Vài suy nghĩ về nền âm nhạc, hay nền ca khúc
quần chúng không nhạc
đệm ở Việt Nam
Nền âm nhạc Việt Nam đang có chiều hướng quay trở lùi với sự phát
triển rầm rộ của ca khúc quần chúng. Còn nhớ, đã có một thời gian dài, ở miền Bắc,
giới âm nhạc chuyên nghiệp của ta còn giữ được “một phương” say sưa nghiên cứu,
tìm tòi, tất cả đều muốn vươn tới mơ ước viết được những tác phẩm khí nhạc, có
thể giao lưu được với thế giới. Tất nhiên, để đạt thành quả ở lĩnh vực này còn
phải đầu tư chiều sâu và nỗ lực nhiều hơn nữa, cũng như cần có thời gian hàng
vài chục năm. Ở lĩnh vực biễu diễn, tầm cỡ thế giới, đáng tự hào ta đã có Đặng
Thái Sơn. Nhưng trong lĩnh vực sáng tác, ta không thể mang ca khúc ra để giao
lưu với thế giới.
Còn ngày nay, có thể nói, ca khúc quần chúng đã lên ngôi, và hoàn
toàn chiếm lĩnh nền âm nhạc Việt Nam. Hầu như tất cả báo chí và các phương tiện
thông tin đại chúng ngày ngày chỉ lăng xê và tâng bốc các ca sĩ và các nhạc sĩ
viết ca khúc quần chúng. Chúng ta không phản đối nghệ thuật quần chúng, nhưng một
nền âm nhạc của một quốc gia mà hầu như chỉ có ca khúc quần chúng thì thật là...
Những chương trình như “Bài hát Việt”, “Con đường âm nhạc”,
“Sao Mai điểm hẹn”, v.v... và rất nhiều những chương trình trên truyền
hình hiện nay, chỉ hoàn toàn là ca khúc, mà lại thường được quảng cáo là “Bộ
mặt đương đại của nền âm nhạc Việt Nam”. Điều này làm cho tuyệt đại đa số công
chúng, kể cả người nước ngoài, hiểu sai rằng âm nhạc Việt Nam chỉ có ca khúc quần
chúng. Nên gọi cho chính xác hơn, những chương trình như “Bài hát Việt”, “
Con đường âm nhạc”, “Sao mai điểm hẹn”... là “Một phần bộ mặt đương đại
của nền ca khúc quần chúng Việt Nam”.
Chúng ta phải khẳng định rằng: Ca khúc không thể là bộ mặt của một
nền âm nhạc của bất cứ quốc gia nào. Dù có sáng tác bao nhiêu ca khúc đi nữa,
chất lượng của ca khúc cao thế nào đi nữa, mà ta không có tác phẩm viết cho khí
nhạc, thì đối với thế giới, nền âm nhạc chuyên nghiệp của chúng ta vẫn chỉ là số
không! Đó là một sự thực đơn giản mà giới âm nhạc chuyên nghiệp của ta ai
cũng biết. Đỉnh cao nhất của nghệ thuật âm nhạc của loài người vĩnh viễn là những
tác phẩm khí nhạc hùng vĩ như những bản Fuga của Bach, Giao hưởng của
Beethoven, Tchaikovsky, Debussy, Stravinsky, v.v...
Vậy con đường để hoà nhập với nền âm nhạc chuyên nghiệp trên thế giới
là viết khí nhạc (tất nhiên khí nhạc chuyên nghiệp không phải là các trào lưu
nhạc pop, cũng là một hình thức văn hoá quần chúng, giải trí của phương Tây như
nhạc Rock, nhạc Jazz, nhạc Rap, nhạc World music, nhạc Đồng quê, nhạc Hip-hop,
v.v...), nhưng vì sao các nhạc sĩ của ta biết mà không đi, hầu hết chỉ viết ca
khúc quần chúng? Có thể trả lời rằng: viết khí nhạc vô cùng khó, phải có tài
năng đặc biệt và phải được học hành tử tế từ nhỏ trong hàng chục năm trời, phải
tự nguyện lao động khổ sai suốt đời mà khả năng thành công là rất hiếm, ít danh
ít lợi, “Một mình mình biết, một mình mình hay”. Ngược lại, viết ca khúc
quần chúng không nhạc đệm là một công việc dễ dàng và đơn giản nhất của
nghề nhạc. Từ một người bình thường, sau khi viết được 1-2 ca khúc quần chúng,
nếu giỏi lăng xê, đã có thể trở thành một “nhạc sĩ” nổi tiếng mà không cần có
năng khiếu đặc biệt, học hành thì chỉ cần biết qua “son phe” (đọc nốt nhạc), và
có thể trong vòng 10-15 phút là đã viết xong được một bài hát, nhưng kết quả lại
“ngon ăn” và chóng mang lại danh lợi nhất. Làm chơi, ăn thật.
Mới có vài tháng kể từ ngày khai trương website “nhacso.net” đã có
hàng vạn bài hát Việt Nam được đưa lên mạng. Cứ với đà sinh sôi nẩy nở, toàn
dân trở thành nhạc sĩ sáng tác ca khúc như thế này, trong tương lai gần, chả mấy
chốc ta sẽ có hàng triệu bài, tha hồ mà nghe, tha hồ mà... hát với nhau.
Vậy thế nào là ca khúc quần chúng không nhạc đệm?
Ta không thể tưởng tượng rằng một ca khúc của F. Schubert lại không
gắn với phần hoà âm do chính ông viết. Ở những nước có nền âm nhạc chuyên
nghiệp phát triển, mỗi một ca khúc, kể cả ca khúc quần chúng, luôn luôn có một
phần đệm cố định, thường thì do chính tác giả của phần giai điệu viết ra cho
đàn piano. Đó là tính chuyên nghiệp của người nhạc sĩ.
Riêng ở Việt Nam, hầu hết các nhạc sĩ (viết ca khúc) không viết được
phần đệm cho các bài hát của chính mình sáng tác ra. Điều đó nói lên tính không
chuyên nghiệp của nền âm nhạc Việt Nam. Vì vậy ở ta đẻ ra “nhạc sĩ phối khí”. Để
cho nhiều người khác phối hoà âm cho bài hát của mình thì có khác nào người hoạ
sĩ đi thuê người khác “tô màu” cho bức tranh của mình. Hoà âm chính là màu sắc
của âm nhạc. Mỗi một người (ở đây là nhạc sĩ phối khí) được thuê sẽ “tô” một kiểu
màu khác nhau, và bức tranh đó sẽ không còn là của người hoạ sĩ nữa. Vậy người
đi thuê tô màu cho bức tranh của mình, có thể gọi là họa sĩ chuyên nghiệp được
không? Giả sử, nếu để trở thành hội viên sáng tác Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đơn giản
chỉ là: phải viết được phần đệm cho chính ca khúc của mình sáng tác ra, tôi dám
chắc, sẽ có rất nhiều hội viên sáng tác hiện tại, kể cả những nhạc sĩ đang
rất nổi tiếng, sẽ không đủ tiêu chuẩn!
Một hiện tượng trái quy luật nữa là, trước kia, các nhạc sỹ tạo ra
ca sỹ (như trường hợp Trịnh Công Sơn với giọng hát Khánh Ly. Nhạc sĩ Nguyễn Cường
với giọng ca Y Moan, v.v...), còn ở Việt Nam bây giờ, nhiều nữ ca sỹ ngôi sao
“đẻ” ra nhạc sỹ. Rất nhiều nhạc sỹ nổi lên nhờ “ăn theo” (nói hơi thô thiển, là
chui ra từ...) các giọng ca. Có lẽ chúng ta không cần bàn về “chất lượng” của
các nhạc sĩ đó.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét