Chủ Nhật, 23 tháng 4, 2017

Ru em từng ngón xuân nồng

Ru em từng ngón xuân nồng
Đôi khi bỗng nhiên thấy thèm quá cái đằm thắm, dịu ngọt trong giai điệu của những ca khúc nhạc Trịnh. Cũ lắm rồi, xưa lắm rồi, nhưng vẫn cứ muốn nhấn nhá, một chút thôi với "Ru em từng ngón xuân nồng". 
Ca khúc: RU EM TỪNG NGÓN XUÂN NỒNG
Sáng tác: Trịnh Công Sơn
Thể hiện: Quang Dũng
Ca khúc như một nốt lặng trong cả một cung đàn trầm của Trịnh Công Sơn. Thế nhưng sức sống của nó, sự lôi cuốn của nó lại tạo nên những âm vực nồng cháy trong lòng người. Giai điệu trữ tình, êm dịu nhưng lại có xoáy sâu bởi những ca từ thật da diết:
"Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng,
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm,
Trên dòng lá xanh, ngón tay em gầy nên mãi ru trên ngàn năm…"
Âm điệu trải rộng ra mênh mông rồi lắng xuống nồng nàn trong những âm cuối. Tiếng hát cất lên như đưa chúng ta vào với dòng chảy của âm nhạc, êm xuôi, dìu dịu... Giai điệu có sự luân chuyển nhip nhàng, nối tiếp cái say mê trầm lắng của dòng trên lại là những thanh âm du dương mềm mại:
"Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm
Bàn tay em chau chuốt cho thêm ngàn năm
Cho vừa nhớ thương có em dỗi hờn nên mãi ru thêm ngàn năm"
Hai lượt ca từ đầu của bài hát được cất lên với cùng một cung nhạc, giai điệu lặp lại tha thiết và miên man. Những cảm xúc về "em" thấm đẫm từ "dòng tóc" đến "ngón tay em gầy" rồi đọng lại ở "phiến môi mềm" tình tứ. Mỗi một ca từ gợi mở một xúc cảm yêu thương, một chút thôi nhưng đủ để "cho vừa nhớ nhung có em dỗi hờn nên mãi ru trên ngàn năm..."
Giai điệu bãng lãng kết hợp với ca từ ngọt ngào của bản nhạc tạo nên một dòng cảm xúc dạt dào, đầy đam mê, nồng nàn như đang góp nhặt những buồn vui vướng vất kiếp người...Trên đường đời gió bụi này, ta cứ mãi miết chạy dài, chạy mãi, chạy đua với thời gian, để rồi đến lúc nào đó chợt thấy trong mình mỏi mệt:
"Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ,
Tay em kết nụ, nuôi trọn một đời, nuôi một đời người,
Mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi"
Những thanh âm như len lỏi trong tâm hồn, ôm ấp vỗ về, như giấc ngủ yên bình thanh thản sau những vất vả chợt ùa đến thật nhanh, thật dễ dàng… Là ta đang ru em, hay em mãi là "ngón xuân nồng" ru cho hồn ta qua hết những mỏi mệt đường dài, ru cho hồn ta lãng quên những vướng víu đa đoan...
Bản nhạc chợt lắng xuống nhưng rồi lại vút lên, da diết và đầy đam mê hơn:
"Ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn,
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm
Giận hờn sẽ quên,
Dáng em trôi dài, trôi mãi trôi trên ngàn năm
Ru mãi ngàn năm vừa má em hồng,
Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son
Vào trời lãng quên,
Tóc em như trời xưa đã quên đi ngàn năm"
Tình cảm tha thiết và ngọt ngào đầy nâng đỡ bao dung, những giận hờn rồi cũng phôi pha, yêu ghét nào cũng đi vào quên lãng, chỉ còn bóng dáng em trôi dài, trôi mãi, trôi trên ngàn năm... Tất cả hài hòa tạo nên một cung nhạc phiêu diêu...
Thời gian trôi chảy miệt mài, khúc nhạc cũng mơn man, du dương, ngân nga, khơi dậy những cảm niềm lắng sâu đầy dịu ngọt.
Sức lôi cuốn kỳ diệu của những ca khúc Trịnh Công Sơn chính ở chất trữ tình đằm thắm, tinh tế, ẩn giấu những chiêm nghiệm, suy ngẫm sâu sắc về cuộc đời, dẫn dắt con người đến với miền tâm trạng thanh tĩnh yên bình.
Lắng nghe “Ru em từng ngón xuân nồng” để nhấm nháp, hưởng thụ trọn vẹn những giai điệu, ca từ uyển chuyển mượt mà, để ru hồn vào những khoảnh khắc thoát tục, để thấy mình bỗng nhiên nhẹ nhõm và hiền lành đến thế!.
NHƯ MỘT LỜI CHIA TAY
“…Những hẹn hò từ nay khép lại
thân nhẹ nhàng như mây… (TCS)”
Khi những bông hoa ném xuống huyệt mộ và tiếng kèn trumpet trỗi lên… tôi mới thực sự nhận ra rằng từ nay người bạn thân của mình không còn trên cõi đời này nữa“. ..bao nhiêu năm làm kiếp con người… chợt một chiều tóc trắng như vôi, lá úa trên cao rụng đầy, cho trăm năm vội chết một ngày…” 
Dẫu biết rằng trong cuộc sống tạm bợ này, chúng ta chỉ có thể cùng nhau đi chung một đoạn đường, dù đồng hành ngàn dặm rồi cũng phải chia tay, nhưng sự ly biệt nào cũng để bao nỗi ngậm ngùi cho người ở lại.
Tôi thức dậy từ lúc trời còn mờ tối để chuẩn bị đi đưa người bạn thân về
“Nơi an nghỉ cuối cùng”. Khi lên xe tiễn bạn tôi một quãng đường khá dài, tôi ngạc nhiên khi thấy chỉ lác đác dăm ba người bạn cũ… sao lại thế này? Sinh thời, anh giao du rộng rãi, bạn bè rôm rả đầy nhà trong những lần họp mặt, nhưng khi tiễn anh lần cuối trong kiếp sống thì… sao lại thế này?.
Người bạn thân ngồi cạnh tôi nhắc lại một câu trong bản nhạc của Vũ Thành An “…khi lìa trần có mấy người đưa…” có lẽ người nhạc sĩ tài hoa này cũng đã bao lần chứng kiến những cảnh đời như vậy nên mới viết lên những từ thấm thía ấy chăng? 
Cuối cùng rồi, dù mau hay chậm, dù muốn hay không, chúng ta cũng phải lần lượt rời bỏ thế gian đầy sầu muộn và bất trắc này để bước qua chiếc cầu mà không một ai muốn đến:
“Cầu Nại Hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau…”
Xe chạy xuyên qua những cánh rừng cao su để ra lộ chính trở về thành phố, nỗi buồn tràn ngập trong mắt mỗi người, từ nay những lần họp mặt, những hẹn hò với anh sẽ khép lại. Anh nằm đó, đời đời yên nghĩ và sẽ không bao giờ còn găp lại anh.
Ngày mai, mỗi người lại bận rộn, tất bật với cuộc sống của riêng mình, những đau buồn, thương nhớ rồi cũng sẽ nguôi ngoai, nhưng tôi sẽ mãi mãi giữ lại hình ảnh trong đó có niềm vui, hạnh phúc xen lẫn những nỗi buồn man mác mà bây giờ chỉ còn là kỷ niệm, kỷ niệm dịu dàng… của một quảng đời thân yêu cũ.
Sài Gòn vẫn như mọi ngày, trên đường phố người ta vẫn chen chúc, hối hả với việc mưu sinh dưới cái nắng oi ả, ngột ngạt của những ngày sắp vào hè. Tiếng còi xe làm tôi chợt tỉnh và nhận ra mình đang cùng dòng người lưu thông trên đường đầy ắp xe cộ, cây lá hai bên loang loáng dưới ánh nắng, tôi nhìn những chiếc nón lô nhô trước mặt, không biết họ đang nghĩ gì? Nhưng chắc chắn sau những niềm vui, người nào cũng sẽ mang theo một nỗi buồn hoặc âu lo bên cạnh. Cuộc sống vốn dĩ là như vậy, không thể có một điều gì toàn vẹn.
Con đường còn mịt mờ phía trước, không ai biết được điều gì sẽ xảy ra ở ngày mai, nhưng chắc chắn một điều là ngày mai vẫn đến, mặt trời vẫn lên, gió vẫn len lỏi qua từng tàn lá, vòm cây trên đường phố và người ta vẫn tất bật vì cuộc sống trong mọi ngõ ngách của thế gian đầy những đau thương và sầu muộn này.
Như một lời chia tay
Trịnh Công Sơn - Khánh Ly
CHIM BAY VỀ BIỂN
"Một mai chim bỏ bay về biển
Ta đứng một mình ngó nhánh sông
Ta khóc nhìn theo dòng nước chảy
Nghe trăm ngọn sóng vỗ trong lòng"
Một cánh chim vừa bay ra biển, nhỏ dần rồi mất hút giữa mênh mông. Tôi mơ hồ như hình ảnh của chính mình đang tìm về quê cũ. Hình dung đến thành phố Nha trang xưa, nơi mà nếu không có biển sẽ không còn lãng mạn để người ta nhắc nhớ, đắm say, cũng có thể làm nhẹ đi ít nhiều tiếc nuối của nhưng người Nha trang xa xứ. Bờ biển cát từng chôn giấu những hang động tuổi thơ và ôm ấp dấu tích của bao cuộc tình thơ mộng, nước biển đã cuốn trôi đi, nhưng không thể xóa mất trong ký ức của nhiều cặp tình nhân mà bây giờ tóc ai cũng bạc. Âm thanh những ngọn sóng rì rào đã dệt nên những bài thơ, những bản tình ca từng làm khuấy động bao trái tim người, mà dư âm dường như vẫn còn vang vọng mãi.
Nha Trang ngày về
Phạm Duy - Khánh Ly
Võ Doãn Mỹ
Theo http://www.vodoanmy.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...