Trong lịch sử âm nhạc thế giới và các quốc gia, có lẽ con số những
dòng sông được âm nhạc diễn tả và ngợi ca thật khó đếm hết.
Nhờ âm nhạc mà dòng sông Đa nuýp chảy qua nhiều nước châu Âu đã trở
thành dòng sông của nhân loại qua bản Sông Đa-nuýp xanh đẹp của nhà soạn nhạc
J. Strauss. Sông Hắc Long Giang (tiếng Nga gọi là sông A-Mua) cũng nổi tiếng nhờ
bản hợp xướng Sóng Hắc Long Giang của Klao-ut. Gần đây hơn, trong không khí trẻ
trung của nhạc nhẹ, giới thanh niên toàn cầu cùng hát vang Dòng sông Babilon. Với
riêng quốc gia của mình, người nước nào cũng sẽ đều tự hào bởi những bài hát viết
về những dòng sông trong tổ quốc yêu quý. Và với đất nước Việt Nam ta, điều đó
cũng không là ngoại lệ.
Từ khi lịch sử Tân Nhạc Việt Nam hình thành có lẽ con sông đầu tiên
được hát lên chính là sông Bạch Đằng lịch sử với những chiến công lẫy lừng từ
thời Ngô Quyền đến thời Trần Hưng Đạo. Những thanh niên thập kỷ 40 thế kỷ trước
đã hơn một lần hát vang những Bạch Đằng Giang (Lưu Hữu Phước), Trên sông Bạch Đằng
(Hoàng Quý). Khi Hoàng Phú (sau là nhạc sĩ Tô Vũ) hát về dòng Hát Giang thời
Hai Bà Trưng trong nhạc phẩm Ngày xưa, thì Lưu Hữu Phước lại hát về sông Gianh
giới tuyến phân tranh Trịnh - Nguyễn một thời dài qua Hờn sông Gianh. Nhưng đấy
là những âm hưởng chính ca mang hơi thở hùng tráng.
Con sông được chảy thành những giai điệu trữ tình đầu tiên lại là
sông Thương (Bắc Giang). Tên sông đã được Đặng Thế Phong đưa vào trong nhạc phẩm
Con thuyền không bến: "Lướt theo chiều gió. Một con thuyền theo trăng
trong. Trôi trên sông Thương. Nước chảy trôi dòng ...". Văn Cao sau những
âm hưởng chính ca về sông Bạch Đằng, lại chợt thăng hoa con sông nhánh ở miền
Thủy Nguyên (Hải Phòng) chảy ra sông Bạch Đằng thành con sông trong chốn thiên
thai: "Lênh đênh dưới hoa chiếc thuyền lan, quê hương dần xa khuất núi
ngàn. Bâng khuâng chèo khua nước Ngọc Tuyền. Ai hát bên bờ Đào Nguyên"
trong nhạc phẩm Thiên Thai. Rồi cũng như Đặng Thế Phong, khi viết về Trương Chi
trong nhạc phẩm Trương Chi, Văn Cao cũng thêm lần cảm hứng về sông Thương với
nhịp chèo đò dị biệt: "Đò ơi! đêm nay dòng sông Thương dâng cao mà ai hát
dưới trăng ngà ...".
Sông Hồng - dòng sông Mẹ (sông Cái) đã tạo nên cả một nền văn minh
châu thổ Bắc - nền văn minh sông Hồng - khi ấy lại lặng lẽ chảy vô danh trong
nhạc phẩm Con thuyền xa bến của Lưu Bách Thụ. Chỉ khi đọc hồi ký của nhạc sĩ
Nguyễn Đình Phúc – tác giả Cô lái đò (thơ Nguyễn Bính) cũng viết về một dòng
sông ở Nam Định – ta mới có thể tưởng tượng được rằng Lưu Bách Thụ viết về sông
Hồng mùa lũ. Hồi ký viết: "Ngồi trên mặt đê, nhìn làn nước mênh mông, đỏ
quạch phù sa đang sôi réo ngay dưới chân trước mặt, tôi thấy nôn nao trong lòng
... Những người màn trời chiếu đất trên mặt đê này sẽ dạt về đâu?
Tôi vừa tự hỏi vừa nhìn những xoáy nước đang xoay vần với những đám
bọt đỏ ngầu và cánh bèo tây dập dềnh giai điệu con thuyền xa bến chợt vang lên
trong tôi với hình ảnh Lưu Bách Thụ đang nhìn tôi: Theo gió thuyền xuôi, sóng
đưa bèo trôi, tiếng đàn trầm man mác lòng tôi ...". Sông Hồng chỉ thực sự
chảy thành âm nhạc rồi chảy ra thế giới trong festival thanh niên thế giới
1950, khi nhịp điệu và hình ảnh của sông được đưa vào trong nhạc phẩm Người Hà
Nội tuyệt tác của Nguyễn Đình Thi: "Hồng Hà tràn đầy. Hồng Hà cuốn, tràn đầy
dâng, ngàn nguồn sống ...", "Việt Nam yêu dấu ngả soi bóng sông Hồng
Hà ...". Đấy là những ngày tổ quốc Việt Nam thoát khỏi ách nô lệ và kiêu
hãnh đứng lên làm cuộc kháng chiến trường kỳ. Bêncạnh sông Hồng, sông Hương ở
Huế cũng chảy vào nhạc phẩm Bình Trị Thiên khói lửa của Nguyễn Văn Thương:
"Hướng về Nam. Ai từng vô sông Hương, từng nương Thiên Mụ, từng ngụ Đập
Đá, Văn Xá, Truồi Nong ...". Sông Hàn ở Đà Nẵng cũng lai láng trong nhạc
phẩm Bến Hàn Giang của Ngọc Trai: "Đêm nay trên sông Hàn mờ sâu. Vi vu đưa
gió ngàn về đâu. Buồm xuôi gió thuyền xa bến bờ ...".
Ở châu thổ sông Cửu Long miền Nam Bộ, từ sau ngày 23.09.1945 vang
lên trong câu hát Tạ Thanh Sơn: "Mùa thu rồi ngày hăm ba ta đi theo tiếng
kêu sơn hà nguy biến", dòng Cửu Long cũng lặng lẽ chảy vào âm nhạc qua nhạc
phẩm Tiếng còi trong sương đêm của Hoàng Việt (khi đó còn bút danh là Lê Trực):
"Bến nước gió rét đò thưa khách sang. Lau xanh ven sông mờ rung bóng trăng
...".
Nhưng cuộc chiến đấu càng ác liệt, càng thắng lợi thì lại càng thiếu
hình ảnh những con sông xuất hiện trong các nhạc phẩm. Riêng sông Lô - một
nhánh thượng lưu chảy vào sông Hồng – sau chiến thắng Thu Đông 1947 đã có 5 tác
phẩm thanh nhạc đồ sộ ngợi ca. Đó là Lô Giang (Lương Ngọc Trác), Chiến sĩ sông
Lô (Nguyễn Đình Phúc), Bên bờ sông Lô (Phạm Duy), Đoàn quân sông Lô (Lưu Hữu
Phước) và Trường ca sông Lô của Văn Cao. Dựa trên cấu trúc của Sông Đa-nuýp
xanh đẹp, Văn Cao đã sáng tạo ra một bức tranh âm thanh về sông Lô với những
nét vờn tỉa, với những sóng dạt dào chảy vào hồn ta: "Sông Lô sóng ngàn Việt
Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u ...". Cũng ở nhạc phẩm này, Văn Cao lại
sáng tạo thêm một nhịp chèo đò mới sau nhịp chèo đò ở Trương Chi. Đó là nhịp gõ
thuyền lách cách trên dòng sông: "Vui hát ca hòa vui hát ca hòa dân buông
lưới Phan Lương vui bóng thuyền ...". Sau khi viết về sông Lô, Văn Cao lại
viết về sông Thao – cũng là một nhánh thượng lưu sông Hồng chảy về từ miền Tây
Bắc – trong nhạc phẩm Serénada: "Từ con sông Hồng như máu. Bao người dân
đang đổ dồn về quê cũ...".
Song phải đến khi Du kích sông Thao của Đỗ Nhuận dâng trào mênh
mang thì người thưởng thức âm nhạc mới thấy bộ ba Trường ca sông Lô, Du kích
sông Thao và Người Hà Nội mới thực sự tạo ra một dòng sông Hồng bằng âm nhạc:
"Sông Thao ngoài bến Việt Trì có những chàng áo nâu về say mê dòng nước,
vui tràn trề". Sông Đuống miền quan họ tuy nhỏ nhoi nhưng qua tài năng thi
sĩ Hoàng Cầm cũng được biết đến như một dòng sông kháng chiến danh tiếng. Bài
thơ Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm đã được nhạc sĩ Hồ Bắc phổ nhạc:
"Sông Đuống một dòng lấp lánh. Nằm nghiêng nghiêng trong kháng chiến trường
kỳ".
Ở Nam Bộ, cùng những Con kênh xanh xanh trong âm nhạc Ngô Huỳnh,
tên sông Cửu Long Giang đã nhập vào bao nhạc phẩm. Đấy là Du kích Long Phú (Quốc
Hương): "Ai vượt Cửu Long Giang. Vững chí lướt sóng ngàn ..." hay Tiểu
đoàn 307 (Nguyễn Hữu Trí. Thơ: Nguyễn Bính): "Ai đã từng đi qua sông Cửu
Long Giang. Cửu Long Giang sóng trào cước xoáy ...". Cũng như sông Đuống,
sông Vàm Cỏ Đông nhỏ nhoi cũng chảy thành âm nhạc nhờ tài năng của nhạc sĩ
Hoàng Việt qua nhạc phẩm Lên ngàn : "Hò ơ ! dòng sông chảy xiết lái thuyền
cheo đi, trên sông Vàn Cỏ Đông nước chảy ngược dòng ...". Tuy nhiên, bên cạnh
nét hùng tráng ghi lại chiến công trên những dòng sông, âm nhạc vẫn lưu tâm đến
những cảnh phân ly, chia biệt bên sông do chiến tranh: "Quay về hướng
làng. Đà Giang lệ ướt nồng.
Mẹ già ngồi im bóng. Mái tuyết sương mong con bạc lòng ..."
(Thuyền viễn xứ - Phạm Duy. Thơ: Hà Huyền Chi) hay: "Làng tôi có cây đa
cao ngất từng xanh. Có sông sâu lờ lững lượn quanh ..." ( Làng tôi – Chung
Quân). Sự phân ly ấy càng ngày càng rõ ràng, khi sau ngày hoà bình, Việt Nam
chia thành hai miền Nam và Bắc. Những ngày đầu chia cắt, âm nhạc tập trung vào
con sông được chọn làm giới tuyến hai miền. Con sông Bến Hải có bến Hiền Lương
nên còn gọi là sông Hiền Lương chảy ra cửa Tùng. Bên cạnh hợp xướng Sóng cửa
Tùng của Doãn Nho là Câu hò bên bến Hiền Lương của Hoàng Hiệp (thơ Đằng Giao) với
giai điệu man mác, da diết nhớ nhung, rơm rớm nỗi niềm: "Bên ven bờ Hiền
Lương. Chiều nay ra đứng trông về, mắt đượm tình quê", cũng với cảm hứng ấy,
Vĩnh Cát viết Bạn ơi hãy nghe bến Hải tâm tình: "Dòng bến Hải nước xanh
xanh mằn mặn. Có từng dàn cá bạc nhảy tung tăng. Dòng sông hẹp sóng êm êm phẳng
lặng. Có sẵn đò mà chẳng được sang ngang ...". Trần Viết Bính không nêu địa
danh nhưng cũng tả rõ về con sông giới tuyến ấy qua "Nhà em ở phía bên
sông": "Nhưng dòng sông từ ngày có kẻ ngăn đôi, cho tình ta bên này
bên ấy rời xa...".
Những nhạc sĩ miền Nam ra tập kết ở miền Bắc thì mang nỗi nhớ da diết
về những dòng sông quê hương mà hát lên: "Quê tôi ở miền Nam có rừng dừa
mát xanh. Bên dòng sông uốn quanh" (Quê tôi miền Nam – Phan Huỳnh Điểu),
"Phù sa nước bạc Cửu Long ruộng đồng xanh tươi đôi dòng sông ..."
(Quê tôi – Lưu Cầu), "Bến nước Cửu Long còn đó em ơi" ( Tình ca –
Hoàng Việt), "Ta nhớ quê ta có núi Ấn có sông Trà ..." (Nhớ đàn xe nước
– Trần Kiết Tường). Ngược lại, các nhạc sĩ miền Bắc thì lại phơi phới những
giai điệu về quê hương giải phóng và xây dựng. Lân Tuất trong Người con gái Việt
(thơ: Anh Thơ) đã tha thiết: "Quê hương tôi bên dòng sông Nhuệ. Bãi dâu
mươn mướt xanh rơn". Nguyễn Đức Toàn thì vui vẻ trong Mời anh đến thăm quê
tôi : "Xóm quê tôi bên bờ sông Hồng. Đò đưa về bến cũ, khắp thôn trang vui
mừng tưng bừng, nô nức khắp cánh đồng. Đến nay mai trở thành nông trường. Đời
vui lên phơi phới ...". Nhạc sĩ miền Nam, Bửu Huyền thì bên nỗi nhớ nhung
là sức hoà nhập: "Năm xưa chiến đấu bên bờ Cửu Long. Sóng reo ca mừng chiến
công. Năm nay tôi hát bên dòng sông Hồng. Lòng phơi phới vui xây hòa bình
..."
Khi cuộc chiến tranh vì thống nhất đất nước lại diễn ra, thì đấy là
những năm tháng mà những dòng sông chảy dạt dào thành âm nhạc khôn xiết, nhất
là từ ngày máy bay Mỹ ném bom miền Bắc và cuộc chiến đấu đất đối không diễn ra
ác liệt trên mọi vùng đất. Nếu ở miền Nam là những Qua sông của Phạm Minh Tuấn,
Mỗi bước ta đi của Thuận Yến: "Vượt qua sông Bé oai hùng về Phước Long xây
chiến thắng"... thì ở miền Bắc là hàng loạt những nhạc phẩm về những dòng
sông miền Trung. Sông Gianh sau Hờn sông Gianh của Lưu Hữu Phước, có thêm Chiến
thắng sông Gianh của Mộng Lân: "Chiến công oai hùng của dòng sông Gianh
ngày qua thắng Mỹ ..." Bên sông Gianh là sông Nhật Lệ với Bài ca sông Nhật
Lệ của Nhật Lai. Sông Lệ Thuỷ, sông Kiến Giang cũng chảy vào Quảng Bình quê ta
của Hoàng Vân. Lùi ra Hà Tĩnh là Người em gái sông La của Doãn Nho (thơ Phương
Thuý), tới Nghệ An là Tiếng hát sông Lam của Đinh Quang Hợp, tới Thanh Hoá là
Chào sông Mã anh hùng của Xuân Giao. Sông Hồng lại trào dâng trong Tiếng nói Hà
Nội của Văn An (thơ: Cảnh Trà): "Dưới chân cầu Hồng Hà vẫn ngàn năm sóng vỗ".
Sông Tích, sông Đà lại thêu vào giai điệu Nhật Lai qua Hà Tây quê lụa.
Trở lại với miền Nam rực lửa đấu tranh, những dòng sông lại thêm lần
hiện diện. Từ sông Cửu Long với hợp xướng Cửu Long Giang của Phan Miêng đến những
dòng sông chiến công mà trước đấy ta chưa nghe thấy bao giờ. Đấy là sông Pơliu
(hoặc Pơling) nhỏ bé trong thung lũng A Lưới được nhắc đến trong nhạc phẩm Người
con gái Pa Kô của Trí Thanh. Đấy là sông Ba Lòng trong Tiếng hát trên đường quê
hương của Huy Thục. Đấy là sông Pô Kô trong Người lái đò trên sông Pô Kô của Cầm
Phong (thơ Mai Trang). Đấy là sông Đắc Kroong trong Sông Đắc Kroong mùa xuân về
của Tố Hải. Đấy là sông Vàm Cỏ Đông trong Vàm Cỏ Đông của Trương Quang Lục (thơ
Hoài Vũ) ...
Sau ngày thống nhất đất nước, những dòng sông quê hương lại chảy
tràn trề vào âm nhạc qua nhiều nhạc phẩm được các nhạc sĩ sáng tạo trong nhiều
năm qua. Đấy là Sông Hàn vang tiếng hát (Huy Du. Thơ: Bùi Minh Quốc), là Dòng
sông hát (Trần Viết Bính), Chảy đi sông ơi (Phó Đức Phương), Vàm Cỏ Tây (Đặng
Văn Bông), Chiều về trên sông Ô Môn (Triều Dâng), Nơi ấy sông đầy (Nguyễn Dũng.
Thơ: Nguyễn Lập Em), Sông quê (Nguyễn Hay), Khúc hát sông quê (Nguyễn Trọng Tạo.
thơ: Lê Huy Mậu) ... Nhưng những sáng tác này vẫn chủ yếu là do các nhạc sĩ có
lứa tuổi từ ngũ tuần trở lên viết ra. Những nhạc sĩ trẻ hiện nay thực sự là ít
quan tâm đến những con sông cụ thể của quê hương, của đất nước. Con sông trong
ca khúc của họ chỉ là con sông chung chung kiểu Dòng sông lơ đãng của Việt Anh.
Không cần nhắc tên sông nhưng nếu viết như Trịnh Công Sơn, người thưởng thức vẫn
nhận ra sông Hương xứ Huế rất rõ rệt. Dù chọn lựa thế nào thì cũng phải từ một
tình yêu chân thành, một xúc cảm thực. Và mong những dòng sông mãi chảy thành
âm nhạc.
Phương An
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét