn chỉ biết động viên binh sĩ bằng một cách cổ điển là tăng gấp đôi
khẩu phần rượu mạnh, đã kinh hãi nhận thấy rằng họ không thể chống đỡ nổi sức mạnh
kinh hồn của bài ca "khủng khiếp" đó, khi nó được phát ra cùng một
lúc từ giọng ồm ồm của hàng ngàn người, ngân vang và rung động diệu kỳ như lượt
sóng ào tới trùm lên đầu binh sĩ của họ. Bây giờ bài ca đã bay lượn khắp các
chiến trường, bài Mac-xây-e, như Ni-kê, nữ thần chiến thắng có cánh đã
thôi thúc biết bao con người hân hoan lao vào cuộc tử chiến.
Trong lúc đó, Ru-giê, người sĩ quan công binh
vô danh vẫn ở trong cái trại lính nhỏ tại Hu-min-gơ và kiên trì tiếp tục vẽ sơ
đồ xây dựng những thành luỹ bố phòng. Có thể anh đã quên bài ca chiến đấu của
trung đoàn sông Ranh mà anh đã sáng tác trong cái đêm 26-4-1792 xa xưa ấy, và
anh không hề ngờ rằng, bài ca chiến trận đã chinh phục trái tim Pa-ri mà báo
chí nói đến, bài Mac-xây-e vinh quang ấy và bài ca anh sáng tác chỉ
là một. Bởi vì - cái trớ trêu của định mệnh mới khắc nghiệt làm sao - chính người
làm ra bài ca vang động khắp gầm trời và thấu tới các vì sao ấy vẫn chỉ là người
lính thường như trước. Chẳng có người nào ở nước Pháp lại bận tâm đến viên đại
úy Ru-giê đờ Lilơ. Cái vinh quang vĩ đại xưa nay chưa bài ca nào có được, mãi
mãi dừng lại nguyên vẹn ở chính bài ca đó, tuyệt nhiên không đem lại mảy may
vinh dự cho tác giả. Tên của anh không được ghi trên các bản nhạc và bản thân
anh sẽ hoàn toàn không được người đương thời biết đến nếu như tự anh không làm
cho họ phải tức giận anh. Bởi vì - chỉ lịch sử mới biết tạo ra cái trò ngược đời,
thiên tài - người làm ra bài ca cách mạng không phải là người cách mạng.
Trái lại, chính anh, người đã giục giã cách mạng mau đến bằng bài ca bất tử của mình thì bây giờ lại muốn ra sức ngăn cản cách mạng. Khi dân chúng Pari hát bài Mac-xây-e xông lên tấn công điện Tuy-lơ-ri và phế truất ngôi vua. Ru-giê đờ Lilơ không thừa nhận cách mạng nữa. Anh từ chối tuyên thệ với nền Cộng hòa và cho rằng thà rời bỏ quân ngũ còn hơn là phục vụ bọn Gia-cô-banh. "Nàng tự do thân yêu" mà anh gợi ra ở một trong những đoạn của bài ca không phải là tiếng nói suông đối với con người chân thực ấy.
Anh chống lại những con người cầm đầu quốc hội lập
hiến của nước Pháp không kém chống lại những bạo chúa mang vương miện ở bên kia
trận tuyến, và anh công khai tỏ thái độ ác cảm đối với Uỷ ban an ninh quốc gia
khi Đi-ê-tric, bạn thân của anh, người cha đỡ đầu của Mac-xây-e, viên tướng
Luychne mà anh đề tặng bài ca, những sĩ quan và những nhà quý tộc là những người
đầu tiên được nghe bài ca trong cái đêm 26 tháng tư đáng ghi nhớ ấy bị đưa lên
máy chém. Lập tức xuất hiện một tình thế nực cười: Nhà thơ ca ngợi cách mạng bị
cầm tù vì tội phản cách mạng. Có lẽ chỉ nhờ ngày 9 Técmiđô, ngày Rô-bét-xpie bị
lật đổ và các nhà tù được mở cửa, cách mạng nước Pháp mới không giao nhà thi sĩ
đã sáng tác bài ca bất diệt cho lưỡi dao cạo quốc gia. Dù sao, nếu sự thể có đến
nỗi như thế đi nữa thì đấy cũng là một cái chết anh hùng chứ không phải là sự
chôn vùi thê thảm trong bóng tối đang chờ đợi Ru-giê. Thực vậy, con người bất hạnh
ấy còn sống thêm hơn bốn chục năm kể từ ngày duy nhất thật sự sáng tạo của đời
mình. Người ta thu hồi quân phục của anh, anh không được lĩnh hưu bổng nữa, các
nhà thơ, sách vở, nhạc kịch của anh không được in, không được biểu diễn, hoặc
không đem lại lợi lộc gì cho anh cả.
Định mệnh đã không tha thứ cho người nghệ
sĩ nghiệp dư đã dám bước vào hàng ngũ những người bất tử. Các-nô đã thử giúp
anh, nhưng vô ích. Sự tàn ác của số phận đã làm anh trở thành một thiên tài,
tôn anh lên bậc thánh nhân trong vài giờ để rồi lại quẳng anh vào cõi hư vô,
làm cho tính nết anh đâm ra đổ đốn không phương cứu chữa. Anh cãi nhau, gây lộn
với mọi người có quyền thế.
Khi đã lọt vào một chức vụ ngoại giao, anh viết cho
Bônapactơ những bức thư thống thiết và xấc xược. Anh khoe ầm lên là đã bỏ phiếu
chống ông ta. Điều đó buộc anh phải rời nhiệm sở và tiếp đó anh bị cảnh sát thường
xuyên theo dõi, và lại còn bị tình nghi là có âm mưu làm loạn nữa. Mệt mỏi, anh
ẩn mình ít lâu ở tỉnh lẻ. Rồi anh trở về Pari, nhưng ở đấy sự khốn cùng đang chờ
anh, đến nỗi anh lại phải vào tù vì mắc nợ Xăngtơpêlagi một phiếu khoán không
trả được tiền.
Trong lúc Ru-giê đờ Lilơ giãy giụa giữa bao nhiêu lo lắng phiền
muộn, bài ca vẫn tiếp tục vận mệnh của nó: trước hết những đoàn quân chiến thắng
đưa bài ca đi xuyên qua cả châu Âu, rồi Bônapactơ lên ngôi hoàng đế liền gạch bỏ
nó ra khỏi mọi chương trình vì tính chất quá ư cách mạng của nó, tiếp đến triều
đại Buôc-bông cấm hẳn bài ca.
Ngạc nhiên biết bao cho ông già khổ não ấy, khi
thấy bài ca sống lại mười lăm năm sau trên các chiến luỹ của cách mạng tháng bảy
và ông lại nhận được giải băng đỏ với danh nghĩa tác giả bài ca cùng với một số
tiền trợ cấp nhỏ do Lui Philip, ông vua công dân ban cấp. Con người bị bỏ rơi
không tăm tiếng cứ tưởng mình nằm mơ: Người ta hãy còn nhớ đến ông! Nhưng đó
không chỉ là một hồi tưởng nhạt nhẽo và khi ông chết ở Soađilơroa năm 1836, thọ
76 tuổi, không ai nhắc đến ông nữa, cũng không ai biết đến tên ông. Nhiều thế hệ
đã tiếp nối tiếp nhau. Mãi đến trong chiến tranh thế giới khi âm điệu sôi nổi của
bài Mac-xây-e, từ lâu đã trở thành quốc ca vang dội trên khắp mặt trận
Pháp - người ta mới ra sắc lệnh đưa di hài viên thiếu uý bé nhỏ đảo Cooc-xơ
trong Viện phế binh. Và con người sáng tạo nên bài ca bất hủ mà tên tuổi vẫn
chìm trong bóng tối, cuối cùng đã được yên nghỉ trong hầm mộ danh dự của Tổ quốc:
Đấy là niềm an ủi cao cả nhất cho cái số phận hẩm hiu vì đã chỉ là thi sĩ trong
có một đêm.
Trái lại, chính anh, người đã giục giã cách mạng mau đến bằng bài ca bất tử của mình thì bây giờ lại muốn ra sức ngăn cản cách mạng. Khi dân chúng Pari hát bài Mac-xây-e xông lên tấn công điện Tuy-lơ-ri và phế truất ngôi vua. Ru-giê đờ Lilơ không thừa nhận cách mạng nữa. Anh từ chối tuyên thệ với nền Cộng hòa và cho rằng thà rời bỏ quân ngũ còn hơn là phục vụ bọn Gia-cô-banh. "Nàng tự do thân yêu" mà anh gợi ra ở một trong những đoạn của bài ca không phải là tiếng nói suông đối với con người chân thực ấy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét