Nhất Linh - Bướm trắng 2
IV.
Mùa đông năm ấy. Trương thấy rét hơn mọi năm, có lẽ tại người
chàng một ngày một yếu hơn. Uống đi uống lại mãi vẫn chừng ấy thuốc chàng cũng
đâm chán, có nhiều lọ trên bàn mau về chàng cũng không buồn mở ra nữa.
Thầy thuốc bảo uống, bảo tiêm, chàng cũng theo như vậy cho đủ
lệ vì chàng có cần uống và tiêm cho khỏi đâu. Chàng cho chỉ có nghỉ chơi bời là
hơn cả, nhưng nghĩ đến bao nhiêu ngươi khác nhà giàu đã chết vì ho lao sau mấy
năm nghĩ ngơi tĩnh dưỡng hết sức, chàng biết nghỉ chỉ để kéo dài cái hạn bệnh
ra được nhiều mà thôi. Như thế để làm gì?. Trương đã đến thời kỳ mong cho cái
chết chóng đến. Chàng đã chán sự chơi bời đi quanh quẩn cũng chỉ có chừng ấy thứ.
Chàng không thấy mình ham mê thứ gì cả, nhưng thôi không chơi bời nữa thì chàng
không bao giờ nghĩ tới, cũng như chàng không bao giờ nghĩ tới sẽ hết tiền tuy vẫn
biết là một ngày kia số tiền bán đất cũng hết.
Tuy hơi lạ lùng nhưng đã có lúc Trương mong số tiền ấy chóng
hết, tiền hết thì có lẽ chàng sẽ không chơi bời nữa. Chàng không bao giờ thấy
được sung sướng trong sự chơi bời, trái hẳn với ý chàng tưởng lúc mới ốm và
chàng không hiểu vì lẽ gì nhiều người lại mê đắm được. Chán rồi, nhưng tự nhiên
thôi thì chàng không thể thôi được. Nếu ở đời không có những thú vui kia hay nếu
chàng hết tiền lại có những thứ giải khuây ấy thì không sức nào ngăn cản chàng
được cả. Chàng biết không thể nào có đủ gan kiềm chế mình vì không bao giờ
chàng thấy cần kiềm chế cho thêm khổ vô ích.
Có lắm đêm, trời đương mưa gió, chàng trở dậy đi bộ ra Khâm
Thiên tìm các bạn chơi: chàng muốn đi bộ hơn là đi xe mặc dầu trời lấm tấm mưa
vì chàng thấy có một cái thú đầu đọa tấm thân mình. Không phải Trương thích gì
một tối vui đùa, nhưng nếu cứ ở nhà để chống lại cái ý muốn đi thì chàng thấy
mình khổ ghê gớm, Chàng đã đi cho khỏi bị cái khổ đó, chỉ thế thôi. Tìm khắp
nơi không có bạn quen, chàng ra tiệm khiêu vũ nhảy vài điệu, vì thấy nhiều
chàng thấy mệt. Thường thường chàng chỉ ngồi với một vũ nữ nào mà chàng ưa
thích nói chuyện, uống rượu rồi khi tan đưa họ về tận nhà hay rủ họ đi ăn đêm.
Một hôm đương ngồi ngắm các vũ nữ nhảy lượn, chàng giật mình
tưởng Thu ôm đàn ông trước mặt. Sao có người giống Thu đến thế, cũng cái miệng ấy,
cái mủi hơi cong và xinh xinh như của Thu. Nhưng tiếc thay đến khi nhìn trước mặt,
người ấy không còn giống Thu nữa. Chàng không nhảy với vũ nữ lần nào, nhưng suốt
tối cứ ngồi đấy nhìn và bàng hoàng nghĩ tới Thu. Ơû ngoài trời mưa và lẫn với
tiếng kèn, thình thoảng cơn gió lại rít lên một tiếng dài. Cũng giờ này, Thu
yêu quý của chàng trong bộ quần áo lụa trắng trong, chắc đương bình tĩnh ngủ.
Chàng nghĩ đến phép thôi miên và một lúc lâu cố hết sức chú ý đến Thu, tưởng tượng
nhìn vào gáy Thu, rồi chàng mỉm cười tự nhủ:
- Thế này chắc Thu đương cựa mình trên giường và nằm mơ thấy
mình trong một giấc mơ.
Những hôm thức khuya như vậy, khi về đến nhà, Trương thấy rời
rã cả chân tay, chàng vật mình xuống giường không buồn kéo gọng màn vì chàng thấy
công việc ấy nặng nhọc quá. Chàng nhắm mắt lại, người thiêm thếp, trong ngực trống
rỗng như hai lá phổi đã tan mất rồi. Chàng yên trí ngủ là không bao giờ dậy nữa.
Nhưng rồi đêm sau chàng lại đi và lại thức khuya như vậy. Một
buổi chiều chàng lên cơn sốt. Chàng không cho mời thầy thuốc tới và luôn ba bốn
ngày nằm lì ở trên giường mong cái chết đến. Không có triệu chứng gì rõ rệt cả,
nhưng Trương tin Chắc chắn là lần này chàng không thể qua khỏi được, Trương thấy
trong người mình có vẻ khác lạ thường, lạ lắm không có tiếng gì để diễn ra cho
người khác hiểu, có lẽ chỉ có người nào sắp đến lúc chết mới được thấy như thế.
Trương nghĩ đến việc lại thăm Thu:
- Đến lần này là lần cuối cùng đây.
Chàng vùng trở dậy. Thấy choáng váng chàng ngồi yên một lúc
và hai tay nặng nề chống xuống thành giường. Chàng nghĩ ngợi một lúc xem có nên
đi không, rồi ra bàn gương rữa mặt, chải đầu. Mặc bồ quần áo mới. Sức hết nước
hoa, chàng thấy trong người đỡ rời rã và biết có đủ sức để đi lại nhà Thu.
Trương nhìn đồng hồ rồi thuê xe ra nhà hát tây. Chàng đi bộ
lên phía trường cao đẳng, cố ý đợi Mỹ ra và làm như tình cờ gặp Mỹ. Mỹ bắt tay
chàng hơi sửng sốt:
- Sao hôm nay trông anh gầy thế?
- Ấy tôi vừa ốm một trận xong. Có lẽ bệnh cúm, giờ thì khỏi hẳn
rồi. Ăn đã thấy đói tệ.
Mỹ nói:
- Thế thì may quá. Anh lại ăn cơm đằng tôi hôm nay có anh Điệp,
anh Linh và cả anh Hợp nữa cùng ăn cơm. Ăn xong hòa đàn chơi. Anh Điệp kéo
violon, còn anh Linh thì thổi clarinette.
Trương nhận lời và bảo Mỹ đứng đợi để vào trường mượn bài của
anh em về chép. Theo ý muốn của Thu, chàng đã nộp tiền học và thỉnh thoảng cũng
lại trường nghe giảng. Cái cớ chính là để gặp Mỹ, vì có gặp Mỹ thì có gặp được
Thu một cách tự nhiên và vô lý.
Trương nhận thấy Thu khi nhìn mình cũng sửng sốt như Mỹ lúc
nãy. Chàng hiểu ý vội nói với Mỹ:
- Mới ốm dậy đi mỏi chân ghê.
Chàng cốt ý cho Thu hỏi về mình được tự nhiên. Thu hỏi:
- Anh ốm đấy à?
- Bị bệnh cúm xoàng. Giờ thì khỏi hẳn rồi. Tôi bắt đầu ăn trả
bữa.
Chàng thấy Thu cau đôi lông mày nhìn chàng như có ý trách.
Ăn cơm xong, hòa đàn được một lúc, Linh nài Thu hát mấy bài để
chàng hòa theo. Thu từ chối và nhìn Trương. Trương nói:
- Cô Thu cũng hát cơ à? Tôi cứ tưởng…
Thu mỉm cười:
- Vậy thì em hát để cho anh Trương anh ấy khỏi khinh là em
không biết hát. Để em hát bài… gì được?
Linh nói:
- Bất cứ bài gì cô thuộc.
- Thế để em hát bài "Người ta chỉ yêu một lần
thôi". Thế có được không?
Hợp nói đùa:
- Được lắm chứ. Hai lần mới không được.
- Nếu anh cứ thế thì em không hát nữa, em ngượng lắm.
- Việc gì, bài hát là bài hát và lời nói trong bài hát là
chuyện khác. Yêu một lần chứ yêu đến mười lần ở trong bài hát cũng tha hồ. Bây
giờ cô mạnh bạo hát lên cho nghe.
Linh thấy nàng hát sai cả nhịp nhưng cũng cố theo. Trương
không biết gì về âm nhạc cả: chàng chỉ thấy tiếng Thu trong và ấm áp. Chàng để
ý lời diễn nhiều hơn là điệu hát. Mắt Thu chàng thấy sáng long lanh mỗi lần
nhìn chàng. Chàng biết là Thu đương nghĩ:
- Em hát để cho một mình anh nghe.
Trương ngả lưng xuống chiếc ghế bành, trong người mỏi mệt
nhưng sung sướng. Chàng lim dim mắt lại và trong vùng ánh nhỏ lọt vào mắt chỉ
còn in có hình khuôn mặt Thu với hai con mắt yêu quý đương nhìn chàng. Chàng thở
rất nhẹ, bỏ thõng hai tay xuống, mỉm cười ngầm nghĩ:
- Giá như bây giờ mình cứ như thế này mà chết thì ít ra cũng
được chết sung sướng.
Đợi Thu hát xong, Trương đứng dậy xin phép về. Chàng lấy cớ
là mới ốm khỏi không ngồi lâu được, nhưng cốt ý của chàng là muốn lần cuối cũng
giữ trong trí một hình ảnh đẹp nhất của Thu. Mỹ nói:
- Để nghe các anh chơi bài Noccturne đã. Ta ra đứng ở cửa sổ
nghe mới hay.
Thu đã đứng trước ở phía cửa nên Trương nhận lời ngay. Chàng
đến đứng cạnh Thu. Thu giật mình quay nhìn rồi nói:
- À, anh…
Ngoài vườn, đêm yên lặng. Không có gió, nhưng hơi lạnh đưa
qua cửa vào phòng ấm như làn gió nhẹ. Trên những chòm lá cây đen các ngôi sao
trong quá nên trông tưởng như rời haÜn nền trời sa xuống đứng lơ lửng ở giữa
lưng chừng cao. Trương nói thật khẽ cho khỏi lấp tiếng đàn và nhờ thế ghé gần
vào Thu được tự nhiên:
- Các ngôi sao hôm nay hình như rớt xuống gần hơn. Tưởng tượng
giá cầm cái vợt, mà vớt thì được một mớ ngọc thủy xoàn đủ làm một cái vòng đeo
cổ.
Thu nói:
- Anh Trương thi sĩ nhỉ. Cái vòng ấy anh cho tôi nhé.
Tiếng đàn vừa dứt, Thu quay lại hỏi Linh:
- Anh còn nhớ bài hát ra Huế của cô Long ở Sầm Sơn không?
- Còn nhớ.
- Thế để tôi hát hòa theo.
Nàng nói với Trương:
- Tôi lại hát được cả giọng Huế nữa cơ.
Rồi nàng cất tiếng hát câu ca dao huế theo giọng ru em kéo
dài và buồn như tiếng than:
Trăm năm dẫu lỗi hẹn hò
Cây đa bến cũ con đò khác đưa
Cây đa bến cũ còn lưa,
Con đò sớm thác, thuở xưa đi rồi.
Trương hỏi:
- Còn lưa là còn gì?
- Còn lưa là còn lại, còn đấy. Tiếng đường trong.
- Thế con đò sớm thác?
- Con đò sớm thác là người lái đò sớm chết.
- Thế à, sớm chết.
Thu nói:
- Thương quá nhỉ. Chắc là chuyện có thật của một người nào
yêu một cô lái đò nào, sau trở lại bến đò cũ thì cô đã chết rồi.
Trương quay vào trong nói với mọi người:
- May quá, vừa ốm dậy lại được nghe đàn ngọt hát hay. Giờ thì
tôi về,chẳng biết bao giờ mới được nghe lại nữa. Có lẽ không bao giờ.
Chào mọi người xong, chàng đưa mắt nhìn Thu lần cuối cùng.
Chàng thoáng nhận thấy một tia nghi ngờ trong vẻ nhìn của Thu, quả tim chàng đập
mạnh quá, chàng nhớ đến câu nói của Chuyên:
"Tôi sợ quả tim của anh…"
Vừa nghĩ thế xong, chàng thấy người mình xiêu về một bên và
cái cánh cửa hình như ngã về phía chàng. Cái quả nắm xứ xoay hẳn đi một vòng,
chàng không sao nắm lấy được, vì chàng có hai ba bàn tay phải không biết nắm
bàn tay nào. Chàng không biết gì nữa.
Mỹ chạy lại đỡ ngay được Trương trước khi ngã gục xuống nền gạch.
Chàng đặt vào chiếc ghế bành. Mọi người xúm quanh lại. Thu gọi to:
- Anh Trương, anh Trương. Các anh gọi, lay cho anh tỉnh. Để
em đi lấy lọ dầu.
Một lúc sau, Trương đã tỉnh, như nghe thấy tiếng Thu nói
"dầu đây rồi", chàng không muốn mở mắt vội. Một bàn tay mềm đặt lên
trán rồi nắn hai bên thái dương. Chàng mở mắt nhìn và hơi thất vọng vì người
xoa dầu là Hợp, còn Thu, nàng đứng lẫn sau Linh và Điệp, mở to hai con mắt
đương nhìn chàng. Trương nói:
- Cám ơn các anh. Chắc tôi ra cửa bị gió lạnh. Nhưng giờ thì
khỏi hẳn rồi. Ngồi nghỉ một lát là hết ngay.
- Để lát nữa anh Hợp đưa anh về.
- Đừng phiền đến ai cả, cứ thuê cho tôi cái xe là đủ rồi.
Lên xe ngồi một lúc lâu, Trương thấy trong người dễ chịu hơn
trước. Chàng mỉm cười khi nghĩ đến rằng lúc chàng muốn ngất đi lại đúng là lúc
ngất đi thật:
- Có lẽ tại muốn ngất thành ra ngất thật chăng?
Chàng nhớ đến câu của Geothe: "Người ta chỉ chết khi nào
người ta muốn chết".
- Giá lúc mình ngồi ở ghế bành mong chết lại chết ngay được
lúc đó có phải hơn không… Mà sao lúc ấy Thu đẹp thế.
Xe đi ngang trước cửa hiệu Gô đa. Trương chú ý nhìn một chiếc
ô tô sơn trắng kiểu mới, đỗ ở cạnh đường:
- Hình như xe của bọn Vĩnh, Trực. Phải rồi.
Trương trả tiền xe rồi lên ngồi trên ô tô ấn còi. Vĩnh, Trực
và Quang ở trong hiệu khách chạy ra. Trương hỏi:
- Chúng mày đi đâu thế?
Vĩnh nói:
- Mày quên rồi à. Mày không biết hôm nay ngày gì à? Chúng ta
vừa đến nhà mày hỏi thì thằng nhỏ nói mày ốm, ốm mà đi ăn mảnh. Mày ốm thế à?
Vĩnh ngừng lại nhìn Trương:
- Mà nó ốm thật anh em ơi. Trông mày tao sợ quá, Trương ạ.
Quang nói:
- Đưa nó về nhà đi.
Trương đáp:
- Tớ không về đâu. Hôm nay đến phiên tớ đấy có phải không? Đi
đến nhà con nào đêm nay. Đi, chúng bây…
Trực nói:
- Đưa ngay nó về nhà đi. Nó mà chết ở đấy thì ê cho cả lũ.
Hôm nay có tớ bao. Mà tội nghiệp, chủ nhật trước nó vừa thua ba trăm. Thế thì hết
tiền còn gì.
Trương rút ví kiểm lại tiền:
- Hết thì chả hết, nhưng tao đem thì không đủ. Trực thay tớ vậy,
nhưng phải cho tớ đi với… không tớ chết ngay trên xe cho mà coi.
Trương cười lớn và ấn còi luôn tay. Vĩnh nói:
- Đội xếp nó phạt bây giờ.
- Cứ lại mà phạt.
Một viên đội xếp đứng ngay đấy mỉm cười nói:
- Không, đội xếp nó không phạt đâu, nhưng nó xin mời các ông
đi ngay cho.
Trương nói:
- Ông này khá, biết khôi hài. Có đi chơi được thì cùng đi cho
vui.
- Ta lại "lấy" thằng Cổn rồi đi thì vừa.
Đến nơi, Trương mệt quá, không muốn gượng nói nữa. Từ lúc
nào, chàng chỉ ngồi yên nhìn các bạn vui vẻ mà thấy mình tácg riêng hẳn ra như
một người đứng ngoài xem một trò diễn quen mắt và hơi buồn. Quang, Vĩnh và Trực
nằm ngổn ngang cạnh khay đèn thuốc phiện nói chuyện, cười đùa với đào yến đương
lom khom tiêm thuốc. Cổn ngồi riêng một góc, lưng dựa tường, mắt lim dim, tay
phải đề lên mặt trống, roi chầu cầm lỏng thẫn thờ trong hai ngón tay. Trong bọn
chỉ có mình Cổn biết đánh trống trên nét mặt chàng nghiêm trang như nhận thấy
rõ sự quan trọng của công việc mình.
Quang vừa hút xong một điếu nằm ngửa mặt nhìn lên trần nhà và
đưa dài môi cho làn khói tỏa ngược qua mặt. Trương thấy trước là một ngày kia
Quang sẽ sa ngã hẳn và lòng se lại như gặp một sự đau khổ chính thân chàng.
Trương nhớ hôm ở nhà Chuyên ra, đương đi nhớ mưa gặp Quang cũng cào hàng uống
cà phê, hôm ấy chàng mong sống đến cực điểm, nếu đủ các khoái lạc ở đời, sống
cho chán chường để không còn ao ước gì nữa, có thể yên tâm chết không tiếc đời.
Nhưng chàng không bao giờ thỏa mãn cả, không bao giờ sống cho chán chường được
vì một lẽ mà đến giờ, Trương mới nhận ra là đã ngay từ lúc bắt đầu, chàng không
phải là hạng người biết hưởng khoái lạc trong sự chơi bời. Chính Quang đã nói một
câu mà chàng thấy rất đúng:
- Ở đời có hai thứ khoái lạc, cái khoái lạc của kẻ trồng cây
và cái khoái lạc của người ăn quả.
Trương không thể như Quang có được những cái vui sướng phá hoại
của người ăn quả, còn cái vui sướng gây dựng của người trồng cây thì chàng
không bao giờ được biết tới, vì muốn gây dựng tất phải sống như không bao giờ
chết. Aên quả không cần biết đến lúc khác, còn trồng cây sung sướng chỉ vì quên
hiện tại và nghĩ đến mai sau. Nhưng mai sau của Trương là cái chết, là hư vô.
Trương nhận thấy mình là một người hấp hối cần suy nghĩ bao
quất cả đời sống của mình trước khi nhắm mắt. Ngay lúc đó, thực tình chàng còn
mệt mỏi chán sống hơn cả thân thể chàng. Chàng đã tới mục đích: là không sợ cái
chết nữa. Giá đời chàng không có Thu! Giá Thu không yêu chàng hoặc hơn thế nữa,
chàng ghét được Thu thì thật ra hoàn toàn thoát nợ, thoát khỏi ngục đời. Aùi
tình của Thu đối với chàng lúc nào cũng chỉ là một sự ăn năn thương tiếc không
bao giờ nguôi, thương tiếc một thứ gì đó có lẽ đẹp lắm mà chàng không bao giờ
biết tới.
Ngoài cái mong chết vì chán sống, chàng lại mong chết để
thoát được tình yêu của Thu. Chính chàng đã thấy sợ chàng, sợ sẽ có những hành
vi rất xấu đối với Thu, đối với đời, nếu chàng còn sống ít lâu nữa. Chắc chắn
chàng sẽ quấy rầy đến Thu, không thể khác được. Đó là một sự tất nhiên, một sự
định số nếu chàng chưa chết ngay. Chàng còn sợ hãi hơn nữa vì chàng thấy trước
rằng nếu còn sống thì không bao giờ nữa chàng là người có lỗi. Phải, từ nay
"không bao giờ là người có lỗi", chàng không có tội với ai nữa, chàng
hết cả trách nhiệm của một người và có lẽ hết lương tâm của một người biết hối
hận. Trương ngay từ bây giờ đã thấy rõ rằng đó sẽ là sự thực, chàng sẽ trở nên
như vậy. Chàng mở to hai con mắt, khắp người rờn rợn sợ hãi vì lần đầu nhận thấy
rõ căn bản của tâm hồn mình, một căn bản luân khốn nạn, bấy lâu còn ẩn núp che
đậy, giờ mới lộ rõ ra. Tuy vậy, Trương chỉ thấy mình sợ mình chứ không thấy sự
khinh.
Quang ngồi dậy, nhìn Trương nói:
- Thế nào chị Cúc, chị để anh Trương ngồi buồn thế à?
Cúc vừa cười vừa nói:
- Hôm nay anh ấy làm sao ấy.
- Anh ấy ốm đấy mà. Buông màn cho anh ấy đi ngủ. Anh ấy đương
cần người đấm bóp.
Chàng nói với Trương:
- Lại đây làm một điếu.
Trương lại dựa đầu vào đùi Yến, cầm lấy tẩu. Mới kéo được nửa
điếu, chàng sặc thuốc phải bỏ ra, Trực nói:
- Triệu chứng yếu lắm rồi. Đi ngủ đi thôi.
Trương nói:
- Không phải vì yếu đâu. Vì tớ sợ. Sợ vì độ trước lần đầu
tiên hút nhiều quá, nôn oẹ rồi ốm đến mấy hôm.
- Phải đấy, mày không hút được là may. Yếu như mày mà hút vào
thì chỉ vài tháng là lao ngay.
- Thế à? Nhưng lao có chết ngay không?
- Không chết đâu, chỉ ngoẻo thôi.
Vào nằm trong màn được một lúc, Trương hỏi ra ngoài:
- Trực này, có phải những anh nghiện rồi uống giấm thanh với
thuốc phiện không chết không?
- Uống nhiều thì cũng chết như thường. Nhưng mày hỏi như thế
để làm gì? Muốn bắt chước thằng Chất có phải không? Hèn nhát thì mới tự tử.
Trương kéo tay Cúc làm gối và khẽ nói với Cúc:
- Em cũng chết với anh nhé?
Cúc nói:
- Chết ngay lập tức bây giờ.
- Em không sợ chết chứ?
- Chết với anh thì em không sợ.
- Thế thì ngoan lắm…
Trương cất tiếng nói với Trực:
- Chúng mày bảo những đứa tự tử là hèn nhát à? Láo tuốt, chỉ
nói a dua thôi. Tớ, tớ cho là không hèn nhát cũng không can đảm. Hèn nhát thì
không bao giờ tự tử được. Tự tử được hay không là ở cảnh chứ không ở người.
Vĩnh gạt:
- Thôi ngủ đi. Bàn cãi mãi.
Yên lặng một lúc lâu, Yến khẽ ngâm dài một câu sa mạc. Tiếng
Trương ở trong màn đưa ra giọng nói ngái ngủ:
- Nhưng nhất định tự tử không phải là hèn nhát.
Trương ngủ thiếp đi, chàng nhìn thấy mình cứ cố nhoi lên để
tránh mũi dao mà Thu đưa vào cổ mình, nhưng có một sức mạnh ghê gớm giữ chặt lấy
chàng, đè nặng hai bên ngực. Mũi do đã chạm vào cổ, nhưng chàng không đau đớn
gì cả: một dòng máu chảy ngang cổ xuống gáy lạnh như một dòng nước đá mới tan,
Trương kêu thét lên: "Em ghét anh" và giật mình tỉnh dậy. Chàng hất mẩu
chăn đương đè nặng trên cổ và tay chàng chạm vào chiếc khuy bấm ở mép chăn.
Chuông đồng hồ buông năm tiếng ngắn. Qua khe cửa, trời hãy
còn tối. Trương thấy trong người mỏi mệt, nhưng có cái mỏi mệt nhẹ nhõm dễ chịu
của người vừa hết sốt. Trực ngáy đều đều ở giường bên. Ngoài đường cái có tiếng
lăn lạch cạch của một chiếc xe bò đi qua, Trương đoán là một xe rau ở ngoại ô
lên chợ sớm. Lòng chàng lắng xuống và từ thời quá vãng xa xăm nổi lên một hình ảnh
yêu quý của tuổi thơ trong sáng: khu vườn rau của mẹ chàng với những luống rau
diếp xanh thắm, những mầm đậu hòa lan tươi non nhú lên qua lần rơm ủ. Rồi đến
khi luống đậu nở hoa trắng có những bướm rất xinh ở đâu bay về…
V.
Trương rút trong túi ra bức thư của cụ Phách để xem lại đích
hôm nào phải đi Hải Phòng nhận việc.
- Còn ba hôm nữa.
Nghĩ đến ngày bắt đầu phải đi làm, Trương ngao ngán thấy hết
cả cái vị của một cuộc sống gượng, cái nhọc nhằn của những công việc làm bất đắc
dĩ. Nhưng không đi làm chàng không có cách gì nuôi thân cả. Hơn một tháng nay hết
tiền. Trương phải dọn nhà đi nơi khác, đến ở một căn gác tồi tàn ở Ngọc Hà. Quần
áo, đồ đạc Trương cầm bán hết dần. Chàng khó chịu nhất là tuy không chơi bời gì
nữa mà chàng lại cảm thấy mình trụy lạc, khốn khổ hơn là độ chơi bời vong mạng
nhưng có nhiều tiền. Chàng phải lẩn lút tránh mặt những người bạn quen, chàng
thấy mình như có tội với đời không thể đường hoàng nhìn mặt mọi người, lúc nào
chàng cũng có cái cảm tưởng rằng mình là một anh khốn nạn nhất trong xã hội. Gặp
người quen, Trương như thấy họ thì thầm.
- "Đáng kiếp, ai bảo chơi bời vào. Hết tiền rồi lại cũng
có ngày đâm ra lừa đảo. Tớ cho thì tù sớm".
Trương tưởng thế, vì chính chàng trước kia cũng đã nghĩ thế
khi gặp một tay chơi đến lúc kiết xác.
Các bạn chơi cũ, đến giờ Trương đã xa hẳn họ. Chơi bời không
có thú gì, lại mang tiếng là "boóng" nên Trương đành ở nhà vậy. Người
chàng vì thế cũng đỡ yếu hơn trước. Cũng có đêm mưa buồn, theo thói quen chàng
khoác áo tơi ra đi tìm các bạn cũ, nhưng đến nơi chàng dứng nhìn vào một lúc,
nhìn cái quang cảnh ấm áp và sáng loáng ở bên trong, rồi tự nhiên thấy chán
ngán và lặng lẽ bỏ đi. Chàng lang thang hết phố nọ đến phố kia, rồi có khi rẽ
vào một nhà chứa và ngủ luôn ở đấy cho đến sáng. Những lúc đó chàng thấy mình
khổ sở lắm và sáng hôm sau khi ở nhà chứa bước ra, chàng tưởng còn thấy trên da
mặt mình tất cả cái nhơ nhớp của một đêm trụy lạc.
Độ ấy Trương hay đến nhà Thu luôn vì chỉ đến đó chàng mới
không thấy mình là một người khốn nạn nữa, lòng chàng đổi khác hẳn, thư thái
đón lấy sự sống bình thường và êm ả. Chàng như đương đi trong đêm mưa được bước
vào một căn phòng vừa ấm vừa sáng, và khi ở đấy ra về tới căn nhà tối tăm,
chàng còn như bị chói lòa và giữ trong mắt hết cả cái ánh sáng lung linh của ngững
phút ngồi cạnh Thu.
Thế mà còn hơn ba hôm nữa phải xa Thu. Chính ra sở dĩ Trương
nhận lời đi làm ở Hải Phòng là chỉ cốt để xa Thu. Mới mười hôm trước đây Trương
vừa sợ hãi vừa vui sướng được nghe trên xe điện mấy bà nói với nhau chuyện Thu
từ chối lấy con một ông Tuần làm tham tá ở Nam Định.
- Chẳng hiểu cô ấy nghĩ sao mà không bằng lòng đám ấy.
Chàng thì chàng hiểu lắm nên chàng bối rối vô cùng. Từ lúc ấy
Trương quyết định xa Thu. Nhân có cụ Phách làm việc lâu năm cho một sở buôn ở Hải
Phòng lại là bạn chí thiết của thân phụ chàng, nên Trương nhờ cụ Phách xin hộ
việc làm.
Trương đến trường lấy thư của cụ Phách, gặp ngay Mỹ rủ hôm
sau đi chơi chùa Thầy, có Hợp, bà Bát và cả Thu nữa với Kim, một cô bạn của
Thu. Cuộc đi chơi tình cờ thành một cuộc tiễn biệt nên Trương nhận lời ngay
không ngượng.
Sáng hôm sau, Trương đến sớm. Bà Bát niềm nở hỏi:
- Cậu Trương đi Hải Phòng làm việc thật đấy à? Sao cậu không
học nữa?
Đưa mắt nhìn Thu, chàng mỉm cười trước khi nói cho Thu biết
là chàng không thể trả lời câu ấy theo đúng sự thực được:
- Thưa cụ, cháu học mãi thấy người gầy yếu quá nên phải bỏ đi
làm. Đi làm tức cũng như nghỉ vì ở sở ấy nhàn lắm.
- Tôi trông cậu độ này cũng khá hơn trước.
Thu nói:
- Đi làm có điều độ hơn chắc còn khoẻ ra nữa. Cần nhất là điều
độ.
Nàng nói dằn vào hai tiếng "điều độ" làm như có ý
khuyên Trương. Trương nhìn Thu nói:
- Ngày mai cháu đi thành ra hôm nay đi chơi lần cuối cùng… với
các anh ấy.
Thu nói:
- Đây với Hải Phòng chứ xa xôi gì đâu mà nói lần cuối cùng.
Trương nói lửng nửa đùa nửa thực:
- Biết đâu đấy.
Thu nói giọng mỉa mai:
- Có lẽ Hải Phòng là đất ăn chơi, anh xuống dưới ấy vui có
khi quên cả… Hà Nội.
- Quên thì chẳng đời nào quên, nhưng…
Trương bỏ lửng câu nói vì Mỹ vào giục ra xe. Tình cờ chàng được
ngồi vào chỗ rất tốt vì nhìn vào chiếc gương con chàng thấy in rõ hình khuôn mặt
Thu. Chàng bực tức vì mãi mãi không thấy Thu nhìn lại mình và chàng không tìm
được cách nào để cho Thu biết là hai người có thể tự do nhìn nhau trong gương,
Thu cứ mải nói chuyện với Kim mãi. Xe đi khỏi ô Cầu Giấy, Thu mới nhận biết là
từ lúc đó Thu không nói chuyện nữa. Hai người yên lặng nhìn nhau. Trương không
thấy ngượng lắm như khi nhìn thẳng vào mắt Thu. Thỉnh thoảng chàng chớp mắt
luôn mấy cái rồi nhắm mắt lại một lúc lâu như để cố giữ lại cái hình ảnh dẹp của
hai con mắt Thu. Chàng hạ lông mi xuống một chút và tưởng như đó là một lời nói
Thu có thể hiểu:
- Anh yêu em lắm.
Chàng thấy Thu cũng bắt chước hạ lông mi làm hiệu như có ý trả
lời:
- Em đã hiểu là anh định nói với em điều gì.
Kim hỏi:
- Chị nghĩ gì mà mỉm cười vui vẻ thế?
Trương vội ngồi chếch đi một ít để không trông thấy Thu nữa.
Thu đáp:
- Em nghĩ bâng quơ đến một chuyện thú quá nhưng không thể nói
ra cho ai biết được, vì chính em, em cũng không biết rõ.
Trương và Thu cùng ngạc nhiên vì thấy chóng đến nơi quá.
Trong lúc đứng lại nghỉ chân ở lưng chừng núi. Kim nhắc đến tên một người bạn
gái trước cùng đi chơi với nàng ở chùa Thầy:
- Giờ thì chị ấy chết rồi. Tội nghiệp chị ấy chết vì bệnh
lao. Ốm đến hơn một năm khỏe ra hẳn hoi rồi lăn đùng ra chết trong một lúc
không ai ngờ.
Thu cau đôi chân mày đưa mắt thật nhanh nhìn Trương. Nàng thấy
Trương vẫn thản nhiên đứng vịn vào cành đại ngắm phong cảnh dưới cánh đồng. Sao
Thu lo sợ thế, lo sợ hơn là chính nàng mắc bệnh lao. Nàng tự an ủi:
- Trương có bao giờ mắc bệnh lao đâu. Có thấy anh ấy ho bao
giờ đâu. Vả lại lao cũng khối người khỏi.
Thu vẫn tự tin là có thể cứu thoát được Trương: nàng yên trí
là nhờ nàng Trương bây giờ mới khá hơn trước, không chơi bời liều lĩnh nữa. Đối
với nàng, phải trải qua nhiều gian truân, ái tình mới có thể cao quý và chân thật,
nếu chỉ yêu nhau một cách phẳng lặng rồi lấy nhau, biết đâu đã là yêu thực.
- Yêu nhau như thế thì xoàng lắm. Vì sợ, tình yêu giảm đi,
càng xoàng hơn không phải là yêu.
Vào chùa lễ xong, Kim rủ Hợp lên xem chợ Trời.
- Không biết có gì không, lần trước em chưa lên.
Hợp nói:
- Chẳng có gì cả. Lên mất công trèo khó nhọc. Các cô muốn tập
thể thao thì nên đi lắm.
Thu bảo thằng bé con dẫn lối lên chợ Trời. Ra cổng chùa gặp
Trương, Kim rủ:
- Anh Trương lên xem chợ không?
- Vâng đi thì đi.
Bốn người trèo lần từng hòn đá. Lên được nửa chừng. Trương và
Thu cùng ngừng lại và thấy Kim còn loay hoay với đứa bé con ở dưới xa. Tiếng
Kim vẳng đưa lên:
- Bé con mày dắt tao với không ngã chết.
Thu và Trương cùng cười rồi lại trèo lên. Không bảo nhau, hai
người cùng gắng sức trèo thật nhanh, Trương thỉnh thoảng ngừng lại đợi Thu,
chàng nghe rõ tiếng Thu thở mạnh, quay lại hỏi rất khẽ:
- Em mệt lắm, phải không?
Thu để tay lên ngực, vừa thở vừa nói vui tươi, hai má đỏ bừng:
- Không mệt gì cả.
Hai người lại cố sức trèo. Trương đưa mắt nhìn Thu suy nghĩ.
Chàng không biết quả tim mình đập mạnh vì trèo dốc hay vì cái ý tưởng vừa vụt đến.
Lên gần tới nơi, Trương đứng lại vì chỗ đó khuất không nom thấy chùa, cũng
không nom thấy Kim ở dưới. Chàng nghĩ:
- Chắc Kim còn ở dưới xa lắm.
Thu lên tới nơi cũng đứng dừng cạnh Trương. Trương để tay lên
ngực:
- Dại quá. Yếu mà trèo vội. Không khéo ngất đi mất.
Thu vụt nghĩ đến hôm họa đàn. Nàng cau đôi lông mày toan giơ
hai tay ra để đỡ thì vừa lúc Trương cũng giơ tay nắm chặt lấy tay nàng và kéo
nàng vào người.
Trương giữ chặt người Thu trong tay mình và thấy Thu điềm
tĩnh ngửa mặt đưa đôi môi ra cho chàng hôn như có ý định từ lâu. Trương ôm vòng
lấy cổ Thu, dựa đầu nàng vào phiến đá. Hai tiếng rất ngắn thốt ra liền nhau:
- Em…
- Anh!
Rồi hai người yên lặng hôn nhau, mê man trong cái thú thần
tiên, bỡ ngỡ của cái hôn trao yêu thứ nhất trên đời. Hai mắt Thu mở to, Trương
thấy trong và đẹp long lanh như thu hết cả ánh sáng của vùng trời cao rộng. Thu
níu mạnh lấy hai vai Trương và nàng nói mấy tiếng rất nhỏ, nhỏ quá Trương không
nghe thấy, nhưng cũng đoán hiểu là nàng định nói:
- Em yêu anh.
Trương nhìn rất lâu vào hai mắt Thu và đột nhiên chàng thấy
đau khổ có cái cảm tưởng mình đã là người của một thế giới cách biệt và Thu như
đứng bên kia đường nhìn sang, mấp máy môi thầm gọi chàng một cách tuyệt vọng.
Tiếng Kim nói nghe đã gần lắm. Trương hôn vội vàng lên tóc,
lên trán, lên cổ Thu rồi theo đường cũ trèo lên cao. Thu đứng nguyên một chỗ, sửa
lại mái tóc đợi Kim rồi hai người cùng lên. Trương nói:
- Sao hai cô lên chậm thế?
Kim đáp:
- Chúng em trèo nhanh thế nào được bằng anh.
Nàng hỏi Thu:
- Chị có ngã lần nào không?
Thu đáp:
- Ngã có một lần thôi.
- Không việc gì chứ?
- Không việc gì.
Kim nhìn xuống chân núi, giơ hai tay nói:
- Cao thế này, ngã là chết mất xác. Chị không việc gì là may
đấy… Rõ thật dại, tự nhiên lên đây mua lấy cái sợ.
Thu nói:
- Có sợ mới có thú…
Kim nhìn cái gốc gạch xây của sở đạc điền, bĩu môi:
- Bao nhiêu gian nan, mà phiền nhất là lên tới nơi không có
gì cả.
Trương xen vào:
- Mà ở đời việc gì cũng vậy. Nhưng cần gì cái đó. Số trời định
bắt lên thì cứ nhắm mắt lên nếu sợ thì xoàng.
Chàng nhìn Thu và thấy Thu khẽ gật đầu tỏ ý đã hiểu nghĩa
bóng của câu nói. Một lúc sau nàng mỉm cười nói với Kim:
- Có bao giờ em sợ đâu.
Xem xong chùa Thầy, cả bọn về thăm quê chồng bà Bát. Ông Bát
mất đã lâu và hai ông bà chỉ sinh có một người con gái hiện lấy chồng ở làng.
Khi trở về, tiện đường xe ô tô ngừng lại ở chùa Trầm.
Trời đã về chiều, Trương thấy một nỗi buồn mênh mông thấm dần
vào tâm hồn. Chàng cúi đầu đi thong thả. Không khí im lặng buổi chiều vang lên
những tiếng đập đá ở bên kia núi. Trương nhìn Thu và thấy nàng đi có dáng tư lự,
chàng tự hỏi:
- Hay là Thu hối hận chăng? Không lẽ nào.
Còn chàng, chàng buồn vì vừa mất đi không lấy lại được nữa một
thứ gì đẹp nhất ở trong đời, chàng thấy tình yêu của hai người lúc ban sáng đã
tới một mực cao cục điểm và từ nay trở đi chỉ là lúc tàn dần: ánh sáng rực rỡ
đã tắt và buổi chiều buồn bắt đầu về trong lòng chàng, trong đời chàng từ nay.
Tới Hà Nội, Mỹ hỏi Trương ở đâu để đưa về tận nhà, Trương vội
cản, không muốn cho mọi người trông thấy căn nhà tiều tụy của chàng.
- Anh cho tôi xuống đây thôi.
Rồi chàng chào bà Bát, và bắt tay Mỹ, Hợp:
- Thôi chào hai anh, nói là vĩnh biệt thì đúng hơn, vì mai
tôi đi sớm.
Mỹ nói:
- Có gì mà vĩnh biệt. Anh cố lên chơi luôn nhé.
Trương quay lại. Chàng nhìn Thu và thong thả rất lễ phép cúi
đầu chào. Thu ngồi nép mình trong góc xe, đầu nghiêng tựa vào cửa kính. Nàng mở
to hai mắt, yên lặng nhìn Trương và quên cả câu đáp lại chàng.
Trương đứng lại trông theo chiếc xe đi vụt về phía Giám, rồi
thong thả rẽ về đường Ngọc Hà. Khi qua nhà dưới, bà chủ nhà bảo chàng có một bức
thư.
- Thư gửi đến đây chỉ là thư ở nhà quê. Có lẽ là bạn của Nhan
chăng? Chắc Nhan hỏi Tuyển chỗ ở của mình.
Lên gác thắp đèn, chàng bóc thư ra coi mới biết là thư của
ông chú hỏi xem chàng có bằng lòng lấy cô Phiên con ông Hàn Tích ở phố Huyện
không:
- "Hôm nay anh về xem mặt. Hay có lẽ anh đã biết mặt rồi
vì hôm cưới em cô ta cũng có đến đi phù dâu giúp."
Ngay bên cạnh có chua mấy chữ:
- "Hôm ấy cô phiên mặc áo nhung lam đấy anh ạ."
Chàng nghĩ ngay đến Mai và ngồi cười một mình. Đưa mắt nhìn
thoáng qua đoạn dưới chàng thoáng thấy:
- "Nhà cô ta cũng khá. Ông Hàn có thể giúp anh sang
Pháp…"
Đọc mấy chữ ấy, Trương ngừng lại suy nghĩ một lúc lâu rồi tắc
lưỡi cau mày, vò nát bức thư vứt xuống đất. Tuy cái ý tưởng lấy Phiên để khỏi
đi làm cũng thoáng qua óc mà chàng vẫn thấy mấy câu sau cùng của ông chú xúc phạm
đến danh dự của chàng nhiều lắm. Trương nghĩ có thể lấy Thu là một điều rất ác,
rất vô nhân đạo đối với Thu, nhưng còn lấy Phiên vì nhà Phiên giàu, một việc rất
thường có, thì chàng thực không tài nào làm nổi.
VI.
Ăn cơm xong, Trương không ngủ trưa, ngồi nhìn mưa rơi ngoài cửa
sổ và đợi giờ đi làm. Mai là chủ nhật và Trương định tối hôm nay đi Hà Nội thăm
Thu nên chàng chỉ mong cho thời giờ chóng qua. Công việc ở sở rất nhàn, nhưng
chính vì thế nên chàng thấy đời chán nản hơn đời một người đi đày. Làm như vậy
để làm gì? Có nhiều khi Trương đã thấy không chịu nổi được nữa, toan bỏ việc
ngay rồi muốn ra sao thì ra. Suốt một tuần chàng chỉ ngồi đợi đến thứ bảy để
lên Hà Nội, nhưng hễ đến ngày thứ bảy chàng lại thấy việc lên thăm Thu có bao
nhiêu thứ phiền nhiễu khiến chàng nản: lên thăm là việc không nên rồi, và lên
thăm còn phải về nữa. Trương sợ nhất lúc chiều chủ nhật từ biệt Thu về Hải
Phòng. Thành thử từ lúc bắt đầu nhận việc đến nay đã gần một tháng, chàng chưa
lần nào lên thăm Thu được.
Lần này thì Trương cũng chưa biết đi hay không và chàng bối rối
khó chịu chỉ vì không sao nhất quyết được. Trương lấy làm lạ tại sao cái chết
chưa đến để tình cảnh này khỏi kéo dài ra mãi. Lẩm nhẩm tính Trương thấy mới được
mười tháng.
- Độ này mình cũng không yếu lắm.
Chàng chợt nhớ đến câu của Kim lúc ở chùa Thầy:
"Khoẻ hẳn hoi rồi lăn đùng ra chết trong một lúc bất ngờ
nhất".
Mười tháng đã qua rất nhanh. Sống vội sống vàng để khỏi phí
thì giờ, Trương thấy mình chỉ phí đời mình vô ích, mua thêm bao nhiêu đau khổ ê
chề cho tâm hồn.
- Người ta không thể nào sống gấp được.
Nhưng dẫu sao đi nữa, Trương vẫn thấy mười tháng ấy còn dễ chịu
hơn một tháng vừa qua, vì thời giờ đi rất mau. Trương tức bực đứng lên ra mắc lấy
cái áo tơi khoác vào người. Bỗng chàng yên lặng như tượng gỗ rồi nói mấy câu nửa
tiếng Pháp nửa tiếng Nam, giọng bông đùa:
- Sống gấp hay không sống gấp, đằng nào cũng tệ như đàng nào,
cái cách tốt hơn hết là nhồi một viên đạn nhỏ vào trong sọ. Tạch một cái, thế
là hết. Ngọt như mía lùi.
Chàng huýt sáo miệng một cách vui vẻ rồi mở cửa gọi xe lên sở.
Nhân, một người bạn cùng buồng giấy thấy chàng vào, ngửng lên hỏi:
- Hôm nay anh đi chậm đến nửa giờ.
- Lạ nhỉ. Thế mà tôi chỉ rình đi thật sớm.
Nhân cười:
Trương vui vẻnói đùa:
- Thế thì lại lạ hơn.
- Chẳng lạ gì cả. Vì tôi ngủ ngay đây, ngủ để trông kho luôn
thể. Không cửa, không nhà, ngủ ở kho, ăn ở hiệu, tắm ở sông.
- Thế đến lúc chết?
- Chết thì chôn ở nghĩa địa.
Trương ra mở két lấy sổ sách. Chàng mở ngăn kéo con đếm lại số
tiền. Có ba tờ giấy một trăm mới nguyên của nhà Thành Ích ở phố La Câm trả sáng
ngày và một trăm bốn mươi đồng giấy lẻ, Trương quay ra nói tiếp câu của Nhân:
- Tôi, tôi không thích chôn ở nghĩa địa. Xếp hàng như 1ính chẳng
có gì thú.
Nhân cãi:
- Ở nghĩa địa đông, vui chứ. Nằm một mình giữa cánh đồng, những
hôm trời mưa như thế này thì buồn chết.
Nhân cất tiếng cười lớn. Trương đột nhiên hỏi:
- Lão Daniel đến đây chưa?
- Chưa.
- Lạ nhỉ. Hôm nay chắc lão ta đi đâu vắng.
Trương ngồi giở sổ loay hoay tính. Cả một buổi chiều chàng chỉ
phải làm có hai cái tính cộng với hai tính trừ. Nếu làm xong, hết việc phải ngồi
không, nên Trương viết chằng chịt các con số lên tờ giấy nghịch cho đỡ buồn. Chốc
chàng lại đưa mắt nhìn đồng hồ. Nhân đương viết bật cười:
- Anh tính gì lạ lùng thế. Sáu bảy bốn mươi hai, viết bốn
mươi hai. Cứ thế mà nói mãi được. Lầm phải đền thì chết.
- Phải đền à?
- Chứ gì. Không đền thì ngồi tù thay. Có thế thôi.
Trương nghĩ thầm:
- Lạ quá, đến giờ mà lão Daniel chưa đến.
Chàng nhìn đồng hồ.
- Bốn giờ kém mười lăm, bốn giờ đúng thì Daniel phải ra ngoài
mỏ với ông chủ nhất.
Trương đứng dậy đi đi lại lại một lúc, ra cửa đứng nhìn rồi lại
quay vào ngồi vừa tính nhẩm vừa suy nghĩ:
- Bốn mươi hai, viết bốn nhớ hai, hay là viết hai nhớ bốn, đằng
nào cũng thế. Một là Thu vẫn yêu mình, nếu vậy không có gì thay đổi cả. Hai là
Thu không yêu mình nữa, mà mình cũng mong chờ Thu chán mình, nếu vậy Thu xoàng
lắm. Mà nếu Thu xoàng thì mình hết yêu ngay, còn gì hơn nữa. Vị chi, hai với
hai là bốn… rõ ràng lắm. Mình thụt két mà Thu còn yêu mới thực là yêu, Thu
không yêu nữa thì càng hay. Thử xem sao. Đằng nào cũng có cái lợi.
Trương nhìn đồng hồ, lại nhìn ra cổng.
- Trời mưa mãi thế này. Lão Daniel chắc trời mưa không đến. Bốn
giờ kém mười lăm còn gì. Mình sợ à, còn sợ à. Sợ cái gì!
Chàng không sợ, nhưng lúc đó bồn chồn không yên chỉ mong cho
Daniel đến ngay, khám sổ và thu két như mọi lần. Sao lần này ông ấy oái oăm đến
chậm để chàng khổ sở như thế: Trương cúi mặt xuống, ngoáy bút thành vòng tròn
to dần, lồng nhau trên tờ giấy.
Giờ ta cố thử tưởng tượng xem. Ta yêu một người con gái, người
ấy… ăn cắp tiền của một cửa hiệu lấy vé tàu đi tìm mình… chắc mình vẫn yêu.
Mình chỉ hết yêu khi nào cô ta phụ mình hay không dám ăn cắp tiền… Vậy Thu vẫn
yêu mình. Có khi yêu mình hơn vì Thu kiêu ngạo lắm… Chẳng có gì mà sơ, chết
cũng không sợ lại còn sợ một việc cỏn con như thế này à?
Chàng giật mình nghe có tiếng xe ô tô đỗ và ngửng lên sung sướng
vì xe ấy chính là xe của ông Daniel. Chàng thấy ông ta đi thẳng vào buồng ông
chủ nhì.
- Xong chắc sang đây.
Chàng vò nát tờ giấy viết nhảm vứt vào sọt giấy, ngồi lại
ngay ngắn và lấy cuốn sổ ra lẩm bẩm tính.
- Mình sợ quái gì ông ta mà phải vờ vĩnh thế này. Mất việc
thì cần gì.
Chàng đứng lên ra cửa đợi.
- Chắc gì mình đã thụt két. Phất vài nghìn về trả tiền két, từ
giã họ rồi phải biết!
Chàng nghĩ đến cuộc đời sống ở Hà Nội nhiều tiền, gần Thu một
hai tháng trước khi chết. Chàng nghĩ đến vẻ ngạc nhiên của tụi Vĩnh, Trực, Đắc…
chàng sẽ báo thù cho họ biết tay, báo thù bằng cách tỏ ra là mình hào phóng chứ
không bần tiện như họ. Trương lại lấy làm tiếc rằng Daniel còn đến sở.
Một lát sau Daniel ra, đi thẳng về phía ô tô dáng vội vàng.
Thoáng thấy Trương, Daniel giơ tay làm hiệu và nói gì Trương nghe không rõ
nhưng đoán là:
- Tôi phải đi ra mỏ ngay bây giờ.
Trương đợi cho cái xe đi khuất, lắng tai nghe tiếng còi bóp ở
ngoài phố nhỏ dần rồi quay trở vào nghĩ thầm:
- Lỗi cả ở anh Daniel. C'est la faute à Rousseau.
Đến giờ tan sở, Trương mở két cất sổ sách. Chàng kiểm lại số
tiền một lần nữa rồi có bao nhiêu bỏ cả vào túi áo trong. Trương thấy mình điềm
nhiên như làm một công việc rất tàm thường, chàng thốt nghĩ đến lúc đưa thư cho
Thu, lúc ấy chàng cũng không cảm động gì cả như bây giờ. Chàng nhớ lại câu:
- Cô cứ bình tĩnh… không có gì đâu.
Nhưng đến ra ngoài, Trương mới bắt đầu hồi hộp thấy công việc
mình vừa làm có vẻ quan trọng, thấy mình vừa phạm một tội rất lớn. Chàng đứng lại:
- Nếu thế thì đem trả quách…
Nghĩ ngợi một lát, chàng lắc đầu đi thẳng:
- Không can gì, đến thứ hai đem trả lại cũng được chứ sao.
Nhưng lúc nghĩ đến đấy. Trương biết rằng thế nào mình cũng thụt
két. Chàng lấy làm lạ rằng hai lần phạm tội rất lớn ở trong đời, lần này và lần
đưa thư cho Thu, chương trình đều cảm thấy giống nhau như hệt. Chàng không muốn
thụt két, nhưng biết trước thế nào cũng thụt két, cũng như khi biết trước là
không nên đưa thư. Chỉ khác là lần trước có lẫn chút sung sướng ngấm ngầm, mà lần
này chỉ thấy bứt rứt như đã liều một cách dại dột, vô ích.
Trương vào hiệu cơm tây thật sang, gọi thứ rượu hảo hạng uống
say sưa để khỏi nghĩ ngợi lôi thôi. Lúc đương uống cà phê, trời lại đổ cơn mưa
to. Trương chắc chắn là thế nào cũng đi Hà Nội, chàng thấy về nhà là một chuyện
vô lý nữa.
- Trời mưa như thế này mà về nhà nằm mèo khi trong túi có hơn
bốn trăm bạc thì một là điên hai là ông Thánh.
Thục tình Trương không muốn đi nhưng mặc dầu vậy, việc đi đối
với chàng lúc đó thành ra một việc cần thiết rồi.
Tới Hà Nội gần nửa đêm, Trương thuê xe bảo kéo về phố Thu. Trời
vẫn mưa rả rích. Tới trước cửa nhà Thu, Trương bảo xe ngừng lại rồi tháo một
góc áo tơi xe nhìn lên phía cửa sổ buồng Thu nằm. Chàng hồi hộp và một nỗi sung
sướng ùa vào tâm hồn khi nhận thấy cửa sổ để mở, trong có ánh đèn sáng và Thu của
chàng đang đứng vấn lại tóc cạnh chiếc màn tuyn rủ loe xuống như một bông huệ lớn
trắng trong. Trương đoán Thu mới đi xem chớp bóng về: chàng hắng giọng. Thu ngừng
lại rồi quay nhìn xuống dưới phố. Trương không trông rõ mặt Thu, chỉ thấy ánh
sáng tỏa ra lấp lánh thành một vùng hào quang trên tóc nàng. Trương giơ tay làm
hiệu. Thu ngoái cổ nhìn vào trong rồi cũng giơ tay lên vẫy. Nàng chống hai tay
tì vào má nhìn xuống một lúc lâu. Bỗng Trương thấy nàng khép hai cánh cửa lại,
khép rất thong thả và khung ánh sáng từ từ thu nhỏ dần lại. Trương mỉm cười hiểu
ý Thu định đuổi mình. Chàng nói thầm với Thu:
- Đến ngày mai.
Trương bảo xe kéo lại cửa Đông, và đêm ấy chàng ngủ ở nhà
Phương. Sáng hôm sau chàng không đến thăm Thu, chàng đợi khi ở quần ngựa về sẽ
lại.
Doanh đem ô tô đưa chàng lên quần ngựa. Đã lâu lắm, giờ chàng
mới trở lại. Chàng cố ý tìm xem có ai quen không và chợt thấy San và Đức đứng ở
gần chỗ vào. Trương vờ không trông thấy họ, nhưng đi nghênh ngang cố ý cho họ
nhìn chàng.
San kéo tay Đức nói:
- Kìa, ai như thằng Trương. Giờ mà nó còn dẫn xác vào đấy à?
Đức nói:
- Hôm nay thế nào cũng có thằng chết. Sau này, hình như thằng
Trương nó mới tìm được việc ở Cảng. Nó giữ két cho một hãng buôn.
Trong lúc ấy, Trương đứng cạnh Doanh nhìn ra ngoài bãi cỏ mỉm
cười nói một câu tiếng Pháp:
- Hừ! Sắp sửa có sự mới lạ.
VII.
Trương rủ Doanh và Phương ra ngồi ở Bagatelle uống rượu.
Trong khi chạy hai giải đầu Trương hỏi Phương định đánh con nào ở giải ba.
- Anh biếu em mấy vé.
Phương vui mừng đáp:
- Ồ, thì phen này em giàu. Em chắc thế nào cũng được. Anh
không biết, sáng hôm nay em ra đến hàng Trống lễ và xin thẻ…
Trương ngạc nhiên:
- Xin thẻ cá ngựa?
- Ừ, thẻ cá ngựa. Thế này nhé: nếu Thánh cho quẻ thẻ số 32,
em đánh ngay con 3 với 2. nhưng lần này…
Nàng lấy ở túi ra một tờ giấy màu vàng gấp tư đưa cho Trương:
- Anh xem đây này.
- Anh xem thế qủy nào được.
Nàng giơ tờ giấy chỉ vào một dòng:
- Trong thẻ này có câu: "Ngũ mà hữu liên châu".
Linh ứng không.
Doanh nói:
- Linh ứng lắm vì có năm ngựa. Nhưng tôi chưa hiểu hết ý ngầm
của Thánh.
Phương đưa cho Doanh xem tờ chương trình:
- Anh xem ở giải ba có con Diamant và con Saphyr, Hữu liên
châu là có hai hòn ngọc, về liền nhau. Thánh bảo em dánh hai con ngựa đó, rõ
ràng lắm. Vậy anh Trương cho emít vé Pari jumelé. Mấy cái nhất con Diamant và mấy
cái nhất cho con Saphyr. Còn anh, anh định đánh thế nào?
- Để anh tính đã.
Chàng chọn bốn con ngựa khác, định sẽ mua mỗi con bốn vé và
chàng đánh bao xuống dưới cả năm con.
- Như thế là gần ba trăm. Mua cho Phương sáu vé Pari jumelé,
cũng còn hơn trăm để lại, phòng khi thua.
Trương ngửng lên bảo Phương:
- Anh đánh Triple évent và cuốc đầu kết bốn con nhưng trong
đó không có hai con của em đánh.
- Chưa hết đâu. Để xem anh được hay Thánh của em được.
- Để rồi anh xem. Trương điềm tĩnh ngồi uống rượu và cố ý
không nhìn vào vòng đua. Nghe tiếng kêu của Phương. Chàng đã đoán được là hai
con Diamant và Saphyr bị bét. Chàng mỉm cười ngẫm nghĩ:
- Thật là hữu liên châu,… liên châu về bét, Thánh dạy đúng lắm.
Phương quay lại kéo tay Trương:
- Một con của anh về nhất rồi. Mừng đi. Anh đánh mấy vé?
- Có bốn vé thôi. Nhưng anh đã đánh bao cả năm con ở giải tư.
Trương nghĩ được thêm mấy chục bạc không có gì khác cả: phải
một là được tới bạc nghìn, hai là thua hết. Chàng giựt lấy chương trình và đọc
tên bảy con ngựa ở giải năm. Chàng không hiểu rõ con ngựa nào cảvà cũng không
muốn đánh san ra bốn con. Thấy tên con ngựa Risque tout, Trương tắc lưỡi:
- Nhất định không đánh san. Kết một con này chơi nước bạch thủ.
Chạy xong giải tư, Phương theo ra chỗ đổi vé. Thấy Trương định
đánh cả vào con Risque tout, một con ngựa chưa từng ăn giải lần nào. Phương giật
nảy người:
- Anh điên à? Anh muốn tự tử sao?
Trương quắc mắt đẩy Phương ra. Lúc soát lấy bốn vé được,
chàng thấy bàn tay run run. Chàng cũng bắt đầu thấy mình liều lĩnh quá ư dại dột,
và thì thế chàng tức Phương hơn.
- Hay ta đánh san cả bốn con.
Nghĩ vậy nhưng đến lúc mua vé đổi, chàng quả quyết nói:
- Ông cho tôi đánh cả vào con Risque tout số năm.
Chàng cùng Phương đi về chỗ ngồi. Doanh hỏi:
- Được ăn cả ngã về không chứ!
Trương đáp:
- Risque tout.
Chàng nhấc cốc rượu uống một hơi cạn ngẫm nghĩ:
- Có gì mà mình hồi hộp thế này. Thua cũng chẳng làm sao, mà
được thì rồi cũng chẳng hơn gì… Ồ! Nếu thế thì mình liều làm gì. Biết thế ăn
non rồi trả tiền két có được không.
Trương lại nghĩ đến cái đời buồn tẻ một tháng nay ở Hải
Phòng. Chàng đưa mắt tìm xem con ngựa nào là con ngựa số 5 để khỏi nghĩ ngợi bứt
rứt mãi.
Lúc ngựa bắt đầu chạy, Trương không dám nhìn theo. Chàng vẫn
tự nhủ là thua được cũng không quan hệ mấy, nhưng chàng vẫn không sao giữ được
quả tim đập mạnh.
- Giờ mà mình ngất đi thì buồn cười chết.
Chàng nói với Phương sang câu chuyện khác:
- Thế nào, Thánh dạy ra làm sao mà từ lúc nãy không thấy em đả
động gì đến nữa?
Phương không nge chàng nói, còn mải nhìn trong đám ngựa chạy
vụt qua trước mặt về đích.
Trương nghe có tiếng ở rất xa:
- Con Teddy.
Phương quay lại:
- Đấy, em đã bảo đánh cả con Teddy nữa.
Trương thở mạnh một cái. Chàng vụt thấy trong người thư thái
như vừa thoát khỏi một cái nợ. Giờ chàng mới biết chính chàng không sợ gì thua
cả, có khi chàng lại mong thua cũng ngang như mong được. Có lẽ chàng sợ nhất là
không thua không được. Trương nhớ lại câu nói của mình lúc nãy:
- Sắp sửa co sự mới lạ đây.
Lúc nói đến câu ấy, chàng nghĩ đến tình yêu của Thu đối với
chàng, và sự biến đổi của tình yêu ấy trước những việc mới lạ sắp xảy ra. Mà chỉ
khi chàng thua mới có nhiều sự biến đổi nhất.
Trương hỏi Phương:
- Con Risque tout về thứ mấy?
- Về thứ bét.
Chàng cười vui vẻ:
- Ồ, thế thì cũng bằng hai con "liên châu" của cô.
Trương đứng lên rủ Doanh và Phương đi về. Phương nói:
- Giá anh nghe em đánh cả con Teddy có được rồi không. Thật mất
mấy nghìn bạc toi.
Trương đáp:
- Thế mà chỉ mất có hơn ba trăm thôi. Vậy hãy còn nên mừng.
Trương chợt thấy San và Đức nhìn mình nói nhỏ với nhau, chàng
đoán là họ thì thào rủa thầm chàng. Đương cười nói tự nhiên, Trương thấy cái cười
của mình ngượng dần dần, sợ họ cho là thua còn cố cười gượng nên Trương nghiêm
nét mặt lại và thản nhiên đi qua mặt hai người.
Về tới nhà, đợi Doanh đi rồi, Phương khẽ hỏi:
- Đằng ấy lấy tiền ở đâu ra thế?
Trương nói:
- Em biết rồi à?
- Không, em đoán. Bây giờ thua hết thì tính sao?
- Ngồi tù chứ còn tính sao.
Phương nhìn trương thương hại:
- Để em cố đi vay cho anh.
- Em chắc cũng chả vay đâu được. Vả lại anh cũng không muốn
thế.
Vay tiền bù vào chỗ thiếu rồi lại trở về đi làm như thường,
kèm theo một món nợ không bao giờ trả được. Trương cho thế còn khổ bằng mấy ngồi
tù. Anh kéo đầu Phương đặt vào vai mình âu yếm vỗ lên má Phương:
- Cám ơn em. Nhưng em không thể nào giúp anh được gì cả. Anh
không trở lại đây nữa đâu vì mai kia thế nào nó cũng đến đây tìm bắt anh. Anh
không trốn đâu, thế nào rồi cũng ngồi tù. Em cứ đọc báo sẽ biết tin tức về anh.
Phương khẽ hỏi:
- Anh có việc gì buồn lắm phải không?
Trương cúi nhìn Phương:
- Ai bảo thế. Tớ chẳng thấy buồn sự gì cả. Giờ em để anh đi
đàng này.
- Đi đàng nào?
- Em hỏi làm gì?
Phương nắm chặt lấy tay Trương, mở to hai mắt và mỉm cười
nói:
- Nói thực, trước kia tớ không yêu gì mình cả đâu.
- Ngờ gì, tớ cũng thế.
- Nhưng giờ tớ thấy khác nhiều. Tớ thấy tớ yêu mình tệ, thế
có chết không.
Trương gỡ tay ra nói:
- Thôi để anh đi.
Ra đến ngoài, chàng trở lại hỏi Phương:
- Anh hỏi thật. Em có khinh anh không?
- Không. Chỉ thương anh thôi. Anh lạ lắm. Anh hỏi thế làm gì?
- Không làm gì cả?
Chàng thuê xe thẳng đến nhà Thu ngồi nói chuyện với Mỹ, chàng
lấy làm lạ không thấy ngượng gì cả, tự nhiên như không, chàng kể qua loa cho mỹ
nghe biết về về cuộc sống của chàng ở Hải Phòng. Chàng vừa nói vừa nghĩ thầm:
- Mai kia Mỹ biết rồi thì mình không mặt nào ngồi nói chuyện
với Mỹ như thế này được.
Việc xấu đã làm rồi nhưng nếu người khác chưa biết thì hình
như mình cũng chưa làm việc xấu ấy. Một lúc sau Thu ra. Nàng giật mình hỏi:
- Anh lên đây bao giờ thế?
Thấy Thu vờ giật mình, Trương nghĩ ngay đến khung cửa sổ đêm
qua. Chàng mỉm cười đáp:
- Tôi lên đây tối hôm qua, lúc mười hai giờ đêm.
Mỹ hỏi:
- Sao bây giờ anh mới lại đây?
- Vì tôi còn chạy chỗ nọ chỗ kia, những việc lằng nhằng.
Trương vội lảng sang chuyện khác ngay vì chàng không muốn nói
dối, ngày kia xem báo tất Mỹ sẽ biết.
Trong khi nói chuyện Trương cố hết sức vui vẻ. Chàng thấy Thu
mừng rỡ hiện ra mặt:
- "Chắc Thu mừng vì thấy mình trở lại cái đời sống bình
thường, ngoan ngoãn…"
Chàng đứng lên từ biệt Mỹ và Thu. Ra đến ngoài nghĩ lại,
Trương mới hay rằng mình đến lần này không cốt để thăm Thu vì nhớ, mà chỉ có ngầm
cái ý là muốn cho Thu khi xem báo biết rõ sự thực phải phục là mình đã can đảm
coi việc ấy như không.
VIII
Mỹ và Thu cùng cúi đầu nhẩm đọc tờ nhật trình Hợp vừa mở ra đặt
lên bàn:
MỘT VỤ BIỂN THỦ
Hãng Sellé Frères vừa có đơn kiện M. Vũ Đình Trương đã biển
thủ một số tiền là bốn trăm năm mươi đồng. M. Trương mới vào làm được một tháng
và trông nom về việc thu tiền cho sở. Theo cuộc điều tra, số tiền ấy, Trương đã
dánh cá ngựa thua hết hôm chủ nhật. Hiện thủ phạm còn trốn. Nhà chức trách đã hỏi
ông Doanh và bà Phương hai người đã cùng đi đánh cá ngựa với Trương hôm chủ nhật.
Cô Phương và ông Doanh không hề biết số tiền ấy là tiền biển thủ. M. Trương trước
khi vào làm ở sở đã nổi tiếng là một tay ăn chơi bốc trời ở Hà Nội.
Xem xong, Thu lùi lại, sau ngồi xuống ghế, Mỹ gấp tờ báo lại
nói với Hợp:
- Chính chiều hôm thua cá ngựa, Trương có lại đây chơi. Hôm ấy,
có cả Thu nữa, phải không? Tôi thấy anh ta vẫn vui vẻ, thản nhiên như thường.
Ai ngờ đâu? Chẳng biết có trốn mãi được không?
Hợp nói:
- Tôi, tôi sợ anh ta liều thân. Mà thế cũng phải, còn sống
làm quái gì nữa…một đời vứt đi mà lỗi ở anh ta cả.
Không phải chàng ghét gì Trương, nhưng chàng nói như vậy chỉ
vì ngầm sung sướng và tự cao rằng mình đã sống một đời ngay thẳng. Hợp mỉm cười
nói tiếp: Giá tôi như Trương…
Chàng giơ tay làm hiệu uống một cốc giấm thanh thuốc phiện:
- Alle hấp! Thế là xong… Khỏi tủi nhục.
Thu đau đớn nhìn Hợp. Nàng thấy tức tối lên nghẹn ở cổ, nhưng
không rõ là tức Hợp hay tức Trương. Tay nàng nắm chặt lấy cái ấm pha nước và
nàng muốn đập mạnh cái ấm xuống nền gạch cho vỡ tan tành. Hy vọng cứu Trương của
nàng thế là hết và tấm ái tình nàng biết trước là không thể rứt ra được từ nay
sẽ toàn những đau khổ. Thu bắt đầu thấy hối hận, và tuy không hiểu vì lẽ gì,
nàng cảm thấy bao nhiêu lỗi về phần nàng chịu cả. Thu mở to mắt vì một nỗi lo sợ
vừa hiện đến: nàng thấy rõ ràng nếu không yêu Trương nữa, hay tình yêu của nàng
kém bớt đi, thì thế nào cũng có tai nạn lớn xảy ra.
- Anh cho em xem nốt tờ báo.
Trong lúc giơ tay đón báo. Thu hất chiếc ấm rơi xuống đất vỡ
tan. Nàng cúi nhìn và mỉm cười nói:
- Hú vía! Cái ấm cũ em lại ngỡ là cái ấm mới mua.
Thế là nàng đã đập đươc chiếc ấm cho hả tức đối với riêng
nàng, mà đối với Mỹ, Hợp thì cho chiếc ấm vỡ vì sơ ý.
Thu cầm lấy tờ báo vờ xem chỗ khác, nhân lúc Mỹ và Hợp mải
nói chuyện, nàng đọc đi đọc lại đoạn nói về vụ biển thủ hình như sẽ thấy rõ được
sự thực trong mấy dòng chữ vắn tắt.
Thu gấp tờ báo đưa trả Mỹ, rồi lên gác về phòng khóa cửa lại.
Nàng ra phía cửa sổ, khép bớt cánh cho phòng đỡ sáng, và cái cử chỉ ấy nhắc
nàng nhớ đến đêm hôm thứ bảy lúc Trương ngừng xe nhìn lên.
- Mình phải làm gì bây giờ?
Nhưng nàng không biết sử trí ra sao, và không biết rõ Trương ở
đâu và chàng định trốn mãi hay ngồi tù. Nàng tức Trương không bảo gì cho nàng
biết cả.
- Nhưng anh ấy bảo thế nào được mình.
Nghĩ vậy, nàng lại tiếc rằng tình cảnh Trương không cho phép
Trương gặp được nàng. Sau cùng Thu lại nghĩ Trương không muốn cho mình biết,
không cần mình nữa, chứ không phải tình cảnh bắt buộc. Một lúc lâu, thu ngồi dậy
chạy ra mở cửa sổ chống tay nhìn xuống đường như tìm tòi.
- Phải đấy, chỉ có cách ấy, anh ấy mới gaadp được mình. Chắc
mấy tối trước anh ấy đến. Sao mình không nghĩ ra ngay.
Tối hôm ấy, nàng bật đèn, mở cửa sổ ngồi đợi. Nàng coi như
cái tội phải ngồi tù như thế suốt mấy giờ đồng hồ, song nàng phải cố đợi và cho
đó là một sự bát buộc, một bổn phận. Quá mười giờ, Thu mệt lả không sao gượng
được nữa. Nàng đóng cửa sổ một cách giận dỗi, nàng tức sao Trương lại không đến,
làm như chính Trương đã bảo nàng ra đợi ở cửa sổ và đã sai hẹn với nàng. Cánh cửa
đóng mạnh đập vào ngón tay khiến Thu càng giận thêm. Nàng nằm gục mặt xuống gối
lẩm bẩm:
- Thế này mình đến hóa điên mất.
Thu ứa nước mắt khóc thổn thức rồi một lúc sau ngủ thiếp đi
vì mệt quá.
Sáng hôm sau, Thu vội mặc quần áo chỉnh tề để ra đi bất kỳ
đâu; chỉ có cách ấy Trương mới gặp được nàng, có lẽ Trương đương đứng nấp ở đầu
phố để đợi nàng ra là đi theo. Thu không nghĩ gì đến việc biển thủ và cũng
không tự hỏi xem tình yêu đối với Trương tăng hay giảm, nàng chỉ biết có một điều
là không thể lùi được nữa, mãi mãi sẽ bị lôi kéo vào cuộc đời Trương, và mỗi
hành vi của Trương đều liên quan đến nàng.
Xuống nhà dưới, mẹ nàng và bà Bát cũng sắp sửa ra cửa hiệu Gô
Đa. Bất đắc dĩ Thu phải cùng đi và khi ngồi trên xe tay, nàng có ý thỉnh thỏang
nhìn lại sau xem có thấy Trương theo hay không. Lúc ở hiệu Gô Đa về, Thu thấy
trong gương có hai có hai con mắt nhìn nàng. Thu giật mình quay lại không thấy
ai, nhưng linh trí của nàng bảo rằng thế nào cũng có Trương đứng đâu đấy. Biết
ý, nàng đi lảnh sang bên kia cầu thang và trong ngay thấy Trương đứng lẩn sau
cái máy hát. Thu ngừng lại đứng yên nhìn Trương một lúc chưa biết xử trí thế
nào. Bỗng nàng thấy Trương vội vã quay mặt cúi nhìn xuống tủ hàng. Thu biết là
bà Bát và mẹ nàng đã gần tới.
- Về thôi con.
- Vâng, mẹ trả tiền chưa?
Nàng theo mẹ và bà Bát ra phía cổng bên rồi thuê ba cái xe
tay. Lên ngồi trên xe rồi, Thu vẫn thấy phảng phất hình ảnh hai con mắt Trương
theo đuởi nhìn nàng, Thu sợ hãi về cái vẻ khác thường trong hai con mắt Trương
nhìn nàng lúc nãy, hình như có một sự rất không hay sắp xảy ra. Thu có cảm tưởng
rằng Trương nhìn nàng lần này là lần cuối cùng và sở dĩ Trương trốn tránh để cố
gặp mặt nàng chỉ vì một lẽ rất rõ rệt là muốn trông thấy nàng một lần nữa trước
khi liều thân.
- Có lẽ thế chăng?
Nàng giật mình nói với mẹ:
- Chết chửa, con quên chưa mua cuốn sách dạy làm bánh. Mẹ và
dì về trước. Con quay lại một tí rồi con về sau ngay.
Xuống xe trả tiền, rồi Thu chạy thẳng vào chỗ đứng lúc nãy gần
cầu thang. Nàng hồi hộp nhìn ngang nhìn ngửa.
Lỡ anh ấy đi rồi.
Nàng đi lại chỗ cái máy hát và mừng rỡ thấy Trương còn đấy.
Trương đưa mắt nhìn về phía sau nàng có ý tìm bà Nghị và bà Bát. Thu lắc đầu lẩm
bẩm nói:
- Đi rồi.
Sợ đứng đấy gặp người quen, Thu nháy mắt làm hiệu bảo Trương
theo mình lên gác. Nàng lại đứng gần cái tủ kính bầy đồ chơi trẻ con, đợi
Trương. Lúc ấy trên gác vắng khách mua hàng. Một lúc sau, Trương đến đứng ngay
bên cạnh Thu. Hai người cùng nhìn vào trong tủ kính chăm chú ngắm nghía mấy con
búp bê. Thu thấy những nỗi buồn giận Trương từ trước tan đâu cả, lòng nàng êm ả
hẳn lại, chỉ còn tràn ngập tình thương một người đã khổ sở vì đã yêu mình. Nàng
khẽ nói:
- Em có thể chạy đủ số tiền để trả người ta.
Trương đáp:
- Không, anh không cần tiền. Tiền làm gì bây giờ nữa.
Thu hiểu lầm ý Trương nên sợ hãi vội nói:
- Em chỉ xin anh một điều là dẫu thế nào đi nữa anh cũng đừng
liều hủy thân anh đi.
- Không, anh sẽ vào tù. Anh không cần tiền, vì có tiền bây giờ
cũng vô ích, đằng nào thì việc xấu cũng đã xấu rồi.
- Sao anh lại làm việc ấy?
Trương trả lời vắn tắt:
- Không biết.
- Anh chỉ làm em khổ. Tức cả mình.
Trương cau lông mày quay nhìn Thu và giận ứ lên cổ:
- Thế à? Em khổ thì thôi đi.
- Anh!
- Nhưng đã bảo quên anh đi. Anh là một thằng khốn nạn. Không
xứng đáng.
Có tiếng chân người bước lại gần. Trương ngừng bặt. Thu chỉ
vào con búp bê lớn đặt nằm trên chiếc giường gỗ:
- Hay ta mua con búp bê này, kháu quá nhỉ.
Trương nói:
- Con kia xinh hơn.
Một người đàn bà dắt con đi ngang qua đấy. Khi người ấy xa rồi,
Thu nói:
- Cần gì xứng đáng.
Trương lấy làm hối hận lúc nãy đã giận Thu. Chàng cũng không
hiểu tại sao lại giận Thu một cách vô lý như thế được. Trương dịu giọng nói:
- Anh xin lỗi Thu vế hết tất cả những lỗi của anh từ trước đến
nay. Ngày mai anh vào tù. Nhớ em, anh ở tù được dễ chịu. Anh không cần gì cả. Cần
gì… chỉ có tình yêu của em là đáng kể. Thôi anh đi…
Thu hãy còn lo sợ. Nàng mang máng thấy trách nhiệm về cả phần
nàng nếu Trương liều tự vận, nên nàng muốn biết chắc cho yên tâm hẳn:
- Anh cam đoan với em…
Trương hiểu ý ngay nên vội mỉm cười nói:
- Anh xin cam đoan.
Trương toan quay đi, bỗng Thu khẽ gọi lại:
- Anh!
Trương đợi nhưng không thấy Thu nói gì. Chàng hiểu là Thu gọi
lại cốt để nhìn mình một lần nữa, Thu giơ tay nắm lấy bàn tay Trương, ngập ngừng
nói:
- Anh cứ tin là thế nào đi nữa em cũng vẫn…
Trương vội ngắt lời:
- Thôi em đừng nhắc đến nữa. Anh van em.
Hai người yên lặng nhìn nhau một lúc lâu rồi Trương quay đi
bước vội xuống cầu thang.
Trương định mai đi chuyến ô tô ray xuống Hải Phòng nộp mình
vì chàng không muốn người ta giải từ Hà Nội về Hải Phòng. Trong mấy hôm chàng
đi lại chơi bời ở Hà Nội rất đường hoàng vì chàng cho rằng nếu trốn tất họ bắt
được. Chàng chỉ hết sức tránh những chỗ quen thuộc xưa nay. Có lúc chàng nhìn đội
xếp mỉm cười ngẫm nghĩ:
- Ai bắt làm gì một người đi ở ngoài phố, tự nhiên như không,
rất lương thiện. Nhưng sở dĩ mình tự nhiên được chỉ vì mình không sợ bị bắt.
Tối hôm ấy Trương định đến một nhà xăm ở gần ga thuê buồng ngủ
để mai ra ga cho tiện. Đến đầu phố Colomb. Trương gặp một gái giang hồ có ý muốn
bắt chuyện. Chàng vội vàng rảo bước đi nhanh. Đi được một quãng, Trương quay trở
lại; chàng thấy nét mặt người con gái hơi quen, nhưng không nghĩ ra được là
ai.người con gái nhìn chàng có vẻ ngượng ngập và một lúc mới khẽ nói:
- Cậu còn nhận ra được tôi?
Nghe tiếng nói. Trương nhớ ngay ra là Mùi, một cô hàng xén ở
cạnh nhà trọ, chàng đã quen mấy năm trước, khi chưa đỗ tú tài.
- Cô Mùi…
Chàng ngừng lại vì chưa biết nói với Mùi theo giọng nào, vẫn
đứng đắn như với cô hàng xóm cũ hay lơi lả như với một cô gái giang hồ.
Mùi hỏi:
- Nhìn mãi, em mới nhận ra là cậu Trương ở trọ học bên nhà cụ
giáo. Trông độ này…
Trương ngắt lời:
- Độ này tôi gầy đi nhiều.
- Chàng nhận thấy tiếng "em" Mùi tự xưng và biết
không nên coi Mùi như cô hàng xóm ngày trước nữa.
Chẳng mấy khi gặp gỡ người cũ. Ta vào đây nói dăm ba câu chuyện.
Mùi nghĩ sao?
Trương thấy hai mắt Mùi sáng hẳn lên và chàng thoáng nhớ lại
cô hàng xén vui tươi vẫn mỉm cười với chàng mỗi lần chàng đi học về qua nhà.
Nhưng lúc này chàng rủ Mùi đi chỉ vì thương hại, chỉ vì sự liên cảm tự nhiên của
hai người quen biết nhau từ hồi còn ngây thơ trong sạch giờ cùng bị đời làm sa
ngã, Chàng không có ý thèm muốn về vật dụng vì không hiểu tại sao bao giớ chàng
cũng lánh xa những gái gặp đêm ở dọc đường, cũng người ấy nếu gặp ở trong nhà
xăm hay nhà chứa thì chàng không thấy ghê tởm nữa.
Trương đi mấy bước phải ngừng lại đợi Mùi. Chàng sửng sốt thấy
Mùi chống một tay vào cạnh sườn đi khập khiểng, nửa người nghiêng về một bên,
Trương nghĩ thầm:
- Đi với một con đĩ què. Vô lý.
Chàng đã toan lấy một đồng bạc dúi vào tay Mùi rồi bỏ đi. Tuy
nghĩ vậy nhưng khi nói với Mùi, giọng chàng trở nên ngọt ngào và âu yếm:
- Em làm sao thế?
- Cái chân em phải không? Nhiều chuyện lắm.
Hai người đi ngang qua một quãng tối. Trương thấy Mùi đi sát
vào người chàng tìm chỗ tựa. Chàng giơ tay nắm lấy cánh tay Mùi:
- Cũng vì cái chân, em mới "tã" như thế này.
Trương bất giác nghĩ thầm:
- Anh cũng vậy.
Mùi kể lể:
- Mới năm ngoái, em còn làm "đăng sơ" ở Hải Phòng.
- Ở Hải Phòng?
- Vâng ở Hải Phòng, có gì mà anh lạ.
- Không. Mai tôi đi Hải Phòng để…
- Để làm gì?
- Để vào nằm trong nhà đá cho biết.
Mùi thích vào sườn Trương một cái:
- Đùa mãi. Để em kể cho nghe. Thế rồi em đi Sài gòn. Em bị bệnh
phù, ăn mãi gạo máy vào. Chữa khỏi thì bị lên một cái nhọt bị co gân.
- Giờ còn đau không?
- Hết đau rồi. Hồi mới bị đau chết cha chết mẹ. Giờ thì hết
đau nhưng hôm nào đi nhiều thì lại thấy nhức nhối. Như hôm nay chả hạn.
Mùi thấy đã đến trước một hiệu Cao lầu mà Trương vẫn dìu nàng
đi thẳng. Nàng đi chậm lại miệng nói:
- Em đi từ sáu giờ tối…
- Nghĩa là Mùi chưa ăn gì cả. Hay ta vào đây đã.
Trương hơi ngượng, vì chưa lần nào như lần này chàng đi với một
gái đêm ăn mặc tồi tàn bẩn thỉu mà lại còn què chân nữa. Chàng nói cao giọng:
- Thế nào, chắc Mùi mỏi chân lăm phải không. Rõ khổ, đàn bà
đi bộ không quen có khác, lê không nổi.
Nghe Trương lẩm bẩm đọc các món ăn. Mùi thấy nước dãi ra đầy
mồm. Nàng ngượng không dám nuốt mạnh sợ Trương nghe thấy. Nàng nói:
- Độ em ở Sài gòn, vào Chợ Lớn ăn món Ba Tàu, ngon quá.
Nói đến hai chữ "Ngon quá" nàng suýt xoa chép miệng
một cái và nuốt trôi được chỗ nước dãi.
Trương no nê chỉ gắp cầm chừng, ngồi nhìn Mùi ăn một cách
ngon lành.
- Em ăn nữa đi chứ ăn bao nhiêu cũng được. Độ này anh kiếm được
nhiều, không ăn cũng phí.
Chàng nghiệm ra cứ mỗi lần lấy giọng âu yếm nói với Mùi một
câu thì lòng chàng lại nao nao cảm động thương Mùi hơn lên một chút.
Trương vụt nghĩ ra một điều: chàng nhìn quanh và thấy trong
hiệu lúc đó bắt đầu đông khách nên bảo Mùi:
- Ta đi thôi.
Chàng đưa Mùi đến thuê một buồng chính ở cái nhà mà trước kia
chàng đã đi qua một lần hôm bỏ Thu về Hà Nội. Đêm hôm ấy là đêm bắt đầu cuộc đời
ăn chơi liều lĩnh của chàng và đêm nay là đêm cuối cùng trước khi vào nhà tù.
Chàng gọi bồi lấy rượu sâm banh, vì chàng định uống cho say
sưa không biết gì nữa. Chàng hỏi Mùi:
- Hỏi thật, Mùi có muốn bỏ cái đời… Cái đời Mùi hiện đương sống
không?
Mùi hơi ngạc nhiên, nhưng thấy vẻ nghiêm trang của Trương nên
nàng không dám giở giọng đùa.
- Muốn lắm chứ. Muốn nhưng đời nào bỏ được. Chẳng có cách gì.
- Có một cách là Mùi có tiền, có đủ tiền đi buôn bán nuôi
thân.
Trương rút ví kiểm lại số tiền rồi lấy ra ba tờ giấy hai chục.
Mùi chăm chú nhìn và không hiểu Trương lấy tiền làm gì, nàng không thể tin là
Trương sẽ cho nàng số tiền ấy.
Trương đặt ba tờ giấy bạc hai chục vào bàn tay Mùi:
- Cho em.
Trương nhấc cốc rượu uống một hơi cạn. Mùi chưa dám cầm, cứ
ngồi trừng trừng nhìn Trương. Trương nói:
- Thật đấy.
Chàng cười rồi rót cốc thứ hai uống cạn và đưa một cốc rượu
khác bắt mùi uống.
- Phải uống một hơi hết. Chắc Mùi thì phải quen uống rượu. Vũ
nữ kia mà, uống xong nhẩy một bài… Nhưng thôi không nói đùa. Số tiền này để phần
em, nhưng em phải cam đoan một điều là cấm không được buôn thứ gì khác. Phải
buôn hàng xén như trước. Anh muốn thế, muốn em là một cô hàng xén.
Trương uống luôn một cốc nữa; chàng đã thấy say bàng hoàng và
lúc ôm Mùi trong lòng, Trương có cái cảm tưởng là ôm cô hàng xén đã quen chàng
và có lẽ đã yêu chàng từ ngày chàng còn là một cậu học trò khỏe mạnh.
- Em còn nhớ đến ngày xưa không, ngày xưa ở nhà cụ Giáo. Có
ai ngờ đâu đến bây giờ thế này.
- Có… Dễ đến bốn năm nay rồi.
Mùi lơ đãng trả lời vì nàng còn bận về một ý nghĩ mới hiện đến
khi nhận thấy Trương thực tình tử tế với mình. Nàng bảo Trương:
- Đừng cho tiền em… nói thực với anh, đêm hôm nay là một đêm
đầu tiên mà em phải đi kiếm ăn thế này, em nói có trời chứng cho em… Ngờ đâu lại
gặp ngay anh… Anh đừng cho em tiền, anh cho em đi theo anh.
Trương bật lên cười:
- Theo anh à? Không thể được. Vô lý hết sức.
Chàng ngừng lại vì thấy Mùi gục đầu vào chàng khóc thổn thức:
- Em van anh, anh cứu lấy em. Em xin thề với anh rằng em sẽ…
Trương gỡ đầu Mùi ra, nhìn Mùi ràn rụa nước mắt và chàng như
thấy nét mặt mếu máo và gày gò của Mùi tất cả các đau khổ của đời chàng. Mùi tiếp
nói:
- Anh thương lấy em.
Trương thong thả lắc đầu. Chàng đã quá say rồi, đồ đạc trong
phòng, nét mặt Mùi chàng chỉ thấy lờ mờ như qua đám sương mù, và trong lúc say
chàng không có cảm giác gì rõ rệt về ngoại vật nữa, nhưng trước nỗi đau khổ thì
lòng chàng lại hình như mở ra để đón lấy nhiều hơn, lắng xuống để nhận thấu rõ
hơn, vang lên như sợi dây đàn căng thẳng quá. Trương nghĩ đến Thu, nghĩ đến đời
chàng bắt đầu khổ từ lúc gặp Thu, nay mai sẽ kết liễu một cách khốn nạn ở nhà
tù, mà như thế chỉ vì một câu nói cỏn con của Chuyên, Trương nhớ đến hàm răng của
Chuyên và sao chàng thấy ghét Chuyên đến thế, chàng tưởng Chuyên như một con vật
độc ác nhe răng cắn nát đời chàng. Sự liên tưởng gợi chàng nghĩ đến đứa bé con
cắn quả táo ngon lành hôm chàng gặp Thu đầu tiên. Hơn một năm đã qua, từ buổi
chiều thu ấy đến giờ, và bao nhiêu đau khổ đã dồn dập đến.
Mùi nhìn Trương nói:
- Anh nghĩ gì thế? Ô hay, anh cũng khóc đấy à?
Trương để mặc cho hai dòng nước mắt chảy trên má. Chàng không
giữ được nữa, muốn nói hết cả với Mùi những điều mà từ xưa tới nay chàng chưa từng
nói với ai. Chàng thấy cần phải nói để cho nhẹ bớt gánh nặng, và như một tín đồ
sám hối với Đức Chúa Trời, trước khi nhắm mắt, chàng cũng đem hết các tội lỗi,
các nỗi đau khổ ra kể lể với Mùi.
Mùi vừa nghe vừa ngơ ngác nhìn Trương, nàng không hiểu rõ Trương
định nói gì, và hiểu chàng nữa. Mùi cũng chỉ coi là những lời vu vơ của một người
quá say. Lưỡi Trương lýu lại: chàng nói chậm chạp, vừa nói vừa nghĩ ngợi, cố
phân tích lòng mình để kể ra, và như thế chỉ cốt cho một mình mình nghe.
- Em theo anh sao được, vì mai anh phải vào tù. Em là một con
đĩ, nhưng anh còn tệ hơn em vì anh là một thằng đi lừa… quá thế nữa… một thằng
ăn cắp, nhưng ngồi tù xong là trả được nợ. Còn như đi lừa một người con gái,
yêu người ta, nhưng lại muốn người ta hết sức khổ vì mình, thấy người ta khổ vì
mình lại sướng ngầm trong bụng… biết mình không xứng đáng nhưng cũng cố làm cho
người ta trọng mình… đau khổ vì thấy mình khốn nạn nhưng lại sung sướng mong mỏi
người ấy cũng khốn nạn như mình, cái tội ấy thì không có pháp luật nào trị, vì
thật ra không phải là một cái tội. Anh thấy anh thật là khả ố, hành vi của anh
khốn nạn, nhưng nếu bắt phải sống trở lại thì anh sẽ làm lại đúng như thế. Em
chẳng bao giờ biết Thu là ai, nên anh cũng chẳng cần giấu tên Thu với em. Nếu
anh…
Trương ngừng lại, vì tuy say rượu, tuy nói với một gái giang
hồ, chàng cũng thấy mấy tiếng sắp nói đến sẽ mãi mãi làm nhơ bẩn cả tấm ái tình
trong sạch của Thu.
- Nếu anh ngủ ngay với Thu như ngủ với Mùi, rồi thôi, mai
không nghĩ đến nữa, hết yêu, như vậy có lẽ đều giả thật, thiếu gì người đểu giả
như thế, đểu giả nhưng tội không lấy gì làm to lắm, vì hành vi ấy rất thường
có. Đằng này không, anh lấy nể là yêu để đánh lừa người ta một cách khoái trá
và cứ muốn kéo dài cuộc lừa dối ấy ra mãi mãi để cho mình vui thích. Mùi có thấy
thằng nào đốn mạt, khả ố như anh không? … Nói! Nói đi.
Mùi cau mặt vì Trương bóp vào cổ tay nàng mạnh quá. Nàng vội
nói:
- Anh hay nghĩ lôi thôi lắm. Yêu nhau thì chẳng kể vào đâu.
Trương cười, nhưng cười một cách yên lặng như người nhếch mép,
nhe răng đùa với trẻ con:
- Phải lắm, yêu nhau, những việc khả ố vẫn khả ố? Có phải vì
yêu nhau mà thành tốt được đâu. Lại còn điều này nữa, là tớ nhận tớ khốn nạn
thì không sao, chứ còn Thu, tớ bắt Thu phải rọng tớ, phải yêu tớ, không được
cho đó là việc xấu. Tớ vẫn bảo với Thu rằng tớ là một thằng khốn nạn, nhưng nếu
một ngày kia, và Mùi nên nhớ kỹ lấy…
Mùi quay mặt nhìn đi nơi khác vì nàng thấy hai con mắt Trương
có vẻ dữ tợn làm nàng ghê sợ.
Nếu một ngày kia mà tớ thấy Thu ghét tớ vì nhận thấy rõ cái khốn
nạn của công việc làm thì thế nào tớ cũng giết Thu như thế này này...
Trương vừa cười đùa vừa đưa hai bàn tay bóp lấy cổ Mùi:
- Nếu tớ ngủ với Thu rồi thì có lẽ tớ không giết Thu nữa.
Nhưng nếu chưa có gì thì tớ sẽ báo thù Thu đã làm khổ một đời và tớ sẽ giết
Thu...
Chàng cười lên mấy tiếng to và chính chàng cũng ghê sợ khi
nghe thấy tiếng cười của mình.
Mùi sợ hãi, tưởng như Trương sắp sửa định giết mình. Nàng cười
nịnh và cố lấy giọng âu yếm nói với Trương:
- Anh ra giường nằm kẻo ngồi mãi mệt.
Mùi ngồi một bên giường và giơ một cánh tay cho Trương gối. Một
lúc sau, khi Trương đã ngủ, nàng sẽ kéo tay ra nhưng vẫn cứ ngồi yên không dám
lên giừng nằm. Có lúc nàng sợ quá toan bỏ đi và nàng nghĩ đến chuyện những người
lên cơn điên gặp ai giết người nấy. đến nửa đêm, Trương sực thức dậy và gọi nước
uống. Trương đã đỡ say, giọng chàng trở nên ngọt ngào:
- Em lên đây với anh. Lúc nãy anh nói những gì, anh cũng
không nhớ rõ. Nhức đầu quá.
Chàng sờ đến ví và hỏi Mùi:
- Anh đã đưa tiền cho em chưa?
- Anh đưa rồi. Anh này, bây giờ em hỏi thật, mai anh vào ngồi
tù thật hay nói đùa đấy?
- Thật đấy Mùi ạ. Nhưng bây giờ anh tạm quên việc đó trong
tay em. Còn em, mai em bỏ nghề này đi, trở về mở ngôi hàng xén mà kiếm ăn. Em hứa
với anh rằng thế nào em cũng nghe lời anh đi.
Mùi đặt đầu vào vai Trương khẽ đáp:
- Xin vâng... Còn anh, liệu anh bị mấy tháng?
- Không biết được. Một, hai, ba, bốn tháng gì đó. Nhưng cần
gì, vì chưa chắc anh còn sống đến lúc ra.
Vụt nghĩ ra một ý nghĩ hay, Trương ngồi dậy:
- Anh nhờ Mùi một việc. Nếu anh chết ở nhà tù thì Mùi làm ơn
đến nhà Thu và đưa cho Thu một bức thư của anh. Giờ thì Mùi ngủ đi để anh dậy
viết bức thư.
Trương ngồi cho đến sáng viết xong một bức thư rất dài, trong
kể hết duyên cớ những hành vi lạ lùng của chàng đối với Thu. Viết xong bức thư,
Trương thấy mình có thể nhắm mắt được yên tâm. Cái chết chắc chắn đến bấy lâu
xúi dục chàng làm những việc khốn nạn lại là cái cớ để xoá bỏ hết các tội lỗi
đó. Trương nói rõ hết cả sự thực nhơ bẩn trong bức thư, nhưng có cái cảm tưởng
là Thu xem xong không khinh chàng, có lẽ thương chàng, yêu chàng hơn lên.
- Nhưng như thế để làm gì nữa, vì mình đã chết rồi cơ mà?
Chàng bảo Mùi:
- Em nhớ chỉ khi nào anh chết rồi mới được trao bức thư này
cho Thu. Nhớ kỹ lấy và cấm không được cho ai xem bức thư.
Trương trả tiền buồng, tiền rượu, đưa thêm cho Mùi một chục bạc
rồi ra ga lấy vé về Hải Phòng.
Tới Hải Phòng thuê xe về sở Cẩm, Trương mới bắt đầu lo sợ người
ta bắt được mình. Chàng giục xe chạy thật mau. Chàng nghĩ không gì khó chịu hơn
là trông thấy mặt ông Daniel, hay cụ Phách. Thà bị mười lăm năm tù còn hơn là gặp
hai người đó lúc này, hai người đã tử tế với chàng, đã tin chàng.
Tới sở Cẩm chàng nói với người đội xếp rằng muốân gặp ngay
ông Cẩm có một việc rất cần, rất quan trọng. Chàng mỉm cười khi thấy người đội
xếp nhìn chàng có vẻ kính cẩn và nói mời chàng vào rất lễ phép. Trông thấy ông
Cẩm, Trương nói luôn:
- Tôi đến để xin nộp mình. Tôi là Vũ Đình Trương, Thủ phạm vụ
biển thủ bốn trăm đồng ở hãng Sellé Frères. Mấy hôm nay tôi cố chạy tiền để bù
vào nhưng không được, vậy tôi xin vui lòng ngồi vào tù để chuộc tội.
Ông Cẩm hỏi:
- Anh dùng tiền đó làm gì?
- Tôi đánh cá ngựa hết. Đây còn thừa bao nhiêu tôi nôïp ông.
- Thích cá ngựa đến thế kia à?
Trương vui vẻ đáp:
- Thích thì cũng chẳng thích lắm. Như ông tính, tuổi trẻ đang
hăng, tôi cũng như con ngựa sắp tới đích, ai ghìm nổi.
Ông Cẩm mỉm cười vì câu ví ngộ nghĩnh.
Trương nghiệm thấy người nào cũng vậy, xem chừng họ có thiện
cảm với chàng, chứ không tỏ ý khinh ghét như chàng vẫn tưởng.
Có người đội xếp tây vào trình về một việc khẩn cấp. Ông Cẩm
bảo Trương sang phòng bên:
- Lát nữa tôi sẽ săn sóc tới anh.
Trương nhận thấy mình không sợ gì ngồi tù lắm. Có phần chàng
lại càng thích vì có cảm tưởng rằng từ nay chàng không phải sống, không phải bận
tâm nữa.
Phần Thứ Ba
I.
Ở nhà tù ra Trương đi quanh quẩn mãi. Chàng có cái sung sướng
ngây ngất của một người đi xa lâu năm sắp được về thăm quê nhà. Chàng ngồi xuống
một chiếc ghế ở vườn hoa và tự nhủ thầm:
- Sắp sửa được trông thấy mặt Thu.
Nghĩ đến đấy, lòng nở ra và chàng thầm nhắc lại câu ấy hai ba
lần để nhận được rõ hơn cái vui sướng của lòng mình.
Chàng ngửng nhìn trời qua những cành long não lá non và
trong: Chàng thấy mình như trở lại hồi còn bé dại, lâng lâng nhẹ nhàng tưởng
mình vẫn còn sống một đời ngây thơ trong sạch và bao nhiêu tôi lỗi của chàng
tiêu tán đi đâu mất hết. Vòm trời cao lúc đó, Trương nhận thấy thân mật, êm dịu
như vòm trời ở phía sau nhà đã bao lần chàng nhìn thấy mỗi khi ra thăm vườn rau
của mẹ chàng.
Sự liên tưởng gợi chàng nghĩ đến Nhan và miếng đất năm mẫu
chàng đã viết giấy nhường cho ông bà Thiêm.
- Ở Hà Nội khó lòng có cách sống. Tốt hơn hết là về làng rồi
lấy Nhan làm vợ: Sống yên ổn với Nhan trên đất nhà mình. Theo đuổi Thu mãi vừa
khổ cho Thu vừa khổ cho mình. Nếu lần này nữa...
Trương thấy trước rằng cái đời sống túng bấn của chàng ở Hà Nội
rồi sẽ làm tiêu tan hết đôi chút lương tâm còn lại trong lòng chàng, và sẽ khiến
chàng phạm đến những tội lỗi rất lớn một khi chàng gặp bước liều, không cần gì
cả. Tuy đã bị tù tội vì thụt két, Trương vẫn còn thấy mình là một người lương
thiện; Nhưng một ngày kia, không còn cách gì để sống, nếu cần đến, chàng biết
là khó lòng giũ được lương thiện mãi. Trương mỉm cười loay hoay lấy mũi giày viết
thành chữ xuống đất:
- Biết là thế nào cũng chết mà còn phải gian giảo, ăn cắp, đi
lừa để có cách sống! Ồ! Nếu đến nước ấy... Bây giờ mình lấy Nhan làm vợ thì ổn
lắm,miễn là Nhan chịu lấy mình.
Chàng cúi nhìn chữ Nhan viết trên đất lẩm bẩm:
- Kể ra thì Nhan cũng khá xinh, dễ thương.
Trương nhận thấy lần này là lần đầu tiên chàng để cho tư lợi
đi đôi với ái tình, chàng nghĩ đến hôm vò nát bức thư của ông chú khuyên chàng
nên lấy Phiên vì nhà Phiên giàu.
Thực tình chàng có yêu Nhan không, chàng cũng hiểu rõ, có một
điều là bốn tháng ở trong tù, không một lần nào chàng nghĩ đến Nhan cả.
- Mình chỉ nghĩ đến Thu thôi, nghĩa là thiếu Thu thì đời mình
khổ. Như vậy cái cần của mình không phải là có tiền của, cơm áo, sống nghèo khổ
đến đâu đi nữa cũng không sao, miễn là lúc nào cũng có Thu bên cạnh.
Đã bốn tháng nay chàng không được tin tức gì về Thu ca, ở
trong nhà tù, những hôm mở cửa cho người nhà vào thăm. Trương vẫn thấp thỏm
mong mỏi có người gọi đến tên mình chàng sẽ vui sướng đến đâu nếu người vào
thăm lại chính là Thu.
Một ý tưởng vụt đến làm Trương thấy lạnh người. Hay là Thu đã
quên mình rồi chăng? Thật ra Thu với mình chưa có gì liên lạc chắc chắn cả.
Chàng nhớ lại hôm ở Gô Đa. Hình như Thu chỉ sợ chứ không thật
yêu, sợ và cố ý mong được thoát nợ chàng. Không có lý gì Thu yêu chàng cả,
chàng nghĩ Thu yêu chàng quá chỉ vì chàng tưởng tượng quá ra như vậy thôihay có
lẽ Thu cũng yêu chàng tự nhiên, yêu một cách vô lý như như chàng yêu Thu vô lý
bấy lâu. Trương nghĩ đến làm cách nào để thử được tình yêu của Thu:
- Lấy Thu thì cố nhiên không thể được rồi. Trước kia, họa
chăng? Ừ nhỉ, dại quá, trước lấy quách Thu có phải xong không? Giờ thì chỉ còn
một cách là rủ Thu đi trốn. Phải đấy, không xong thì ta sẽ về làng lấy Nhan.
Trương khoan khoái đứng lên, lấy làm thỏa mãn về các công việc
sẽ xảy ra. Chàng sung sướng nghĩ đến cuộc đi trốn với Thu, đến cuộc đời sống
ngoài xã hội, không có gì liên lạc với quá khứ nữa. Chàng sẽ lôi kéo Thu vào cuộc
đời của chàng, hạ Thu xuống cùng một mực với mình, mất hẳn cái so lệch vẫn làm
chàng bứt rứt khổ sở bao lâu.
Mai kia lên Hà Nội, chàng sẽ lại Chuyên, lại vừa để trêu chọc
chơi, vừa để được yên tâm hẳn về bệnh của mình. Ở trong tù muốn được vào nằm
tĩnh dưỡng ở nhà thương, Trương xin đi khám bệnh, chàng nói là mắc bệnh lao. Đốc
tờ xem xong bảo là Trương bịa cớ chứ không ốm đau gì cả và đuổi Trương về nhà
tù. Trương cho là họ khám sơ sài cốt cho xong chuyện, nhờ mấy tháng điều độ sống
trong nhà tù. Khỏi bệnh, rủ được Thu trốn đi xa…
- Thật là tuyệt! Có thể như thế được không?
Đến trước cửa hãng Sellé Frères, Trương ngừng lại nhìn và khi
biết chắc chắn mọi người đều về cả rồi, chàng mới dám vào. Nhân chạy ra bắt
tay:
- Hừ, lâu lắm mới gặp.
Trương mỉm cười đáp:
- Kể thì cũng khá lâu, nhất là đối với tôi. Giờ đến đây cốt
vay tiền anh đi Hà Nội. Anh có gì cho tôi ăn với, đói lắm rồi.
Trương vừa nói vừa nhìn cái tủ két, chàng có cái ý muốn kỳ
khôi đến gần để được sờ vào cái tủ két một lần nữa.
Nhân cười bảo Trương:
- Anh nhớ nó phải không?
Trương xòe bàn tay khoan khoái nắm cái cạnh bàn tròn và cứng
của chiếc tủ; chàng lấy tay gõ nhịp, và mỉm cười bảo Nhân:
- Thế là trả xong nợ. Bốn tháng kể cũng nhẹ.
Nhân mời Trương ra hiệu ăn và cho vay mười đồng.
Trương nói:
- Không chắc trả lại anh được.
- Không trả được thì cũng coi như biếu anh số tiền đó. Khi
nào hết thì lại xuống đây. Tôi vẫn có một thân một mình: ngủ ở kho, ăn ở hiệu,
tắm ở sông. Chết chôn nghĩa địa.
Yên lặng một lát, rồi Nhân buồn rầu nói tiếp:
- Đời buồn lắm. Không như đời anh đâu.
Trương từ biệt Nhân ra ga. Chàng ngẫm nghĩ về Nhân và tự nhủ:
- Anh này rồi cũng đến như mình. Chưa gặp lúc đó thôi.
Lấy vé xong, ra đến sân ga thì tàu bắt đầu chạy. Trương tìm một
chỗ khuất ngồi dựa đầu vào cánh cửa định ngủ đi một giấc. Chàng kéo dây mũ quẳng
xuống dưới cằm cho gió khỏi bay:
Trương lặng người đi một lúc vì cái ý nghĩ mình đã xa lắm rồi,
đối với Thu chàng đã sụt xuống một bực rất thấp kém.
- Nếu Thu vẫn yêu mình thì lần này mình đủ can đảm để xa Thu,
khỏi lụy đến Thu. nhưng nếu Thu hất hủi mình, khinh rẻ mình thì…
Chàng thốt ra một tiếng kêu ngạc nhiên:
- Hợp!
Hợp đừng dừng lại và khi nhận ra Trương chàng bất giác nhìn
chung quanh xem ai là người quen không. Chàng ngồi ngay xuống cạnh Trương để cạnh
Trương để tránh khỏi phải nói trong tiếng:
- Anh mới ra?
- Vừa mới ra sáng nay. Anh đi Hải Phòng làm gì thế?
- Hôm nay cả nhà xuống đón anh Thăng tôi ở tây về chuyến tàu
Compìegne.
Trương chỉ chú ý hai chữ "cả nhà".
- Chắc có cả Thu trong đó.
Chàng nói với Hợp, giọng vui vẻ:
- Anh Thăng về đấy à? Thích nhỉ. Ngồi đâu thế?
- Ngồi ở trên hạng ba.
- Thế à? Ta lên đi. Tôi muốn gặp anh ấy.
Hợp biết mình đã lỡ lời, nhưng không thể lùi lại được nữa,
đành đưa Trương sang hạng ba.
Mới bước vào trong toa, Trương đã biết là có Thu ngồi trong
đám người trước mặt, nhưng đến lúc bắt tay Thăng và Mỹ, nói xong vài câu chuyện,
chàng mới dám nhìn Thu.
Lúc đó Thu ngồi xoay qua cửa sổ, đôi lông mày cau lại, có vẻ
mải miết nhìn phong cảnh bên ngoài. Gió thổi hất cả tóc nàng xuống trán, xuống
má. Trương bất giác lấy tay ấn mạnh mũ xuống đầu, sợ gió bay, chàng thấy lạnh ở
gáy và hai bên thái dương.
Thăng hỏi Trương:
- Hiện giờ anh làm gì?
Trương không biết trả lời ra sao nên vờ chưa nghe lọt câu hỏi.
Mỹ đáp hộ:
- Anh ấy cũng học luật với chúng em. Nhưng anh ấy vì yếu phải
nghỉ luôn.
Thăng nhìn Trương, Trương có cái cảm tưởng rằng Thăng chú ý đến
gáy mình nhiều quá. Thăng nói:
- Tôi trông thấy anh ấy khỏe đấy chứ. Phải cái người trắng
quá. Chắc là ít dang nắng dang gió.
Trương cúi mặt, loay hoay đan mấy ngòn tay lại với nhau đặt
trên đầu gối. Chàng thấy nóng bừng ở hai tai.
- Hai tai mình lúc này chắc đỏ lăm. Ồ! Sao Mỹ lại nhìn mình dữ
vậy. Chắc Mỹ và Hợp biết là mình đương xấu hổ về câ nói của Thăng. Thu chắc
cũng nghe thấy…
Chàng đưa mắt nhìn Thu và thấy Thu vẫn mải miết ngắm phong cảnh
ở ngoài. Đôi lông mày nàng vẫn cau lại như lúc nãy. Trương thấy mình giận Thu ứ
lên cổ, giận Thu chưa nhìn lại chàng qua lấy một lần nào.
- Chắc Thu còn xấu hổ hơn mình, xấu hổ lây vì mình… Hừ! Rồi
Thu còn chán lúc xấu hổ hơn thế.
Trương thấy không thể giữ nổi được nữa.
Chàng nhìn Mỹ, nhìn Hợp rồi nói:
- Tôi vì yếu một phần, một phần nữa vì tiền, vì chơi bời liều
lĩnh. Liều gần như dại dột. Chẳng cứ gì một ai. Anh ở Pháp không biết, chứ
thanh niên Việt Nam, một thanh niên lý tưởng, chưa sống đã già cỗi như sắp chết,
biết mình sắp chết nên không còn chống lại làm gì nữa, buông xuông tay để mặc
cho trôi đến đâu thì đến. Không cưỡng lại nữa ắt là cái trụy lạc sẽ đến mau lắm.
Trương liếc nhìn Thu ngầm nghĩ:
- Trông Thu lãnh đạm khó chịu tệ. Được rồi!
Chàng nói tiếp:
- Anh nào nhiều tiền thì đâm ra chơi bời vong mạng, vẫn sáng
trong đấy, vẫn được người ta kính trọng đấy, nhưng thực ra mục nát lắm rồi. Anh
nào hết tiền…
Hợp nói xen vào một câu cố ý lảng snag chuyện khác, nhưng
Trương cứ điềm tĩnh nói tiếp:
- Hết tiền đâm ra lừa đảo, thụt két, tù tội bị người ta
khinh. Nhưng đằng nào cũng mục nát như nhau, không hơn không kém. Hoàn cảnh
không làm cho người ta phấn khởi. Chẳng giấu gì anh: tôi, tôi chán lạ. Một phần
vì chán, một phần cũng vì yêu nên tôi…
Chàng sẽ nhấc mũ lên để hở ra một mảng tóc ngắn:
- Anh Thăng, anh nhìn xem đây này…
Thu bỗng níu lấy thành cửa cúi đầu nhìn ra ngoài kêu lên một
tiếng.
Trương thôi nói. Mọi người hỏi dồn:
- Cái gì thế? Cái gì thế?
Đợi một lúc lâu. Thu mới đặt tay lên ngực mỉm cười nói:
- Em sợ quá. Em vừa thấy hai con trâu nói chọi nhau. Lần đầu
tiên em được nhìn thấy… Ghê cả người!
Mọi người cùng nhìn ra ngoài. Thu nói:
- Chắc đã xa rồi.
Chỉ có một mình Trương hiểu là Thu đã bịa ra chuyện hai con
trâu chọi nhau. Chàng khoan khoái đã làm cho Thu mất được vẻ lãnh đamo kiêu
hãnh.
Đợi cho mọi người trở lại chỗ, Trương nói tiếp với Thăng:
- Anh nhìn xem đây này. Tôi ốm quá nên phải nghỉ học. Bị sốt
rét thương hàn anh ạ. Đến lúc khỏi, tóc cứ rụng mãi, rụng nhiều quá, tôi phải bảo
thợ cạo trọc đầu đi.
Trương nhận thấy Mỹ, Hợp, và Thu đều có vẻ dễ chịu, được
thoát khỏi cơn sợ chàng nói với Thăng rằng chàng vừa ở tù ra.
Trương ngẫm nghĩ:
- Mỹ và Hợp sợ không phải vì mình mà chỉ vì các anh ấy sợ cho
các anh ấy, ngượng vì có một người bạn xấu… Còn Thu… nếu bây giờ ai cũng biết
rõ ràng Thu đã hôn mình thì Thu còn xấu hổ đến đâu. Nếu cần phải bịa ra chuyện
mười con trâu chọi nhau, chắc Thu cũng bịa.
Trương vẫn lấy làm khó chịu rằng Thu không dám cả gan đường
hoàng hỏi thăm chàng hay nhìn chàng một vài lần. Trước kia, khi đông người, Thu
vẫn làm ra vẻ hững hờ với Trương để không ai nghi ngờ, nhất là bây giờ nàng phải
giữ gìn hơn trước, nhưng Trương lúc đó chỉ cho là vì Thu sợ cho Thu quá, vì Thu
đã xấu hổ và hối hận vì cái tình yêu đặt lầm chỗ. Trương cho là Thu sỡ dĩ không
thèm nói với chàng một tiếng, không thèm nhìn chàng một lần là cốt tỏ cho chàng
biết rằng từ nay chàng đừng nên tìm gặp nàng nữa.
Nghĩ vậy, Trương quay lại nhìn Thăng nói:
- Ngày kia, thứ bảy đúng chín giờ đêm tôi sẽ lại thăm anh. Ta
sẽ nói chuyện nhiều hơn.
Trương nhận thấy rõ vẻ lo sợ trên nét mặt Mỹ. Chàng mỉm cười
nói tiếp theo:
- À, nhưng thôi để đến lúc khác. Tối thứ bảy đúng mười giờ đẹm
tôi mắc bận một việc rất cần, cần lắm, một việc riêng mà mấy tháng nay tôi đợi
mãi. Nếu hẹn anh chín giờ thì chỉ kịp đến trước cửa nhà, đứng đợi ở ngoài rồi lại
đi ngay chứ không kịp vào nói chuyện lâu la.
Trương để ý nhìn Thu thấy Thu lắng tai nghe chăm chú. Chàng
ngẫm nghĩ:
- Chắc Thu đã hiểu.
Chàng tưởng tượng đến lúc mọi người cũng biết Thu và chàng trốn
đi. Họ đã bàn tán rầm rộ đến đâu: một cô gái đẹp, con nhà giàu và danh giá trốn
d9 với chàng trai thụt két mới ở tù ra, chắc là hai anh chị yêu nhau từ lâu và
anh chàng chắc có bùa mới khiến cô ả mê đến nước ấy.
- Yêu nhau đến không cần gì cả, không kể đến cha mẹ, đến xã hội.
Chẳng biết Thu có thể là người yêu được đến bực ấy không? Nếu mình là con gái
chắc mình có thể làm được vì phải như thế mới gọi là yêu. Giá không có sự rắc rối,
cứ bằng phẳng, chưa chắc mình đã yêu Thu như thế này.
Xe lửa bắt đầu vào cầu sông Cái, Mỹ hỏiTrương:
- Anh có đồ đạc gì ở bên kia không?
Trương chưa kịp trả lời, Hợp đã nói luôn:
- Anh sang lấy đi. Sắp tới ga rồi.
Hợp đưa tay cho Trương:
- Thôi chào anh lúc khác gặp nhau.
Trương hiểu ý là Mỹ Hợp muốn đuổi mình, sợ đến ga có bà Nghị,
bà Bát và tất cả nhà ra đón. Thu chắc còn sợ hơn Mỹ và Hợp. Trương bắt tay
Thăng bỏ sang bên hạng tư.
Thu ngẫm nghĩ:
- Kể ra anh ấy cũng không phải là người xấu. Chắc có duyên do
gì đây mình chưa biết rõ. Anh ấy yêu mình mà dám xin mình thứ gì đâu, nhiều cơ
hội anh ấy có thể lợi dụng nhưng không một lần nào anh ấy có ý khác.
Thu nghĩ đến vài người quen khác cũng đã có lần phạm những tội
xấu như lừa đảo hay thụt két, nàng nhìn họ vẫn hư thường không khinh không
ghét, và coi như đó là việc riêng của họ. Nhưng lần đối với Trương, sao nàng lại
thấy thụt két là hệ trọng đến như thế, có thể làm giá trị con người thấp kém đi
nhiều lắm. Có lẽ nàng có cái cảm tưởng ấy không phải vì Trương thụt két như mọi
người thường mà vì nàng vẫn mang máng đoán thấyTrương có cái ý muốn lạ lùng làm
cho nhân phẩm mình mất dần đi. Thu sung sướng nhận thấy tình yêu của Trương
không phiền lụy gì đến nàng. Nàng có mất gì đâu, vàTrương từ xưa đến nay lại rất
kín đáo. Mỗi lần nghe người khác nhắc đến những hành vi xấu của Trương, Thu
nghĩ ngay đến cái tính rất kín đáo ấy và nàng yên tâm không sợ nũa, khác nào một
con ốc trước những nguy hiểm bên ngoài đã có cái vỏ để ẩn nấp được yên thân.
Thu cúi xuống xếp các thứ lặt vặt vào trong giỏ mây. Nàng lắng
tai nghe vì có tiếng Trương hỏi Thăng, hỏi chuyện về mấy người bạn cũ hiện còn
học ở Pháp. Thu đoán Trương lại sang không phải vì mấy người bạn ấy mà chắc chỉ
vì muốn ngỏ ý với nàng điều gì. Quả nhiên, Trương lúc sắp trở về bên hạng tư,
còn ngừng lại bảo Thăng:
- Để đến tối thứ bảy mười giờ, tôi sẽ lại thăm anh, ta sẽ nói
chuyện… Ồ, nhưng mà quên hôm ấy tôi mắc bận, khi khác vậy.
Thu nghĩ thầm:
- Hiểu từ lúc nãy rồi. Nhắc lại mãi.
Xe lửa tới ga, Trương đứng lại trên toa nhìn xuống. Có cả bà
Bát trong đám đông người. Mặc dầu những việc ấy xảy đến, Trương đoán chắc bà
Bát vẫn còn quý chàng và saÜn lòng tha thứ cho chàng. Một mối cảm động hơi buồn
làm chàng rung động khi nhìn nét mặt hiền từ của bà Bát chàng nhớ lại mẹ chàng
và tưởng tượng sẽ êm ả đến đâu nếu lúc này chàng còn có một người mẹ để an ủi
mình.
- Nhưng thà thế còn hơn là bà cụ sống để trông thấy con như
thế này.
Trương nhìn Thu và thấy Thu đương nhìn chàng, có lẽ nhìn đã
lâu lắm mà chàng không biết. Bà Nghị cất tiếng gọi, Thu phải quay đi nhưng
trong cái nhìn thoáng qua ấy, Trương cũng kịp nhận thấy rằng Thu yêu mình.
Trương lại thấy vui trở lại và bao nhiêu nghi ngờ về Thu đều tan đi hết; chàng
tưởng tượng Thu lại đẹp như thế, đẹp hơn cả những hình ảnh rất kiều Trương vẫn
gợi ra khi còn ở trong tù những lúc nhớ đến Thu.
Trương thuê xe lại nhà Phương, định ý nếu Phương dạo này khá
thì sẽ vay ít tiền. Chàng mỉm cười có vẻ chế nhạo.
- Vay gì! Nói là xin là đúng hơn.
Gặp một hai người quen, Trương bất đắc dĩ phải chào họ trước.
Không chào, chàng sợ họ cho mình là lẩn vì xấu hổ, mà chào họ vồn vã quá, họ lại
cho mình muốn cầu thân để nhờ vả. Chào xong Trương ngỏanh nhìn lại và tự nhủ rằng
trong đầu người ấy thế nào cũng có một ý nghĩ về mính, một ý nghĩ không hay hớm
gì. Trương bực mình lắc đầu:
- Hừ cứ kệ xác họ là xong cả. Họ khinh hay không thì cần quái
gì phải bận tâm.
Trương nhận thấy một việc xấu hổ có thể quên rất dễ dàng nếu
chưa ai biết, vì nếu chưa ai biết, chàng có thể vẫn cử chỉ như một người lương
thiện, không phải luôn luôn bận tâm đến nó như bâ giờ. Ở đây chàng là một người
khốn nạn bị tù tội, nhưng nều đi xa đến một nới không ai quên biết chắc chàng lại
sẽ cảm thấy mình là một người lương thiện, có thể ngửng đầu ngang nhiên nhìn
người khác. Lạ nhất là về tội thụt két, Trương không thấy mình mảy may thẹn với
lương tâm.Chàng không lúc nào bị "lương tâm cắn rứt" như người ta vẫn
nói. Có lẽ việc ngửa tay xin tiền Phương chàng thấy nhục nhã, hại đến nhân phẩm
hơn.
Tới nhà Phương chàng đi thẳng về buồng trong. Phương chạy ra,
và khi nhận thấy Trương nàng mỉm cười vồn vã, nhưng cũng không giấu đượcvẽ sợ
hãi lộtrên nét mặt:
- Gì mà sợ hãi thế. Anh đây chứ không phải ma hiện hình đâu.
Phương nhìn ra cửa giục Trương:
- Anh ra đây đã.
Trương ngồi xuống ghế ở buồng khách, nhìn Phương dò xét rồi hỏi:
- Có gì thế?
- Chẳng có gì cả. Đằng ấy ra bao giờ? Trông khỏe hẳn ra đấy.
- Vừa ra hôm nay. Đến đây ở nhà em có được không?
Phương lắc đầu:
- Bây giờ em ở với Nghị Hoành. Thằng cha nó ghen dữ lắm. Nó
cũng sắp về.
Trương mỉm cười:
- Thế nghĩa là em muốn đuổi anh chứ gì. Em tưởng đuổi anh dễ
lắm à?
Trương định nói vay tiền Phương ngay, nhưng nói thẳng ra ngay
trong một lúc trong tự nhiên, chàng thấy rất ngượng, mặc dầu trước kia đã nhiều
lần chàng giúp tiền Phương.
Trương ngồi yên ngẫm nghĩ có lẽ phải gợi ra cho Phương từ ngỏ
ý muốn cho mình vay tiền.
Đột ngột chàng hỏi Phương.
Thế nào, độ này có hay lên quần ngựa không?
- Ít khi lên lắm.
Trương nói giọng bông đùa:
- Anh cũng thế. Vừa đúng bốn tháng không đi lần nào. Mà nói
cũng đáng tội cũng hết mẹ nó cả tiền rồi.
Chàng lại dùng đúng câu mà Phương đã nói với chàng hôm chàng ở
nhà quê lên Hà Nội. Chàng nhớ lại hôm ấy gắt gỏng với Phương mãi vì không gặp
được Thu. Phương vẫn ngồi yên không nói gì. Trương thấy việc ngỏ lời xin tiền
Phương khó khăn thế. Chàng đứng lên, lạnh lùng giơ tay bắt tay Phương:
- Thôi anh đi, chào Phương.
Phương giữ tay Trương lại:
- Đằng ấy đừng giận em nhé. Nó ghen lắm cơ, ghen không thể tưởng
tượng được. Em cũng bực mình lắm.
Nàng hạ giọng nói với Trương:
- Anh mới ra chắc cũng cần tiền.
Trương nói giọng thản nhiên:
- Ừ nếu saÜn thì cho anh vay hai chục. Anh đi thuê nhà và
không quấy rầy đến em nữa. Được không?
Được lắm. Để em đi lấy tiền.
Phương đưa tiền cho Trương rồi lẳng lơ vui vẻ giơ một bên má
cho Trương hôn.
Lúc ra đến ngoài. Trương mỉm cười chua chát ngẫm nghĩ:
- Ở đâu người ta cũng không muốn dây với mình nữa. Phương lúc
nãy vui vẻ vì nó thấy thoát được mình. Ở đâu mình cũng chỉ là cái nợ thôi.
Chàng bỗng thấy rạo rực nảy ra cái ý thèm muốn rất tầm thường
được ở lại nhà Phương một đêm. Phương, một gái giang hồ mà trước kia chàng đã
chán chường, nhiều khi đuổi đi không muốn cho nằm cùng giường. Bây giờ chàng muốn
cũng không được nữa.
- Mình định đi đâu thế này?
Trương cũng không biết là định đi đâu? Thấy có gió mát ở một
cái ngõ con đưa lại, chàng rẽ vào cốt ý đi ngược chiều gió cho mát. Gió lạnh dần
rồi trời bắt đầu đổ mưa.
Nước mưa chảy khiến chàng ngứa ở má và nhớ lại đêm bỏ Thu về
Hà Nội đi lang thang dưới mưa.
Trời nhá nhem tối. Chàng đưa mắt nhìn các căn nhà chưa lên
đèn và cảm thấy với người sống buồn nàn, lúc nào cũng âm thầm trong sự chờ đợi
một ngày vui không bao giờ tới. Trương ngẫm nghĩ:
- Không biết cái gì bắt họ sống như thế?
Trong một nhà lò rèn tường đen ngòm, mấy người thợ xoay trần,
lưng bóng láng mồ hôi đương hì hục hết sức đập mạnh vào một miếng sắt đỏ đặt
trên đê. Trương tưởng thấy hiện ra trước mắt hình ảnh một cái địa ngục trong đó
qủy sứ đương nung sắt để kìm cặp tội nhân.
Trương ngừng lại ngầm nghĩ, chàng thấy chàng khổ cho họ chính
vì chàng đứng ở ngoài nhìn vào, có lẽ nếu là một người thợ rèn, chàng sẽ không
nhận thấy cái khổ của mình nữa.
Chàng cũng vậy, chàng đau khổ chỉ vì chàng còn cố đứng lại
ngoài cuộc đời trụy lạc ấy. Nếu ngang nhiên nhận lấy cuộc đời ấy, đi sâu hẳn vào
nơi bùn lầy, đừng tự dối mình, đừng cầy cựa nữa, có lẽ chàng sẽ sống được yên ổn
như bao nhiêu người khác còn đáng thương hơn chàng nhiều. Thà nhận hẳn lấy cái
xấu đường hoàng để mọi người biết rõ còn hơn là che đậy đi, lừa dối mình, và lừa
dối người khác, sống chênh vênh ở giữa nơi đất phẳng và vũng lầy.
Lúc nghĩ vậy, trương không ngờ rằng chàng đã đến ngày tâm hồn
cũng trụy lạc rồi. Chàng không khác nào một người ở bẩn thỉu đã quen lắm, quen
đến nỗi sự sạch sẽ đã bắt đầu làm cho chàng khó chịu như một vết nhơ.
Trương đi mãi rồi ngừng lại trước một căn nhà, cửa gỗ quét
vôi trắng đã long lở. Chàng lấy tập giấy bạc của Phương vừa đưa đút và túi quần,
cài cúc cẩn thận rồi nhấc chiếc mành rách bước vào nhà.
Hơi nóng tỏa vào người chàng như trong một cái hầm: ngọn đèn
để ở góc nhà nhỏ quá nên Trương đứng một lúc lâu mới nhìn rõ mặt những người
trong nhà.
Chàng đưa tiền rồi theo một ả đi về phía buồng bên. Mồ hôi
chàng ướt ra đầm lưng. Chàng nhìn thẳng trước mặt ngẫm nghĩ:
- Quần áo cô ả chắc bẩn lắm.
Chàng nuốt nước bọt không biết vì ghê tởm nên lợm giọng hay
vì thèm muốn cái thú nhục giục thiếu thốn đã mấy thánt nay. Chàng khẽ lấy hai
ngón tay nhấc cánh màn vừa bẩn vừa hôi chui vào giường. Có tiếng muỗi vo ve.
Trương giơ tay gạt cho mồ hôi khỏi chảy xuống mắt và thoáng
trong một lúc, chàng thấy hiện ra trong bóng cái khung cửa sổ đầy ánh sáng của
buồng Thu và chiếc màn tuyn rủ loe xuống nhưng một bông huệ lớn trắng trong.
II.
Trương đi mãi đã mỏi chân mới tới phố Thu ở. Chàng rẽ vào một
cữa hiệu cao lâu gần đấy uống nước và đợi đến mười giờ. Mồ hôi ra ướt cả người
chàng, chiếc áo sơ mi dán vào lưng làm chàng ngứa ngáy khó chịu, nhưng chàng
không dám cởi ra cho mát vì chiếc áo đã bẩn quá, lại còn rách một miếng rộng ở
bả vai.
Trương mỉm cười ngẫm nghĩ:
- Mùa hè không lợi chút nào cho tình yêu.
Chàng đến vì đã trót hẹn với Thu, nhưng đến mà không nhìn Thu
một lúc trong khung cửa sổ rồi lại về, lần nầy Trương đã nhận ra rằng cũng hơi
vô lý. Nhất là cách đây không lâu chàng đã nhìn thấy mặt Thu mà nhìn gần hơn,
rõ hơn nhiều. Trương nghĩ ra cách viết một bức thư giơ lên cho Thu trông thấy rồi
giắt ở chấn song sắt hàng rào để Thu xuống lấy. Nghĩ được cách ấy Trương hồi hộp
mở ví tìm ra một tờ giấy cũ để viết thư.
- Viết gì bây giờ?
Chàng nhớ lại cái ý định rủ Thu trốn đi, nhưng lúc đó chàng
thấy rõ ràng là Thu không có lý gì chịu đi. Lùi trước còn hơn, chàng không dám
cố nài vì sợ Thu không đi chàng sẽ bị thất vọng khổ sở. Chàng cầm bút viết:
- Anh muốn gặp em. Có việc cần.
Chàng nghĩ:
- Phải gặp mặt Thu nói rất khéo, họa chăng mới dụ dỗ được Thu
đi, mà nếu không dám ngỏ lời rủ Thu đi trốn, ta sẽ bịa ra một việc cần khác khó
gì.
Chàng viết tiếp:
- Sáng thứ hai đúng mười giờ trước cửa hàng Etrier gần Gô đa.
Ngẫm nghĩ một lúc lâu Trương viết thêm:
- T.B. nếu vì có việc ngăn trở bất thần em không đến được,
thì để đến tối thứ bảy sau đúng mười giờ anh lại đến nhà em như hôm nay.
Trương mỉm cười. Chàng viết thêm câu sau định ý là thử tình
yêu của Thu. Chàng để cho Thu được rộng rãi, không đến cửa hàng Etrier cũng được.
Nếu Thu cứ đến, chàng sẽ biết chắc chắn là Thu còn yêu chàng tha thiết được gặp
mặt và nói chuyện với chàng. Nếu Thu cũng đã thấy ngại như chàng, Thu sẽ theo
cách lười nhất nghĩa là cứ việc ở nhà đợi. Yêu mà lười tức là tình yêu đã nhạt.
Chàng ngờ Thu vì chính chàng đã đổi khác, không yêu Thu như
trước nữa. Chính chàng, thực tình chàng không thấy trước cái thú về một cuộc gặp
gỡ rất suông của hai người. Trước kia chàng chắc chắn sẽ chết nên một cử chỉ ân
cần cỏn con của Thu đối với chàng cũng quý hóa, cũng có cái huy hoàng ảo não của
một thứ gì Thu rất mỏng manh nó xúi giục chàng mở hết tâm hồn mà nhận lấy ngay
trước khi nó tan đi mất.
Đồng hồ cửa hiệu đã chỉ mười giờ kém năm. Trương đứng lên ra
trước gương vuốt lại tóc. Chàng khó chịu thấy bộ quần áo độc nhất của chàng đã
bắt đầu mất nết.
- Bẩn thỉu, rách rưới, chỉ khi nào yêu lắm, người ta mới
không để ý đến.
Giờ chàng mới nhận ra rằng chàng đã lầm khi tưởng Thu sẽ yêu
chàng nếu chàng thụt két vì Thu. Thu chỉ yêu hơn khi nào chàng liều mà không để
mất nhân phẩm, không thành ra bệ rạc.
Đến gần nhà Thu, chàng nhìn lên thấy cửa sổ buồng Thu vẫn
đóng, nhưng ở trong buồng còn ánh đèn. Chàng đứng lấp ở sau một thần cây lớn.
Đường phố lúc đó vắng tanh, phía trên có mấy căn nhà mở cửa sáng, nhưng nhà họ ở
lùi vào trong lại khuất sau những chòm cây dày lá nên Trương không sợ ai để ý đến
mình. Trong nhà Thu, trừ buồng Thu ra, còn thì tắt hết đèn. Mỹ hẳn là đi xem
chiếu bóng, bà Nghị và bà Bát chắc đi đâu vắng. Phía hàng rào bên này xa chỗ ở
của đầy tớ. Chàng sẽ đứng khuất sau bức tường và khóm cây kia và giắt bức thư
vào cái vòng sắt rồi giơ tay chào Thu đi ra đầu phố đợi Thu xuống lấy bức thư.
Trương đứng đợi như thế lâu lắm, chàng lấy làm ngạc nhiên sao
Thu không xuống nhận thư. Hay là Thu chưa nhìn thấy bức thư, tưởng là chàng vẫy
tay không.
- Hay là Thu vờ như không trông thấy. Không lẽ đến cầm bức
thư rồi về à?
Chàng đã tuyệt vọng vì khó lòng cánh cửa sổ lại mở ra lần thứ
hai nữa. Trương đứng yên, hai tay nắm chặt lại vì tức. Thế là về không và từ
nay không còn cách gì, để đưa thư cho Thu nữa.
Trương nghĩ ra một kế hay chàng cúi xuống. Tìm thấy viên gạch
nhỏ.
- Không biết mình có đủ can đảm ném không. Thu bực mình lắm đấy
nếu thực Thu vờ không nhìn thấy bức thư. Không cho cô ả vờ nữa!
Trương giơ tay quả quyết ném, viên gạch chạm đúng ngay cánh cửa,
lần này Trương mở tờ giấy ra thật to để cho Thu nhìn rõ. Trương thấy Thu gật đầu
tỏ ý hiểu. Chàng quay đi ngay nhưng được một quãng, chàng trở lại đứng nấp đợi
sau bức tường.
Có tiếng đế giày rất nhẹ trên đá sỏi. Trương lấy làm lạ rằng
trong khi chờ đợi chàng lại thấy được cái bàng hoàng êm thú như trước kia. Mấy
cành lài chen giữa chấn song sắt và mấy bông hoa trắng bắt đầu rung động, một
bàn tay thò ra định cầm lấy bức thư.
Trương tiến nhanh lên hai bước, chàng vội năm lấy bàn tay
Thu, đưa lên miệng và lật ngửa hôn vào trong lòng bàn tay. Một mùi thơm xông
lên ấm như mùi thơm của hoa ngâu đã chín vàng. Trương hôn dần lên cổ tay và kéo
Thu về phía mình nhưng chàng thấy Thu cưỡng lại. Tiếng lá xột xạt và cả khóm
lài rung động vì sức co kéo của hai người. Trương ngửng nhìn mặt Thu. Sao Thu lại
sợ hãi đến thế kia, trong lúc sợ hãi Trương thấy nàng đẹp lên khác thường, ánh
trăng, mấy bông hoa lài trắng, hai con mắt đen, hương lài lẫn hương phấn, nước
hoa. Trong rạo rực thèm muốn, ngay lúc đó, mà chỉ lúc đó thôi, chàng thấy trước
là sẽ sung sướng đến cực điểm nếu được hôn vào đôi môi của Thu.
- Em Thu..
Thu cố kéo tay ra. Nàng vừa thở vừa nói:
- Anh bỏ em ra. Người nhà mà biết thì chết. Ô hay…
Trương hiểu là không nên nài ép quá. Chàng cầm lấy lá thư đặt
vào tay Thu cố nén tức, lấy giọng ngọt ngào nói:
- Xin lỗi Thu.
Trương lùi lại sau bức tường. Nghĩ đến bức thư, Trương thất vọng
tự bảo:
- Chắc Thu không bao giờ đến.
Chàng băn khoăn mãi vì là lần đầu chàng xin mà bị cự tuyệt.
Có điều an ủi chàng đôi chút là Thu có lẽ cũng muốn để chàng hôn, nhưng vì sợ
người nhà trông thấy nên phải cự tuyệt đấy thôi:
- "Anh bỏ em ra. Người nhà biết thì chết. Ô hay…"
Trương thầm nhắc lại câu nói. Muốn tìm cớ gì thì cớ, nhưng
cái giọng đặc biệt của Thu khi nói hai chữ "ô hay" đủ tỏ cho Trương
biết rằng Thu cũng bắt đầu đổi khác. Thu và chàng hai người đều thấy mệ mỏi về
cuộc tình yêu găng lâu quá.
Khuya lắm Trương mới về tới căn nhà tồi tàn chàng thuê ở phía
sau hội chợ. Chàng mở cửa bước vào nhà không buồn thắp đèn, lần theo ánh trăng
lên giường nằm. Người ở chung nhà với chàng, "họ" vẫn thức. Hai nhà
cách nhau có một bức vách bằng nan dán giấy nhật trình. "Họ" là ai?
Trương chưa có dịp làm thân, chàng chỉ biết: lờ mờ rằng "họ" là con một
cụ thượng ở Huế, nay sa sút trụy lạc, nghiện thuốc phiện và hình như kiếm ăn được
nhờ ở cái nghiện của mình. Trương không muốn biết đến "họ" vì thấy
"họ" giống chàng quá, khiến chàng tự nhiên sinh ngượng. Không biết
tên, chàng dùng chữ "họ" để chỉ ông làng giềng yên lặng ấy.
Nằm trên chiếc giường nan đã tã, trong một gian nhà tồi tàn,
Trương thấy mình bị đời bỏ quên hẳn, chàng thấy chàng nhỏ nhen không đáng kể.
Chàng có xấu cháng nữa, có là một việc gì xấu chăng nữa, cũng không ai biết đến
và cũng không can hệ đến ai, không can hệ đến cả chàng nữa. kể làm gì một vết bẩn
bôi thêm lên một chiếc áo đã đầy dầu mỡ.
Trương thiu thiu sắp ngủ, bỗng văng vẳng ở cạnh đưa xa tiếng
hát ru con giọng Huế. Trương lắng tai nghe câu hát.
Canh khuya thắp đĩa dầu đầy, Đĩa dầu đầy không hết, nước mắt
này không khô. Trương mỉm cười ngẫm nghĩ:
- Đây chắc là "họ cái"…
Chàng nằm lẩn thẩn cố tưởng tượng ra vẻ mặt và cả dáng người
nữa dựa theo tiếng hát. Chàng đoán người đẹp, vào trạc ba mươi tuổi, dáng thanh
thoát và đôi môi hơi dày. Tại sao đôi môi lại hơi dày? Chàng chỉ thấy thế chứ
không giảng nghĩa được. Trương ngửng đầu nằm sát cạnh bức vách nan, tìm lỗ thủng
để nhìn sang xem những dự đoán của mình có đúng không. Trong thân tâm chàng có
cái ngầm ý được ngắm người đàn bà mà tự nhiên chàng đem lòng yêu vì nghe giọng
hát chàng thương vì biết tình cảnh rất đáng ái ngại.
Trương thấy người chồng ngồi ở cạnh khay đèn đương nạo sái, đầu
gật gù có dáng tư lự. Chàng nghĩ một lúc mới tìm ra người đó hao hao giống
Robert Tracy ở trên màn ảnh. Bên kia khay đèn là một người mặc âu phục sang trọng:
chắc đó là khách hàng của "họ". Còn người vợ ngồi ghé ở bên một cái
giường màn che kín phe phẩy quạt cho con.
Người vợ không xấu không đẹp, trông mặt dễ thương, nhưng sao
đêm đã khuya nàng vẫn còn phấn sáp đỏm dáng và mái tóc nàng vẫn mượt bóng.
Trương thấy có vẻ bất thường và tự nhiên thương hại đôi vợ chồng có lẽ vì nghèo
quá đã phải quên cả những liêm sỉ của một đời sống bình thường.
- Tưởng tượng sau này mình cũng như "họ" ngồi kia
và Thu sẽ là người đàn bà Huế!
Bất giác Trương nhớ lại hôm Thu đứng ở cửa sổ bắt chước giọng
huế hát câu ca dao về bến đò.
III.
Trương đứng lại nhìn cái biển đồng:
"Bác sĩ TRẦN ĐÌNH CHUYÊN
Chuyên trị bịnh đau phổi và đau tim"
Bên cạnh phòng khám bệnh là bệnh viện của Chuyên mới mở.
Trương cau mày tự nhủ:
- Trong lúc mình thế này thì nó cứ giàu ùn lên mãi.
Trương nhìn quần áo và lấy làm bằng lòng về các nếp mới ủi
xong, còn thẳng thắn.
- Chuyên khó lòng biết mình nghèo khổ, mình phải tỏ ra cho
Chuyên biết là mình còn sống mà sống sung sướng nữa. Xem anh ấy nghĩ sao?
Chàng xoa tay đi đi lại lại trong phòng khách đợi đến lượt
mình. Một lúc sau Chuyên ở trong phòng bên bước ra. Trương nhìn lại nhìn thẳng
vào mặt Chuyên và đợi xem Chuyên sẽ ngạc nhiên như thế nào. Chàng thấy Chuyên
không ngạc nhiên gì cả, giơ tay bắt tay chàng, nhe răng ân càn hỏi:
- Anh Trương lâu lắm không gặp anh. Có việc gì đấy?
Trương ngầm nghĩ:
- À! Thì ra nó không thèm nhớ đến nữa.
Chàng tức ứ lên cổ, hai tay bắt đầu run.
Chàng không giữ được nữa:
- Anh cười à? Cười gì?
Chuyên chưa nhận thấy vẻ giận dữ của Trương, giọng nói bỡn
thân mật:
- Lâu ngày không gặp anh, mừng thì cười chơi chứ cười gì?
- Anh không biết tôi ốm sắp chết đến nơi à?
Chuyên chột nhớ ra: phải, đã lâu lắm, Trương có khám bệnh,
chàng có nói lỡ câu gì? Chuyên dần dần nhớ lại rõ hết cả. Thấy Trương nói
Trương sắp chết, chàng mừng rỡ, chàng sung sướng nữa, sung sướng thấy lời dự
đoán của mình đúng với sự thực. Chuyên liếc mắt nhìn Trương, nhưng sao Trương vẫn
kỏe mạnh nhưng thường. Bán tín bán nghi, chàng bịa ra một câu nói mập mờ:
- Tôi thấy nói từ độ ấy anh chịu khó chữa lắm cơ mà?
Trương tưởng là Chuyên biết rõ các việc chàng làm nên nói mỉa
chàng:
- Vâng tôi chịu khó chữa lắm. Anh biết à? Người ta nói đến
tai anh hay là anh xem nhật trình?
- Sao lại xem nhật trình?
Trương nghĩ thầm:
- Không, Chuyên chưa biết. Càng may.
Chàng cười vui vẻ, nói tránh đi:
- Nghĩa là nếu cứ tin đúng như lời anh nói thì tất cả đã được
đọc trong nhật trình bản cáo phó về cái chết của tôi.
Chuyên co người rụt cổ cười để hở cả lợi. Trương tử hỏi tại
sao Chuyên lại có thể cười được vì một câu nói không có gì đáng buồn cười.
Trương nhìn Chuyên và lúc đó chàng thấy Chuyên có vẻ "ngốc" quá,
chàng đâm ra muốn cười và cất tiếng cười thật to theo Chuyên.
Bao nhiêu cái tức giận chứa chất trong lòng tự nhiên tiêu tan
đi hết. Chàng thấy tức Chuyên là vô lý. Chuyên không lừa chàng, chính Chuyên là
người đã bị chàng đánh lừa. Bây giờ không biết có nên cho Chuyên vào tròng một
lần nữa không?
Chuyên nói:
- Đấy tôi đã bảo anh đừng lo. Phải thế mới khỏi bệnh. Người
ta chữa bằng ý chí nhiều hơn là bằng thuốc.
- Anh nói rất phải. Tôi cứ phải tự bảo tôi: thế nào cũng khỏi,
tất phải khỏi. Mà bây giờ thì tôi đã khỏi hẳn rồi, hay nói cho đúng sắp sửa khỏi
hẳn không bao giờ đau ốm nữa.
- Anh vào đây tôi xem một lần nữa.
Chuyên nói chen vào trước khi Trương nói hết câu nên không để
ý đến nghĩa bóng câu nói của Trương.
Trương bận về ý nghĩ riêng nên đi theo Chuyên như cái máy.
Lúc vào chàng không có ý định để Chuyên khám bệnh. Đối với chàng bây giờ ốm nặng
hơn hay khỏi hẳn đằng vào cũng vậy. Chàng lãnh đạm, chán nản hết cả. Chàng
không hiểu tại sao tình yêu Thu trước kia lại làm chàng tiếc đời và đau khổ đến
như vậy. Giờ thì chàng được sống và mất hẳn tâm ái tình đó, nhưng chàng không
thấy khổ lắm vì mất hẳn tình yêu của Thu và cũng không thấy vui lắm vì còn được
sống ở đời.
Chuyên tắt đèn, cho máy điện chạy và nói lẩm bẩm mấy câu.
Trương không để ý nghe vẫn theo đuổi ý nghĩ riêng: chàng thấy sống ở đời như bị
giam vào trong một cái buồng tối và chỉ muốn thoát ra khỏi. Cái tưởng quyên
sinh đã nhiều lần hiện ra, nhưng chàng biết không có sức để đầy cánh cửa nặng nề
ấy. Thế mà chỉ có một cái tội chết là có thể giúp chàng chuộc đươc hết các tội
lỗi, làm ngắn cái khổ phải chịu một cuộc đời không còn ý nghĩa gì nữa, cái khổ
sống gượng này còn lớn gấp mấy cái khổ tiếc đời trước kia.
Tiếng Chuyên lọt vào tai chàng:
- Bây giờ anh có thể bớt lo được rồi. Nhiều hy vọng ghê lắm.
Có thể nói là khỏi.
Trương mỉm cười ngầm nghĩ:
- Giá Chuyên bảo mình mai kia ngoẻo có phải hơn không?
Tuy không tin gì lời của Chuyên, nhưng chàng vẫn không giữ được
một thoáng vui thầm hiện ra trong lòng khi nghe tiếng chuyên nói bệnh chàng đã
gần khỏi.
Chuyên nói bằng tiếng Pháp:
- Gần hết biến thành sẹo cả rồi.
Trương cười bước xuống đất:
- Thành sẹo. Thế trông có xấu đi nhiều không?
Ra đến ngoài buồng giấy, Trương sực nghĩ đến cái thất vọng
ban sáng, cái thất vọng đã làm chàng thấy nhói ở quả tim khi biết Thu không đến
hãng Etrier. Chàng hỏi:
- Thế còn quả tim?
Chuyên cho là Trương nhớ đến câu nói lầm của chàng độ trước.
- Quả tim! Phổi khỏi thì tim cũng khỏi.
- Chắc không?
- Cái gì chứ cái ấy là chắc lắm. Anh tin ở tôi.
Trương cầm mũ bắt tay từ biệt Chuyên.
Chàng thấy lạnh ở đầu và vội vàng đội mũ nhanh.
- Quái lạ, sao Chuyên không để ý đến cái đầu cạo trọc của
mình.
Cũng vừa thấy Chuyên để ý tới. Chàng nói:
- Phải đấy, mùa hè hớt thế lại mát. Theo lối Nhật Bản đấy mà.
Trương cười:
- Đấy là theo lối lýnh mới đằng hay nói cho đúng theo lối tù
nhà pha.
Trương nói đùa và cười thật vui vẻ, vờ như đã quên bằng việc
trả tiền khám bệnh… Còn Chuyên thật tình không muốn lấy tiền của Trương nhưng
chàng khó chịu rằng Trương quên không nghĩ tới.
Trương giơ tay lên xốc lại cổ áo, cố làm cho Chuyên tưởng là
định lấy ví trả tiền.
Chuyên nói:
- Thôi, chỗ anh em.
Trương mỉm cười cám ơn rồi đi ra. Khi ngang qua hiệu cao lâu
trong đó chàng đã ngồi uống và phê với Quang một lần, Trương bất giác ngừng lại
nhìn vào.
- Không biết bây giờ Quang làm gì? Đã lâu lắm không gặp.
Trương buồn rầu nhận thấy rằng chỉ trừ những ngày thơ ấu sống
êm đềm trong gia đình, còn thì suốt đời bao giờ chàng cũng có độc, lúc này
chàng mới biết rằng chàng không hề có một người bạn thân nào có thể an ủi được
chàng. Mà như vậy lỗi ở cả chàng, không ai yêu chàng lâu chỉ vì tính chàng,
chàng cũng không yêâu ai được lâu bền. Tự nhiên chàng thấy tình yêu của chàng
nhạt hẳn trước khi biết Chắc chắn là Thu không yêu chàng nữa.
- Mình ích kỷ quá sợ phải khó chịu vì người ta không yêu mình
nữa nên mình phải liệu không yêu người ta ngay từ trước.
Trương vào một hiệu cao lâu ăn cơm rồi về nhà sớm để viết nốt
bức thư định đưa cho Thu hôm thứ bảy này.
Buổi chiều nóng và oi ả. Trương kéo cái chõng ra ngồi ở sân
sau đọc lại đoạn đã bắt đầu bức thư. Xem xong chàng xé nhỏ vứt đi vì không lấy
làm vừa ý. Trương ngồi suy nghĩ định lại cách viết cho thật khéo, chàng thấy rất
khó khăn vì bây giờ chàng không chân thật nữa, nhưng phải làm cho Thu tưởng
chàng chân thật hơn trước.
Có nên viết nữa không?
Trương thấy không nên chút nào, chàng cũng thấy không muốn lắm
nữa, nhưng thôi thì chắc không thể thôi được. Yên lặng để cho Thu xa chàng, để
cho Thu khinh thường chàng, còn chàng, chàng chỉ việc nhẫn nhục và chết rấp ở một
xó nào, không thể thế được, không đời nào chàng chịu thế.
Cái ý muốn của chàng lúc đó chàng thấy nó bừng bừng ở trong
người, không có lẽ phải nào ở đời làm ác được, họa chăng chỉ có cái chết bất
thình lình đến ngăn cản được chàng.
Một tiếng chim kêu nhỏ và thanh khiến Trương ngửng đầu nhìn
lên cành soan tây. Chàng mỉm cười đưa mắt tìm. Đã năm sáu hôm nay, chiều nào
cũng vậy, có một đàn chim khuyên bay đến cây soan tây, rối rít kêu gọi nhau một
lúc rồi lại bay đi. Nó đến đúng giờ lắm nên Trương chắc vẫn chỉ là một đàn chim
và cái cây này là cái trạm kiếm ăn cuối cùng của chúng nó trước khi về tổ.
Trương tự nhiên sinh ra yêu mến trong mỏi đàn chim nhỏ chiều nào cũng đêm lại
cho chàng một lúc vui rít; chàng tiếc rằng chúng đến vội vàng quá hình như
chúng sợ trời tối. Chàng sung sướng khi nào thấy một con nấn ná ở chậm lại,
chàng cố tìm để thấy con chim ấy lẹ làng bay trên các cành lá. Nhưng có tiếng gọi
ở xa, con chim cuối cùng kêu lên mấy tiếng rồi cũng bay vụt đi mất. Đàn chim
bay để lại trong lòng chàng một sự trống rỗng mông mênh.
Trương lại cúi xuống và bắt đầu viết nắn nót hai chữ "Em
Thu" trên trang giấy. Một tràng tiếng ve kêu khàn khàn khiến Trương ngửng
đầu nhìn. Có một con chim đen tựa như con chèo bẻo bay đi bay lại rồi đậu yên ở
cuối cành cây. Miệng con chim nó ngậm một vật gì, Trương chưa nhìn rõ. Bỗng có
một tiếng ve kêu rít lên, tiếng kêu to và gắt, nữa chừng bị ngắt cụt: Trương hiểu
là con ve sầu đã bị con chim nuốt chửng. Chàng nhớ đến một bài đăng trong tạo
chí khoa học nói về cái chết của con ve, tiếng kêu lên về buổi chiều mùa thu
trong mỏ một con chim thường là tiếng kêu cuối cùng, tiếng kêu thương để kết liễu
đời những con ve chỉ biết ca hát ròng rã suốt mấy tháng hè.
Trời tối dần: Trương ngừng bút vì không nhận rõ chữ mình viết
trên trang giấy. Chàng ngửng nhìn con đường đất dẫn lối vào trong làng khe rào
gỗ đã đổ nghiêng. Mấy người đi ngang, quần áo họ Trương thấy trắng hẳn lên
trong bóng chiều mờ ờ. Tiến họ nói nghe xa như ở một thế giới khác đưa lại. Tự
nhiên thấy lòng mình êm ả lạ lùng: vô cớ chàng nghiêng đầu lắng tai nghe và lẩn
với tiếng những người qua đường, chàng thấy tiếng Nhan thỏ thẻ bên tai:
- Em vẫn đợi anh trong ba năm nay…
Cùng một lúc hiện ra hai con mắt đẹp hẳn lên vì sung sướng
nhìn chàng sau bức giậu xương rồng, một buổi sáng mùa thu ở quê nhà.
Trương ngồi yên như thế lâu lắm, hai ngón tay chàng cầm lỏng
lẻo tờ giấy trắng trên mới có viết có hai chữ "Em Thu".
IV.
Em Thu, "Giờ mới đến lúc anh nói rõ hết mọi sự thực với
em. Anh chỉ viết cho em tất cả có hai bức thư. Một bức thư đầu tiên ở ấp và bức
thư cuối cùng trước khi không bao giờ còn được trông thấy em nữa.
"Người sắp đi xa chỉ xin em trước khi đọc bức thư này
saÜn lòng tha thứ cho một người đau kho, mặc dầu người ta đau khổ, vì chính những
việc tự mình gây ra đau khổ quá rồi thì người ta có nhiều hi vọng được người
khác thương tha thứ cho hết các tội lỗi.
"Chắc trong hơn một năm nay em cũng không biết phong
phanh rằng anh mắc bệnh ho, nhưng có một điều em không biết và không ai biết cả
trừ thầy thuốc và anh…"
Viết đến đây, Trương thoáng nghĩ đến Mùi và bức thư giao cho
Mùi. Chàng cố nhớ lại để viết theo đúng bức thư trước.
"Bệnh ho của anh nặng hay nhẹ, cái đó không quan hệ gì,
chỉ có một điều quan hệ nhất là anh chắc chắn rằng anh sẽ chết".
Trương gạch mạnh mấy cái dưới hai chữ "Chắc chắn" để
Thu chú ý.
"Anh chắc chắn sẽ chết ngay trong lúc anh được biết chắc
chắn rằng em yêu anh. Còn gì khổ cho anh hơn. Anh nghĩ không gì hơn là xa em
ra. Độ ấy anh đã xa được em. Nhưng anh đã chịu bao nhiêu đau khổ để có thể xa
được em và cũng từ lúc xa em là lúc anh bắt đầu "chết".
"Vì không cần gì nữa, anh đã tự phá hủy đời anh. Anh bỏ
học và có bao nhiêu tiền anh đem phung phí hết trong các cuộc vui. Anh có thích
gì đâu! Nhưng không lẽ cứ chịu ngồi đấy đợi cái chết đến. Ngồi yên cũng không
thể được. Anh chỉ có một thân một mình, anh không biết lấy ai để an ủi. Có em,
có mình em thôi, nhưng phải xa em ra, cố làm cho em ghét anh.
"Bây giờ anh mới thấy chơi bời liều lĩnh như vậy là vô
lý, là dại dột vô vùng. Nhưng hồi đó, biết mình chắc chết nên công việc ấy tự
nhiên lắm. Phải thế, không thể khác được. Chơi bời đủ mọi cách nhưng anh chỉ thấy
chán nản, thấy đau khổ. Đến nỗi về sau anh lại mong cái chết đến, đến thật mau
để anh khỏi chịu khổ như thế mãi. Giá mà không có em? Không có em, anh sẽ không
còn tiếc gì đời nữa, coi cái chết nhẹ như không. Nhưng tại sao vậy, bây giờ anh
chưa đoán ra, tại sao em lại đến với anh hôm đó. Em yêu anh nhưng em lại cũng
thương nữa, cũng có lúc anh lại thấy hy vọng trở lại vì em, nhớ em. Nhưng dầu
em muốn thế nao đi nư84a cũng không thể cưỡng lại số trời, chữa khỏi được một
người thế nào cũng chết.
"Em Thu ơi! Tội của anh bắt đầu từ đây và xin em tha lỗi
cho anh. Anh lừa dối em, anh đã lừa dối em một cách khốn nạn. Anh tự xét không
còn xứng đáng với tình yêu của em nữa, nhưng anh yêu em quá yêu quá lắm nên anh
không dám nói ngay sự thực cho em biết. Anh giấu em và dùng em phải, anh đã
dùng em để khuây khỏa những ngày còn sống thừaanh khốn nạn đến nỗi cứ nuôi lấy
tình yêu của em để được chút sung sướng vớt vát lại đôi chút ở đời cũng như trước
kia anh dùng những gái nhảy, ả đào, gái giang hổ để mau vui trước khi từ giã
cõi đời. Xin lỗi em, xin lỗi em Thu, người mà anh đã yêu nhất trên đời, mà anh
biết chắc sẽ yêu mãi mãi đến muôn vàn năm".
Viết đến đây, Trương nhếc mép mỉm cười, chàng chép miệng
"hà" một tiếng rồi viết:
- "Thu tha lỗi cho anh, anh đã khổ quá rồi. Yêu em đến
như thế mà không thể sống ở đời để thờ phụng được em. Em ơi, em có biết không,
viết đến đây anh thấy nước mắt cứ tràn ra, anh khóc cho tình yêu của anh với
em, đáng lẽ…"
Thực tình Trương cũng thấy thổn thức khi viết mấy dòng chữ ấy,
nhưng không đến nỗi nước mắt cứ tràn ra như chàng viết trong thư. Trương nhớ đến
chuyện Madame Bovary và anh chàng nhân tình của bà Bovary lấy nước rỏ vào bức
thư giả vờ như mình đã khóc. Chàng nhớ lại khi đọc đến đoạn ấy hồi đó Trương
còn đi học chàng rất đỗi ghê sợ cho lòng quỷ quyệt của đời người và thấy rùng rợn
ngượng giùm cho sự giả dối của anh chàng. Trương nghĩ nếu rỏ nước ngay vào câu
này một cách rõ ràng quá Thu tinh ý tất cả sẽ cho chàng đã định tâm, đây không
phải nước mắt mà chỉ là nước lã hay nước bọt. Thu sẽ sinh nghi và việc của
chàng sẽ hỏng mất. Lát nữa ở một câu khác chàng sẽ rỏ mấy giọt nước, như thế tự
nhiên hơn. Trương viết tiếp:
"Nhắc lại làm gì nữa thêm đau lòng. Nhắc lại làm gì nữa
những cái sướng của anh khi được gần em, cả hôm ở thầy chùa nữa, em còn nhờ
không, em Thu. Nhưng rồi anh phải xa em, phải xuống Hải Phòng tìm việc lắm. Anh
nghĩ không sống được bao lâu nên việc làm đối với anh nặng nhọc quá. Lúc nào
anh chỉ muốn được gần em, được chết bên em. Thế là xảy ra việc đáng tiếc ấy.
Đáng tiếc đến bây giờ chứ độ ấy anh cần gì. Được, anh sẽ trả tiền cho họ, lên
Hà Nội với em. Thua, anh sẽ chịu ngồi tù và đợi cái chết đến. Nếu em ghét anh
ư? Càng hay, vì anh chỉ mong thế để em khỏi đau khổ khi biết tin anh chết.
Nhưng anh biết rằng em vẫn yêu anh. Thế mà bây giờ… anh vẫn hãy còn sống, có lẽ
sống lâu như mọi người khác. Thầy thuốc đã bảo anh biết rằng bệnh anh tự nhiên
khỏi hẳn. Chính thầy thuốc cũng không ngờ, không hiểu tại sao lại có sự lạ lùmg
ấy. Vì anh khỏi hẳn nên mới có bức thư này gửi cho em…"
Trươngngừng lại, chàng nghĩ thầm rằng Thu đọc đến đây chắc hỏang
hốt tưởng mình sẽ lấy Thu làm vợ. Không thể thế được, cái đó đã cố nhiên rồi
như trong thân tâm chàng cũng không thấy thích lắm. Suốt đời ở bên Thu, lúc nào
cũng gắn sức để có xứng đáng với tình yêu của Thu, gắng sức yêu, cố mà yêu, để
cho khỏi thẹn với tầm ái tình cao quý, vẫn đinh ninh từ trước đến giờ. Trương
thấy trước rằng một đời sống như thế sẽ khó khăn quá, chật vật quá.
Trương đọc lại bức thư từ đầu, chàng ngạc nhiên thấy bức thư
đúng như hệt sự thực tuy không một lúc nào chàng thấy mình thành thực cả.
Bên cạnh có tiếng hát ru con từng đoạn đứt khúc, rời rạc.
Trương vừa lắng tai nghe vừa viết:
"Bây giờ anh khỏi hẳn rồi, nhưng anh tự xét không còn xứng
đáng với em nữa. Em đừng cãi. Anh thấy thế lắm, đó là một điều nhất định rồi.
Em ở trên cao, như một nàng tiên trong sạch đứng trong vầng ánh sáng không vẫn
chút bụi. Còn anh? Nói làm gì nứa Anh đã sa ngã xuống vũng bùn lầy đen tối,
nhem nhuốc, anh khỏi rồi, kkhông sợ chết nữa, nhưng bây giò chỉ có cách chết,
có một cách hủy thân đi mới thực sự là biết yêu em, biết tự trọng, biết quý em.
Đã có lúc, có nhiều lần anh nghĩ đến kế ấy nhưng anh thấy rõ hèn nhát
quá."
Trương lại mỉm cười khi hạ bút viết hai chữ "hèn
nhát" vì chính chàng hèn nhát nên mới kinh sợ không dám thi hành kế đó.
Trương không hiểu anh chàng nào đã cho tự tử là hèn nhát: anh chàng ấy không hiểu
một tý gì về tâm lý.
- Thử cho anh ấy một trường hợp cần đến tự tử anh ấy biết
thân.
Trương để ý nghĩ loanh quanh:
- Các nhà luân lý học ở nhà trường dạy người ta: tự tử là hèn
nhát, để mong người ta đừng tự tử, thực là những anh chàng ngốc. Cứ bảo người
ta tự tử là anh hùng cũng chẳng ai muốn anh hùng làm gì, mà cũng chẳng một người
nào tự tử chỉ vì sợ mình là hèn nhát cả.
Trương viết tiếp:
"Em Thu, chỉ là một cách là đi xa. Anh sẽ đi thật xa
không cho em biết ở đâu, và thề không bao giờ trông thấy mặt em nữa. Xin em
quên anh đi: thật yêu thương anh thì chỉ còn một cách ấylà hơn cả.
Cái vui ở đời anh có lẽ không bao lâu nữa, ở chốn xa xôi, anh
được tin em lập gia đình."
Nghĩ đến việc dự định, Trương rùng rình trừng trừng nhìn ngọn
đèn hoa kỳ. Chàng thấy trước mắt lóe ra từng vòng tròn ánh sáng xanh đỏ.
"Anh được biết em sung sướng. Anh không ao ước gì hơn nữa.
Không được hạnh phúc lấy em làm vợ thì anh xin em cái quyền yêu em như thế vậy.
Xin em đừng buồn phiền vì sự thực thế nào em đã biết. Em nên biết nhìn rõ sự thực,
em đừng liều. Không phải là không yêu nhau đâu… chính thế mới là yêu, thực là
biết yêu nhau. Em nghe anh đấy. Anh yêu em đến như thế nào em đã biết rồi, anh
dựa vào để tự cho mình có quyền đối với em, bắt em phải nghe theo.
"Anh sửa soạn cả rồi. Độ ít bữa nữa, anh sẽ đi. Trước
khi đi, anh chỉ xin em ban cho anh một điều, như ban cho một người hấp hối chết.
Trước khi không bao giờ còn được mặt nhau nữa, anh muốn gặp em lần cuối cùng,
được trông thấy em, được nói chuyện với em. Hoặc…"
Trương ngừng lại ngầm nghĩ:
- Chỗ này phải khéo lắm mới được.
"…Về chơi chùa Láng hoặc nếu sợ gặp người quen thì ta đi
đến cảnh nào xa hơn, hoặc vào một hiệu cà phê nào nói chuyện, tùy liệu sau,
nhưng gặp nhau ở một cảnh đẹp, ngoài ánh sáng mặt trời có lẽ thích hơn".
Trương định tâm nếu Thu nhận lời chàng sẽ dùng tiền còn lại,
thuê ô tô đưa Thu về mạn Đông Triều. Tại sao mạn Đông Triều, chàng cũng không
rõ. Chàng nhớ lại đã lâu lắm chàng có đi qua đấy một lần và từ đó không bao giờ
trở lại nữa. Miền ấy đối với chàng có vẻ một miền xa xôi để chàng quên hết những
chuyện cũ, quên hết trong tay Thu trước khi từ giã cõi đời. Đi qua bến đò Đông
Triều, nước trong và phẳng, nhìn về phía xa có một dãy đồi chạy dài theo ven
sông. Trên đồi có một rừng thông rất rộng mà có lẽ khách du lịch Hà Nội ít người
đã đặt chân tới.
Trong bức thư Trương có ý một cách rất mập mờ về chỗ đi chơi
để Thu không nghi ngờ là chàng định tâm sửa soạn từ trước. Chắc chắn là thế nào
Thu cũng nhận lời, dẫu Thu không còn yêu chàng nữa.
- Còn gì hơn? Chỉ một lần này thôi là thoát khỏi hẳn cái anh
chàng kỳ quặc và bận bịu ấy. Ta liệu tỏ rất khéo cho Thu biết rằng nếu Thu từ
chối, Thu sẽ bị ta quấy rầy một cách khó chịu vô cùng. Thu cũng không sợ ta xúc
phạm đến vì một là từ trước đến nay ta vẫn rất kính trọng Thu, hai là đi chơi ở
một nơi như chùa Láng chẳng hạn, thì còn có gì sợ hãi, cho dầu Thu vẫn nghi là
ta có tà tâm.
Chàng viết tiếp:
"Hôm sau anh sẽ đợi em trả lời. Không khó gì cả. Tối mai
đúng chín giờ anh sẽ đến nhì cửa buồng em. Nếu đóng cả hai cánh là em từ chối.
Nếu em nhận lời thì em đóng một bên cánh cửa và mở một bên. Em nhớ thắp đèn
sáng trong buồng. Ngày thường em bớt tóc thì hôm đó em vấn tóc trần và nhớ đeo
kính đen để người ta khỏi nhận ra em. Đúng tám giờ sáng thứ tư em đến phố này vắng
lắm. Anh sẽ đợi em ở đấy, muốn cho kín đáo, có ô tôi đưa chúng ta đi
chơi".
Trương loay hoay rẽ sang bên cạnh lối đi đến phố chàng ở, vì
chàng cũng nhân tiện muốn cho Thu biết chỗ chàng để phòng xa.
"Em biết cho rằng anh phấp phỏng đợi em trả lờ lắm đấy.
Chẳng lẽ em nỡ từ chối một việc cỏn con ấy, từ chối anh, người đã yêu em hơn hết
cả mọi sự trên đời, giờ phải tự ý xa em và chỉ dám xin em một cái ơn huệ cuối
cùng này thôi. Nếu em từ chối thì khó lòng anh đi được nữa. Mong em đến, em
Thu, em đến để giúp anh có can đảm xa em, cái kỷ niệm cuối cùng ấy sẽ an ủi anh
mãi mãi và sẽ như tia nắng ấm áp chiếu vào cuộc đời lạnh lẽo của anh sau này.
"Không phải lỗi ở em, vì em, vì có em sống trên đời, sự
tình cờ rủi cho anh gặp em nên anh mới đau khổ đến thế, đau khổ mà sung sướng.
Dẫu sao, anh cũng cám ơn em, cám ơn em đã cho anh biết thế nào là tình yêu như
người tin đạo cám ơn Chúa đã bắt mình chịu đau khổ.
"Xa em, anh vẫn thờ phụng em ở trong lòng.
"Người đã đuợc cái diễm phúc em thương đến."
Trương ký tên rồi nhúng tay vào chén nước trên bàn rỏ mấy nhọt
vào quãng giữa bức thư. Chàng lấy tay áo thấm qua cho nước làm hoen nhòe mấy chữ.
Trương không buồn đọc lại bức thư, tắt đèn nằm yên đợi giấc
ngủ đến. Nhà bên cạnh hôm nay cũng tắt đèn sớm, chắc là không có khách. Một lúc
sau lại có tếng hát rời rạc và buồn thiu:
- Sân lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Buồn trong cửa bể chiều hôm…
Tiếng người chồng gắt:
- Hát buồn bỏ mẹ. Thôi im đi cho người ta ngủ.
Trương mỉm cười: tấn kịch nhỏ ấy đủ diễn hết cả nỗi buồn của
đôi vợ chồng sa sút một đêm vắng khách, cũng đương nằm ngủ không được vì nhớ
quê hương.
Trương nhớ lại ban chiều đi qua nhà chớp bóng thấy có tên
Spencer Tracy, một nọ chàng lầm vì đã cho "họ" giống Robert Tracy. Chẳng
nghĩ loanh quanh để khỏi bận tâm đến bức thư nữa và sau cùng ngủ đi lúc nào
không biết.
Tối thứ bảy khi giắt bức thư vào hàng rào xong, Trương đi xa
xa đứng đợi. Thấy thấp thoáng bóng Thu xuống vườn lấy thư chàng đi ngay, chàng
không muốn rán lại để gặp Thu vì không muốn làm Thu lo sợ vô ích. Lỡ Thu vì thế
mà từ chối không nhận lời ngày mai. Trương cũng hơi cảm động thấy Thu ngoan
ngoãn xuống vườn nhận thư; chàng mỉm cười:
- Không nhận cũng không xong. Bức thư cứ để đấy ai biết được
sẽ rầy rà cho Thu, vả lại Thu lại xuống vì sợ mình ném gạch vào cửa sổ như thứ
bảy trước càng rầy rà hơn.
Tối hôm sau đứng chín giờ Trương trở lại.
Chàng đứng ở xa nhìn qua lá cây thấy cửa buồng Thu một bên
khép cánh một bên mở.
- Thu nhận lời.
Chàng khoan khoái thấy việc đã thành công nhưng sao chàng lại
lo sợ đến thế. Quả tim chàng đập mạnh một cách dữ dội. Chàng bước đi lảo đảo
như một người sắp sửa lên máy chém.
- Có gì mà mình nhát gan thế này?
Trương nắm hai tay lại thật nhanh cố lấy dáng mạnh bạo. Như
cái máy, chàng thuê xe lên ngồi bảo kéo về phố Hàng Đào. Hàng phố đã vắng người
khiến Trương thấy việc mua dao của mình hơi khác thường một chút. Sau cùng
chàng ngừng lại trước cửa hiệu nhỏ trong chỉ có một người đàn bà khách già ngồi
bán hàng. Trương bước vào ngắm nghía những con dao díp đặt ở góc tủ:
- Thím cho tôi mua con dao này. Phải. Con dao lớn nhất ấy.
Bao nhiêu?
Chàng mở dao ra sờ nhẹ vào lưỡi dao ướm thử xem sắt nhục thế
nào, nắm chắc cán dao trong lòng bàn tay:
- Vừa vặn.
Chàng thoáng nghĩ đến "lúc đó" và cúi mặt, nhắm mắt
lại, chàng gập con dao bỏ vào túi rồi lấy ví trả tiền không muốn mặc cả lôi
thôi. Ra đến ngoài, Trương nhẹ nhõm như làm xong một việc khó nhọc lắm.
Giờ thì chàng chỉ còn một việc đợi, chàng thấy trước là mấy
ngày đợi sẽ dài ghê gớm. Chiều thứ ba Trương lên vườn Bách thú chơi. Tự nhiên
chàng thấy nẩy ra cái ý thích đi thăm lại lần cuối cùng những con vật nó đã
giúp vui cho chàng hồi chàng mới lên học Hà Nội. Chàng lựa đường để đi cho khắp.
Ở chuồng hươu vẫn còn hai con sếu và đàn hươu non lông vàng nhạt ở trên đầu mới
nhu nhú hai cái nhung bóng loáng và mọng lên như một mầm cây chứa đầy nhựa. Một
cặp nhân tình đứng gần đấy, cả hai người đều có vẻ ngượng ngùng, vừa nhìn đàn
hươu vừa nói chuyện. Trương mỉm cười:
- Họ có vẻ để ý đến hươu hơn là để ý với nhau, hình như họ
"có vẻ" thế.
Trương nghiệm rằng các cặp nhân tình hay chọn chuồng hươu để
tình tự; có lẽ tại ở đây rộng chỗ, họ nói chuyện tự do mà vẫn có vẻ như những
người đi xem hươu.
Đến chuồng hổ, Trương thất vọng khôngh thấy con hổ lớn của
chàng độ trước nữa, chuồng báo cũng bỏ không.
Chắc chúng nó đã chết rồi.
Thấy người gác, chàng hỏi thăm về chúng nó và chăm chú nghe
hơi chạnh buồn như khi nhge tin một người lạ nói chuyện về một người bạn cũ mất
lúc nào không hay.
Trương đi vòng một lượt không bỏ sót một con nào và đã bắt đầu
mỏi chân. Khi đã tới đường nhựa, Trương thấy một đám ma ở phía trên đi tới.
Chàng ngừng lại, đứng đợi, thấy hay hay vì chàng nghĩ đến lúc được nhìn những
thiếu nữ mặc tang phục trắng đi sau lýnh cữa. Trương nhớ lại hom gặp Thu lần đầu
và hai con mắt của Thu to và đen sáng lóng lánh ẩn trong khung vải trắng. Trong
đám người mặc tang phục, Trương thoáng nhận thấy có người quen nhưng không nhớ
là ai. Bỗng Trương chớp mắt cố nhìn vào trong bọn người đi đưa; Trương tưởng
mình nằm mơ và thoáng trong một lúc chỉ mấy giây đồng hồ chàng thấy có cảm tưởng
mình đã chết rồi; chàng chết nằm trong quan và sau áo quan các bạn cũ của mình
đương đi kia: Điệp, Linh, Mỹ, Hợp, Cổn, lại cả Minh nữa, Vĩnh, Trực và tất cả
các bạn học cũ ở trường luật.
Chàng thấy Cổn lấy ngón tay trỏ làm hiệu gọi, liền đi lách
qua mấy người lạ, đến sát bên cạnh Cổn.
- Tay này láu đấy. Chúng tôi đi từ trong nhà ra lội quá.
Trương mỉm cười gật làm như Cổn đã đoán ý định của mình.
- Ngõ ấy bao giờ cũng lội.
Chàng tự hỏi:
- Không biết đám ma ai? Anh nào quen mình mà ở phía này?
Chàng bối rối vô cùng và bất giác đưa mắt nhìn chiếc áo quan
làm như có thể nhìn áo quan mà biết được ai nằm trong đó. Chàng hỏi Cổn:
- Thật ra nó chết bệnh gì?
Hỏi xong chàng lấy tay bịt miệng lo sợ. Gọi là "nó"
ngộ lỡ ông cụ nào hay bà cụ nào mất thì khốn. Cổn thản nhiên đáp:
- - Ho lao. Mày không biết gì à?
- Biết lắm chứ, nhưng nó còn chán thứ bệnh khác.
Lần này Trương quả quyết dùng chữ nó. Cổn nói:
- Ô, thôi. Nó thì trăm thứ bệnh.
Trương mỉm cười tự cho mình ở địa vị một nhà trinh thám đứng
trước một sự bí mật cần phải khám phá.
- Mình phải dựa vào một vài điều đã biết: có thể nói là nó được
vì chắc chắn là một người bạn của mình, một người chết vì ho lao, lại có đủ
trăm thứ bệnh… Thế là mình rồi còn gì? Hay là đám ma mình thật, chính mình nằm
trong áo quan.
Trương chỉ muốn cất tiếng cười thật to; chàng đưa mắt nhìn
quanh tìm Quang.
- Quang đâu?
Cổn ngơ ngác nhìn Trương. Trương hiểu và bật miệng nói:
- Quang à?
- Thế là từ lúc nãy mày không biết ai à? Thế tại sao…
Trương vội vàng nói chữa:
- Đùa chơi đấy vì tao vẫn không tin được là nó chết. Đáng lẽ
tao chết mới phải.
Trương nóng bừng hai tai, chàng thấy ngượng với Cổn: Không
cái gì bắt buộc cả sao chàng dối trá như thế. Bây giờ dầu nói chữa thế nào thì
nói, dẫu cho Cổn có tin là chàng nói đùa đi nữa, Trương vẫn không mất được cái
hổ thẹn mình nhận thấy rõ mình là một người xấu, đã quên với sự dối trá, gian
giảo. Trương nghĩ đến bức thư xảo quyệt, nghĩ đến việc dự định lừa Thu sắp thi
hành lừa một cách vô cùng bất nhân; đã đành chàng tự tử nhưng đó không phải là
một cớ để cho cái tội kia nhẹ đi.
Trương tự hỏi:
- Có nên nữa không?
Chàng vừa bước đều đều theo mọi người vừa suy nghĩ, cố tưởng
tượng ra trước cuộc đi chơi với Thu hôm thứ tư. Trương không thấy hứng thú gì lắm.
Chàng cho xong ngay đi để khỏi băn khoăn mãi; Trương nghĩ lại mới thấy tình chàng
yêu Thu không có một lý lẽ sâu xa, một căn bản gì Chắc chắn cả. Chỉ là một ảo
tưởng gây ra bởi một vài sự rủi ro; lần đầu trông thấy Thu là hôm Thu có một vẻ
đẹp não nùng trong bộ quần áo tang, giữa lúc chàng đang mắc bệnh lao có nguy cơ
đến tính mạng; Thu lại có một vẻ đẹp giống Liên, người mà trước kia chàng đã
yêu. Giá nếu gặp Thu trong một lúc khác, và nếu có thể yêu Thu một cách bình
thường như yêu những người khác, không kính trọng Thu quá như thế, có lẽ chàng
sẽ không phải chịu bao nhiêu đau khổ bấy lâu.
Nghĩ đến mấy lần gặp Thu, đến bức thư rủ Thu đi chơi núi.
Trương nhận thấy hiện nay tình yêu đã hết và bao nhiêu hành vi của mình chỉ bị
xui giục bởi vì ý muốn rất tầm thường: mong được thỏa nguyện về vật dục để thôi
không nghĩ đến Thu nữa, có thể thoát được một cái nợ chỉ làm chàng bứt rứt.
Đám tang đã tới huyệt, Trương cố ý lánh xa chỗ Hợp và Mỹ.
Trong lúc rộn rịp tiếng phu kêu hò hạ áo quan xuống huyệt lẫn với tiếng người
than khóc, Trương đứng chăm chú nhìn Mỹ cũng có một vẽ kiêu hãnh như nét mặt
Thu. Trương tự kiêu rằng từ độ ấy đến nay chàng đã làm cho cô thiếu nữ kiêu
hãnh phải để ý đến chàng và yêu chàng đến nỗi nhận lời đi với chàng, mặc dầu
chàng là một người vừa mới ở tù ra. Nhưng chàng vẫn thấy không có gì vui thú lắm
như chàng vẫn thường tưởng tượng bấy lâu. Nếu Thu từ chối, có lẽ chàng sẽ tức lắm
và tức ấy có thể xui chàng giết Thu và tự giết mình dễ như không, mặc dầu chàng
không yêu Thu nữa. Nhưng thu lại nhận lời. Nghĩ đến việc đánh lừa Thu rồi tự tử,
Trương chợt lặnh người đi một lúc: sao chàng lại cứ tự dối mình làm gì mãi thế?
Luôn luôn nghĩ đến việc tự tử nhưng trong thân tâm Trương biết thừa rằng chàng
sẽ không tự tử.
Ngay từ lúc đi mua con dao, chàng đã biết là không dùng đến
con dao rồi, đó chỉ là một cớ để che đậy một việc chàng biết là khốn nạn, chàng
không thích làm nữa nhưng vẫn cứ làm cho xong đi cho khỏi bị ám ảnh khó chịu.
Lúc trở về, trời đã sẩm tối. Hai bên đường đã lác đác có một
vài nhà lên đèn. Những người thợ ở Hà Nội đi ngược lai phía chàng, yên lặng
trong bóng tối buổi chiều, người nào cũng mệt mỏi và trên nét mặt họ, Trương nhận
rõ tất cả cái chán nản của một đời làm lụng vất vả, không có vui thú gì. Trương
nghĩ đến những cái vui của đời chàng và thấy cũng có nghĩa lý gì cả; còn gì đâu
đến giờ, cái sung sướng bàng hoàng được cầm lấy tay Thu, lần đầu tiên được hôn
Thu hôm đi chơi chùa thầy. Giờ chỉ còn cái hương vị gay gắt của một tình yêu
ngang trái, một tình yêu gần giống như một mối thù. Trương nhìn ra xa, ở tận
chân trời, chen giữa hai lũy tre làng rộ ra một mẩu đê cao với một chòm cây đứng
trơ vơ, cô đơn. Trương dùi lòng lại, tha thiết cần có một thứ gì để an ủi mình,
một thứ gì để an ủi mình, một thứ gì rất êm dịu… Cái chết! Trương lim dim hai mắt
nhìn quãng đê vắng tanh tưởng như con đường đưa người ta đến một sự xa xôi và
yên tĩnh lắm. Ngay lúc đó Trương thấy không cần phải có can đảm mới tự tử được;
chàng không sợ cái chết nữa, chàng mong nó đến. Trương đoán rằng những người tự
tử chắc lúc sắp chết đã có cái tâm hồn chàng khi đó.
Trương bước vào một cửa hàng xén gần đấy:
- Bà cụ bán cho tôi một bao thuốc giấy xanh và một bao diêm.
Chàng lắng tai nghe tiếng mình nói và lấy làm lạ rằng một câu
nói tầm thường ấy cũng khiến chàng chú ý như một câu nói rất quan trọng trong đời.
Cả đến những cử chỉ rất nhỏ nhặt lúc đó như cho tay vào túi lấy tiền, lỡ lấy
bao thuốc của bà cụ bàn hàng chàng cũng thấy có vẻ đặc biệt như đánh dấu một thời
khắc đáng ghi nhớ. Chàng mỉm cười ngẫm nghĩ:
- Phải rồi. Tại lúc nãy mình Chắc chắn rằng mình sẽ tự tử chết.
Trương trù trừ đứng lại, chú ý nhìn gian hàng nhỏ với cái thứ
lặt vặt bày hỗn độn chung quanh bà cụ, dưới ánh ngọn đèn treo. Chàng có cái cảm
tưởng rằng khi chết đi ở thế giới bên kia, thứ mà chàng còn nhớ lại rõ nhất là
mấy quả trứng gà vỏ hung hung đỏ và bóng loáng đặt nằm có vẻ rất êm ái trong một
cái quả đầy trấu: cạnh quả để trứng, mấy bó rễ hương bài thốt gợi chàng nghĩ đến
bà ký Tân, một người cô của chàng chết đã lâu rồi; chàng nhớ đến rõ ràng một buổi
chiều hè, bà ký ngồi gội đầu ở sân, bên cạnh có đặt một nồi nước đầy rễ hương
bài. Cái cảnh cỏn con ấy, xảy ra đã gần hai mươi năm trước, chàng không hè chú
ý tới, không hề nhớ đến một lần nào cả, không hiểu tại sao lúc này lại hiện ra
đột ngột và rõ ràng như thấy trước mắt.
Trương đánh diêm thuốc lá; qua làn khói thuốc chàng để mắt đến
một cái lịch có chua ngày ta treo ở góc nhà. Chàng ngờ ngợ nhớ ra điều gì, hỏi
bà cụ bán hàng:
- Hôm nay mồng mấy cụ nhỉ?
- Hôm nay mồng sáu.
- Thế thì ngày kia mồng tám cụ nhỉ?
Bà cụ cười:
- Hôm nay mồng sáu, ngày kia không mồng tám thì mồng mấy.
Trương cũng cười theo. Chàng đột nhiên thấy sung sướng niềm nở
chào bà cụ hàng rồi quay ra.
- Giản dị như không! Thế mà cứ loay hoay mãi.
Nhìn lịch chàng nhớ ngày mồng tám là ngày giỗ mẹ chàng. Cái ý
tưởng về quê để giỗ mẹ và về quê để được gặp Nhan một cách rất tự nhiên, cũng
hiện đến trí chàng trong một lúc. Yù tưởng đó không có gì mới lạ cả, sao lại
khiến chàng lại sung sướng đến thế. Chàng như thấy một cơn gió nhẹ nhàng thổi
ùa vào trong tâm hồn. Chàng ngẩng nhìn về phía con đường đê lúc nãy nhưng trời
đã tối không nom rồi. Chàng cần một thứ rất êm dịu để an ủi lòng mình, thứ đó tấm
tình yêu của Nhan, người vẫn dịu dàng yêu chàng và đợi chàng ở thôn quê xa xôi
và yên tĩnh. Chốn đó, nơi mà chàng tưởng sẽ quên được hết, mà chàng vừa khao
khát khi nhìn con đê lúc nãy, chốn đó không phải là cõi chết ở thế giới bên
kia, mà chính là nơi Nhan đang đợi chàng. Sau cuộc tình duyên oái oăm giữa
chàng với Thu, tấm ái tình bình tĩnh và đơn giản của Nhan an ủi chàng như một lời
nói dịu ngọt; chàng không phài băn khoăn nghĩ ngợi xem có nên đi chơi núi với
Thu nữa không; chàng không phải khó nhọc mới rứt bỏ một ý tưởng đánh lừa Thu để
báo thù, để thỏa được cái thú làm cho mình xấu xa hèn mạt hơn lên.Sự tình cờ đã
khiến ngày giỗ lại trúng vào ngày rủ Thu đi chơi; nhờ có ngày giỗ chàng có thể
về thăm Nhan rất tự nhiên, chàng lại có thể về nhà Nhan lấy cớ không dám về nhà
ông chú sau việc thụt két ở Hải Phòng.
Trương rẽ vào một hiệu cao lâu gần đấy, ăn qua loa cho đỡ đói
rồi rút bút chì viết mấy dòng cho Thu:
Em Thu,
Cảm ơn em đã đến. Biết em đến thế là đủ cho anh sung sướng rồi.
Xin em quên anh đi, anh, một người không xứng đáng được em yêu, từ nay anh
không bao giờ anh dám làm bận đến em nữa. Lúc em nhận được thư này thì anh đã
đi xa rồi.
Trương.
Trương gấp thư lại, hai con mắt mơ màng, có dáng nghĩ ngợi.
Chàng nhếch mép mỉm cười; chỉ cho chàng mới chỉ ở trong ý nghĩ thôi8, trong bao
lâu thực ra đối với Thu chàng chưa hề tỏ một hành vi nào đốn mạt cả. Cứ xét bề
ngoài có phần Thu lại cho chàng là một người quân tử, cao thương nữa.
Trương trả tiền ăn rồi rảo bước, mong chóng tới nhà để sửa soạn.
Mai ta đi sớm. Ta cho thằng nhỏ bên cạnh mấy hào để nó đợi
đưa giấy cho Thu.
Chàng cố tưởng tượng ra lúc Thu nhận thư ở tay thằng nhỏ:
- Chắc Thu sung sướng được thoát nợ… Hay là mình ở rán lại nấp
trong nhà để nhìn trộm mặt Thu lúc đó xem sao.
Trương mỉm cười nhận thấy mình nóng ruột về nhà để sửa soạn
là vô lý:
- Mình có đồ đạc quái gì đâu mà sửa soạn.
Trương gọi xe đáng lẽ về nhà chàng lại bảo kéo đến phố Thu ở.
Chàng xuống xe để đi bộ ngang qua nhà Thu; thấy cửa sổ nhà Thu không có ánh
đèn. Chàng đoán Thu đi vắng và tức Thu sao lúc đó lại không có ở nhà để chàng
được gặp. Nhưng đến khi đ ngang hàng rào sắt, chàng chậm bước lại hồi hợp vì
nghe có tiếng Thu ở trong vườn cười nô đùa lẫn với tiếng trẻ con:
- Rung giăng rung giẻ đắt trẻ đi chơi, đến ngõ nhà trời…
Chàng đánh diêm hút thuốc lá để lấy cớ ngừng lại và để Thu
chú ý đến; chàng quay nhìn vào vườn nhưng mắt bị chói ánh lửa diêm không trông
rõ gì cả. Tiếng Thu đang nói giữa câu bỗng ngừng bặt:
- Trương biết Thu đã để ý đến mình. Chàng thấy lạ lắm; lúc đó
chàng hồi hộp hơn cả lúc ngỏ tình yêu lần đầu với Thu; chàng thấy lúc đó giống
như lúc ở ấp đưa bức thư cho Thu rồi khi đi chơi về, hai người cách nhau bức
vách cùng đương lặng nghe nhau.
VI.
Trương đứng trên bờ đợi người phu xe đẩy xe lên. Cái cảnh ấy
gợi chàng nghĩ đến hồi còn đi học được ghé thăm quê và cái sung sướng của chàng
mỗi lần qua bến đò sắp về tới nhà. Bà cụ bán hàng nước thấy chàng cất tiếng hỏi:
- Lần này lâu mới thấy cậu về chơi nhà.
Chàng mỉm cười đáp:
- Lâu nay bận lắm. Cụ có chè nóng cho một bát. Nước chè hàng
cọ vẫn ngon như ngày trước đấy chứ?
Chàng không thích uống nước chè tươi lắm nhưng lúc này chàng
muốn uống thử một bát, cho đó là một cái thú quê mùa mộc mạc hợp với cuộc sống
chàng định sống ngày nay. Chàng cầm bát nước uống thong thả, đương uống chàng
ngừng lại để ý tới cái vẻ êm lặng của mặt nước sông. Thu và cuộc đời rối rắm của
chàng trước kia chàng thấy xa xôi không có gì liên lạc với chàng nữa. Chàng thấy
lòng chàng cũng yên lặng như mặt sông và bao nhiêu những tội lỗi xấu xa của đời
cũ như đã gột sạch hết. Trương hoài nghi ngẫm nghĩ:
- Một người như mình có thể còn được hưởng sự sung sướng nữa
không.
Dẫu sao, một nỗi vui rất nhẹ đương âm thầm trong lòng chàng
mà nỗi vui ấy không phải có vì sắp được nhìn thấy mặt Nhan, nỗi vui ấy tự nhiên
đến, không có một duyên cớ gì rõ rệt. Bất giác chàng hơi lo sợ nghĩ đến những
cái vui đột ngột vô cớ hồi chưa khỏi bệnh lao. Nhưng chàng lại vững tâm ngay nhớ
đến câu khôi hài chàng nói với Chuyên khi Chuyên báo tin vết thương trong phổi
của chàng đã thành sẹo, nhiều hứa hẹn và như thế ngay trong lúc gia sản chàng
đã hết sạch và chàng đã chán chường hết cả mọi thứ.
Xe tới cổng nhà bà Thiêm thì trời bắt đầu ngả về chiều: chàng
nhìn qua giậu xương rồng và hơi thất vọng rằng Nhan lúc đó không có ngay ở sân
để tỏ vui mừng khi thấy chàng về. Khi ngồi lên xe chàng ao ước được như thế để
có cái cảm tưởng rõ rệt rằng từ trước đến nay Nhan vẫn chờ đợi chàng.
Bà Thiêm chạy ra có vẻ hơi ngạc nhiên, Trương nhận thấy ngay
nên vội nói:
- Cháu về vì ngày mai là ngày giỗ mẹ cháu.
Chàng đưa mắt tìm xem Nhan có ở trong nhà không, và lo sợ ngẫm
nghĩ:
Chàng không dám hỏi về Nhan, nói qua cho bà Thiêm biết vì cớ
gì chàng không muốn về nhà ông chú nữa; chàng vừa đáp chuyện bà Thiêm vừa đưa mắt
nhìn xem có dấu hiệu gì tỏ rõ rằng Nhan còn ở nhà không.
- Anh đã ăn cơm chưa để bảo em nó làm cơm?
Chàng vui mừng đáp:
- Chưa ạ.
Chàng mỉm cười nghĩ nếu lúc đó bà Thiêm báo tin Nhan đã báo
tin Nhan đã đi lấy chồng, chắc chàng cũng sẽ vui mừng như vậy.
Làm vẻ thân, chàng cất tiếng hỏi to:
- Cô Nhan đâu không ra làm cơm, có quý khách.
- Em nó ra sau vườn tưới rau.
Chàng đứng lên lấy cớ muốn ra xem vườn rau để gặp Nhan.
- Cô Nhan đương làm gì đấy?
Nhan quay qua nhìn mẹ rồi qua Trương, khẽ nói:
- Anh về.
- Vâng, tôi về.
Chàng không để ý đến câu hỏi thản nhiên của Nhan, điều cốt yếu
là nhìn lại Nhan; sau một năm trời cách biệt, chàng thấy Nhan vẫn đẹp như ngày
trước.
Nhan lại cúi xuống tưới rau. Trương sung sướng nhận thấy hai
tay Nhan hơi run run khi nhấc gáo nước lên, và chàng mỉm cười khi thấy Nhan cứ
cầm gáo tưới mãi vào một luống rau cải mới reo đã ướt sũng nước. Bà Thiêm hơi
ngượng thấy con gái mình hững hờ với Trương, một ân nhân mà bà quý trọng.
- Để đấy vào làm cơm cho anh xơi đã.
Nhan bỏ gáo và đứng thẳng lên. Lúc đó nàng mới nhìn Trương
lâu, mỉm cười và thở dài một cái, nói chữa thẹn:
- Gớm mỏi cả lưng… Anh về bao giờ?
- Tôi vừa về xong. Độ này cô được mạnh.
Nàng mỉm cười giọng đùa:
- Nhờ trời cũng khơ khớ.
Nàng mím môi quay mặt ra phía hàng rào như gặp một điều gì cần
phải suy nghĩ. Trương thấy cả người nàng đều tỏ rõ nỗi vui sướng được trông thấy
chàng về. Nhan nói lẩm bẩm một mình:
- Phải đấy… Anh có thích ăn mướp xào không? Mướp hương, thơm
lắm, kia còn mấy quả cuối mùa, đủ anh ăn.
- Nhưng phải để tôi tự hái lấy ăn mới ngon.
Chàng đi ra phía giàn mướp, đứng lại nói to:
- Tôi chẳng nhìn thấy quả nào cả.
Nhan chạy lại. Nàng hiểu ngay ý Trương định nói chuuyện riêng
với nàng không cho bà Thiêm biết vì Trương đứng ngay trước mấy quả mướp, chỉ
còn việc giơ tay ra hái.
Trương thấy bà Thiêm đã trở vào trong nhà; chàng vừa ngắt quả
mướp vừa nói:
- Lần này anh về hẳn với em.
Chàng đưa mắt nhìn Nhan, thấy Nhan vẫn yên lặng. Nhan có vẻ
thẹn, còn chàng, chàng không ngượng ngập gì cả, có lẽ vì Nhan là người con gái
chàng được hôn một lần rồi. Chàng không có cái cảm động bàng hoàng như khi được
thấy đứng gần Thu; cái cảm giác của chàng lúc đó là cái cảm giác đầy đủ và bình
tĩnh của một người chồng đứng gần một người vợ mới cưới lúc nào cũng saÜn sàng
làm chồng vui lòng.
Chàng đi ra phía sau giàn mướp chỗ khuất để định hôn Nhan
ngay lúc đó, nhưng chàng còn e làm Nhan sợ hãi quá. Chàng khẽ nói:
- Nhớ em quá… Tối hôm nay, được không? Anh muốn gặp em, đúng
nửa đêm, em ra vườn.
Đợi một lúc lâu không thấy Nhan nói gì, chàng nhắc lại:
- Được không?
Nhan khẽ gật đầu ngoan ngoãn. Tự nhiên Trương nắm lấy tay
Nhan, rồi kéo Nhan về phía mình. Nhan ngã người theo đà tay của Trương, yên lặng
như bị thôi miên.
Trương nhìn thẳng vào hai mắt Nhan; chàng lắng tai nghe tiêng
nhái kêu ran ở ngoài lũy tre và nhớ đêm hôm về ấp với Thu nửa đêm sực thức dậy
nhìn bàn tay Thu qua khe vách. Một nỗi nhớ tiếc xa xôi cùng đến với tiếng nhái
kêu trong buổi chiều.
Chàng khẽ đẩy Nhan ra, mỉm cười, cố lấy giọng ngọt ngào:
- Hay thôi vậy. Để thong thả. Lỡ ai biết thì nguy.
Chàng sợ không dám vướng víu với Nhan vội. Chàng biết là chưa
quên được Thu và chưa có cớ ngăn cấm chàng lại về với Thu.
- Ít nữa, nếu mình đột nhiên trở về chắc Thu mừng rỡ lắm.
Lòng tự ái của chàng, vẫn cho là Thu còn yêu chàng, và tình
yêu của một người như Thu, chàng thấy quý giá hơn là tình yêu dễ dãi và bình
thường của Nhan. Bức thư sau cùng đã tỏ rõ với Thu rằng chàng cao thượng và nếu
đã có bức thư ấy rồi mà chàng còn cứ cố tìm gặp Thu, như thế lại càng tỏ ra rằng
chàng đã yêu Thu quá lắm, không thể vì một lẽ gì mà quyết định xa Thu mãi được.
Chàng thầm nhủ:
- Anh không đời nào quên được Thu.
Nhan mở to mắt nhìn Trương không hiểu vì cớ gì chàng đổi ý,
nhưng nàng mừng rỡ thấy chính Trương đã ngỏ lời thôi một cuộc gặp gỡ nàng cho
là rất nguy hiểm nhưng lúc nãy cứ phải vâng lời để khỏi làm mếch lòng Trương,
nàng nói:
- Thôi đi vào, anh.
Trương nắm mạnh lấy hai tay Nhan, mắt Nhan lúc đó chàng nhìn
lại thấy đẹp khác thường; chàng cố dìu lòng để cho vẻ đẹp của hai con mắt Nhan
quyến rũ chàng, làm chàng mê đắm và nói với Nhan âu yếm:
- Em không biết anh yêu em đến bực nào.
Chàng đợi Nhan, tha thiết mong Nhan nói lại với chàng một lời
tình tứ. Nhưng Nhan chỉ yên lặng, mím môi, mặt cúi nhìn xuống đất-Hai người đứng
yên một lúc rồi không biết nói câu gì nữa cùng bước trở về nhà.
Khi đi ngang qua một chỗ khuất sau bức tường, Trương thấy
Nhan chậm bước lại đi sát vào người chàng. Trương hồi hộp vì cái thú chờ đợi,
dò đoán một cử chỉ có lẽ rất ý nhị của Nhan. Nhưng chàng thất vọng vì Nhan chỉ
nói:
- Để em làm cơm thật ngon cho anh xơi. Anh mới đi về chắc vừa
mệt vừa đói.
Nói xong, Nhan nhìn Trương, mỉm cười; nàng sung sướng có cái
cảm tưởng như được săn sóc âu yếm đến một người chồng.
Nhất Linh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét