Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại


Tiểu thuyết Những người mở đường 
của Hồ Thủy Giang nhìn từ đặc điểm thể loại
Huyền thoại về 61 chiến sĩ thanh niên xung phong Đại đội 915 khi làm nhiệm vụ bốc dỡ, vận chuyển hàng hóa tại ga Lưu Xá (Thái Nguyên) đã hy sinh anh dũng đúng đêm Noel 24/12/1972 bởi loạt bom B52 của Mỹ rải thảm đã trở thành thành nguồn cảm hứng sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ Thái Nguyên. Nhiều tác phẩm nghệ thuật thuộc các thể loại: thơ, nhạc, truyện dài, tiểu thuyết đã ra đời và được công chúng quan tâm đón nhận. Ở thể loại tiểu thuyết, Những người mở đường (Nxb. Văn học, H.2016) của Hồ Thủy Giang nói theo cách của M. Kundura (nhà lý luận, phê bình người Pháp) là đã cố gắng vượt lên “mức kể” và “mức tả”, hướng đến mức “suy nghĩ” về một câu chuyện. Nhìn từ đặc điểm thể loại tiểu thuyết, bài viết này muốn làm sáng tỏ hơn giá trị nhân văn của Những người mở đường xung quanh một số phương diện của tác phẩm như: hiện thực nghệ thuật, thời gian, không gian và đặc biệt là nhân vật…
Tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang “được viết dựa vào một số tình tiết có thật về Đại đội Thanh niên xung phong 915 (thuộc đội 91), một đại đội hầu hết các đội viên là người dân tộc thiểu số thuộc tỉnh Bắc Kạn và Thái Nguyên” (1). Tuy nhiên, với sự nỗ lực vượt qua lối viết tả thực chiến tranh khuôn mẫu, sáo mòn, ngòi bút Hồ Thủy Giang đã bước đầu bắt nhịp vào dòng chảy của tư duy nghệ thuật tiểu thuyết thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Lý luận văn học thừa nhận trong sáng tạo nghệ thuật, thế giới nghệ thuật trong tác phẩm là kết quả của quá trình người nghệ sĩ tự do tâm hồn, tự do trí tuệ để sáng tác theo quy luật của cái đẹp. Có thể đó là hiện thực của tâm linh, hiện thực của vô thức và kể cả “ảo ảnh của hiện thực” (Ch.Caudwell). Hiện thực ấy không nhất thiết phải trùng khít với hiện thực cuộc sống đang diễn ra trước mắt chúng ta. Hiện thực trong tác phẩm nghệ thuật là hiện thực do nhà văn “tự cảm thấy” bằng kinh nghiệm sống - hiện thực được xây dựng bằng tưởng tượng, bằng những cảm nhận và thể nghiệm mà chính nghệ sĩ đã trải qua, hiện thực mang “tính quan niệm” (từ dùng của Trần Đình Sử). Vì lẽ đó, chúng ta không nên áp công thức “giống như thật” để tiếp nhận tác phẩm  Những người mở đường và càng không thể đơn thuần coi đây là tác phẩm kể chuyện lịch sử.
Chọn cách kiến tạo tác phẩm theo kiểu kết cấu lồng ghét, truyện lồng trong truyện, tiểu thuyết lồng tiểu thuyết Những người mở đường đã mở ra một không gian và thời gian hiện thực chồng chất nhiều tình tiết, sự kiện. Thời gian của tác phẩm không đơn thuần là thời gian tuyến tính mà đó là thời gian đa tuyến, đảo đổi liên tục, quá khứ và hiện tại được kéo lại gần nhau hơn. Hiện thực cuộc sống được tái hiện đa chiều với những mảng màu sáng tối khác nhau: chiến tranh/ hòa bình, còn/ mất, tốt/xấu, đúng/ sai… tất cả gợi lên trong tâm trí bạn đọc những liên tưởng và đối thoại, suy ngẫm về cuộc đời và thân phận con người.
Chiến tranh quả đúng “chưa bao giờ là ngày hội”, chiến tranh là tàn khốc, đau thương, hy sinh, mất mát… Những trang viết phục dựng hiện thực chiến tranh là những trang viết cuốn hút và mang đến cho người đọc nhiều cảm xúc. Qua hồi ức của nhân vật Tâm - một cựu thanh niên xung phong của  Đại đội 915, đồng thời là nhân chứng sống, là người trong cuộc, chúng ta  có thể ngược dòng thời gian trở về địa danh ga Lưu Sơn - nơi bám trụ và làm việc của sáu, bảy chục con người tuổi đời còn rất trẻ, vô tư, hồn nhiên và lạc quan, yêu đời. Họ vẫn biết, cuộc chiến đang diễn ra ác liệt, hiểm nguy luôn tiềm ẩn xung quanh nhưng có lẽ mỗi người trong họ không bao giờ lường đến tình huống: chỉ trong chớp mắt ngắn ngủi khi còn chưa kịp nuốt vội miếng cơm sau một ngày làm việc vất vả, căng thẳng thì xương thịt của họ đã muôn mảnh hòa tan vào lòng đất. Đau thương đến đột ngột, bất ngờ: “Chỉ một tích tắc ngay sau đó, căn hầm lớn trúng bom, gạch, đất, đá, tre nứa nảy tung lên cao (…). Khu nhà trẻ ga Lưu Sơn, một đêm hãi hùng. Sau những trận bom quần đảo, tất cả chìm trong yên lặng, nhưng là cái yên lặng rùng rợn của chết chóc”…Cảnh tượng Thịnh, Mận, và Tâm cuống quýt “đào bới điên cuồng”, “kêu gào thê thảm” trong “đêm đen kịt” để hy vọng kiếm tìm đồng đội sống sót và cảnh tượng  chết chóc tang thương mang giá trị tố cáo chiến tranh sâu sắc. Chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, bao nụ cười tuổi thanh xuân tắt lịm, những lời yêu đẹp nhất của những chàng trai, cô gái mơn mởn sức sống chưa kịp thốt thành lời vĩnh viễn chìm vào hư không… Trận bom Mỹ rải thảm như một nhát chém đau đớn trong lòng người ở lại, và mãi mãi vết thương rỉ máu không thể nào lành... Song, tái hiện hiện thực chiến tranh, lên án chiến tranh không phải là mục tiêu chính của Hồ Thủy Giang ở tiểu thuyết này. Bởi lẽ, cùng viết về đề tài Đại đội Thanh niên xung phong 915 của Bắc Thái, trước tiểu thuyết Những người mở đường của Hồ Thủy Giang (Nxb. Văn học, H.2016), tác giả Ngọc Thị Kẹo - nguyên là một cựu thanh niên xung phong chống Mỹ thuộc Đội 91 đã có truyện dài Nhật ký cô văn thư (Nxb.Thanh niên, H.2013). Từ trải nghiệm sâu sắc của chính bản thân, Ngọc Thị Kẹo đã tái hiện sinh động cuộc sống và chiến đấu của đồng chí, đồng đội của mình. Dưới ngòi bút của Ngọc Thị Kẹo không khí lạc quan yêu đời của tuổi trẻ thời chống Mỹ hiện lên xuyên suốt tác phẩm. Dù gặp bao khó khăn, gian khổ, hy sinh trong lao động và chiến đấu, những chiến sĩ thanh niên xung phong vẫn ngẩng cao đầu, không khuất phục, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Tác phẩm của Ngọc Thị Kẹo chứa nhiều sự kiện, tư liệu, địa danh lịch sử, có thể nhận thấy cũng giống như nhiều tác phẩm khác viết về chiến tranh, cảm hứng “sử thi” và âm hưởng ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng là thanh âm chủ đạo bao trùm  toàn thiên truyện. Đúng như bạn đọc nhận xét về Nhật ký cô văn thư: “Cuốn sách đã bước đầu phản ánh được khá sâu đậm những nét tiêu biểu nhất, chung nhất của quá trình thành lập, hoạt động và trưởng thành của lực lượng Thanh niên xung phong cả nước thời kỳ chống Mỹ” (2).
Ở Những người mở đường, trên nền hiện thực chiến tranh đau thương, u ám và những hệ lụy mà chiến tranh để lại, điều vang lên hơn cả chính là câu hỏi day dứt: Chúng ta cần phải ứng xử như thế nào với lịch sử, văn hóa và trên hết là với Con người? Xung quanh cách ứng xử giữa con người với con người trong thời chiến cũng như thời bình, tác giả như muốn gửi gắm nhiều thông điệp mà ở đó người đọc nhận thấy Hồ Thủy Giang bày tỏ khát vọng về một sự công bằng cho Con người, mơ ước về cái tốt, cái thiện thay thế cho cái xấu, cái ác, cái đúng thay thế cho cái sai, sự tiến bộ thay thế cho những gì bảo thủ, ì trệ.
Sự trở về thành phố - nơi sinh ra, lớn lên và “cống hiến suốt cả một thời trai trẻ” sau 30 năm “phải khăn gói ra đi” - của ông Thịnh để “tìm ký ức”, tìm lại đồng đội và tìm lại chính mình chỉ là cái cớ để tác giả triển khai mạch truyện, xây dựng hệ thống nhân vật. Người đọc có thể nhận thấy rất rõ trong Những người mở đường bên cạnh một số nhân vật xuất hiện gián tiếp (họ là những đồng đội đã hy sinh, chủ yếu được nhớ lại qua hồi ức của Thịnh và Tâm) nhân vật xuất hiện trực tiếp không nhiều, chỉ có Tâm, Thịnh và Vinh là đáng kể. Nhân vật Tâm có ý nghĩa như một nhân vật trung gian kết nối để người đọc hiểu hơn về nhân vật Thịnh và đồng đội của ông. Như vậy, nhân vật chính để có thể chuyển tải mọi thông điệp của tác phẩm tập trung ở Thịnh và Vinh.
Sự hấp dẫn, kích thích, dẫn dụ người đọc là ở chỗ hai nhân vật này mặc dù là đồng đội một thời, nhưng họ lại là những người đã từng đối đầu nhau bởi mâu thuẫn nặng nề về quan điểm sống. Ở một góc độ nào đó, họ như hai kẻ ở hai “chiến tuyến” khác nhau, đối kháng về lý tưởng. Trong quá khứ, Thịnh đã từng to tiếng, giận dữ quát Vinh: “Cút ngay! Thằng bám đít tư sản kia, cút ngay! Đội ngũ thanh niên xung phong không cần loại người như mày, nhân dân không cần loại người như mày” và sau đó ông ta khai trừ Đảng, sa thải Vinh chỉ vì Vinh “mắc phải cái trò buôn bán phe phẩy vô lối” (3). Bị dồn nén “đến con đường cùng” Vinh cũng đã “độc địa”, “quyết tử” đáp lại: “Xin nói để ông đội trưởng hiểu rằng, hiện giờ đất nước đã bắt đầu chấm dứt chiến tranh. Tuy còn nhiều việc phải làm nhưng cũng nên nghĩ dần đến chuyện cải thiện đời sống đi là vừa. Còn cứ với cái đầu thủ cựu mãi như ông thì đến bao giờ mới dân giàu nước mạnh như các nước trên thế giới ” (4).
Lời thoại nảy lửa giữa Thịnh và Vinh không đơn thuần chỉ là cuộc cãi vã, tranh luận mang tính cá nhân. Đó là một cuộc đấu tranh không kém phần cam go, quyết liệt giữa một bên là tư tưởng bảo thủ, trì trệ, là sự xơ cứng trong cách nghĩ, phi nhân văn trong việc làm mà một thời nhiều người như Thịnh nghĩ đó là “chân lý” bất di bất dịch và một bên là tư duy đổi mới, tiến bộ, linh hoạt tiếp cận xu thế mới của thời đại. Với độ lùi thời gian,  nhìn nhận lại chính mình nhân vật Thịnh đã vô cùng day dứt, ăn năn bởi những lỗi lầm quá khứ. Do cách nghĩ thiển cận nên ông đã hành động độc đoán đến “bất cận nhân tình” với đồng đội. Trong tác phẩm, không phải ngẫu nhiên tác giả để nhân vật Thịnh giày vò, đau khổ suốt mấy chục năm sau chiến tranh và nói với Tâm rằng ông ta “không thể tha thứ cho mình (…) do ấu trĩ mà thành ra mắc nhiều tội quá”  nhất là về việc “đã kỷ luật cậu Cương, cũng đồng nghĩa với việc khiến cậu Cương chết thêm một lần nữa”…
Và kết thúc tác phẩm khi vỡ ra mọi lẽ về bản chất thật của Vinh - một doanh nhân thành đạt bởi ý chí, bản lĩnh kiên cường và hơn hết là bởi có tư duy của người “mở đường” thực sự, Thịnh đã chân thành nói với Vinh vừa như một lời xin lỗi, vừa như một lời thú tội: “Hơn ba mươi năm qua tôi đã nghĩ xấu về cậu… Ở đời có những việc tưởng là đúng nhưng sau đó, trước biến đổi của thời gian mới thấy là mình thật ấu trĩ”, và ông thấy “lòng quặn thắt” “xấu hổ” vì mình là “kẻ hẹp hòi, thiếu lòng độ lượng, cứ ôm mãi mối hận thù” (5).  
Chiến tranh lùi xa vào quá khứ, con người trở về cuộc sống đời thường với muôn vàn bề bộn, với những quan tâm về quyền lợi cá nhân, những hạnh phúc riêng tư,... nhiều vấn đề phức tạp của cuộc sống thời hậu chiến phải giải quyết. Nhân vật Thịnh là người đứng giữa hai chiều thời gian quá khứ và hiện tại. Bản thân ông là vừa là nhân chứng của lịch sử, là người  bước ra từ cuộc chiến, vừa là người được thụ hưởng thành quả hòa bình. Và đó chính là cơ hội để ông chiêm nghiệm, suy ngẫm về lẽ đời, khám phá, hiểu hơn những gì đã qua và những gì đang hiện hữu.
Ở một góc độ nào đó về mặt loại hình có thể đặt nhân vật Thịnh vào loại nhân vật “tự thú” và “sám hối” - một kiểu nhân vật xuất hiện nhiều trong tiểu thuyết Việt Nam thời kỳ đổi mới. Sự sám hối nào cũng chỉ có thể có khi dựa trên quá trình nhận thức lại bản thân. Trong đời sống, có những kẻ nhận thức được quá khứ nhưng không đủ dũng cảm, tự thú để thừa nhận cái đúng và hướng thiện. Nhân vật Thịnh đáng được tha thứ là ở chỗ ông đã nhận thức được quá khứ và can đảm, dũng cảm tự thú, tự sám hối để hướng đến cái đúng, cái tiến bộ. Sau ba mươi năm “trả giá bằng cuộc trốn chạy tận Cà Mau” (6) sống trong nỗi ám ảnh khôn nguôi về lỗi lầm gây ra đối với đồng đội, ông trở về để chuộc lại lỗi lầm, tìm lại giá trị thật của con người mình bằng những hành động thiết thực hữu ích với mục đích tìm lại sự công bằng cho đồng đội. Như vậy, có thể thấy tính cách nhân vật Thịnh được xây dựng đa dạng, phong phú: có tốt/ xấu, có đúng/ sai. Về thực chất, đây là loại nhân vật tích cực trong văn học, loại nhân vật này không đơn điệu mà phức tạp hơn, trải nghiệm nhiều hơn. Sai lầm của nhân vật Thịnh là sai lầm mang tính  cộng đồng. Một thời, tư duy thủ cựu, ấu trĩ kiểu như của ông Thịnh là căn bệnh nan y trong “đám đông”. Sự giới hạn nhận thức, lỗ hổng văn hóa đã khiến cộng đồng nhầm lẫn giá trị, nhiều người cho rằng: “Cái nghèo mới là đại diện cho sự trong sạch. Ai đó bỗng sống khá giả, sang trọng đều được cho là hút máu nhân dân, hút máu đồng loại. Chỉ có lũ con buôn, lũ lừa phỉnh, cơ hội, phi pháp, phi lý tưởng mới mong ước một cuộc sống giàu sang phú quý…”(7).
Với nhân vật Thịnh, tác giả Hồ Thủy Giang đã cho thấy rõ một thực tế: mỗi khi lịch sử sang trang, con người luôn có nhu cầu nhận thức lại lịch sử và nhận thức lại chính bản thân mình. Cảm thức sám hối là một tình cảm có ý nghĩa phổ quát và khẩn thiết. Nó càng khẩn thiết hơn trong môi trường xã hội mà sự ấu trĩ, dốt nát đi cùng cái xấu, cái ác đang ngày một gia tăng. Và, phải chăng sự thay đổi nhận thức của nhân vật Thịnh cũng gắn liền với sự tiến bộ về tư duy nghệ thuật của nhà văn Hồ Thủy Giang trên hành trình sáng tạo nghệ thuật?
Song hành cùng nhân vật Thịnh là nhân vật Vinh. Sự xuất hiện của Vinh trong tác phẩm như một điểm nhấn nghệ thuật, làm sáng tỏ chủ đề tác phẩm. Đối lập với Thịnh, Vinh là đại diện cho tư duy tiến bộ của lớp người trẻ tuổi, đổi mới triệt để trong tư tưởng và hành động. Những suy nghĩ của Vinh về cuộc sống và cách đối nhân xử thế của anh vừa hiện sinh vừa nhân văn. Dẫu trong chiến tranh bị o bế, bị giới hạn về nhận thức, tầm nhìn nhưng may mắn Vinh không bị rơi vào điểm mù, anh không mắc bệnh theo “tâm lý đám đông”. Anh tôn trọng con người cá nhân, hiểu rõ mình là ai, xác định rõ nhân vị của mình nên anh vững vàng trong mọi tình huống đặt ra và vượt qua nhiều thử thách đối với số phận, vươn lên làm chủ cuộc đời mình và giúp ích cho mọi người. Nhân vật Vinh là người dám chịu trách nhiệm về quan điểm, lẽ sống của mình - đó là mẫu người mà ở bất cứ ở đâu và thời đại nào cũng đáng được trân trọng. Tư tưởng đi trước thời đại của anh đã mang lại sự thành đạt trong sự nghiệp một “doanh nhân trung thực”, nhân vật Vinh xứng đáng được đón nhận sự tôn vinh cao quý của xã hội. Thời gian là vị quan tòa phán xử công bằng nhất, Vinh đã đi đúng theo quy luật phát triển của xã hội. Người đọc không ngạc nhiên khi ở chương cuối cùng của tác phẩm hơn một lần tác giả để nhân vật Thịnh đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi biết rõ và hiểu đúng về tài năng và nhân cách của Vinh, hơn một  lần ông Thịnh phải thốt lên câu “xin lỗi” và “xấu hổ” trước Vinh trong cuộc hội ngộ của những người từng có một thời chung một chiến hào. Câu bình luận của nhân vật Tâm trong hồi kết của thiên truyện: “Thì ra có những người phải đi đến tận cuối những cung đường mới thật sự hiểu nhau” (8) mang đậm tính triết luận. Nhiều khi, trong cuộc sống để nhận ra sự thật không phải đơn giản chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi mà có khi phải là sự trải nghiệm cả cuộc đời. Giờ đây, với nhận thức mới Thịnh đã hiểu Vinh và hiểu những điều anh đã dám thách thức với ông ngày nào. Quá trình nghiệm sinh đầy khó nhọc để hiểu đúng về cuộc sống và con người của nhân vật Thịnh, quá trình nghiệm sinh đầy bản lĩnh để bảo vệ quan điểm sống mang đầy cá tính của nhân vật Vinh cho thấy một tiếng nói róng riết vang lên từ Những người mở đường: Hãy để mỗi con người được sống đúng với giá trị thực của chính mình!
Một đặc điểm không kém phần quan trọng trong nghệ thuật kiến tạo tiểu thuyết đó là nhà văn có thể đưa vào trong tác phẩm nhiều chi tiết tản mạn về con người, cuộc sống… những chi tiết tưởng như là phụ, nhưng kỳ thực có một vị trí quan trọng đối với tư tưởng tác phẩm. Trong Những người mở đường cũng có thể bắt gặp nhiều chi tiết như thế. Chẳng hạn, người đọc không thể không ngẫm nghĩ về câu chuyện tình yêu cảm động của Cương và Tâm. Mặc dù anh yêu Tâm tha thiết nhưng chưa một lần dám nói lời tỏ tình và phải “kìm nén để nêu cao tinh thần thống nhất quan điểm của những người lãnh đạo đơn vị” (9). Trong hoàn cảnh chiến tranh, những riêng tư thiêng liêng nhất của mỗi con người bị chặn đứng bởi hai từ “kỷ luật”;  Chi tiết Thịnh với tư cách lãnh đạo: “Không bao giờ quên nhắc nhở chung về việc cần phải gột rửa tư tưởng lãng mạn, tự do vô tổ chức của thành phần tiểu tư sản” (10); Câu hỏi của Cương nêu ra: “Trong chiến tranh người ta có quyền yêu đương không?” (11);  Chuyện Vinh phải tìm cách “khổ nhục kế” để “không ai kết nạp Đảng cho những người có hành vi trái với đạo đức xã hội chủ nghĩa” (12), để được “yên ổn sống và làm việc” (13); Chuyện cô gái cựu thanh niên xung phong Nông Thị La, sau bao năm cống hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp bảo vệ đất nước trở về bị những kẻ có chức, có quyền, sống vô trách nhiệm ức hiếp, lăng nhục đến phát điên phát dại, và cô chết trong một hành động nghĩa hiệp cuối cùng, bất chấp hiểm nguy xông vào đám cháy cứu “hai đứa bé đang gào khóc trong lửa” (14)… 
Những chi tiết gợi cho người đọc ngẫm nghĩ về sự nghiệt ngã, sự tàn phá, hủy diệt khủng khiếp của chiến tranh, nó có thể biến con người vốn rất tình cảm thành kẻ lạnh lùng vô cảm, thành robot (như nhân vật Thịnh), nó làm băng hoại mọi giá trị văn hóa, cầm tù tình yêu đôi lứa - thứ tình cảm thiêng liêng nhất của con người; Những chi tiết gợi chúng ta suy ngẫm để hiểu hơn, nhận thức sâu sắc hơn về những gì thuộc giá trị đích thực của cuộc sống, giúp chúng ta an nhiên lựa chọn con đường đúng để đi dẫu cho có lúc trong “tâm lý đám đông” sự lựa chọn ấy là khác người, là lập dị; Những chi tiết khiến chúng ta tự thức nhận về quá khứ và hiện tại,  hiểu hôm qua để ứng xử sao cho đúng với hôm nay.
M. Kundera đã nói đại ý rằng khám phá, phô bày, soi sáng cho cuộc sống con người là lý do tồn tại, là “đạo đức” của tiểu thuyết. Một cuốn tiểu thuyết có đạo đức là một cuốn tiểu thuyết mang đến cho người đọc những am hiểu nhận thức mới mẻ về đời sống con người - đó là phẩm chất tối cao của tiểu thuyết. Ngược lại điều đó, nó chỉ là một tiểu thuyết tồi. Tiểu thuyết Những người mở đường không khai thác chủ đề mới nhưng với nỗ lực sáng tạo, từ những chất liệu đã quen thuộc tác giả Hồ Thủy Giang với lối viết dung dị, điềm đạm, hấp dẫn,  vẫn gợi cho người đọc những ngẫm ngợi, nhận thức mới, sâu sắc hơn về con người và cuộc sống đặt trong “hiện thực hạ đẳng” mang tính “phi lý tưởng” (từ dùng của M.Bakhtin). Những người mở đường đã vượt ra khỏi giới hạn nghĩa đen của cụm từ này, nó mang ý nghĩa như một hình tượng nghệ thuật bất tử hóa những người dám tiên phong, dám khẳng định những giá trị sống cao đẹp, nhắc nhở, thức tỉnh bạn đọc tôn vinh những giá trị nhân văn. Người viết bài này mặc dù không thích cái kết “có hậu” theo kiểu cổ tích của tác phẩm nhưng thiết nghĩ đó là sự lựa chọn và là quyền xử lý nghệ thuật của tác giả. Biết đâu đó là cách để nhà văn gửi gắm giấc mơ về những gì tốt đẹp nhất có thể đến với những số phận bất hạnh còn hiện hữu rất nhiều trong cuộc đời thực hôm nay dù chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ. Những ẩn ngữ của tác phẩm vì lẽ đó cần được đọc trong tâm thế của tinh thần “đồng sáng tạo” và hướng đến khám phá những giá trị nhân văn có lẽ vẫn tiềm tàng sau từng con chữ.
Chú thích:
(1), (3), (4), (5), (6), (7), (8), (9), (10), (11) , (12), (13), (14). Hồ Thủy Giang (2016), Những người mở đường, Nxb. Văn học, Hà Nội,  tr.5, 77, 80,198-199, 56,  196, 202, 31, 102, 86, 86, 159.
(2). Ngọc Thị Kẹo (2003). Nhật ký cô văn thư, Nxb. Thanh niên, Hà Nội, tr.8.
 Xóm Bến, Đồng Quang 27/5/2017
Cao Thị Hồng
Theo https://vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...