Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

Mấy ý nghĩ về thơ


Mấy ý nghĩ về thơ
Từ trước tới nay đã có nhiều định nghĩa về thơ, nhưng lời định nghĩa nào cũng là không đủ. Có người nghĩ rằng thơ là ở những lời đẹp. Nhưng đâu phải như vậy. Duới ngọn bút của Hồ Xuân Hương, những chữ tầm thường của lời nói hàng ngày, - nôm na mách qué -, đã trở thành những lời thơ được truyền tụng mãi, và Nguyễn Du không những để lại những câu thơ như Mai cốt cách, tuyết tinh thần mà còn viết:
Thoắt trông lờn lợt màu da
Ăn chi to béo đẫy đà làm sao!

Cũng không phải thơ là ở những đề tài "đẹp", phong hoa tuyết nguyệt của các cụ ngày xưa, hoặc những nhớ mong sầu lụy của các chàng và nàng một thời trước cách mạng. Nhà thơ Pháp Baudelaire đã làm bài thơ nổi tiếng về cái xác chó chết đây giòi bọ. Và ở thời chúng ta, cái xe đạp, khẩu ba-dô-ca, cho đến cái b lô trên vai chiến sĩ, bóng dây thép gai hung ác của đồn giặc đều có thể đem nói trong thơ. Nhà thơ ngày nay không đi tìm cái muôn đời viển vông bên ngoài cuộc sống thực của con người.
Một nhà phê bình cho rằng thơ khác với các thể văn khác ở chỗ thơ in sâu vào trí nhớ. Một câu, hoặc một bài thơ hay thì có đặc điểm là ghi ngay vào trí nhớ của ta, làm cho ta không quên được nữa. Văn xuôi, trái lại, trôi qua trí nhớ của ta. Cái hay của một đoạn văn xuôi còn lại sau khi đã quên hết đoạn văn ấy. Còn đặc tính của thơ là in lại. Chữ gọi chữ, câu gọi câu, đọc chữ truớc phải đến chữ sau, đọc câu trước phải đến câu sau, không thể nào khác.
Nhưng những nhận xét tài tình trên đây của nhà phê bình vẫn chưa cắt nghĩa được vì sao thơ có hiệu quả làm cho ta nhớ. Và cũng có cái ta rất nhớ, ví dụ một công thức toán học, nhưng lại không phải là thơ.
Đầu mối của thơ có lẽ ta đi tìm bên trong tâm hồn con người chăng? Ta nói trời xanh hôm nay nên thơ nhưng chính ra là lòng chúng ta mang nột niềm vui nào mà muốn làm thơ hoặc đọc thơ về trời xanh. Mừa phùn buổi chiều gợi những câu thơ nào nhớ nhung, nhưng chính nỗi nhớ nhung gặp buổi chiều mưa mà muốn thì thầm những câu thơ chưa thành hình rõ.
Tâm hồn chúng ta có một rung động thơ khi nó ra khỏi tình trạng bình thường, khi nó không còn chuồi theo thói quen như một dây da trong bộ máy, khi nó thức tỉnh tự soi vào nó để tự nhận thấy đang ở một độ rung chuyển khác thường, do một sự va chạm nào với thế giới bên ngoài, với thiên nhiên, với những người khác, rồi do tự soi sáng ấy mà sự cảm xúc thành hình được hẳn.

Làm thơ, ấy là dùng lời và những dấu hiệu thay cho lời nói, - tức là chữ - để thể hiện một trạng thái tâm lý đang rung chuyển mạnh mẽ khác thường. Làm thơ là đang sống, không phải chỉ nhìn lại sự sống, làm một câu thơ yêu, tâm hồn cũng rung động như khi có người yêu trước mặt. Bài thơ là những câu, những lời diễn lên, làm sống ngay lên một tình cảm, một nỗi niềm trong lòng người đọc. Ta nói truyền sang hình như người đọc chỉ đứng yên mà nhận. Nhưng kỳ thực, cái trạng thái tâm lý truyền sang ấy là người đọc tự tạo cho mình, khi nhìn những chữ, khi nghe những lời, khi mọi sợi dây của tâm hồn rung lên vì chạm thấy những hình ảnh, những ý nghĩ, những mong muốn, những tình cảm mà lời và chữ của bài thơ kèm theo đằng sau như vùng sáng chung quanh ngọn lửa.
Nói đến hình ảnh trong thơ. Thơ là tiếng nói đầu tiên, tiếng nói thứ nhất của tâm hồn khi đụng chạm với cuộc sống. Toé lên ở một nơi giao nhau giữa tâm hồn và ngoại vật, trước hết là những cảm xúc. Cảm xúc là phần thịt xương hơn cả của đời sống tâm hồn.
Thơ phải có tư tưởng, có ý thức, vì bất cứ cảm xúc tình tự nào của con người cũng dính liền với sự suy nghĩ. Nhưng tư tưởng trong thơ là tư tưởng dính liền với cuộc sống, ở trong cuộc sống. Tư tưởng của thơ nằm ngay trong cảm xúc, tình tự. Không ai đọc thơ riêng bằng trí thức mà yêu thơ. Hiểu thơ kỳ thực là vấn đề của cả tâm hồn.
Nên thơ không nói bằng ý niệm thuần túy. Nói bằng ý niệm chúng ta sẽ có triết học, luân lý hay vệ sinh chứ không có thơ. Thơ tìm nói với một sự suy nghĩ toàn diện hơn là suy nghĩ riêng theo luận lý. Thơ muốn lay động những chiều sâu của tâm hồn, đem cảm xúc mà đi thẳng vào sự suy nghĩ.
Trên trời có đám mây xanh
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng
Ước gì anh lấy được nàng

Nhà luận lý ngồi khảo cứu mãi xem vì sao mà chuyện mây trắng mây vàng lại đưa đến chuyện anh với nàng. Luận lý chưa hiểu, nhưng cả tâm hồn chúng ta đã hiểu và âm vang theo.
Người làm thơ như một người cán bộ. Cách làm việc kém nhất của người cán bộ là ra mệnh lệnh bắt quần chúng vâng theo. Cách nói vụng về nhất của người làm thơ và cũng khó chịu nhất cho người đọc là nói hộ sự việc, diễn thuyết, kể lể. Người cán bộ phải làm sao cho quần chúng tự thấy đuờng mà đi. Người làm thơ phải để cho hình ảnh của cuộc sống tự nói lên tình ý, khi gieo một câu suy luận đã có cả một bầu cảm xúc sửa soạn chung quanh, đợi câu ấy để cùng bật sáng tất cả.

Thơ gần với kịch ở điểm ấy. Những vai kịch không bao giờ có thể đứng diễn thuyết với khán giả rằng mình đang vui hay buồn, mừng hay giận. Vai kịch phải nói thẳng được ra những lời của sự vui, buồn, mừng, giận trong lòng. Thơ cũng vậy, duy có điều lời của kịch là lời nói ra miệng, của người nọ với người kia, đối thoại với nhau, còn thơ là tiếng nói bên trong, tiếng nói của tâm hồn với chính nó.
Nói thành hình ảnh nhưng không phải thơ là tả cảnh, chụp ảnh hay ghi âm. Hình ảnh của thơ không phải những hình ảnh mà cái ống kính ghi được. Đứng bên ngoài mà chụp ảnh lại sự vật thì trông mà không thấy. "Trong nghệ thuật, một phong cách là một tâm trạng." Những hình ảnh của thơ đã bao hàm một nhận thức, một thái độ tình cảm hoặc suy nghĩ. Câu thơ nói cảnh mà kỳ thựcnói ý tình. "Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa", mắt trông mà lòng đã nặng buồn nhớ, khát khao biển rộng.
Nói hình ảnh, không phải là dùng nhiều cách ví von. Nói ví thô sơ như muợn cành trúc để nói người quân tử, như dùng con chim sẻ để chỉ tiểu nhân. Người ta vẫn kể làm chuyện cuời những câu thơ "khách thính" trong văn chương Pháp cuối thế kỷ cổ điển, sợ hai chữ cái ghế đến nỗi phải nói: "Cái nơi êm ái đỡ lấy chỗ đằng sau của chúng ta". Những "lửa căm hờn", "làn sóng cách mạng" là những cái sáo mới của thơ chúng ta hiện thời. Nói ví không thể nào thoát sáo.
Cho nên làm thơ không phải là phiên dịch ý tình bằng hình ảnh cầu kỳ.
Hình ảnh của thơ trái lại, phải là hình ảnh thực nẩy lên trong tâm hồn khi ta sống trong một cảnh huống hay trạng thái nào đấy. Đụng chạm với hành động hằng ngày, tâm hồn tự nẩy lên bao nhiêu hình ảnh như những tia lửa tóe lên khi búa đập vào sắt trên đe. Người làm thơ lượm những tia lửa ấy, kết nên một bó sáng, nó là hình ảnh thơ. Người chinh phụ đứng trước nhà ngóng theo bóng chồng, chỉ còn nghe thấy tiếng địch thổi, bấy giờ nói lên cho ta điều ấy và thơ Việt Nam đã có câu: "Tiếng địch thổi nghe chừng đồng vọng". Câu thơ giản dị như câu nói thường mà ngân vang mãi. Thơ là nơi tư tưởng, tình tự, quấn quýt với hình ảnh như hồn với xác để tạo ra cái biết toàn thể, biết bằng tất cả tâm hồn, không phải chỉ biết bằng ý niệm, bằng tri thức.
Chữ thực trong thơ có nghĩa ấy. Thực trong thơ không những là thành thực trong tình cảm hay ý nghĩ. Sự thành thực ấy đáng trọng, nhưng cũng bao nhiêu người thành thực làm khổ chúng ta, khi bắt ta đọc thơ "tâm tình" của họ.
Thực trong thơ, là tìm được những hình ảnh sống, những hình ảnh có sức lôi cuốn và thuyết phục người đọc. Người làm thơ bắt chợt trong lòng mình một ý nghĩ hay tình cảm, dù thành thực và sâu sắc, cũng không vội dừng lại, đem những tiếng có vần điệu chăng lưới bắt lấy ý nghĩ hay tình cảm ấy. Anh ta còn phải thấy được những hình ảnh trong ý nghĩ hay tình cảm của mình, thì tiếng nói của anh mới truyền cảm sâu sắc được cho người khác.
"Tìm hình ảnh", nói như vậy tưởng chừng việc làm thơ là đào vào trong tâm hồn mình, cố gắng nặn nọt. Cũng có trường hợp như vậy, nhưng thực ra đáng lẽ là nhà thơ đi giữa cuộc đời, mở rộng cả tâm hồn mình thì mỗi con mắt nhìn gặp trên đường, mỗi cảnh ngộ, mỗi con người cho đến mỗi tiếng nghe thấy, mỗi giọt nắng, mỗi chiếc lá tự nhiên mà vào trong lòng, để rồi động sâu đến tư tưởng và tình cảm. Trong việc làm thơ bấy giờ, hình ảnh tự nhiên hiện lên trước nhất.
Những hình ảnh còn tươi nguyên, mà nhà thơ tìm thấy, bao giờ cũng mới mẻ, đột ngột lạ lùng. Vì nhà thơ nhìn bằng con mắt của người đầu tiên. Đó là những hình ảnh mới tinh, chưa có vết nhòa của thói quen, không bị dập khuôn vào những ý niệm trừu tượng định trước. Mượn câu nói của một nhà văn Pháp, nhà thơ bao giờ cũng là ngôi thứ nhất. Nhưng những hình ảnh mới lạ ấy đều ở trong đời thực, chúng ta đều thấy. Hình ảnh của thơ vừa làm ta ngạc nhiên, vừa đã quen với chúng ta tự bao giờ. Câu thơ đột ngột làm cho ta nhận thấy những cái gần gũi nhất với chúng ta. Trước kia, ta vẫn gặp mà không biết nhìn.
Những hình ảnh, tình cảm, ý nghĩ kéo nhau đến trong tâm hồn nhà thơ, một trận đánh bắt đầu. Quân sĩ của người làm thơ là những tiếng, những lời, những chữ xếp đặt lần lượt trước sau, hết tiếng nọ đến tiếng kia, hết một câu đến một câu khác. Tiếng, lời, đều là ý niệm, mỗi tiếng là để gọi tên một sự vật. Những tiếng gọi ấy lại xếp hàng một, "dàn quân mành mành", không thể hòa lên một lúc như những tiếng đàn trong một bản hợp tấu. Còn kẻ địch của người làm thơ là muôn nghìn hình ảnh của những nỗi niềm, ý tưởng đang chuyển biến, hòa vào nhau lẫn lộn trong cái dòng lớn của tâm hồn. Đem những chữ im lìm, xếp hàng mỏng bên nhau để diễn lên một ý tình, một cảm giác vô hình đang chuyển biến, ào ạt, hay mong manh, người làm thơ đã trông thấy thua to trận đánh rồi vậy.
Chữ buồn ai cũng hiểu nghĩa, nhưng nói "tôi buồn" chưa làm cho ai buồn cả. Đó mới là một ý niệm. Cũng như nói trời lạnh, hoa trắng, ai cũng biết cả, nhưng chưa đủ làm cho ai thấy lạnh, thấy trắng. Mỗi chữ và tiếng mới như một ngọn nến trắng cắt bằng giấy dán trên nền đen. Mỗi ngọn nến vẫn trắng như nền đen vẫn đen. Mỗi chữ là một nghĩa nhưng bài thơ vẫn chưa có hồn.
Chữ và tiếng trong thơ phải còn có một giá trị khác, ngoài giá trị ý niệm. Người làm thơ chọn chữ và tiếng không những vì ý nghĩa của nó, cái nghĩa thế nào là thế ấy, đóng lại trong một khung sắt. Điều kỳ diệu của thơ là mỗi tiếng, mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng gọi tên sự vật, bỗng tự phá tung mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, tỏa ra chung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy. Câu thơ hay, có cái gì làm rung những chiếc cốc kia trên bàn, làm lay động ánh trăng kia trên bờ đê. Chim hôm thoi thót về rừng… Chúng ta đọc mà thấy rõ buổi chiều như hơi thở tắt dần, câu thơ không còn là một ý, một bức ảnh gắng gượng chụp lại cảnh chiều, nó đã bao phủ một vầng linh động truyền sang lòng ta cái nhịp phập phồng của buổi chiều. Mỗi chữ như một ngón nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp bên nhau thành một vùng sáng chung. Ánh sáng không những ở đầu ngọn nến, nó ở tất cả chung quanh những ngọn nến. Ý thơ không những trong những chữ, nó vây bọc chung quanh. Người xưa nói: Thi tại ngôn ngoại.
Cái kỳ diệu ấy của tiếng nói trong thơ, có lẽ chăng ta tìm nó trong nhịp điệu, trong nhạc của thơ. Nhịp điệu của thơ không những là nhịp điệu bằng bằng, trắc trắc, lên bổng xuống trầm như tiếng đàn êm tai, một người ngoại quốc không biết tiếng ta cũng có thể nghe thấy được. Nhạc của thơ không giới hạn ở thứ nhạc ngoài tai ấy. Thơ có một thứ nhạc nữa, một thứ nhịp điệu bên trong, một thứ nhịp điệu của hình ảnh tình ý, nói chung là của tâm hồn. Ngâm thơ véo von mới làm cho ta nghe thấy tiếng bổng trầm của bằng trắc, chép thơ, đọc thơ bằng mắt, hoặc đọc lên như khi ta nói, có lẽ dễ cho chúng ta nghe thấy hơn tiếng nhịp điệu thực của thơ. Đó là nhịp điệu hình thành của những cảm xúc, hình ảnh, liên tiếp hòa hợp, mà những tiếng và chữ gọi ra như những ngân vang dài, ngay những khoảng lung linh giữa chữ, những khoảng im lặng cũng là nơi trú ngụ kín đáo của sự xúc động.
Đường đi của thơ là con đường đưa thẳng vào tình cảm, không quanh co, qua những chặng, những trung gian, những cột cây số. Văn xuôi lôi cuốn người như dòng nước, đưa ta đi lần lượt, từ điểm này qua điểm khác. Thơ, trái lại, chỉ chọn một ít điểm chính, bấm vào những điểm ấy thì toàn thể động lên theo. Thơ là tổng hợp, kết tinh. Văn xuôi cho phép không mười phần hoàn hảo, nhưng thơ thì luôn luôn đòi hỏi sự toàn bích.
Cuối cùng, tôi muốn nói tới vấn đề thơ tự do, thơ không vần. Theo tôi, những luật lệ của thơ, từ âm điệu, đến vần, đều là những võ khí rất mạnh trong tay người làm thơ. Nhưng không phải hễ thiếu những võ khí ấy là trận đánh nhất định thua. Thiếu võ khí ấy, trận đánh gay go thêm nhiều, nhưng người làm thơ vẫn có thể thắng.
Câu chuyện vần hay không vần ở thơ ta gần đây cũng được đem ra bàn cãi. Có bạn cho rằng thơ Việt Nam, khác với thơ các nước, không thể thiếu vần. Tiếng Việt Nam có đứng riêng hẳn như thế không? Thơ Việt Nam có thể bỏ vần mà vẫn Việt Nam hay không? Thiết tưởng cách đáp hay hơn cả là để cho tìm tòi, thử thách. Không có lý luận nào bằng sự thử thách của thực tại.
Riêng tôi nghĩ rằng, không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ. Mỗi thể thơ có một khả năng, một thứ nhịp điệu riêng của nó, nhưng nếu theo dõi những thời kỳ lớn của thơ, đi cùng nhịp với những thời kỳ lớn của lịch sử, thì một thời đại mới của nghệ thuật thường bao giờ cũng tạo ra một hình thức mới. Thơ của một thời mới, trong những bước đầu, ít khi chịu những hình thức đều đặn, cố định. Nó chạy tung về những chân trời mở rộng để tìm kiếm, thử sức mới của nó. Rồi thời đại vững lại, thơ nảy nở trong những hình thức trong sáng đã tìm thấy.
Những hình thức ấy gồm có những phát minh mới, cùng với những hình thức cũ, nhưng bao giờ cũng đã tái tạo, và nâng cao đến một độ khác hẳn xưa.
Thơ chúng ta ngày nay đang ở tuổi trẻ nhất của thời đại mới. Nhịp sống chúng ta, từ sau cách mạng, đập lên nhiều phen dữ dội đến bàng hoàng, đồng thời mở rộng ào ạt. Chúng ta không còn sống khoan thai như một thời nào trước. Nhịp điệu cũ, theo tôi, không còn đủ cho thơ của chúng ta. Nhiều nhà thơ đang đập vỡ để xây dựng, thơ tìm tòi trăm nghìn phía nhưng lúc nào cũng là một sức đang lên như thổi.
Tôi cho rằng chúng ta không nên lo thơ đi vào hình thức này hay hình thức khác. Mà trước hết nên lo sao thơ phải nói lên được những tình cảm, tư tưởng mới của thời đại. Dùng bất cứ hình thức nào, miễn là thơ diễn tả được đúng tâm hồn con người mới ngày nay.
Vượt khỏi tất cả mọi luật lệ, không phải thơ trở nên buông thả, bừa bãi. Sự cẩu thả, buông lỏng chưa bao giờ đi đôi được với nghệ thuật. Nhưng câu chuyện luật lệ trong thơ cũng như câu chuyện kỷ luật trong cách mạng. Kỷ luật của những tổ chức cách mạng chưa bao giờ dựa trên sự trừng phạt đe dọa mà tồn tại được, kỷ luật ấy phải tự giác mới bền vững. Nghệ thuật có kỷ luật sắt của nó, nhưng đó không thể là những trói buộc, lề lối định sẵn bên ngoài. Nó phải là sự tự kiểm soát, tự chủ từ bên trong sự sáng tác mà ra. Bỏ những luật lệ máy móc bên ngoài, những luật lệ bản thân của nghệ thuật, những luật lệ từ bên trong mà ra, chỉ càng quan trọng hơn. Đạp đổ bức tường giam trước mặt rồi, giới hạn chỉ còn do sức đi xa của mình.
 12.9.1949
Nguyễn Đình Thi
Nguồn: Tạp chí Tác Phẩm Mới số 3 năm 1992, Hà Nội
Theo http://www.talawas.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nghiên cứu và giảng dạy văn học Nhật Bản ở Việt Nam trong hai mươi năm đầu thế kỷ XXI Trong 20 năm đầu thế kỷ XXI, văn học Nhật Bản vẫn ...