Tìm lối đi khó để hòa mình vào
Vườn Quốc gia Bạch Mã được xem như là một khu bảo tồn
các hệ sinh thái tự nhiên. Đó là lí do tại sao chúng tôi có thể thấy rất nhiều
các loài động thực vật đang sinh sống tại đây.
Khi còn là sinh viên ngồi trên giảng đường Đại học, đam mê của
tôi là được đi và đi thật nhiều, đến tất cả những nơi tuyệt vời trên suốt chiều
dài đất nước, lúc ấy tôi là một cô gái yêu thiên nhiên và thích một lần thực sự
sống hòa mình với thiên nhiên, tận hưởng cảm giác sống hoang dã. Vào một ngày đầu
hè của năm 4 Đại học, tôi đã cùng với các anh chị trong câu lạc bộ du lịch thực
hiện một chuyến thăm quan vườn Quốc Gia Bạch Mã.
Theo vị trí địa lí, vườn Quốc gia Bạch Mã chủ yếu nằm trên 2
huyện Phú Lộc và Nam Đông thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế. Đỉnh Bạch Mã có độ cao
1.450 m so với mực nước biển là đỉnh núi cao nhất của vườn. Chúng tôi di chuyển
bằng ô tô với 16 thành viên, chặng đường đi với bao nhiêu nỗi mong chờ xen lẫn
lòng háo hức. Đến nơi, theo yêu cầu của khu bảo tồn, chúng tôi chỉ được phép di
chuyển bằng xe 16 chỗ ngồi hoặc là xe tại vườn quốc gia Bạch Mã cho phép, ngoài
ra không cho phép bất kỳ một phương tiện nào được lên núi. Nếu các bạn muốn thử
sức mình, các bạn có thể đi bộ lên đỉnh núi. Tuy nhiên, các bạn phải đảm bảo thời
gian xuống núi nếu không việc ở lại qua đêm trên vườn Quốc Gia là hoàn toàn có
thể xảy ra.
Đoạn đường lên núi có thể xem là một hành trình gian khổ
nhưng không kém phần thú vị, cảm giác như mình đang được chơi một trò chơi cảm
giác mạnh. Vì đường đèo tại vườn Bạch mã có độ cong khá điển hình của vùng đèo,
các khúc cua rất nhiều và độ nguy hiểm cũng nhân lên gấp đôi.
Ảnh được chụp từ độ cao gần 1000m
tại vườn Quốc Gia Bạch Mã.
Vườn Quốc Gia Bạch Mã được xem như là một khu bảo tồn các hệ
sinh thái tự nhiên. Đó là lý do tại sao chúng tôi có thể thấy rất nhiều các
loài động thực vật đang sinh sống tại đây. Thỉnh thoảng có vài chú khỉ bạo mình
di chuyển từ cành này qua cành khác trước đoàn xe.
Chúng tôi mất hơn 45 phút để đến điểm dừng và mọi người bắt đầu
di chuyển lên điểm cao nhất của vườn, nơi mà chúng tôi có thể nhìn toàn cảnh
khu bảo tồn và chiêm ngưỡng Hải Vọng Đài.
Một trong những địa đạo của quân ta
trong kháng chiến chống Mỹ
Tuy nhiên, vẻ đẹp của vườn Quốc Gia Bạch Mã nằm ở trong lòng
khu vườn, chúng tôi chỉ mới thấy được một phần trong giai thoại lịch sử của dân
tộc và vẻ đẹp hùng vĩ và của non sông nước biếc. Muốn thấy được vẻ đẹp của
thiên nhiên kỳ diệu phải di chuyển vào sâu trong rừng. Có hai lối vào, một là lối
mòn được xem là đường tắt để vào rừng nhanh nhất đến thác Đỗ Quyên sớm nhất,
nhưng muốn tận hưởng cảm giác hòa mình vào thiên nhiên chúng tôi đã lựa chọn lối
đi khó khăn, có phần hiểm trở, đó chính là băng qua những con suối và vách đá để
đến được điểm khám phá cuối cùng. Với lối đi này chúng tôi sẽ đi qua Ngũ Hồ, là
hệ thống 5 hồ được tách ra bởi vách núi và đá. Điều làm tôi thích thú nhất là
không khí nơi đây vô cùng mát mẻ, nước trong các hồ rất trong và lạnh như nước
đá. Vì khí hậu của khu bảo tồn thuộc rừng rậm nhiệt đới, mát lạnh và buổi chiều
thường xuất hiện mưa, nhiệt độ thấp nhưng vẫn có nhiều sinh vật sinh sống trên
cạn lẫn dưới nước.
Một trong năm hồ tại vườn Quốc Gia Bạch Mã.
Các thác nước có độ cao cũng như độ sâu khác nhau tùy theo địa
thế từng khu vực, cho nên việc di chuyển sẽ rất khó khăn, có rất nhiều dây thừng
được treo sẵn vào vách đá, khách du lịch sẽ phải bám vào dây thừng và chân dẫm
vào vách đá để không nghiêng mình rơi xuống suối, để cho an toàn hai thành viên
có kinh nghiệm và đã từng đến đây sẽ đi trước dẫn đường và mỗi thành viên phải
chú ý đến nhau, may mắn đây là chuyến đi của chúng tôi vào mùa cạn, nếu là mùa
mưa chúng tôi e rằng sẽ khó mà đi qua được đoạn suối nguy hiểm như vậy. Bên cạnh
các đoạn đường khó đi, sẽ có lúc các bạn được nghỉ ngơi thư giản và nghe tiếng
chim hót bằng những đoạn đường vô cùng đặc biệt, đó là những bậc trung cấp được
xây bằng đá, và có hẳn những chiếc cầu được xây bằng đá nhé, nó được dùng để
băng qua suối.
Trưởng đoàn của chúng tôi là một người có khá nhiều kinh nghiệm,
và khi đến những địa điểm như thế này, người hướng dẫn có kinh nghiệm là rất cần
thiết và quan trọng, vì nếu không nắm rõ đường đi nước bước bạn rất dễ sẽ bị lạc
đoàn, không tận hưởng được hết những nơi rất đáng để đến và quan trọng nhất là
không biết thời gian cần để ra khỏi rừng trước khi mặt trời lặn, đó là chưa kể
đến các trường hợp không may khi đang di chuyển nếu không có hướng dẫn và di
chuyển không đúng thao tác, bạn rất dễ bị rơi xuống suối.
Mỗi đoạn đường chúng tôi có ít nhất 20 đến 30 phút để nghỉ
ngơi, ngăm cảnh, vui đùa, chụp ảnh và bữa ăn nhẹ để tiếp sức cho những chặn đường
tiếp theo. Đi qua ngũ hồ, sau một quãng đường dài di chuyển trong rừng, chúng
tôi đã đến được nơi muốn đến nhất, đẹp nhất và hùng vĩ nhất của khu vườn, đó
chính là thác Đỗ Quyên.
Ảnh được chụp trên đỉnh của Thác Đỗ Quyên
Thác Đỗ Quyên cao 300m, đường xuống rất dốc gồm 689 bậc, và
chỉ dành cho những bạn trẻ thích khám phá và ưa mạo hiểm vì đường xuống thác
hơi nguy hiểm. Đoàn chúng tôi chỉ dừng lại trên đỉnh thác để ngắm nhìn núi non,
chụp ảnh, nghỉ ngơi và không xuống chân thác vì lúc đó đã muộn và chúng tôi
không có ý định ở lại. Bất ngờ là tại đây chúng tôi đã gặp nhiều khách du lịch.
Dường như đây là nơi tất cả các khách du lịch đều muốn đến nhất, họ di chuyển bằng
đường tắc khá nhanh và trơn tru, chứ không vất vả như chúng tôi. Và khi đến
thác Đỗ Quyên, mọi người đều chung một cảm xúc đó là thỏa mãn, vui vẻ và đắm
chìm mình với tự nhiên, non có nước có, cảnh vật thiên nhiên và con người bỗng
hòa thành một. Phút giây này tôi thấy cuộc đời thật đáng chiêm ngưỡng, chính
khoảnh khắc này khiến tôi càng muốn đi và khám phá nhiều hơn.
Khác với khung cảnh của buổi sáng sớm khi đoàn lên núi, ánh nắng
làm lòng người phơi phới. Còn đường về, mây đã che kín lối, mặt trời xuống núi
nên sương cũng bắt đầu hoành hành. Với cái độ cao hơn 1000m như thế này, với
khoảng thời gian này, chúng tôi như đang trôi dạc ở một chối bồng lai tiên cảnh
nào đó. Tôi mong rằng cuộc đời mình sẽ có nhiều những chuyến đi thú vị như vậy,
bổ ích như vậy để có thể chia sẻ với mọi người.
Một đoạn đường đi xuống của vườn Quốc Gia
Chuyến đi này cũng để lại cho tôi nhiều suy nghĩ, vườn Quốc
Gia Bạch Mã là một nơi bảo tồn các loài động thực vật, trong đó có rất nhiều
loài quý hiếm, thậm chí đã có đến 68 loài được ghi vào sách Đỏ Việt Nam là những
loài cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Ngoài ra, tạo hóa đã ban cho vườn Quốc Gia Bạch
Mã một phong cảnh vô cùng xinh đẹp, hoang dã và thơ mộng, một địa điểm lịch sử,
tự nhiên hài hòa, thú vị, nơi đây rất đáng để trở thành một địa điểm du lịch nổi
tiếng. Tuy nhiên, cho đến nay vườn Quốc gia Bạch Mã vẫn chưa được đầu tư một
cách kỹ lưỡng, cũng như chưa có những quan tâm đặc biệt để đưa ra những biện
pháp phù hợp đối với các trường hợp làm ảnh hưởng đến sự phát triển của khu bảo
tồn, cơ sở vật chất còn chưa được nâng cao nhằm đáp ứng nhu cầu thăm quan cho
khách du lịch, hệ thống khách sạn, nhà hàng còn thấp và nó có phần đúng với
nghĩa là nơi còn hoang sơ cả về mặt tự nhiên lẫn vật chất.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét