Hành tinh của chúng ta đã tồn tại được khoảng 4.5 tỷ năm. Đó
là một khoảng thời gian dài đầy bận rộn với biết bao bước ngoặt đáng nhớ, từ những
bước nhảy vọt trong tiến hóa cho đến những vụ va chạm thiên thạch với mức độ
tàn phá khủng khiếp. Sau đây là những cột mốc quan trọng nhất trong Lịch sử tiến
hóa của sự sống trên Trái Đất, đã góp phần định hình nên thế giới của chúng ta
hiện nay.
TRÁI ĐẤT ĐƯỢC SINH RA (4.5 tỷ năm trước)
Trái Đất hình thành từ một đám mây bụi và thiên thạch bao
quanh Mặt Trời trẻ tuổi, vừa mới ra đời không lâu trước đó. Nhờ lực hấp dẫn,
các tảng thiên thạch trong tinh vân Mặt Trời này liên tục va đập và tập hợp lại
với nhau. Dần dà, chúng đủ lớn để hút lấy tất cả các mẫu thiên thạch và mảnh vụn
còn sót lại gần đấy để cuối cùng trở thành Trái Đất. Mặt Trăng hẳn đã hình
thành ngay sau đó, khi một thiên thể có kích thước ngang bằng hành tinh đập vào
Trái Đất. Một phần của thiên thể này sáp nhập vào Trái Đất, phần còn lại bắn ra
không trung tạo nên một đám mây mảnh vụn khổng lồ, dần tụ hợp lại thành Mặt
Trăng.
NGUỒN GỐC SỰ SỐNG (4-3.5 tỷ năm trước)
Không ai biết chính xác sự sống bắt đầu khi nào. Các ghi nhận
từ hóa thạch lâu đời nhất của vi sinh vật đơn bào có niên đại khoảng 3.5 tỷ năm
tuổi. Sinh vật đầu tiên có thể đã xuất hiện sớm hơn khi đó, nhưng chắc chắn
không phải liên đại Thái Viễn cổ (Hadean), khi mà những cơn mưa thiên thạch khổng
lồ vẫn còn đang dội bom trên bề mặt Trái Đất. Sự sống có thể đã ươm mầm trong
những miệng núi lửa đầy kiềm dưới đáy biển, hay những vùng nước thoáng, hay
trên đất liền? Chúng ta vẫn chưa rõ, và chúng ta thậm chí còn không biết những
sinh vật đầu tiên trông như thế nào nữa kìa.
QUANG HỢP (3.4 tỷ năm trước)
Mọi sự sống đều cần năng lượng để tồn tại, và nguồn năng lượng
dồi dào nhất cho sự sống trên Trái Đất chính là Mặt Trời. Một số vi sinh vật đã
sớm phát triển một phương thức để khai thác năng lượng từ ánh nắng Mặt Trời,
giúp chúng tổng hợp đường từ các phân tử đơn giản hơn. Quá trình này được gọi
là quang hợp. Nhưng không giống như cây xanh ngày nay, các sinh vật quang hợp đời
đầu này không giải phóng khí oxy như một phế phẩm của quá trình quang hợp.
Nghĩa là bầu khí quyển thời kỳ này hoàn toàn không chứa khí oxy.
HÌNH THÀNH LỤC ĐỊA (3 tỷ năm trước?)
Ngày nay, bề mặt Trái Đất được phân chia thành một vài tá các
mảng địa chất. Một trong số đó đôi khi trượt xuống dưới một mảng khác để sau đó
bị nhấn chìm trong trái tim nóng chảy của hành tinh. Quá trình này được gọi là
kiến tạo mảng, được cho là đã bắt đầu vào khoảng 3 tỷ năm trước. Chỉ khi kiến tạo
mảng đi vào hoạt động thì lục địa đầu tiên, có biệt danh là Ur, mới bắt đầu hiện
hữu.
ĐẠI SỰ KIỆN OXY HÓA/ THẢM HỌA OXY (2.4 tỷ năm trước)
Trong nửa đầu lịch sử Trái đất, hầu như không có bất kỳ phân
tử oxy tự do nào trong không khí. Nhưng sau đó một số vi khuẩn bắt đầu khai
thác năng lượng từ ánh sáng mặt trời để tạo ra đường từ CO2 và nước, tương tự
như cây xanh ngày nay. Những vi khuẩn này thải ra oxy như một phế phẩm, làm oxy
hóa sắt hòa tan và các khoáng chất khác trong đại dương. Sau khi các chất này cạn
kiệt, lượng oxy tự do dư thừa bắt đầu tích tụ trong khí quyển, trở thành tác
nhân khiến hầu hết sinh vật kỵ khí có trên Trái Đất vào thời điểm đó bị xóa sổ.
Ngoài ra lượng oxy này có thể cũng đã khiến toàn bộ hành tinh đóng băng thành một
Quả Địa Tuyết Cầu (Snowball Earth), bằng cách oxy hóa khí nhà kính methane, loại
bỏ chúng ra khỏi bầu khí quyển.
NỘI CỘNG SINH (2-1 tỷ năm trước)
Hầu hết các sinh vật đời đầu là những tế bào đơn giản như vi
khuẩn hiện đại, nhưng một trong số chúng trở nên phức tạp hơn rất nhiều. Những
sinh vật nhân thực này đã phát triển rất nhiều đồ nghề chuyên dụng trong tế bào
của chúng. Chúng cũng tìm được một nguồn năng lượng mới: ti thể - là cái vật thể
trông như xúc xích kia ấy. Ti thể từng là vi khuẩn sống tự do, nhưng sau đó được
hấp thu trong một quá trình gọi là nội cộng sinh. Một sự kiện tương tự cũng diễn
ra đối với lục lạp. Có thể nói mọi động vật và thực vật bạn đã từng thấy qua
ngày nay đều là sinh vật nhân thực.
SINH SẢN HỮU TÍNH (1.2 tỷ năm trước?)
Những ghi nhận trên các mẫu hóa thạch có niên đại từ 1.8 tỷ đến
800 triệu năm trước có bề ngoài trông có vẻ chán ngắt - đến nỗi thời kỳ này được
gọi là Tỷ năm Tẻ nhạt (Boring Billion). Nhưng nếu nhìn kỹ hơn vào bên trong sẽ
thấy có rất nhiều thứ đã xảy ra. Một trong số đó là sinh sản hữu tính. Vẫn chưa
có lời giải thích rõ ràng tại sao, hoặc khi nào, một số sinh vật bắt đầu giao
phối, trao đổi thông tin di truyền cho nhau thay vì chỉ đơn giản phân chia làm
hai như trước. Nhưng nó chắc hẳn đã diễn ra cách đây khoảng 1.2 tỷ năm: ghi nhận
từ những hóa thạch của tảo đỏ ở thời điểm đó cho thấy chúng rõ ràng đã hình
thành những tế bào giới tính chuyên biệt, chẳng hạn như bào tử.
SỰ SỐNG ĐA BÀO (1 tỷ năm trước?)
Lần đầu tiên trong lịch sử, sự sống không chỉ được tạo thành
từ các tế bào đơn lẻ. Giờ đây các tế bào đang hợp lại để tạo thành các sinh vật
lớn hơn với những trang bị mới mẻ như miệng, chi và các cơ quan thụ cảm. Thật
khó để nói điều này xảy ra vào khi nào: ghi nhận từ những hóa thạch của các
sinh vật có kích cỡ lớn hơn một đơn vị có niên đại lên đến 2.1 tỷ năm, nhưng
chúng chỉ đơn giản là các tập đoàn vi khuẩn, còn gọi là khuẩn lạc. Các nhóm
sinh vật khác nhau có thể đã tiến hóa trở thành đa bào một cách độc lập, và thực
vật đã thành công trong tiến hóa đa bào trước so với động vật.
QUẢ TUYẾT CẦU (850-635 triệu năm trước)
Trong giai đoạn khoảng 200 triệu năm này, Trái Đất đã hai lần
hóa thành một quả cầu tuyết. Băng có thể đã bao phủ khắp mọi nơi, từ địa cực
cho đến xích đạo. Trong đó, giai đoạn Tuyết Cầu thứ hai có thể đã xúc tiến quá
trình tiến hóa, làm xuất hiện các loài động vật phức tạp đầu tiên. Những sinh vật
phức tạp đời đầu, những thứ có hình dạng ống sắp xếp theo kiểu lá lược kỳ lạ được
gọi là Ediacaran biota, đã xuất hiện ngay sau thời kỳ này.
BÙNG NỔ KỶ CAMBRI (535 triệu năm trước)
Ngay sau khi động vật bắt đầu tiến hóa, lịch sử tiến hóa trải
qua hai nhịp tăng trưởng trọng đại. Trong vòng vài chục triệu năm, sự kiện Bùng
nổ kỷ Cambri đã làm phát sinh dường như hầu hết các nhóm động vật hiện đại. Một
phần của vụ bùng nổ không thể chối cãi này có thể có thể đã lắng xuống tạo nên
những mẫu hóa thạch chất lượng hơn, bởi những loài động vật khi này đã có lớp vỏ
cứng. Sau đó vào 489 triệu năm trước, mỗi nhóm động vật đã có thêm những bước
nhảy tiến hóa nhờ vào Đại sự kiện Đa dạng sinh học kỷ Ordovic.
Mặc dù một số động vật đã mạo hiểm tiến lên đất liền trước thực
vật, cách đây khoảng 500 triệu năm, nhưng chúng chỉ ghé thăm một thời gian ngắn
- có lẽ để đẻ trứng ở một nơi không có kẻ săn mồi. Nhưng thực vật mới là kẻ đầu
tiên chính thức xâm chiếm đất liền làm nơi cư ngụ. Ban đầu những loài thực vật
đời đầu có mặt trên đất liền chỉ có họ hàng của tảo lục, nhưng sau đó chúng đã
nhanh chóng đa dạng hóa các chủng loài.
CUỘC ĐẠI TUYỆT CHỦNG ĐẦU TIÊN (460-430 triệu năm trước)
Kỷ Ordovic là thời điểm sự sống phát triển hưng thịnh. Nhưng
đến cuối kỷ, nhiệt độ thế giới giảm đi đáng kể và những tầng băng bắt đầu trải
rộng ra từ các cực. Kỷ băng hà diễn ra sau đó được gọi là Andean-Saharan, do những
bằng chứng địa chất của nó được tìm thấy từ dãy núi Andes và sa mạc Sahara. Tiết
trời lạnh giá cực độ của kỷ băng hà dẫn đến cuộc đại tuyệt chủng đầu tiên, xảy
ra vào giai đoạn chuyển giao Cambrian-Ordovician. Đây được đánh giá là cuộc đại
tuyệt chủng lớn thứ hai trong lịch sử Trái Đất nếu đánh giá theo tỉ lệ số loài
bị tiêu diệt: 85% các loài sinh vật biển bị xóa sổ; do hầu hết sự sống khi này
vẫn còn bị bó hẹp lại ở biển. Động vật không xương sống chiếm phần đông trong số
đó, và điều này giúp cá trở thành loài phổ biến hơn sau giai đoạn này.
ĐỘNG VẬT TRƯỜN LÊN ĐẤT LIỀN (400-375 triệu năm trước)
Với những nền tảng vững chắc mà thực vật đã thiết lập trên đất
liền, động vật đã tiếp bước chúng trườn lên khỏi nước. Côn trùng nằm trong số
những sinh vật tiên phong, đã tiến vào xâm chiếm đất liền vào khoảng 400 triệu
năm trước. Như một quy luật của chuỗi thức ăn, những loài động vật to lớn, có
xương sống như Tiktaalik - một con cá trông hơi giống một con kỳ nhông - đã
theo dấu côn trùng, tìm đường tiến lên đất liền. Những loài cá vây thùy như
Tiktaalik dần dà tiến hóa bộ vây của chúng thành bốn chi và làm phát sinh các
loài lưỡng cư, bò sát và động vật có vú sau này. Trườn khỏi nước tiến lên đất
liền có thể là một điều tốt cho chúng, bởi ngay sau đó Sự kiện tuyệt chủng cuối
kỷ Devon đã xóa sổ nhiều loài động vật biển, bao gồm một số loài cá bọc thép
đáng sợ, ví dụ như Placodermi.
BÌNH MINH CỦA LOÀI BÒ SÁT (320 triệu năm trước)
Vào thời điểm những con bò sát đầu tiên xuất hiện, Trái Đất
đang phải hứng chịu một thời kỳ giá lạnh dài kéo dài gọi là Kỷ băng hà cuối Đại
Cổ sinh. Loài bò sát khi ấy tiến hóa lên từ những loài lưỡng cư trông như sa
giông ngày nay. Nhưng không giống như tổ tiên của chúng, làn da của chúng có lớp
vảy cứng rắn, và trứng của chúng cũng được bao bọc bởi một lớp vỏ cứng, nhờ đó
chúng không cần đến môi trường nước để đẻ trứng nữa. Những lợi thế này giúp
chúng nhanh chóng trở thành loài động vật thống trị trên cạn. Nổi bật nhất
trong số đó là Dimetrodon, một sinh vật nửa bò sát nửa thú dài tới 4.5m. Và đừng
nhầm lẫn nhé, sinh vật này không phải khủng long đâu!
SIÊU LỤC ĐỊA PANGAEA (300 triệu năm trước)
Tính đến thời điểm hiện tại, đây là lần cuối cùng tất cả các
lục địa của Trái Đất hợp lại với nhau để tạo thành một siêu lục địa khổng lồ.
Siêu lục địa Pangaea được bao quanh bởi một đại dương trải dài khắp thế giới gọi
là Panthalassa. Pangaea tồn tại như thế cho đến 175 triệu năm trước, khi nó bắt
đầu quá trình chia tách ra kéo dài hàng chục triệu năm. Những tàn dư vỡ nát của
nó trở thành các lục địa mà ta biết ngày nay.
Vào thời điểm các loài bò sát đang phát triển hưng thịnh, sự
sống trên Trái đất đã phải đối mặt với thách thức lớn nhất từ trước đến nay. Đại
tuyệt chủng kỷ Permi là sự kiện tuyệt chủng hàng loạt khủng khiếp nhất trong lịch
sử Trái Đất. Nó đã tiêu diệt hoàn toàn 96% số loài sinh vật biển và số lượng
tương tự như thế đối với các loài sống trên cạn. Chúng ta không biết chắc điều
gì đã gây ra thảm họa này. Khả năng cao rất có thể là do những đợt phun trào
núi lửa khổng lồ, thứ đã tạo nên những Bẫy đá Siberia (Siberian Traps) hiện vẫn
còn tồn tại cho đến ngày nay. Sự kiện này chính là cột mốc đánh dấu cho sự bắt
đầu của thời đại khủng long.
ĐỘNG VẬT CÓ VÚ ĐẦU TIÊN (220 triệu năm trước)
Cùng lúc các loài khủng long đang trở nên ngày càng phổ biến
và đa dạng, các loài động vật có vú đầu tiên cũng bắt đầu tiến hóa. Tổ tiên của
chúng là một loài bò sát được gọi là Cynodont - có khuôn mặt trông giống như
loài chó và có thể đã phát triển bộ lông hoặc các bộ ria. Những động vật có vú
đời đầu như Morganucodon có kích thước nhỏ, trông giống như chuột chù, và có lẽ
chỉ hoạt động về đêm. Điều này có thể đã thúc đẩy chúng tiến hóa thành máu
nóng: khả năng điều hòa thân nhiệt, giúp duy trì nhiệt độ cơ thể của chúng ở một
giới hạn nhất định, ngay cả khi nhiệt độ môi trường xung quanh chênh lệch lớn với
nhiệt độ cơ thể của nó.
ĐẠI TUYỆT CHỦNG KỶ TRIAS (201 triệu năm trước)
Các loài khủng long lúc này đang ở thời kỳ phát triển hưng thịnh
trên đất liền, còn loài bò sát khổng lồ Ichthyosaur trở thành chúa tể dưới biển
cả, thì một thảm họa khác xảy ra. Chúng ta không chắc nguyên nhân gây ra Sự kiện
tuyệt chủng kỷ Trias là gì, nhưng nó đã quét sạch khoảng 80% giống loài khi đó.
Như một hệ quả, loài khủng long như được tháo gỡ xiềng xích, trở thành loài động
vật thống trị trên cạn, và thậm chí đạt đến kích cỡ khổng lồ. Trong đó chủng
loài to lớn nhất là Dreadnoughtus schrani, được biết đến với cân nặng khoảng 59
tấn.
NHỮNG ĐÔI CÁNH ĐẦU TIÊN (160 triệu năm trước)
Loài chim hiện đại về cơ bản tiến hóa lên từ khủng long lông
vũ Velociraptor với mỏ thay vì mõm và đôi cánh thay vì cánh tay. Loài chim đời
đầu nổi tiếng nhất là Archaeopteryx, sống vào khoảng 150 triệu năm trước. Nhưng
trong những năm gần đây, những hóa thạch cổ hơn đôi chút, chẳng hạn như
Xiaotingia và Aurornis, đã được tìm thấy ở Trung Quốc.
CUỘC CÁCH MẠNG THỰC VẬT (130 triệu năm trước)
Nghe có thể hơi lạ lẫm, nhưng những đóa hoa là một tạo tác gần
đây. Các loài thực vật đã phát triển trên cạn trong 465 triệu năm, nhưng chúng
không hề có hoa trong hơn hai phần ba thời gian đó. Thực vật có hoa chỉ xuất hiện
vào giữa thời đại khủng long. Những loài cây thân cỏ quen thuộc còn xuất hiện gần
đây hơn nữa. Những hóa thạch cổ nhất của loài cây thân cỏ chỉ có niên đại khoảng
70 triệu năm tuổi, mặc dù cây thân cỏ có thể đã tiến hóa sớm hơn một chút so với
thời điểm đó.
Một sự kiện gây chấn động địa cầu theo đúng nghĩa đen đã gây
nên cuộc đại tuyệt chủng thứ năm này. Khoảng 65 triệu năm trước, một thiên thạch
khổng lồ từ ngoài vũ trụ đập vào khu vực thuộc Mexico hiện nay. Vụ nổ gây ra sự
tàn phá rất lớn, nhưng những ảnh hưởng dài hạn nó gây ra sau đó còn tồi tệ hơn.
Các đám mây bụi được giải phóng vào tầng khí quyển phía trên và chặn ánh sáng mặt
trời, khiến Trái Đất chìm trong bóng tối và lạnh lẽo, và đẩy mọi loài vật đi đến
sự kiện tuyệt chủng hàng loạt thứ năm. Mặc dù loài khủng long là nạn nhân nổi
tiếng nhất, nhưng các loài thằn lằn và loài bò sát biển khổng lồ cũng đã phải
chịu chung cảnh xóa sổ.
LOÀI LINH TRƯỞNG ĐẦU TIÊN (60-55 triệu năm trước)
Gần như ngay lập tức sau khi những con khủng long bị xóa sổ,
động vật có vú đã tiến hóa khả năng nuôi dưỡng đứa trẻ ngay bên trong tử cung của
chúng bằng cách sử dụng nhau thai - một cơ chế giống hệt như những gì loài người
hiện đại đang sử dụng. Chẳng mấy chốc, một số loài động vật có vú nhau thai
(Placentalia) này đã tiến hóa thành những loài linh trưởng đầu tiên. Những loài
vật này cuối cùng sẽ làm phát sinh khỉ, vượn và con người. Tuy nhiên những sinh
vật đời đầu này rất bé nhỏ. Bộ xương linh trưởng cổ nhất được biết đến là loài
Archicebus achilles, sinh sống trong những khu rừng nhiệt đới nóng ẩm của châu
Á, có trọng lượng không quá 30 gram.
QUANG HỢP C4 (32-25 triệu năm trước)
Các loài thực vật đã sử dụng quá trình quang hợp để khai thác
ánh sáng mặt trời tổng hợp nên đường trong hàng trăm triệu năm. Nhưng gần đây,
một số loài thực vật đã tìm ra cách tốt hơn để làm điều đó. Quang hợp C4 hiệu
quả hơn nhiều so với quá trình quang hợp thông thường, cho phép thực vật C4 đối
phó với các điều kiện khắc nghiệt hơn hẳn. Ngày nay, các nhà khoa học đang cố gắng
chế tạo giống gạo sử dụng quang hợp C4 để giúp nuôi sống dân số đang ngày càng
gia tăng.
HỌ NGƯỜI ĐẦU TIÊN (13-7 triệu năm trước)
Những con vượn đầu tiên xuất hiện ở châu Phi vào khoảng 25
triệu năm trước. Sau đó tại một số thời điểm, chúng phân hóa thành tổ tiên của
loài người hiện đại và tổ tiên của loài vượn hiện đại. Thật khó để nói chính
xác họ người đầu tiên xuất hiện khi nào, nhưng nhờ di truyền học hiện đại và một
loạt các khám phá trong khảo cổ học, chúng ta biết được họ người có niên đại
lâu đời nhất là Sahelanthropus tchadensis, sinh sống vào khoảng 7 triệu năm trước.
HOMO SAPIENS (200 000 năm trước)
Chủng loài chúng ta, Homo sapiens, là một chủng loài vô cùng
trẻ tuổi. Chúng ta chỉ mới tồn tại trong 200 000 năm gần đây. Nhưng trong khoảng
thời gian ngắn ngủi đó, chúng ta đã để lại dấu chân của mình khắp mọi nơi, từ
cái nôi châu Phi của chúng ta cho đến mọi lục địa khác trên thế giới, và thậm
chí cả không gian vũ trụ bên ngoài. Các hoạt động của chúng ta rồi sẽ đẩy thế
giới vào cuộc đại tuyệt chủng thứ sáu và đẩy mạnh sự kiện biến đổi khí hậu đến
một tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử Trái Đất. Dẫu vậy, chúng
ta dù sao cũng là loài duy nhất nuôi hy vọng nắm rõ ngọn ngành chiều dài lịch sử
của tất cả những gì đã và đang diễn ra trên Trái Đất.
Nguồn: SPIDERUM.COM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét