Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Nghệ thuật xây dựng nhân vật tha hóa trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975


Nghệ thuật xây dựng nhân vật tha hóa 
trong truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975
1. Tha hóa là khái niệm chỉ hiện tượng “Con người biến chất thành xấu đi” (1). Trong lịch sử văn học thế giới, nhân vật tha hóa đã xuất hiện từ lâu, có nhiều nhân vật sống mãi và gắn liền cùng tên tuổi các nhà văn như Juyliêng (Đỏ và đen - Xtăng đan), Rêbécca (Hội chợ phù hoa - M.Thaccơrê), Raxcônnhicốp (Tội ác và trừng phạt - Đôxtôiepxki), Raxtinhắc (Tấn trò đời - Banzắc)... Ở Việt Nam, nhân vật tha hóa xuất hiện cùng với trào lưu văn học hiện thực phê phán (1930-1945) trong các tác phẩm của các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng và đặc biệt là Nam Cao. Đến giai đoạn văn học 1945-1975, do chịu sự chi phối đặc biệt của hoàn cảnh lịch sử 30 năm chiến tranh, các nhà văn không có điều kiện để xây dựng loại hình nhân vật này. Sau 1975, nhân vật tha hoá có sự xuất hiện trở lại ở nhiều cây bút văn xuôi, trong đó có Lê Minh Khuê.
2. Khảo sát truyện ngắn của Lê Minh Khuê  viết sau 1975 cho thấy kết quả: 32/41 truyện xuất hiện nhân vật tha hóa. Đây là con số thống kê chưa đầy đủ nhưng cho thấy rõ ràng bước sang thời kỳ văn học này Lê Minh Khuê đã có dụng ý tập trung bút lực miêu tả kiểu nhân vật tha hóa - một trong những kiểu loại nhân vật thường để lại ấn tượng thẩm mỹ sâu đậm cho độc giả khi tiếp nhận tác phẩm.
Hệ thống nhân vật tha hóa được nhà văn tái hiện có khá đủ đại diện các tầng lớp xã hội, chứng tỏ Lê Minh Khuê không đơn giản trong cách nhìn nhận khám phá hiện thực cuộc sống và con người. Trong cuộc sống đời thường muôn mặt, Lê Minh Khuê đã có một độ lùi cần thiết về thời gian để xem xét lại quá khứ. Nhà văn nhìn kỹ hơn mặt khuất và nỗi đau của  người Việt Nam, khi chiến tranh đi qua số phận họ. Bức tranh hậu chiến của một đất nước mà ở đó con người luôn phải gồng mình lên để hứng chịu những đau thương, mất mát được Lê Minh Khuê phác họa có một chiều sâu thăm thẳm. Sự tàn phá khủng khiếp không phải chỉ đơn thuần ở bề mặt vật chất, mà còn trong toàn bộ đời sống tinh thần văn hóa dân tộc. Di chứng chiến tranh để lại dai dẳng, truyền đời và sức công phá của nó lan tỏa cả ở bề rộng lẫn chiều sâu. Chính một bạn đọc người Mỹ đã nhận xét rằng: “Qua các câu chuyện của Lê Minh Khuê chúng ta hiểu được rằng ở Việt Nam xây dựng lại cuộc sống không dễ như xây lại những con đường hay cây cầu của họ bị chiến tranh tàn phá” (Tạp chí Crab Orchard Review). Lẽ tất nhiên, trong cái ngổn ngang, bề bộn, đầy biến động, quay đảo hỗn tạp của thế giới này con người rất dễ bị tha hóa, biến chất, sống một đời sống bất ổn. Sự tha hóa trong các nhân vật của Lê Minh Khuê xảy ra dưới nhiều cấp độ và biểu hiện vô cùng đa dạng: kẻ thì chớm hư hỏng, còn có khả năng thức tỉnh, kẻ thì bị nhuộm đen hoàn toàn và chỉ là con thú đội lốt người. Có sự tha hóa do tình thế đưa lại, do hoàn cảnh ép buộc, có sự tha hoá thuộc về bản chất do hám vật chất, tiền bạc và quyền lực. Sự tha hóa lúc lộ liễu công khai, khi lại tinh vi len lỏi ẩn mình.
Truyện ngắn Lê Minh Khuê sau 1975 thường xuất hiện hai dạng nhân vật tha hóa: Nhân vật tha hóa và nhân vật bị tha hóa. Dưới đây là một vài nét nghệ thuật xây dựng hai dạng nhân vật này của ngòi bút Lê Minh Khuê.
2.1. Nhân vật tha hóa
Nhân vật tha hóa ở đây là những kẻ hoặc tham lam tiền bạc, vật chất chạy theo lối sống sa đọa, thực dụng tầm thường, hoặc tham vọng quyền lực đỉnh cao.
Với sự nhạy bén và tỉnh táo, Lê Minh Khuê đã tạo được cái nhìn riêng về một thế giới mà ở đó “đồng tiền lên ngôi thượng đế” (Những kẻ chờ sung). Cũng viết về những gì rất đời thường nhưng độ sắc trong những trang viết của Lê Minh Khuê là ở chỗ nhà văn dám dũng cảm nhìn thẳng vào những “mặt cắt của dòng đời” (dùng chữ của Nguyễn Minh Châu), những bi kịch nhân sinh, gián cách mổ xẻ nó một cách trung thực táo bạo, từ đó lật tẩy những trớ trêu, những nghịch cảnh cuộc sống. Tinh lực văn chương của Lê Minh Khuê lộ rõ khi xây dựng chân dung những nhân vật bị biến dạng nhân tính bởi sự điều khiển của đồng tiền và quyền lực. Khai thác những mảng đề tài mới mẻ, bằng lối viết mạnh bạo, sắc lạnh, tác giả làm bật dậy những thân phận, những tính cách có góc cạnh và chiều sâu tâm lý. Gấp trang sách lại dường như vẫn thấy nhân vật này đi lại, ăn nói, tính toán hành động một cách tai quái, ác hiểm thật tự nhiên, sinh động. Bọn họ quay cuồng, điên đảo trong vũ điệu man dại của Đồng đô la vĩ đại, ma lực của Đồng tiền có màu xanh huyền ảo.
Để xây dựng mô hình kiểu nhân vật tha hóa, điều quan tâm của tác giả là chú trọng miêu tả các hành động ứng xử của nhân vật trong các mối quan hệ (quan hệ với gia đình, với xã hội và với chính bản thân)... Thái độ tôn thờ đồng tiền một cách mù quáng, coi tiền trên hết là nguyên nhân gây ra bi kịch trong chính cuộc đời lão Thiến và gia đình lão (Anh lính Tony - D). Với thủ pháp cường điệu được sử dụng một cách có hiệu quả, với nghệ thuật châm biếm tinh tế, nhẹ nhàng, Lê Minh Khuê đã phác hoạ những nét ấn tượng ghê rợn về một loại người tha hoá trần trụi, nhơ bẩn, gớm ghiếc - sống một cuộc sống quái gở, tù hãm, hủ hậu của loài thú vật.
Trong quá trình xây dựng tính cách loại nhân vật này, nhà văn luôn tô đậm thái độ của họ trước sự xuất hiện hấp dẫn của đồng tiền. Đây là hình ảnh của lão Thiến khi thằng con lão mang về một cái ba lô to mà lão đoán là “của sụ”: “lão Thiến quanh ra quẩn vào, mắt liếc liếc cái ba lô. Ruột gan lão cồn cào... lão không thể nhịn được nữa... lão như ngồi trên lửa”. Đó là trạng thái “xúc động” của kẻ khát tiền, coi tiền như người tình. Lê Minh Khuê tỏ ra có biệt tài khi lách sâu miêu tả diễn biến tâm lý nhân vật, nhà văn như hoá thân vào nhân vật, đọc được “trạng thái tinh thần kỳ lạ mà lão vẫn có khi nghe tin con có tiền”, tiền khiến “miệng lão nhạt như ngậm phải bèo, mắt lão đục lờ đờ, nhìn không rõ”. Lão trở thành ngu muội, mụ mị, u mê, hau háu trước những đồng tiền bất chính mà thằng con lão mang về.
Tuy vậy, sự táng tận lương tâm vì tiền ở “con thú bố” vẫn còn thua xa “con thú con”. Thằng Thán mang trong mình gien tha hóa di truyền từ lão Thiến, hắn “là môn đệ của bố” trong ngón nghề “thó của” của người khác, nhưng hơn hẳn bố ở chỗ “thường làm các quắn to”, “không lèm nhèm ăn vặt”. Hai bố con “đầu trộm đuôi cướp” này gầm gừ canh chừng lẫn nhau vì bọc tiền kiếm được từ một bộ xương người lính Mỹ. Tiền đã khiến hai “con thú “ này không từ bất cứ một phương kế kiếm chác nào, kể cả việc đầu cơ trên bộ xương người chết. Một phương kế thật “độc chiêu”, một hành vi phủ định nhân tính nhất. Vì tiền xâu xé lẫn nhau, tình cảm cha con thiêng liêng bị sổ toẹt, vứt bỏ, không hề vướng bận. Đó là cách đối xử của những con vật hoang dã.
Cùng một giuộc với bố con lão Thiến, vì tiền mà bán mình cho quỷ dữ còn có anh em lão Khang, An (Đồng đô la vĩ đại), lão Tê (Những kẻ chờ sung), vợ chồng lão Tó (Ký sự những mảnh đời trong ngõ), anh em Quanh, Lanh (Sân gôn)... Mỗi nhân vật thể hiện một cách hành xử tàn bạo riêng trước lưới bủa vây của ma lực đồng tiền.
Bên cạnh sự tha hoá của những kẻ tham tiền là sự tha hóa của những kẻ hám quyền lực. Ông Tuyên trong Bi kịch nhỏ là nhân vật khá ám ảnh về hạng người này. Để bóc mẽ chân tướng của con thú đội lốt “nhà cách mạng”, Lê Minh Khuê đã không né tránh khi điểm lại những hành động phi nhân tính, xảo quyệt của hắn trong quan hệ cư xử với gia đình và xã hội. Với gia đình hành động tội ác của “bác Tuyên” khởi đầu bằng việc “bỏ rơi một người vợ trẻ, một đứa con trong cái vạc dầu sôi sục” thời kỳ cải cách ruộng đất. Bỏ một cách nhẫn tâm, độc ác để “quay lại chăm lo cho bộ lông của mình như loài thú”. Vợ ông “thù oán sự hèn hạ của chồng đã chết một cách đau đớn tức tưởi”, con trai ông mới ba tháng tuổi đã phải lưu lạc góc biển chân trời. Khi đã đánh bóng và bao bọc được hình ảnh của mình trong một vầng hào quang giả tạo (lý lịch trong sạch, có nhiều công trạng “to lớn”) hắn bắt đầu cuộc đời quan chức cao cấp uy nghi quyền lực “đứng đầu thành phố trực thuộc trung ương”. Tính cách bạo chúa của ông Tuyên được phát huy cao độ trong suốt thời gian ông ngự trị trên cái ghế cao quyền lực.
So với bọn người bị điều khiển bởi đồng tiền, mức độ nguy hiểm của con người hám quyền lực này đáng sợ hơn nhiều, bởi lẽ mọi hành động của hắn đều được sơn phủ một lớp “đạo đức” giả mà không phải ai cũng dễ dàng nhận ra hoặc có thấy cũng không thể làm gì được hắn bởi bản lĩnh lạnh lùng của kẻ “ít bộc lộ tình cảm này”. Một chuỗi những hành động tội ác của ông Tuyên kết thúc bằng sự trả giá quá đắt của hậu thế: chính ông cùng tham vọng quyền lực điên cuồng đã đẩy con ông đến chỗ loạn luân và cái chết bi thảm.
Nhân vật Tuyên - một sản phẩm cặn bã của sự tha hóa quyền lực được tái hiện khá sinh động, chỉ điểm qua một số hành động và con đường tiến thân của hắn, Lê Minh Khuê đã phác họa khá trọn vẹn chân dung của một tên độc tài, cơ hội, tàn ác, gian hùng.
Với ý thức cách tân, nhà văn đã miêu tả đời sống bằng cái nhìn tỉnh táo, Lê Minh Khuê đã tỏ ra khá triệt để trong việc sử dụng bút pháp “hiện thực tàn nhẫn” để tái hiện chân dung đời sống trong tính phi lý tưởng của nó. Người đọc có thể dễ dàng nhận thấy trong những trang miêu tả “hiện thực hạ đẳng” (chữ dùng của M.Bakhtin) văn mạch của Lê Minh Khuê không còn thủ thỉ, êm đềm như trước. Chị đã không kiêng dè, ngần ngại lột mặt nạ các quan hệ đời sống, nói về cái xấu, cái ác của những con thú đội lốt người bằng một giọng văn tiết chế, lạnh lùng, thản nhiên, khách quan, đôi khi chủng chẳng khô khan, nhưng đầy hàm ý... cuộc sống là vậy, dù muốn hay không nó vẫn trình tự diễn ra như một cuốn phim.
Có ý kiến cho rằng Lê Minh Khuê đã “bộc lộ hạn chế trong xây dựng kiểu nhân vật tha hoá, đó là việc đưa vào tác phẩm một số tình tiết dị biệt, hoặc sử dụng chi tiết ghê rợn gây nỗi hoang mang cho người đọc” (2). Tôi lại cho rằng đó không phải là một hạn chế mà coi đó là một ứng xử nghệ thuật đầy cá tính của Lê Minh Khuê. Đưa vào tác phẩm một cách có ý thức những yếu tố nghịch dị, những chi tiết miêu tả nhân vật sắc sảo, gai góc nhà văn đã tạc khắc trong tâm trí bạn đọc sự ám ảnh, day dứt không thể quên về nhân vật.
Mức độ tha hóa của loại nhân vật tha hoá chạy theo sự cám dỗ của đồng tiền và dục vọng quyền lực trong truyện ngắn của một số tác giả khác thường dừng lại ở những thái độ ích kỷ, nhẫn tâm, lạnh lùng trước nỗi đau khổ, mất mát của người khác hoặc một hành động gì đấy làm tổn thương, gây đau khổ cho người khác, còn  mức độ tha hoá của loại nhân vật này trong truyện ngắn của Lê Minh Khuê thường được đẩy đến tận cùng bằng hành động giết người có thể trực tiếp, có thể gián tiếp, hoặc không thì cũng làm người khác phải đổ máu đau đớn. Dụng ý nghệ thuật này cho thấy rõ với sự thay đổi về tư duy nghệ thuật, Lê Minh Khuê đã không nhìn đời thường bằng cảm hứng lãng mạn thuần túy màu hồng mà nhìn nó như những “mảnh vỡ”, mỗi số phận có kiểu vỡ khác nhau, chân dung hiện thực của cuộc sống vì thế lộ rõ nhiều góc khuất tối, nhiều trạng thái, nhiều thang bậc giá trị đan cài chứ không đơn điệu kiểu kết thúc lạc quan “ở hiền gặp lành”, “ta thắng địch thua” cho đúng khuôn mẫu một thời. Cái chết của nhân vật bởi hành động giết người man rợ của những kẻ không còn mang trái tim của con người tựa như một gam màu tối được tác giả tô đậm một cách có ý thức trên bức tranh, nhằm gây một ấn tượng mạnh về thẩm mỹ cho người thưởng thức. Một khi con người biết ghê rợn những gì đen tối, tàn ác thì có nghĩa còn mong muốn vượt lên hướng tới ánh sáng của cái đẹp, cái thiện.
Nhà văn không hề ảo tưởng về cuộc sống, vì thế chị không quay lưng lại với những nỗi đau nhân thế. Với ý thức “Viết về cái ác cũng là một sự thức tỉnh nhân tính”, Lê Minh Khuê đã dám dấn thân, hòa nhập với những thân phận đang chìm dưới đáy sâu của xã hội, nhìn thẳng vào nỗi đau, niềm nhức nhối của con người trong sự bủa vây của sự gia tăng cái ác - báo động khẩn thiết về sự khô kiệt nhân tính đang xuất hiện ở khắp nơi.
Bên cạnh thủ pháp miêu tả hành động của nhân vật đặt trong các mối quan hệ, nhà văn còn dùng tính chất tự phê phán của bản thân ngôn ngữ để lột tả tính cách nhân vật. Thủ pháp này phát huy hiệu quả nghệ thuật qua các màn đối thoại cùng nhân vật. Không áp đặt tư tưởng của mình cho nhân vật, gia tăng tính đối thoại, người viết như đưa người đọc đứng trước cuộc đối thoại cùng nhân vật và sự cọ xát giữa các nhân vật, tạo nên một môi trường để nhân vật tự bạch, tự nói lên mức độ tha hoá trong con người của mình. Nhìn vào cấu trúc đối thoại của truyện ngắn Lê Minh Khuê thấy gọn, chắc, ấn tượng, hiếm khi thừa lời. Qua những đối thoại cho thấy phong cách ngôn ngữ của nhà văn, đó là ngôn ngữ đời thường thô ráp, góc cạnh (chứ không phải ngôn ngữ được gọt giũa óng ả, êm mượt), thứ ngôn ngữ tự nhiên như ta thường gặp trong cuộc sống hàng ngày, thứ ngôn ngữ này ta đã từng gặp trong truyện của Nam Cao, Vũ Trọng Phụng. Có lẽ phong cách ngôn ngữ của những cây bút bậc thầy Nam Cao, Vũ Trọng Phụng đã có ảnh hưởng không nhỏ đến Lê Minh Khuê, bởi chị từng ý thức: “Tôi yêu văn Vũ Trọng Phụng, Nam Cao và thích độ lạnh của hai ông”.
Khi miêu tả “hiện thực hạ đẳng”, các trang viết của Lê Minh Khuê xuất hiện khá nhiều yếu tố tục. Việc sử dụng nhiều yếu tố tục trong xây dựng loại nhân vật bị tha hóa mang chủ đích nghệ thuật của tác giả. “Thực ra, bên cạnh cái thanh nhã, tục cũng là một phạm trù thẩm mỹ nếu nó được đặt đúng nơi đúng chỗ. Những nhà văn tài năng là những người dám sử dụng cái tục không phải như một hình thức kích thích tính tò mò của loại thị hiếu thấp kém mà muốn thông qua nó để chỉ ra trạng thái đời sống diễn ra tự nhiên như nó vốn có” (3). Với việc sử dụng nhiều yếu tố tục, trong truyện ngắn Lê Minh Khuê đối tượng miêu tả được tiếp cận một cách suồng sã, giữa chủ thể kể và đối tượng không tồn tại khoảng cách, ý thức đối thoại đang lấn át ý thức độc thoại vốn là sản phẩm của tư duy nghệ thuật mang tính sử thi. Nhà văn và nhân vật ở vào thế bình đẳng như cùng xuất hiện trên một mặt bằng tranh luận. Nhà văn không còn giữ tư cách “biết trước” biết hết mọi chuyện của đối tượng. Lê Minh Khuê đã khai thác tối đa ngôn ngữ nhân vật. Nhân vật nói những điều cần nói và nói bằng chính ngôn ngữ của mình.
Như vậy, Lê Minh Khuê đã thành công trong một xử lý nghệ thuật có tính thử thách với người cầm bút. Trong dạng ngắn của nó, truyện của Lê Minh Khuê là những mảnh đời đến với ta từ nhiều góc độ, nhiều phía, không trùng lặp, đơn điệu. Cuộc đời được nhìn bằng sự “tự cảm thấy” của nhà văn. Chính tại đây khuôn mặt đích thực của đời sống hiện lên sắc nét hơn đâu hết. Chất đời thấm vào ngôn ngữ và khoảng cách tiếp cận suỗng sã trong văn Lê Minh Khuê tạo nên màu sắc giễu nhại trong giọng điệu của nhà văn. Những yếu tố nghịch dị và giọng điệu giễu nhại giúp ta một mặt nhận thấy bản chất thật của đời sống, mặt khác tạo nên một không gian dân chủ về phương diện tinh thần. Nó lột bỏ các nghi lễ, quy phạm, các trật tư tôn ti để làm nổi bật chân dung đích thực của đối tượng miêu tả. Lê Minh Khuê như lùi lại sau hàng rào ngôn ngữ để cho người đọc cảm nhận trực tiếp cái đa thanh của cuộc đời, cuộc đời là như thế dù muốn hay không nó vẫn cứ tiếp tục tồn tại như vốn có: bề bộn và nhiễu loạn.
Tái hiện chân dung nhân vật tha hóa ở phương diện dùng tính chất tự phê phán của bản thân ngôn ngữ, Lê Minh Khuê đã thực hiện bút pháp hiện thực nghiêm nhặt - một bút pháp chủ trương lách vào tận đáy sâu sự thật cuộc sống, phanh phui, lật tẩy những phần tối tăm nhất trong con người: sự tàn nhẫn, mù quáng, ngu muội, độc ác, đểu giả... Tuy nhiên, tái hiện một cách tàn nhẫn hiện thực bằng cái nhìn cực thực không có nghĩa là nhà văn tung những “quả mù”, “làm rối trí người đọc”, “bôi nhem con người Việt Nam” (4) hoặc thích thú với những giá trị thấp kém. Đằng sau cái hiện thực nhiễu loạn, đảo điên bề bộn ấy là cái nhìn nghiêm túc, sắc sảo của nhà văn về cái xấu xa, tàn ác. Là nỗi niềm nhức nhối khát khao: Con người có tỉnh ngộ, có đau lòng hay không trước hiện trạng này? Nhân vật của chị vẫn sống ngang nhiên giữa đời thường, “Mong mỏi đến ngày họ giác ngộ là người viết. Đau lòng hơn cả cũng là người viết” (5).
2.2. Nhân vật bị tha hóa
Loại nhân vật này khác với loại nhân vật tự tha hóa ở chỗ họ bị tha hoá ngoài ý muốn của bản thân. Một điều đáng lưu ý là khi chúng tôi khảo sát chín tác phẩm xuất hiện loại nhân vật bị tha hóa thì có đến bảy tác phẩm, nhân vật thuộc tầng lớp trí thức. Họ là nhà báo, kỹ sư và nhiều hơn cả là nhà giáo. Rõ ràng, sự tha hoá của trí thức là một trong những vấn đề Lê Minh Khuê trăn trở, quan tâm.
Trước Lê Minh Khuê, hình ảnh người trí thức tha hóa đã từng xuất hiện trong tác phẩm của một số nhà văn hiện thực phê phán và đặc biệt thành công dưới ngòi bút miêu tả sắc sảo của Nam Cao. Cùng thời với chị cũng có nhiều nhà văn viết về đề tài người trí thức như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Ma Văn Kháng... Như vậy để xây dựng kiểu nhân vật này Lê Minh Khuê vừa phải biết tiếp thu những gì là tinh hoa của các bậc tiền bối, vừa phải biết tinh nhạy kịp thời đón những cái mới của thời đại theo cách riêng của mình và chỉ có như vậy nhân vật của chị mới có cơ hội có chỗ đứng trong lòng bạn đọc. Thực tế, nhà văn đã cố gắng thể hiện được điều này qua chân dung nhân vật của mình.
Điều dễ nhận thấy là để tạo dựng nhân vật bị tha hóa, Lê Minh Khuê thường đặt nhân vật của mình vào một hoàn cảnh có vấn đề. Trong quá trình “nếm trải” hoàn cảnh mang tính thử thách đó thường thì nhân vật không thể hoặc chưa thể vượt qua. Họ “giãy giụa” mong thoát khỏi bi kịch của số phận và trong quá trình “tìm đường” họ bị rơi vào những cái kết cục khác nhau: có nhân vật xuôi đi theo cái xấu, có nhân vật ý thức rõ về sự tha hóa của bản thân và cố gắng vượt qua mình nhưng thật khó khăn và chẳng đi đến đâu.
Sự tha hóa của những nhân vật trí thức trong truyện ngắn Lê Minh Khuê được thể hiện ngay ở diện mạo bên ngoài... Nhà văn thường không tả hết tất cả ngoại hình mà tuỳ từng nhân vật, trong từng hoàn cảnh cụ thể chọn lấy những chi tiết “biết nói” để phác hoạ nhân vật. Thủ pháp đặc tả thậm xưng, tả kết hợp với phương thức so sánh gắn liền cái nhìn trào phúng hóm hỉnh khiến diện mạo bề ngoài của các nhân vật hiện lên có hình ảnh, đường nét rõ ràng: nhếch nhác, bệ rạc, yếu đuối, bất lực đến thảm hại. Từ dáng vẻ này, người ta có thể đọc được phần nào đời sống bên trong của nhân vật, mức độ tha hoá của kiếp “con người này”. Câu hỏi đặt ra với người đọc là nguyên nhân nào đã dẫn họ đến chỗ “dị mọ” như vậy? Thông qua việc mô tả trạng thái tinh thần của nhân vật, những diễn biến tâm lý, những việc làm, cử chỉ, hành vi của họ tác giả đã cắt nghĩa sâu sắc,  chỉ ra căn nguyên tha hoá của tầng lớp trí thức nói riêng và con người nói chung trong xã hội hiện đại.
Lê Minh Khuê tỏ ra vừa hài hước châm biếm, vừa nhân hậu, sắc sảo trong việc tái hiện tâm lý nhân vật trong hoàn cảnh. Nhân vật của chị được đặt trong quá trình suy thoái không thể cưỡng. Và từ trên cái cầu trượt đó, anh ta rơi vào cái chết mang tính hai mặt: thể xác và tinh thần. Từ cái chết của tư cách một nhà giáo đưa tới cái chết của chính bản thân anh ta. Cũng giống như nhân vật trí thức của Nam Cao, nhân vật trí thức tha hoá của Lê Minh Khuê mang trong mình nội tâm những bi kịch giày vò trước sự vô vị, vô dụng của cuộc đời mình khi anh ta đánh mất mình một cách vô thức. Trong Thằn lằn tiếng khóc hối hận, xót xa của một “gã” giáo dạy sinh vật cùng lời bộc bạch với đứa con gái khi nó cứu “gã”  ra khỏi cái chết thảm thương là đỉnh cao tâm trạng bi kịch đó: “Tại bố tiếc, bố nhớ cái thời ngày xưa. Bố có đến nỗi nào. Chả đến nỗi dị mọ như bây giờ”. Không phải vô cớ mà ở phần kết truyện nhà văn miêu tả tỉ mỉ đến từng động tác của gã: “Lọ mọ cho cái cà vạt vào túi ni lông. Để vào giữa cuốn sổ, đóng cái miệng rương, cài móc sắt, đẩy cái rương vào chỗ cũ”... Ngậm ngùi, tiếc nuối, tủi cực nhưng không còn cách nào khác... Tất cả lại trở lại vị trí. Gã lại phải tiếp tục ngày qua ngày mòn mỏi, nhọc nhằn, kéo lê gánh nặng gia đình với kiếp sống “Không bằng con thằn lằn”. Người đọc cứ vừa trách, vừa thương, vừa tiếc thay hộ gã: giá như vợ chồng gã đừng ham hố đẻ nhiều đến thế, giá như họ biết vượt lên, hướng đến ánh sáng văn hóa, văn minh và không bị trói buộc bởi những tư tưởng lạc hậu thì đâu đến nỗi nào…
Ông giáo Trí (Thân phận cu ly) là sản phẩm điển hình của một thời đầy ấu trĩ. Ông ta bị hoàn cảnh biến thành một loại người sống như một cỗ máy công cụ, “Cả đời ôm đồm đống chữ nghĩa mờ mịt” nên không biết làm thêm cái gì để kiếm thêm tiền. Cũng như gã giáo viên trong Thằn lằn, giáo Trí bị ràng buộc bởi gánh nặng gia đình “đầu gio mặt muội với đàn con sáu đứa toàn vịt giời”. Mỉa mai thay “Ông có tới ba bằng đại học... học đến hói cả tóc, giơ cả xương. Suốt đời ông giảng giải về các thứ tương lai của nhân loại” vậy mà “lúc này trí thức và sức lực ông chỉ dùng cho một việc “vĩ đại”: ấy là ông ngồi tính toán cách ăn tiêu như thế nào cho vừa với đồng lương”... đồng nào gửi về quê, đồng nào cho con, đồng nào phần ông để duy trì cuộc sống?... Thói bảo thủ, tự mãn cho rằng: “Trên đời này thật khó ai có thể sánh với ông” cũng là một trong những nguyên nhân kéo ông ngày càng tụt hậu. Quanh đi quẩn lại với cái quỹ đạo ngưng đọng, trì trệ, ứ lại của cuộc sống hàng ngày. Không thể tự vượt thoát khỏi hoàn cảnh, giáo Trí nhìn đời bằng cái nhìn chua chát, cay cú, hằn học: “Vậy thì thời nào cũng thế thôi. Cóc nhái nó cứ nhảy lên đĩa cả hàng đống”. Chữ nghĩa đầy mình, “kiến thức sâu rộng” mà buồn thay ông ta không thể tìm được một cuộc sống khả dĩ cho chính bản thân mình. Cái cách “bảo tồn năng lượng” của ông ngẫm kỹ thấy thật là một sự hổ thẹn của giới trí thức thời bao cấp. Thân phận của ông giáo “ba bằng đại học” không bằng thân phận một kẻ đi làm cu ly xứ người.
Còn thầy giáo trong Thầy giáo dạy triết thì như một cái máy biết nói cũ rích, tua đi tua lại “những điều mà bọn trẻ chẳng mấy quan tâm nữa. Môn triết của thầy trái khoáy với cái điều bọn trẻ ngẫm ngợi”. Ông giáo này đã 49 tuổi mà chưa có vợ, dù không bị gánh nặng gia đình níu chân nhưng cuộc sống, phong độ của ông cũng chẳng hơn gì giáo Trí. Ông “thờ chữ trọng, như ông gàn” trong khi xung quanh đầy những ông thầy làm “hàng giả”: “Ông nọ thuổng của ông kia, rồi thuổng ở báo này báo nọ, cho vào cái cối của mình và giã thành bột riêng”... “Thầy giáo giữ mình để rồi nghèo cả danh hiệu cả tiền”. Có thật là “thầy giữ mình” không hay đó là sức ì của con người thời bao cấp? Ông có thể không “làm hàng giả” bằng cách làm khoa học chân chính vươn tới một cuộc sống không phải lúc nào cũng chỉ “thú vị” với món “đậu sốt cà chua ăn với dưa muối”. Vậy mà thầy chấp nhận sự đơn điệu, nhàm tẻ, sống ẩn mình, mờ mờ nhân ảnh - “Thầy giáo dạy triết” không thể tự sắp xếp được những “ngổn ngang” của cuộc đời nếu không có sự giúp đỡ ân tình của một cô học trò đầy năng động.
Trong Roman keating, ông giáo dạy hợp đồng suốt ngày giáo huấn học trò vì cái tội “tâm lý sợ kém cạnh là tâm lý cố hữu”... nhưng hài hước thay chính vì chịu để mình “kém cạnh” nên ông (cũng như ông hiệu trưởng) không thể phân biệt được “Roman keating” - Cái người mà một cô học trò vẫn mượn tên để “trích dẫn” toàn những câu triết lý “cao siêu” đưa vào bài văn là ai? Để đến khi chính cô học trò cho biết Roman keating “đang hát” trên màn hình - Roman keating là ca sĩ được giới trẻ hâm mộ, ông mới thấy “một nỗi buồn thấm thía làm nước mắt ông chực tràn lên mi”.
Để xây dựng chân dung nhân vật bị tha hóa, rõ ràng Lê Minh Khuê không tập trung tả hành động ứng xử của nhân vật trong các mối quan hệ hoặc đối thoại của nhân vật như ở dạng nhân vật tự tha hoá,  tác giả chủ yếu miêu tả trạng thái tinh thần, những việc làm, cử chỉ thói quen có tính chất lặp đi lặp lại của nhân vật. Dường như cuộc đời của họ buồn tẻ, dậm chân tại chỗ, kẽo kẹt mãi điệp khúc “cuộc đời là một vòng quay”. Cũng viết về sự tha hoá của giới trí thức, nhưng nếu như trước đây Nam Cao cho rằng nguyên nhân của tấn bi kịch này là bởi người trí thức bị xã hội đương thời om vào một cái lồng hẹp và dồn đẩy họ tới chân tường của sự thống khổ, họ không thể thoát ra khỏi sự vây bủa vấn đề “cơm áo ghì sát đất” thì ở thời đại của mình Lê Minh Khuê lại tỉnh táo chỉ ra căn nguyên sâu xa dẫn đến bi kịch “sống mòn” của người trí thức hiện đại không hẳn là chuyện cơm áo mà chính là sự trì trệ, bảo thủ lạc hậu so với bước tiến của thời đại. Họ kém một bản lĩnh để vượt mình, để vươn tới ánh sáng văn hoá văn minh tinh thần và tiếp cận cái mới, cứ tự giam hãm mình trong cái vòng quay luẩn quẩn của cuộc sống để rồi bị mài mòn tất cả. Họ bị xuội đi theo những thói xấu của cuộc sống mà không thể cứu vãn nổi lòng tự trọng và nhân cách của mình, phải chấp nhận một cuộc sống tầm thường, bệ rạc, bạc nhược.
Bằng kinh nghiệm cá nhân, Lê Minh Khuê đã trình bày “hiện thực tự cảm thấy” (6) bằng tất cả những trăn trở, suy tư của mình. Đằng sau giọng văn lúc lạnh lùng, chua chát, giễu cợt khi hài hước, hóm hỉnh là cái nhìn tỉnh táo và sâu sắc. Nhà văn đưa ra lời cảnh báo về hiện tượng đánh mất mình một cách vô thức trong xã hội hiện đại. Sự suy thoái này như một căn bệnh ngấm ngầm khó chữa và không chừa một ai kể cả những người có bằng cấp, học vị trong xã hội. Nếu từng cá nhân không tự khẳng định mình, không tự giải phóng chính mình thì sẽ luôn phải làm nô lệ cho hoàn cảnh mà thôi!
3. Trong cuộc sống đời thường muôn mặt phức tạp, với độ lùi về thời gian, Lê Minh Khuê đã nghiền ngẫm và phác hoạ bức tranh hậu chiến của đất nước trong chiều sâu thăm thẳm của nó. Sự tàn phá của chiến tranh đã để lại di chứng nặng nề cả ở phương diện vật chất và đặc biệt là văn hóa tinh thần của người Việt Nam. Không phải vô cớ mà nhiều nhân vật tha hóa, bất ổn của chị được đặt trong một không gian cư trú tối tăm, chật hẹp, đóng kín, một môi trường ô hợp xô bồ. Nơi cư trú hoá thành hang ổ của dục vọng, người ta thản nhiên phô bày cái tham lam, cái ác, cái đểu giả. Con người dù muốn hay không rồi cũng bị tha hóa dần vì thứ văn hoá thấp kém có sức trì kéo bởi không khí tù đọng, bế tắc ngột ngạt của một môi trường, hoàn cảnh. Cuộc sống đối với họ chỉ là cuộc đấu tranh sinh tồn để kiếm miếng ăn. Họ như cỏ dại mọc cô đơn trên bãi đất hoang lạnh giá tình người.
Tái hiện hiện tượng những nhân vật biến chất trở thành xấu đi, nhà văn dường như muốn khẳng định: chừng nào còn thiếu ánh sáng của văn hoá, văn minh và sự ràng buộc của cộng đồng văn hoá thì chừng ấy con người còn bị đánh mất mình. Họ mất dần ý thức công dân cũng như lương tâm của mình. Sự nghèo nàn quẫn bách cả về cuộc sống vật chất lẫn tinh thần chính là bóng đen nuôi dưỡng cái ác. Nguyên nhân của những tội ác rùng rợn nhất là do tâm hồn ngu muội của con người. Những mảnh đất cằn cỗi đã làm cho con người trở lên đớn hèn, nhỏ nhen, ti tiện. Những đố kỵ, hằn thù, ganh ghét, những định kiến bảo thủ, hẹp hòi và đạo đức giả đã làm thoái hoá bản chất của con người lương thiện và phần người trong mỗi một CON NGƯỜI.
Hiểu, thấm thía và đau đớn chân thành cùng dân tộc với những vết thương nhức nhối khó lành sau chiến tranh, nên mặc dù viết về những con người biến chất xấu xa, thậm chí đến quái gở giữa cuộc đời, Lê Minh Khuê vẫn chắt chiu và nâng niu những mầm thiện nhỏ bé, những đốm lửa kỳ diệu của thiên lương còn ẩn náu trong họ. Tái hiện nhân vật tha hoá, Lê Minh Khuê đã vượt qua lối mòn tư duy coi văn học như là tấm gương phản ánh hiện thực một cách đơn giản để thể hiện một cách chân thật sinh động cuộc sống con người như nó vốn có, đang tồn tại. Đó là bức tranh nguyên dạng của cõi nhân sinh đầy phức tạp, đa sự. Đặt nhân vật trong nhiều quan hệ khác nhau, nhà văn soi ngắm số phận cá nhân để từ đó khái quát những vấn đề nhân thế. Xuất phát từ tấm lòng nhân đạo, từ niềm cảm thông sâu sắc với số phận của con người trong bao biến thiên của cuộc sống, từ ý thức kỳ vọng về sự bền vững của cái đẹp, cái thiện chế ngự cái xấu cái ác, những trang văn của Lê Minh Khuê bên cạnh sự lạnh lùng, khách quan còn thấm đượm niềm trắc ẩn, xót xa và nỗi buồn. Đọc, hiểu những ẩn ngữ trong văn chương của chị, chúng ta có quyền hy vọng: ngày mỗi ngày rồi con người sẽ sống tốt đẹp hơn!.
Chú thích:
(1). Nhiều tác giả, Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng và Trung tâm từ điển học, H., 2003, tr.907.
(2). Mai Thị Thúy Ninh, Truyện ngắn Lê Minh Khuê - Luận văn Thạc sĩ KH Ngữ văn, trường ĐHSP Hà Nội, 2002.
(3), (6). Nguyễn Đăng Điệp, Vọng từ con chữ, Nxb. Văn học, H., 2003. tr.167, 159.
(4). Dương Tùng, Bi kịch nhỏ - Truyện ngắn Lê Minh Khuê, Tạp chí Cộng sản (số 10), 1993.
(5). Hồ Anh Thái, Lê Minh Khuê người đàn bà viễn thị (lời cuối sách), Truyện ngắn chọn lọc Lê Minh Khuê, Nxb. Phụ nữ, H., 2002. tr. 444.
Cao Thị Hồng
Nguồn: Lý luận - phê bình văn học đổi mới 
và sáng tạo, Nxb. Hội Nhà văn, H. 2013
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mái tóc người vợ HỘI LÀNG MẤT VUI Thuở ấy, giặc Minh đang xâm chiếm nước ta. Ở một vùng khuất nẻo, hội vật làng Liễu đang vào ngày c...